Thầy: Tại sao Lòng Bi không khởi lên liên tục được?

VT: dạ thưa Thầy, do mình quy chiếu về mình quá nhiều nên vừa khởi lên là mất Lòng Bi liền.

Thầy: Đơn giản là Lòng Bi chống lại cái tôi của mình, nó làm cho bể cái tôi của mình ra, cái tôi và cái của tôi, cái đó nó luôn bó buộc mình, thành ra nếu chúng ta có Lòng Bi sẽ làm rạn nứt cái đó ra, nhiều khi có lúc mình chịu không nổi. Cũng như mình quán Vô Ngã, có lúc nào đó mình chịu không nổi, mình phải rút ra thôi, phải xả thiền thôi. Cái tôi và cái của tôi chống lại.

Thành ra mình để ý tại sao dịch chữ Lòng Bi là thương xót, "Thương" tại sao có chữ "xót" vô? Xót là mình xót chứ ai xót, rồi mình không chịu được cái xót này, cho nên mình mới buông nó ra. Thành ra Lòng Bi là cái để mình tu hành, làm vỡ tan cái tôi và cái của tôi ra, và nó rất khó là bởi vì khi nó bắt đầu rạn nứt là mình chịu không nổi, thành ra tại sao Lòng Bi chỉ giữ được trong phút chốc vậy thôi, bởi vì giữ lâu cái tôi nó sẽ chết.

Bên Thiên chúa giáo, khi Chúa bị đóng đinh, đó là đóng đinh cái tôi, cho tới khi nó chết. Sau khi chết thì nó phục sinh lại, đó là một cái gì mới, là Phật Tánh hay cái gì đó. Thành ra mình phải để ý vậy đó, khó mà có Lòng Bi lắm, mình nói thì dễ lắm, nhưng thực tế thì mình không chịu nỗi Lòng Bi, không giữ được Lòng Bi trong thời gian lâu. Bởi vì đơn giản là Lòng Bi sẽ phá cái tôi và cái của tôi ra, phải không?

Không cần thiền định về Vô Ngã vô gì hết, không cần tánh Không gì hết, anh ôm giữ được Lòng Bi thì nó sẽ phá vỡ cái tôi và cái của tôi ra. Như Trường nói có cái lý của Trường, Lòng Bi nó chỉ là thoáng qua, giả giả vậy thôi, nó không thật, bởi vì thật thì phải ôm lấy nó và nó làm bể cái tôi và cái của tôi, tháo tung ra, bể tan ra, phải không? Bên Thiên Chúa Giáo, trái tim của Chúa có vẽ vòng gai ở xung quanh. Nếu thật sự anh có Lòng Bi thì anh sẽ thấy đau đớn.

Trong tiếng Anh chữ "compassion" là Lòng Bi, passion có nghĩa là sự đau khổ, mà bên Thiên Chúa Giáo dịch là thương khó. “Cùng” có nghĩa là cùng đau khổ với người ta, mà cùng đau khổ thì khó chịu lắm. Chính sự đau khổ đó mới rửa tội cho mình, nó mới tịnh hóa mình được. "Tịnh hóa" là sao? là mất cái tôi và cái của tôi đi. Mình nói chơi chơi yêu thương vậy thôi, chứ thật sự yêu thương khó lắm, bởi vì cái tôi của mình không cho phép ôm một đám gai như vậy được. Lòng Bi là sự đau xót, xót là sự đau xót chứ gì nữa, phải không? Tại sao xót, người kia xót không? đối tượng mình có Lòng Bi không xót mà mình lại xót, bởi vì Lòng Bi là một phương tiện rất lớn, bên cạnh tánh Không cũng là phương tiện rất lớn, tánh Không và Lòng Bi là phương tiện để phá cái tôi và cái của tôi. Thương xót là vậy, mình thương ai là tự nhiên thấy xót, Lòng Bi phải dịch là thương xót, lòng Từ là thương yêu, tại sao đau? bởi vì cái Tôi của mình nó đau.

Thầy thông cảm với Trường lắm, khi Thầy khởi lên Lòng Bi thì một chặp trong ngực mình thấy đau, thành ra mình phải bỏ nó, thành ra phải bỏ thôi. Một vị Bồ Tát cần có Từ Bi và Trí Huệ, Lòng Bi đó cũng như Trí Huệ nó phá cái tôi và cái của tôi, mà muốn phá vỡ nó thì phải đau đớn.

Mình cứ khởi Lòng Bi thật sự một chút thôi, mình sẽ thấy trong ngực mình nó đau lắm, hầu như mình chịu không nổi, không biết cảm xúc Thầy có bình thường hay không, nhưng mà Thầy thấy Lòng Bi làm mình đau đớn. Ngài Trungpa có nói Lòng Bi là một vết thương, đại Bi là một vết thương lớn, tại đây Thầy diễn tả thêm nữa là: Lòng Bi là một vết thương, mà vết thương đó lớn hơn nữa nó có thể ôm trùm cả chúng sanh thì đó là Đại Bi, vết thương đó lớn đến mức nó đồng với tánh Không, phải không?

Có Bốn vô lượng tâm là Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, Xả vô lượng. Cái tâm Bi sẽ đạt đến vô lượng, khi nó vô lượng thì nó phá tung cái tôi mình ra, còn không thôi dễ gì mình phá được, thiền định chơi chơi vậy. Thiền hì hục còn chưa ăn thua gì mà nói gì thiền cỡ như mình mà phá được.

Lòng Bi làm cho mình xót, mình để ý coi ai xót, thằng kia nó đau sẵn rồi, mình cảm thấy xót, mình suy nghĩ thêm tại sao xót, vì cái tôi của mình bị công phá, bị rạn nứt, muốn bể ra thành ra nó đau xót.

Mình nói tình thương xót rất là dễ, nhưng mà anh ôm nó thử coi, mới thấy là nó rất khó chịu, y như Chúa bị đóng đinh vậy. Mà nếu anh dám duy trì Lòng Bi, nhẫn với Lòng Bi, chịu đựng chỗ này, thì cái tôi và cái của tôi sẽ bể ra, đơn giản vậy thôi. Trong Phật giáo, pháp môn nào cũng đưa tới kết quả cuối cùng hết, là Vô Ngã (không có cái tôi) và Vô Pháp (không có đối tượng của cái tôi). Thành ra mình cứ thí nghiệm cái tôi mình ra sao là mình biết liền, nó còn nặng nề trong này lắm, thành ra mình khởi Lòng Bi lên, khởi lòng thương xót là mình thấy mình đau lắm, và mình chịu không nổi, kéo dài không nổi. Theo Trường, Thầy nói vậy có đúng không?

Đối với Tây Phương, họ xem sự đau đớn đó là sự rửa tội, sự tịnh hóa, bởi vì nó sẽ bứt khỏi cái tôi và cái của tôi. Chẳng có dơ gì trong này hết, chỉ có cái tôi và cái của tôi đựng những đồ dơ trong đó, bứt nó ra chính là tịnh hóa, là rửa tội. Văn hóa Tây Phương có chữ "thanh tẩy", nó là một sự thanh tẩy, anh mà thanh tẩy kỳ cọ nửa tiếng thôi là đau lắm rồi, tẩy rửa là nó đau lắm, bởi vì mình đã ôm chặt quá, bây giờ kéo nó ra, mở nó ra khó lắm, nhưng mà đó là một pháp môn để mình phá được cái tôi và cái của tôi, còn thiền định của mình cũng có ích lợi.

Mình phải thí nghiệm những pháp môn, chỗ nào mình thấy khó chịu, rờ rờ miết mà mình thấy đau thì bệnh chính là chỗ đó, mình tự thí nghiệm mình thôi, khi mình đau thì mình đè đè chỗ nào đó mà nó đau thì biết cái trói buộc của mình nằm ở đó. Thành ra Lòng Bi là một phương pháp để tu hành, nó đưa đến nền tảng Phật giáo là không có Ngã, không có Pháp. Lòng Bi là cái để đạt đến đó. Nhưng mà theo Thầy mình phải sử dụng nhiều pháp môn thay đổi nhau, ví dụ như mình quán Tánh Không tới lúc nào đó nó mệt mỏi lắm, bởi vì phá nó không dễ phá đâu, khi đó mình dùng Lòng Bi phá nó. Rồi có hỏi gì nữa không?