Thầy Giảng Trong 45 Phút Cuối
Người thuyết trình: VH và Ph.T
Chủ nhật, ngày 1/8/2021
Người đánh máy: Linh
Thầy: Rồi bây giờ, hai vị thuyết trình có hỏi gì Thầy không? Hỏi câu gì đó, “Làm Sao Sống Cho Hạnh Phúc”. Bây giờ mời hai vị thuyết trình:
VH: Dạ vâng thưa Thầy, vừa rồi chị H có đề cập đến những vấn đề rằng là ‘Đời Và Đạo Là Một, Đời Và Đạo Không Hai’. Và vì vậy, đấy là phương thức để mà gọi là hiện thực hóa các sự tu học về Đạo Pháp, tu học về Phật Pháp. Một trong những điểm tiên quyết là họ phải tin, hiểu, sâu hơn nữa là thực chứng Đời Và Đạo Không Hai. Và khi đã thực chứng cái chuyện đó rồi, thì con hoàn toàn nhất trí với ý kiến như vừa rồi của chị H, nhưng con chỉ đặt ra một vấn đề, theo con là khó khăn hơn. Ở đây giả sử mình muốn, quả thực sự mình thấy điều đấy, thực chứng điều đấy một phần, thì đúng với bản thân mình Đời Và Đạo Không Hai, nhưng đối với những người xung quanh mình, những người không có cùng một tầm nhìn như thế, không có cùng một cái thấy như thế, không có cùng một nhận thức như vậy, thì đối với họ đời vẫn là đời, đạo vẫn là đạo.
Con xin phép được nêu một ví dụ cụ thể chẳng hạn như hiện nay thì chúng con đang làm việc ở nhà, chứ không đến được cơ quan làm việc. Thì bố con thì cũng nhận định cách rõ ràng đó là khi nào đang ngồi trên máy tính đang gõ gõ gõ làm các việc, thì đấy là làm việc, thế thì lúc nào ngồi chơi thơ thẩn hoặc là ngồi đọc sách ấy thì lúc ấy gọi là không làm việc. Thế thì, ở trong cái chuyện tâm thức của mình cho rằng đọc sách với cả đang ngồi chơi trên máy tính là làm việc thì việc đấy là việc của mình thôi, thế thì người xung quanh người ta cũng thấy như thế. Người ta cũng thấy đời là đời, đạo là đạo và bây giờ thì làm thế nào để giải quyết được vấn đề khó khăn hơn như thế nữa. Dạ vâng, con xin hết ạ!
Thầy: Thầy nghĩ thì ờ mình có tin nổi cái đó hay không? Nếu như mình tin thôi, khoan nói tới cái chuyện mình kinh nghiệm, mình thể nghiệm cái đó. Tùy theo cái tin, cái kinh nghiệm, cái thể nghiệm của mình bao nhiêu, thì là mình sẽ nói cho người ta được thôi. Thành ra mình phải thực hành để mà mình hiện thực hóa cái niềm tin của mình, để cho cái thấy của mình có thể truyền qua được cho một người khác. Đơn giản, Thầy thấy vậy đó ở đời chỉ cần tin thôi, mình nói người ta cũng sẽ tin à, còn mình không tin mình nói người ta không tin, thành ra ăn thua là cái bản lãnh hay không, là do mình. Do cuộc đời mình có hiện thực hóa được tất cả những cái ý tưởng của mình, những cái ý tưởng, những cái lý tưởng của mình ra hay không?
Ví dụ đơn giản Thầy nói đơn giản như bà Má của Thầy chẳng hạn. Bà… Thầy nói bà… là bà lo chuẩn bị đi, rồi lo niệm Phật đi. Bà không muốn niệm Phật. Mình nói ... mình nói ... bà .. bà không muốn niệm Phật, thì cuối cùng là kẹt lắm thì Thầy nói khi chết, Má chỉ nghĩ tới con thôi là đủ rồi. Nếu quả thật mình có đủ một cái năng lực như vậy, thì vậy là đủ rồi. Và Thầy thấy quả thiệt là khi bà ra đi cũng nhẹ nhàng và trong nội cái ngày đầu đó, có lẽ là bà đã ra đi rồi, chứ không cần những là thất hay...gì hết.
Thì Thầy thấy quan trọng nhất, là cái đời sống mình phải thật, thì mình nói người ta mới tin, phải không? Về kinh tế, về xã hội, về bất kì cái gì, mình cũng phải thật thì mình nói người ta mới tin. Còn nếu như mình không thật, mình lý thuyết nhiều quá thì người ta không tin, vậy thôi. Bây giờ cụ thể ở đây, Thầy thấy ví dụ nếu như ‘nói’, Thầy đã nói mấy người ngoài Hà Nội nói hay lắm như PT nói hay, VH nói hay, anh Dnói hay, nhưng mà ít người tin. Cái người tin mình, ảnh hưởng người ta ít lắm. Còn Thầy nói rất đơn giản, nhưng mà người ta tin Thầy nhiều, không phải vì Thầy cạo đầu hay vì Thầy mặc áo vô đâu, phải không?
Thành ra mình phải sống thực cái đó, thì mình mới truyền ra được. Còn mình không có sống thực, nói thẳng ra là qua tu hành, qua những kinh nghiệm, qua những chứng ngộ, chứng ngộ nó có cái năng lực của nó, để truyền đi, truyền ra, chứ nó không phải chỉ có là nói thôi đâu, nói nhưng mà nó phải có cái năng lực trong đó, phải không?
Thì cụ thể như … đơn giản một điều thôi là bữa đó VH vô đây, VH nói ‘khi mà ngồi mà nghe Thầy nói trực tiếp, thì thấy nó mạnh hơn là qua máy móc dữ lắm’, phải không? Thì quan trọng nhất là mình phải sống sao cho nó có cái năng lực.
Thầy thấy vậy đó, tất cả những vị truyền đạo, giảng đạo, dầu bất kỳ tôn giáo nào, Thầy không biết, nhưng mà có cái vấn đề là họ có một cái niềm tin và cái niềm tin đó nó truyền ra được, làm cho người ta tin, phải không? Bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy thôi. Thì vấn đề làm sao anh hiện thực hóa, hiện thực hóa cái đạo, hiện thực hóa bằng những thực hành của mình và mình cũng phải hiện thực hóa luôn cả chuyện mà làm cho người ta tin nữa. Bởi vì, tin nó phải có năng lực, phải không?
Ví dụ như bây giờ đơn giản mình thấy vậy đó, mình nhắm mắt lại, mình tưởng tượng người đó, nghĩ tới người đó thì mình thấy họ ấn tượng với mình nhiều là biết đó năng lực họ nhiều hơn, năng lực họ mạnh. Còn mình nghĩ tới nhân vật đó mà mình thấy sao mờ mờ, nhạt nhạt thì chứng tỏ họ … họ đang còn yếu, phải không?
Thầy thấy những cái Đại hội điện ảnh thế giới chẳng hạn. Mình thấy những người mà đoạt giải Oscar hay là gì gì đó. Họ cũng đâu có đẹp đẽ gì đâu. Nhưng mà rõ ràng là khi họ xuất hiện trước khán đài, có những người khác rất là đẹp, đủ thứ hết nhưng họ bao giờ cũng nổi bật lên. Bởi vì sao? Bởi vì cái năng lực tâm thức của họ mạnh và chính cái đó mới đưa họ lên làm thành cái tài năng về cái đó được.
Mình để ý coi, những người nào năng lực mạnh thì nó sẽ nổi bật lên và ảnh hưởng nó lớn. Cho nên cái vấn đề là làm sao để cho người ta tin, thì đó là do năng lực của mình. Mình tin ít, thì mình làm cho người ta khó tin, mình tin nhiều thì có thể làm cho người ta bắt đầu tin và mình có một năng lực của cái sự thực hành nữa thì làm cho người ta tin thôi, làm cho người ta phải theo mình. Tất cả những người mà được người khác theo mình đều những người có năng lực mạnh hết. Bởi vì họ sống mạnh mẽ, đơn giản vậy thôi. VH có đồng ý với chuyện đó không?
VH: Dạ!
Thầy: Bởi vì cái đạo, cái sự đó không phải là lý thuyết, mà là một cái sống, một lối sống càng mạnh mẽ chừng nào, thiền định mình càng mạnh mẽ chừng nào, trí huệ mình càng mạnh mẽ chừng nào, thì mình càng ảnh hưởng tới người ta chừng đó.
Chứ cái sự ảnh hưởng đó, bây giờ đời dạy là muốn ảnh hưởng người khác, thì có những kỹ năng gì…, kỹ năng gì…, nhưng mà đối với Phật giáo là, hay là đối với các tôn giáo là kỹ năng số một là chính mình sống ở trong cái nền tảng đó sâu hay cạn. Nếu sâu thì cái kỹ năng của mình nó mạnh lắm. Bởi vậy, cho nên trong Phật giáo nó biện tài vô ngại là vậy đó, là một cái sự hùng biện mà nó vô ngại. Bởi vì họ sống sâu trong đó, sống sâu trong tánh Không, họ xoay trở rất lẹ, cái gì họ cũng nhanh hết và thấy có vẻ như họ thông minh hơn mình đó. Họ phản ứng nhanh lắm, ví dụ như ông Suzuki trong một bữa tụ họp cùng những nhà Phân tâm học của thế giới, làm họp bàn về thiền và phân tâm học, trong khi mà những cái vị đó nói dài dòng quá, nhiều khi cái ông nhắm mắt, ông lim dim, lim dim vậy đó. Lim dim giống ngủ vậy đó, nhưng mà thình lình gió thổi bay tờ giấy, thì người ta thấy ông vội vàng chụp lại liền. Trong khi mấy vị kia lại chụp không được.
Thầy thấy nhiều khi mình cầm đũa nó cũng rớt chứ hoặc là gắp một cái gì .. hoặc là cầm một cái gì đó nó rớt chứ, nhưng mà Thầy chụp lại rất nhanh. Thầy ít khi để một cái gì đó rớt xuống đất lắm. Mà vì sao, bởi vì gọi là cái nền tảng nó phải thực, nó biểu lộ nơi cái thân mình đó. Cái phản ứng của mình rất là nhanh, nó biểu lộ ra cái ngôn ngữ của mình. Ngôn ngữ của mình nó mang tính chất hùng biện nhiều lắm và nó gọi là cái biện tài vô ngại đó, và trong tâm mình nó cũng phải như vậy.
Thành ra cái hiện thực hóa là những hiện thực hóa mấy cái đó đó. Theo Thầy nghĩ, hiện thực hóa là hiện thực hóa cái nguyện của mình, hiện thực hóa những kinh nghiệm của mình, là hiện thực hóa để mà mình càng ngày càng mạnh mẽ ra và cái mạnh mẽ theo cái sức hút của mình càng nhiều thôi. Sức hút của mình nó sẽ càng ngày càng nhiều. Bởi vì, mình càng hiện thực hóa bao nhiêu thì là cái năng lượng mình nó càng mạnh bấy nhiêu. Và càng mạnh thì người ta hút nhau bởi vì là cái năng lực, năng lượng của họ mạnh.
Mình phải hiện thực hóa và mình càng phải hiện thực hóa bao nhiêu, thì những cái đó không phải là những khái niệm, những ý niệm mà nó là sự thật. Nó cụ thể hóa ra, Niết Bàn là gì mình phải cụ thể hóa nó ra trong đời sống hàng ngày, phải không? Tánh không là gì? Mình phải hiện thực hóa, phải cụ thể hóa nó ra trong đời sống hàng ngày, trong ăn, uống, đi đứng, cơm nước, trong đủ mọi thứ. Cũng như cái chữ của Tây Phương đó, thấy thì thấy vậy đó chứ mình không bao giờ mình hiểu … hiểu nổi nó hết. Ví dụ như chữ “tự do” là gì? Phải không? Tâm của mình nó bị nhiều khái niệm đó nó chặn đứng nhiều lắm. Thành ra nó loanh quanh, luẩn quẩn vậy chứ nó không có tự do. Còn mình thấy tự do là một người sao? Họ thoải mái lắm, phải không? ít ra trong tâm họ tự do, thì họ thoải mái thôi, rồi từ cái thoải mái đó, nên ít ra họ không ngại cái gì hết. Cho nên theo Thầy nghĩ là mình hiện thực hóa là vậy đó, cụ thể nữa là từ một câu hỏi chiến lược là “Mình Sống Để Làm Gì?”
“Mình sống để làm gì?” thì khi mình trả lời câu đó trên mặt lý thuyết, thì mình thực hành theo đó, có nghĩa là mình hiện thực hóa ra. Mình hiện thực hóa những cái đó ra. Ví dụ như đơn giản, Thầy tự hỏi Thầy sống để làm gì? thì Thầy thấy là mình sống để làm lợi cho mình và mình làm lợi cho người khác, Thầy chỉ có đơn giản vậy thôi mà khi mà Thầy càng làm lợi cho mình, càng làm lợi cho người khác bao nhiêu thì cái năng lượng của Thầy nhiều bấy nhiêu. Đó là hiện thực hóa.
Mình phải tìm hiểu cái ý nghĩa của mình là làm cái gì đây, mình làm cái gì?. Mình làm lợi ích cho mình và mình làm lợi ích cho người khác, chỉ đơn giản vậy thôi. Mình làm được lợi ích bao nhiêu, thì cái năng lượng của mình mạnh bấy nhiêu, càng ngày nó càng mạnh ra. Nói theo kinh điển là một cái câu kinh mà Thầy hay nhắc trong những bài viết của Thầy là “Tịnh Phật Quốc Độ Thành Tựu Chúng Sanh”. Đó là công việc của một vị Bồ Tát.
Tịnh Phật Quốc Độ là gì? Anh trang nghiêm cõi Phật, trang nghiêm cõi Phật, vậy thì trang nghiêm là sao? Có vô số cái trang nghiêm, tôi có cái gì, thì tôi trang nghiêm cái nấy. Tôi có một cái chùa rộng 5000 thước vuông thì tôi trang nghiêm cõi đó. Trang nghiêm để cho người ta tới, nhiều khi người ta thấy cái vườn mình, người ta thích, chứ khoan nói đến cái chuyện mà đạo là gì? mà người ta tới là người ta thích, nhiều khi nhờ sự trang nghiêm cái vườn của mình, không những là bằng cách trồng cây, trồng trọt mà còn phải là tụng kinh, .., làm cho nó có một cái không khí nào đó, không khí mát mẻ, an lành nào đó người ta tới ta thích. Có nhiều người tới người ta chỉ thích cái vườn thôi, chứ còn không thích nghe Thầy nói chuyện. Thì đó là mình trang nghiêm, trang nghiêm cõi Phật.
Tại sao Thầy dịch nhiều hay Thầy viết nhiều như vậy? Bởi vì, Thầy quan niệm cái đó là Thầy trang nghiêm cõi Phật. Thầy không có đủ tài năng, và đủ tiền bạc để mà xây chùa cho đẹp, rồi trang hoàng đồ gì cho nhiều hết. Thầy chỉ trang hoàng, trang nghiêm cõi Phật bằng những cái gì Thầy dịch, bằng những cái gì Thầy viết và bằng những cái gì Thầy nói nữa. Đó là trang nghiêm cõi Phật.
Thành tựu chúng sanh là sao? Là người nào tới hỏi mình, mình cũng giúp ích cho họ được một chút xíu gì đó. Sống như vậy thì không những là mình yên tâm với cuộc đời mình mà mình còn đủ cái năng lực để nó tỏa ra … tỏa ra.
Sống ở đời cũng cần sự yên tâm như tháng này có lãnh lương hay không? Yên tâm đừng có thất nghiệp, có nhà để cho mình ở, có chút xe để mình đi cho mình yên tâm. Thì ở đời cũng vậy và trong đạo cũng vậy, anh cũng phải đừng có ngồi nghĩ tôi thành Bậc Gu Ru của vị nào hết, hay cái gì hết ... Mình phải nghĩ làm sao mình phải yên tâm trong đạo được, mà mình yên tâm trong đạo được là bởi vì mình đã có một cái một mục đích rõ ràng.
Hiện thực hóa của Thầy chỉ là ông Thầy tầm thường thôi, phải không? Nhưng mà cái hiện thực hóa Thầy có làm, là bằng những cái gì mà Thầy làm, thì Thầy yên tâm với cái đó.
Ở đời có nhiều người ở đời họ yên tâm với cuộc đời của họ, chết cũng dễ dàng. Họ không tiếc nuối cái gì, bởi vì đời tôi… tôi đã sử dụng hết rồi, phải không? đơn giản vậy thôi, chứ mình đừng ngồi lý thuyết là đời với đạo hay gì hết. Bởi vì, mình càng hiện thực hóa bao nhiêu, thì mình sẽ thấy là đời với đạo là một thôi, nhưng mà phải làm đi, rồi anh sẽ thấy.
Ví dụ như bây giờ mấy vị Tây Tạng tại sao cho họ một cuốn sách, thì họ cứ để trên đầu. Là bởi vì, cuốn sách đó là năng lực của ngữ, của khẩu, của những bậc giác ngộ cho nên họ quý. Thì đó là hiện thực hóa đó, mỗi người có mức độ hiện thực hóa của mình.
Bây giờ đơn giản lắm, anh có tình yêu thương hay không? Nếu anh có tình yêu thương, anh tới anh ngồi nhìn một cái cây, đâu khoảng vài phút là anh thấy bắt đầu hình như cái tình yêu thương của mình nó tỏa ra cái cây. Nó sẽ bắt đầu rung động, nó bắt đầu y như nó ca hát, nó nhảy múa vậy đó. Anh thí nghiệm thôi, phải không?
Cái năng lực hiện thực hóa của mình, nó có một cái năng lực, để mà mình tỏa ra. Pháp là một cái gì đó tỏa ra… tỏa ra,… tỏa ra và nó ảnh hưởng tới người khác. Còn mình nói là chưa ảnh hưởng được là sao? Thầy đơn giản nói những cái gì thật thôi, là trong gia đình này và cả bên nội nữa. Ban đầu thấy Thầy sao mà có khuynh hướng không muốn lập gia đình, thì họ bàn tán, xôn xao. Thậm chí là trong những bữa giỗ ông nội Thầy, là nhiều khi Thầy tới thấy cũng ngại lắm. Tới thì họ hỏi, mấy bà cô mình hỏi tại sao không lập gia đình hay là có muốn thì mấy cô giới thiệu cho, bởi vì là mấy bà cũng là quen nhiều người lắm, phải không?, Thì năm nào mình tới, cũng mỗi lần y như ra trước tòa án vậy đó, là họ hỏi, hỏi cái này cái kia cái nọ. Nhưng mà sau này họ thấy Thầy sống sao đó không biết thì họ lại yên tâm với Thầy. Má thầy nói thẳng ra chắc là thằng Đăng nó muốn đi tu đó. Thì họ không có thắc mắc điều gì hết và mỗi lần sau đó Thầy tới, thì họ cũng không có nói năng gì hết. Đó, thì cách sống của mình làm cho người ta yên tâm, nó có một cái năng lực, một cái năng lượng nào đó làm cho người ta yên tâm, chứ mình thuyết phục làm sao được. Thành ra tu hành hiện thực hóa là nó có một năng lực đó, một cái năng lượng nào đó, làm cho người ta yên tâm. Sau này bên nội Thầy hình như họ mặc nhiên, họ công nhận cái chuyện đó. Mặc dầu Thầy không có nói ra là Thầy sẽ làm cái gì hết, nhưng mà mặc nhiên công nhận là thằng này chắc là nó không lập gia đình đâu và sau này khi mà họ thấy Thầy đi tu, thì họ còn mừng nữa, họ còn khuyến khích nữa, chứ gia đình bên nội Thầy không thích đi tu. Cuộc đời mình làm sao mình biến năng lượng để cống hiến. Nếu cuộc đời mình muốn cống hiến được cho nhiều, thì mình phải biến nó thành năng lượng, qua cái tự làm lợi cho mình, rồi mình sẽ cống hiến, được bao nhiêu, sức lực bao nhiêu, bao nhiêu ánh sáng, bao nhiêu. Nhỏ thì cống hiến theo nhỏ, ngọn đèn nhỏ thì cống hiến ít ít thôi, ngọn đèn lớn thì cống hiến lớn lớn. Rồi vậy đó được chưa, hay hỏi gì tiếp nữa không?
VH: Dạ!
Thầy: Thì đơn giản lắm, mình phải tự hỏi là “cuộc đời mình để làm gì”? Và mình sống theo cái đó thôi. Cuộc đời mình ít ra làm lợi cho mình và làm lợi cho người khác, phải không? Mình làm lợi cho mình ít ít và làm lợi cho người khác ít ít thì đó là mục đích của cuộc đời mình, cái ý nghĩa của cuộc đời mình. Thì mình cứ làm theo cái đó đi, nói theo như kinh điển là “tự giác, giác tha”. Giác tới đâu thì mình giác người ta tới đó. Rồi khi mà mình làm cái đó, thì mình sẽ lần lần, lần lần mình hiểu thôi.
Ví dụ như bây giờ mình tụng cái kinh Sám hối nó có câu là “Nhị đế dung thông, tam muội ấn”. Nhị đế là chân lý tương đối và chân lý là tuyệt đối. Chân lý tương đối là đời, chân lý tuyệt đối là đạo. Hai cái đó, nhị đế đó, dung thông với nhau, nó hòa với nhau, thì đó chính là tam muội ấn, là cái ấn của tam muội. Mình cứ làm đi rồi dần dần... dần dần mình sẽ thấy thôi.
Cuộc đời này là một món quà rất là lớn cho mình. Món quà không phải là mình biết để mình ôm lấy đâu, mà nó là mình biết để mình hưởng phần thôi, rồi còn bao nhiêu thì mình cho người ta. Cuộc đời này là một món quà, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là những món quà. Chứ không phải là những cái thứ mà để mà mình phải khổ sổ vì nó đâu. Rồi có gì hỏi tiếp đi, Thầy còn 15 phút nữa.
Thì đó ví như đơn giản PT đó. Cô làm sách, đó là cô trang nghiêm cho cõi Phật, cô trang nghiêm cho cuộc đời, cô làm đẹp cho cuộc đời, thì đó là một ý nghĩa, phải không? Rồi mình càng làm trang nghiêm cho cuộc đời đẹp bao nhiêu, càng làm đẹp cho cuộc đời bao nhiêu, càng trang nghiêm cho cõi Phật bao nhiêu, thì mình sẽ có năng lượng bấy nhiêu. Vậy thôi, đơn giản, phải không? Mình ráng đi, rồi mình nhiều khi, mình cũng cầu nguyện cho con những cuốn sách thiệt hay. Đó, bởi vì sách nó tới với mình cũng tùy theo cái nguyện của mình. Chứ không phải là tự nhiên là nó tới đâu. Nó tới y như cũng là một phép lạ vậy đó. Nó tới những cuốn sách hay rồi mình sẽ in ra cho đời. Đó gọi là làm đẹp cho cuộc đời. Còn gì hạnh phúc cho bằng là người biết làm đẹp cho cuộc đời, phải không?
Còn gì hạnh phúc cho bằng một người biết làm đẹp cho cuộc đời, mà anh càng làm đẹp cho cuộc đời bao nhiêu thì anh sẽ nghĩa là có năng lượng nhiều bấy nhiêu thôi. Đơn giản vậy thôi.
Rồi có vị nào hỏi gì nữa không? Thầy muốn hỏi là mình làm vậy có tốt hay không? Nghĩa là mình có thể là một tháng mình cứ chủ nhật mình gặp gỡ vậy hay làm thưa ra là nữa tháng một lần. Cái đó là tùy mọi người thôi. Thấy có cần một tuần lần không? Bởi vì Thầy thấy là bị Covid nó cô lập quá, thành ra mình cần phải có một cái việc làm cho nó mạnh mẽ lên, cho nó yêu đời thêm ra, để mà chống lại Covid. Chứ còn mà cứ ngồi, cứ rên, cứ mỗi ngày mà cứ thấy ngày hôm nay thêm mấy trăm, mấy trăm người bệnh. Thì cứ vậy, cứ vậy nó cứ lên miết rồi cũng xuống tinh thần nữa.
VH: Vâng, thưa Thầy! hiện nay ngoài Hà Nội, con xin phép nói về Hà Nội cho thầy nghiên cứu luôn. Thì hiện nay ngoài Hà Nội chúng con trong giai đoạn này thì một tuần 1 lần không vấn đề gì ạ.
VD: Dạ thưa Thầy con là Dũng ạ!
Dạ con xin phép Thầy và Đại chúng ạ, đối với con thì con thấy rằng là cái cơ hội để được kết nối với Thầy và Đại chúng là rất quý, thì con thấy rằng một tuần một lần vào ngày chủ nhật thì con thấy rất là phù hợp. Bởi vì ngày chủ nhật cũng là ngày mọi người được nghỉ thì cái cơ hội được kết nối với Thầy và Đại chúng là rất quý, không phải là mình dễ dàng mà có được, nên con thấy là cái cách kết nối như thế này thì con thấy là mỗi người có thể chủ động hơn. Tuy nhiên, nó cũng có những cái khuyết điểm ví dụ như là kết nối theo nhóm như là ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ chẳng hạn, thì chúng con có thể tập hợp lại được với nhau. Và có thể là sinh hoạt chung với nhau thì cảm nhận được năng lượng chung với tất cả Đại chúng. Thế nhưng kết nối theo cách này thì... thì trong giai đoạn này là cái giai đoạn mà đang dịch bệnh nhiều nên mỗi người phải tự kết nối ở nhà, thì con thấy nó không bằng cách kết nối chung được nhưng mà thưa Thầy là con nghĩ là mọi người được gặp nhau thường xuyên và kết nối thường xuyên cũng là một cơ hội để sách tấn cho chúng con có thể tinh tấn hơn, để nhắc nhở mình để mà tu tập và tinh tấn hơn ạ.
Thầy : Đó, thì như VH, hồi nãy Thầy nói là cuộc đời mỗi người phải là trang nghiêm cõi Phật và hóa độ chúng sanh. Thì đó, Nguyên gửi ngoài đó đọc mấy cuốn sách cho Phổ Âm, thì Thầy thấy là hăng hái lắm, mỗi người đều tình nguyện đọc mỗi người một cuốn, 2 cuốn gì đó, thì mình đọc cái đó là mình làm đẹp cuộc đời, mình trang nghiêm cõi Phật rồi vậy đó. Thầy thấy có nhiều người tới 2 cuốn, có nhiều người đọc 1 cuốn, mình đưa lên Phổ Âm, truyền bá ra những cuốn sách tốt như vậy, thì tất nhiên là đó là làm đẹp cho cuộc đời, đó là trang nghiêm cõi Phật. Thì mình làm cái gì nó cũng phải có ý nghĩa, ý nghĩa không chỉ cho riêng một cuộc đời này đâu, mà ý nghĩa rất nhiều cuộc đời sau này nữa, là mình làm cái gì, mình cũng đặt nó vô trong mình vô trong Bồ Đề Tâm, tức là một cái ý nghĩa xuyên suốt rất nhiều cuộc đời của mình. Thì mình vô đó thì mình yên tâm thôi, chứ còn mình cứ nói là đọc.. đọc chỉ là đọc thôi, thì uổng lắm. Đọc đó là trang nghiêm cõi Phật, đọc đó là làm đẹp cho cuộc đời, đọc một cuốn sách chỉ cần đưa lên Phổ Âm, đó là mình làm đẹp cho cuộc đời rồi, và mình thấy hạnh phúc là do mình làm đẹp cho đời sống, và làm đẹp cho cuộc đời. Những người nào nói là thiếu... thiếu thiền, thiếu gì đó thì mình cứ làm được chút nào hay chút đó, phải không? Chứ đâu phải chỉ ngồi đọc cái cuốn sách vậy thôi đâu, đó là mình trang nghiêm cho cõi Phật, mình làm đẹp cho cuộc đời.
Rồi mình làm, rồi mình sẽ thấy là đời và đạo không hai. Vậy thôi, cứ làm đi, rồi thì sẽ thấy, phải không? Chứ còn mà mình lý thuyết không, thì không được.
Thiệt sự là vốn trước tới giờ là đời đạo không hai, nhưng mà bởi vì mình muốn làm chúng sanh, nên mình cứ tách riêng ra, rồi mình cứ nói cái này là đời, cái kia là đạo. Mà đạo là thì nó ở đâu, thì không biết còn đời thì cụ thể lắm. Chứ thiệt ra đời đạo có bao giờ tách hai thiệt đâu.
Ví dụ như cái vườn cây ngoài kia, hay là thêm cái bức màn đây, mình có thể tách nó ra khỏi tánh Không được không? Không. Không thể tách được. Đó là đời đạo không hai. Sắc không thể tách ra khỏi Không được, đó là đời đạo không hai. Mà mình mở miệng ra, mình muốn tách ra, chính lỗi tại mình chứ sắc đâu có tách ra khỏi Không được, Không cũng không thể tách ra khỏi Sắc được. Nhưng mà mình cứ muốn tách ra, mà hình như tách ra vậy chập nó quen tách ra, thấy nó sướng. Còn bây giờ, nếu như mà ghép vô đạo, mới thấy nó khổ quá, chứ thật ra nó có phân đôi được đâu.
Nhưng mà cứ làm đi, cứ làm đi, lần lần ...lần lần mình sẽ cảm nhận lần lần, bắt đầu từ những cảm nhận, rồi qua một vài kinh nghiệm, nhiều khi mình ra mình thấy dòm cái cây hay là dòm buổi chiều mặt trời nó xuống, mình sẽ thấy là nó có khác gì với cái những cảnh thanh tịnh nào đó đâu, đâu có khác gì đâu. Chẳng qua là mình không thấy nó thanh tịnh, bởi vì mình hỗn loạn quá nhiều.
Trong kinh nói “Tất cả các pháp vốn là thanh tịnh”, nhiều khi mình ngồi mình để coi ăn cơm rồi mình dòm vô trong cái chén cơm, thì thấy những hột cơm nó sẽ cười với mình. Nó thanh tịnh lắm, nó cười với mình, nhưng mà mình nhiều khi mình bỏ lơ,....lơ... lơ.... mình cứ nghĩ đâu đâu. Rồi ai nói cơm không phải là đạo. Bởi vì trong Kinh Duy Ma Cật có nói là “hạt cơm Hương Tích” đó, cơm của ở cõi Hương Tích đó, hạt gạo hạt cơm ở cõi Hương Tích là nó bay mùi thơm ghê lắm. Thì cơm của mình chắc cũng là phần nào cơm Hương Tích trong đó chứ. Nhưng mà thường mình lo nghĩ gì đâu, mình không thấy.
Thành ra cái đau khổ kinh khủng nhất của mình là ở đời mình có mắt, mà mình không thấy gì hết. Chưa bao giờ mình thấy một cái lá, chưa bao giờ mình thấy một hột cơm, nhưng mà tất cả những cái đó là nó trang nghiêm cho cõi Phật đó. Tất cả những cái lá cây, tất cả những hạt cơm, tất cả những bức vách, tất cẩ những bức tranh nó đều trang nghiêm cho cõi Phật hết, mà mình không hề thấy.
Thì đơn giản là mình phải thấy, thực hành sao để cho mình đừng lăng xăng nhiều. Thì như trong Kinh Thánh có nói đó “phước cho người có tấm lòng thanh tịnh, bởi vì nó sẽ thấy được thực tại tối hậu là Thượng Đế”. Sở dĩ mình không thấy được cái thực tại nó tối hậu là Thượng Đế đó, bởi vì tâm mình không thanh tịnh, mình cứ lăng xăng nhiều quá, tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ, đủ thứ hết. Rồi bây giờ anh thanh tịnh đến đâu thì anh thấy đến đó thôi. Tu hành là vậy đó, mà hoặc là nhiều khi mình không trực tiếp làm cho tâm mình thanh tịnh được, thì mình cứ làm việc đi, lần lần cái thanh tịnh nó lộ ra thôi.
Cô PT thì cứ lo in sách đi, làm đẹp cho cuộc đời đi, rồi mình sẽ thấy là cuộc đời mình đẹp. Mình làm đẹp cho cuộc đời, thì cái kết quả đó nó dội ngược lại, mình sẽ thấy cuộc đời là đẹp, cuộc đời là thanh tịnh.
Cho nên nhân quả là nó đi sát lắm, chứ không phải là mình cứ ngồi nói cái nhân đây là chờ bao lâu là nó có quả đâu. Không, anh làm đẹp cho cuộc đời, thì cuộc đời nó sẽ làm đẹp lại cho anh. Anh sẽ biết cái làm đẹp là gì, cái trang nghiêm, cái chữ mà trong kinh Phật gọi là trang nghiêm cõi Phật, trang nghiêm cho cuộc đời là gì. Trang nghiêm là giống như mình gọi là trang trí, trang hoàng, trang sức, …. Anh trang nghiêm cho cuộc đời thì anh sẽ, cuộc đời nó sẽ trang nghiêm lại cho anh và anh sẽ thấy cuộc đời anh nó đẹp lắm.
Đơn giản, một đời người nó chỉ cần sống với một vài từ, chứ không cần gì cho lắm đâu, phải không? Tất cả những niềm vui của mình, tất cả năng lượng của mình, là làm sao làm đẹp cho cuộc đời thôi, chứ lo tu gì cho lắm. Anh biết làm đẹp cho cuộc đời thì cuộc đời anh sẽ đẹp. Đơn giản là tất cả năng lượng, tất cả niềm vui, tất cả cái gì … đó, tất cả trí huệ, tất cả ánh sáng. Trong tâm anh đó, nó cũng theo đó mà nó mở ra thôi.
Mà làm đẹp cho cuộc đời này là nó giản dị lắm. Đó anh đọc một cuốn sách cho Phổ Âm chẳng hạn thì anh phải biết cái ý nghĩa của việc đọc đó. Tôi làm cái gì đây, tôi làm không phải giọng tôi tốt rồi tôi đọc đâu, nhưng mà tôi đọc rồi với mục đích là làm đẹp cho cuộc đời. Mà khi mình làm đẹp cho cuộc đời thì cái nhân như vậy thì cái quả nó sẽ dội ngược lại thì mình cũng sẽ đẹp ra, cuộc đời mình sẽ đẹp lên.
T Hà Nội: Dạ Thầy ơi, con rất hoan hỉ hôm nay con được gặp Thầy và Đại chúng, lâu lắm rồi con không có dịp gặp Thầy và con cũng thấy rất là xúc động. Mặc dù nhiều lúc cũng nhớ Thầy, nhớ chùa thì con cũng khởi lên trong cái tâm của con ạ.
Nhưng hôm nay con được thấy Thầy giữa một cái đại dịch mà Thầy vẫn khỏe và ban giáo pháp cho chúng con, con thật sự rất cảm ơn Thầy. Và có một cái điều Thầy nói làm con rất là xúc động, là như thầy nói là về mẹ của Thầy. Trước đây thật sự con cũng rất là trăn trở về cái việc là Bố mẹ con. Ở bản thân Bố mẹ con thì cũng có nghe Pháp, cũng có tĩnh tâm ở mức độ nhất định, nhưng mà Bố mẹ con thì không có quy y và con cũng có động viên Bố mẹ là quy y, rồi phát tâm tinh tấn tu tập, nhưng mà đúng như Thầy nói là có lẽ ở mức độ nhất định thì Bố mẹ con lúc này cũng chưa quy y nhưng ở nhà được cái là Bố mẹ vẫn nghe Pháp thì hôm nay con thấy cái ý là con rất biết ơn Thầy, là Thầy có nói về mẹ Thầy là chỉ cần mẹ nhớ tới con thôi, thì con cũng mong là con có đủ cái năng lực, đủ cái mức độ nhất định, để chỉ cần Bố mẹ nhớ đến con thôi là cũng giúp cho Bố mẹ, cái gì đấy ở đời này để con báo hiếu cho Bố mẹ. Con rất là biết ơn Thầy ở cái giáo huấn của Thầy ạ. Con xin cảm ơn Thầy rất là nhiều ạ.
KD: Lâu lắm rồi con không có liên lạc, con không có kết nối, do cái sự việc nó xảy ra vừa qua của anh con, thì con có gọi điện cho Thầy, thì đó giống như một cái sự lời nhắc nhở của Thầy với con và cái việc kết nối lại Đại chúng cũng như là kết nối lại với Thầy, thì đó là một cái sự may mắn trong cuộc đời con. Bởi vì có lẽ là 2 tháng rồi, con không có liên lạc với Thầy, không có liên lạc với mọi người và cái sự tu học của con nó bắt đầu trễ nãi.
Thì khi mà con có cái nhân duyên đó là con trợ duyên cho anh con đó ạ, thì là con kết nối lại với tất cả mọi người và đúng lúc thời điểm đó, sau cái ngày anh con xuống mộ, hạ huyệt, ngày hôm đó là cái ngày rất nhớ là sau khi con trở về, con không biết là con có thể trở lên Hà Nội được hay không? Và rất là may mắn là con có thể về nhà được và con… từ đó đến giờ con chưa có ra ngoài và cái thời gian đó là con đã nghiêm khắc với bản thân và con đã đối trước Tam Bảo, đối trước Phật, và đối trước luôn cả hình ảnh của Thầy, thì con đã sám hối và con cũng giữ cái sự tinh tấn của mình từ cái thời điểm đó cho đến bây giờ. Hằng ngày, mỗi ngày đều cố gắng dậy sớm và cố gắng từ những hành động lời nói của mình, mình cũng quán chiếu lại và mình cảm thấy rằng là do có những cái ngộ nhận ấy và mình có những cái chủ quan và cái tôi cũng rất là lớn, khi mình có cái gì đó mình nghĩ rằng là điều đó rất là lớn và mình ổn rồi ấy và mình không có tinh tấn ấy thì ngay lập tức là mình gặp những cái thử thách lớn và khi cái thử thách đó nó đến thì mình mới thấy được rằng là cái sự tu học của mình, cái năng lực của mình đến đâu, cái nội lực của mình như thế nào, thì con cũng chia sẻ với Đại chúng và con cũng xin chia sẻ với Thầy là ở cái thời điểm đại dịch như thế này, thì cái việc thứ nhất là mình giúp được cho chính mình, mình có một cái tinh thần, một cái năng lượng cao, một cái năng lượng tốt, để mình có thể mang lại cái sự bình an cho gia đình, cho người thân mình. Và thứ hai là mình có thể giúp đỡ bất kì một ai đó chính là những người thân mình ở xa, có thể động viên Bố mẹ mình, mình có thể hướng dẫn cho em trai mình ngồi thiền hoặc là thậm chí mình có thể là giúp đỡ cho một ai đó mình đã gặp khó khăn từ xa hoặc là mình có thể chia sẻ một cái điều gì đó với mọi người để giúp cho cái tần số, cái năng lượng họ được cao hơn và cái tinh thần họ nó an lạc hơn, nó bình tâm hơn.
Thì những cái điều đó, con cảm thấy là nó giúp cho mình cái sự động viên, một cái ngọn lửa truyền cảm hứng cho mình, ở lại cái vấn đề về cái sự tu tập và khi mà mình có thấy cái lỗi của mình và mình nhìn nhận cái lỗi quán chiếu sâu hơn thì mình thấy là thật ra cái lỗi đó nó cũng là một cái cách thức giống như sư Bình có chia sẻ thậm chí là chị PT có chia sẻ hay là rất nhiều anh chị chia sẻ, thì cái điều đó nó sẽ giúp cho mình tinh tấn hơn và mình có một cái nó là mình kiên quyết hơn trong cái việc thực hành của mình, chứ không phải là một cái gì đó lỗi lầm ai sẽ có. Mình sẽ không thể hoàn hảo nhưng mình sẽ cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày và cái chánh niệm tỉnh giác của mình thì nó giống như là mình phải thực hành nhiều. Nó sẽ càng ngày càng sắc bén hơn, và nó càng tốt hơn chứ nó không thể là hoàn hảo ngay được. Và con cảm thấy là những cái điều giống như lời Thầy nói cái lòng từ bi, cái tình yêu thương, thì đúng là khi mình đặt tâm mình vào bất kì một việc gì đó mình làm, từ một cái việc nhỏ nhất.
Thật ra là mấy ngày nay thì con có một cái việc là con làm hằng ngày đó là con dậy vào lúc 2h45 để con mở zoom và con thiền chung cùng với mọi người ở trên khắp nơi trên thế giới. Thì cái việc mà mình tạo zoom thì mình phải dậy sớm và nếu mình không dậy sớm được và nó gây ảnh hưởng đến mọi người, thì đấy cũng là một cái mà mình cảm thấy mình buộc phải tinh tấn hơn, phải nỗ lực hơn và mình cũng phải có kỷ luật hơn với chính bản thân mình.
Thì con thực hành cái điều này và con thấy là con may mắn nhất là vợ con. Vợ con thì đang mang bầu tháng thứ 8, sắp sinh rồi nhưng hằng ngày vợ vẫn cố gắng dậy cùng con chỉ nói một câu là: “Bởi vì anh hay ngủ gật và anh hay không tinh tấn thì khi có em thì em hay nhắc nhở anh nên là vậy con thấy xúc động và con cảm thấy mình rất may mắn và bởi vì mình gặp được Thầy, gặp được anh chị như là chị Thảo hay VH cũng như là vợ con, những người trợ duyên con rất nhiều trên con đường này. Nên con cảm thấy là cái việc mình được trợ duyên như thế thì đó là một ân phước, một cái phước đức lớn nhất trong cuộc đời này.
Nếu như mình không tinh tấn, nếu như mình không cố gắng vào ngay thời điểm này, thì thật sự cái may mắn mà mình có được cái thân người này nó sẽ là lãng phí và nếu như là mình không tu ngay bây giờ thì sẽ không còn lúc nào khác. Cho nên là con tu ngay cả trong công việc, ngay ở trong bất kì một cái hành động, hay một cái việc gì đó thì con đều áp dụng cái việc thực hành tu tập nên con thấy nó không có khác nhau, nó không phải là hai, nó đều là một kể cả đạo với đời, thì con thấy rất tâm đắc với cái ý của Hải Tần và thật ra nó không có khác nhau và cái nền tảng nó luôn ở đây, nó không phải ở đạo, không ở đời, không phải ở công việc, không phải ở trong tu tập mà nó chỉ ở như nó thôi.
Thì con rất biết cảm ơn Thầy, cũng như biết ơn Đại chúng và biết ơn những gì mà mọi người đã trợ duyên cũng có buổi thuyết trình như thế này, để chúng con có thể kết nối Thầy, kết nối với các anh chị ở khắp nơi cũng như là để khuyến tấn nhau và cùng nhau được lắng nghe những Pháp bảo của Thầy để chúng con có được ngọn lửa trên con đường gọi là kim chỉ nam, để chúng con được cái sự mà được gọi là được Thầy truyền, truyền cho cái ngọn lửa của Thầy. Thì mỗi lần chúng con khi mà có những cái bọn con lơ đãng hay bọn con không có tinh tấn hay có vấn đề gì đó thì chỉ cần Thầy nói thôi là ngay lập tức cái thời điểm đó là con cảm thấy như cái ngọn lửa của con ấy nó được thắp cháy lại ạ, thì con rất là biết ơn Thầy, con rất biết ơn cái sự từ bi và cái tình yêu thương của Thầy dành cho tất cả chúng con ạ. Con cảm ơn Thầy ạ!
Thầy: Thật sự ra mình phải thấy như vầy, ví dụ như là ở đây mọi người cũng sợ Covid lắm, chứ đâu phải là không sợ đâu, bữa trước Thầy nghe nói là mấy người ngoài Bắc vậy chứ thấy họ có vẻ sợ Covid hơn mình. Thì Thầy nói cũng đơn giản thôi, bởi vì mấy người ngoài đó, họ sống một mình, họ sống riêng với gia đình có 2 -3 người gì đó còn mình ở đây là cả một chúng tới khoảng mười mấy 20 chục người, sống tập hợp như vậy, thì cái năng lực nó trở thành mạnh ra, năng lượng của mỗi người đóng góp vô rồi cộng theo cái sự tu hành nữa, vậy nó mạnh ra, thành ra mình ở đây mình thấy không có sợ Covid lắm. Bởi vì sống đông người tự nhiên cái hết sợ, phải không? Bớt sợ đi, còn sống riêng, thì là mình thấy nó sợ nhiều hơn. Thì qua đó mình mới thấy là một cái chúng và một cái sự kết nối nó tạo ra cho mình một cái năng lực, cái năng lượng.
Bởi vậy Thầy bửa trước Thầy có nói cần nối kết cái nhóm trẻ ở đây với cái nhóm trẻ ở ngoài đó là vậy đó, là bởi vì sao là bởi vì trong hoàn cảnh này chẳng lẽ mình cứ ngồi mình cứ tính thêm mấy tram người bệnh, lên cả bảy tám ngàn vậy đó. Thấy nó mệt mỏi lắm. Nhưng mà khi mình nối kết thì tự nhiên mình sẽ có năng lực. Ví dụ như là ở đây bao nhiêu người sống với nhau ở đây tự nhiên thấy mình không có sợ gì về Covid, Covid gì hết á.
Có sự kết nối này nó cũng thêm cho mình cái năng lượng nào nó, niềm tin nào đó để mình sống qua cái mùa này chứ. Chứ năm này là mình thấy đâu có tất niên, chắc là tất niên thì chỉ có tất niên trên mạng vậy thôi, chứ đâu có tất niên gặp gỡ nhau được. Nhưng mà nối kết từ xa vậy cũng đỡ. Nhiều khi cái âm thanh của VH, của D chẳng hạn, cái sự nối kết bao giờ nó cũng tốt hết, mặc dầu nó trên màn ảnh, nhưng mà nó cũng tạo cho mình một cái sức mạnh, Thầy tin những cái điều D mới nói đó là cái sự nối kết đó tạo cho mình cái sức mạnh, mỗi tuần cũng nên nối kết một lần để cho mà nó có kích thích sức mạnh lên.
Rồi vậy thôi, bây giờ mình tạm chấm dứt ở đây, để cho mình tuần sau, tuần sau trong này, hai vị nào đó sẽ xung phong lên làm thuyết trình, rồi sẽ báo cho biết là cái đề tài gì, mà đề tài gì mà đơn giản thôi, “đơn giản là “sống sao cho hạnh phúc thôi”, cái đó nói cả đời, đời này cho tới đời sau cho tới khi nào thành A La Hán thôi, rồi hơn nữa thì thành Phật thôi.
Nguyện Đem Công Đức Này
Hướng Khắp Cùng Tất Cả,
Đệ Tử Và Chúng Sanh
Đồng Trọn Thành Phật Đạo
Thầy nhìn trước mặt là cả một lô người (list hình mặt Đại chúng trên màn hình) vậy mà Thầy thấy là đồng trọn thành Phật đạo là Thầy thấy hoan hỉ rồi đó. Thầy chưa thành Phật đạo, mới có nửa thôi nhưng mà bao nhiêu người đồng trọn thành Phật đạo như vậy là Thầy thấy khỏe rồi.
---*---
Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.