Người thuyết trình           : Trần Châu – Điểm

Ngày thuyết trình             : 29/10/2023 DL (15/09/2023 AL)

PHẦN THỨ NHẤT: ĐẠI CHÚNG THẢO LUẬN, KHÔNG CÓ MẶT THẦY

D.Trường

Chủ đề ngày hôm nay là Tu học trong đời sống hàng ngày được bác Châu và chị Điểm thực hiện. Trước hết con xin mời bác Châu và chị Điểm trình bày tối đa trong khoảng 30 phút, sau đó đại chúng cùng thảo luận. Con xin hết. Xin mời bác Châu và chị Điểm.

T.Châu

Chủ đề Tu học trong đời sống hàng ngày do cô Điểm, ở nhóm trẻ Cần Thơ thực hiện. Cũng nung nấu mấy năm trước rồi, do điều kiện chưa đủ, hôm nay duyên đủ, cô Điểm thay mặt cho lớp trẻ trình bày về việc tu tập trong đời sống.

Những gì chân thật, mình nói lên từ sự chân thật đó trước, rồi sau đó ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ, cùng nhau giải quyết những vấn đề trong đời sống, để làm sao chúng ta có sự tu tập tốt nhất mỗi ngày. Bây giờ xin giới thiệu cô Điểm trình bày, xin mời cô Điểm.

Điểm

Kính thưa Thầy, thưa đại chúng. Hôm nay con trình bày chủ đề Tu tập trong đời sống hàng ngày. Trước khi vào đề tài con xin gửi lời cám ơn Thầy, con đã quy y Thầy hơn được một năm rồi. Trước đây là những nỗi sợ, những lo lắng, những cái đau khổ cứ trùm lấy con mà con không có thoát ra được.

Con cũng xin gửi lời cảm ơn đến đạo tràng Cần Thơ đã yêu thương con và dạy dỗ con trong những năm vừa qua. Nhất là các bạn trẻ như chị Trân, Quý, Hường, Dương, Tuấn, Quốc Hoàn, Lũ đã đồng hành cùng con trong hai năm vừa rồi. Hôm nay con ngồi đây để chia sẻ tiếp kinh nghiệm tu tập của bản thân mình.

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Đề tài hôm nay là Tu tập trong đời sống hàng ngày. Con còn nhớ cái ngày con quy y với Thầy cách đây khoảng một năm. Con có cầu nguyện rằng làm sao con bớt khổ đau, tại vì ngày đó con rất khổ đau, lúc đó Thầy có hỏi con, con nhớ “Hỡi cô gái chưa hạnh phúc, con muốn hạnh phúc thì con cần phải làm gì?”. Lúc đó con trả lời Thầy là “Muốn hạnh phúc thì làm sao phải cho tâm mình tĩnh vì tâm tĩnh thì ý mới minh, ý minh thì chúng ta được hạnh phúc”. Thời điểm đó con nói câu đó thôi chứ thật ra nó chỉ thuộc lý thuyết thôi, chớ bản thân con thì không biết làm cách nào để cho tâm mình nó tĩnh, để cho ý mình nó minh.

Sau hơn một năm thực hành, khổ đau của con đã giảm dần, giảm dần. Hôm nay con ngồi đây con cảm thấy so với một năm trước đây thì con đã thay đổi về thân tâm cũng được chút đỉnh, một phần nào đó. Nhưng mà những cái biến động trong cuộc sống thì con không vượt qua được. Ví dụ, đời sống kinh tế ngày càng xuống dốc, những tai nạn hay chiến tranh, nó cũng ảnh hưởng đến đời sống chung cho tất cả mọi người. Kinh tế đi xuống, bản thân con cũng lo lắng sợ hãi, không biết tương lai của mình như thế nào và mọi người sẽ ra sao.

Hoàn cảnh của gia đình, giả sử con đi tu như thế này thì ông xã con nói là “tại sao không lo làm ăn mà cứ mãi đi tu như vậy”, những vướng mắc đó làm con phát sinh phiền não. Rồi những điều xung quanh mình như là bất toại nguyện của bạn bè, đồng nghiệp, cái gì thuận theo ý mình thì con buông mà nghịch theo ý mình con...

Đối với những phiền não trong cuộc sống hàng ngày thì con không vượt qua được. Lúc nào con cũng dính mắc vào cái đau khổ đó và phát sinh phiền não. Khi ngồi thiền bản thân con có cảm nghĩ mình an lạc nhẹ nhàng nhưng mà đến khi ra ngoài cuộc sống đời thường thì khổ đau tiếp tục quây quanh.

Kính thưa Thầy, thưa đại chúng, từ bi hướng dẫn giúp con làm sao để mình đưa đạo vào đời một cách tốt đẹp, con có thể ứng dụng vào trong cuộc sống để mình an lạc hơn và hạnh phúc hơn.

Dạ con xin hết.

T.Châu

Kính bạch Thầy, kính bạch đại chúng!

Vừa rồi Điểm đã trình bày những vấn đề đời thường, hàng ngày, những lo lắng, suy tư của cuộc sống, rồi quá trình tu tập kể từ khi gặp Thầy, bây giờ chúng ta cùng bàn luận. Trước tiên, tôi xin có ý kiến để giải quyết vấn đề như Điểm đã trình bày.

Thứ nhất, chúng ta đã theo Thầy lâu rồi, người ít thì cũng vài năm, nhiều thì cũng hơn chục năm rồi. Thầy dạy cái gì thì hôm nay chúng ta cùng rút lại để có cái điểm chung. Từ cái điểm chung đó, tùy mỗi người áp dụng vào hoàn cảnh của mình, để làm sao đó việc tu tập có được lợi lạc. vậy cái chung đó là gì? Chính là cái chân thật, là lời Phật dạy, tổ dạy  và Thầy dạy bấy lâu nay, đó là cái bất sanh bất diệt. Không những đời này mà đời sau, mặc dù là lý thuyết nhưng mà chúng ta vẫn đem ra, chúng ta vẫn phải biết và sử dụng nó. Cái đó nằm ở chỗ nào? Chính là chiến thuật, chiến lược. Chúng ta nêu ra chiến lược chung, rồi tùy hoàn cảnh mỗi người, tùy duyên nghiệp của mỗi người mà có chiến thuật để thực hiện cái chiến lược đó, nhưng chúng ta chung nhau một cái chiến lược chung.

Chiến lược chung là cái gì? Thầy đã dạy chúng ta chung nhất là cái gì? Cuộc đời này Thầy dạy không khổ, ở đời là đạo. Đạo có bao giờ khổ đâu. Như vậy chúng ta thấy làm sao cái đó là không khổ. Mà tại sao chúng ta vẫn khổ? Ai cũng khổ hết trơn, người khổ ít người khổ nhiều. Như vậy tại sao khổ? Thì chúng ta phải đi cái chung nhất là không khổ.

Làm sao để không khổ? Thầy dạy đó, sách vở cũng giải thích, không khổ đó nó luôn luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Khổ là do tâm. Bây giờ không khổ là gì? Cái biển này là tâm thanh tịnh, cái tâm thanh tịnh đó là gì? Đó là cái tâm mà không có sinh diệt nữa, đó là cái tâm gì? Cái tâm Nền tảng. Làm sao để thực hiện được cái Nền tảng đó? Ai cũng hiểu rồi, có cái chỗ không khổ, có cái chỗ giải quyết hết mọi vấn đề trong cuộc sống để tất cả đời là đạo. Như vậy, cái chung nhất, chiến lược là như vậy. Chiến thuật thì tùy mỗi người, chúng ta thực hành như thế nào để chúng ta thấy được đời tức là đạo thì mới giải quyết tận gốc được. Còn giải quyết từng cái nhỏ nhỏ, giải quyết cái sinh diệt thì luôn luôn sinh diệt, luôn luôn tạm thời thôi. Cho nên cái chiến lược như vậy.

Thầy cũng dạy rồi, không ngoài văn – tư – tu, không ngoài giới – định – tuệ, không ngoài chỉ – quán, chỉ – quán đồng thời, mọi cái là cái chung nhất thôi. Như vậy, chúng ta thực hiện được cái chung nhất rồi áp dụng trên từng người một, có chiến lược riêng để thấy được cái Nền tảng mà Thầy đã dạy. Sống, làm quen với Nền tảng đó thì cái chỗ đó mới giải quyết tận gốc được thôi. Còn chuyện từng người một thì chúng ta phải tự tìm cho thấy, chúng ta phải đi đến cái gốc, tận cùng, chúng ta mới giải quyết rốt ráo được, còn không chúng ta vẫn tạm thời trong một thời điểm nào đó thôi. Cái lý là như vậy.

Qua sự trình bày của Điểm, chúng ta thấy trong cuộc sống có nhiều vấn đề lắm, nhưng chúng ta chưa giải quyết được tận gốc được, vẫn còn tham, sân, si, còn phiền não, không giải quyết hết được. Tất nhiên vẫn có tiến bộ nhưng không giải quyết được tận gốc. Nên bây giờ chúng ta bàn, làm như thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề đó. Cái gốc đó bình đẳng như nhau, không có ai cao thấp cả, từng người một ai cũng có hoàn cảnh riêng, có lẽ chúng ta trao đổi để đến chỗ thống nhất trên cái chiến lược chung, còn chiến thuật dần dần mỗi người chúng ta sẽ áp dụng .

Quan điểm như vậy, xin đại chúng góp ý để làm sao giải quyết được tu tập tốt trong đời này, để cuối cùng đời là đạo không khác nhau. Chủ đề hôm nay là vậy, xin đại chúng cho ý kiến bàn luận. Chúng ta mỗi người một ý kiến, từ cái riêng đi đến cái chung, từ cái chung đó chúng ta có chiến thuật riêng cho mỗi chúng ta.

Q.Trường

Kính thưa Thầy, thưa đại chúng!

Con xin phát biểu trước. Con thấy chủ đề này nó khá rộng. Mình nói mình tu học trong đời sống hàng ngày, thực ra mỗi người ở đây cũng biết rồi, ở đây mình theo bất bộ phái không có ai tu giống ai hết. Mỗi người đều có pháp môn tu riêng cho mình, quan trọng cái Nền tảng Thầy đã dạy nhiều rồi. Con nghĩ mình muốn đưa nó vào đời thì ít nhất phải thấy nó phần nào thì may ra mới có cơ hội đưa nó vào đời. Còn không, mình nói đưa vào đời, mình cũng chả biết đưa cái gì vào đời nữa.

Hôm lâu con có hỏi Thầy một câu đó là, giả dụ bây giờ chiến tranh xảy ra, mình sống trong hoàn cảnh chiến tranh thì mình tu hành như thế nào? Thầy trả lời rất rõ ràng, trước giờ ông tu cái gì thì lúc đó ông tu cái đó thôi chứ cũng không có cái gì khác hết. Quan trọng nhất, cái tâm của mình hướng đến cái điều gì và thực sự mình muốn điều gì? Như chú Châu nói, muốn cái chỗ không khổ thì phải thực sự thực hành làm sao thấy cái chỗ đó, rồi mới đưa vô được, còn không, chưa có cái gì hết, mình đòi đưa vào đời, đó chỉ là ý niệm hay khái niệm thôi, mình cố gắng ứng dụng trong cái đời sống thôi. Mình phải thấy đạo một phần nào đó mình mới có hy vọng đưa vô, còn không, mình nghĩ là mình đưa vô, mình ứng dụng cái này ứng dụng cái kia nhưng có thực sự mình chưa thấy thì mình không thể ứng dụng, không thể đưa vộ được. Thì con xin mọi người bàn thêm về góc độ này. Con xin hết.

H.Thái

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Chủ đề rất rộng, con xin trình bày theo cách tiếp cận của mình, ví dụ, chúng ta thấy đời sống này là đáng sống chứ không có khổ, thấy đời sống này thật sự là hạnh phúc. Từ những hạnh phúc rất đơn giản, hạnh phúc có điều kiện. Chẳng hạn chúng ta ăn món gì đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc, chúng ta thức dậy nhìn thấy người thân chúng ta cảm thấy hạnh phúc, chúng ta đi đến cơ quan làm việc chúng ta thấy hạnh phúc. Chúng ta tiếp cận theo hướng đó, từ từ chúng ta thấy hạnh phúc có điều kiện nó không bền vững. Sau đó chúng ta có thể đi sâu hơn có hạnh phúc thoát khỏi các điều kiện, khám phá và sống với hạnh phúc tối thượng đó. Bằng cách nào? Trong Kinh Viên Giác Lược Giảng có chỉ một cái pháp quán, chẳng hạn như quét nhà có thể quán là không có người nào quét nhà, không có hành động quét nhà, không có đối tượng quét nhà. Tâm chúng ta ngày càng rõ biết ngày càng tỉnh giác hơn. Đó là một cách để tiếp cận hạnh phúc tối thượng đó. Con xin hết ạ.

T.Hà

Cho Hà xin hỏi Thái thêm tí nhé. Hồi nãy Thái chia sẻ cái cách thực hành trong đời sống hàng ngày để làm sao mình có được cái hạnh phúc á. Trong kinh chỉ như vậy, mình học và hành như vậy, quán chiếu hàng ngày như vậy, Hà đồng ý với Thái ở điểm này, khi thực hành thì mọi người sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, có cái gì mạnh mẽ hơn không? Làm sao nó có thể làm lợi lạc cho nhiều người được không? Ví dụ, mình quán chiếu như vậy cũng rất là lợi lạc, lợi lạc giúp cho mình được an lạc, hạnh phúc, nhưng làm sao mình có thể mở rộng hơn cái đó ra không? Trong cái công việc hay cuộc sống hàng ngày của bạn?

H.Thái

Dạ xin cảm ơn chị Hà hỏi thêm. Đúng là khi thấy được cái hạnh phúc, dù vẫn có điều kiện nhưng mà ít nhất mình có thấy được cái hướng. Để có hạnh phúc vượt lên tất cả các điều kiện thì mình chỉ cần nghĩ, hướng đến đó mà thực hành bằng một cái pháp nào đó. Mình thấy quá hạnh phúc rồi thì chắc chắn gặp người khác mình nói, mặc dù mình hứng thôi, từ đứa trẻ cũng nói, người lớn cũng nói, tùy theo đối tượng mình tiếp xúc. Mình chắc chắn sẽ chia sẻ, vì mình thấy con đường hạnh phúc, con đường các vị tổ, các vị Bồ tát đã đi rồi. Chắc chắn khi mình hạnh phúc, thấy cái hướng đó thôi mình phải đi chia sẻ cho mọi người. Bản thân cá nhân em cũng liên tục làm việc này hằng ngày. Em xin hết em xin cảm ơn chị Hà.

T.Hà

Cảm ơn những chia sẻ rất thực tế của Thái.

Huynh Châu ơi, lực lượng ở Sài Gòn hôm nay khá mạnh. Có một số quý vị ở Hà Nội vừa mới vô, rồi các bạn đến từ Long An, Đồng Tháp nữa. Thành ra, huynh bổ sung thêm đạn dược làm sao đó cho các bên phải bùng nổ lên, sáp lá cà luôn đi ạ.

Một bạn cũng mới tới lúc sáng, bạn đến từ Nha Trang, đó là K.Dương. K.Dương ơi, chắc cũng đã lâu rồi em mới vô lại chùa vào đúng dịp có buổi thuyết trình, chủ đề của ngày hôm nay là “Tu tập trong đời sống hàng ngày”, em có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi tham gia buổi này tai đây cùng đại chúng được không?

T.Châu

Bữa nay trên đó thấy ngồi là biết rồi, thấy quý vị ngồi thấy mạnh lắm, số lượng đông lắm rồi.

K.Dương

Con kính chào Thầy, kính chào đại chúng!

Con chào chú Châu. Con vừa vào, muộn một chút, con chưa nghe phần chia sẻ của chú, con xin chia sẻ một chút về chủ đề này.

Theo con cái hạnh phúc của chúng ta đến từ bên trong mỗi người, từ tâm mỗi người. Khi mà chúng ta có sự bình an, có sự sống, có yêu thương, có năng lượng yêu thương bên trong thì tự nhiên cái sự phúc lạc bên trong con người ta có sẽ lan tỏa. Lan toả ra ngoài không gian, đến người tương tác, đến công việc, đến những điều chúng ta đang kết nối. Chúng ta làm gì thì cuộc sống này, mục đích cuối cùng nó cũng là để cho chúng ta đi về con đường giải thoát và sống làm sao được an lạc. Mỗi phút giây của chúng ta đều thực hiện được đều đó chứ không chờ chúng ta giác ngộ rồi chúng ta mới đạt được điều này.

Con nghĩ rằng, giống như Thầy dạy thôi, chúng ta thực hành thế nào để cho chúng ta luôn luôn ở trong Nền tảng đó, khi ở trong Nền tảng đó, chúng ta sẽ có được sự sáng suốt có được trí tuệ với tâm từ bi. Mà nó mở rộng ra, trái tim chúng ta mở rộng ra thì càng ngày việc mở rộng này ra sẽ bao trùm toàn khắp và chúng ta có thể không chỉ yêu thương chính bản thân, mà yêu thương những con người xung quanh, hiện diện xung quanh chúng ta, những người đang làm việc với chúng ta, chúng ta sẽ kết nối, hòa hợp với tất cả vũ trụ này, cũng như với môi trường, với con người, tất cả mọi người sẽ có năng lượng yêu thương đó. Khi chúng ta có tình yêu thương thì chúng ta sẽ có hạnh phúc ạ. Con xin cảm ơn chú, cũng như con biết ơn mọi người vì chủ đề này rất hay và rất thiết thực.

Con xin hỏi chú Châu một câu được không ạ? con hỏi Chú Châu là bây giờ làm thế nào mỗi phút giây mình có được cái năng lượng của sự bình an ấy, và làm sao mở rộng phát triển tâm từ của mình ấy ạ. Vâng.

T.Châu

Chú Châu trả lời rất đơn giản thôi: “Tâm bình thế giới bình”. Đặc biệt các căn mình: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với mọi cảnh mà vẫn luôn luôn biết, luôn luôn sống được với đời sống chân thường. Có mắt, có tai, có mũi, có lưỡi, có thân, có ý tất cả tiếp xúc với đời, nhưng mình không chạy theo đời, mà tiếp xúc bằng cái tâm bình thản của mình, bằng cái bản tánh của mình, bằng cái tấm gương, tấm gương đó sẽ giải quyết mọi vấn, đề chứ không có cách nào khác hết trơn. Mọi cách khác chẳng qua là tạm thời thôi.

Thấy tướng mà không chạy theo tướng thì cái đó là gì? Là Tâm bình, thế giới bình. Cũng như Dương nói, đi vào trong để tâm mình bình, tâm bình thì mọi việc mới bình được. Mà bình ở đâu? Bình nơi mắt tiếp sắc, tai nghe thinh, mọi cái trong cuộc đời này sáu căn nó hoạt động với sáu trần, nó tiếp xúc trong lúc nào? Trong lúc thức, lúc ngủ, lúc thiền định và lúc lâm chung, mình chưa dám nói từng phút giây phút, chưa trải nghiệm nên mình không dám nói, nhưng mà lúc thức, lúc sinh hoạt hằng ngày, mình luôn luôn biết tỉnh thức. Lúc ngủ thì trước và sau ngủ mình đều tỉnh biết, còn sau ngủ thức rất yên tĩnh, trí tuệ nó không mất được, nó vẫn nằm, tồn tại mãi, chỉ thức tạm lắng xuống thôi.

Như vậy mình tu được trong lúc nào? Tu bằng sáu căn, nơi mắt, nơi tai, nơi mũi, nơi lưỡi, thân, ý, đều tu hết. Bằng cách nào? Bằng Bản tánh của mình, ngoài Bản tánh của mình là bằng cái Tâm của mình. tâm đó là tâm gì? Tâm bình, tâm thanh tịnh, tâm của Nền tảng. Sao mình thấy được Nền tảng được, thì tự nhiên mọi cái từ đó, từ cái tâm Nền tảng đó, từ ông chủ đó, sẽ giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, dù anh tiếp xúc lúc thức, lúc ngủ, lúc thiền định. Nếu còn mới, chưa quen, lúc thiền định có thể mình trụ tâm được nhưng mà ra đời một lúc, tiếp xúc với cuộc sống, tiếp xúc với đời, mình không đủ lực, tâm mình không lớn hơn hoàn cảnh thì mình sẽ bị hoàn cảnh nó cuốn theo.

Như vậy, bắt buộc rằng tâm phải rộng hơn hoàn cảnh, điều kiện thì mình sẽ không sợ nữa. Lúc đó tâm mình rộng hơn, và mình sống bằng mắt, bằng tai, bằng sáu căn tiếp xúc với sáu trần và với tâm đó, chỉ tâm đó mới giải quyết vấn đề rốt ráo thôi chứ còn không có cách nào hết trơn. Mình suy luận dùng ý thức mà đè nén, dùng thức để mà quán chiếu chỉ là tạm thời thôi, thì cũng được đó nhưng mà chúng ta từ đó tự tu bằng cách đó để trở về thấy được thực tướng của vạn pháp hoặc thấy được thực Tánh của mình. Tu được như vậy thì mình mới giải quyết triệt để được, mới thực sự an lạc, thực sự hạnh phúc, đó là hạnh phúc vĩnh cửu. Xin hết.

T.Hà

Dạ. Cảm ơn chú Châu ạ. Con thấy có chú ba Tổng giơ tay. Dạ, con mời chú Ba Tổng!

Chú có nghe được con nói không ạ? Trong khi chờ đợi chú ba Tổng quay lại, xin mời huynh D.Trường.

D.Trường

Dạ kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!

Hôm nay chủ đề: Tu tập trong đời sống hằng ngày, Trường thấy cái này rất. Hay ở chỗ người ở trong chùa có cơ hội được thực hành, người ngoài chùa cũng có cơ hội như vậy. Trường thấy một điều như vậy nữa nè, đa phần giống như Trường thôi, một ngày thực hành nhiều thứ lắm, nhưng xong câu chuyện, ra làm việc thì bị phạm nhiều lỗi. Nên mình thấy, hiện tại tu hành đa phần trên ý thức và cái tưởng nhiều hơn. Vấn đề đặt ra của Trường là mình tu tập mình nói mình rải tình yêu thương, hay chánh niệm tỉnh giác, hay làm sao mình nhận thấy được Nền tảng, cái Bản tâm để có một cái nhận thức tối thượng. Trường có một ý kiến như vậy, tức là mỗi người tu tập sao không biết, nhưng biểu lộ ra trong đời sống nó là cái gì đó cuốn hút được người khác, làm lợi lạc được người khác. Trường có ý kiến như vậy, chú Châu có đồng ý không ạ? Chứ sự chứng ngộ hay gì đó là cái chuyện riêng của mỗi cá nhân.

T.Châu

Đúng rồi. Khi mình tu, bản thân mình tự biết mình mình có cuộc sống an lạc như thế nào, an lạc mức độ nào do tâm lượng của mình. Tâm lượng của mình rộng như vậy thì bao trùm mình và bao trùm hết những người xung quanh, và bao trùm cả vạn vật nữa chứ không bao trùm mỗi người đâu, toàn cả Pháp giới này, thế giới này, mình bao trùm được. Tâm bao nhiêu mình bao trùm được bấy nhiêu. Tâm mình hẹp thì bao trùm mình cũng không xong, làm sao bao trùm người được, và mình cũng khó có tình yêu thương được, rộng mở được. Cho nên, tâm mình rộng mở, không bị ngăn ngại, sẽ bao trùm được mình, bao trùm được mọi người, bao trùm được vạn vật xung quanh.

Còn tâm mình nhỏ hẹp, mình cố gắng thương thì chắc tạm thời thương một phút, hai phút, một giờ, hai giờ, ngày hai ngày thôi, chứ thương hoài thì chắc mình không thương nổi được vì tâm mình không đủ rộng. Cho nên tâm mình phải rộng. Tâm này là tâm gì? Tâm của Nền tảng, tất nhiên không phải thấy hết Nền tảng đâu, thấy hết Pháp thân đâu, nhưng mà phải thấy cái Nền tảng, Nền tảng đó đích thực của tâm rộng, thì dần dần mình vừa tu, vừa làm cho tâm rộng ra, rồi rộng ra, tu tiếp tu tiếp, rộng ra rộng ra, tu tiếp… Như vậy trong cuộc đời này mình vì đạo - đời, là tu, đời là đạo, cuối cùng giải quyết được bằng cái chỗ đó, thì chỉ sau cùng rồi, tận cùng rồi, đời là đạo, chú vẫn sống mà vẫn tâm, vẫn đạo mà.

D.Trường

Dạ con có ý kiến thêm với chú Châu ạ. Con thấy, lúc mà mình thực hành trong đời sống, cái chuyện đó mỗi cá nhân riêng mỗi người. Ví dụ, người này tuy đã thấy cái này, thấy cái đó, hay tôi được như vậy đó, thì rõ ràng ở đây, giống như một bông hoa đã nở ra rồi, hoa nở thì chắc chắn có ong bướm đến bu vô. Còn mình xem mình, ông này hạnh phúc lắm nè, nhưng sao người ta nhìn vô thấy nặng cuộc đời, như vậy thì mình phải coi lại chỗ này, trong đời sống hằng ngày, chuyện của mình chứ không phải chuyện của ai hết. Dạ, xin hết ạ.

T.Hà

Cảm ơn huynh D.Trường. Tiếp theo, Hà xin mời nhóm Dòng Sống. P.Thảo ơi, ở trên màn hình chị thấy có ba vị thôi, không biết có còn ai nữa không? P.Thảo có thể giới thiệu các thành viên nhòm mình tham gia buổi thuyết trình hôm nay được không, có bao nhiệu bạn?

P.Thảo

Bên cạnh em là anh Hoàng, bên cạnh anh Hoàng là anh Ninh ạ, bên cạnh anh Ninh là anh Bình. Hôm nay có chị Hiền là vợ anh Bình, chị Hiền đã tham dự các buổi của Thầy ở khách sạn Công Đoàn, chị Hiền cũng tham dự ở đây một, hai buổi rồi ạ.

T.Hà

Rất hoan hỷ, cảm ơn Phương Thảo. Hà thấy huynh Nguyên có giơ tay, mời huynh Nguyên ạ.

B.Nguyên

Dạ kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng ạ!

Chủ đề hôm nay khá là rộng, con cũng xin có một chút ý kiến liên quan đến vấn đề này. Nói về áp dụng những gì mình đã thực hành vào trong cuộc sống, thì mới đây con có đọc bài ở trên ‘Tại đây và bây giờ’, có nói về các module cảm xúc. Mình thấy, trong cuộc sống hàng ngày, mình luôn bị các cảm xúc khác nhau nó chi phối, đối với người này sẽ có cảm xúc này, đối với người khác có cảm xúc khác. Ví dụ, cùng một vấn đề đó, một ông nói mình nghe không lọt tai, nhưng có một cô nào mình thấy hợp hợp, nói vấn đề đó, mình lại nghe lọt tai và dễ chấp nhận hơn. Nên làm sao để mình nhận thấy là trong mình nó luôn có những cái gọi là module cảm xúc đó, do có sự phân biệt cái này, cái kia, và những cái module cảm xúc đó, nó điều khiển.

Cho nên, đó là lý do nãy bạn Điểm nói, sao là mình luôn bị những cái phiền não nó vây lấy mình. Khi nhận ra được, thấy được những cái gì nó đang điều khiển mình thì mình phải tu tập, để làm sao nhận ra được cái điều đó ngày càng nhiều trong đời sống. Đó là bước đầu tiên để mình giảm bớt phiền não. Và đi sâu hơn nữa thì phải thấy được những tư tưởng, những suy nghĩ, cảm xúc đó đến từ đâu, và mình phải tin chắc rằng những cảm xúc đó không có thật, nó thay đổi liên tục. Khi tìm ra được một cái gì đó chân thật, thì mình an trú trong nơi đó, như vậy những cảm xúc phiền não sẽ vơi bớt tuỳ theo mức độ nhận biết của mình. Không phải là mình nhận biết một lần, mà phải thực hành từng ngày, từng ngày. Đó là Chánh niệm tỉnh giác. Theo con thấy là vậy.

Hôm nay ở trong lịch con thấy có câu rất hay con có chụp lại xin gửi đến đại chúng, một câu trong kinh Phước Đức:        

“Chung đụng trong nhân gian

Tâm không hề lay chuyển

Phiền não hết an nhiên

Là Phước Đức lớn nhất

Ai sống được như thế

Đi đâu cũng an toàn

Tới đâu cũng vững mạnh

Phước Đức của tự thân”.

 

Dạ con xin cảm ơn mọi người, con xin hết ạ.

Q.Trường

Cảm ơn những đóng góp, chia sẻ của huynh Nguyên. Xin mời nhóm Dòng Sống.

P.Thảo

Con là P.Thảo, con có câu hỏi xin hỏi Chú Châu, “Con được biết, khi chú còn công tác ở bệnh viện, chú có đọc cuốn Kinh Kim Cương Hành Giải của Thầy, và bừng tỉnh ra một điều gì đó. Con xin hỏi chú là, sau khi có cái hiểu sâu sắc hơn về kinh Kim Cương qua lời giải của Thầy thì chú đã áp dụng thế nào và chú thấy biến chuyển về tư duy và hành động của chú đã khác như thế nào trong quá trình chú công tác tại bệnh viện, trong quá trình chú xử lý đối với với bệnh nhân và công việc, con xin hết à!

T.Châu

Cảm ơn Thảo Triều. Nhờ có nhân duyên, trước đây mình luôn luôn tin tưởng và thực hành Bát Nhã thôi, sau đó thì gặp được Thầy, rồi cũng tu tập Kinh Kim Cang Bát Nhã của Thầy, tự nhiên một lúc nào đó thấy nó mở toang hết ra. Tự nhiên thấy cái nhà nó không còn che chắn gì hết, chỉ có không gian thôi, quanh mình chỉ còn không gian trống trơn, không còn gì và không còn gì để ngăn che mình nữa, chỉ có khoảng trống không gian mình đang ngồi đấy thôi. Đấy cái mình đồng nhất là chỗ đó. Thực ra là cái thực của mình tại không gian này chứ không phải cái che chắn xung quanh mình, hoặc không phải là cái cột kèo mái ngói, hoặc là cái vỏ chai chứa đựng không gian trong đó, tất cả nó không còn nữa, thì tự nhiên tuôn trào và trở về Ngũ uẩn giai không. Khi là Ngũ uẩn giai không rồi thì không thấy còn cái che chắn, cái làm cho mình không thấy được không gian tâm của mình.

Khi tự nhiên Ngũ uẩn giai không nó bung ra, mình chưa thấy thật sự là như vậy, mình cảm nhận không gian đó thôi, chứ chưa hẳn là Ngũ uẩn giai không đâu, nhưng tạm thời cho mình thấy được không gian đó, à mình thấy ra đây rồi, thì đó là không gian của mình. Ta từ đâu tới? Thì đó, từ không gian đó theo nghiệp của mình trở về với mình. Và ta đi về đâu? Không gian đó là bất sanh sanh bất diệt rồi, thì nghiệp của mình nó theo không gian đó. Đó mới lý thôi chứ chưa là gì cả đâu, nhưng lúc mình cảm thấy sống trong thế giới thật sự thân tâm này không còn bị vướng mắc, thời gian không bị vướng mắc nữa thì mình sống trong thế giới gần như không chọn lựa nữa; sống trong thế giới không có gì để ngăn che, thật sự không có gì ngăn che mình hết trơn, không có gì ngăn ngại mình cả vì tâm đó là tâm rộng mở, tâm Bát Nhã. Vậy cho nên tâm đó là tâm Bát nhã trùm khắp, tâm Bát nhã đó là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, đó là thực tại hiện tiền, đó là không gian tâm, tất cả là không.

Khổ là sao? Là do mình còn trụ, còn vướng mắc vào các tướng, vướng mắc làm cho tâm bị che chắn lại, nên tâm hẹp lại, và khi tâm mình hẹp thì đó là mình bị vướng mắc các tướng. Cho nên kinh Kim Cang nói, thực tướng là vô tướng, tức là không còn tướng nào hết trơn, không trụ đó là bản tâm. Thực tướng của các tướng là gì? Là vô tướng, rõ ràng là như vậy, đó là tâm mình, đó là Bát nhã, dần dần như vậy, mình sống với nó. Cuôc đời này bắt buộc chúng ta phải nếm trải, một lúc nào đó ta sống bằng cái đó, ta tu tập hàng ngày với nó, thì chúng ta mới có cái thật. Chưa chạm đước cái thật thì ta sống với cái giả, mọi cái đều là giả, tạm thời, rồi dùng cái tạm thời để chúng ta thấy được cái thật. Điều quan trọng là chỗ đấy.

Ai cũng có phiền não, như cô Điểm mới nói là thấy khổ đau. Như vậy chúng ta nên biết nhìn vào trong đó, dần dần mình tin được như vậy, tin vào quá trình như vậy, mình tin – nhập, tin – nhập. Từ cái tin đó chúng ta từ từ nhập vào cái bản tánh, rồi càng ngày càng rộng ra. Không thể một lúc là có được đâu, mình phải củng cố lòng tin, cho đến càng ngày càng tin, không thể khác được. Cũng từ lòng tin đó mình làm hết sức, hết khả năng, thì một lúc nào đó mình sẽ thấy cái thật. Mỗi người tu khác nhau nhưng phải về cái đích cuối cùng là về cái Nền tảng. Tôi luôn tin và nhập trên cái Nền tảng, mỗi người tu khác nhau nhưng chúng ta phải sống được trên cái Nền tảng, càng ngày càng rộng ra cho đến được trọn vẹn. Mình phải luôn luôn tin như vậy để làm hành trang trong cuộc đời này, cuộc đời này có vô vàn  khó khăn, khó khăn đó chính là phương tiện giúp chúng ta tiến tới cái cái chân thật.

P.Thảo: Dạ con cảm ơn Chú ạ!

CH.Hải

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Hôm nay Điểm với Bác châu có thảo luận về đề tài “Tu tập trong đời sống hàng ngày”, mình thấy vấn đề này như Trường nói là khá rộng và cũng có chút khác biệt. Mình nói một cách cụ thể một chút cho những người mới, những người cũ thì không nói đi. Vấn đề thứ nhất là ai cũng có một nguồn năng lượng, nếu chú ý tới chuyện tu hành nhiều thì mình sẽ chia cái nguồn năng lượng cho việc tu tập nhiều, người thích theo cuộc sống bình thường, tức là không quan tâm gì đến việc tu hành thì năng lượng đó tiêu mất trong cuộc sống. Nghĩa là, mình chỉ có một nguồn năng lượng thôi, mình dùng phần lớn cho cái việc nào? Lúc đầu mới tu thì đạo và đời tách ra, thấy đời thì mình quên đạo, tập trung vào đạo thì mình chểnh mảng việc ở đời. Vấn đề đầu tiên phải thấy là mình có muốn cuộc đời mình tốt hơn hay không? Nếu thấy cần thiết, lúc đó mình mới tập trung vào việc tua tập, thực hành, sự tập trung đó mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự tha thiết của mình.

Kế đó, mình phải có một phương pháp thực hành cụ thể. Chẳng hạn, ngồi thiền thì phải ngồi thiền mỗi ngày, ví dụ, một ngày 2,3 thời hay 3,4 thời, phải có thời khoá cụ thể và thực hiện thời khoá đó. Như lúc vẫn còn đang đi làm, mình vẫn thực hành, có khi một đêm mình thiền 4 thời, vẫn làm được như thường. Quan trọng mình có thiết tha làm việc đó hay không thôi. Ngoài ra thì trì chú hay niệm phật gì đó nữa. Theo mình, mình phải đeo theo mình làm, tụng kinh ở chùa, cũng có người tụng kinh ở nhà, rồi đi dự Bát Quan Trai ở khu vực của mình, ở đó có chùa chiền hay nhóm tu tập gì đó mình thực hành theo. Tức là phương pháp cụ thể là mình phải nhào vô mình tu, bất cứ cái cơ hội nào mình chạm tới mình phải tập trung vào đó mình thực hành, đó là cái thứ hai – phương pháp cụ thể.

Cái thứ ba là việc thực hành đó phải liên tục, giống như Thầy hay nói là Nhật tụng, tức là mỗi ngày mình phải thực hành, ngày nào mình bỏ thì coi như là phạm giới chứ không phải chơi đâu. Thực hành thiền thì mỗi buổi sáng hay tối, ngồi một ngày hai thời hay một thời thì mình phải duy trì cái đó, những cái sinh hoạt khác mà ảnh hưởng đến thời gian mà mình  thực hành đó thì mình cố gắng hạn chế đừng có lấn qua mà ảnh hưởng đến thời khoá thực hành. Nếu thức thức khuya quá, hay bận rộn gì đó phải thức khuya, hôm sau mình không dậy nổi, mình bỏ một cữ, thì coi như cái sự liên tục nó bị gián đoạn. Một lần không nói làm gì, gián đoạn nhiều lần mình sẽ chểnh mảng việc thực hành. Thành ra việc thực hành liên tục rất quan trọng, nó sẽ tịnh hóa tâm thức, phiền não dần dần lắng dịu. Thực hành đến một lúc nào đó nó đủ lực, đủ sức, tức là cái duyên được tích tụ đủ, khi đầy đủ mình sẽ thấy được Nền tảng.

Từ lúc biết Thầy đến giờ Thầy chỉ nói về cái Nền tảng thôi, nhiều người cũng nói về Nền tảng, nhưng chỉ hiểu thôi chứ chưa thấy rõ cái Nền tảng. Cho nên phải thực hành, việc thực hành quyết định sự thành công của mình. Có nhiều người thực hành ít nhưng người ta có thể chạm đến Nền tảng, có người thực hành nhiều mới thấy. Có người, thậm chí, thực hành cả đời cũng chưa thấy. Mình phải biết đó là sự tích tập tu hành của mình, cái người thực hành ít là do đời trước họ đã thực hành, nên thực hành lại rất là nhanh, còn cái người yếu kém, căn cơ thấp buộc phải thực hành lâu. Nếu không thực hành thì cuộc đời mình cứ dang dở hoài, đời sau cũng dang dở vậy thôi.

Thành ra, vấn đề Nền tảng là vấn đề sống còn của mình, mình phải thực hành làm sao để thấy Nền tảng mới được, lúc đó đời và đạo mới hợp nhất, hợp nhất trên cái Nền tảng. Lúc đó năng lượng mình không chia phần cho đạo hay chia phần cho đời, mà năng lượng được biểu lộ trên đời sống, biểu lộ trên từng hoạt động của cuộc sống luôn. Cuối cùng, mình thấy cái chiều sâu tu tập thể hiện trong việc thực hành của mỗi người là vậy, có người cạn, có người sâu, nó sai biệt dữ lắm. Nhưng mà nó sai biệt ở đâu? Nó đứng trên cái góc độ là Nền tảng, tức là cái Nền tảng nó hiển lộ  tới đâu, hiển lộ nhiều thì giữa đời và đạo hợp nhất, hiển lộ ít thì nó còn cách xa, hoặc giả là khi có khi không!

T.Hà

Dạ, con xin cảm ơn phần chia sẻ của chú Hải ạ.

P.Thảo ơi, hồi nãy P.Thảo có hỏi Bác Châu, phần chia sẻ của chú Hải vừa rồi chắc cũng có phần nào liên quan, không biết P.Thảo hài lòng chưa?

P.Thảo

Em thấy phần chia sẻ của Bác Châu và chú Hải đã rất cụ thể rồi ạ!

T.Châu

Chú Châu có ý kiến tí P.Thảo ơi!

Có lần chú Châu nghe P.Thảo nói, trong cuộc sống, khi nào gặp khó khăn, P.Thảo nhớ đến Thầy, đến tổ, như vậy đó chính là tu tập hàng ngày ấy. Đó là pháp tu rất hay, vì lúc nào P.Thảo cũng vượt qua được. Lúc nào khó khăn quá P.Thảo nhớ đến Thầy, nhớ đên sư ông, đó là câu P.Thảo nói. Đấy là tu tập hàng ngày chứ có gì đâu, đó là lòng sùng mộ, lòng sùng mộ đó được P.Thảo áp dụng trong đời sống hàng ngày, dần dần lòng sùng mộ đó trở về giải quyết mọi vấn đề trong đời sống của mình. Khi sùng mộ chân thật, thì lòng sùng mộ đó chính là Bản tánh của tâm, tâm mình và người mình sùng mộ, tâm mình và Thầy, tâm mình và tâm sư ông là một, đó là Bản tâm, có khác gì đâu. Đó là thực hành hàng ngày có hiệu quả, đó là pháp tu rất có lợi lạc, đó là pháp tu sùng mộ của mình đối với Thầy, đối với Tổ của mình.

T.Hà

Có rất nhiều các ý kiến khác nhau chia sẻ về sự thực hành cho câu hỏi Điểm đặt ra lúc nãy, không biết bạn đã hài lòng chưa, ngoài ra bạn còn có cảm nhận gì nữa không, mời bạn trao đổi thêm?

Điểm

Dạ kính thưa Thầy kính thưa đại chúng! Câu hỏi của con đặt ra lúc đầu đã được đại chúng chia sẻ, đóng góp ý kiền rất nhiều, con thấy mỗi người có một cách thực hành khác nhau, có người thực hành theo cách này, có người thực  hành theo cách khác, con tâm đắc nhất là ý kiến của chú Hải: Khi chúng ta thực hành chúng ta phải thực hành miên mật, thực hành được như vậy thì đến một lúc nào đó sẽ có một lực tác động thật là lớn. Rất cảm ơn ý kiến của mọi người, giúp con có thêm những chọn lựa để đưa vào đời sống tu tập hàng ngày, để một ngày mỗi tiến bộ hơn ạ! Dạ con xin hết!

H.Nam

Kính thưa Thầy kính thưa Đại chúng! Con có một thắc mắc xin hỏi đại chúng. Dạ, nếu nói tu là sửa, thì trong đời sống hàng ngày, mọi người, cả người biết Phật giáo và không biết Phật giáo đều đang tự hoàn thiện mình. Nhiều người không biết phật giáo, họ cũng rất hay. Ví dụ, họ làm công việc từ thiện rất tốt, giúp trẻ em hết sốt rét ở Châu Phi chẳng hạn, cứu hàng triệu người, cũng có những người làm kinh tế, có những người làm những việc rất nhỏ như chạy bộ, thức dậy sớm, hoặc học thêm gì đó mỗi ngày. Như vậy, rõ ràng tất cả họ đều đang tự hoàn thiện mình. Nên con nhờ đại chúng làm rõ là, một người tìm hiểu Phật giáo, thực hành Phật giáo để hoàn thiện mình, nó sẽ khác gì so với những người không biết về Phật giáo, họ cũng đang hoàn thiện mình.

Chúng ta đang làm đề tài tu tập trong đời sống, nên cũng nên làm rõ vấn đề này, người đi theo con đường Phật giáo thì hoàn thiện như thế nào so với người không theo Phật giáo, cái đó là cái rất là quan trọng.

Q.Trường

Con xin có ý kiến về vấn đề của anh Nam hỏi. Ngoài đời ai cũng hoàn thiện mình hết, vì nếu không hoàn thiện thì mình khổ thôi chứ không có gì hết á. Nhưng mà ở góc độ nào đó, xét kỹ mình sẽ thấy cái động cơ để hoàn thiện mình là cái gì? Ví dụ, nói về việc làm từ thiện đi, nhiều người có khi làm từ thiện rất là nhiều nhưng để đánh bóng tên tuổi, để nhiều người biết đến họ, để họ dễ dàng làm ăn hơn thì động cơ đó khác hoàn toàn đối với một người phát triển từ tình yêu thương nào đó với những người khổ thực sự. Với tình yêu thương thật sự, mình phải xét đến cái nhân. Đầu tiên, họ làm mục điều đó vì mục đích gì, vì động cơ gì? Nó rất là quan trọng.

Ở ngoài đời họ hoàn thiện bản thân mình rất nhiều nhưng hoàn thiện bản thân mình để kiếm được nhiều tiền hơn, hoặc có những người hoàn thiện mình hơn để cái ngã của mình lớn hơn. Còn đạo Phật đi ngược lại, làm chuyện đấy là làm sao để cho cái tôi của mình bớt đi, vì lợi ích chung của mọi người nhiều hơn. Hai tình huống đó động cơ hoàn toàn khác nhau. Phải xét rõ cái động cơ, vì nhiều người hay nói, “tôi đang hoàn thiện bản thân, tôi đang tu hành” nhưng thật sự họ chưa thấy được cái động cơ thật sự của mình là gì, nhiều người tu hành vì một cái lợi ích gì đó chứ không phải mục đích là đạt đến trạng thái giải thoát, giác ngộ.

Bởi vậy, nên suy xét kỹ, thậm chí ngay cả bản thân mình tu đây nè, mình cũng nên nhìn nhận liệu có phải cái tu này xuất phát từ cái ham muốn, khác với cái chuyện đức Phật muốn nói với mình hay không? Nên phải quan sát mình rất là nhiều, và quan sát người khác nữa thì mới rút ra những bài học cho mình. Tại vì, có những cái gọi là nghiệp của mình, cái mê của mình, nó đã dính với mình lâu quá rồi, mình cứ nghĩ là mình đang tu mình tưởng mình ngon lắm rồi, nhưng thực chất mình làm điều gì đó khác. Con xin hết ở đây.

T.Hà

Cảm ơn huynh Q.Trường. Trên màn hình, Hà thấy có huynh Hùng (Thốt Nốt), xin mời huynh Hùng chia sẻ ạ, và kế tiếp, Hà xin mời tới mấy cô, vì nãy giờ chỉ có mấy huynh phát biểu à.

Hùng (Thốt Nốt)

Kính thưa Thầy cùng Đại chúng!

Mình cũng giao lưu với bạn Nam. Thật ra, cái quan trọng của người tu theo đạo Phật là cái nội tâm của mình á, là quan trọng. Mình phải bặt những cái che chướng, cái che chướng đó là tham, sân, si, nhân, ngã, những cái phiền não. Nói chung ra, trong đạo Phật mà khởi tánh, cái gì mà không phải Phật tánh thì chúng ta không nên phạm, tại vì những cái đó là cái nhân, cái nhân đưa đến những nghiệp sanh tử, luân hồi. Cho nên, cái gốc của người tu mình là làm sao sạch những cái che chướng đó, tức là chúng ta dừng ngưng cái nghiệp.

Cho nên, khi mà tôi niệm Phật thì cái mục đích niệm Phật của tôi là sạch những cái che chướng, cái tham, sân, si, nhân, ngã đó. Tôi thấy nó càng giảm che chướng đó hé, thì đời sống hàng ngày của tôi, tôi thấy rất là khoẻ, nó giảm khổ. Phải nói là giảm che chướng, đó là nó giảm khổ nguyên đời sống chứ không có gì hết trơn á. Lúc tôi sạch những cái che chướng thì lúc đó tôi sạch khổ, tức là những cái nghiệp quá khứ của mình nó dừng lại, mà dầu cho có tới nữa đi hé, nghiệp thuận, nghiệp nghịch nó tới tự nhiên mình lướt qua một cách rất là khoẻ khoắn. Nó lạ cái chỗ là khi mình niệm Phật đúng cách thì mình có cái lực là khi cái cảnh thuận, cảnh nghịch nó đến, mình vẫn tự nhiên hoá giải, mình thấy nó quá dễ, ngay đó mình không có khổ, không có tham. Được tới trạng thái đó, tính ra tôi cũng mười mấy năm đó, cái thời gian đó là mười mấy năm. Khi tôi phát nguyện, tôi có một cái trong lòng tôi, nguyện không có còn che chướng, đó là tôi tự phát nguyện.

Cho nên Thầy nói cái “Nền tảng là trước mặt” là tôi có kỷ niệm với Thầy liền. Vì nhờ cái mười mấy tuổi, hai mươi mấy tuổi tôi đã sống với cái chỗ đó, chỗ Thầy nói Nền tảng, Nền tảng thì tôi biết. Cái Nền tảng thật sự là không có che chướng, cho nên khi mà mình được cái đó rồi, mình dừng cái nghiệp quá khứ. Nó hay cái chỗ là, trong đời sống hằng ngày, làm ăn này kia, lo cha mẹ, thì tự nhiên nó dừng mấy cái nghiệp đang tạo. Tại vì cái lòng mình không có tham, sân, si, nhân, ngã. Khi mình niệm Phật đúng cách thì cái lực ngộ lắm. Có cái lực vắng lặng yên tịnh, chính cái lực vắng lặng yên tịnh đó hé, mà mình đi chợ, đi ruộng, rồi mình lo cha mẹ, rồi mình đối với những cái cảnh thuận, cảnh nghịch, mình không có tham, sân, si, nhân, ngã, thì mình không có tạo nghiệp.

Rồi, khi làm từ thiện, tham gia với mấy anh em làm từ thiện, rất là nhiều hạng, nhưng mình tham gia trong đó, nó hay cái chỗ là anh em công nhận mình là người thật lòng, thiệt lòng làm từ thiện, làm từ thiện không có ý lợi dụng là tham danh, lợi tình. Làm như người ta biết, anh em bạn bè mấy chục người vậy đó mà người ta biết mình thật lòng, làm là hết lòng. Không làm thì thôi, bởi làm là cái tánh nết làm hết lòng, thật lòng vậy đó, anh em người ta đánh giá, người ta thương mình, người ta thương cái nết làm từ thiện của mình. Tham, sân, si, nhân, ngã, không có bộc phát trong cái chuyện làm. Tôi làm về ngủ ngon, tôi nói thiệt, anh em tôi làm về tối ngủ ngon dữ lắm cho nên tôi làm hoài được, hoài không có biết chán gì hết trơn á. Nhưng mà cái thân tôi thì biết mệt nghe, có khi mình vác cây cất nhà cho anh em nó cực, nó đổ mồ hôi thì nó có thiệt, công nhận nó đổ mồ hôi hé, nhưng mà cái điều quan trọng là tôi về tôi ngủ ngon lắm. Rồi tôi công phu cũng ngon nữa, nó không có gì chứa trong lòng tôi hết trơn, cho nên tôi thấy lợi lạc như vậy, tôi được cái căn bản đó.

Sau này khi tôi bốn mươi mấy tuổi, Thầy nói “Nền tảng ngay trước mặt” đó hé, là chính Thầy làm tôi tin. Từ khi Thầy nói cái “Nền tảng trước mặt” rồi từ đó về sau rồi tôi biết tôi có của quý rồi, lúc tôi biết tôi có của quý rồi thì lúc đó tôi mới chịu gìn giữ, lúc đó tôi phát triển trong đời sống hằng ngày đó hé, rất là tuyệt vời. Khi mình công phu ngay cái Nền tảng, mình sống ngay Nền tảng là cám ơn. Cám ơn Thầy và Đại chúng. Hết.

Q.Trường

Cảm ơn chú Hùng. Con mời cô Nghĩa. Cô Nghĩa giơ tay lâu rồi.

Cô Nghĩa

Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng!

Mình nhớ có một bài hát có một câu này rất hay, “mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông nhưng không vui bằng nhà mình”. Tại sao thế giới mênh mông nhưng sao không vui bằng nhà mình? Mình nghĩ ở ngoài thế giới mênh mông đó mình cảm thấy xa lạ, còn ở trong gia đình mình thì mình thấy nhiều tình thương, nên thấy nó vui hơn, làm sao để thế giới mênh mông kia cũng vui như nhà vậy. Có nhiều lần cô thấy mọi người lên đây nói là thấy chùa cũng giống như về nhà mình vậy. Mình nghĩ, ăn thua là cái tâm của mình, tâm của mình thấy ở đâu cũng là nhà thì mình tu được á, đâu cũng là chùa được hết thì mình mang đạo vào đời. Còn cái tâm mình lúc nào cũng thấy ở ngoài đời mình làm rất là vất vả, rất là khổ sở. Mình luôn nhớ tới cái con đường đạo thì nó chính là mình đã mang đạo vào đời.

Hồi trước giờ mình không biết làm sao mang đạo vào đời thì mình mang đại cái đạo đó vào trong cuộc đời của mình, tức là những cái gì mà mình học mình mang vào thực hành tức là mình mang đạo vào trong đời mình để mình xử lí tất cả những gì cái gì xảy ra. Giống như là cái câu của sư ông nói là “Tin nhân quả, tạo phước đức, sống chân thường”, tức là mình tin nhân quả rồi thì không có chuyện gì mình phản ứng hết, mình thấy là tất cả đều là nhân quả. Mình sống chân thường thì lúc đó mình sẽ không có tác ý, tức là không có tham, sân, si, tức tối gì đó, tất cả đều là nhân quả mà thì lúc đó mình sống rất là chân thường. Sóng thì luôn luôn ở trong đại dương, nên đại dương và sóng không khác đâu, cùng là nước, sau khi nó trở về, hết sóng thì nó cũng trở về nước, dầu cho nó có biến thành hơi, biến thành mưa thì nó cũng vẫn là nước thôi.

Thành ra, nếu mình thấy bản chất của cuộc đời này là nước thì thấy lúc nào nó cũng là nước thôi. Dù có là đại dương hay là bồng bềnh trên mây thì cuối cùng làm sao mình nhất tâm, cái tâm mình quy về một thôi và mình không thấy có hai, cuộc đời chỉ là chính là mình chính là sự sống, thì mình thấy là đạo và đời cũng đâu có hai. Dạ, cô Nghĩa xin hết ạ.

Q.Trường

Cảm ơn cô Nghĩa. Mời chị Oanh có ý kiến về đề tài hôm nay ạ.

X.Oanh

Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng!

Chủ đề ngày hôm nay mình thấy nó rất là gần gũi, vì tất cả mọi người ở đây đều có tu tập, mình đều có đời sống của mình, cái vấn đề là làm sao để mình đưa việc tu tập của mình vào đời sống. Khi biết đến đạo Phật, biết đến lời Phật dạy thì hiểu được cái đời sống này vận hành như thế nào. Cũng như việc tin nhân quả, đức Phật còn dạy cho chúng ta cách tu học, tu tập theo con đường Bát chánh đạo chẳng hạn, thì mỗi người có cái phương pháp riêng. Thầy có những cái lưu ý, một thứ cơ bản là trước khi vào bước vào con đường tu này thì mình phải nhắc được, cái theo đại thừa đầu tiên phải chú ý là luôn luôn nuôi dưỡng tình yêu thương. Cái đó cực kỳ quan trọng, cái đó là mấu chốt để mình đi suốt cái con đường dài. Cái thứ hai Thầy nhắc đến việc thực hành, mình muốn nhuần nhuyễn cái gì đấy ngay trong đời sống, ngay cả việc một cái trò chơi thì phải làm nhiều thời gian, phải thực hành liên tục. Nếu tách việc tu tập với đời sống thì mình sẽ có rất ít thời gian, việc tu biết bao giờ mới thành tựu được.

Cho nên cái rất quan trọng là đưa được cái mình đang tu vào trong đời sống, trong mỗi hành động, phải tận dụng thời gian như vậy mới thành thạo được, đó cũng là điểm rất quan trọng. Muốn làm thế thì phải tha thiết, có lòng tin. Mình hiểu như Thầy chỉ, mình tu cái gì cũng phải luôn luôn hướng đến cái Nền tảng, cái Bản tâm của mình. Khi mình tha thiết thì mỗi hành động, mình đều phải soi chiếu lại. Người tu tập khác với những người không tu tập. Thứ nhất, người tu tập biết diệt trừ cái bản ngã. Như huynh Trường nói, đúng là tất cả các hành động của mình cũng chỉ là để làm giảm cái tôi, làm mất đi cái tôi, vì cái tôi chính là nguyên nhân khiến cho mình khổ. Từng hành động của mình cũng làm cho mình rõ, thể hiện mình có cái tôi đó hay không thì mình phải tự soi chiếu lại. Nếu như không biết quán chiếu lại bản thân thì việc tu nó rất là khó để đạt đến kết quả và gần như có khi càng tu lại càng tệ hơn.

Mình có một cái lưu ý như vậy. Nếu như có thể từng giờ, từng phút, từng hành động, từng việc, mà mình đều quán sát, mình tu thì có thể tận dụng được toàn bộ thời gian của mình. Nếu đời sống của mình phục vụ cho việc tu thì chắc chắn là mình sẽ nhanh tiến bộ. Cái vấn đề là thế thôi, đấy là cái ý kiến của mình.

Còn việc Điểm có hỏi là mình phải làm thế nào để đưa đạo vào đời sống, thì đấy, có thể quan sát, có rất nhiều cách, các sách vở, rồi Thầy đều có nói rất nhiều, rồi mình sẽ chọn một cái nào nó phù hợp với mình, nó luôn luôn nhắc nhở mình rồi về cái việc mình phải làm, về cái con đường mình phải đi, để làm sao từng cái việc trong đời sống mình có thể nhớ được, mình có thể làm được, như vậy mới tiến bộ được. Chứ còn không ai có thể làm thay mình được. Tất cả mọi đường hướng đều có chỉ hết rồi, mình phải thực hiện thôi chứ không thực hiện thay mình được. Xin hết ạ.

Q.Trường

Cảm ơn chị Oanh. Chú H.Dũng, chú giơ tay hai lần rồi. Con xin mời chú.

H.Dũng

Dạ, thưa Thầy, thưa Đại chúng!

Hồi nãy con có nghe câu hỏi của bạn Nam. Mình nghĩ, mọi người sống trong cuộc đời này có điểm chung nhất là có “hoài bão”, người sống bình thường ở ngoài, họ nghĩ học hành cho tốt, có sự nghiệp, có gia đình, xây dựng nhà cửa, đó cũng là hoài bão của họ. Người tu cũng có hoài bão, nữa là tự sửa mình trong từng hành động, cũng như cô gì đó vừa nói. Vấn đề còn lại, ở cái điểm khác, chủ yếu thống nhất thì một người có chiến lược và một người không có chiến lược. Thật sự như vậy, một người có tín ngưỡng và một người không có tín ngưỡng. Đôi khi cái tín ngưỡng nó lôi kéo mình dữ dội dữ lắm. Tại vì mình tin vào những điều đó, mình tin vào những lời của Thầy, của tổ, của Phật nói, và mình đi theo con đường của Phật thì chắc chắn một điều là mình có chiến lược, cái chiến lược đó nó bao giờ cũng gắn chặt với mình hết, không phải trong kiếp này không, mà trên từng từng bước chân của mình, cái đó nó có sẵn. Và giống như hồi nãy nói cái chuyện hoài bão, thì hoài bão cũng là cái chuyện bình thường, nó cũng là chiến lược dữ dằn lắm, thành ra hai bên nó hai cái suy nghĩ. Đó thì hoàn toàn khác nhau hết, một bên hoàn toàn có chiến lược tức là có tín ngưỡng, một bên thì thiếu cái phần đó họ chỉ có riêng tư cá nhân thôi.

T.Hà

Cám ơn huynh Dũng. Trên màn hình mình thấy có bạn Thuỷ Mộc. Từ đầu tới giờ thấy bạn có vẻ rất tập trung. Xin mời Thuỷ Mộc chia sẻ nha. Sau Thuỷ Mộc, xin mời huynh Ninh hoặc huynh Bình ở phía Dòng Sống. Bây giờ, mời Thuỷ Mộc chia sẻ ạ.

Thuỷ Mộc

Dạ con xin chào Thầy và Đại Chúng!

Hôm nay con được nhìn thấy mọi người ở trong chùa con rất hạnh phúc. Con rất đồng ý với câu hỏi của huynh Nam ban nãy. Huynh đặt câu hỏi rất hay, đó là cái sự giống và khác nhau, điểm phân biệt giữa người mà hành động trong đời sống biết đến Phật giáo và không biết đến Phật giáo. Con rất đồng ý với cả ý kiến của huynh Trường, có nói đến là cái động cơ, mục đích, thì con nhận thấy trong cuộc sống này, xung quanh con rất nhiều người có ham muốn làm giàu, trong họ lúc nào cũng nghĩ đến cái động cơ làm giàu, mà dường như họ chưa nhận ra được là họ làm giàu chủ yếu là vì cái tôi, hoặc là đánh bóng tên tuổi, hoặc vì xây dựng một cái gì đó củng cố thêm cái tôi của mình và hoặc để mọi người nhìn thấy, chủ yếu là để bên ngoài nhìn thấy chứ không phải để chính mình nhìn thấy ạ. Nó giống như cái đồ trang sức để khoe ra ấy ạ, chưa thực sự bên trong là người ta làm cái đấy mà người ta nhận ra được là ở bên trong mình là cái gì. Thì con rất là đồng ý với ý kiến của huynh Trường.

Bên cạnh đó thì là ý kiến của bác H.Dũng thì con rất là đồng ý. Đó là sự khác nhau giữa một người có tu và không có tu, tức là có chiến lược và một người không có chiến lược. Nếu như một người có chiến lược ấy biết rõ mình đang đi trên con đường nào thì mình sẽ không bị lạc, sợ nhất là mình bị lạc đường ấy ạ. Vâng, thì nhiều người trên con đường làm giàu và trên con đường xây dựng hạnh phúc của bản thân thường hay lạc đường. Thường những người đang tu mà có tu ấy ạ nếu chúng ta không cẩn thận thì chúng ta rất dễ bị lạc đường ạ. Con nghĩ cái ý kiến của bác H.Dũng thì rất đồng tình, một người có chiến lược thì không có đi lạc đường, đi sai hướng thì mình sẽ đi trên một con đường một cách thảnh thơi ung dung, mình không lo là sai đường. Vâng, con xin hết. Xin cảm ơn mọi người.

T.Hà

Cảm ơn Thuỷ Mộc. Câu hỏi của Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm. Sau khi mọi người chia sẻ xong, chắc nhờ Nam tổng kết lại, xem cái cảm nhận như thế nào. Nhưng trước khi đó, Hà xin được phép mời nhóm Dòng Sống, huynh Ninh hoặc huynh Bình, Hà xin mời ạ.

Q.Ninh

Con xin kính chào Thầy, kính chào Đại chúng. Con thấy chủ đề hôm nay mọi người nêu lên rất là hay và đặc biệt là có một bạn hỏi: đâu là sự khác nhau giữa người hoàn thiện trong đời thường và một người hoàn thiện trong tu tập, thì con thấy là câu hỏi này nó rất hay. Đại đa số người mà biết tu tập theo Phật giáo thì không nhiều lắm. Còn những người bình thường trong đời sống mà người ta không có khái niệm về Phật giáo hay là tu tập về Phật giáo thì là người ta cũng hoàn thiện thì ở đây cũng khác nhau. Vấn đề ở đây là nằm ở hoàn thiện, tức là trong đầu mọi người đều có những khái niệm về hoàn thiện, làm cái gì để cho mình tiến bộ, thì những người tu tập Phật giáo cũng vậy. Đầu tiên cũng có khái niệm mình phải đọc kinh Phật, mình tu tập hay là ai đấy giới thiệu cho mình hay là mình đọc kinh sách mình cũng có khái niệm về đạo Phật.

Mình thấy Đức Phật là một gì đấy hoàn thiện, những người có căn cơ tu tập theo Phật giáo thì mình hoàn thiện theo hướng Phật giáo, còn ngoài đời đấy thì người ta lại hoàn thiện theo cái hướng ngoài đời. Có sự căn bản khác nhau đấy. Nếu như chúng ta để ý kỹ sẽ thấy về cái căn bản ấy, Phật giáo phải hoàn thiện đến cái đích cuối cùng. Chúng ta phân biệt cái đích cuối cùng này nó rất khác với cái đích cuối cùng của một người thế gian, đấy là sự xuất thế gian. Con đường xuất thế gian này như Đức Phật Thích Ca nói, xuất phát là khổ đau, người đời người ta không thể tin được lại có một trạng thái tâm hay có một cái gì đấy hoàn toàn thoát khỏi cái đó. Thế là người ta bằng phương thức thế gian, người ta nhìn thấy, ồ, cuộc đời này, cuối cùng cũng đến cái chết, và không ai tránh khỏi được. Nhưng rõ ràng, nhìn đến tận cùng ấy thì Phật giáo chính là thoát khổ, gọi là liễu ngộ khỏi sanh tử. Thì đây là sự khác nhau rất căn bản.

Cùng là khái niệm hoàn thiện, Phật là sự toàn thiện, toàn thiện ở đây ý nghĩa rốt ráo cuối cùng là thoát khỏi liễu pháp, liễu ngộ, thoát khỏi sinh tử và là hạnh phúc bất diệt. Cái đấy thì người thế gian không thể hình dung được, người ta không thể nào tin có một cái gì đó thoát khỏi sinh tử, tức là người ta gắn chặt với cái mà người ta coi là như chú Châu nói ban đầu. Con nghĩ cái này là hết sức phước đức cho những người có cái duyên đến với phật pháp, đấy là cái con cảm nhận, con cảm ơn Thầy, con cám ơn đại chúng ạ!

H.Giác

Dạ kính thưa Thầy kính thưa đại chúng! Theo câu hỏi của Nam hồi nãy, cái cách hoàn thiện của một người có tu tập và một người không tu tập, nó khác nhau như thế nào? Con thấy, ở ngoài đời họ cũng làm phước nhiều lắm, theo nhân quả thì họ làm phước bao nhiêu sẽ hưởng được bấy nhiêu. Nhưng con thấy như thế chưa đủ. Con có đọc trong cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh có một câu con nhớ không lầm là: tu phước mà không có tu đạo thì đời sau phước có nhưng mà tội vẫn còn. Nên cũng phải có cái tu đạo, tu theo cái Nền tảng mà Thầy dạy, để từ từ cải thiện cho mình cho cái tội mình nó hết, không còn nữa, chứ đi một cái thì nó không đủ ấy, dạ con xin hết ạ!

T.Hà

Xin mời ý kiến của chị Oanh ạ!

X.Oanh

Kính Thưa Thầy kính thưa đại chúng!

Con xin bổ sung một chút về sự khác biệt giữa sự hoàn thiện của người đời và sự hoàn thiện của người tu tập. Thực ra, ở đời có nhiều người tự hoàn thiện rất là tốt, họ đạt đươc rất là nhiều thành quả trong cuộc sống và được nhiều người đánh giá cao, là những tấm gương trong cuộc đời cho nhiều người noi theo. Đấy là nó có, nhưng nó khác biệt nhứ thế nào với những người tự hoàn thiện và có tu tập. Mình thấy cái điểm rất là cơ bản ở đây, những người đời khi mà người ta hoàn thiện là người ta theo đuổi theo cái hạnh phúc ngắn hạn, tức là hạnh phúc tối đa là trong cái đời của họ, chẳng hạn, ví dụ như thế. Còn người tu tập thì theo đuổi hạnh phúc, gọi là hạnh phúc tối hậu, có những hạnh phúc đến tận cùng, khi mà mình đã trừ diệt được cái tôi, thì cái hạnh phúc đấy là viên mãn. Còn những người trong đời, dù hoàn thiện đến cỡ nào, nhưng mà không nắm được cái quy luật vận hành của đời sống thì bằng một cách nào đó họ chỉ có được hạnh phúc ở trong cái cuộc đời này, thế thôi. Và cũng muốn nói thêm về anh giác vừa phát biểu về bài thơ của Lục Tổ Huệ Năng, con muốn nói là mình cũng rất thích câu đấy là:

Người mê tu phước chẳng tu đạo.

Chỉ nói tu phước ấy là đạo.

Bố thí cúng dường phước vô biên.

Trong Tâm ba ác vẫn còn tạo.

Chỉ hướng trong tâm trừ tội duyên.

Đều trong tự tánh tâm sám hối.

Bỏ tà làm chánh là không tội.

 

Tóm lại, khi tu, mình biết là phải về được cái bản tánh, phải bỏ trừ hết cái tôi thì mới là cái hạnh phúc tối hậu chân thật. Chứ còn các cái hành động thiện lành khác nếu mà mình không biết trừ cái bản ngã vẫn cứ là có phước, nhưng vẫn có tội.

Huynh Bình (Dòng Sống)

Dạ con xin chào Thầy và chào đại chúng!

Con tên là Bình, con ở nhóm Dòng Sống, Hà Nội. Trước hết, con muốn bày tỏ quan điểm chỗ mà Nam lúc nãy phát biểu, sự khác nhau của người không tu tập và người tu tập theo đạo Phật khi thực hành việc hoàn thiện bản thân như thế nào? Chắc chắn rồi, một người bình thường khác với một người theo đạo Phật tu tập. Người theo đạo thì quy về Tam bảo, còn người bên ngoài họ không quy y. Sự khác nhau trước hết là cái quan điểm hay là cái tri kiến, nếu không nhận ra thì mình rất dễ đồng hai cái khái niệm này, cùng làm một việc tốt hay là tu bản thân cho mọi thứ nó tốt hơn. Hai cái này rất dễ hiểu giống nhau. Cái khác nhau ở đây là khi nào thấy được trong những việc mình làm tốt thì tốt như thế nào? Ví dụ, đạo Phật chỉ ra đời là khổ, chẳng hạn như thế, thì họ có thấy khổ hay không? Hay chỉ nghĩ việc họ làm, như từ thiện mà như nãy có ai đó nói, rồi nâng cao bản ngã của mình, hay chỉ vì mục đích là mở rộng quan hệ để kiếm tiền. Mục đích kiếm tiền để làm gì? Phải rõ ràng.

Tri kiến đạo Phật thì khác như vậy, chỉ rất rõ ràng khái niệm là chúng ta phải thấy được cái khổ của đời sống, phải nhận ra được cái khổ này thì từ đó mình mới đi theo con đường giải thoát, thoát khổ của Phật. Ở ngoài đời họ không biết, không nhận ra được giá trị này. Vẫn biết rằng đời sống này tồn tại không ổn, cứ liên tục cứ như thế thì dù có kiếm được rất nhiều tiền rất, nhưng cuối cùng vẫn lại luẩn quẩn trong cái cuộc sống đời thường đến lúc sinh, lão, bệnh, tử xảy ra thì mình lại đi vào một cái đau khổ khác, mà vẫn không nhận ra.

Con thấy may mắn của chúng con là tiếp cận được với đạo Phật với tri kiến đúng đắn, chúng con có thể đưa việc tu học vào đời sống hàng ngày để thoát khỏi những cái khổ đau đấy, đó mới chính là thật sự hạnh phúc. Còn hạnh phúc không được trọn vẹn, hạnh phúc nó chỉ là những cái mong muốn đạt được những gì đó cho bản thân mình. Dù là đạt được kiếm tiền, hay đạt được danh vọng, hay là đạt được cái gì đó, thì nó cũng chưa thể mang đến hạnh phúc trọn vẹn được. Hạnh phúc trọn vẹn là vượt qua, thoát khỏi những cái mong cầu thế tục, còn không thì không thể nào mang đến hạnh phúc trọn vẹn được. Khác nhau là như vậy, con xin bổ sung điều đó ạ! Con xin hết!

T.Hà

Xin cảm ơn Huynh Bình. Hôm nay có bà xã của huynh cũng tham dự. Hà xin mời chị chia sẻ một chút cảm nhận của mình về chủ đề hôm nay hoặc cảm nhận gì từ những chia sẻ của mọi người. Xin mời chị.

Hiền (Dòng Sống)

Xin kính chào Thầy, kính chào đại chúng ạ!

Con cũng là người mới bước vào đường tu, cũng còn rất nhiều khái niệm khá mới mẻ với con. Con chỉ xin chia sẻ cái cảm nhận như thế này ạ. Trước đây, con hiểu hơi chưa đúng, tức là nghĩ tu là mình phải mất hết việc đời đi, và mình phải chuyên tâm vào việc tu, và con chưa sẵn sàng trong việc đấy. Bởi vì vẫn là một người đi làm, vẫn là một người mẹ, một người nội trợ trong gia đình, cảm thấy rằng mình chưa dành trọn vẹn thời gian, dành nhiều thời gian cho việc tu tập. Thế nhưng qua chia sẻ của các anh chị ở đây, nhất là trong buổi hôm nay, thì con nhận thấy là mình hoàn toàn có thể tu trong mọi hoạt động của cuộc sống, và con cũng có thể lĩnh hội được một phần nào cái giáo lý của Thầy truyền khi mà Thầy ra ngoài Hà Nội. Thầy có nói là luôn luôn dựa trên Nền tảng.

Mặc dù, cái hiểu trên Nền tảng của con chưa được sâu, nhưng mà con hiểu cái đấy cũng là kim chỉ nam cho mọi hành động, và đối với con hiện nay thì cái Nền tảng đấy con coi như là cái đích, vừa là tình yêu thương rộng lớn đối với tất cả chúng sinh, và mình sẽ tu tập theo cái kim chỉ nam đó. Đấy là bước đầu con cảm nhận được và cảm thấy rằng mình sẽ theo cái kim chỉ nam đấy và thực hành mọi nơi mọi lúc. Tất nhiên, phải kết hợp với việc dành thời gian để thực hành các việc khác như tụng kinh, hoặc là niệm Phật, hoặc là thiền, thì cái điều đấy thì con nghĩ là dần dần từng bước con sẽ  thực hiện được ạ! Cùng với sự chỉ giáo của các anh chị đây nữa, xin cảm ơn ạ!

T.Hà

Chị có thể giới thiệu một chút về chị với đại chúng được không?

Hiền (Dòng Sống)

Dạ con tên là Hiền ạ!

T.Hà

Cảm ơn chị đã có những chia sẻ rất cảm xúc với đại chúng. Hy vọng, các buổi thuyết trình và pháp đàm lần sau tiếp tục nhận được sự đóng góp của chị. Xin cảm ơn chị rất nhiều. Tiếp theo, xin mời C.Hải.

TC.Hải

Kính thưa Thầy và Đại chúng!

Mình hôm nay làm chủ đề về Tu tập trong đời sống, chủ đề rất là hay, bởi vì hầu như thời gian hàng ngày mình dành cho đời sống, còn đến chùa hay tu tập cũng ít, chưa được bao nhiêu. Trở về câu hỏi của Nam hồi nãy, câu hỏi rất hay, được nhiều người quan tâm, chia sẻ, để chúng ta hiểu hơn về sự khác biệt trong việc hoàn thiện bản thân giữa người tu tập và người không tu tập, và nhận ra tầm quan trọng của việc tìm ra chân lý. Những quy luật trong đời sống nó hiển bày, nhưng người không tu họ không có nhận ra. Học đạo phật là học luật nhân quả, luật hấp dẫn… từ những cái luật đó, mình nhận ra và áp dụng vào trong đời sống. Ví dụ, hồi nãy chị Điểm có nói về sự đau khổ, đó cũng từ quy luật nhân quả thôi. Mình coi mình gieo những cái nhân gì mà mình đau khổ, thì mình đừng có tạo những cái nhân đó nữa, mà hãy làm những nhân tốt lành. Sự khác biệt giữa người có tu và không tu là như vậy.

Người tu thì lúc nào cũng vui vẻ, mình cảm thấy không vui vẻ thì phải coi lại, buồn thì mình phải coi lại. Đó là cái sự khác biệt. Mình để ý là khi có sự tu tập thì mình dễ hòa hợp với đời sống này, và mình làm cái gì đó nó đẹp và nó rõ ràng và sáng tỏ. Mình thấy như trong chúng của mình, chú Chiêm Hà Hải chẳng hạn, chú có những bức hình chụp rất đẹp. Có những người họ cũng ở cái hoàn cảnh đó, cũng cùng khung cảnh đó, nhưng họ chụp lại không đẹp, nhưng chú Hải chụp rất đẹp, ở nhiều góc độ, ở quê, hay ở chùa Phổ Quang. Đó, biểu lộ trong đời sống là vậy.

Hồi xưa mình không hiểu: “Tánh, tướng, Phật pháp với tăng già/ Hai đế dung thông tam muội ấn”. Tánh một bên và tướng một bên, tu là để hai cái đó dung thông nhau được, cái tướng hòa hợp với tâm thanh tịnh, mình với cái đó là một, cái cảnh mình chụp ra cũng y như vậy. Đó là lý do tại sao sự ứng dụng của Phật pháp trong đời sống được rất là nhiều. Bởi vì, trong cái tướng  nó có cái Bản tánh. Học, thấy và sống được với cái Bản tánh đó, chúng ta sẽ ứng dụng được rất nhiều trong cuộc sống. Ví dụ như bên Nhật Bản có: Cung đạo, Trà đạo, đó là những cái họ áp dụng trong đời sống vậy đó. Hải cũng xin hết!

H.Nam

Cảm ơn đại chúng đã góp ý kiến rất sôi nổi. Con thấy đại chúng nói, con rất thích, vì đúng là cái sự thật như vậy thì không có sự phân biệt đâu. Nếu người nào nắm được chiến lược của Phật giáo thì thật ra cũng là đang đi con đường Phật giáo, tại họ không biết họ đi con đường đó thôi, chứ không có sự phân biệt đâu. Thành ra, sống trong đời sống này, mình hiểu được chiến lược đó, tạm dựa trên cái mà huynh Trường nói lúc nãy, mình làm mà không có cái tôi, mình giảm cái tôi đi, hoặc là mình không bị dính như anh Hùng (Thốt Nốt) nói, thì càng làm ảnh càng thấy vui, càng cảm thấy năng lượng. Đó là cái chiến lược. Con thấy cũng chưa cần đến mức như anh Hùng, những cái đời thường thôi, bớt bớt lại chút, chỉ cần giảm cái tôi là thấy vui liền. Ví dụ, mình buôn bán chẳng hạn, mình bớt cái phần lãi chút xíu, mình vẫn đủ phần lời của mình, mình thấy làm cho người ta vui vui một chút là mình cũng thấy vui à. Dạ con thấy vậy, con xin hết ạ!

T.Hà

Cảm ơn Nam. Môm nay Nam đặt câu hỏi hay quá, có rất nhiều người quan tâm, chia sẻ.

Tiếp theo, Hà xin mời huynh Tùng ạ, huynh đã ở chùa được gần 10 ngày rồi, huynh dự định đợt này sẽ tu nghiệp ở chùa khoảng 3 tuần. Mời huynh chia sẻ với đại chúng về chủ để hôm nay hoặc huynh có thể có thêm ý kiến gì đó về câu hỏi của Nam chẳng hạn?

T.Tùng

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!

Cũng có hai sự lựa chọn, định là tiếp tục câu hỏi của Nam, thế nhưng mà thôi, Nam đã kết luận câu hỏi ấy rồi. Nên Tùng chia sẻ về chủ đề chung ngày hôm nay ấy là Tu trong đời sống. Nhớ một lần Thầy có nói về chủ đề kết nối, tức là tu chính là sự kết nối, thì trong đời sống cũng vậy, tu trong đời sống chính là sự kết nối trong đời sống. Đời sống mình có rất nhiều hoạt động, kết nối với thiên nhiên, kết nối với con người. Mình tiếp xúc rồi mình quan hệ, rồi mình làm ăn rồi mình có trách nhiệm với người này người kia, những người xung quanh. Và kết nối thứ ba là kết nối với chính mình. Làm sao để kết nối với thiên nhiên, kết nối với con người thì có chính mình ở trong đó. Đến khi nào mình kết nối ba yếu tố đó đồng một thể, tức là kể cả trong thiên nhiên này, kết nối với con người và kết nối với chính mình. Mình thấy ba kết nối đó nó đều được hiện diện trên Nền tảng chung thì lúc đó chính là tu tập về mặt chiến lược. Tức là mình đem cái đạo vào đời.

Đạo ở đây là gì? Đạo chính là cái Nền tảng, mà cái Nền tảng đó không ngoài đời sống của mình. Từ những cái rất là đơn giản, như mình ngắm cảnh thiên nhiên chẳng hạn, mình kết nối với thiên nhiên là cái Nền tảng phải hiện ra trong cái thiên nhiên đó. Cũng như con người, mình nói chuyện, mình làm ăn, mình hoạt động, như anh Hùng (Thốt Nốt) có nói là anh đi làm từ thiện, anh làm mọi thứ trong cuộc sống, nhưng cái tinh thần của anh rất là vui vẻ và khi anh ấy anh nói rằng mọi người nhận rất là rõ cái năng lượng của anh đúng không? Cái năng lượng này không phải là năng lượng của đời thường, mặc dù anh hoạt động trong đời thường, thì đấy chính là Nền tảng, mặc dù cái Nền tảng này có nông sâu khác nhau. Mình càng tu, mình càng đào sâu cái Nền tảng đó, thì tất cả tướng đều là tánh. Cái đó chính là tu trong đời sống. Con xin hết!

T.Hà

Cảm ơn huynh Tùng. Còn 20 phút nữa. Nãy giờ Hà mời không à, chưa được nói. Nhưng thôi, Hà xin phép không nói mà xin đặt một câu hỏi với bác Châu ạ!

Rất mong bác Châu hoan hỉ chia sẻ. Con nghĩ là trong đại chúng, như chúng con chẳng hạn, hầu như đều xem bác Châu là một vị tiền bối, một cây đa cây đề, bác không nói ra, nhưng chắc chắc ai cũng biết bác đã có những kinh nghiệm về tâm linh rất sâu sắc, lớn lao. Ở ngoài đời, bác cũng là người rất thành công trong cả công việc và sự nghiệp, cái hạnh bác làm, nó quá lớn, không dễ làm, rất ít người có thể làm được. Bác giống như một tấm gương để chúng con học, chúng con noi theo.

Tuy nhiên, cũng có một số nhận xét và con cũng đồng ý với những ý kiến này. Con xin nói thêm, những nhận xét này là ở trong các buổi chia sẻ, học tập hoặc trên bàn ăn có sự chứng minh của Thầy.

Mọi người có nói rằng, bác chia sẻ rất sâu, hay, tuy nhiên hơi dài, và có sự lặp đi lặp lại nhiều quá. Nhiều năm rồi vẫn như vậy, không thay đổi, không có sự tươi mới hay sáng tạo, tức là nó cứ quanh quẩn ở cái chỗ đó thôi. Mà cứ như thế thì nó uổng phí quá. Con đồng ý với ý kiến của mọi người và con cũng có cảm nhận như thế. Nhân buổi hôm nay, con xin được đặt hai câu hỏi với bác là:

- Thứ nhất: không biết bác có cảm nhận như vậy hay không? Nếu đúng như vậy, thì bác có thấy cần thiết phải thay đổi hay bứt phá gì không, bác sẽ có kế hoạch gì để thực hiện việc này?

- Thứ hai: bác có bao giờ nghĩ mình là một trong những người anh cả, người đi đầu, cái đầu tàu đó ạ, nên cần phải có trách nhiệm với thế hệ sau, như anh em, huynh đệ, hay thế hệ con cháu không, và bác sẽ thể hiện cái trách nhiệm đó như thế nào ạ?

T.Châu

Con đường tu học đó là luôn luôn như vậy đó, nhìn lại mình. Đúng như vậy, mình thấy đến một lúc nào đó mình thấy chững lại, không có bước đột phá. Đó, thực sự như vậy. Từ đó lời nói của mình nó là thực tiễn, mình nói trong dòng chảy tâm của mình, mình tới đâu nói tới đó, tâm chưa sáng suốt lắm, cho nên nó khúc mắc, và nói còn hơi lặp lại. Bởi vì mình nói theo cái thức, cái tâm của mình nó chạy như vậy, như vậy, nên nói như vậy, mình không nghĩ nhiều, do dòng chảy của mình chưa suôn sẻ, nên nó còn hay lặp lại. Đấy là cái thứ nhất.

Cái thứ hai, để làm đầu tàu hay gương mẫu gì đó thì mình không dám. Nhưng mình có cái quyết định chắc chắn, không có một con đường nào khác hơn là con đường Phật giáo, khi mình thấy và sống được phần nào rồi, thấy được đích thực của hạnh phúc phải đặt trên nền tảng của đạo Phật, luôn luôn Tỉnh thức, mình sống làm sao mà không để mất mình, không bị chạy theo cảnh, đó là cái luôn luôn như vậy. Làm sao, trong cuộc sống này, mình phải làm được, cảnh đâu tâm đó, thân đâu tâm đó, luôn luôn sống được với cái Nền tảng, may ra mới thấy được cái hạnh phúc đích thực. Mình chưa đến hoàn toàn được như vậy, cho nên nhiều cái chưa được hoàn thiện. Mong rằng, trong một thời gian nữa, cùng với sự góp ý của Thầy, của đại chúng, và mình phải nhìn vào trong mình nữa, phải soi trong mình nữa, để càng này cáng sáng tỏ hơn. Xin cảm ơn Hà, cảm ơn đại chúng đã có những lời nhắc nhở để cho mình nhìn vào bên trong mình hơn nữa.

T.Hà

Con xin cảm ơn bác Châu ạ. Mô Phật! Mọi người ở đây nói, hôm nay con mang bom mìn nhiều quá.

H.Thi

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!

Con thấy đề tài hôm nay rất hay, rất thiết thực. Mọi người trao đổi với nhau rất nhiều, trong đó có rất nhiều ý hay. Cho phép con lặp lại ý của chú Hải. Chú chia sẻ là đề tài này nó rộng và có sự khác biệt đối với từng người, từng hoàn cảnh khác nhau. Cho nên, tuỳ theo cấp độ của mỗi người như thế nào, mình sẽ có hướng tiếp cận theo căn cơ của mình.

Con thấy, trên bước đường tu, mình cần thân cận với một vị thiện tri thức, một vị thầy. Xem vị thầy giống như vị hướng đạo, người sẵn sàng nâng đỡ mình trên còn đường tâm linh. Đối với cá nhân con, có thể do duyên nghiệp, căn cơ của con, con cần có một vị Thầy hướng đạo, một người có thể dìu dắt mình đi trên con đường này. Con thấy, đối với huynh đệ, vì một lý do nào đó mà rời xa vị thầy của mình thì đâu đó là họ có những khó khăn, trở ngại và sẽ có những bước đi chệch hướng, con thấy rất lấy làm tiếc.

Quay lại vấn đề, câu hỏi của Nam là: một người có thực tu với một người sống ngoài đời, khi họ tu dưỡng phẩm hạnh của họ, mục đích sau cùng là gì? Trong một bữa ăn, trên bàn ăn, Thầy có dạy câu này làm con nhớ hoài, “người đời người ta hay thu vén gom góp, còn người tu học, người ta bớt, buông bỏ đi”. Như vậy rõ ràng ở ngoài người ta thu vén gom góp và trưởng dưỡng, tô vẽ cái tôi của họ cho nó ngày càng lung linh, đẹp đẽ. Còn người thực tu học, người ta sẽ bỏ bớt, xả ly đi. Bớt đi, xả ly đi những cái tham, sân, si, và tích góp thêm tình yêu thường, từ bi và trí huệ. Con xin có câu trả lời chỗ Nam là như vậy.

Con trên bước đường tu này, như hồi nãy con có nói, là mình hãy thân cận bậc thiện tri thức, những vị thầy hướng đạo, những người thầy có thể dìu dắt mình trên con đường này, và luôn luôn nghe, thực hành theo sự chỉ dày của các vị. Vị thầy bên ngoài sẽ hướng đạo cho mình, giúp mình nhận ra vị thầy bên trong của mình, sống được với vị thầy bên trong. Cứ hãy tiếp tục thực hành để làm sao càng ngày mình càng thâm nhập vô cái Nền tảng, cái Bản tánh của tâm, thể nghiệm nó ra trong đời sống. Con nghĩ, con đường đi đối với cá nhân con là như vậy. Con xin hết ạ!

V.Từ

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Với chủ đề tu tập trong đời sống hàng ngày của bác Châu và chị Điểm làm hôm nay, V.Từ có xíu ý kiến. V.Từ thấy, tu làm sao sống làm vậy. Đời sống này chính là vị thầy sát sườn nhất với mình để kiểm nghiệm cái sự thực hành của mình, sự tu tập của mình như thế nào. Ví dụ, mình nói là mình đang thực hành tâm từ bi, yêu thương, nhưng có một việc nào đến với mình, liệu mình có giữ được sự yêu thương đó không, hay là cái tâm sân hận, cái sự giận giữ nó nổi lên trước cái tình yêu thương đó. Thì đó chính là sự kiểm nghiệm đời sống này, mọi thứ đến với mình nó chỉ là sự kiểm nghiệm cái mà mình đang thực hành. Ai thực hành tinh tấn, ví dụ, có một buổi trời mưa, coi mình có lên được đúng thời điểm, đúng giờ để thực hành hay không? Cuộc sống này nó cho ra những bài tập đề chúng ta luôn kiểm nghiệm từng giây từng phút xem mình thực hành như thế nào, kể cả qua thân khẩu ý của mình luôn nữa. Đôi khi mình có ý chí, mình có thể thực hành đúng những cái mình quy định ra, đúng theo thời khoá, nhưng mình cứ chấp vào cái tâm của mình nghĩ là những điều như vậy, hay cái khẩu mình nó nghĩ đúng như vậy.

Và V.Từ có thêm một ý kiến nữa. Nãy V.Từ có nghe có vị nói, khi mình thực hành đến một giai đoạn nào đó mình sẽ “không làm lỗi ở cái thời tương lai”. V.Từ thấy, đôi khi mình đọc trong kinh buổi sáng đó, khi mà ngài A Nan đã đạt được Pháp thân rồi, nhờ đức Phật là “thẩm trừ vi tế hoặc”, là thẩm trừ những lỗi lầm vi tế. Ở đây, không phải là mình diệt hết những lỗi lầm đó đâu, mà đôi khi mình hài lòng với mức hiện tại của mình. Nên mình không cần nhìn thấy nữa, mình cũng thấy, ô, vậy là được quá rồi, mà mình sẽ không còn muốn thay đổi. Mình thấy cuộc sống mình quá tốt. Nhưng thực chất, mình vẫn còn những lỗi vi tế, mình không biết phải nhờ một bậc thiện tri thức, một bậc cao hơn mình hướng dẫn mình đi tiếp trên con đường này. Nó phải trải qua rất là nhiều thứ chứ không phải đùng một cái là hết liền ngay lập tức.

Nên ở đây V.Từ thấy mình phải thân cận thiện tri thức, phải có một cái chúng, cái chúng này có thể có rất nhiều người, trong đó có người cao, người thấp, mình nói một điều gì đó, sẽ có những ý kiến thuận chiều hoặc ý kiến trái chiều để cho mình coi lại cái thật sự thực hành như thế nào. V.Từ thấy một điều nữa, khi mình tu tập trong đời sống hàng ngày, đừng nói là ngày hôm nay và ngày hôm sau, xa lắm, chỉ trong từng khoảnh khắc thôi, có thể giây phút này, V.Từ tâm đang khởi lên một thiện ý, nhưng tâm giây phút sau có còn cái thiện ý đó hay không? Quan trọng cái thực hành của mình có sự liên tục. V.Từ nhớ trên Fanpage có đăng một bài viết là, tâm của chúng ta rất hoang vu, nó hoang vu đến nỗi liên tục chạy loạn. Nếu mình không có sự thực hành đề mình kéo về, chỉ cần một ngày, V.Từ biết có rất nhiều người, có những người đi làm rất là nhiều, không có thời gian, nhưng mỗi một ngày, chúng ta hãy huân tập năm phút thôi, mười phút thôi, để đưa chúng ta về với cái sự thực hành của mình. Và mình huân tập từ từ như vậy, đến một giai đoạn nào đó, nó thuần thục, quen dần và mình sẽ thể hiện ra bên ngoài tu tập trong đời sống là như thế nào, tự mình sẽ biết được, cần phải điều chỉnh như thế nào. Dạ, V.Từ xin hết ạ!

PHẦN THỨ HAI: THẦY VÀO BUỔI THUYẾT TRÌNH VÀ GIẢNG

Thầy

Hai người thuyết trình hôm nay có gì hỏi Thầy không?

Điểm

Dạ kính thưa Thầy, thưa đại chúng, nhờ Thầy từ bi chỉ dạy cho con, làm sao để con có thể giúp đỡ những người có những nỗi khổ, niềm đau giống như con. Như bây giờ, phước của con là một mà nghiệp của người ta là hai thì làm sao để con có thể giúp đỡ họ, để họ có thể quay đầu về hướng Phật mà không có ảnh hưởng người giúp đỡ, vừa giúp người mà không có bị áp lực gì tới bản thân mình ạ. Dạ con xin hết.

Thầy

bây giờ mình muốn giúp đỡ những người khác phải không? Thầy có giúp đỡ được ai đâu, thôi Thầy cứ trả lời trong cái đầu đề thôi, chứ đầu đề giúp đỡ người khác là thầy bí luôn đó. Cái đầu đề hôm nay là “Tu tập trong đời sống hằng ngày”, phải không? Hàng ngày là gì, hàng ngày là, ví dụ, như nhật tụng, mỗi buổi sáng mình điều có sướng lên cái câu “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển”. Phật nhật là mặt trời của Phật, tăng là càng ngày tăng, càng huy là càng sáng ra. Tu hành thì làm sao cho Phật trong người mình ngày càng sáng ra, tất cả mọi cái đều khám phá ra cái Phật tánh của mình. Phật Tánh thì không phải là cái gì tối tăm hay cái gì đâu, nói Phật nhật là mặt trời Phật, làm sao khám phá ra nó và để cho nó mỗi ngày mỗi sáng ra, thì cái đó mình mới giúp đời được. Giúp đời mà tối hù sao giúp đời. Nên nhớ cái khi Phật nhật tăng huy là mặt trời Phật đó nó sáng cả ngày lẫn đêm, do đó mà nó hơn hẳn các mặt trời trên trời. Mặt trời trên trời chỉ đủ sáng cho các nhà khoa học, cho các nhà xã hội học, cho các nhà kinh tế, cho các nhà này nhà nọ. Còn mặt trời Phật đó nó sáng cả ngày lẫn đêm, và mình muốn giúp đỡ người ta thì ít ra mình cũng sáng như vậy.

Thầy thì Thầy chỉ có một phần nào đó thôi, Thầy cảm thấy như vậy đó. Nhưng mình hơn tất cả những người thế gian này, họ phải nhờ mặt trời thế gian này mà sống, và để làm việc. Cái Phật nhật nó sáng cả ngày lẫn đêm, mà với độ sáng của nó, nó có thể soi chiếu tất cả Ngũ uẩn giai không gì đó phải không. Sáng, nên soi lại mới thấy tất cả những gì gọi là thật tướng của tất cả các hiện tượng, nhờ đó mới soi được. Chứ mấy ông nhà khoa học nói, cùng lắm là hạt nguyên tử, rồi hạt Quartz gì đó thôi, chỉ chừng đó thôi. Mặt trời thế gian này nó không đủ sáng để mà thấy được thật tướng của tất cả mọi hiện tượng. Thành ra, tu hành là gì, tu hành là khám phá ra được cái mặt trời đó, và làm sao bằng những cái pháp môn, bằng những cái này cái nọ để càng ngày nó sáng ra. Ví dụ, bên Tây Tạng nói đó, khi sáng ra thì kêu là Tịnh quang con, khi chết, mình hòa tan vào tịnh Quang mẹ, đó là giải thoát.

Ông nào muốn tái sanh trở lại để làm việc, tiếp tục làm một mặt trời bé con thì cứ làm việc tiếp. Bởi vì, trong ánh sáng không có bóng tối, trong ánh sáng của mặt trời Phật nhật đó đó, nó không có bóng tối, không có nghiệp, mà nó sáng cả ngày lẫn đêm. Tu hành nó hơn ở đời là vậy. Ở đời thì mặt trời chỉ sáng có tám đến mười hai tiếng, nhưng mặt trời của Phật nhật, mặt trời của Phật tánh thì nó sáng cả ngày lẫn đêm. Khi anh sáng như vậy, anh sáng ít ít thôi, anh cứ sống ở đời lơ mơ như vậy đó, anh không cần thuyết Pháp gì cả, anh vẫn giúp ích được người khác. Thầy nói thẳng ra là một ngày Thầy nói biết bao nhiêu tiếng, nhưng có giúp ích được ít ít thôi. Còn anh sáng thực sự, anh ngồi đó một cục, thì nó vẫn tỏa chiếu ra như thường, và chính cái ánh sáng đó nó giúp ích cho thế gian này.

Thành ra, vấn đề tu hành là sao? Là khám phá ra được cái Phật tánh, tức là Phật nhật, tức là cái mặt trời Phật nơi mình. Rồi tiếp tục tu hành nữa, dùng những pháp môn này, pháp môn nọ để cho càng ngày nó càng sáng ra. Dĩ nhiên, thầy cũng sáng phần nào thôi chớ đâu có sáng hết đâu. Nhờ cái ánh sáng đó mà đọc kinh thì mình mới hiểu. Chứ đừng có tưởng tôi đọc kinh tôi hiểu đâu, nhờ ánh sáng đó tui làm được mọi sự. Phật sự, làm việc Phật, tui đọc kinh thì tui mới hiểu, rồi tui nhiều khi tui không làm gì hết, tui ngồi một cục thôi, nhưng nó vẫn sáng chung quanh. Cái vấn đề là vậy đó. Cho nên mình mới thấy tu hành là một chuyện rất quý báu, đó mới thật sự là giúp người ta. Nhiều khi anh chỉ cần đưa cho người ta ly nước thôi, mà nó sáng thì vẫn tốt hơn là anh cho người ta một ly sâm cao cấp, sâm hàn quốc cao cấp nhất, sâm đỏ, sâm đen gì đó. Anh đưa, anh làm một cử chỉ thôi, nho nhỏ nhưng mà trong cái ánh sánh Phật nhật đó nó vẫn giúp ích, vẫn thức tỉnh cho người ta như thường, chứ không cần làm gì mà ghê ghớm hết. Thầy cũng biết Phật giáo một phần nào đó thôi, chứ mình đâu có hiểu hết được. Nhưng có khổ cái là, nhiều người họ không biết Phật giáo là gì, nói tu tu vậy chứ tu cái gì đâu không à, lang bang gì đâu không à. Cái cốt lõi của anh, nói theo như ngài Nhất Hạnh đó, là thắp sáng Hiện hữu. Thắp sáng lên thì mình mới giúp đỡ người ta được chứ, không thắp sáng lên thì lấy đâu mà giúp đỡ.

Rồi sao nữa, câu thứ hai là “Pháp luân thường chuyển”. Khi mặt trời đó sáng, nó thường sáng như vậy, thì đó chính là thuyết pháp, pháp luân nó thường chuyển như vậy. Pháp luân là bánh xe pháp nó thường chuyển, dầu anh có nói hay không nói nó cũng chuyển, anh đi đứng nó cũng chuyển, mà anh ngủ nó cũng chuyển. Thành ra, mình phải thấy được. Thầy là một phần trong đó thôi, mà Thầy thấy là nó quý báu ghê lắm, không có gì bằng hết đó. Mặt trời thế gian, chưa kể là người ta nói, vài triệu năm nữa thì mặt trời thế gian này sẽ tắt, mà ban đêm thì nó cũng tắt rồi. Còn cái này là thường xuyên, thường chuyển. Thầy cũng có chút xíu mặt trời đó, nhờ mặt trời đó, mặt trời Phật đó, mình đọc kinh mới hiểu phần nào, mình nói nó cũng có lý phần nào. Trong cái kinh sám hối đó, phần: “Nam mô đại Bi Quang Phật”, thì hóa ra, đại bi là ánh sáng, ánh sáng của đại bi. Trong ánh sáng đó có đầy đủ tất cả, ánh sáng của từ, ánh sáng của bi, ánh sáng của tất cả chứ không phải nói ánh sáng mặt trời là nó cứ vậy thôi đâu. Nó đầy đủ tất cả mọi cái trong đó. Mình càng tìm, càng khám phá ra được cái mặt trời Phật nơi mình bao nhiêu thì mình càng làm cho cuộc đời này và giúp đỡ được người khác bấy nhiêu.

Nói theo kinh điển là, “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” là nhờ cái gì? Nhờ mặt trời Phật đó, là Phật tánh mà mỗi chúng sanh đều có, vậy thôi. Vấn đề là mình phải làm việc thôi, càng sáng thì càng ích lợi cho người ta. Còn mặt trời ở ngoài thì chỉ đủ sức làm cho mấy ông khoa học gia nghiên cứu, cho mấy vị xã hội học nghiên cứu, chứ không đủ sức đưa người ta lần lần tới bờ bên kia, là như vậy đó. Mặt trời đó nó sáng cả ngày lẫn đêm, đó là bờ bên kia. Thầy nói là Thầy có cũng chút chút thôi, một phần nào đó thôi. Mình phải thấy, mình hiểu được Phật giáo phần nào, như Thầy, phần nào thôi, mình mới biết quý trọng nó. Chứ không thôi mình cứ quý trọng mặt trời thế gian này, rồi cứ làm xe chạy bằng điện, làm đủ thứ. Những các cái đó nó được mặt trời thế gian soi sáng thôi chứ không phải là mặt trời của Phật.

Để ý, trong kinh Hoa nghiêm đó, nó nhấn mạnh ánh sáng đó. Bởi vì đức Phật Vairochana có nghĩa là đại nhật như lai, là mặt trời lớn, nó chỉ diễn tả Đại Nhật Như Lai là mặt trời lớn thôi. Rồi “biến chiếu…”, là chiếu khắp. Đó là tên của Vairochana đó. Thầy cũng tưởng tượng ra thôi, trong mặt trời đó, trong ánh sáng mặt trời đó, thì tất cả Phật pháp đều hiển hiện. Thầy chưa làm như vậy được đâu. Tất cả các pháp đều hiện hiện, đó nghĩa là trí của Phật, là Nhất thiết chủng trí, là cái trí biết tất cả mọi sự. Bởi vì, dưới ánh sáng mặt trời thì sao không thấy được, thấy biết tri kiến Phật, cái thấy biết của Phật. Thành ra, Thầy thấy vậy đó, có nhiều khi mình tưởng tu hành là chuyện gì chơi chơi vậy thôi. Bởi vậy, hồi đó Thầy đọc trong kinh, Thầy thấy trong kinh nói ghê quá. Cái gì cũng giành cho mình là số một không à, vô thượng, toàn là vô thượng, cao nhất, là không có gì trên hết, thì cái gì tốt nhất cũng nói cho nó. Mình cứ dùng cuộc đời của mình, khám phá lần lần rồi mình sẽ thấy phần nào cái đó thôi phải không.

Người ta hơn nhau, tất cả các Bồ tát hơn nhau là ở cái cấp độ thôi, là do ánh sáng nhiều hay ít thôi, ánh sáng của Phật nhật nhiều hay ít. Khi mình giải tan bớt các phiền não chướng của mình, những che chướng do phiền não của mình, và sở tri chướng là cái hiểu sai của mình thì mặt trời càng ngày nó càng lộ ra, nó càng sáng. Khi nào mình hết phiền não chướng và sở tri chướng thì mình thành… Ngay cả bồ tát Thập địa vẫn còn “Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc”, tức là xin trừ cho con những sai lầm vi tế. Còn thầy thì sai lầm hạng trung, còn người thường thì sai lầm hạng nặng, chứ còn vi tế mình không với tới nổi đâu.

Rồi có vị nào hỏi nữa không? “Phật nhật tăng huy pháp luân thường chuyển”, mặt trời bắt đầu ló dạng rồi, bắt đầu hiện thực rồi, thì nó là cái pháp luân, nó là cái bánh xe pháp, cái sự thuyết pháp của nó sẽ liên tục liên tục. Rồi bây giờ mấy vị có hỏi gì nữa không?

T.Châu

Dạ, con là Châu ở Cần Thơ ạ. Bạch Thầy cho chúng con hỏi Thầy là, chúng con thì mỗi người có một hoàn cảnh trong cuộc đời riêng, mỗi người có một cái môi trường sống riêng và khác nhau. Vậy thì cái chiến lược chung để chúng con tu tập trong cái đời sống này, Thầy xác quyết cho chúng con là cái gì để chúng con tu tập trong đời sống ạ?

Thầy

Cái xác quyết là mình có “mặt trời của Phật” – Phật nhật. Xác quyết đầu tiên là phải xác quyết cái đó, phải không? Mình phải tin chắc là mình có cái đó, xác quyết rồi thì tới cái thứ hai là phải thấy nó rõ ràng hơn, rờ nó là phải thấy nó có thật chứ không phải chỉ là là…Thành ra mấy vị thiền sư vẫn hay nói đó, khi nào mấy vị đại ngộ lần đầu thì mấy vị nói là, “Bây giờ mới không nghi chư Phật, chư tổ lừa dối mình”, bởi vì mình chưa thấy thì nhiều khi mình thấy kinh điển nó nói nhiều cái cũng hoang đường lắm. Thì thứ nhất là phải tin nó, khi tin rồi, tin thì mới ngồi đây học và bàn cái này chứ; thứ 2, quan trọng là mình phải thấy nó; và thứ 3 là mình an trụ trong đó. An trụ thường xuyên thì nó trở thành thường xuyên. Chuyện đó mình không làm thôi, chứ còn trong kinh nói rõ hết rồi, không có cái chuyện gì là bí mật hết, chẳng qua mình không chịu làm thôi chứ có gì đâu mà hỏi? Thiền định cấp cao là nó giống như một dòng sông chảy không ngừng nghỉ, luôn luôn chảy; còn Thầy bây giờ đang phải đẩy cho dòng sông chảy chứ nó đâu tự chảy được, mà đẩy dòng sông chảy thì cực lắm, coi chừng hụt chân cái là uống nước tiêu tùng luôn.

Pháp luân thường chuyển, phải vậy đó. Đó, có nghe không? (bên ngoài có tiếng loa phóng thanh vọng tới). Đó là pháp luân thường chuyển đó. Dưới ánh sáng Phật nhật, bất kỳ một biểu lộ nào, bất kỳ một hiện tướng nào cũng đều là Pháp luân thường chuyển hết, dưới ánh sáng mặt trời Phật nhật, phải không? Bất kỳ một hiện tướng nào, dù là âm thanh, dù là sắc, hương, vị, xúc, pháp, thì nó đều hiện rõ ràng dưới ánh sáng mặt trời Phật nhật đó. Đừng có nghĩ Pháp luân thường chuyển là cả ngày tôi phải tụng kinh đâu, thường chuyển là nó liên tục chuyển, âm thanh nó cũng là Pháp luân thường chuyển, cái bức vách này nó không có âm thanh thì nó cũng là Pháp luân thường chuyển.

Bất cứ cái gì nó hiện ra dưới ánh sáng Phật nhật thì nó đều là Pháp luân thường chuyển hết. Thầy nói cái đó chỉ là Thầy hình dung ra, chứ không phải là đã tới được cỡ đó đâu. Tới khi chết cũng thế, cũng là Pháp luân thường chuyển, không chuyển làm sao chết được. Tất cả đều là chuyển Pháp luân hết á. Chứ như Thầy, hì hà hì hục đẩy bánh xe, đẩy vài cái đã thấy thở hổn hển rồi phải không? Còn bên kia (Thầy chỉ về phía phát ra tiếng loa đang hát) thấy sướng không, suốt cả chiều nay là Pháp luân thường chuyển, chẳng qua là mình không biết nghe đấy thôi, phải không? Nếu anh nghe mà anh nghe dưới ánh sáng mặt trời trí huệ Phật đó thì tất cả mọi cái nó đều tuyên thuyết.

Trong kinh A Di Đà có nói vậy đó, cây cối chim chóc gì đó đều đang thuyết Pháp, “đó chẳng phải do tội báo mà sanh ra”, con chim trên đó không phải do tội nghiệp sinh ra mà đó là hóa thân của Phật A Di Đà để thuyết Pháp. Bây giờ một vị nào hỏi nữa rồi ngưng, ngày hôm nay Thầy cũng buồn ngủ rồi…

T.Hà

Thưa Thầy cho con hỏi được không ạ? Hồi trưa trên bàn ăn, Thầy có dạy về mười phương Phật, Thầy nói, nếu đứng nhìn về vị Phật ở hướng Tây thì mình quay lưng lại vị Phật ở hướng Đông; mình quay mặt về vị Phật ở hướng Bắc thì lại quay lưng vào vị Phật ở hướng Nam, cho nên việc quan trọng là mình phải có cái Thấy. Lúc đó, trong đầu con nó hiện ra cái từ “Chiếu diệu” đó Thầy.

Thầy

Chiếu gì?

T.Hà

Dạ “Chiếu diệu” ạ. Con không hiểu từ này nhưng con đọc trong kinh sách có nói rằng, đó cũng là ánh sáng của chư Phật.

Thầy

Đơn giản, ánh sáng của mặt trời Phật nó nào có phương hướng gì đâu, không có nên nó mới chiếu được khắp mười phương, ba thời được. Ba thời là quá khứ, hiện tại, vị lai; mười phương là 4 phương chính, 4 phương phụ và hai phương trên dưới. Vậy là trùm khắp không gian và thời gian, mà cái gì trùm khắp như vậy thì cái đó không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian nữa, phải không? Rồi, “Phật nhật tăng huy/ Pháp luân thường chuyển”, cứ làm đi rồi cho tới một ngày nào đó mình bắt đầu cảm nhận được là có Phật nhật thật, ánh sáng của Phật.

Có khi nào lên trên đó tụng kinh mà mình thấy sáng hơn bình thường không? Ông Lượng, có khi nào không?

LC.Lượng

Dạ, Thầy. Thì đơn giản đó là bắt đầu có ánh sáng của Phật mình phải thí nghiệm, mình thấy cái ánh sáng đó nó sáng khác và còn hơn cả ánh sáng của đèn rồi này nọ. Vậy thì nó từ đâu? Chẳng phải từ Phật tánh trong tâm mình hay sao. Mình bắt đầu mò mẫm thì từ từ cho tới khi mình cảm nhận được nó, mình nhận biết được, và an trụ trong nó lâu ngày thì mình thành mặt trời thôi chứ có gì đâu.

TC.Hải

Dạ thưa Thầy, con có một câu hỏi, con xin Thầy giải đáp cho con là: đâu là dấu hiệu mà một người tu tập họ có được sự ứng dụng Đạo trong đời sống tốt?

Thầy

Anh có mặt trời thì anh thấy anh sáng sủa ra và anh làm việc đúng thôi. Thầy đã nói nhiều lần rồi, sở dĩ mình làm sai là mình không sáng, không có Phật nhật, không có ngọn đèn nơi mình nên mình làm sai. Cho nên ông Giản Tư Trung ông mới có cuốn “Đúng việc” đó, mình làm không đúng việc. Đúng việc là Chánh nghiệp, phải không? Nghiệp là hành động, hành động đúng thì là Chánh nghiệp. Còn mình hành động sai vì mình cũng mù mù mờ mờ vậy thôi, còn cái gì nó rõ như ban ngày thì làm sao mà sai được. Đây là ông Lượng, đây là cô Hà, đây là cô Oanh, đây là cô Hồng, đó. Còn bây giờ không có đèn là mình bắt đầu lầm lẫn, phải không? Cái ly nước vừa nãy còn cầm lên rõ ràng mà bây giờ tắt đèn đi là mò miết luôn. Mà coi chừng, mò mò mà không rờ đúng nó, mà mò tầm bậy là ly nước nó đổ luôn. Thành ra, đúng là do ánh sáng nơi mình, ánh sáng tự tâm.

Một vị là tổ của thiền tông Trung Hoa, ngài nói là ở trên cái “tâm địa”, tức là trên cái đất tâm của mình đây có Giác tánh Như Lai, ngoài thì sáu cửa phóng ra ánh sáng, trong thì tiêu diệt tất cả mấy độc của tâm. Rồi mình coi lại cái sám hối đó, trong đó chữ “Quang” được nhắc lại rất nhiều lần, “Nam mô Đại Bi Quang Phật”…có khổ cái là mình không để ý. Mấy hôm trước có người nào đăng lên bài “Hồi quang phản chiếu” đúng không? “Hồi quang” là xoay ánh sáng lại nơi chính mình, để chiếu rõ nơi chính mình; mà khi nào anh tìm được cái ánh sáng của mặt trời Phật đó thì anh không cần xoay lại, xoay đi gì hết, mà nó vẫn tự sáng, vậy thôi. Còn mình bây giờ phải xoay lại coi thử xem mình có ánh sáng đó không, mà nếu không thấy thì phải biết là Phật giáo nói về khổ đế, khổ đế tức là không thấy gì hết và tìm sai. Tại sao có đau khổ? Đau khổ là vì anh tìm sai, cái bụi gai mà anh nhìn ba chớp ba nhoáng vậy rồi anh tưởng là đệm mút rồi anh nhảy vào nằm thì anh bị đau  thôi; rồi anh phải rút từng cái gai ra, đau ghê gớm lắm. Là vì tìm sai, mà tìm sai là vì sao, là vì không thấy, mà vì sao không thấy, là vì không thấy cái mặt trời Phật nơi mình.

Thấy người ta lò mò lò mò tới người ta bật điện lên cho sáng, mình cũng lò mò lò mò tới, rồi đút tay vô ngay cái lỗ của ổ cắm điện đó thì nó giật cho một cú, đó là do mình tìm sai, còn tìm đúng thì đâu có khổ. Cái khổ của mình là do sai lầm mà ra, thành ra cái khổ nó có một cái ích lợi là nó nhắc nhở mình là mình đang lầm đường lạc lối. Tại sao Phật cứ hay nói là an vui, mà mình thì khổ. Rõ ràng là mình tìm sai nó mới ra cái khổ đó, mà biết tìm sai thì lo mà tìm cho đúng. Tìm đúng cũng dễ lắm, chỗ nào không có mặt trời. Thầy cũng hay nhắc đi nhắc lại là ngài Cảm Thành hay ngài Vô Ngôn Thông gì đó, có một người hỏi: Phật là thế nào? Thì ngài đáp: “Khắp tất cả chỗ”. Thứ hai, người kia lại hỏi: Bát nhã là thế nào? Ngài mới đáp là: “Chưa từng che giấu”. Mặt trời Phật đó thì ở khắp tất cả chỗ, và nó chưa từng che giấu ai, chỉ có tự mình che giấu lấy nên mới không thấy gì hết. Cái mặt trời đó càng sáng ra thì mình càng không bị che chướng bởi phiền não chướng và sở tri chướng, thì mặt trời đó nó biến chính cõi này thành tịnh độ, vậy thôi. Rồi thôi, hết giờ chưa?

Q.Ninh

Con kính chào Thầy ạ, lúc nãy con nghe Thầy nói là không gian và thời gian không thể ảnh hưởng tới mặt trời Phật, thế thì Phật nhật có ảnh hưởng tới không gian và thời gian không ạ?

Thầy

Cái đó khi nào bạn đạt tới Phật nhật bạn sẽ hiểu, chứ Thầy không nói trước, bởi Thầy cũng đâu có hoàn toàn đạt tới nó đâu. (mọi người cười).

Q.Ninh

Dạ con cảm ơn Thầy ạ.

Thầy

Cười? Hồi trưa ông gì đó ông mới nghe Thầy nói là tu hành cũng phải chính trị chút, rồi ông hỏi sao lại phải chính trị? Thầy nói là, chính trị ăn thua là biết tính toán thôi, tính toán để biết nói đúng lúc đúng thời. Còn ông hỏi Thầy vậy mà bây giờ Thầy nói ra thì ông đâu có vô nữa. Đơn giản vậy thôi, chính trị là khôn ngoan, biết tính toán, chứ không phải là cái chuyện để mưu hại ai đâu.

Mà cái chỗ sau lưng là ở đâu mà giống chỗ Thầy quá vậy, có tủ sách này, chỗ đó là chỗ của Thiện Tri Thức đó hả?

Q.Ninh

Dạ đây là chỗ Thiện Tri Thức của Thảo đấy ạ.

Thầy

Mà Thầy nói cô Thảo, cô phải biết kinh tế chút, ông nào mà tới ngồi đó một buổi chiều là cô phải đánh thuế, để mà bù đắp vào cái chuyện trà nước, bánh trái, chứ cứ tới mà không có gì hết là sao? Cô Thảo đâu, có đó không?

P.Thảo

Dạ con đang phải dùng chiến thuật kéo mọi người tới đây, vì chỗ này còn rất mới, nên chỉ cần có mọi người đến đây là con vui rồi ạ.

Thầy

Ờ. Phải biết tính kinh tế chứ, sao toàn mấy đại gia tới ngồi cả buổi chiều mà không thấy gì hết, phải không cô Thủy mộc?

Thủy Mộc

Dạ vâng, Thầy nói rất đúng ạ.

Thầy

Rất đúng sao? Có khi lần sau Thầy phải che lại cái giá sách đằng sau thôi, chứ Thầy không có muốn giống ai ở đây, thấy sau đó toàn là sách này nọ nên giống chỗ mình quá. Ông cười cười này này, ông Bình, ông thấy sách chỗ Thiện Tri Thức đó với sách chỗ Thầy đây thì chỗ nào hơn chỗ nào?

T.Bình

Dạ con không thấy có sự khác biệt ạ.

Thầy

Tại sao không khác biệt?

T.Bình

Tại vì tất cả đều là ánh sáng của Pháp chiếu rọi tới con ạ.

Thầy

Ừ, dưới ánh mặt trời thì tất cả đều sáng, nhất là mặt trời Phật nữa. Chỗ nào nó cũng sáng như nhau, không có khác biệt đâu, vấn đề là bạn phải khám phá ra cái đó. Như ngài Nhất Hạnh ngài có nói là “Thắp sáng hiện hữu”, là thắp sáng cuộc đời bạn lên và thắp sáng những cuộc đời chung quanh bạn, thì cuộc đời bạn nó mới có ý nghĩa. Rồi từ đó mới có ánh sáng, “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ mặt trời chân lý chói qua tim”. (mọi người cười). Từ khi mặt trời đó nó chiếu rồi mới bắt đầu vui vẻ: “tâm hồn tôi là một vườn hoa lá”, sướng luôn. Để đáp ứng lại ông V.Dũng là thầy hay phải thuộc thơ, thuộc triết lý, sách vở này nọ, chứ không cái ông này, đầu óc ông ấy…Rồi thôi xong chưa?

V.Dũng

Dạ con thưa Thầy, con xin thanh minh một chút cho bản thân ạ. Hôm nay con giơ tay là không phải để định hỏi Thầy ạ, mà là vì con có kết nối một bạn với Thầy và chúng. Bạn này đã tham gia pháp hội đợt Thầy ra HN đó ạ, bạn là người hỏi cái câu về pháp tu Nhĩ căn viên thông của Bồ tát Quán Thế Âm ở trong kinh Lăng Nghiêm.

Thầy

Rồi, kết nối đâu? Bạn ấy tên gì?

V.Dũng

Dạ bạn Hải ạ. Mời anh Hải có thể mở camera lên để chào Thầy và đại chúng không?

Thầy

Rồi bây giờ sao? Có hỏi Thầy gì không? Bữa trước có hỏi Thầy về Nhĩ căn viên thông rồi thì về cứ thực hành lần lần, gì đó, “Vào dòng thì mất cái nghe” phải không? Rồi hai cái nó cứ mất lần lần rồi không còn chủ thể và đối tượng nữa thì đó chính là “Nhĩ căn viên thông”.

PT.Hải

Dạ, bởi vì trong kinh thì pháp tu Nhĩ căn viên thông, thứ nhất là cách viết của kinh Lăng Nghiêm nó rất là huyền bí và khó hiểu, con xin hỏi Thầy cái phương pháp, giống như cái bước chân đầu tiên để vào “Dòng”, thì các bước tuần tự nó thế nào ạ?

Thầy

Cái câu về pháp tu “Nhĩ căn viên thông” là sao thì bây giờ đọc Thầy nghe, chứ lâu rồi Thầy cũng không nhớ, cái gì mà “Vào dòng mất sở” đó phải không?

PT.Hải

Dạ vâng, chính cái chỗ vào dòng đó đấy, rất khó ạ.

Thầy

Thì đi vào cái Tánh nghe của mình thì sẽ mất đi cái âm thanh, rồi vô nữa là “năng không, sở không” gì đó, là tâm mình không và đối tượng cũng không, nó hòa nhập với nhau thì cuối cùng là đó, câu chót là “sanh diệt đã diệt, tịch diện hiện tiền” gì đó, thì khi sanh diệt nó đã diệt rồi thì chỉ còn một cái đó thôi, đó là “nhĩ căn viên thông”. Rồi, mình cứ tham thiền, thiền định về nó đi, rồi bữa nào vô đây gặp trực tiếp Thầy. Một người mà nhĩ căn viên thông là thấy cái gì nó cũng viên thông hết, như vừa nãy Thầy nói về việc nghe thấy cái tiếng karaoke đó, nghe ồn ồn ào ào bên đó, nó làm cho khuấy đảo ở đây; Thầy đang còn nói Phật nhật mà nó hát hò gì đó, “mười năm không gặp” rồi gì đó, thì nếu anh đã “nhĩ căn viên thông” rồi thì anh thấy cái đó cũng là: Nam mô Vô Lượng Âm Thanh Vương Như Lai. (Đại chúng vỗ tay).

Thầy

Rồi ông Hải đó bữa nào vô đây, rồi trực tiếp giáp lá cà thì nó mới ra chuyện được. Võ mà cứ đứng xa vậy trên lý thuyết thì không có được đâu. Vô đây, một là ông quật Thầy, hai là Thầy quật ông, vậy thôi. Chứ ở xa mà đánh võ sao được. Rồi thôi, xin chào.