Thầy Giảng Trong 45 Phút Cuối
Trong Buổi Thuyết Trình
Đề tài “Làm thế nào để Hạnh Phúc mỗi ngày”
của Bình và Trường
Chủ nhật, ngày 25/7/2021
Người đánh máy: Trường, Việt Dũng, Bình (bạn VD)
Thầy:
Thầy thấy nãy câu hỏi của Hải là nó hay, mà nó phải hệ thống đàng hoàng. Thật sự ra cái thấy thứ tư đó, hạnh phúc là do thấy tánh phải không? Thứ nhất là hạnh phúc ở giác quan phải không? Tóm lại đi Hải.
- Thứ nhất hỷ lạc do các cảm thọ mang đến,
- Thứ hai hỷ lạc của Chư Thiên,
- Thứ ba hỷ lạc qua nhiếp tâm (thiền định),
- Thứ tư hỷ lạc qua kiến tánh.
Trích: “Vô Ngã Vô Ưu – Thiền quán về Phật đạo”
Tác giả: Ni sư Ayya Khema
Được đăng trên trang TĐ&BG vào ngày 20/7/2021
Thầy:
Đơn giản lắm, thật sự ra cái nguồn hạnh phúc, nó nằm trong chỗ sâu nhất của mình. Đó là cái nguồn đó nếu nói theo duy thức, hỷ lạc do cảm thọ đó là năm giác quan, sáu giác quan đầu tiên sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đó là hỷ lạc hạnh phúc do giác quan, thứ hai nữa là Chư Thiên là nó lên sâu hơn, nó vô tới sâu hơn là thức thứ bảy và cuối cùng là thấy tánh ở mức thứ 8, hỷ lạc do kiến tánh thì bạn hạnh phúc thật sự. Nguồn hạnh phúc thật sự nó nằm trong bản tánh của mình, bản tánh đó bên duy thức nó gọi là thức thứ tám, còn những cái kia, từ thức thứ bảy qua thức thứ sáu qua năm thức giác quan thì nó là sự biểu lộ của nguồn hạnh phúc thôi, sự biểu lộ của A Lại Da thôi.
Thành ra trong cái cuộc họp mà giữa ông Suzuki với những nhà phân tâm học của Thế Giới, thì họ dịch ra cái đó là vô thức, cái thức thứ tám nó là vô thức, bởi vì đối với phân tâm học cái gì ở trong sâu xa là vô thức thôi, phải không? Cái cội nguồn của hạnh phúc chính là thức thứ tám, cái mà bên kia nó dịch là vô thức, chứ thiền nó dịch là vô tâm.
Cho nên mình muốn đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc rốt ráo là phải đi tìm nguồn tâm của mình ở cái thức thứ tám đó, phải đi về nó cái nguồn tâm đó, A Lại Da cái thức thứ tám, thì đó mới chính là nguồn của hạnh phúc. Còn hạnh phúc ở bên ngoài chỉ là biểu lộ của cái hạnh phúc ở căn bản, ở nền tảng đó thôi. Cho nên rốt cuộc lại thì cũng là nguồn hạnh phúc chính là bản tánh của tâm thôi.
Còn những hạnh phúc bên ngoài, ví dụ ăn ngon là cảm thọ, phải không? Chư Thiên, thì thấy thích thích cái ngày nào mát trời đẹp đẽ thì có hạnh phúc Chư Thiên, rồi lên nữa là hạnh phúc thiền định. Thiền định là cái hạnh phúc nó vi tế hơn nhưng nó chưa tới cái tận nguồn của nó, tận nguồn của nó là thức thứ tám.
Thì tất cả mọi cái sự tu hành của mình là để làm sao đi về nguồn, tìm lại cái nguồn hạnh phúc đó. Khi mình tìm ra được cái nguồn hạnh phúc đó, lúc đó thì những cái trước từ hạnh phúc thiền định, hạnh phúc Chư Thiên cho đến hạnh phúc cảm thọ là các giác quan, thì nó mới thực sự hạnh phúc. Còn cái giác quan mình nó hạnh phúc, vậy chứ nó chỉ cần bẵng lại một chút là mình mất hạnh phúc liền, phải không? Bởi vì đang còn ăn ngọt bỗng nhiên nó thấy đắng chát này nọ là mất hạnh phúc liền, cái giác quan mình nó thay đổi nhanh chóng lắm, thành ra càng ra ngoài chừng nào, thì mình càng dễ mất hạnh phúc chừng đó.
Cho nên mình phải đi về cái nguồn là cái thức thứ tám. Bây giờ có vị nào hỏi gì nữa không? Cái này là sự đồng ý không chỉ của đông phương, mà của cả tây phương, bởi vì các nhà phân tâm học họ cũng vậy. Cội nguồn của hạnh phúc nó nằm trong thức thứ tám, gọi là vô thức. Cho nên, Thầy nói là mình phải học một cái gì đó cho nó rõ ràng, không là mình không có bản đồ thì đánh lộn xộn hết, phải không?
Tám thức đó mình xem hiện giờ mình sống ở đâu? thì mình đánh giá được mình ở đó. Người mà thấp thì họ chỉ sống ở tầng hạnh phúc cảm thọ, giác quan thôi là thì thấp nhất. Cái giác quan đó nó dễ phản lại mình lắm, bởi vì nó lật ngược, đang vui nó qua khổ nhanh lắm, đang còn đi du lịch phơi phới vậy, bỗng nhiên có covid là khổ, mất du lịch, hạnh phúc giác quan nó thay đổi lẹ lắm.
Cho nên mình phải tìm tới cái cội nguồn của hạnh phúc, cội nguồn đó ở thức thứ tám đó. Thì bây giờ mình làm sao, mình tu hành là làm sao? Tu hành là để đi tìm hạnh phúc cội nguồn đó, hạnh phúc bất biến đó.
Thực sự ra cái nguồn hạnh phúc đó, đối với những người đi tới cái nguồn của hạnh phúc đó, thì họ có thể biến đổi cái khổ của cảm thọ thành hạnh phúc. Một cái điều rõ ràng, có một vị bác sĩ ở Hà Nội, ông có một phương pháp ‘sinh đẻ không đau’. Sinh đẻ là đau nhất mà ông có một phương pháp chuyển cái đau khi sinh đẻ thành cái hạnh phúc, cái lạc. Bởi vì khi mà anh thấy khổ nó chuyển thành lạc cũng được. Chứng tỏ là cái gì chuyển được thì hai cái đó cũng một nguồn, đồng ý không? Khổ và Lạc cùng một nguồn, vậy thì bây giờ mình phải đi tìm cái nguồn đó là cái gì? thì sẽ biến được khổ thành lạc.
Xin lỗi chứ nói hơi thô một chút, nhưng mà nó cụ thể, mỗi khi mình bị đau bụng mình sẽ thấy trong đó nó có cái lạc trong đó, cái lạc của đau bụng, đồng ý không? Cái này là cụ thể thôi, cái vần đề quan trọng nhất là mình phải đi tìm cái nguồn của hạnh phúc đó, cái lạc đó, cái hỷ lạc đó.
Cái nguồn đó nó ở nơi tâm mình, nơi ở cái thức thứ tám. Thì bây giờ làm sao tìm ra đây? Thứ nhất đơn giản nhất là mình phải tin mình có cái đó, mình phải tin mình có cái đó mình mới làm việc, anh phải tin cái đích cái nơi anh đến, thì anh mới đi được, còn anh không tin anh cứ vơ vẩn mãi vậy thôi.
Thứ nhất mình phải tin cái đã, cho nên Thầy thấy trong cuốn của Ngài Bồ Tát Mã Minh, cuốn Đại Thừa Khởi Tín Luận, Ngài sắp xếp thứ tự 52 cấp bậc của Bồ Tát, Ngài sắp xếp theo chữ tin thôi.
Tin thứ nhất là thập tín, mười cái tin đầu tiên trải qua cái đó rồi, tới sơ địa, cao hơn nữa là tin như thế nào? Trước hết là mình phải tin trước đã, chính cái tin đó mới đào sâu vô, có can đảm mới đào sâu vô được.
Ví dụ bây giờ người ta nói Thầy ở dưới đất ngoài kia có giếng nước, nếu Thầy không tin Thầy không cách nào Thầy đào lên hết, không thì thầy cũng đào chơi một thước thấy mệt mỏi quá là Thầy bỏ, nhưng mà Thầy tin Thầy sẽ đào tiếp đào tiếp. Thành ra cái tin là cái quan trọng nhất, anh không tin anh không làm việc được. Tôi tin là có thể học y khoa, tôi mới thi vô học trường y khoa, chứ tôi không tin, tôi không thèm làm chuyện đó, không cách gì tôi thi vô học trường y khoa hết, tôi tin cái đã.
Phật giáo cái quan trọng nhất là cái tin. Năm căn, năm lực cũng là tín, tấn, niệm, định, huệ. Thì cái tin là đứng đầu, anh phải tin cái đã. Rồi từ cái tin đó, anh mới khám phá dần dần ra đời sống này.
Ví dụ như anh uống ly nước này, anh thấy nó ngon, cái cội nguồn của cái ngon đó nó nằm đâu, anh sẽ khám phá lần lần. Khám phá bằng cái gì? Bằng tất cả các pháp môn. Thiền Định cũng là một cách để khám phá, Phát Nguyện cũng là một cách để khám phá, Phát Bồ Đề Tâm cũng là một cách để khám phá. Bởi vì khi anh làm những cái đó, nó sẽ đi ngược lại khỏi sự trói buộc bởi giác quan để đi tới tận cùng.
Thành ra cái tin vào pháp môn, hoặc nhiều pháp môn, thiền định cũng chỉ là đi sâu vào trong tâm mình, để tìm ra cái cội nguồn của hạnh phúc thôi chứ có gì đâu, chứ không thiền định để làm gì? Thành ra như hồi nãy VH nói thiền định là bất biến giữa dòng đời vạn biến là không phải. Thiền định không phải để làm chuyện đó.
Thiền định là để đi sâu vào trong tâm mình, để khám phá ra cái mà bây giờ người ta hay nói là Bản Tánh Của Tâm, đó là cội nguồn hạnh phúc và cội nguồn hạnh phúc đó nó bất biến. Và mình thấy trong đời mình, mình gặp rất nhiều cái hạnh phúc, cảm thọ là đầu tiên, làm người ai cũng có hạnh phúc cảm thọ hết, uống café sữa thấy ngon, uống café đen thấy không ngon, hợp với mình là mình thấy ngon. Nhưng mà cái cảm thọ đó, đi sâu đi sâu vào trong cái cảm thọ đó. Cho tới hạnh phúc Chư Thiên là mình uống một món gì đó, mình thấy trời đất, bắt đầu mình thấy lâng lâng đó là hạnh phúc Chư Thiên. Tới thứ ba nữa là hạnh phúc thiền định là cái tâm mình nó vi tế hơn nữa, thì mình cảm thấy thứ gì cũng làm cho mình vui hết. Thấy cũng là vui, nghe cũng là vui, mắt tai mũi lưỡi thân ý là thấy đều vui hết. Và cuối cùng, khi mình tới cái thứ tư là cái cội nguồn hạnh phúc đó, khi mà mình đã bắt gặp cái cội nguồn hạnh phúc đó, tất cả các giác quan của mình nó đều biến thành hạnh phúc, thấy cái gì cũng vui hết, nghe cái gì cũng vui hết, chứ không có hay dở gì hết.
Chỉ cần có tiếng là vui thôi, bởi vì cái tiếng đó nó phát lộ từ cội nguồn của hạnh phúc ra, chứ không phải do ở ngoài đó.
Nếu như mình sống ở ngoài, sống trong tầng đầu tiên là cảm thọ, mình sẽ thấy cuộc đời này là có, được, mất rồi đủ thứ. Nhưng mà khi đi tới cội nguồn của hạnh phúc thì được và mất cũng chỉ là một trò vui thôi. Do đó mình thoát khỏi những khổ đau của mình hiện giờ được, mất, lên xuống, được thăng chức lên thì mừng, bị hạ chức thì buồn.
Cội nguồn hạnh phúc là trong bài Kinh, sáng nào mình cũng tụng, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Mà khi anh đạt tới cội nguồn đó, thì cái sự tăng giảm của cõi đời này, sự sanh diệt của cõi đời này, sự dơ sạch của cõi đời này, cũng làm anh vui thôi, bởi vì anh đã đạt tới cái đó rồi. Dơ sạch chỉ là biểu lộ của niềm vui thôi, tăng giảm cũng chỉ là biểu lộ của niềm vui thôi, mà lúc đó anh mới gọi là tự tại, bởi vì mình không còn cái gì tăng giảm, lên xuống, sống chết cũng chỉ là biểu lộ của cái nguồn vui đó thôi.
Ví dụ bây giờ mình già tới tám, chín chục tuổi rồi, mình già vậy rồi mà mình cứ đòi sống nữa thì khổ, đi thì cũng khó khăn, ăn thì ăn không nổi mà mình vẫn muốn sống tiếp, chết thì tốt hơn. Nhưng mà sống hay chết cũng là niềm vui, sự biểu lộ của nguồn của hạnh phúc thôi.
Cho nên phải tin, thứ nhất phải tin cái đã. Đại Thừa Khởi Tín Luận, tin là khởi niềm tin vào Đại thừa, khởi lòng tin là có cái nguồn vui hạnh phúc đó thật, kinh điển và chư Phật, chư Tổ không có lừa dối mình đâu. Có nguồn vui đó thật và nguồn vui đó nó ở nơi mình, bởi vì các tôn giáo đều nói về vậy đó. Ví dụ như bây giờ, Tân Ước của Ma-thi-ơ chẳng hạn, thì nói là nơi mình có viên ngọc, nơi mình có kho tàng, kho báu. Thì bây giờ mình tin vậy, thì mình mới khám phá nó từ từ, chứ mình không tin lấy đâu khám phá và khám phá nó thì có tất cả có 84.000 pháp môn lận.
Có nhiều người họ chỉ cần tin cái đó thôi. Ví dụ như bây giờ Tịnh Độ, anh tin có cái đó thôi, thì anh sẽ tin … và anh đi trong niềm tin đó, niềm tin đó là động lực để cho anh đi tới cuối cùng, thì anh gặp cái nguồn hạnh phúc đó, cái nguồn hỷ lạc đó. Khi anh gặp cái nguồn hỷ lạc đó và anh sống ở trong nó, thì anh thấy cuộc đời này là cực lạc, cực lạc chính là cái nguồn vui đó.
Tất cả các pháp môn từ sám hối, sám hối đâu phải để khổ, sám hối để vui, phải không? Nam Mô Phổ Quang Phật là mình thấy vui liền, Nam Mô Phổ Minh Phật, cái nguồn vui đó, cái nguồn hạnh phúc đó. Nam Mô Phổ Quang Phật là ánh sáng tỏa khắp hết, gọi là Phổ Quang Phật. Phổ Minh Phật là ánh sáng đó phổ khắp hết, Phổ Tịnh Phật là ánh sáng đó thanh tịnh làm cho tất cả mọi cái đều thanh tịnh, thành ra sám hối cũng vui.
Cho nên tu cái gì mà thấy vui là đúng, còn tu cái gì mà thấy khổ, thì chắc là không hợp với mình đâu. Rồi tụng kinh cũng vui, ngồi thiền cũng vui, bởi vì tất cả nó đều làm cho mình tiếp xúc với cái nguồn đó, cái nguồn hạnh phúc đó. Và cái nguồn đó, nó không chỉ là hạnh phúc thôi đâu, mà nó là cái nguồn năng lượng. Sở dĩ mà mình buồn hay là mình bị thối chí, hay là mình bị lăng xăng hay này nọ là bởi vì mình thiếu năng lượng.
Cái nguồn đó là nguồn năng lượng, nguồn hạnh phúc, nguồn đủ thứ hết đó, ánh sáng,... muốn nói gì thì nói, tùy theo. Cái tên Thầy thì nó chủ về ánh sáng... và cái chùa này cũng mang cái tên ánh sáng, nên đối với Thầy, cái nguồn đó là nguồn ánh sáng, mạnh nhất... Đó, mỗi người đều như nhau, cái khuynh hướng của mình, nhưng cái nguồn đó là đầy đủ tất cả.
Bởi vậy cho nên trong kinh có nói là "có đầy đủ tất cả các công đức", công đức này là ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc, năng lượng,.. đủ thứ hết. Còn mình mà cứ buồn..., chứng tỏ là sức khỏe về tinh thần mình nó yếu.
Người mình có thân tâm, thì thân mình nó cũng cần có sức khỏe, phải không? Có sức khỏe thì nó hạnh phúc. Nhưng mình thấy nhiều khi mình không có hạnh phúc là bởi vì tâm mình nó không có sức khỏe, tâm mình nó bệnh, nó không có sức khỏe. Thành ra phiền não nó đánh vô, cái này, đánh cái kia nó đánh vô, thì mình mới sinh ra buồn. Còn mình có đầy đủ năng lượng thì không có thằng nào đánh được hết. Anh nào mạnh ra ngoài kia, mưa gió…, nhưng anh nào mạnh ra gặp gió, thì cũng không sao, còn anh nào yếu ra gặp gió trúng gió liền. Còn mình thì hay trúng gió lắm. Cái tâm mình cũng hay trúng gió lắm. Ra ngoài đụng chuyện là trúng gió liền, là xuống tinh thần liền.
Thì làm sao đây? Thân mình có sức khỏe, thì tâm mình cũng phải có sức khỏe. Mà sức khỏe rốt ráo đó chính là cái nguồn đó đó. Nguồn năng lượng, nguồn ánh sáng, nguồn hạnh phúc, nguồn gì gì đó. Mà mình để ý coi, những ngày mà mình thấy hạnh phúc nhiều là mình thấy những chuyện khổ hay chuyện gì đó là chuyện nhỏ, phải không? Thầy hồi đó ngồi nghe có ông bạn thầy, thầy hỏi là ổng “ngày nào trong cuộc đời ông là ngày hạnh phúc nhất”. Ổng nói là ngày lấy vợ, hạnh phúc lắm. Thì đó, trong ngày lấy vợ thì lỡ mà anh có mất một hai triệu thì anh cũng thấy chuyện đó là chuyện nhỏ, còn ngày mình không hạnh phúc, thì mình có lỡ mất vài trăm thôi mình đã thấy rất tiếc, hối hận đủ thứ (sao mà lơ đãng …) mất đi năm trăm đau dữ vậy... Còn ngày mình hạnh phúc thì mình thấy mất hai triệu không có nghĩa lý gì hết. Hạnh phúc quá trời còn đòi gì nữa. Thì chuyện đó là chuyện nhỏ.
Còn khi nào khổ đau mà nó lớn hơn mình thì nó tỷ lệ nghịch với hạnh phúc của mình. Hạnh phúc và khổ đau nó tỷ lệ nghịch với nhau. Anh càng nhiều hạnh phúc thì anh càng ít khổ đau. Còn anh nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nhiều lo toan nhiều đủ thứ thì điều đó chứng tỏ là không hạnh phúc. Mà anh không hạnh phúc là vì sao? Là bởi vì sức khỏe của tâm anh nó yếu. Đụng cái là trúng gió, đụng cái là bệnh. Gặp cái gì đó, mới có khó khăn là nổi lên bệnh liền.
Thành ra vấn đề nó là vậy thôi. Tương quan lực lượng giữa hạnh phúc và khổ đau, thì tu hành để hạnh phúc nó càng ngày càng nhiều hơn, để cho tới lúc phiền muộn, mất mát cũng không có nghĩa gì hết.
Thầy: Rồi bây giờ có vị nào hỏi nữa không?
L: Dạ thưa thầy con xin hỏi thầy ạ.
Kính thưa thầy, kính thưa đại chúng, con xin hỏi hạnh phúc đó thì làm sao để mình giữ, mình duy trì nó được thưa thầy?
Làm sao mà mình có cái năng lượng nó mạnh hơn, nó luôn luôn duy trì…
Thầy: Đó là sự tu hành mỗi ngày, tất cả cuốn gì của ngài Garchen ngài chỉ nói nhiều nhất là chữ duy trì thôi. Anh làm sao anh duy trì, anh hộ trì được nó, anh thấy sơ sơ rồi anh càng ngồi thiền giữ gìn được nó, thì càng ngày nó càng lớn mạnh ra. Nó lớn mạnh tới độ ông L không còn ký lô nào hết. Hạnh phúc đó lớn là nó vượt khỏi thân mình... thành ra phải duy trì.
Tại sao Kinh mình tụng hàng ngày đó, gọi là Kinh Nhật tụng, Nhật tụng là tụng mỗi ngày. Thì hạnh phúc mỗi ngày, thì anh làm sao anh phải duy trì nó, phải không.
Anh trồng cây thì anh phải lo cho nó mỗi ngày. Khi mà nó đang ra mầm, nó đang ra cây thì anh phải lo cho nó. Rút kinh nghiệm cần tưới cho nó một ngày hay là hai, ba ngày tưới một lần. Cần bón phân gì rồi nó lên lên lên...
Và cái cây hạnh phúc nó lớn tới độ mà nó tiêu tan sanh tử đi, phải không? Sanh tử nó tiêu tan, khổ đau nó tiêu tan đi, bởi vì cây hạnh phúc nó lớn quá, nó trùm hết.
Thì giữ gìn là vậy đó, khi anh thấy nó là cốt lõi của cuộc đời này rồi, thấy nó là cái quý báu của cuộc đời mình, thì mình cần giữ gìn nó. Thí dụ như, thầy nói mà anh C ông hay nhắc lại là vậy đó, khi mà mình đã tìm ra được một cục kim cương, thì mình rửa ráy, tuy là chưa được sạch lắm, nhưng mà mình biết cục đó là kim cương, nó to bằng trái cam lận... khi mình đã tìm ra cái đó rồi phải không, thì mình giữ gìn, thì tự nhiên mình thấy, mình tin đó là cục kim cương thì mình thấy rõ ràng chứng thực bằng thiền định, bằng cái này cái nọ, mà mình thấy đó là cục kim cương rồi. Thì khi ngủ mình để trên đầu giường, lâu lâu mình rờ rờ, giữ gìn ngay trong giấc ngủ, mình sợ nó mất, phải không?, đơn giản vậy thôi.
L: Dạ con thấy Bôn chia sẻ đó, tức là sống gần cái nguồn hạnh phúc, thì mình sẽ duy trì được cái hạnh phúc nhiều hơn, như là nhỏ một giọt nước vào đại dương thì giọt nước trở thành đại dương, nên nếu mình muốn giữ được nó, thì mình ở gần Thầy gần chúng nhiều hay ở gần chùa nào đó thì mình sẽ duy trì được dễ hơn phải không ạ?
Thầy: Mà bây giờ cụ thể là L đang ở gần Co.vid nhiều hơn là gần Thầy (mọi người đều cười). Bây giờ nói gần Thầy gần chúng, chứ hoàn cảnh này thì gần Thầy gần chúng cái gì, hoàn cảnh này là tự mình phải bơi trong biển lớn thôi, biển đó mình bơi lần lần mình sẽ thấy biển đó chính là biển hạnh phúc, chứ không phải biển nhấp nhô dữ dằn gì đâu, còn khi mình đau khổ phiền não nhiều, thì biển đó nó chìm ngập mình, mình sẽ chết, mình bơi chập là mình sẽ thấy là biển đó là biển hạnh phúc.
Đại dương có nghĩa là đại dương hạnh phúc, chứ không phải đại dương mà làm mình chết chìm đâu, thì cứ bơi đi, cứ chơi với biển đi, một chập rồi mình thấy hết sợ, thì thấy biển đó là biển hạnh phúc.
Sóng càng lớn chừng nào thì mấy ông trượt nước càng thích chừng đó. Vui thôi, trò chơi nào cũng phải vui chứ, huống gì đây là trò chơi sanh tử.
Chị H: Dạ thưa Thầy, cho con hỏi, khi nãy Thầy nói là trò chơi phải vui, mà sao con thấy đây là cái trò mà mình phải chơi, dù mình có muốn hay là không muốn thì vẫn phải chơi; con vẫn thấy đau khổ đó Thầy?
Thầy: Thì đơn giản là anh đang còn bệnh, phải không, mình thấy người ta chiều chiều ra đá cầu, đá bóng… còn mình thì nằm thẳng cẳng,… thì làm sao thấy được cái vui đó, bởi vì thân mình bệnh. Vui không nổi bởi vì tâm mình bệnh.
Ví dụ như bây giờ, cái nguồn vui nó dễ lắm, cái gì làm cho mình vui?, Người vui ấy là người biết vui cùng cái vui của người khác, đồng ý không?
Ví dụ như bây giờ Thầy thấy cô PT, Thầy vui bởi vì Thầy thấy cô làm chuyện tốt là làm xuất bản sách, phát hành những cuốn sách hay và ý nghĩa với cuộc đời thì Thầy vui vì điều đó, chứ Thầy đâu có làm xuất bản gì đâu, phải không?
Một trong những Pháp môn đó, Tùy hỷ có nghĩa là sao? Là vui theo. Là một trong mười đại nguyện của đức Phổ Hiền Bồ tát đó. Nhất giả Kính lễ chư Phật, nhị giả Xưng tán Như Lai, tam giả Quảng tu cúng dường, tứ giả Sám hối nghiệp chướng, ngũ giả Tùy hỷ công đức…
Tôi tùy hỷ công đức của cô PT, vui theo công đức của cô ấy, người tùy hỷ sẽ có một phần công đức; cô PT có mười phần công đức, thì Thầy tùy hỷ Thầy lấy một phần thôi, rồi mỗi người Thầy lấy một phần thôi, thì Thầy lời lắm. Tu hành phải khôn ngoan lên, làm ăn phải thông minh khôn ngoan lên. Như Ngài Drukpa 12 xây bảo tháp Mandala Tây Thiên chẳng hạn, mình không đóng góp trong đó, nhưng mà mình tùy hỷ, mình vui theo, thì mình được một phần công đức, phần vui của cái đó. Thầy có bao nhiêu đệ tử, thì Thầy có bấy nhiêu niềm vui, chỉ cần tu Tùy hỷ thôi, hết đời này sang đời nọ, Tùy hỷ chập rồi sẽ hỷ lạc thiệt thôi, rồi sẽ tới tận nguồn vui thôi. Nên cứ dễ dãi với người khác đi.
Cái thứ hai đó, thứ hai Xưng tán Như Lai, anh ra ngoài vườn nhìn thấy cái cây bổng nhiên xưng tán Như Lai được, hát lên bài ca như ngài Milarepa thì mình vui biết bao nhiêu. Biết đâu ngài Địa Tạng ngài thấy Covid ngài còn hát lên một bài xưng tán Covid, bởi vì Covid này cũng làm theo nhân quả thôi, phải không? Xưng tán Covid có nghĩa là xưng tán nhân quả, cuộc đời này có vậy thôi, đơn giản. Phải có người ra đi, .. đủ thứ hết.
Người có tâm lành mạnh thì ít sợ lắm, còn người mà tâm không có sức khỏe thì sợ. Hôm trước có một ông qua đây, Thầy nói giờ mình có đi đâu mình nhìn thấy Covid, nhìn mặt người nào đó, cũng thấy covid hết, mà cứ nhìn vậy thì mình sống sao nổi, thành ra Thầy nói đơn giản nhất là: “Mình phải thương yêu người đó, lỡ người đó có bị covid thì mình hãy thương yêu luôn cả con covid đó”, có nghe thi sĩ Bùi Giáng viết đó: “Đến con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”, thành ra đừng có sợ nó quá.
Mà Thầy cũng nghe nhiều vị nói vậy đó, tế bào ung thư nó rất sợ tình thương, lỡ có bị ung thư, thì nếu yêu thương được cả những tế bào đó, thì nó tự tiêu tan lần lần thôi, còn mình càng sợ thì nó, thì nó càng tấn công mạnh.
Rồi ông ấy nghe Thầy nói vậy, thì ông kể là lần đi ngang qua chỗ có Covid đó, thì ông thấy bắt đầu sợ, thì ông khởi tình thương yêu với những người trong này… thì ông hết sợ, nhưng sau đó được nửa tiếng, rồi sau ông sợ trở lại. Anh phải làm sao phải kéo dài cái đó đi, bằng tình thương yêu, đơn giản vậy thôi.
Tình thương yêu là nó đánh phá tất cả những nỗi lo sợ, khổ đau. Như hồi nãy Bôn vừa nói đó, là mình cứ thương yêu nhiều người đi, làm cho nhiều người hạnh phúc đi, thì tự nhiên mình hạnh phúc thôi. Cứ đi lần lần cho tới cội nguồn của nó là gì. Khi mình tới cội nguồn thì mình y như nhà máy cung cấp nước vậy đó, ai mở rô bi nê thì nó chảy ra thôi, phải không? Bây giờ mình ít, thì cứ đi lần lần đi. Thứ nhất là mình mở rô bi nê được, mình biết là có cái nguồn hạnh phúc đâu đây, phải không? Mình cứ đi ngược lại cho tới khi mình về tới nhà máy nước, nơi cung cấp nước, thì mình làm chủ cái đó. Thì mình là cội nguồn hạnh phúc, ai mở rô bi nê là nó ra liền.
Mình thấy các vị cao cấp như ngài Garchen chẳng hạn, ngài nói là “Khi nào buồn phiền, phiền não thì cứ nghĩ tới ngài”, thậm chí ngài còn nói “Khi mà chết thì cứ nghĩ tới ngài”, bởi vì đó là cội nguồn rồi, hoàn toàn ở cội nguồn rồi, thành ra nghĩ tới ngài là vui rồi.
Thầy thì cũng không tu Guru Yoga gì hết, nhưng mỗi lần Thầy nghĩ tới đức Đạt lai Lạt ma thì Thầy thấy vui không kể xiết. “Dã Tình Chung Nhật Lạc Vô Dư”. Guru Yoga là một cái niềm vui, để mình tìm tới cội nguồn của niềm vui, đơn giản vậy thôi, tu cái gì cũng đưa tới cái đó hết.
Guru Yoga là khi mà nghĩ tới Bổn tôn của mình, nhiều khi không phải Bổn tôn. nhưng mà lâu lâu Thầy buồn là Thầy nhìn hình đức Đạt lai Lạt ma là Thầy thấy vui à, niềm vui lên trở lại, sau những ngày covid, như bài hát của Đức Huy “và con tim đã vui trở lại”. Thì cứ vui miết thì nó không thể đau khổ được nữa, đơn giản vậy thôi. Đó là cội nguồn.
Cội nguồn đó trong kinh điển hay nói là Bồ tát Vô Tận Tạng vậy đó, cái tạng vô tận; nguồn đó không dứt, chính vì niềm vui đó, mà đời sau anh phát nguyện sinh trở lại ở cái nơi GDP kém cỏi này, nhưng nhờ cái niềm vui vô tận đó mà anh mới dám sinh trở lại nơi đây, để gặp lại những người kia, ….
Cho nên Thầy thấy trong cái bữa nọ, thầy hay tò mò lắm, thầy mở nghe cái bữa hôm đức Giáo Hoàng qua Thái Lan đó, mình mở ra mình coi ngài nói sao, thấy tiếp rước rất là long trọng, ngài mở đầu bài diễn văn ngài nói “Thượng đế đã đưa chúng ta tới đây để dự một bữa tiệc”. Đừng có nhấn mạnh cái khổ quá, rồi chảy nước mắt cả đám, khóc huhu hết.
Và tám vạn bốn ngàn pháp môn đều đưa đến niềm vui đó. Ví dụ bây giờ đơn giản, mình có Lòng Bi là lòng thương xót phải không, mình tưởng thương xót là mình phải khổ lắm. Không phải đâu. Mình càng thương xót người ta chừng nào, thì mình càng vui chừng đó, đó là sự thật. Còn khi nào mình tập trung vô cái tôi của mình, thì cái niềm vui đó nó càng teo lại, teo cho tới cái mức độ nào đó nó khổ. Thì cái gì cản trở niềm vui, đó là cái chấp ta, chấp tôi. Cái tôi mình nó nhỏ hẹp, thành ra nó khổ, anh mở bung ra với cuộc đời này, anh bắn cuộc đời anh lên như pháo hoa nó bung ra giữa trời vậy đó. Chứ còn cứ ôm giữ thì nó khổ thôi chứ có gì đâu. Coi chừng để đâu dưới giường nó nổ tanh banh hết, nên là cứ bắn cuộc đời mình lên cho nó bung ra đi, cho mọi người được hưởng.
Thầy: Rồi không ai hỏi gì thì Thầy hỏi lại, PT thấy sao? Những gì Thầy vừa nói thì PT thấy sao?
PT: Bạch Thầy và đại chúng, con chỉ thấy vui thôi ạ, từ nãy giờ Thầy nói con nghe mà con thấy rất vui ạ. Con cảm ơn Thầy.
Thầy: Rồi, vui thì làm sao ráng giữ, làm giàu ở đời cũng vậy, ngày mai phải hơn ngày hôm nay, ngày mốt vui hơn.
Thấy nãy giờ phải không? chỉ cần hòa hợp được với mọi người xung quanh, với Thầy là vui thôi?
PT: Dạ, chúng con sẽ cố gắng ạ.
Thầy:
Niềm vui nó không có chỗ bắt đầu và không có chỗ kết thúc, nó vô hạn, chỉ cần thả mình vào cái niềm vui vô hạn đó đi là mình vui liền thôi, chứ không cần cố gắng. Như dòng sông nó chảy về biển, nó chỉ cần thả mình để cho nó chảy thôi, chứ cần gì cố gắng. Bởi vì khi mình cố gắng là có một cái tôi, cái tôi nó tham muốn, tôi phải bơi nhanh hơn ông kia, nhưng sự thực là không có nhanh chậm gì hết.
Thầy thấy vậy đó, các vị vĩ đại ấy, Khổng tử chẳng hạn có câu nói mà Thầy rất thích:
“Thiên hạ lo gì nghĩ gì
Trời đất có nói gì đâu
mà bốn mùa thay đổi”.
Quá sướng. (Đại chúng rất hoan hỷ)
---*---
Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.