Thuyết trình : Việt Dũng
Ngày : 25/12/2022 (DL)
PHẦN THỨ NHẤT – THẢO LUẬN
Việt Dũng
Bài thuyết trình của con hôm nay gồm có hai phần:
- Phần thứ nhất, con xin trình bày về vấn đề khía cạnh tương đối của bệnh tật.
- Phần thứ hai, con trình bày về khía cạnh tuyệt đối.
Khía cạnh tương đối
Con tạm chia bệnh của thân gồm các vấn đề: Thân – Khí – Tâm. Cách chia này con cũng học từ sách vở, từ các vị thầy. Con tạm chia như vậy để chúng ta có chủ đề để thảo luận, và xin đại chúng cùng chia sẻ những kinh nghiệm và sự thực hành thực tế để làm rõ thêm chủ đề ngày hôm nay ạ.
Con thấy các vị định nghĩa bệnh tật chính là sự rối loạn của Thân – Tâm – Khí. Chia ra thành Thân – Tâm – Khí cũng chỉ là khái niệm, định nghĩa. Còn thực ra thân, tâm và khí cũng là một thôi. Giống như các vị hay nói, thân tâm nhất như, tâm khí bất nhị. Thân, tâm và khí nó có tương quan mật thiết với nhau, không hề có sự tách biệt. Như ở đây ở khía cạnh tương đối con tạm gọi tên những danh từ như vậy để làm rõ một số khía cạnh, tính chất, đặc điểm của vấn đề bệnh tật.
Đầu tiên, con nói đến sự rối loạn của thân dẫn đến bệnh của thân làm cho cơ thể không được khỏe mạnh. Thân chính là vật chất hữu hình, chính là thân của chúng ta đây, nó là sự tập hợp của tứ đại: đất - nước - lửa - gió. Vật chất này là những cái mà chúng ta cảm thấy nó là thật, chắc thật. Vì như vậy cho nên vật chất này nó có giới hạn của nó. Nó ở trong tổng thể chung của đất trời, vũ trụ nên thân vật chất này có giới hạn về vật lý, sinh lý và về nhiều yếu tố khác. Chúng ta phải làm sao để biết, hiểu được những giới hạn của đó, hiểu được những quy luật, những nguyên lý của đất trời, của thiên địa, của vạn vật, của bốn mùa, từ đó biết cách điều chỉnh, giữ gìn thân thể được khỏe mạnh.
Các ngài vẫn dạy, thân thì giống như con thuyền để đi qua dòng sông sinh tử và sang được bờ bên kia. Nếu như có được sức khỏe tốt, một thân thể khỏe mạnh chúng ta có được sự sáng suốt, minh mẫn để có thể tu học và khám phá chân lý của cuộc sống, của đạo để có được sự giải thoát. Con cũng xin nói sơ lược một chút về những cách, những phương pháp có thể chữa lành về thân, khí và tâm.
1. Yếu tố chữa lành thân
Khi thân bị bệnh, chúng ta có nhiều cách để chữa trị, chữa lành. Ví dụ, có thể dùng thuốc, chú ý nhiều hơn đến việc ăn uống, thực dưỡng cho phù hợp với các quy luật của vật lý, sinh lý và những quy luật của tạo hóa. Để có thân khỏe mạnh thì chúng ta phải thường xuyên tập thể dục, năng lao động chân tay, sống gần gũi thiên nhiên, sống ở môi trường có cây xanh nhiều, không khí trong lành. Khi bị bệnh chúng ta có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ những người có chuyên môn về y học để họ giúp mình khỏi bệnh, khỏe mạnh.
2. Yếu tố chữa lành về khí
- Theo con hiểu, khí chính là cái vô hình, không như thân, khí không nhìn thấy được, là yếu tố vô hình, cũng có thể gọi là năng lượng. Năng lượng này chính là thứ duy trì hoạt động, duy trì cuộc sống của chúng ta. Biểu hiện của khí rất rõ ở hơi thở, hay qua lời nói. Người xưa có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đông y nhìn nhận khí chính là năng lượng vận hành, lưu thông toàn khắp trong thân thể mình qua hệ thống kinh mạch, trong tạng phủ để duy trì sức sống và sức khỏe.
- Người ta hay nói “khí lực”, “khí chất”, “hòa khí”, “oán khí”, “nội khí” hay “dũng khí”... Khí này không biểu hiện ở vật chất nữa mà nó biểu hiện về mặt năng lượng, nó cho chúng ta thấy khía cạnh vô hình của nó. Khí là nguyên nhân gây ra bệnh của thân, cấp vi tế hơn, sâu hơn là nó bắt nguồn từ khí. Con đọc sách của các thầy thuốc, các vị đạo sư trong lĩnh vực y học, họ rất chú trọng vào khí. Trong đông ý cho rằng khí chính là cái dẫn huyết, huyết là máu trong thân thể nó lưu thông tốt thì thân thể khỏe mạnh, mà huyết lưu thông là do khí lực của chúng ta có được dồi dào, mạnh khỏe hay không. Nếu khí có vấn đề trục trặc, yếu, nó bị tắc nghẽn hay bị xâm nhập bởi những tà khí bên ngoài, ví dụ lạnh thì gọi là “hàn khí”; ẩm thấp gọi là “thấp khí”; gió độc, gió lạnh thì gọi là “phong khí”; khí không thông thuận tự nhiên sẽ bị yếu về sức khỏe.
- Chúng ta cũng có nhiều phương pháp đễ chữa lành về khí. Ví dụ, tập khí công, tập hít thở, các môn vận động như yoga, tập bộ môn này là kết hợp cả thân và tâm để làm cho khí lực được cải thiện, hoặc tập võ, hoặc tu học đạo Phật, tụng chú cũng là một phương pháp giúp cho sự lưu thông khí lực tốt hơn. Con xin được giới thiệu một cuốn sách hay mà con rất tâm đắc, trong đó tác giả giới thiệu chi tiết những phương pháp, những cách để chúng ta có thể thực hành chữa lành về thân, khí và tâm, cuốn Năng Lực Chữa Lành Của Tâm, tác giả là ngài Tulku Thonrup Rinpoche.
3. Yếu tố cuối cùng con muốn đề cập đến đó chính là tâm
- Nó cũng chính là cái đề mục chính mà con muốn thuyết trình hôm nay. Con cũng tạm chia tâm này ra làm hai, thứ nhất, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa là Tâm bình thường. Trong ngũ uẩn thì thân chính là sắc, các yếu tố còn lại, thọ tưởng hành thức đều là tâm, nó là danh sắc. Tâm bình thường, đó chính là những suy nghĩ, tưởng tượng, những cảm xúc, những tri giác, những tâm hành, những tác ý và những thức, nó thuộc về ý nghĩa tâm mà con nói.
- Cái thứ hai, con muốn phân biệt tâm này với một ý nghĩa khác đó chính là Bản tánh của tâm, là Tánh giác mà Thầy và đại chúng ta thường nhắm đến, cái Tánh giác, Phật tánh, Như Lai Tạng, Nền tảng, cái tánh Không đó. Hôm nay con trình bày về ý nghĩa ban đầu, ý nghĩa của Tâm trong vai trò là các uẩn: Thọ, tưởng hành thức.
- Sự liên hệ mật thiết của thân khí và tâm và nó tương quan với nhau không thể tách biệt được, không thể nói thân ý tâm riêng được, nó như một trình thể hoàn hảo. Con xin lấy ví dụ từ một cái kinh nghiệm nhỏ của con, ví dụ trong lúc ngồi thiền hay trong cuộc sống có phát sinh tâm sân, hay có những yếu tố làm cho con sợ hãi hoặc tham luyến, lúc đó con thấy hơi thở của mình ngay lập tức khác thông thường, nó gấp gáp, nặng trược hơn, nó không được thông suốt nhẹ nhàng, đó là yếu tố biểu hiện rất rõ con thấy từ tâm ảnh hưởng đến khí. Từ việc hơi thở như vậy, con quan sát thấy nó ảnh hưởng trực tiếp đến thân mình ngay, ví dụ con thấy trái tim đập mạnh hơn rất nhiều khi mình sân, rồi đầu thì căng ra, hệ thần kinh căng thẳng hơn rất nhiều khi tâm sân hay tham khởi sinh, nó là những tập khí mạnh mà mình chưa hóa giải ngay được. Qua trải nghiệm đó con thấy mối quan hệ mật thiết của thân tâm và khí rất rõ ràng.
- Trong quyển Chữa Lành Tận Gốc của ngài Lama Zopa, ngài nói một luận điểm là “nguyên nhân bệnh tật của thân có nguồn gốc ở nơi tâm”, tức là gốc rễ bệnh tật của thân thể là từ tâm. Tâm bất thiện, tiêu cực, tâm sân giận, ghen ghét đố kỵ, sự tham luyến chính là những chủng tử ở trong tâm tạo nên sự rối loạn của khí, từ đó tạo nên bệnh tật ở thân. Bệnh nơi thân chính là biểu hiện của những sự tiêu cực, bất thiện của trong tâm. Các ngài vẫn nói, muốn chưa bệnh thân thì phải nhắm vào việc chữa bệnh ở tâm, vì tâm mới chính là nguồn gốc của bệnh tật. Không chữa ở tâm tức là không chuyển hóa được những tư tưởng tiêu cực thành tích cực, không chuyển hóa được tâm ích kỷ thành rộng mở, từ sân giận mình học được kham nhẫn và chuyển hóa thành tâm từ và tâm bi, ví dụ như vậy. Nếu chỉ chữa bệnh về thân thể và khí thôi, tức là có thể dùng thuốc, có thể bấm huyệt châm cứu, phẫu thuật hay luyện tập các bộ môn như thái cực quyền, yoga, khí công... thì nó cũng sẽ không giải quyết được vấn đề gốc rễ của bệnh tật, không giải quyết được việc này thì các thói quen cũ sẽ tiếp tục vận hành lại, và những sai lầm trong cuộc sống khởi tư tâm và nó sẽ được biểu hiện ra trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Cuối cùng là bệnh tật sẽ trở lại, sớm hay muộn mà thôi.
- Về cách để chữa lành tâm, con xin liệt kê một vài phương pháp mà con được học và biết là:
+ Thiền về tâm từ. Tâm từ có một đặc tính là mát mẻ, nuôi dưỡng, nó giúp thân tâm được điều hòa, không bị gấp gáp. Thiền về tâm từ lá cách rất tốt để điều trị những tắc nghẽn của khí.
+ Thực hành sáu Ba la mật
+ Thiền chỉ, thiền quán, tụng kinh, niệm phật hay tụng chú...
Đó là một số cách thực hành để tịnh hóa tâm, từ đó khí và thân của chúng ta được mạnh khỏe.
Khía cạnh tuyệt đối
Thực hành của con chưa đi đến đâu, chưa đáng kể, những gì con trình bày dưới đây là con được học từ Thầy và các vị thôi ạ.
Con rất tâm đắc với bài Thầy viết về tánh Không và Đại bi trong kinh Duy Ma Cật. Con xin được mượn một ý lớn của Thầy trong phần hai này là “Tánh Không có thể chữa khỏi bệnh”. Con xin đọc một đoạn trích trong kinh Duy Ma Cật:
“Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bồ Tát có bệnh làm sao điều phục tâm mình?
Duy Ma Cật trả lời, Bồ tát có bệnh nên nghĩ như vầy: Nay bệnh của ta đều do các phiền não điên đảo, tư tưởng hư vọng đời trước mà sanh, không phải thật có thì ai là người trị bệnh.
Lại nữa, nếu bệnh này sanh khởi đều do chấp ngã, thế nên chớ đắm trước cái ngã. Đã biết gốc bệnh liền trừ tưởng ngã, tưởng chúng sanh”.
Đoạn này, ngài Duy Ma Cật nói, “cái bệnh sanh khởi đều do chấp ngã, thế nên chớ sanh đắm trước vào cái ngã. Đã biết gốc bệnh liền trừ tưởng ngã, tưởng chúng sanh”. Con hiểu ngài nói ở đây gốc bệnh chính là cái chấp ngã. Đễ dứt được bệnh, cái bệnh ở đây theo lời giảng của Thầy trong kinh là bệnh sinh tử, phải làm sao phải trừ được tưởng ngã và tưởng chúng sanh. Con xin đọc thêm một đoạn nữa:
“Hãy khởi tưởng pháp. Nên nghĩ như vầy: Chỉ do các pháp hợp thành thân này, khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt”.
Con hiểu đoạn này ngài dạy là, khi có bệnh, cảm thọ của bệnh như cảm thọ đau, cảm thọ nhức thì đó là “do các pháp hợp thành”, vì thân tứ đại do đất-nước-lửa-gió hợp thành, hệ thống thân tâm này là ngũ uẩn, không hề có một cái ta, không hề có một cái ngã. Khi quán được như vậy mình sẽ thoát được những cái chấp trước về bệnh, “khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt”.
Trong mười sáu tầng tuệ minh sát, ở tầng tuệ thứ tư đấy là tuệ sanh diệt. Tức là một người tu hành đến chỗ thiền quán, họ sẽ quán được cái sanh diệt của các pháp Thân – thọ – tâm – pháp và họ thấy được tất cả những điều sinh khởi ở nơi thân và tâm, họ thấy được nó sinh nó diệt. Và đơn giản là như vậy, họ không thấy có một cái tôi, cái ngã mà đang phải thọ nhận sự sanh diệt của các cảm thọ. Chỗ này chỉ là con nhận thức và suy luận, tức là mới có Văn – Tư, chứ về Tu thì con chưa biết là như thế nào. Con xin được đọc tiếp:
“Nhưng lại nữa. Các pháp ấy đều chẳng biết nhau, khi khởi không nói ta khởi, khi diệt không nói ta diệt. Bồ tát có bệnh ấy, để diệt tưởng pháp phải nghĩ như vầy: các tưởng pháp này cũng là điên đảo. Điên đảo là đại họa ta phải lìa bỏ nó”.
Ở đây ngài nói về sự lìa bỏ, lìa bỏ cả tưởng pháp, sau đó cũng lìa nó luôn, bởi vì ngài nói là “các pháp ấy cũng chẳng biết nhau, khi khởi thì không nói ta khởi, khi diệt thì không nói ta diệt”. Bởi vì phần trên ngài nói phải lìa bỏ các tưởng pháp, thì đoạn này ngài lý giải tiếp theo là:
“Thế nào là lìa bỏ? Lìa bỏ ta và lìa bỏ cái của ta. Thế nào là lìa bỏ ta và cái của ta? Là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng. Thế nào là lìa bỏ hai pháp chủ thể và đối tượng? Là chẳng nghĩ tưởng các pháp bên trong và bên ngoài, nhất tâm thực hành bình đẳng. Thế nào là bình đẳng? Là ngã bình đẳng, Niết bàn bình đẳng. Tại sao như vậy? Vì ngã và Niết bàn cả hai đều không. Vì sao mà không? Vì chỉ vì cả hai chỉ là danh tự nên Không. Thấy được tánh bình đẳng như vậy thì không phân biệt giữa bệnh và không nên không có bệnh gì nữa”.
Đây là lời giảng của Thầy trong kinh Duy Ma Cật, nó gợi lên những điều rất hay, chúng ta có thể sung ngẫm về tánh Không có thể chữa được bệnh, chữa khỏi một cách rốt ráo, đó là bệnh sanh tử, chữa tận gốc các loại bệnh, các khổ đau trong cuộc sống, đó chính là chấp ngã. Ở đây còn nói về tánh Không của bệnh tật nữa, cho nên con xin trích đọc một chút như vậy để làm một khơi gợi trong chủ đề hôm nay.
Con xin kết thúc phần thuyết trình của con tại đây và xin kính mời các cô chú, các anh chị và đại chúng cùng thảo luận về chủ đề này.
B.Nguyên
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Lúc nãy V.Dũng có trình bày về thân, khí và tâm. Mình thấy bệnh có nguyên nhân từ nghiệp mà ra, không ai có thể tránh được bệnh. Để giải quyết được bệnh, mình phải giải quyết được nghiệp. Muốn giải quyết được bệnh một cách rốt ráo thì phải giải quyết được cái nghiệp một cách rốt ráo, khi hết nghiệp thì khỏi bệnh. Đó là mình hiểu tại sao nó có bệnh.
Vậy thì khi bị bệnh chúng ta phải làm gì? Mình xin được chia sẻ một cái thực hành thực tế của mình như thế này. Hôm qua trời khác lạnh và mình đã bị cảm, đau đầu dữ dội lắm. Mình nghĩ ngồi thiền mà nước mũi cứ chảy vậy làm sao mà thiền được, nhưng mình vẫn quyết định ngồi thiền, tĩnh tâm, nhìn thẳng vào cái nhức đầu đó. Mình thấy khi có sự tĩnh tâm như vậy nó giúp cho mình bớt thấy khó chịu về con bệnh, không bị chảy nước mũi nữa và dễ chịu hơn.
Hôm nay mình cũng có đọc được một bài và thấy quan niệm về bệnh trong PG như thế này, họ nói rằng, “các bậc thánh nhân chỉ có bệnh, không có bệnh khổ”. Ở đây có nghĩa là bệnh thì chắc chắc là có rồi nhưng không có bệnh khổ, bởi vì sao. Bởi vì họ không để cái sự đau đớn của bệnh lôi kéo, tâm họ bình ổn, họ có thể dùng thiền định để làm tâm không bị cuốn theo bệnh. Thiền định cũng là một phương thuốc giúp chúng ta chữa bệnh.
CH.Hải
Mô Phật! Chào Thầy và mọi người!
Chủ đề chữa lành thân và tâm rất rộng, có nhiều phương án. Về thân mình không nói vì nó dựa vào y học thì cũng ổn rồi. Còn những phương pháp về thân khác muốn chữa trong PG phải học tường tận mới biết cách. Còn về chữa lành tâm nó rất nhiều phương pháp.
Phương pháp thứ nhất theo cuốn đại ấn là con đường từ bỏ. Tức là cái tâm mình nó lăng xăng, lộn xộn, mình làm nó lắng xuống là con đường từ bỏ.
Thứ hai là chuyển hóa, tức là cái thức mình nhận biết nó là nó chuyển thành trí.
Con đường thứ 3 là dựa theo đại ấn và Đại toàn thiện thì tâm nó vốn như là, nó vốn giải thoát, hoặc như tông Tào Động của Nhật Bản có nói là mình tu hành trên Phật quả đã thành. Ý nói là con đường trực tiếp, còn hai con đường trên thì nó gián tiếp hơn. Mình hợp với con đường nào mình giải quyết con đường đó.
Mình nói xoay quanh vấn đề tâm thôi. Cách trong cuốn Tánh Giác Sống Động mà H.Lan dịch có nói, mắt tai mũi lưỡi thân ý nó thấy nghe... nó tiếp xúc với cảnh trực tiếp được. Nhưng cái căn thứ sáu, tức là ý căn, ý thức đó, nó không trực tiếp, nhưng nó chen vô các căn kia nó sanh phân biệt. Năm căn đầu nó thấy trực tiếp, giống như nó biết thôi mà không có ngôn ngữ trong đó. Còn thức thứ sáu dựa vào đó nó biết và sanh nhiều chuyện, tức là nó phân biệt hết, nó sanh tâm phải quấy gì đó.
Vì vậy, tu tâm là tu thức thứ sáu, là mình phải tham thiền để nhận ra cái Nền tảng hay cái Thấy. Cái Thấy đó nó sẽ nhận biết thức thứ sáu, tức là khi tư tưởng khởi lên, thức thứ sáu này là cái Thấy nó nhận biết. Rồi tùy theo, hóa giải, chuyển hóa, tức là tỉnh giác, không chạy theo, không đồng hóa mình với khởi tưởng đó nữa, mình nhận biết thì nó trôi qua, nó giải quyết vấn đề thức thứ sáu khởi.
Cách cao hơn nữa là tánh giác hiện hữu thường trực thì thức thứ sáu chính là biểu lộ của Tánh giác. Đó là cấp độ cao nhất của Đại ấn và Đại toàn thiện. Tùy theo khả năng của mình thâm nhập được tới đâu, tức là ánh sáng tâm sáng tới đâu thì sẽ giải quyết các vấn đề được tới đó. Vấn đề là mình phải gom lại mỗi niệm, mỗi niệm phải quán sát kỹ là cái ông thức thứ sáu này, ông ấy lôi mình đi hay mình hóa giải được ổng, ổng là con mình, tức là mình làm chủ được ổng. Cái đó là một vấn đề, tức là giải quyết được các nghiệp thức nó nổi, nó gợi lên. Tâm mình lúc nào cũng có ý tưởng, không giác thì bị ý tưởng nó đồng hóa mình với ý tưởng, lúc đó mình là người mê, tạo nghiệp. Còn giác trước khi tạo nghiệp thì tư tưởng khởi lên mình hóa giải nó, hay ý tưởng khởi là thức ăn cho Tánh giác.
Khi ở trong Tánh giác mình khởi làm việc gì thì cái khởi đó nó là diệu dụng của Tánh giác. Khi người ta đứng trong Tánh giác thuần rồi thì nói năng đi đứng gì cũng không bao giờ mất Tánh giác. Tức là căn bản trí là Tánh giác, mọt hoạt dụng đều là Tánh giác.
Mình thấy vậy đó, gồm 3 còn đường là từ bỏ, chuyển hóa, hay tất cả vốn là giải thoát. Căn cứ trên cái thức tưởng mình mê cái thức nó sanh khởi hay mình giác cái thức nó sanh khởi. Vấn đề cốt lõi của mình là mỗi một niệm, một niệm mình phải quan sát tâm coi mình giác hay ý thức nó giác.
T.Hồng
Kính thưa Thầy và đại chúng!
Hồng thấy, mình sinh ra là đã có sinh lão bệnh tử rồi, trong người mình luôn có bệnh, nan y hay cấp tính. Hồng hay bệnh lắm, từ trải nghiệm đó của bản thân Hồng thấy bệnh là do thói quen không tốt. Phật giáo gọi là nghiệp, nghiệp là thói quen là hành động. Mỗi người có những nghiệp khác nhau, thói quen khác nhau, cái nghiệp, cái bệnh lá khí nghiệp của mình cũng đi theo thói quen đó.
Nói về thân bệnh, thì hầu như ai cũng có, mình phải chữa, phải gặp ông thầy thuốc, đôi khi sự cố chấp, sự cứng đầu, mình không chấp nhận mình bệnh thì ông thầy thuốc có cho thuốc mình cũng không chịu uống đâu. Thân tâm cũng như nhau, trong PG mình phải có vị Thầy để hướng dẫn mình đi đúng con đường thì bệnh tật, tập khí không tốt của mình nó từ từ được chuyển hóa
Quan trọng nhất là mình tin những điều đó và thực hành lời dạy của các vị thì từ từ thân tâm chuyển hóa tốt hơn. Thói quen rất quan trọng, ví dụ, bệnh về thân, uống thuốc dù có tốt, tây y hay động y nhưng uống mà mình không thay đổi thói quen, như huynh V.Dũng nói khí, hàn khí, những cái gì đó nó xâm nhập vô mình do những thói quen tắm đêm, ăn trễ, đó không chịu ăn, giống như trong Phật giáo nói đói ăn khát uống, nhưng mình không chịu theo những cái đó, mình hay hướng theo những tham muốn bên ngoài, được cái này được cái kia, lòng tham nổi lên là khí bị mất cân bằng. Chính sự mất cân bằng đó sinh ra bệnh tật. Phật giáo là thực hành thiền định, làm sao để cân bằng tâm mình lại. Để làm được điều đó thì cần có một vị thầy, vị thầy tâm linh cho thuốc thì phải chịu uống. Mình nói là nghe lời vậy chứ mình chưa nghe đâu, nếu mà chịu nghe là hết bệnh à, thân tâm sẽ khỏe mạnh, cuộc sống tốt đẹp hơn.
V.Dũng
Những cái cô Hồng vừa chia sẻ khiến Dũng nhớ tới thời gian vừa rồi, nhóm D.Sống có vào chùa và được cô Hồng dẫn đi khám bệnh, cũng được uống thuốc chữa bệnh và một cái quan trọng là thay đổi được những thói quen không tốt trong cuộc sống hàng ngày để được khỏe mạnh hơn.
V.Hoàng
Khi Dũng nói về tánh Không của bệnh và tánh Không của khỏi bệnh, anh nghĩ tới hôm Dũng gởi đề cương của đề tài này, anh thấy rất là hay và ý nghĩa, như thế thể hiện có sự chuẩn bị chu đáo cẩn thận về chuyện này. Nhờ gợi ý của Dũng mà mình có thể triển khai chủ đề này theo mô thức mà đức Phật đã giảng dạy giáo pháp, tức là mô thức tứ diệu đế, bệnh là Không, nguyên nhân của bệnh cũng là Không, mô thức chữa bệnh cũng là Không và sự chấm dứt của bệnh cũng là Không, như vậy mô thức gồm đầy đủ bốn yếu tố, chứ nó không chỉ có hai yếu tố như Dũng chia sẻ vừa rồi.
Lúc nãy Dũng có chia sẻ về quyển sách Năng Lực Chữa Lành Của Tâm, chú Hải cũng chia sẻ về những phương pháp chữa lành của tâm theo ba trình độ: từ bỏ, chuyển hóa và tự giải thoát. Mình xin đặt một vấn đề như thế này để chúng ta có thể đào sâu thêm. Khi mà bàn đến Tánh giác, Bản tánh của tâm, theo giáo lý của truyền thống Ấn Tạng mô tả bản tánh của tâm mình cũng có thể nhìn trên ba phương diện: Không – Quang minh – Năng lực. Xin Dũng hoặc các anh chị em có thể chia sẻ thêm nếu có trải nghiệm thực tế nào về vấn đề năng lực chữa lành của tâm theo đúng như đây. Mình hoặc ai đó mắc một chứng bệnh về thân, tức là bình diện năng lượng vật chất, nhưng rồi sau đó mình dùng năng lực của tâm chữa lành cho cái thân. Nếu chúng ta có gặp hoặc có trải nghiệm, xin chúng ta chia sẻ những ví dụ cụ thể thực tiễn để nó không còn nằm ở bình diện lý thuyết nữa ạ.
V.Dũng
Lúc nãy Dũng thấy huynh Nguyên có chia sẻ, khi trời trở lạnh huynh bị cảm, sổ mũi, nhưng huynh ngồi thiền thì bệnh đỡ, hết sổ mũi. Dũng cũng thấy ngồi thiền cũng là cách điều hòa tâm khí, là cách chữa lành nên huynh Nguyên cảm thấy dễ chịu, không còn sổ mũi nữa thay vì phải dùng Thuốc, đó là cách dùng tâm để chữa lành thân.
Dũng cũng xin chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Đó là khi Dũng vào chùa, được gần Thầy và chúng tu tập. Lúc đó Dũng thường dậy vào lúc 4 giờ sáng để tụng kinh. Buổi sáng trời lạnh nên Dũng thường bị sổ mũi, hắt xì nhiều. Nửa thời kinh ban đầu thấy rất rõ việc này, mũi nghẹt, không thở được, nhưng khi hết thời tụng kinh, đi kinh hành, rồi đến thời sám hối tiếp theo, thì thấy tất cả những cái đó được đả thông, không còn nghẹt mũi, thấy mình như bình thường.
Ngày xưa Dũng đọc một bài có nói là lễ lạy cũng giống như một hình thức yoga, nó vừa là yoga thân kết hợp với hơi thở, vừa là định tâm. Đó là cái chứng thực của Dũng khi sống trong chùa. Nhưng mình có những tập khí khác của thân và tâm, nên sau đó nó lại kéo mình quay trở lại như vậy, rồi mình lại tiếp tục tụng kinh, lễ lạy thì lại hết. Dũng nghĩ nếu cứ thực hành như vậy sau vài năm chắc Dũng sẽ hết được bệnh sổ mũi và hắt xì vào buổi sáng như vậy.
TC.Hải
Nói về thực tế chữa lành bệnh trên thân thì lúc trước mình đến chùa có học với Thầy, có thấy chú Quang Tồn chữa bệnh bằng năng lượng, mình thấy cũng thích nên xin Thầy học, thầy cũng cho nhưng không biết sao hôm sau Thầy la.
Rồi lần đó mình về quê gặp một trường hợp, anh đó bị bệnh thường xuyên lắm và anh bị bệnh đúng thời điểm mình ở quê. Anh ấy bị co giật, cắn lưỡi luôn, mình khuyên anh ấy, dùng hết tâm lực của mình niệm chú, mình truyền hết tất cả năng lượng của mình cho anh ấy thì tự nhiên lúc đó anh ấy đỡ, bớt. Chứ cứ để thế anh ấy mà bị nặng mà cắn lưỡi là phải đưa đi cấp cứu liền. Đây là trường hợp mình cũng thấy bất ngờ lắm, thấy sao anh ấy bớt hay vậy ta.
Trường hợp thứ hai là có một chú ở Thủ Đức, trưa trưa chú hay bị đau lưng, mình cũng làm tương tự như vậy. Mình đặt tay mình ngay lưng của chú, mình dùng hết năng lực, sự tập trung của mình để chữa bệnh cho chú thì trưa đó chú thấy đỡ, nhẹ nhàng và ngủ ngon. Nhưng mình thấy phương pháp này có một sự giới hạn, nên sau này Hải không có tập trung vào khả năng đó nữa. Hải thấy bệnh là do thói quen, chữa thân bệnh có thể hết nhưng nếu tiếp tục duy trì những thói quen không tốt trong sinh hoạt thì bệnh sẽ lặp lại. Vấn đề chữa lành thân bệnh nó giúp ích tạm thời thôi, rồi sau đó bệnh lại như cũ do họ vẫn lặp lại thói quen cũ.
Cái quan trọng là chữa lành về tâm. Vì thân bệnh có thể chữa hết nhưng tâm bệnh như tham, sân, si thì nó theo mình từ đời nay sang đời khác. Nên trị bệnh rốt ráo là trị bệnh về tâm, vì bệnh từ trung tâm của cái tôi cứng đặc, cái tự ngã, từ đó tâm thấy biết sinh ra phân biệt, từ đó sanh bệnh tật, khổ đau.
Chú Hải lúc nãy cũng chia sẻ phương pháp chữa bệnh bằng trí huệ, nhưng mình cũng có thể chữa lành bằng lòng từ bi hay Bồ đề tâm. Đối với trí huệ, chúng ta quán sát nhận thức một cái niệm thì tự nó tan biến đi. Nhưng đối với người bớt đi chấp ngã thì tư tưởng luôn hướng về người khác. Khi thực hành, mình thấy tâm thức mình nó không như vậy, nó luôn nghĩ cho mình, nghĩ về bản thân mình nên vấn đề một niệm hay hai niêm, nếu thực sự nghĩ cho người khác mình sẽ bỏ được cái tôi. Hải xin chia sẻ về một trong hai cách chữa bệnh như vậy, đó là trí huệ và từ bi.
M.An
Kính thưa Thầy và thưa đại chúng!
Chủ đề của hôm nay là chữa lành thân và tâm, M.An thấy trong cuốn Viên Giác Lược giảng có một chương nói về thân và tâm. Ngài Đương Đạo giảng, mình thực hành nên để ý nguyên lý bất nhị trong Phật Giáo. Tâm như thế nào thì khí nó như thế đó và ngược lại. Tâm thì cưỡi trên khí y như người cưỡi trên ngựa, người như thế nào thì ngựa như thế ấy. Thực hành chỉ là tịnh hóa cái tâm khí đó. Thực ra, nếu thân có bệnh là do khí không đến được những chỗ đó, giống như khí nó không đều. M.An thấy ngày xưa M.An mới lên đây một tháng bệnh đủ một tháng luôn, ngày nào cũng uống thuốc. Nhưng nghe lời dạy của Thầy là khi thực hành mình đặt tâm mình vào chỗ đang bệnh, ví dụ M.An có vấn đề về mũi và mắt nên chú tâm vào chỗ đó, sau khoảng một thời gian thì bệnh không còn nữa.
Thay vì phải đi điều trị bên ngoài, thậm chí có mổ luôn nhưng cũng không hết, từ đó hiểu ra được gốc rễ của cái bệnh nó nằm ngay nơi cái tâm khí, nên phải thực hành để điều hòa tâm khí đó thì sẽ hết bệnh. Bệnh phát ra từ khí bên trong mà mình nhìn thấy được đó là cái thô rồi. Thành ra, khi M.An có bệnh gì đó là M.An nhìn từ nguồn gốc của nó chứ không chạy theo, mình cũng chữa cái thân, cũng uống thuốc để chữa cái bên ngoài nhưng mình chú trọng hơn là cái bên trong. Mình để ý lại là mình bị vấn đề ở đâu, thực ra M.An thấy tụng kinh, trì chú là để cho khí của mình chuyển hóa làm chho tâm được thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.
Cũng trong bài giảng đó có nói là tâm thanh tịnh đến đâu thì khí thanh tịnh đến đó và ngược lại. Nên quan trọng là thực hành làm sao để cho tâm khí được thanh tịnh.
T.Tùng
Kính thưa Thầy và thưa đại chúng!
Tùng thấy thân và tâm đều là những thể của những dạng năng lượng khác nhau. Mình có thể tạm coi thân là dạng năng lượng thô, tâm là năng lượng vi tế hơn, nhưng chung quy lại nó đều là dạng năng lượng.
Về việc chữa lành thân và tâm ở ý nghĩa rốt ráo, khi nằm trong Nền tảng thì thân tâm có được năng lượng tốt nhất, đó là năng lượng vĩnh cửu, không tăng không giảm, không bị biến thiên, luôn luôn an lành. Giống như trong kinh Duy Ma Cật, Bồ tát khi bị thân bệnh qua đó thấy thân này là thân đáng bỏ đi cho nên nó sẽ phải có bệnh có già có chết, nên không có gì phải đáng quan tâm đến thân này. Đấy là ở phương diện của các vị Bồ tát trên Nền tảng, tánh Không. Ở đó thân và tâm được chữa lành tuyệt đối. Nó là huyễn mà, nên không có gì để chữa lành cả, nó đương nhiên là lành rồi.
Mình không thể ở được trong môi trường tuyệt đối như vậy, ở nghĩa tương đối thì thân và tâm ở dạng năng lượng mình thấy tổn thương ở năng lượng nào thì chữa ở năng lượng đó. Nhưng Tùng thấy là giữa thân và tâm có mối liên hệ với nhau nên khi thân bị tổn thương thì không chỉ chữa thân mà phải đồng thời lưu ý rằng cái tâm nó có liên quan. Tâm bị tổn thương thì đương nhiên là mình có thiên hướng chữa về tâm là chính nhưng cũng không nên quên rằng cái thân cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, tâm đang bị tổn thương cần được chữa lành mà mình đem cái thân mình đến một nơi có quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đến vùng rừng núi, không khí trong lành cũng có thể làm tâm được mát mẻ, hỗ trợ cho việc chữa lành. Từ đó cho thấy thân tâm có mối liên hệ mật thiết với nhau, nặng về cái gì thì chữa cái đó nhưng không nên quên cái kia.
Cách chữa về thân và tâm ở nghĩa tương đối nó có vô số thứ. Có thể đem thân bị bệnh đến chỗ có yếu tố chữa lành hoặc đem yếu tố chữa lành vào trong thân tâm của mình. Ví dụ, uống thuốc là đem yếu tố chữa lành vào trong thân của mình. Rồi mình đem cái thân mình đến chỗ có môi trường trong sạch để hít thở bầu không khí đỡ bị ô nhiễm chẳng hạn, đó là đem thân bệnh đến những nơi có yếu tố chữa lành. Về tâm cũng như vậy, mình nói chuyện với một người lạc quan, thì cái năng lượng lạc quan của người ấy nó được nhập vào cái tâm đang bị bệnh của mình. Đấy là một loại thuốc để chữa tâm, nên đức Phật nói thân cận Thiện tri thức là vậy, các ngài chính là thuốc để chữa lành tâm cho mình. Nên thuốc để chữa bệnh ở nghĩa tương đối nó vô cùng nhiều, nên mình tùy bệnh mà dùng thuốc.
Q.Trường
Kính thưa Thầy và thưa đại chúng!
Chữa lành về thân, em thấy ở Việt Nam mình có hai cái chính, một là tây y hai là đông y. Phương tây họ tập trung vào đối trị, ví dụ anh đau đầu anh uống thuốc đau đầu hay anh chữa cái đầu, anh sổ mũi, đau tay đau chân anh tìm cái gì đó để đối trị với những vùng bị bệnh hay bị tổn thương đó một cách rất rõ ràng, cụ thể và rất khoa học. Còn theo phương đông, người ta dùng thuốc từ các loại cây, thảo dược, mục đích cuối cùng là để nâng cấp hệ thống miễn dịch của mình lên để chống lại tất cả bệnh tật.
Đối với tâm cũng như vậy, khi thực hành, có người phù hợp với phương pháp này, có người phù hợp với phương pháp kia. Giống như chữa bệnh, có những bệnh uống thuốc tây có hiệu quả, nhưng cũng có những bệnh uống thuốc đông ý mới có hiệu quả, tâm cũng như vậy. Mình thấy nghiệp của mình, cần pháp đối trị để giải quyết hiệu quả thì mình dùng, hay có những cái buộc phải giống như an trụ trong trạng thái tự nhiên, hay Bản tánh của tâm. Quan trọng nhất vẫn là ở mình phù hợp với cái nào nhất vì mỗi người có một căn duyên khác nhau. Có người chữa thuốc tây khỏi liền, có người chữa hoài không hết vì nó còn phụ thuộc vào căn duyên nhiều đời nhiều kiếp của mình chứ không thể nào tổng quát một cách chung được vì chúng sanh thì vố số nghiệp mà mỗi người mỗi kiểu. vấn đề chính của mình có hai cái chính như vậy, tùy theo mình chọn lựa cho phù hợp nhất, mình làm có hiệu quả nhất.
H.Nam
Kính thưa Thầy và thưa đại chúng!
Nam có ý kiến như vậy. Lật ngược vấn đề, một người biết được cách chữa lành thân và tâm thì phải có động cơ. Tại sao mình vẫn biết tập thể dục là tốt, thức khuya là không tốt, mình vẫn biết cái đó, chứ không phải không biết đâu, nhưng tại sao lại không làm? Thông thường theo Nam nghĩ, lý do mình không làm là mình không có động cơ, không biết thương cái thân của mình. Để có lý do làm chuyện đó mạnh mẽ hơn thì, thứ nhất phải biết thương bản thân mình, thứ hai phải biết giữ sức khỏe để làm việc, để giúp đỡ người thân, gia đình hay rộng hơn giúp đỡ người khác, phục vụ cho xã hội chẳng hạn, thì khi đó mình sẽ biết cách giữ gìn thân và tâm. Càng có ý định giúp đỡ nhiều hơn thì thân và tâm mình tự động biết cách giữ giới để không làm cái khí nó hư hoại. Một khi mất đi sự mở rộng thì mình làm biếng, cực đoan và rất chán đời. Nam cũng có giai đoạn bị rơi vào tình trạng đó, làm biếng chăm sóc bản thân, thức khuya dậy sớm, miễn sao thỏa mãn cái tình trạng hiện tại là được.
Lúc nãy anh V.Hoàng có đề cập đến việc chia sẻ những ví dụ trải nghiệm, Nam thấy có rất nhiều luôn. Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm chẳng hạn. Ngày xưa ngài ốm yếu, người ta chuẩn đoán là ngài đoản mệnh, nhưng sau đó ngài phát một cái nguyện phụng sự Phật giáo thì từ đó trở đi ngài như được tiếp sức. Ngài làm miết à, làm việc rất nhiều nhưng rất khỏe.
Một ví dụ khác, trong đại chúng của mình có một vị năm đó xác định là nhiều khả năng sẽ đi, nhưng vị đó với ý chí sống mạnh mẽ, phát nguyện xin thêm một thời gian nữa, thì vị đó sống thêm được vài năm nữa để tu tập. Nên mình thấy cái ý chí nó kinh khủng lắm, tâm mình nó rất mạnh mẽ. Cụ thể hơn, mỗi người đều có những trải nghiệm đó, trải nghiệm mà mình thực hành hay làm một cái gì đó nó giúp cho thân tâm mình thay đổi. Mình không mong chờ có một trải nghiệm giống như thầy Thánh Nghiêm được, nhưng thực ra mình vẫn có cái đó, nó liên tục xảy ra để mình tăng trưởng niềm tin rằng cái tâm của mình rất mạnh mẽ, nó ảnh hưởng đến thân của mình.
V.Dũng
Dũng rất tâm đắc với ý đầu tiên mà anh Nam nói, tức là làm sao để tâm của mình được rộng mở, sự rộng mở đó là Bồ đề tâm, từ đó mình biết thương thân mình, biết cách chăm sóc giữ gìn sức khỏe, giữ gìn thân tâm của mình.
Dũng Thấy khi có trải nghiệm trạng thái bị ốm, mình quan sát từ lúc bị ốm đến lúc khỏe, mình biết được trạng thái khỏe đó rất dễ chịu, thoải mái. Từ sự khỏe mạnh và thoải mái đó đó mình thấy chất lượng cuộc sống của mình và cái sự tương tác của mình với mọi người xung quanh, những điều mình có thể làm được, những công việc mình làm trong một ngày tốt hơn rất nhiều, làm được nhiều hơn, giúp ích được cho nhiều người hơn. Biết được trạng thái khỏe mạnh rồi thì tự nhiên mình biết phân biệt được trạng thái khỏe mạnh và trạng thái không khỏe mạnh, giúp cho mình biết trân trọng sức khỏe, trân trọng bản thân mình hơn, từ đó có sự giữ gìn cho mình tốt hơn.
T.Hà
Kính thưa Thầy và đại chúng!
Hà xin được chia sẻ một chút cái suy nghĩ của mình về chủ đề chữa lành thân và tâm hôm nay. Hà xin được nhắc lại một câu trong kinh Hoa Nghiêm, đó là “Nhất thiết duy tâm tạo”. Có nghĩa là những biểu hiện của chúng ta hiện tại đều do tâm sanh ra. Hạnh phúc cũng từ tâm, đau khổ cũng từ tâm, vui buồn, khỏe mạnh đều từ tâm, cho nên bệnh tật hay đau ốm đau nhất định là do tâm mà ra. Có một vị dạy, bệnh do tâm thì chỉ có tâm mới chữa được. Hà tin vào điều đó. Mình biết gốc rễ của bệnh rồi thì cứ nhắm vào đó mà chữa, thì dần dần sẽ đỡ hơn và mới khỏi được. Tâm mình khỏe mạnh, thanh tịnh thì không có bệnh nào có thể xâm nhập được, mà nếu có bệnh thì đó cũng chỉ là sự biểu hiện của tâm. Tâm mà yếu thì sinh đủ bệnh. Thành ra, bên cạnh việc chữa những bệnh có tính chất cấp bách bằng tây y, mình nên nhắm vào chữa cái tâm bệnh, tâm khỏe sẽ điều phục được thân khỏe.
Về tâm bệnh, có rất nhiều phương pháp để chữa như tụng kinh, niệm Phật, trì chú hay ngồi thiền mục đích là để lắng lọc đi những lo âu, phiền não, cho tâm được thanh tịnh. Để sự thực hành được mạnh mẽ, mình cần biết thắp lên cho mình một ngọn lửa, một tình yêu với con đường này. Cũng giống như đi vào rừng, nếu có ngọn đuốc, mình sẽ nhìn thấy lối mòn và thoát ra khỏi khu rừng đó rất nhanh, còn không có ngọc đuốc đó, mình sẽ mò mẫm, mò mẫm, rất khó khăn để thoát ra, thậm chí cứ quanh quẩn chìm đắm trong đó không thể thoát ra được. Việc tu tập, thực hành cũng vậy, xoay vào bên trong quán sát cái tâm để nhìn thấy tiến trình mê lầm, những cái tham sân si có từ vô thủy vô chung, nhìn sâu, đi sâu vào đó thì sẽ nhận ra được cái bản tâm của mình, cái thanh tịnh ở bên trong.
Khi đốt lên được cái ngọn đuốc đó, ngọn lửa đó cũng lá cách làm tan chảy cái tảng băng, cái tôi cái chấp ngã cố hữu của mình để lòng từ bi, bao dung, lòng biết ơn được hiển bày. Từ bi và trí huệ là con đường của Bồ tát, con đường phụng sự cho xã hội, chúng ta cần rau dồi mạnh mẽ để chữa lành cho chính mình và cho những người khác.
Hà xin được chia sẻ thêm về cái trải nghiệm chữa lành bệnh cho mình từ việc trì chú, cụ thể và thực tế luôn. Cách đây khoảng 4-5 năm, Hà bị gần như là tê liệt cái cánh tay phải, rất đau nhức, không nhấc tay lên cao được, thậm chí không cầm được cây chổi để quét nhà nữa, mặc quần áo rất khóa khăn. Hà bị đau như vậy khoảng 8 tháng, cũng đi bác sĩ uống thuốc, rồi đi chích, nó chỉ đỡ thôi sau đó lại đau lại. Hôm đó trong bữa ăn sáng, Thầy hỏi Hà ý nghĩa của việc trì chú, Hà cũng thưa lại với Thầy rồi Thầy dạy là trì chú có hàng trăm ý nghĩa, một trong đó là có tác dụng chữa bệnh. Bệnh chỗ nào thì trì vào chỗ đó. Tối đó khi ngồi thiền, Hà cũng trì chú như lời dạy của Thầy (trước đó Hà cũng đã làm như vậy rồi nhưng không hết), trì chú vào cánh tay phải đang bị tê liệt đó. Đến sáng hôm sau, lúc thay đồ để đi làm, Hà thấy tay mình không còn bị đau nữa, mặc đồ dễ dàng. Thế là Hà khỏi bệnh đó luôn, không bị đau lại nữa.
Ngoài ra Hà con bị bệnh đau bao tử, bệnh tiểu đêm nữa, nhưng do mình có thực hành nên mấy bệnh đó cũng hết từ hồi nào mà mình không hay. Hà biết là năng lực của mình thì chưa đủ mạnh để có thể chữa bệnh được, đó chắc chắn là do có sự gia trì nào đó, cho dù có sự gia trì thì đó cũng là năng lực của tâm, năng lực đó được sinh ra từ tâm, nếu có năng lực đó, mình không những chữa được bệnh cho mình mà còn có thể giúp cho nhiều người khác. Vì vậy, mình phải thực hành làm sao đó để nâng cao tâm lực của mình cho đến không giới hạn.
NV.Vụ
Kính thưa Thầy và đại chúng!
Con Thấy V.Dũng đã chuẩn bị bài phát biểu buổi hôm nay rất cẩn thận và chu đáo, đặc biệt là trích những câu kinh rất hay, đúng chủ đề. Toàn thể đại chúng đã chia sẻ rất hay và ý nghĩa, nhưng điều con dừng lại ở đây là đoạn chú Hải chia sẻ. Chú Hải chia sẻ 3 con đường tu tập con rất ấn tượng. Con nhớ pháp hội năm 2020 chị P.Thảo cũng hỏi Thầy đúng câu này, có mấy con đường tu tập? Thầy cũng dạy là có ba con đường: buông bỏ, tịnh hóa và tự giải thoát – con đường thấy trực tiếp. Đoạn mà Dũng đọc từ trong kinh là con đường thấy trực tiếp, đọc đến đó mình an tâm và không thấy có gì phải bàn cãi cả. Nhưng vấn đề là cái tin của mình còn cạn, buộc mình phải dùng hai con đường kia là từ bỏ và chuyển hóa để hỗ trợ.
Như trong các truyền thống, con không nhớ chính xác có nhắc đến cái tín, nguyện và hạnh. Con thấy cái tín, nguyện và hạnh ở đây cũng tương đương với ba con đường. Con đường tín là niềm tin, là thấy trực tiếp; con đường nguyện là con đường hoán đổi, con đường chuyển hóa, dùng cái nguyện để thay thế cái nghiệp, dùng cái tốt để thay thế cái xấu, dùng cái vị tha để thay thế cái tự ngã, dùng cái lợi lạc để thay thế cái phiền não; con đường hạnh là thiền định, buông bỏ. Dũng có làm đông y chắc cũng biết, một bài thuốc phải cần chủ dược, phục dược, tá dược, thuốc điều hòa, ngay như dược cũng phải cần 4 yếu tố rồi. Rồi dược lại phân ra thành khí, vị, rồi lại phân ra 12 đường kinh… cho nên việc tu tập trên mặt hình tướng thôi, góc độ rất nhỏ mình cũng phải dùng tổ hợp rất nhiều yếu tố. vấn đề hội nhập trong thế gian này cũng cần một sự tổ hợp. Có người lấy đức tin làm cái chính, làm vua, lấy cái thiền chỉ làm thần, lấy cái chuyển hóa, lấy cái nguyện để thay thế cái nghiệp làm tá xứ, hòa hợp với nhân gian, đề nhìn thấy khổ đau để tu tập. Hoặc có vị lấy con đường buông bỏ, hạnh làm đầu. Vai trò của mỗi người ở những cương vị khác nhau, mình sẽ tự xây dựng cho mình một lộ trình khác nhau, nhưng tựu chung lại cũng để quay trở về cái Nền tảng chung.
V.Dũng
Về khía cạnh tuyệt đối như chú Hải chia sẻ lúc nãy, con đường từ bỏ, chuyển hóa & thấy trực tiếp, hay như anh Tùng có nói là thân tâm này nó như huyễn, nó là tánh Không. Trong kinh Duy Ma cật thầy có giảng về tánh Không là: “Bồ tát có bệnh thì lấy cái không chỗ thọ mà thọ nhận các thọ”, chỗ này con thấy cũng là chủ đề hay để thảo luận. Con hiểu chỗ này là, cái bệnh chính là cái cảm thọ của mình, cảm thọ của thân và cảm thọ của tâm.
Cảm thọ của thân thì có khổ thọ và lạc thọ, như đau nhức, bức bách khó chịu, đó là cái thọ mà đa số chúng ta cảm thấy rất thực, nhưng theo quan điểm tuyệt đối các ngài thường nhắc đến thì bệnh tật không thực có, không tồn tại thật, nó chỉ là biểu hiện của nghiệp bất thiện, tuy nhiên đối với chúng ta cảm thấy nó luôn thật có. Như con chưa có được cái tuyệt đối nên con cảm thấy các cái đau, khó chịu bức bách đó nó rất thật. Con xin đại chúng chia sẻ thêm về cái ý này ạ.
H.Lan
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
H.Lan nghe V.Dũng nói về cái quán thọ trên thân và quán thọ trên tâm, nói là cái bệnh của mình nó thật. H.Lan cũng đang sốt và chảy nước mũi. Nhưng nghe V.Dũng nói H.Lan nghĩ đến câu chuyện của chú Sơn, câu chuyện này ở đây chắc nhiều người cũng nghe rồi. Lúc đó chú đi chiến trường Campuchia, chú bị đau chân, phải có hai người dìu chú vì chú không đi nổi. Chú bảo hai người đồng đội bỏ chú ở đây và đi đi chứ Pôn Pốt nó dí đến nơi rồi, nó sẽ bắn chết cả ba người. Nhưng hai người bạn nhất định không chịu bỏ chú. Ba người đang đi thì nghe tiếng súng rất là rát, rất gần rồi, thế là chú vùng lên chú chạy và chạy nhanh hơn hai người kia. Thành ra mình tưởng cái cảm xúc của mình nó thật nhưng mà nó không thật đâu. Cho đến khi có một cái gì nó thật hơn nó đè lên cái cảm xúc đó thì có vẻ như cái kia nó tan đi.
Cái đó cũng làm cho H.lan nghĩ đến cái nữa là cái năng lượng mà lúc nãy huynh Tùng có nói đến, nếu chúng ta tin được rằng chúng ta được tạo ra bởi năng lượng và chúng ta là nguồn năng lượng vô tận thì những kinh nghiệm của chúng ta về bệnh ở trên thân và bệnh ở tâm nó cũng khác. H.Lan rất vui khi được nghe mọi người chia sẻ là chúng ta thực hành cái này, chúng ta thực hành cái kia thì chúng ta hết được bệnh ở trên thân và bệnh ở trên tâm. Nhưng H.Lan thấy, các vị lớn, có rất nhiều vị chết vì bệnh, ví dụ ngài Karmapa16 cũng chết vì bệnh ung thư. Có một câu mà H.Lan nhớ, dù chúng ta là ai thì nhân quả cũng không sai xót, thành ra việc húng ta bị bệnh và chết vì một căn bệnh nào đó cũng là một cái bình thường. Cái chính là thân của chúng ta bị tác động bởi một căn bệnh như thế nào, chúng ta có thể nhìn thấy cái gương của các vị như vậy và chúng ta có thể đón nhận những căn bệnh đó theo những thái độ khác nhau. Một trong những thái độ đó, ở đây H.Lan cũng được Thầy dạy nhiều và cũng đang thực hành theo đó chính là Bồ đề tâm. Chính Bồ đề tâm đó cùng với một cái nguyện lớn sẽ giúp cho mình vượt qua bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống của mình. H.Lan được nghe Thầy nói đi nói lại rất nhiều lần là Thầy ngồi thiền không bằng ai đó, Thầy đọc sách không bằng ai đó… nhưng Thầy có thể làm việc được nhiều hơn tất cả mọi người đó là vì cái nguyện của Thầy lớn. Ở đây khi mà đang nói về thân tâm thì H.Lan cũng thấy một điều là, ở đây chúng ta a cũng trẻ hơn Thầy, Thầy là già nhất. Nói về cơ thể vật lý thì cơ thể Thầy yếu nhất, Thầy bệnh nhiều nhất, nhưng có vẻ như chúng ta ai cũng thấy đó là Thầy trẻ nhất và khỏe nhất. Cái đấy H.Lan nghĩ đó là do cái nguyện rất lớn của Thầy. H.Lan xin chia sẻ điểm này như vậy. Xin cảm ơn tất cả.
ĐA.Tuấn
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Nghe mọi người chia sẻ chủ đề hôm nay mình rất ấn tượng. Công việc của mình liên quan đến việc chữa bệnh và giúp đỡ mọi người. Chúng ta phải biết trong cơ thể mình đau cái gì, bệnh gì, cảm thọ của mình mới cho mình biết bệnh của mình và cách chữa như thế nào. Đây là phương pháp chữa bệnh bằng tự thân. Chúng ta học được rất nhiều thứ bên ngoài nhưng, gặp được nhiều bác sĩ, nhưng chúng ta phải biết được bên trong của mình đang bị bệnh gì và tại sao mình lại đau như thế. Biết được nguyên nhân thì chắc chắn mình sẽ có cách để hóa giải.
Việc chữa bệnh cho người khác chủ yếu chỉ là đánh thức khả năng tự chữa bệnh sẵn có ở bên trong của mỗi người thôi. Mình thường nói với bệnh nhân chính là Phật ở bên trong tự chữa cho anh chứ không phải tôi chữa, tôi chỉ tác động vào anh để vị đó biết là nó đang bị đau, đang bị bệnh đây này và cho thuốc, còn tự cơ thể họ chữa cho họ thôi. Mình chữa bằng cách tác động vào hệ thống, cơ chế tự chữa bệnh của họ thôi, đấy chính là Phật tánh, là Phật Dược Sư của họ và đang chữa cho chính họ. Mình tác động bằng một tâm chân thành, bằng Bồ đề tâm, mong muốn giúp đỡ họ, làm như vậy mình mới không bị vướng vào cái tôi chữa bệnh hoặc có người chữa bệnh, hay là mình là thầy thuốc là bác sĩ, mình bỏ qua tâm đó đi mà làm bằng tình yêu thương thì người bệnh mới mau khỏi và khỏi trong thời gian cực kỳ ngắn. Hơn 2 tuần nay thôi mình cũng chữa được hơn 100 bệnh nhân rồi. Khi mình và người bệnh giao tiếp bằng tâm thì việc chữa bệnh rất nhanh và dễ dàng. Mình không nên giữ năng lượng cho riêng mình mà phải cho đi thì người bệnh mới mau lành bệnh.
Nếu các cô chú anh chị, ai bị bệnh đau xương cột sống, thoát vị địa đệm hoặc bất cứ bệnh gì cứ nói với Tuấn để Tuấn giúp, giúp đỡ thôi không tốn kém bất cứ một khoản chi phí nào.
D.Trường
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Chủ đề chữa lành thân và tâm hôm nay Trường thấy rất hay. Trường có một xác định rất rõ ràng là ngay khi mình được sinh ra đời là đã bị bệnh rồi, thân mình có sự giới hạn, giỏi lắm là được 80 năm, tâm mình thì mang theo cái nghiệp. Thật ra mình thấy mình luôn luôn bệnh. Để có một chiến lược chữa lành mang tính chất đi dường dài thì phải làm sao kết nối thân và tâm mình vào cái Nền tảng Thầy hay dạy đó. Trong đời này sự kết nối của mình được ít hay nhiều thì đó là bước đệm cho những đời kế tiếp. Cái này Thầy dạy cũng mấy tháng rồi, mình thực hành làm sao để thấy được thân, tâm mình ở trong khắp tất cả mọi người, thì lúc đó có sự kết nối với Nền tảng hay kết nối với pháp giới, pháp thân gì đó và đó là sự tự chữa lành.
Có rất nhiều cách chữa lành nhưng trường xác định cho mình là như vậy để đời sau mình tiếp tục. Đông y thì theo đông y, tây y thì theo tây y, mà chuyên về khí thì theo khí, rồi thiền năng lượng nữa, có nhiều thứ trên đời này lắm. Nhưng mà theo những chiến thuật như vậy thì mình sẽ bị lạc vào đó, đời sau sinh ra mình lại có cái nghiệp đó nữa. Thành ra, mình luôn luôn nhớ việc kết nối thân, tâm vào cái Nền tảng.
P.Hồng
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Hồi đầu Hồng nghe V.Dũng chia sẻ về kinh Duy Ma Cật, ngài có nhấn mạnh về nguồn gốc bệnh nằm chỗ tâm mình, do sự chấp ngã. Từ chấp ngã mình mới thấy có cái tôi và người khác rồi từ đó sinh ra cái của tôi và của người khác. Như vậy, mình phải xoay chuyển lại cái nguồn gốc đó chính là bên trong mình, làm sao phải nghĩ đến người khác nhiều hơn mới mong từ từ giảm bớt được xoay quanh cái tôi.
Ở đây cũng có vị nói mục đích của tu tập để cho tâm mình mở ra. Càng ngày càng mở ra cho đến lúc mình ôm trùm được tất cả đó là giải thoát. Lúc nãy cô H.Lan có nhắc đến ngài Karmapa 16, cách đây vài ngày Hồng đọc một bài chia sẻ trên facebook về những ngày cuối đời của ngài karmapa 16. Câu chuyện kể về những ngày cuối đời của ngài, ngài phải chịu rất nhiều bệnh tật và chịu nhiều sự cắt xẻ trên thân thể, cứ mỗi ngày qua đi bác sĩ lại phát hiện một bệnh tật mà hôm trước nó có thì nó lại biến mất để mà nó xuất hiện thêm những bệnh khác. Khi bác sĩ thấy không còn duy trì được sự sống cho ngài nữa thì bác sĩ nghĩ đến việc rút các máy móc đang duy trì sự sống cho ngài ra thì ngài nói không, cứ để vậy. Ngài vẫn vui vẻ chuyện trò, chịu đựng những nỗi đau đớn nhưng không hề có sự gì chứng tỏ là mình đang đau đớn cả.
Sự ra đi của ngài nó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người có mặt chứng kiến, để thấy một sự giác ngộ, có thể đạt được giác ngộ với tâm vì người khác. Câu chuyện rất ấn tượng. Mình thấy mình không thể đạt được bằng các ngài ở mức độ cao giống như thế, nhưng những câu chuyện như vậy nó sẽ truyền cảm hứng cho mình trên bước đường tu tập.
H.Thi
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Nhân đề tài hôm nay là chữa lành thân và tâm, mình thấy đề tài rất hay và ý nghĩa. Đó là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận trong đời sống tương đối này thân người rất ngắn ngủi hữu hạn, đâu đó vài chục năm nó cũng mất. Cái còn lại là gì? Đó là tinh thần, tâm linh, nó theo chúng ta qua những kiếp sống sau. Đi thẳng vào vấn đề, chúng ta thấy tiến trình tu học trong đời sống tương đối này thân người vô cùng quý giá. Vì nếu không có thân người chúng ta không thọ nhận được giáo pháp của đức Phật, cũng như của các vị Bồ tát, các vị tổ để lại, để từ đó chúng ta tiến triển trên con đường tâm linh.
Hồi nãy V.Dũng có phân tích, nguyên do tại sao mà thân bệnh. Thì tựu chung lại thân bệnh cũng từ nguyên do khởi sanh đó là tâm chúng ta bệnh. Vì tâm chúng ta không thanh tịnh, cứ lăng xăng và mưu cầu những vấn đề sai pháp, nên nó luôn sai xử chúng ta đưa chúng ta vào mê lầm dẫn đến khổ đau. Từ khổ đau nó dẫn đến nhiều hệ lụy phía sau, trong đó là vấn đề thân bệnh.
Để giải quyết vấn đề thân bệnh cũng như tâm bệnh, thì nãy giờ đại chúng cũng cùng nhau phân tích, rõ ràng mình thấy là chúng ta phải xuất phát từ vấn đề gốc rễ là điều trị từ tâm mà ra. Vạn sự do tâm tạo. Bản thân con cũng mang trong cơ thể một cái bệnh. Nếu như thực sự không có một niềm tin, không có sự dìu dắt của vị thầy tâm linh, của thầy đáng kính thì con đường của con sẽ đầy chông gai và vất vả hơn rất nhiều. Câu chuyện này con đã kể với đại chúng rất nhiều lần rồi, con xin phép không lặp lại nữa.
Mọi người phân tích rất nhiều, chung quy lại mình phải quay về vấn đề bên trong của mình phải luôn luôn quán xét và tịnh hóa. Tịnh hóa ở đây là tịnh hóa cái thân tâm để thân tâm của mình luôn được thanh tịnh để từ từ nghiệp xấu ác được đẩy lùi và nghiệp thiện lành được nảy nở. Dần dần cơ thể và thân tâm mình được cân bằng trở lại và đời sống mình sẽ được hạnh phúc, bệnh tật được đẩy lùi.
L.Anh
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Chủ đề “Chữa lành thân tâm” của bạn Việt Dũng, con xin được chia sẻ một ý mà con rất tâm đắc theo cách hiểu của con. Để mà chữa tận gốc thì chúng ta phải hiểu nguyên lý của bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh. Để hiểu rõ nguyên lý của bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh thì dựa trên nguyên tắc là “thông thì bất thống và thống thì không thông”, với nguyên tắc này đi liền với thân, khí và tâm. Thông thì bất thống, có nghĩa là nếu chúng ta có kết nối năng lượng với sự sống thì thân mình sẽ khỏe, khí huyết lưu thông khi khí huyết lưu thông thì thân sẽ khỏe và không có bệnh. Còn thống tức không thông, tức là khí huyết không lưu thông thì thân mình sẽ bệnh, người đó mất kết nối với năng lượng sống... Và để giải quyết vấn đề này theo con thì chính là Thiền, Thiền có khả năng chữa trị bệnh tật và cân bằng âm dương, và khi âm dương cân bằng thì mình sẽ khỏe và cái cân bằng ở đây đồng nghĩa với Đại Từ, Đại Bi và Trí Tuệ của bồ tát Quán Thế Âm. Con xin hết ạ.
MC: Xin cảm ơn chị Ly Anh. Sau đây là Viên Từ, rồi tới chú Hải và Hồng Ngọc ạ.
Viên Từ: Dạ kính thưa Thầy và đại chúng, thì với chủ đề chữa lành thân tâm này Viên Từ xin có một đóng góp nho nhỏ trong ngày hôm nay. Hồi trước trên Fanpage Tại Đây Bây Giờ có đăng một bài mà Viên Từ rất là thích và tâm đắc lắm, lâu lâu cũng hay chia sẻ với mọi người, đó là bài “Hai lý do sinh bệnh”, của quyển “Ngày hôm nay mang tên hạnh phúc” của NXB Lao Động và Thái Hà hợp tác xuất bản. Thì Viên Từ xin đọc một đoạn trong đây, đoạn này cũng khá dài nhưng VT tóm ý lại của cả bài viết đó luôn ạ.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bệnh tật cũng sẽ tìm đến và khiến ta phải bận tâm. Bệnh tật chắc chắn là vấn đề vô cùng quan trọng trong cuộc sống của ta. Tuy vậy, tất cả mọi loại bệnh đều có thể chữa trị. Bạn sẽ không bị trói buộc vào bệnh tật và chung sống với nó đến suốt đời. Trạng thái tự nhiên nhất của cuộc Sống là trạng thái không có bệnh trong người. Bản chất của tự nhiên là luôn ở trạng thái hoàn thiện. Ta luôn có xu hướng quay về trạng thái vốn có ban đầu của tự nhiên là không đau ốm. Phương hướng của cuộc sống là giữ cho cơ thể khỏe mạnh và lành lặn. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng. Cơ thể luôn trong quá trình điều trị để duy trì sức khỏe và bản chất của bạn là luôn trạng thái không bệnh tật. Chỉ khi không cảm thấy lo sợ điều gì bạn mới có thể được giải thoát khỏi nỗi lo bệnh tật.
Nếu vậy, lý do khiến ta, một người vốn dĩ có trạng thái tự nhiên khỏe mạnh, lại bị đau ốm là gì? Tại sao bệnh tật lại tìm đến và quấy rầy ta? Trước hết, ta cần hiểu rằng bệnh tật không phải là thứ được sinh ra từ bên ngoài. Không có chuyện vũ trụ gây bệnh cho ta nếu như ta không tự khiến bản thân mình mang bệnh. Vì lẽ đó, ta có thể tự mình vượt qua và chữa khỏi được mọi loại bệnh. Mọi sức mạnh để chữa trị bệnh luôn tồn tại bên trong con người ta. Nếu bệnh là thứ được sản sinh từ bên trong ta thì sức mạnh để chữa khỏi căn bệnh đó cũng được sản sinh từ bên trong ta.
Nếu vậy, hãy cùng xem xét kĩ lý do vì sao bệnh tật lại xuất hiện trong cuộc sống của ta. Xét về tổng quát, ta sẽ thấy bệnh tật xuất hiện bởi hai lý do và mục đích.
Thứ nhất, bệnh tật giúp ta thức tỉnh và hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống của mỗi người là hành trình quay về với căn nguyên của chân lí, sự thật. Ở nơi có thể thỏa thích tìm hiểu về mọi điều tên là cuộc sống ấy, ta đang nghiên cứu về từng giai đoạn cuộc đời và đang bước trên con đường giác ngộ. Bằng cách nhận thức và học hỏi về tất cả các quá trình mà cuộc sống ban tặng, ta có thể đạt được bước tiến trong cuộc sống và được giác ngộ về mặt tâm linh. Suy cho cùng, cuộc hành trình quy y đầy thiêng liêng dẫn ta đến biển trời tự kiểm điểm (tự tỉnh), và cũng là quê hương của ta, chính là cuộc sống này.
Tuy nhiên, sự học hỏi và nhận biết phải luôn cân bằng. Ta có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống thông qua những việc tốt lành, hạnh phúc, niềm vui, sự khỏe mạnh nhưng bên cạnh đó cũng phải học hỏi những điểm khác thông qua những trường hợp ngược lại. Điều đó có nghĩa là ta nhận được từ niềm hạnh phúc bao nhiêu thì cũng phải nhận được từ nỗi bất hạnh bấy nhiêu, nhận được từ khỏe mạnh bao nhiêu thì cũng nhận được từ bệnh tật bấy nhiêu. Đó chính là lý do khiến cho may mắn và bất hạnh, niềm vui và nỗi buồn, sức khỏe và bệnh tật, việc tốt và việc xấu diễn ra một cách sôi động tựa như bước sóng lớn đầy năng nổ. Cuộc sống vừa như bước sóng vừa như những chuyển động. Bước sóng nối đỉnh sóng với đáy sóng. Chính nó là thứ đánh thức cuộc sống của ta một cách cân bằng, trở thành một trang trong sự giác ngộ và quá trình học hỏi một cách hài hòa. Có nghĩa là ta có thể tìm hiểu về cuộc sống thông qua sự khỏe mạnh nhưng đôi khi cũng cần cảm nhận về cuộc sống thông qua bệnh tật và nỗi đau.
Khi khỏe mạnh, ta có thể thỏa sức mơ mộng và nuôi hy vọng, bằng mọi cách đạt được những gì mình muốn. Mang theo một mục tiêu to lớn và đạt được mục tiêu đó sẽ khiến ta không ngừng nỗ lực hơn nữa để đạt được nhiều thứ khác hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi ta tập trung vào một việc gì đó hoặc hướng đến mục tiêu một cách thái quá thì bệnh tật sẽ tìm đến và khiến ta phải nghỉ ngơi một thời gian để tạo sự cân bằng cho vũ trụ. Bởi vì vũ trụ luôn chuyển động cho trung đạo và sự cân bằng của cuộc sống. Lúc này, thứ gây ra bệnh không phải cuộc sống mà chính là bản thân ta. Nếu ta nỗ lực làm việc một cách hợp lý, cân bằng và ở mức độ phù hợp thì vũ trụ pháp giới không có lý do gì gây bệnh cho ta.
Ở đây, thông qua bệnh tật, ta được tỉnh thức và rút ra bài học quý báu rằng không nên quá tập trung và chỉ mải miết hướng đến mục tiêu một cách bận rộn. Nhân cơ hội bị bệnh, hãy quay nhìn lại cuộc đời, tạm dừng nhịp sống chỉ mải mê chạy về phía trước và dành thời gian nhận ra ý nghĩa của sự nghỉ ngơi.
Lý do thứ hai sinh ra bệnh nằm ở việc xóa bỏ, thanh lọc nghiệp. Nói một cách đơn giản, thông qua bệnh tật, những phần bị vẩn đục và tối tăm tồn tại bên trong con người ta sẽ được gột rửa sạch sẽ. Từ những kiếp trước trong quá khứ, ta liên tục tạo ra vô số ác nghiệp thiện nghiệp. Trong số đó đặc biệt là những ác nghiệp được tích tụ dần dần và đến một lúc nào đó sẽ được giải thoát dưới nhiều hình thức nếu gặp phải mối nhân duyên đặc biệt, vì vậy, nó cần phải được thanh lọc. Nói cách khác, việc sinh ra bệnh tật là một trong những biện pháp nhằm xóa bỏ nghiệp chướng. Lúc này, thứ gây ra bệnh là ta, thứ khiến cho bệnh nhanh chóng được giải thoát và thanh lọc là vũ trụ pháp giới. Tức là chân lý của vũ trụ pháp giới luôn biết chính xác thời điểm nghiệp chướng được xóa bỏ. Thân ta sẽ trở nên nhẹ nhõm và thanh tịnh hơn nhiều sau khi những mảng tối và mờ mịt của nghiệp chướng được chất chống từ lâu thoát ra khỏi người ta. Nhìn trên phương diện xóa bỏ nghiệp chướng thì bệnh không phải tìm đến để quấy rầy ta mà nó đang làm nhiệm vụ thanh lọc nghiệp chướng và gột sạch những cặn bã tồn tại bên trong con người ta.
Theo đó, mọi loại bệnh xảy ra đều có mục đích của nó. Không có thứ gì bất ngờ xuất hiện và làm ta khổ sở mà không có lí do. Nó xảy ra không phải với mục đích gây ra đau đớn và hủy hoại ta mà nó mang theo tình yêu, lòng đại từ đại bị vô hạn để cứu vớt và thức tỉnh ta bằng sự chân tình.
Nguồn năng lượng cơ bản của vũ trụ pháp giới là từ bi và tình yêu thương vô hạn. Do vậy, nếu ta duy trì ở thái tự nhiên như nó vốn có thì cũng đồng nghĩa với việc ta luôn ở trong phạm vi bảo bọc liên tục của từ bi và tình yêu. Vũ trụ luôn có xu hướng khiến ta ở trạng thái được chữa lành hoàn toàn. Lòng tin là thứ rất quan trọng trong việc chữa bệnh. Bởi vì trí tuệ không phải là thứ khiến bạn chật vật vì bệnh tật mà nó là sự thật quan trọng giúp bạn tiến gần hơn một bậc đến việc điều trị hoàn toàn. Nó là chân ngôn của việc điều trị, thứ có thể ta phát huy được sức mạnh nội tại bên trong con người mình.
“Bệnh không phải là thứ xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nó luôn mang theo một mục đích nào đó và tìm đến bạn”. Hãy một lần nữa khắc ghi câu nói này. Bệnh tật luôn xuất hiện để đưa bạn đến với thế giới của từ bi, tình yêu và sự tỉnh thức. Nó không đến để cướp đi mạng sống hay đẩy bạn xuống địa ngục và chặn đường quay lại của bạn. Bệnh xảy ra bởi vì nó là điều tốt nhất trong hoàn cảnh đó.
Đã đến lúc bạn phải thay đổi hoàn toàn quan điểm cho rằng bệnh tật là “vấn đề” hay “điều tồi tệ”. Nó xuất hiện với tư cách là điều tốt nhất chứ không phải điều tồi tệ, là “quá trình giải quyết vấn đề” chứ không phải là vấn đề. Vì vậy bạn đừng nên lo sợ. Cũng đừng quá chán nản. Bởi nó có nghĩa rằng một quá trình biến đổi và thay đổi to lớn đã bắt đầu diễn ra. Bệnh tật tìm đến với mục đích giúp ta giũ bỏ những cặn bã của quá khứ và đánh thức tâm hồn ta. Việc ta cần làm khi đối mặt với bệnh tật là đón nhận nó như một điều tất yếu, thông qua đó học hỏi và trưởng thành hơn nữa. Khi ta không lo ngại mắc bệnh, chấp nhận và đồng hành với nó như một người bạn, coi nó là người thầy thì lúc đó việc trị bệnh chính thức được bắt đầu”.
CH Hải:
Mình xin nói vắn tắt ở đây một chút để người khác còn nắm vững các phương pháp, tức là ba phương pháp mình nói lúc nãy là con đường từ bỏ, chuyển hóa và thấy nó là Đại Toàn Thiện và Đại Ấn đó.
Con đường thứ nhất là từ bỏ, người đó chưa có thấy được cái Tánh Giác, chưa nhận được cái phương pháp để hóa giải thành ra phải từ bỏ nó nằm trong giai đoạn tịnh hóa tâm thức. Nếu mà người nào chưa biết mình tỉnh giác như thế nào thì phải dùng phương pháp đầu là từ bỏ để tịnh hóa.
Con đường thứ hai là chuyển hóa hay là thấy nó như nó là và nó vốn giải thoát đó, thì 2 con đường sau này tức là người đó đã thấy nó rồi.
Rồi con đường thứ 2 nó sẽ chuyển qua con đường thứ 3 khi mà cái Tỉnh giác nó thuần rồi, thường giác rồi đó thì nó sẽ chuyển qua con đường thứ 3.
Theo kinh nghiệm thực hành của mình thì mình cũng đi cả ba con đường này thôi chứ nó không nhất thiết phải là một con đường, nếu mình thấy cái sức mình nó chưa đủ để hóa giải những phiền não của mình thì mình phải làm sao tịnh hóa nó. Còn nếu mình biết cái Tánh giác phần nào, và chánh niệm về nó thì mình ở trong Chánh niệm để mình hóa giải các niệm thâm sân si, còn khi Tánh giác nó đã lộ ra rồi thì những gì nó biểu hiện chỉ là trang hoàng cho tánh giác mà thôi. Vấn đề nó là vậy, người đứng ở con đường sau sẽ thấy được cách tu của con đường trước, thì mình nói vậy để các bạn nắm vững nó để thực hành và biết mình đang ở mức độ nào. Dạ xin hết.
H.Ngọc
Dạ Hồng Ngọc xin phát biểu ạ, thời gian cũng không còn cho phép nên con cũng xin phát biểu ngắn thôi dù rất là muốn chia sẻ nhiều về chủ đề hôm nay là Chữa lành thân và tâm. Hồng Ngọc thấy là V.Dũng cũng đặt vấn đề từ đoạn trích trong quyển Duy Ma Cật rất nhiều, ở đây chỉ xin chia sẻ ngắn gọn thôi.
Về chữa lành thân và tâm thì tất cả mình nghe về điều đó mình rất hay nghĩ về việc chữa lành thân và tâm của chính bản thân mình, nhưng mà đối với Hồng Ngọc thì cái việc mà chữa lành thân và tâm đó phải là sự chữa lành bằng cái thấy là mình chữa lành thân và tâm của tất cả. Tại sao Hồng Ngọc muốn nói đến điều này? Quyển kinh Duy Ma Cật mà Thầy mình bình giảng, tựa đề của cuốn sách đó là “Thực hành con đường Bồ tát qua kinh Duy Ma Cật”, cho nên chính con đường Bồ tát đó nó chính là một hành trình chữa lành thân và tâm. Nó cũng liên quan tới câu hỏi mà VD đặt ra là “lấy chỗ không có thọ và thọ nhận tất cả các thọ” thì khi đó cái quá trình chữa lành thân tâm của mình mới thực sự là rốt ráo. Tại sao lại như vậy? Tại vì cái chuyện mà mình bệnh, như hồi nãy chị H.Lan nói thì chuyện bị bệnh là rất bình thường nhưng mà mình tích tập nhiều nên mình có thể cho là chuyện bệnh tật của mình hay là tâm thức mình một cái trung tâm, cái tôi của mình nó quá lớn cho nên đến khi phải chữa lành thân tâm chính mình thì nó đã nặng quá rồi, thì nó cũng chính là cái nghiệp thôi. Cho nên mình nên đặt việc chữa lành vào con đường Bồ tát là vì chúng sanh, có khi là mình rất là mệt, nhưng khi mà mình nghĩ rằng mình gặp người khác mệt hơn để giúp đỡ họ thì tự nhiên cái bệnh của mình nó cũng được tịnh hóa một cách rất rõ rệt. Cho nên Hồng Ngọc xin chia sẻ cái ý là chữa lành thân tâm bằng con đường Bồ tát mà nó cũng là chữa lành thân tâm cho tất cả. Dạ xin hết.
PHẦN HAI – THẦY GIẢNG
Thầy
Bây giờ vị thuyết trình bữa nay có hỏi Thầy cái điều gì không?
Việt Dũng
Dạ con xin kính chào Thầy, con là V.Dũng ạ. Thưa Thầy, cho con xin được hỏi, xin Thầy khai thị cho con về Như Huyễn. Bởi vì chủ đề hôm nay là về chữa lành thân tâm, thì con xin Thầy khai thị cho con về sự Như huyễn của thân, của tâm, của bệnh, cũng có nghĩa là sự như huyễn của tất cả các pháp và của cái ngã ạ.
Thầy
Bây giờ Thầy chỉ nói về thân và tâm, cái thân và tâm đối với mức độ vi tế, cái thiền hay nói là thân và tâm hợp nhất phải không, đó là mục tiêu đó nhưng nếu mà mình hiểu ở mức độ vi tế hơn thì cái thân đó là hệ thống khí và trung tâm lực trong người mình. Và khi chết thì cũng cái hệ thống đó nó rút ra nó đi chứ cái thân thô này đi không được, nên cái thân này là hệ thống khí và các trung tâm lực ở trong người, mình phải hiểu vậy chứ chỉ hiểu mỗi cái thân này là không được. Ví dụ, trong đông y muốn cho cái thân này nó khỏe thì chữa là chữa cái hệ thống khí, do cái hệ thống khí nó trục trặc thì thân này mới bệnh, mình để ý các vị tu hành ít bệnh lắm, hệ thống khí nó trục trặc thì nó mới bệnh. Mà chính cái hệ thống khí đó nó mới mang cái nghiệp của mình, thân thô này không mang nghiệp. Mà cái tâm vi tế nhất ấy, cái tâm mà nó gọi là Bản tâm thì nó cũng không mang nghiệp, nghiệp là ở nơi cái hệ thống khí của mình, người ta gọi là thần thức đó, khi chết thì thần thức đi, thì thần thức đó chính là thân vi tế và thân vi tế đó nó mang nghiệp. Thành ra mình đừng có nghĩ thân chỉ là cái thân bề ngoài này thôi đâu, còn cái thân mình muốn chữa bệnh, nhất là đông y là chữa cái hệ thống khí. Và bây giờ người ta hay dùng cái chữ năng lượng đó, năng lượng là khí thôi, cho nên tịnh hóa không phải chỉ là sám hối lễ lạy bên ngoài mà là tịnh hóa cái hệ thống khí đó đó.
Bữa trước Thầy có nói rồi, dù mình không rành về cái này nhưng vẫn cần nói, bên các Tantra về Mật thừa đó thì nó có hai loại Tantra là Tantra cha và Tantra mẹ. Tantra cha chú trọng nhiều về hệ thống khí và các trung tâm lực, còn Tantra mẹ thì chú trọng về tâm. Mình thấy là cái thân vi tế và cái tâm vi tế đó là tất cả con người của mình, và mình thấy cái thân và tâm nó không hai, phải không? Đơn giản như bây giờ mình thấy mình hồi hộp thì cái hơi thở mình nó dồn dập và cái tâm mình khi đó cũng dồn dập theo, thành ra thấy rõ tâm khí bất nhị. Hay những lúc mình ngồi thiền thì những khi ngồi yên lặng nhất thì hầu như không có hơi thở nữa, phải không, thì đó là lúc cái khí nó tới mức độ tinh vi, thì tâm nó ở mức độ tinh vi.
Khi sám hối chẳng hạn, thì không phải chỉ sám hối cái thân ngoài này không đâu, nếu thế thì dùng thuốc được rồi, tôi bệnh thì tôi dùng thuốc tây, thuốc ta gì đó, nhưng mà sám hối sâu sắc là anh sám hối anh tịnh hóa cái hệ thống khí đó. Đó chính là cái thân vi tế. Thành ra là khi chết mình sẽ bỏ cái thân thô này và mình đi bằng cái thân đó đó, cho nên mình sẽ thấy rất rõ ràng là đối với một người chết thì nó bắt đầu lạnh từ cái chân, lạnh lên cái đầu gối, rồi từ từ nó lạnh lên trên, khi tới đầu thì nó ra ngoài, lúc đó là khí thoát ra, toàn bộ hệ thống khí nó thoát ra. Thành ra bởi vậy ví dụ như ngài Garchen nói là khi Phowa, chuyển di tâm thức, thì mình đẩy cái thần thức mình nó lên từ từ từ từ bằng chữ Hik gì đó, rồi đẩy nó lên trên đỉnh đầu rồi làm một cái nó ra. Đó là tâm và khí bất nhị.
Con người mình tái sanh hay không thì đó là cái khí, và đối với người bình thường mà chữa bệnh thì cũng chữa cái khí thôi. Thầy thì không biết gì về đông y, nhưng thấy đông y nó hay nói vậy đó, “khí dẫn huyết” phải không? Chính cái khí dẫn huyết chứ không phải là gì đâu, thành ra là tại sao y học hiện đại tìm không ra những cái bệnh suy nhược, bởi vì khí nó yếu rồi thì máu nó chảy không nổi nữa thì nó sinh ra yếu bệnh. Thành ra tu hành mình phải thấy cái thân vi tế nó là quan trọng nhất. Khi nào mình thấy một vị nào mà cái giọng nói ông bắt đầu yếu đi là biết khí ông sắp hết rồi, để ý coi, phải không? Còn khi mà họ còn mạnh thì khí họ mạnh, cho nên cái giọng họ nó vang lắm, và đối với thầy bói họ coi cái giọng của mình họ có thể biết mình ở cao hay thấp.
Khi nào kết thúc khí thì mình gọi là trút hơi thở cuối cùng, cái chết của mình nó biểu lộ bằng cái hơi thở, cái khí của mình nó không vô không ra nữa thì là chết chứ gì, khí chấm dứt ở cái thân này, phải không? Thành ra Phật giáo là cụ thể lắm, nói cụ thể ra, chứ nhiều khi mình cứ ngồi mình nói đâu đâu. Để ý coi, Thầy là hay để ý chuyện đời lắm, thấy ông nào lớn tuổi mà coi cái khí họ xuống, cái giọng họ nó không lớn, không mạnh nữa, rồi tới khi gần chết thì thều thào, không còn khí nữa, mà khí của mình là hơi thở là khí thô đó, nó nạp vô trong thân này. Nên phải thấy thế, nếu mà cái khí của mình nó thều thào nó yếu đi thì là sắp lật qua trang mới (mọi người cười), sắp bắt đầu lại từ đầu, như bài hát của Phạm Duy đó: “xin đi lại từ đầu” (Thầy cười).
Nên là nó biểu lộ ra hết á, sau này mình cứ theo cái bên ngoài thôi, chứ mình không thấy cái vi tế, còn cái Đông Phương và cái văn minh Ai Cập thì nó chú trọng tới cái khí. Đối với Thiên chúa giáo ba ngôi, Cha Con và Thánh thần, thì Thánh thần nó dịch là Thần khí; thì tất cả những phép lạ gì đó đều được giải thích bằng cái đó hết, đi trên mặt nước hay là chui xuống đất… Nên là mình phải đi vào sâu hơn nữa để mà mình lo cho mình, chết là mình không có cái thân này nữa, nó ko có nghĩa lý gì hết, dù nó có khỏe mạnh như con cọp thì cũng không nghĩa lý gì. Cái khí nó đi, nó là thần thức, thì phải lo tịnh hóa nó.
Đông y nó nói vậy đó, khí huyết sung mãn, tui dòm ông N tôi thấy ông khí huyết sung mãn, nên tôi biết thân thể ông là tốt, huyết ông tốt mà khí ông cũng tốt, nên nói cho cụ thể là mấy ông ở đây nên nhớ là không nên nói nhỏ, ông phải nói lớn ra, phải không? Bởi vì cái đó nó biểu lộ cái khí của ông, đơn giản vậy thôi.
Rồi khí nó là chủ, như tử vi chẳng hạn, nó nói là một cái đại vận 10 năm thì nó kêu là vận khí, nên mình phải học cho nó cẩn thận. Thầy có ông bạn đó, hồi đó thanh niên là thằng nào cũng muốn lên làm lớn. Mới học năm đầu, năm hai là đã nghĩ mình phải lên làm thủ tướng rồi, phần nhiều là đều đi coi tử vi hết. Thầy thấy cái tay đó nó học bên luật, nó là bạn Thầy, nó nói là khi vận mình nó lên thì khí mình nó mạnh kinh khủng lắm thì Thầy nhớ ông thầy của mình, bạn cũng là thầy chứ gì nữa. Rồi sau này Thầy gặp những người quen, những người bà con xa xa thôi nhưng mà họ kể cho mình nghe những cái chuyện thật là cái tay đó nó là tùy viên của một ông tướng của miền nam này, nó cao cũng phải thước tám. Bởi tùy viên thì anh ấy có võ, anh mạnh mà anh bắn súng cũng tài tình lắm, thì mình thấy tay đó sức khỏe là số dzách rồi. Nhưng mà nó nói ông tướng mà nó phục vụ ấy, ông cao chỉ tầm thước sáu, ốm nữa, mà nó nói cái khí lực ông mạnh kinh khủng quá, đừng có tưởng tướng là chỉ ở nhà chơi không đâu. Nó nói là sáng, ông ăn tô phở rồi ông lên trực thăng ông bay suốt cả ngày tới trưa, mà bay mà ở dưới bắn lên rồi trồi lên trồi xuống vậy đó, rồi ông hạ xuống một cái đồn nào đó rồi ông ăn một ổ bánh mì rồi ông bay tới chiều. Tay tùy viên kia cao thước tám mà võ nghệ như vậy mà nó nói nó lơ láo ra hết, mà ông tướng thì ông nhỏ con hơn nó, rồi tối ông lại còn phải thức để mà coi ở ngoài mặt trận nó làm sao làm sao chứ không phải là được ngủ đâu. Mà nó nói ngày nào cũng như ngày ấy, nó nói vậy mình mới hiểu cái tay mà nó chỉ cho Thầy là cái khí nó là sao, cái khí anh mạnh thì tự nhiên anh giàu có à.
Rồi có một tay nữa là em của bạn Thầy, là sau giải phóng là thằng nào cũng nghèo hết à, thằng thì đi buôn thuốc, thằng thì đi làm nọ kia tùm lum hết. Rồi chính tay đó nó nói với Thầy đó, khi mà cái vận mình nó khá, thì mình không làm tiền vẫn có người họ tới họ đưa tiền cho mình. Thầy là Thầy cứ cụ thể vậy, cứ nhớ ba chuyện vớ vẩn vậy thôi chứ ngồi đó mà nói chuyện trên trời dưới đất là Thầy không nhớ gì đâu. Nó nói vậy đó, hồi đó mới giải phóng, nó đi học cái nghề sửa tivi, sửa luôn cả những cái micro cho đài phát thanh truyền hình gì đó, anh này anh đơn giản lắm, anh ra ngoài chợ trời anh thơ thẩn anh kiếm ba cái cục gì đó, nhưng mà người ta đâu có biết cái đó là gì, anh mua đầy rẫy, mua vài trăm ngàn thôi nhưng mà bán lại là vài chục triệu, bởi vì thiếu cái đó là tivi, đài truyền hình nó phát không được, thành ra là nó giàu. Nó nói là khi mà cái khí mình nó vượng ấy, mình không muốn kiếm tiền nữa, chừng đó đủ sống rồi nhưng mà người ta vẫn gõ cửa người ta đưa cho mình, 12h đêm mà đài truyền hình nó trục trặc là nó vẫn phải đến để mua cái cục gì đó để vận hành, nó nói vậy đó.
Thành ra Thầy nói gì cũng là cụ thể thôi, những người mà người ta làm lớn đó thì người ta phải chứng tỏ mình là khí lực mạnh, phải không, không ông nào yếu đuối hết, có thấy ông nào làm lớn mà ho ho như Thầy không? Không. Không bao giờ ho, giọng thì rổn rảng, lên máy bay thì chạy, có những anh lên là chạy thôi để chứng tỏ mình là lực sĩ, đó là khí lực. Và cái khí đó nó làm cho mặt anh tươi sáng ra thì anh có tiền, anh có danh vọng, anh có quyền lực, và khi mà nó xuống thì anh thấy con người nó ủ rũ là anh biết ông nội này thôi rồi. (mọi người cười).
Tóm lại cái thân vi tế của mình chính là khí, mà khí đó nó ảnh hưởng trực tiếp tới tâm, tâm khí bất nhị, tâm khí không hai, khí như thế nào tâm như thế đó và tâm như thế nào khí như thế đó. Đơn giản trong Vipassana nó bảo khi mình tập trung một chỗ nào đó mình biết, ví dụ tôi tập trung vô cảm thọ ở đốt sống thứ 5 kể từ dưới lên, thì tôi biết chỗ đó, tôi cảm giác chỗ đó liền, thọ mà, thọ là cảm giác; tôi biết là nó có dính với áo mình hay không, bình thường mình không biết, rồi chỗ đó nó có không khí hay không mình biết. Tại sao khi cái tâm mình chú trọng tới đó thì mình biết? Không chỉ có tâm thôi đâu mà khi đó cái khí nó chạy tới. Bởi vì vậy đôi khi mình ngây thơ với đời sống lắm, ví dụ như bây giờ xin lỗi chứ, chữa một cái bệnh ma nhập phải không thì mình chữa bằng cái gì? Đơn giản là chữa bằng khí, phải không? Bởi vì ma nhập là cái khí âm nó nhiều lắm, thì bây giờ mình làm sao bằng trì chú hay gì đó mình đẩy cái khí dương vô thật nhiều thì khí âm dần dần nó tản ra.
Hồi đó Thầy cũng chẳng biết làm đám làm đồ, cầu siêu làm đám gì đâu, Thầy đâu có làm mấy cái đó đâu, phải ngồi làm đám mình cầm tờ giấy mình đọc thì thấy bệ rạc quá, phải không, nhưng mà có đôi khi phải làm vì người đó là thân cận với đệ tử chùa Tây Tạng mà người đó bị nên mình phải tới mình làm. Khi vô mà thấy cái hòm để xác mà mình vô mình không thấy có gì sợ hãi hết, cái khí dương mạnh, thì mình biết người đó tốt. Còn mình vô mà mình cứ sợ sợ, nhất là hồi đó mới giải phóng xong, nhà cửa nó hẹp lắm, nhiều khi nhà ba thước bốn thước rưỡi bề ngang thôi, thì nhiều khi cái hòm để đó thì mình cũng phải ngủ đó thôi chứ chẳng lẽ sao, hồi đó nhà có lầu có gì đâu, thì mình cảm thấy sợ ngủ không yên, bởi vì nó toát ra cái gọi là âm khí, nó làm mình bất an, mình sợ lắm. Cái hòm thì cũng như nhau thôi nhưng mà cái âm khí, anh nào âm khí nhiều thì làm cho mình sợ, thì qua đó mình cũng suy ra là nghiệp anh này khá nặng, đơn giản vậy thôi.
Trong Kinh Lăng Nghiêm hay nói là tình thì đi xuống mà tưởng thì đi lên đó phải không? Đó chỉ là vấn đề khí thôi, cái tưởng thì khí nhẹ, cái tình thì nó nặng nó kéo xuống, hai cái cũng đều là tưởng thôi nhưng là tưởng nặng hay tưởng nhẹ thôi, đơn giản vậy thôi phải không? Thời bây giờ mình cũng nên chú trọng cái đó chút chứ không phải là nghĩ như hồi xưa nữa.
Bây giờ như cái nền văn minh Ai Cập là cái nền văn minh kim tự tháp đó phải không? Nó cũng rất chú trọng cái khí thôi, nó bảo bây giờ nhà mình mà làm cái tủ lạnh mà nó có hình kim tự tháp thì mình bỏ đồ vào nó ít hư hơn tủ bình thường, bởi vì sao, vì nó hút năng lượng của vũ trụ vô đó nên nó lâu hư hơn, đơn giản vậy đó.
Nói gì thì nó cũng cụ thể ra, thì đơn giản đó là khí, mà khí đó thì nó cũng còn ảnh hưởng bởi cái tâm nữa, hai cái tác động qua lại trực tiếp lên nhau. Trong các Tantra cao cấp, nó gọi là 2 cái Yoga Tantra đó thì cái cuối cùng là hợp nhất, hợp nhất giữa tâm và khí, mà hợp nhất ở mức vi tế nhất. Hợp nhất là sao, thì khi đó cái thân mình nó theo Kalacharka Tantra thì nó dùng cái từ là “thân huyễn”, hồi đó ông nào nói gì đó phải không? Còn có hệ thống khác thì gọi là “thân không”, thì khi thân huyễn đó mà anh hợp nhất với Tánh Không hay là ánh sáng căn bản là Tịnh quang thì lúc đó anh hoàn toàn giải thoát. Tại sao các vị thánh Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều có hào quang, phải không, hay là ông nào bắt chước ông nào phải không, tại sao lại có cái hào quang đó? Vậy thì cái hào quang đó là do đâu, tại sao những người tu cao thì có hào quang, trong kinh cũng nói rõ ràng là Bồ tát từ địa mấy thì bắt đầu có hào quang, gọi là phóng quang minh, phóng ánh sáng ra, thì nó là do đâu? Thì mình cứ vậy mà mình tu thôi chứ có gì đâu.
Dòm mấy ông khi mà khí vượng đó, chủ tịch chủ đồ này kia, giám đốc gì gì đó, thì thấy ngon lành lắm, mà khi ở tù thì dòm cái mặt thấy xuống quá trời, khi ra tòa thôi chứ đừng nói ở tù, ra tòa thôi là thấy không còn cái gì hết, phải không? Thì đó là khí thôi. Cái tâm anh nó phiền não quá, nó khổ quá nên cái khí của anh nó tuột tuột một hồi đến cái độ mặt anh nó cho thấy ngay đúng là một tay sắp ở tù, dòm nó không còn cái gì hết. Thành ra tu hành là vậy đó, tâm khí bất nhị, hay trong Phật giáo nói là thân và tâm nó phải hợp nhất, thì mình cứ tu lần lần sao cho tới chỗ đó thôi.
Thành ra cụ thể là thân mình phải nhìn sâu vô chút nữa, để mà mình thấy mình sống là vì cái khí, thầy là thầy hay nghĩ những chuyện tào lao lắm, tính thầy hay tò mò, là tại sao mình ăn một cái gì vô thì nó chuyển thành năng lượng, phải không, vật chất nó chuyển thành năng lượng như cái bao tử hay gì đó, nhưng mà rõ ràng là mình ăn cơm ăn phở hay cháo gì đó thì nó chuyển thành năng lượng, tức là chuyển hóa thành khí phải không? Thì cái đó là cái gì, nhờ bộ phận nào, Tây nó nói vitamin này nọ chứ nó không có nói về khí. Tại sao vật chất mà nó chuyển hóa thành năng lượng, thành khí được?
Mấy anh ngồi anh kiếm ba cái tế bào gì đó, anh không thể nghĩ ra được chuyện đó trong khí vật lý nói rằng vật chất có thể chuyển thành năng lượng. Tại sao đồ ăn trong thân mình, nó thông qua hệ thống gì gì đó nó chuyển hóa thành năng lượng, thành khí được. Nhưng không anh nào tìm ra hết. Lúc trước Thầy có đọc một chuyện, anh bác sĩ tây y, anh có gặp anh đông y, anh ý chê mấy ông không biết chữa bệnh, mấy ông làm trò gian dối, uống ba cái lá đó làm sao hết được. Ít ra anh phải tinh lọc lại, trong lá đó có nhiều chất tầm bậy trong đó, anh uống tầm bậy coi chừng anh chết, đó là bác sĩ tây y nói đó. Hồi đó câu chuyện anh bác sĩ tây y gặp bác sĩ đông y anh nói vậy đó, anh không chữa bệnh được, chữa đó là chữa láo thôi. Vì đơn giản, muốn chữa bệnh anh phải biết con vi trùng mà đông y không biết con vi trùng, không có kính hiển vi gì hết, thì anh kết luận là anh đông y không chữa được, chữa láo.
Anh đông y anh nói lại một câu thôi, cái đó nó nằm trong cả triết học của Đông phương và Tây phương, anh đông y anh ấy nói, tôi không chữa con vi trùng, con vi trùng gì tôi không cần biết, tôi chữa cái môi trường để con vi trùng đó không ở được, vậy thôi. Ví dụ phòng này sạch có bắt vài chục con ruồi thả vô rồi nó cũng bay đi đâu mất à, không có đồ ăn. Nơi có đồ ăn nó dơ, nó mới vô kiếm đồ ăn, chứ cái phòng này sạch đâu có ruồi. Những chuyện đôi khi nó rất đơn giản mà mình không suy nghĩ ra, mình cứ lo suy nghĩ cái gì đâu không. Anh đông y anh nói anh không cần biết con vi trùng. Mà thiệt đúng là anh kia anh nói anh không biết con vi trùng làm sao anh chữa bệnh được. Tôi chữa bệnh là dùng thuốc, dùng những cái gì đó tống con vi trùng ra hoặc giết con vi trùng đó đi. Anh đông y nói không tôi không cần biết con vi trùng đó gì hết, tôi chỉ làm môi trường sạch sẽ thì vi trùng không ở.
Mình thấy từ covid, ho lao này nọ đều là vô trong đó hết, môi trường lành mạnh thì nó không bám vô. Sở dĩ con covid nó giết người được là vì nó bám vào phổi mình làm trắng phổi, khi phổi trắng hết thở được là chết. Nên đừng tưởng tu hành là chuyện chơi, nó là sinh mệnh của mình, kể cả cái thân. Chứ đừng tưởng mấy ông tu kệ ông, mấy ông chán đời ông tu đi, tôi không tu. Anh phải biết được anh cũng cần tu để hiểu được thân anh là cái gì?
Đến bây giờ y khoa, y học Tây phương chưa bao giờ khám phá ra chỗ đó tại sao có cái huyệt gì, châm cứu mà, rọi điện, X-quang cũng không bao giờ thấy được cái huyệt nào trong cái này hết. Hồi đó còn sinh viên Thầy hay tò mò lắm, nghe tụi nó nói, mày hay đọc sách đọc đồ nhiều, mày muốn con mắt mày nó sáng tỏ ra thì mày đi châm cứu đi. Quả thiệt, nó còn hơn những thứ gì bây giờ đó, rohto gì đó. Nó châm cứu dưới chân mình mà con mắt nó sáng ra liền. Tại sao vậy? Hoàn toàn y học, tây y không khám phá ra được chỗ này có cái huyệt gì. Rồi huyệt đó nó dẫn ra đường gì đó và nó tác động vào khí, nó kích thích đường đó đó, có khí lên con mắt mình sáng tỏ ra liền.
Thầy đọc sách nhiều lắm mà tại sao Thầy không cận, là vì người ta biết giữ khí. Nhiều khi Thầy thấy mỏi mắt, Thầy sẽ hít không khí vô và Thầy đưa lên con mắt. Tôi không biết huyệt đạo gì hết nhưng tôi đưa khí lên. Ví dụ dòm ông H là biết ông yếu rồi, ông cận. Coi mấy ông thầy tu, nhiều ông cũng học, đọc nhiều lắm. Mình nói thân tâm nhất như, tâm khí bất nhị, mình tưởng chuyện tu là để mấy ông tu. Cô H cô muốn đẹp ra, cô muốn thành thánh cô phải tu, còn nói tôi không muốn, nhưng anh nói không muốn là anh dại. Chính vì cái tu hành sẽ quyết định thân thô này và quyết định thân vi tế này đề ngày nào ra đi thì đi bằng thân vi tế này này. Nó cụ thể lắm.
Hồi đó Thầy đọc mấy cái của Thông thiên học nó có nói, khoa học dù có gì đi nữa thì cũng là những nguyên tử thô, nó không thấy được những nguyên tử tế. Khí là cái gì? Anh có dùng máy móc coi mấy ông Đông phương này xạo mình để lấy tiền, anh cũng không bao giờ thấy khí là cái gì hết. Hồi đó có một chuyện của một nhà văn rất nổi tiếng, André Maurois, anh viết cuốn Người Cân Linh Hồn. Anh nói nếu anh có linh hồn thì tôi sẽ cân. Khi linh hồn nó thoát ra thì thân anh nhẹ đi một chút chứ, phải không? Nó làm khoa học lắm, và nó thấy chẳng nhẹ hơn chút nào hết thì nó biết anh, nó nhốt anh trong cái lồng. Nếu anh tháo mồ hôi ra thì mồ hôi đó nó cũng tính trong trọng lượng của anh. Anh thoát ra rồi thì cái này phải nhẹ đi chứ, chẳng thấy nhẹ đi chút nào hết. Cho nên Người cân linh hồn kết luận không có linh hồn, không có thần thức.
Đừng tưởng mình ngon đâu. Một đề tài thân và tâm anh phải đi sâu hơn là khí và tâm, tâm khí bất nhị. Anh phải lo cho cái thân thô này trước chứ đừng ngồi đó mà mơ màng. Mình cũng vô minh lắm, thân tôi mà tôi không biết gì hết, đụng cái là đi bác sĩ. Thân tôi tôi không biết gì hết, tại sao nó đau. Bởi vì mình hướng chỗ nào ý. Cái xe của tôi sáng ra nó không nổ máy được thì phải tôi phả dòm lại, nó xúc sên hay gì mà sửa chứ, tại sao cái xe mình biết mà cái này mình không biết? Cả đời mình dùng ba chiếc xe đạp, ba chiếc xe hơi đến mười năm là dục đi, còn cái này cả đời mình mà mình hoàn toàn không biết.
Bữa trước Thầy khám phá ra, thông minh không phải anh học cho nhiều là thông minh đâu. Cái khí anh nó nhanh, nó tinh vi là nó thông minh. Mình để ý mấy ông đoạt giải Nobel đó, dòm nó xấu lắm, nhưng điều nó sáng. Khi chết khí nó lên cỡ nào thì mình sẽ thoát ra chỗ đó. Dòm một người sử dụng năng lượng như thế nào khí như thế nào, thì mình biết, cả ngày anh cứ chơi chơi vậy thôi thì khi chết khí đó, thần thức đó nó sẽ ra từ rốn trở xuống, là ba đường xấu ác đó. Anh xài năng lượng ở cấp độ nào tôi sẽ biết anh ở cấp độ đó. Đầu óc cả ngày cứ nghĩ tới chuyện nhậu nhẹt, ăn uống này nọ coi chừng nó ra ngay lỗ rốn, chứ nó không chịu lên đây. Còn nó lên đây, ngay trái tim đó mình sẽ rờ đó mình biết, như chuyển di tâm thức mình sẽ biết nó lên tới đâu. Người khá khá, nó nóng ngay tim. Mình trì chú, niệm Phật, tụng kinh mấy tiếng đồng hồ thì mình thấy nó lên tới cổ, càng lên cao càng tốt. Còn anh nào ở dưới là rồi đó.
Thành ra mình phải học, chứ đừng tưởng chuyện này ăn nhằm gì đến tôi. Cô T.Hồng tại sao cô cạo đầu, cô chán đời, cô cạo đầu kệ cô, mắc gì cô bắt tôi tu. Thiệt ra là người ta rất dại. Bởi vì anh không tu, anh không nghiên cứu cái thân của anh, cũng không thể bảo quản được, anh bệnh tới bệnh lui, bởi vì anh có biết cái này là cái gì đâu. Nghe người ta nói cái này cái nọ là về ăn, ông sanh đó, ăn cái này này là về ăn cái đó, ông muốn năng lượng nhiều ông về làm cái này cái nọ. Một điều Thầy thấy kỳ cục nhất, mình không hiểu và nhiều người không hiểu là tại sao thân thể mình biến được vật chất thành năng lượng, đó là cả một vấn đề. Cục cơm ép nầy nọ nó có ra năng lượng không mà tại sao ăn vào nó lại ra năng lượng?
Hồi xưa người ta nói anh nào vận khí ngon lành thì anh ở bậc thang xã hội cao, còn như bây giờ Thầy lủi thủi ở bậc thang cấp độ thấp là bởi khí Thầy thấp. Còn khí mình vượng, ngon lành thì tiền vô như nước, cơ hội vô ào ào. Mình nhìn cho kỹ, bố thí tác động chỗ nào. Mình nói thô là nó tác động trên nhân quả. Tôi bố thí tôi sẽ giàu, đó là nhân quả. Nhưng đi sâu hơn nữa, có tác động trên vấn đề năng lượng chứ không phải tác động trên vấn đề thô. Nhân quả này là nhân quả năng lượng. Từ năng lượng này mình mới thấy thái độ bố thí, thái độ cho nó quan trọng hơn là vật cho, y như tây nó nói, thái độ cho trong đó có cả tâm trong đó.
Mình phải đọc lại những cái đó bằng trí óc của cái người hiện đại, tâm khí bất nhị, thân tâm không hai là cái đó đó. Tại sao Phật giáo xác định và tây cũng vậy, nó nói vật cho không bằng cách cho, thái độ cho mới quan trọng. Mà thái độ cho là cái tâm của anh đó. Nhìn một cách vi tế anh thấy cho, bố thí thì được lại cái này cái nọ, cái đó diễn ra trên ấp độ năng lượng. Nói theo mấy ông khoa học bây giờ là nó diễn ra trên cấp độ lượng tử. Anh tốt với tôi ở cấp độ lượng tử chứ tôi có biết anh tốt với tôi đâu, ở đây chẳng có ai biết anh tốt với tôi hết bởi vì nó nằm trong ý nghĩ của anh, nó nằm trong cấp độ lượng tử.
Thân tôi là cái gì? Nó sẽ chấm dứt khi ngày nào mà nhân loại này giải thoát hết, còn bây giờ mình phải bàn, thế hệ này bàn, rồi thế hệ sau bàn, bàn bàn bàn... phải không? Thầy thích khoa học lắm, từ khi còn là thanh niên mình đã tu rồi chứ không thôi mình cũng thành một anh khoa học dởm gì đó, đoạt giải Nobel dởm gì đó, phải không. Hôm qua tình cờ Thầy đọc được, nó vẽ ra chứ không phải nó chụp được, lâu nay nó nghĩ cái photon đó là một cục nguyên vậy đó chứ bên trong không có gì hết. Bây giờ nó mới khám phá ra là trong đó nó cũng hột tùm lum. Cũng như mình hái trái mãng cầu mình tưởng là nguyên, bắp ngô ăn tới bây giờ, ăn tới 2.500 năm rồi mới biết trong là hột tùm lum, hồi xưa nó tưởng là nguyên. Nó nhiều cái bí mật lắm, Thầy đã nói rồi, chuyện này mình phải bàn tới ngày nào mấy ông giải thoát hết, Thầy cũng giải thoát nữa mình mới hết bàn thân là cái quái gì? Còn mình sẽ bàn, khoa học sẽ tiến bộ, y học sẽ tiến bộ, đủ thứ, đủ thứ, nhưng cái đó nó sẽ chấm dứt khi nào mình giải thoát.
Ví dụ như bác N này nè, bác học về kinh tế, rõ ràng kinh tế năm nào cũng đoạt giải, chưa có anh nào đoán đúng được, mặc dầu anh ra những định luật kinh tế rất tinh vi nhưng không bao giờ nó xảy ra như vậy. Năm 2018 cả thế giới khủng hoảng về kinh tế, trong mấy chục ngàn nhà kinh tế chỉ có mấy người dự đoán đúng, mà chắc là cũng đoán rùa thôi chứ chắc gì đã thật đúng. Dự đoán bóng đá thế giới đó, có thể dự đoán được bốn đội vô nhưng ai sẽ vô địch thì chưa chắc, bởi vậy bóng đá nó mới làm cho người ta hồi hộp, đau tim. Chứ biết chắc chắn thằng đó thắng thì đâu được. Nhưng mà tụi đánh tenis chẳng hạn, nó biết chắc chắn lắm, sác xuất tới chín mươi mấy phần trăm. Bởi vì nó đang hạng nhất thì nó sẽ hạng nhất, chỉ trừ khi nó xui lắm nó chạy chạy làm sao đấy nó gãy chân nó bỏ cuộc luôn thì mới thua thôi, chứ bóng đá là hên xui may rủi lắm. Thành ra những thiên tài nó cũng không biết tại sao nó đứng chỗ đó, rồi tự nhiên đâu đó trái banh nó văng ra một cách lãng xẹt, nó chỉ đưa chân nó hất cái là vô. Không biết tại sao? Máy tính tính không nổi.
Thầy kết luận lại, chủ đề bữa nay là “Chữa lành thân tâm”, Mình phải học học học, học cho tới ngày mình giải thoát mình giúp đỡ những người khác giải thoát, chứ còn thực sự ra cái thân thô của mình là cái gì mình cũng không biết. Đơn giản, Thầy thấy chưa ai giải thích cho Thầy được hết. Tại sao mình ăn cơm vô mà nó tạo thành năng lượng, tại sao nó biến vật chất thành năng lượng, mà chuyện đó ngay cả khoa học vật lý nó cũng rất là khó khăn. Còn thân mình, một nhà máy quá hay, có máy nào mà nhét một ký cơm vào nó biến thành pin không, biến thành năng lượng để tôi xài không? Không. Mà máy đó nó biết cười, biết nói, máy đó mới quý, chứ máy một cục thì thứ này tôi không thèm. Thôi hẹn kỳ tới, chứ nói cái này Thầy ưa nói lắm mà nói không cùng đâu.
Không ai có thể giái quyết được. Tại sao có chiếc máy bay nó bay ngoài đó, không ai giải quyết được. Anh có thể tính giờ này nọ, nhiều khi thấy nó bay đó nhưng dưới này nó chật chội sao đó nó bắt mình bay mấy vòng tới Vũng Tàu, tại sao vậy, ai không tính tốt nhất là đừng có bị như vậy. Có nhiều khi xuống rồi, thấy sấm chớp giông mưa ào ào nó cất lên lại, nó không xuống được. Chừng đó thôi là mình thấy nó không tính được.
Hồi đó, Thầy thích cái anh đó là nhà sinh học nổi tiếng lắm, anh đoạt giải Nobel về sinh học, anh viết cuốn Ngẫu Nhiên Hay Tất Định, mà anh giải quyết cũng không được. Ngẫu Nhiên Hay Tất Định, con người ta sẽ giải quyết cho tới ngày nào mình giải thoát hết. Câu đó là thừa, anh nào dám nói câu đó là thừa thì thôi không nói nữa. Còn bây giờ mình phải cặm cụi, đời sau Ngẫu Nhiên Hay Tất Định, đời sau nữa cũng Ngẫu Nhiên Hay Tất Định? vì đó giải quyết cho tất cả cuộc đời mình. Còn bà xã tôi là Ngẫu Nhiên Hay Tất Định? Chừng đó thôi là mình phải giải quyết cho tới ngày nào mình giải thoát hết thì lúc đó không đặt ra những vấn đề đó nữa.
Như lúc nãy ông gì đó, bác VD-Dòng Sống, ngày nào bác giải thoát rồi, bác không đặt ra vấn đề như huyễn hay không như huyễn nữa. Còn bây giờ bác còn đặt là còn đặt dài dài dài dài. Chuyện này là vậy đó, Ngẫu Nhiên Hay Tất Định? Thân và Tâm thôi, năm tới làm tiếp Thân và Tâm, đời tới cũng Thân và Tâm, rồi đời tới nữa cũng Thân và Tâm thôi, cho tới khi nào mọi vấn đề được giải quyết thì không còn ngạc nhiên nữa. Còn khoa học nó sẽ tiếp tục tiếp tục, tu hành cũng vẫn tiếp tục tiếp tục cho tới khi nó trả lời được câu đó.
Hẹn thứ bảy này tiếp tục!
-----o0o----