Thầy thuyết giảng: (05/09 Tân Sửu)

Ngày 10/10/2021

Người đánh máy: Đại chúng

---oo0oo---

Bây giờ buổi này sẽ chia làm hai phần: phần thứ nhất là dành cho mấy vị Hà Nội, nêu lên một chủ đề gì đó rồi Thầy sẽ nói, rồi sau đó mình hỏi hay là mình bàn luận; rồi phần thứ hai là dành cho mấy vị ở Cần Thơ. Bây giờ mấy vị ở Hà Nội đã nghe chưa?

Ph.Thảo: Dạ kính thưa Thầy và đại chúng, con xin phép được có câu hỏi mà trong nhóm, có cô Thúy cô nhờ hỏi Thầy ạ, đó là xin Thầy giảng thêm về Ngũ Trí Như Lai.

Thầy: Thôi bây giờ Thầy không giảng về Ngũ Trí Như Lai, giảng rườm rà lắm. Bây giờ mình nói một cái thôi là Đại Viên Cảnh Trí. Bởi vì nói về ngũ trí thì nhiều quá, bây giờ chỉ tập trung vào Đại Viên Cảnh Trí thôi.

Thì Đại Viên Cảnh Trí là gì? Nói theo tiếng Hán thì Đại là lớn, Viên là tròn, Cảnh là tấm gương, Trí là trí huệ. Thì Đại Viên Cảnh Trí tức là Trí Huệ như tấm gương tròn và rộng lớn vô cùng. Thì đó chính là Pháp thân, là Nền tảng của mình, thành ra cái quan trọng nhất là mình thực hành sao cho mình tiếp nhận được, mình cảm nhận được cái Đại Viên Cảnh Trí đó, cái tâm mình như cái tấm gương tròn sáng lớn đó. Và khi mình cảm nhận được rồi thì mình sống trong cái “tấm gương” đó, tức là sống trong cái Nền tảng, trong cái Bản tâm của mình thì đó là tu, đó là thực hành. Bây giờ thứ nhất là mình có cảm nhận được tâm mình như một cái tấm gương, nó tròn, nó sáng và nó trùm khắp; tất cả vũ trụ này đều chiếu vào trong nó hết. Mình cảm nhận được như vậy thì mình mới tu, tất cả mọi pháp môn, dù nó là Vipassana, dù nó là Mật thừa, hay Chỉ Quán hay gì gì đó, cũng đều là làm sao tìm ra cái đích thực, cái Bản tâm của mình là Đại Viên Cảnh Trí.

Thì các vị đã bao giờ nghe về Đại Viên Cảnh Trí chưa? Đại Viên Cảnh Trí chính là cái Pháp thân, mà Pháp thân này không phải Pháp thân của riêng một người nào đâu, hay của riêng một vị Phật nào đâu, mà là Pháp thân của tất cả chư Phật. Có nghĩa là trong tấm gương tâm đó, là tất cả Phật và chúng sanh đều có đủ, tất cả sáu cõi đều có đủ, vì không có cái gì hiện hữu có thể ra khỏi cái tấm gương tâm đó hết. Thì tại sao mà Thầy không nói tới Bình Đẳng Tánh Trí, hay Diệu Quan Sát Trí và Thành Sở Tác Trí vì căn bản của tất cả các trí kia đều là Đại Viên Cảnh Trí, cho nên vấn đề quan trọng nhất là mình phải tiếp xúc và cảm nhận được cái Đại Viên Cảnh Trí này, từ đó mới tu, từ đó mới có cái nền tảng để tu.

Đơn giản lắm, Đại Viên Cảnh Trí là một Trí huệ Bổn nguyên, nó vốn có sẵn nơi mình rồi, tất cả sự tu hành là phát quang nó ra, làm cho những cái che chướng nó rơi bớt đi thì mình thấy nó thôi. Tất cả Phật giáo đều là để chỉ cho ra cái đó, như kinh Pháp Hoa nói là Khai, Thị, Ngộ, Nhập là vậy đó; chư Phật Khai thị cho mình, chỉ cho mình cái tấm gương đó và mình Ngộ là mình hiểu biết tấm gương đó, nhận biết tấm gương đó, Nhập là càng ngày mình càng đi sâu vào tấm gương đó để mình với tấm gương là một.

Cho nên cái đó đơn giản lắm, mình đừng ngồi mình đẩy cái Đại Viên Cảnh Trí là cái gì nó ra xa mình, hay nó ở đâu cõi nào, mà Đại Viên Cảnh Trí nó luôn hiện tiền trước mắt mình, chẳng qua là vì cái tâm phân biệt của mình nó vọng khởi lên và do đó mình không biết được cái tấm gương. Mình chạy theo các hình bóng trong tấm gương cho nên mình không thấy tấm gương, còn bây giờ mình không chạy theo các hình bóng trong tấm gương, mình mở mắt to ra và tâm mình không khởi nên một niệm phân biệt nào hết đó, thì đó chính là tấm gương. Có hiểu điều này không? Mình mở mắt to ra và mình không khởi nên một niệm phân biệt nào hết, không phân biệt không chạy theo các hình bóng in trong tấm gương đó thì mình thấy tấm gương liền, đó là Đại Viên Cảnh Trí.

Nói theo ngôn ngữ của Kinh Lăng Nghiêm thì đó là tánh thấy, đó là tánh nghe. Nếu mình không chạy theo các phân biệt, chạy theo các hình bóng trong gương thì đó là tấm gương, sở dĩ mình không thấy tấm gương được, không chỉ trong đời này mà cả các đời trước, bởi vì mình chạy theo các bóng trong gương: “đây là cây cối, đây là người, đây là người thân với tôi, kia là người lạ…”; mình chạy theo các bóng đó thành ra cả thế giới của mình chỉ là những cái bóng thôi, rất đau khổ, chứ mình chưa bao giờ thấy tấm gương.

Mà cái tấm gương đó là nó bất biến, nó không thay đổi bản chất của nó, không thay đổi bản tánh của nó, mà cái nghiệp của mình là mình cứ thích những cái bóng đó và thích chạy theo những cái bóng đó, rồi từ chạy theo cái bóng đó rồi mình còn gây nghiệp ra thêm nữa, tạo ra thêm những cái khác nữa; trong khi cái tấm gương thì nó luôn ở với mình, chưa từng rời mình một mảy li nào hết, từ vô thủy đến bây giờ nó vẫn chưa bao giờ lừa mình. Nhưng mà mình cứ chạy theo những cái bóng nên là bị lạc, không biết tấm gương là gì, trong khi tấm gương chính là mình. Nên là bây giờ muốn biết tấm gương đó là gì thì đừng có để tâm mình động theo cái phân biệt, không chạy theo những cái bóng, thì là mình thấy ra liền à.

Tấm gương đó, Đại Viên Cảnh Trí đó, nói theo một chữ nữa thì nó là Tánh Không. Nếu mình không chạy theo các Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì Tánh Không nó hiển lộ. Cái tấm gương đó nó không dính cái gì hết đó, nó vốn là giải thoát. Bây giờ mình tới một tấm gương mình coi cái hình bóng nó in vô trong đó, nhưng cái bóng đó nó không dính vào tấm gương, chỉ trừ khi mình dán vào cái gì đó, thì nó mới dính vô thôi, chứ cái tấm gương nó không dính một bóng nào hết. Cho nên tấm gương mà gọi là Đại Viên Cảnh Trí đó, nó thanh tịnh từ vô thủy và tới giờ nó vẫn thanh tịnh và sẽ mãi thanh tịnh, mặc cho mình có làm nhiễm ô gì mình, cái thức của mình nó nhiễm ô tới cỡ nào đi nữa thì nó vẫn thanh tịnh.

Nếu không có tấm gương đó thì mình không cách gì mình tu được hết đó. Bởi vì nên nhớ “tu” cũng là một cái nhiễm ô, đồng ý không? Anh vừa khởi niệm là “tu” là nó nhiễm ô liền, phải không? (Thầy cười). “Tôi tu, tôi là một hành giả, thay vì là học giả thì tôi là hành giả…” thì nó cũng nhiễm ô thôi. Cho nên đơn giản là mình không khởi một cái tâm phân biệt, thì cái tấm gương đó ta sẽ thấy ngay nó liền, và khi mình sống trong tấm gương đó, thì lần lần cái tấm gương đó nó sẽ giúp mình dù có phân biệt đi nữa thì nó cũng trở thành không phân biệt. Bởi vì dù có bóng đi nữa thì cái bóng đó cũng chính là gương, đơn giản vậy thôi. Nếu mình phân biệt, mà mình an trụ được nơi tấm gương đó, rồi thì dầu có bóng thì bóng đó vẫn là gương, dầu có khởi phân biệt đi nữa thì phân biệt đó vẫn là không phân biệt.

Rồi bây giờ có hỏi hay bàn luận gì không? Bởi vì mình càng bàn luận thì nó mới càng rõ ra, bởi vì đây là Thầy chỉ nói theo cái của Thầy thôi, nó một chiều thôi, còn phải hai ba chiều, bốn năm chiều thì cái đó nó mới rõ ra được.

Sh Bình: Cho con hỏi ạ, dạ kính thưa Thầy và đại chúng! thì như Thầy giảng mình không có tâm phân biệt ấy, thì khi nhìn ra là mình thấy cảnh liền thì làm sao mình nhìn ra…?

Thầy: Làm sao thì bạn phải thấy cái tấm gương trước, tất cả mọi cái bạn phải thấy cái Nền tảng đó, thì cái đó nó dung nhiếp được tất cả các hình tướng vô, cái tấm gương đó nó dung nhiếp tất cả các hình tướng vô, chứ là không mình làm gì nó cũng ra hình tướng hết, phải không? “Tôi đi tu”, đó là một hình bóng trong gương, thì chỉ có Tấm gương Đại Viên Cảnh Trí đó mới thực sự là chỗ quy y chân thật. Tự quy y Phật là vậy đó, quy y Phật là mình quy y Tấm gương đó, rồi cái Tấm gương đó nó lo giùm mình tất cả những cái khác, chứ mình không lấy hay từ bỏ cái gì hết đó. Chứ anh từ bỏ một cái, thì anh lại có cái khác, anh từ bỏ đời, thì anh lại có cái cuộc đời tu; mình từ bỏ một cái thì mình lại chọn một cái khác, phải không? Cuộc đời này nó rắc rối như vậy đó. Thành ra chính cái Tấm gương đó nó có đặc tính là Tánh Không, là nó không chứa chấp một vật gì hết, như câu của ngài Huệ Năng là “Bổn lai vô nhất vật”, xưa nay không một vật. Mình phải tin cái đó, bởi vì không có một vật nào đó mới không có sanh tử được, còn nếu có một vật nào thì đó là bắt đầu của sanh tử. Thì tấm gương đó là tánh Không, nó không có một vật gì hết, không có cái bóng nào mà dán vào tấm gương được hết, người tới thì có bóng người đi thì không có bóng, thời đại này nó in vô hình bóng của thời đại này, thời đại sau in vô hình bóng của thời đại sau nhưng mà tấm gương vẫn là tấm gương, chứ không phải nó in vô rồi dính cứng trong đó rồi đời sau chỉ có những hình bóng của đời này thôi đâu.

Thành ra tấm gương đó là chỗ quy y là cái mà thầy hay nói là nền tảng đó. Cái tấm gương đó ở nơi mình nó càng rõ ràng thì sự phân biệt của mình nó càng tiêu tan, đó là cái cao nhất. Thành ra thiền tông họ tự gọi họ là Tâm Tông, Tâm Tông đây chính là tấm gương, Phật giáo Tây Tạng là Đại Ấn, Đại Ấn là một cái ấn của tánh không, Đại Ấn là tấm gương đó nó thâu nhiếp hết tất cả mọi cái, còn mình đời này vầy nhưng đời sau khác đó là chuyện của mình, còn cái tấm gương đó nó không hề hấn gì hết, mình có mập hay ốm, nghèo hay giàu gì thì nó cũng thế thôi. Mình có nỗi danh hay chìm đắm gì đi chăng nữa thì nó cũng thế thôi, bởi vì mình cũng chỉ là một hình bóng trong tấm gương. Thì tấm gương đó, Đại Viên Cảnh Trí đó chính là chỗ quy y của mình. Quan trọng nhất, bước đầu tiên nhất của tất cả Nam Tông (Nguyên Thủy) lẫn của Đại Thừa là cái thấy, gọi chung là kiến đạo vị là thấy được, nói theo đức Dalai Lama bây giờ mình dịch là con đường thấy.

Thành ra người ta hay nói là thấy tánh, thấy đạo, thấy chân lý, thấy là vậy thôi còn mình không thấy tấm gương đó thì lấy đâu mà tu. Chẳng lẽ mình tu trên hình bóng, tôi thấy tướng của ông nào đó đẹp thì tôi lại bắt chước theo ông rồi về tôi ăn sao cho nó mập mạp ra,… những cái đó chỉ là bên ngoài thôi. Còn như tấm gương đó như bài kinh mình hay tụng hằng ngày đó “không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm” đó là tấm gương đó, đó là đại viên cảnh trí đó. Chỉ có Đại Viên Cảnh Trí mới không sanh không diệt thôi, không dơ không sạch, thầy cũng dơ lắm nhưng mà nó không ăn nhằm gì tấm gương đó hết, phải không? Mà xin lỗi chứ, cuộc đời này chắc cũng có nhiều người còn dơ hơn thầy nữa, phải không? Mình không ăn nhằm gì tấm gương đó hết thì đây chính là giải thoát. Rồi không tăng không giảm, đừng có tưởng mình tu cho lắm vô, ngày ngồi thiền mười mấy tiếng thì nó cũng không tăng không giảm, không phải tông ngồi thiền nhiều thì cái gương đó nó thay đổi đâu, nó lớn ra thêm. Không có, tấm gương đó nó không tăng không giảm, còn chuyện tăng giảm đó là chuyện của mình thì đó chính là giải thoát. Đó chính là giác ngộ.

        Thành ra vấn đề quan trọng nhất là nhìn cho ra tấm gương đó, tất cả mọi lời dạy của chư Phật, những vị tổ, cho đến những vị thầy như thầy đây là đều để khai thị cho mình làm sao để mình thấy được tấm gương đó. Còn anh không thấy được tấm gương đó thì nói một cách nặng nề theo thiền tông hay nói là “lấy máu rửa máu, lấy bùn rửa bùn”. Mình lấy cái vô thường để mà rửa cái vô thường thì nó cũng thành vô thường thôi. Nhân vô thường thì ra quả vô thường. Thành ra trong kinh Lăng Nghiêm nói là lấy cái nhân sanh diệt mà thực hành thì nó cũng sẽ ra cái quả sanh diệt thôi, còn lấy cái nhân không sanh không diệt để thực hành thì nó sẽ ra cái quả không sanh không diệt, cái quả không sanh không diệt đó chính là đại viên cảnh trí.

Mình phải tin là nó không ở đâu xa hết nó ở ngay với mình đây, nó chính là Bản tâm của mình đây chẳng qua là mình không chịu tìm cho ra nó thôi. Trong đống rác của mình nó có một tấm gương nghĩa là chiếu khắp trời đất hết, mà trong đó có đầy đủ chư Phật lẫn chúng sanh, nhưng mà khổ nỗi mình không chịu đào tìm đống rác đó, và mình không tin. Nhiều khi bới tìm một chập rồi thấy hôi hám, dơ bẩn rồi mình không tin. Tất cả Phật giáo đầu tiên hết là phải đặt trên niềm tin là có cái đó trước thì mình mới làm ăn được. Còn không có thì không làm gì được hết. Từ cái niềm tin đó rồi mình thực hành thực hành, rồi tới một lúc nào đó những cái phiền não chướng, những cái che chướng do phiền não của mình, những cái sở tri chướng là những cái do hiểu biết sai lầm của mình, nó rớt ra từ từ rồi tự nhiên mình thấy tấm gương thôi.

Tất cả Phật giáo là để nói đến cái gì, tất cả Phật giáo là luôn luôn nói đến cái sự hiện tiền, có ngay trước mặt. Ngày nào anh nhìn ngay trước mặt mà anh thấy đó là tấm gương thì đó là bắt đầu tu. Còn anh nhìn thấy toàn là hình bóng không thì anh chưa biết tu. Anh có tu, có lập ra quán tưởng gì đi nữa thì anh nên nhớ là mình có quán tưởng các vị Bồ Tát, chư Phật cũng là quán tưởng trên tấm gương đó, không có tấm gương đó anh không thể quán tưởng gì hết, phải không? Thành ra tấm gương đó là nền tảng là vì vậy đó. Tôi quán tưởng Bổn Tôn, thì Bổn Tôn đó được quán tưởng trên cái gì mà nó ra được Bổn Tôn, chính là quán tưởng hình bóng của vị Phật hay Bồ Tát hay Bổn Tôn nào đó thì quán tưởng đó là nó nằm trên tấm gương. Còn nếu không có cái nền tảng là tấm gương đó thì không quán tưởng được cái gì hết.

Thầy nói vậy thôi, cô Thúy mới vừa hỏi thì có hỏi tiếp gì không?

Anh Minh CT: Đại Viên Cảnh Trí nó có khác gì tịnh quang mẹ bản giác không thầy, tịnh quang mẹ, tịnh quang con đó thầy.

Thầy: Đơn giản một điều là tất cả những gì mà nói tới cái thực tại tối hậu đó tuy là những chữ khác nhau nhưng cũng cùng một cái đó thôi. Ví dụ tịnh quang mẹ là mình phải thấy đó là nền tảng phải không? Tịnh quang mẹ là cái có sẵn từ vô thủy rồi, cái gì có sẵn từ vô thủy thì cái đó là đại viên cảnh trí. Mà đại viên cảnh trí là sao, nếu như mà mình nhìn tấm gương mà nó tối hù thì nó đâu có thấy được hình bóng nào đâu, phải không? Tấm gương phải sáng, sáng có nghĩa là quang, là quang minh, là tịnh quang. Tấm gương đó vốn sáng nghĩa là tấm gương đó vốn có tịnh quang, vốn là tịnh quang. Khi nói tấm gương đâu phải là chỉ có tấm gương thôi đâu. Tấm gương đó phải sáng, nếu tấm gương đó không sáng thì lấy đâu mà thấy. Tấm gương đó sáng, cái sáng đó là cái sáng căn bản đó chính là tịnh quang mẹ, mỗi người sẽ đi theo con đường của mình nhưng mà cũng chỉ tới một nền tảng chung là tấm gương đó thôi. Có người thì đi theo ánh sáng, có người thì đi theo quán tưởng hình bóng trong gương. Bởi vì anh quán tưởng hình bóng trong gương thì anh sẽ sờ thấy gương thôi. Tới tấm gương đó thử rờ cái hình bóng đó, thử coi có sờ trúng cái gương không? Sắc tức là không, không tức là sắc là vậy đó. Đơn giản, mình tới tấm gương mình sờ hình bóng của ai đó hay hình bóng của mình thì mình sẽ thấy tấm gương mà không thấy cái bóng đâu hết.

Anh Minh CT: Dạ thưa thầy theo con nghiên cứu cái bản giác ngay từ đầu tiên nó là cái gốc, từ cái thức thứ tám A Lại Da thức thì nó chuyển thành đại viên cảnh trí.

Thầy: Không, không phải. Nên nhớ mình học kinh cho kỹ là kinh Nhập Lăng Già nói là A Lại Da Thức vốn là thanh tịnh. A Lại Da Thức vốn là thanh tịnh có nghĩa là đại viên cảnh trí, phải không? Nó vốn là thanh tịnh, nếu nó không thanh tịnh thì mình lấy đâu mà tu, phải không? Cái nhiễm ô là do mình, A Lại Da là A Lại Da của mình, chứ còn A Lại Da vốn là đại viên cảnh trí, vốn là thanh tịnh. Trong kinh nói rất rõ, A Lại Da thức là thanh tịnh, vốn là thanh tịnh. Nếu như mà mình lý luận chút nữa thì chính cái thanh tịnh đo nó mới chứa được cái nhiễm ô, đúng không? Ví dụ như ngài Huệ Năng nói bổn lai vô nhất vật, bổn lai là xưa nay, từ vô thủy cho tới bây giờ không có một vật gì hết, chứng tỏ là nó không có bị nhiễm ô bởi một vật nào hết. Thực tại đó gom lại tất cả thì nó thể hiện ra ở 3 điểm căn bản nhất:

Thứ nhất: là Tánh Không, tánh Không thì không bị ô nhiễm, A Lại Da Thức có là trời gì đi nữa thì nó cũng là tánh Không thôi, cho nên nó không ô nhiễm. Tại sao không ô nhiễm, bởi vì những phiền não của mình chỉ là tạm thời, chỉ là sanh diệt thôi, thế nên mình mới phá được cái đó. Khi sám hối thì anh phải dựa trên chính nền tảng không ô nhiễm đó anh sám hối, nếu anh dựa trên cái sanh diệt để anh sám hối thì cái đó cũng sanh diệt thôi, anh phải dựa vào nền tảng không sanh diệt , tức là Tịnh Quang mẹ hay Đại Viên Cảnh Trí, để sám hối thì mới hết tội được. Khi anh sám hối, anh lìa tướng, lìa tất cả hình ảnh trong gương thì mới có kết quả, và có nghĩa là anh không tạo nên một hình bóng mới. Nếu mình sám hối mà không y cứ trên Đại Viên Cảnh Trí, trên Tịnh Quang mẹ thì đó là anh tạo thêm một hình bóng mới.     

Thứ hai: là Quang Minh, không có một tánh Không nào mà không có Quang Minh hết, đó là ánh sáng, đó là Tịnh Quang mẹ, nó đã vốn sẵn có, như tấm gương vốn trong sáng, dầu có dùng từ gì đi nữa thì nó cũng có ánh sáng.

Thứ ba: là nó có năng lực của nó, có năng lượng của nó. Không phải vào tánh Không là bại xụi chân tay, nằm thẳng cẳng đâu. Năng lực đó mạnh đến độ mà tất cả vũ trụ này đều sinh ra từ năng lực đó. Nếu mình đạt được ‘tấm gương’ thì tất cả các hình bóng đều được sinh ra từ ‘tấm gương’ đó.

Ph.Thảo: Thưa Thầy, lúc nãy cô Thúy có hỏi là : Thầy có dạy là quán tưởng trên ‘tấm gương’, xin Thầy dạy rõ hơn về điều đó.

Thầy: Không phải là quán tưởng trên tấm gương, bất kỳ hành động gì của tâm thức mình, đều phải xảy ra trên nền tảng là Bản tâm của mình, có nghĩa là quán tưởng hay thiền định hay làm gì đi nữa cũng đểu phải dựa trên Đại Viên Cảnh Trí hết, đơn giản vậy thôi. Anh có hành Bồ Tát Hạnh hay gì gì đó thì cũng đều phải làm trên ‘tấm gương’, niềm tin đầu tiên để mình có thể đi vào đó là phải biết là mình làm gì cũng là làm trên ‘tấm gương’ đó. Tôi có thiền định thì cũng thiền định trên ‘tấm gương’ nếu không có ‘tấm gương’ đó thì tôi không thiền định được, bởi vì đó là cái mạng của tôi mà, là Bản tâm của tôi mà, nếu không có Bản tâm đó thì lấy gì mà thiền định. Những cấp độ thiền định đều là những trạng thái của tâm trên nền tảng Bản tâm đó mà thôi.

Đối với Phật giáo, tứ thiền bát định vẫn chưa giải thoát được là vậy đó, đó chỉ là lên các cõi cao thôi, chứ chưa thấy được tất cả trạng thái thiền định đều nằm trên Bản tâm của mình. Quán tưởng chính là thiền quán, thiền quán Vipassana, thiền quán về Bổn tôn, hay về Vô Thường, tất cả những quán tưởng đó sở dĩ quán được là vì sao, vì nằm trên Bản tâm đó, nếu không có nền tảng đó lấy đâu mà quán tưởng. Ngay cả nghiệp xấu của mình cũng từ đó mà ra, chính từ cái đó ra thì mình mới sám hối, mình mới xóa bỏ nó được, còn nó ở đâu tới thì mình không có cách gì làm được. Trong Đại Thừa hay Mật Thừa có một câu: bạn đã té trên mặt đất thì bạn phải chống tay trên mặt đất để đứng dậy, mình té trên Bản tâm mình thì nhờ Bản tâm đó mà mình đứng dậy, mình cứ thực hành lần lần đi rồi mình sẽ tin thôi, không những tin mà càng ngày nó càng cụ thể, tu hành là biến những lời chư Phật, chư Tổ, lời những vị Thầy thành những việc cụ thể, thành những chuyện hiển nhiên như vậy thôi. Tu hành khởi đầu từ chỗ Tin, sau đó bắt đầu thực hành để hiện thực hóa, biến hóa những điều đó thành những việc cụ thể, Niết Bàn là phải hiện thực hóa, cụ thể hóa nó ra, cũng y như khoa học vậy thôi.

Thầy có nghe nói chữ ‘Chứng Ngộ’ trong tiếng Phạn chính là có nghĩa ‘hiện thực hóa’. Cũng như bây giờ chúng ta đeo câu này: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng mình không hiện thực hóa được nó ra thì mình cũng là một chúng sanh khổ lắm. Tất cả những vị Phật đều cười hết bởi vì ngài hiểu rõ, thấy rõ Phật Tánh đó nên ngài mới cười cười. Còn mình khi cười khi khóc lung tung là vì mình không hiện thực hóa nó ra được, thì khi đó Phật Tánh chỉ là một khái niệm thôi. Ý nghĩa cuộc đời ở trần gian này là mình phải biến tất cả những cái đó thành hiện thực, ví dụ tôi ham làm giàu lắm, thì phải biến cái đó thành hiện thực thì đó mới gọi là sống, còn sống trong những khái niệm thôi thì đó là ‘mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết Bàn thôi’.

Anh Minh CT: Thưa Thầy, con nhờ Thầy giảng về 4 thân, thứ nhất là Thân Phần Đoạn Sanh Tử, cái thứ hai là Thân Biến dịch sanh tử, cái thứ ba là Pháp Thân Đại Sĩ, cái thứ tư là Pháp Thân thường trụ của Như Lai.

Thầy: Trong Mật thừa có nói đến 5 thân. Thân của Như Lai là Pháp Thân phải không? Thì mình phải nhắm tới cái đó. Pháp Thân Như Lai là giải thoát hoàn toàn. Còn Pháp Thân Đại Sĩ là thân của Bồ Tát theo từng cấp độ, theo từng địa, sơ địa là 1/10, tam địa là 3/10, bát địa là 8/10. Biến dịch sanh tử là thân của Bồ Tát vẫn còn trong sanh tử, chịu sự biến dịch của các uẩn. Phần đoạn sanh tử là thân của chúng sanh, mình chết ở đây rồi vào trung ấm rồi lại luân hồi, đó là phần đoạn sanh tử. Biến dịch sanh tử là thường trực, anh chấp nhận chốn này rồi thì anh phải chấp nhận sự biến dịch của sanh tử, nhưng sự biến dịch đó chỉ ảnh hưởng đến hóa thân của anh thôi, còn Pháp Thân không biến dịch, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nền tảng Pháp Thân. Mình chọn cõi này thì mình phải chịu sự biến dịch sanh tử y như những người khác, không khí trái đất này như thế nào thì mình phải thở với không khí đó, y như những người khác, còn ở những chỗ khác biết đâu một ngày người ta hít có 3 hơi thôi thì sao.

        Anh Minh CT: Xin Thầy giảng thêm về Kiến hoặc, Tư hoặc

Thầy: Kiến Hoặc là gì, là sự mê lầm của Kiến, khi nào anh có một cái Kiến, có nghĩa là anh thấy được Pháp Thân từ sơ địa trở lên, thì mình cứ nhắm vào mục đích cuối cùng đó thôi chứ cần gì phân tích Kiến hoặc, Tư hoặc làm gì cho lắm. Mình đừng có lý thuyết, mà phải có mục đích của mình là thấy được Pháp Thân, ngài Long Thọ có nói rất rõ, trong A Tăng Kỳ kiếp thứ nhất là mình có cái biết về Pháp Thân, chỉ ở mức hiểu và tin vậy thôi, chưa thực sự chứng được Pháp Thân, phải từ Sơ Địa thì mới thấy được Phật Tánh lần đầu, và ở địa đó vị đó có thể nói ‘Ta có Phật tánh’ nhưng chưa dám nói là ‘Ta sẽ thành Phật’, còn ở bát địa thì lúc đó có thể khẳng định là ‘Ta sẽ thành Phật’. Thành ra mình thấy ngài Thích Ca khi ngồi dưới cội cây bồ đề, ngài đặt tay lên đất, gọi là ‘Xúc Ấn Địa’ phải không, thì ngài nói ‘nếu tôi không thành Phật thì tôi sẽ không rời khỏi cây này’, có nghĩa là ngài sẽ chết ở đó.

Thầy: Ngài nói rằng nếu như tôi không thành Phật, tôi không đắc Giác Ngộ, tôi sẽ không rời khỏi cái cây này. Có nghĩa là sao? Có nghĩa là Ngài sẽ chết ở đó. Khi mà một người đã nói như vậy rồi, chắc chắn là đã nắm chắc vấn đề rồi, thì thế nào Ngài cũng Giác Ngộ thôi. Mình thấy vậy đó, trong cái tuyên bố là người ta đã thấy là mình ở cấp độ nào, mà cái quan trọng nhất mình phải biết vào được, thấy được pháp thân lần đầu là cái sơ địa. Tất cả mọi vị, dầu anh có tu hành kiểu nào anh cũng phải đi vào cái sơ địa, tức là kiến đạo vị, tức là thấy đạo đó. Còn anh không thấy đạo anh chỉ là tin tin vậy thôi. Thành ra mình không cần nói gì nhiều hết, bây giờ cái vấn đề là làm sao mà thấy được. Thì Thầy đã nói rồi, tất cả kinh điển, tất cả những vị tổ đều nói ra để khai là mở ra cho mình thấy, thị là chỉ cho mình thấy. Còn chuyện của mình là phải ngộ, là phải thấy được cái đó và cuối cùng là càng ngày càng nhập, càng đi sâu vào cái đó, chỉ một chuyện đó thôi.

Thành ra mình đừng có học gì nhiều hết, mình không cần học gì nhiều, mình phải coi cái bệnh của mình là cái gì? Mỗi người có mỗi cái bệnh, thì mình thấy là Đức Phật trong kinh điển nói là bậc Đại Y Vương, là vị có thể chữa tất cả mọi bệnh mà mỗi chúng sanh là mỗi bệnh khác nhau. Bây giờ đơn giản là mình thấy mình có 8 tỷ người trên trái đất này có ai có dấu vân tay ngón cái này giống nhau không? Chứng tỏ mỗi thân tâm, mỗi hệ thống tâm sinh lý của mỗi người đều khác nhau hết, cho nên cái bệnh họ khác nhau. Cùng là thấy ho đó nhưng mà có ông thì ho gió, có ông thì ho gà, ho đủ thứ kiểu ho hết. Ho gió là ra gió cái là ho liền à, ho gà là ho giống con gà kêu vậy đó, đủ thứ ho. Rồi sau này Thầy thấy có những thứ ho khác nữa, là bao tử nó đầy nó cũng ho, anh nào mà yếu bao tử là nó đầy hơi trong này, buổi sáng nó ho vài cái, nó nhiều thứ ho lắm.

Thành ra mỗi người mình tin, mình phải thực sự muốn thực hiện nó, mình phải kiếm một người dù không phải bác sĩ, tệ lắm cũng là y tá khá khá để mình xem là bệnh nó như thế nào? Chứ còn mình lý thuyết vậy thôi. Đọc hết kinh điển là có toa trong đó hết rồi phải không? Nhưng mà bây giờ dùng toa nào đây? Kinh điển là tất cả các toa, tám vạn bốn ngàn pháp môn, toa đủ thứ toa hết nhưng mà uống cái toa nào đây, nhiều khi uống nhưng mà không tin cũng không lành bệnh đâu. Rồi người ta nói uống bảy ngày mới uống ba ngày không thấy lành là thôi đổi toa khác và cứ loanh quanh loanh quanh vậy cho hết đời.

Rồi bây giờ cô Thuý có muốn hỏi gì nữa, bàn tiếp đi, hỏi hoặc bàn. Bây giờ mình cứ tập trung vô cái Đại Viên Cảnh Trí thôi, đơn giản mình ngồi đây mình có cảm nhận được phần nào cái Đại Viên Cảnh Trí không? Nếu mà mình không cảm nhận được, tất cả những lời nói của Thầy đều uổng hết. Mất thì giờ của mình, mất thì giờ của Thầy, mình phải cảm nhận cái đó. Thầy nói tâm là cái tấm gương hiện tiền trước mặt mình đây, chỉ cần là đừng có lôi thôi, tâm mình đừng có đi vào phân biệt những cái bóng để chạy theo thì lúc đó tấm gương nó hiện diện. Không phải nó mới hiện diện đây thôi đâu, không phải tôi tu nó mới hiện diện đây thôi đâu, mà nó hiện diện từ vô thuỷ rồi. Trước khi tôi sinh ra nó đã hiện diện rồi, đừng có nói là do tôi tu nó mới hiện diện, không có đâu. Nó luôn luôn hiện diện và đó chính là cái chỗ quy y của mình. Thôi bây giờ bàn luận đi. Rồi mấy vị trẻ ở đây này.

Ph.Thảo: Thưa Thầy con có một câu hỏi, con nhờ Thầy giảng thêm. Thưa Thầy nếu mà mình không xem mình như là trung tâm thì đấy có phải là một cái cách mình đang hoà nhập vào tấm gương không ạ?

Thầy: Đơn giản, đó là sự thật, sự thật là không có trung tâm nào hết. Pháp là như vậy, pháp là không có trung tâm. Đó là sự thật mình có chịu thì làm, không chịu thì thôi chứ còn không có cách, không có phương pháp nào hết á. Sự thật là không có trung tâm, có cảm nhận được điều này không? Đơn giản tấm gương Đại Viên Cảnh Trí đó nó không có trung tâm nào hết. Có chứng nghiệm điều này không? Tấm gương đó nó không có trung tâm, mà mình cứ có trung tâm đó là chuyện của mình. Đó là chuyện do mình tự nghĩ ra thôi, tự khổ lấy thôi, còn cái tấm gương nó không có trung tâm. Thành ra đừng có hỏi là đó có phải một cách hay không, đó là sự thật mình phải làm như vậy thôi.

Thành ra Thầy đã nói từ lâu rồi, con đường Phật giáo nó dùng chữ nhẫn là vậy đó, bắt đầu là phục nhẫn, tín nhẫn. Phục nhẫn là mình khó chịu cái điều đó, mình thấy sống bao nhiêu kiếp đây mình là cái trung tâm, tự nhiên nghe trong kinh nói là không có trung tâm, mình khó chịu lắm nhưng mà thôi ráng uống thuốc đắng này đi. Phục là đè nó xuống, hàng phục nó, mình phải tin là không có trung tâm. Rồi thứ hai nữa là tín nhẫn, là cái nhẫn mà do tin, chẳng lẽ bao nhiêu vị là họ lừa mình đâu. Họ lừa mình để kiếm tiền hay kiếm gì, không phải, họ nói là không có trung tâm. À thôi ráng tin đi, cắn răng mà tin, thuốc này đắng lắm, uống vô là có thể nôn ra liền nhưng mà thôi tin, ráng. Thuận nhẫn là bắt đầu vô sơ địa trở lên, mình thuận với cái bản tánh của mình, mình thuận với pháp thân của mình, là mình thuận. Cuối cùng là vô sanh pháp nhẫn là địa bát địa là hoàn toàn như vậy, không có nhẫn gì hết nữa. Chứ trước đó còn phải khổ lắm, nhẫn lắm phải cạo đầu này, chịu không nổi phải cạo đầu đi, đó là nhẫn. Ai muốn cạo đầu làm chi nhưng mà mình nhẫn không được thôi cạo đầu, ta cạo để cho nhẫn. Khi đến bát địa rồi từ đó lên là cứu cánh địa, thành Phật.

Thành ra nên nhớ con đường của Phật giáo là nhẫn. Bởi vì cái chân lý nó sờ sờ ngay đó, hiện tiền ngay đó nhưng mà mình đã lưu lạc nhiều năm lắm rồi. Bây giờ nói như trong kinh Pháp Hoa nói mình là đứa con của trưởng giả mình không tin nổi đâu. Cái nghiệp đi ăm trộm rồi này nọ nó quen rồi, giờ áo quần rách rưới vậy kêu con ông trưởng giả không tin. Đến cái độ trong kinh nó nói rất là bi thảm, ông trưởng giả ông thấy nó về ngoài kia rồi ông kêu hai ông gia nhân trong nhà ra ngoài cầm tay nó dắt vô, thì mới cầm tay nó sợ quá nó tưởng là bắt nó, nó xỉu luôn. Cái gia tài của mình mà mình không nhận mà mình còn sợ đến nỗi xỉu luôn. Rồi ông trưởng giả ông mới nói hai gia nhân kia đổ nước cho nó đi, để nó tỉnh lại đi. Đổ nước nó tỉnh lại rồi, thôi bây giờ tao thấy mày cũng khổ quá thôi bây giờ tao cho mình hốt phân ở xung quanh này, trong này nuôi dê nuôi bò nhiều lắm, cứ mỗi ngày mày hốt cho tao đi, hốt đống lại để tao làm phân bó cho cây, rồi này nọ. Anh làm vậy mấy năm, nó phải làm quen dần dần.

Thành ra Thầy tâm đắc cái chuyện Tây Tạng nó dùng chữ thiền định có nghĩa là làm quen là vậy đó. Không chấp nhận, làm quen dần dần mấy năm rồi ông mới nói là tao cũng thấy mày thông minh thôi bây giờ mày làm thủ kho, ngày này vô bao nhiều tiền mày ghi vô dùm tao, chi ra bao nhiêu tiền mày ghi vào đó. Thủ kho vậy mất mấy năm tới cái khi ông thấy ông sắp chết rồi, ông mới nói thôi bây giờ mày vô đây tao nói cho nghe, thật sự ra mày là con tao đó, tất cả những gia tài này là của mày. Một cái quá trình đi từ một chàng lang thang cái nghiệp là ăn trộm quen rồi, bây giờ trở thành con của một ông trưởng giả. Mình cũng lang thang quen rồi, bây giờ trở thành con của Phật, được gọi là Phật tử, chứ không phải đời bây giờ cứ đụng cái là ông nào sơ sơ tới chùa cái là Phật tử đâu. Phật tử là con của Phật có cùng gen với Phật thì mới gọi là Phật tử, làm như Phật, tập nói như Phật, tập đừng có phiền não như Phật. Phật không có phiền não, còn mình có phiền não thì mình phải tập, lần lần cho quen đó mới gọi là Phật tử. Thôi bây giờ vị nào bàn đi, mấy vị trẻ ở đây này, sôi nổi lên.

Sh H.Anh: Thưa Thầy, thưa đại chúng nãy con có nghe Thầy nói cái tấm gương vốn không có hình bóng, những cái lợn cợn bên trong. Nhưng mà theo con được biết khi mình học một vị thiện tri thức khi vị đó giảng thì mình phải nghe ghi nhớ, rồi phải tư duy, quan sát, thiền định về cái đó. Làm sao mình vừa tư duy quán sát thiền định về cái đó mà những cái lợn cợn nó không dính vô tấm gương của mình. Dạ con xin hết.

Thầy: Vì đơn giản mình cứ tin nó thật nên nó dính vô chứ có gì đâu. Thành ra đối với đại thừa, đối với những vị theo con đường Bồ Tát là tấm gương đó có hình bóng nhưng mà quan trọng nhất hình bóng đó đối với họ là như huyễn. Thành ra đối với một vị Bồ Tát, Như Huyễn Tam Muội là quan trọng nhất, chứ không phải là Không tam muội đâu. Không phải là Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội, Vô Tác Tam Muội, ba cái cửa đó là ba cái giải thoát. Nhưng đối với họ cái Như Huyễn Tam Muội là quan trọng nhất, bởi vì nếu Không thì anh sẽ nhập Niết Bàn hoàn toàn. Cái gương mà không có cái bóng nào hết thì làm sao? Còn người ta sống vẫn có bóng nơi tấm gương. Tôi có thể gặp ông Tuấn để ông có thể cúng dường tôi, hay là tôi có thể nói gì với ông ấy được thì tôi phải thấy bóng ông Tuấn chứ, nhưng mà phải chứng được đó là như huyễn. Thành ra trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: như huyễn Tam Ma đề, gảy móng tay vượt hàng vô học là vậy đó.

Chú Q.Tồn: Kính thưa thầy, kính thưa đại chúng! Thầy dạy là nếu không khởi tâm phân biệt thì sẽ thấy tấm gương. Theo như cách con nói quy về Niệm khởi thì nó dễ hiểu hơn. Bây giờ nếu như mình khởi cái niệm nào xấu ác thì mình sẽ liền biết, niệm thanh tịnh khởi lên mình cũng liền biết; mình quan sát kỹ mình thấy cái tâm khi nó khởi niệm thanh tịnh hay xấu ác thì cái biết đó nó có giống nhau hay không? Nếu mình thấy cái biết đó nó luôn luôn giống nhau ở mọi hoàn cảnh thì đó là cái tấm gương đó. Nếu mình tin được thì mình cứ quán sát mình sẽ thấy thôi, mà khi đã thấy rồi thì bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra đó cũng chỉ là biết. Thành ra nó luôn luôn hiện diện chứ không phải bị mất; khi tâm niệm khởi thì nó cũng thấy ra cái tấm gương, nó là đồng khởi, thấy bóng là thấy gương. Nếu mình không thấy được nó là mình, mình chạy theo cái sai biệt mà bỏ quên cái đồng nhất, bỏ quên cái chung là mình thành mê. Cái bóng thì sai biệt nhưng bóng nào nó cũng nằm trong cái gương hết, bóng vẫn luôn là gương, vấn đề là ở góc nhìn, khác nhau là ở góc nhìn. Dạ xin hết!

Chú Hải CT: Để thấy được cái tấm gương, thấy được cái đại viên cảnh trí thì trước tiên mình phải tin được điều đó, phải kinh nghiệm nó. Thứ hai là mình phải làm quen với nó, nó có nhiều cấp độ; ví dụ như là những người đã thấy được gương rồi nhưng khi người ta tiếp xúc cái bóng thì người ta lại chạy theo bóng, đến lúc người ta nhớ lại, người ta tỉnh giác thì mới biết là mình ở trong gương. Cái thứ hai là cái cấp độ đồng khởi, thấy bóng với gương đều khởi, nó cùng hiện thì lúc đó thấy bóng đều là gương. Cấp độ thứ ba là thấy bóng khởi thấy ngay đó là gương, Cái gương đó sẽ nhiếp tất cả các bóng. Vấn đề là cái gốc là phải biết đại viên cảnh trí nó như thế nào. Thứ hai là mình sống dần dà làm quen với nó cho rõ ràng ra thì lúc đó là mình sẽ hóa giải dần dần những cái thắc mắc. Mô Phật!

Chị H.Lan:Kính thưa thầy, kính thưa đại chúng! Con rất thích cái cách nói của ngài Garchen đưa ra là cái không gian tâm nó rộng bao la và mọi cái nó đều khởi lên trong đó. Con thì có cảm nhận được một chút xíu trong đó, nhưng sau con bị vướng ở chỗ mình bị mắc vào không gian, mọi niệm khởi lên rồi nó xuống mà quên mất cái không gian đó, chú Châu chỉ giúp con chỗ này với ạ.

Chú Châu CT: Chú ví dụ bây giờ mình đang ngồi trong cái phòng này thì mình thấy cái nhà này là cái gì? Cột, kèo, mái ngói,… nó là nhà của mình đó nhưng liệu nó có tồn tại vĩnh cửu hay không? Nó là sinh diệt dù nó có tồn tại vài chục hay vài trăm năm. Nó phải diệt mất thì đâu phải là cái gì chân thật, nó chỉ là duyên sinh khởi. Thì cái chân thật, cái đại viên cảnh trí là cái gì? ở cái lý thì chúng ta hiểu cột kèo mái ngói là không có thật tánh thì cái gì là nhà mình, cái gì cái cái bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm ? Mình không thấy được nhưng cột kèo thì mình lại thấy được, vậy cái gì khiến mình không thấy được nó. Không có hình tướng, không tăng không giảm không nhơ không sạch đó là không gian thì đó mới là nhà mình, mới thật là của mình, đấy mới là không gian này; nó không có hình tướng đấy mới là của mình, đấy mới là đại viên cảnh trí; hay nói cách khác đó gọi là tịnh quang con, tịnh quang con với tịnh quang mẹ nó không khác. Nhưng mà mình đang sống trong tâm mình còn hạn hẹp nên nó gọi là tịnh quang con; còn khi mình thấy rồi, thấy cái không gian trong nhà này với cái không gian bên ngoài nó không khác, không còn sai biệt thì đó là tịnh quang con và tịnh con mẹ là một, không khác. Thì đại viên cảnh trí là cái không gian này, mình thấy được như vậy rồi thì tâm mình với không gian làm một đó là đại viên cảnh trí.

Đại viên cảnh trí thầy gọi đó là đại ấn, là đại toàn thiện, là bát nhã, là tâm nguyên sơ… cũng vậy, nó là thực tại hiện tiền, nó chưa bao giờ rời xa mình thời khắc nào cả, nó có từ vô thủy vô chung. Tại tâm mình chật hẹp, tâm mình chấp ngã, tâm mình chấp pháp nên nó ngăn ngại. Mình tin cái cột kèo mái ngói, bức vách … này là mình nên nó che chắn cái không gian này, chứ không gian này nó vô thủy vô chung, khi mình chưa làm cái nhà này không gian nó với không gian khi có cái nhà nó vẫn như vậy. Và đến khi nhà này nó tan biến thì không gian nó vẫn tồn tại như vậy; ngôi nhà này có làm thành nhà mười lầu hay nó thu hẹp lại thì không gian nó cũng không tăng không giảm, không gian này nó là không gian tâm. Mình thấy, tin và mình nhập được vào nó, tâm mình nhập vào không gian đó mình mới tin được còn không thì mình cứ nghĩ nhà mình chỉ bấy nhiêu mét vuông đây, bao nhiêu cột kèo, bao nhiêu mái ngói, bao nhiêu lầu gác.. thì là mê lầm.

Đại viên cảnh trí là cái không gian. Lý là mình tin nhà mình nó là không gian đây nhưng chưa đủ mà còn có cái sự là mình phải sống được với nó. Phải luôn trong mọi sự sống được với nó, sống với trí tuệ bát nhã, sống với tánh không rồi thì không còn gì ngăn ngại cả. Lúc đó, không có trọng lượng, không có không gian, không có thời gian tức là không có thức che chắn mình. Tâm mình tương ưng với không gian bên trong và bên ngoài này được, mình xác quyết nó được, tuy nó còn nhiều cái vi tế, lậu hoặc che chắn nhưng mình phải có nó rồi sau đó mình thanh lọc dần cho đến khi đạt tới toàn phần chứ không còn là từng phần pháp thân nữa.

Bao nhiêu đời mình bị che chắn từ thô đến tế và mình phải lọc từ đó mà lọc ra chứ không thể nào lọc từ thức ra được, như vậy nó mới toàn khắp. Mình luôn luôn sám hối là vậy đó, thanh lọc bản thể để tâm thành đại viên cảnh trí. Mọi ý thức thấy đều do đại viên cảnh trí sinh ra hết. Vì có cái thấy từ ánh sáng Bản tâm nó xuất ra nên ta mới thấy nhà, thấy mọi người ở đây được. Không bị cái tôi kiểm soát cái thấy nữa, tức là ta không thấy qua cái thức nữa ta sẽ thấy nó toàn khắp rõ ràng. Rồi ta cứ tiếp tục sám hối, sám hối từ Bản tâm là chân sám hối, còn nếu mình đè nén đẻ mà quán chiếu mà không nhận ra cái đại viên cảnh trí thì nó mới chỉ nằm trên thức thôi.

Chú Châu: Đến lúc ta nhớ lại là lúc đó người ta mới biết là mình tỉnh giác, đó là một pháp độ; Pháp độ thứ hai nữa đó là đồng khởi; còn pháp độ thứ ba là đã quen với tỉnh giác rồi thì trước khi khởi là người ta đã ở trong tấm gương, người ta an trú trong tấm gương rồi thành ra khi nó khởi nó vẫn là gương. Thành ra vấn đề là cái gốc, phải biết cái Đại Viên nó như thế nào, và thứ hai là sống dần dà nó rõ ràng ra thì lúc đó là sẽ hoá giải những cái thắc mắc mà mình thường thấy.

Thưa Thầy thưa đại chúng. Thì bây giờ thế này, thí dụ mình đang ở trong cái này thì mình cảm thấy nhà mình là cái gì; ai cũng biết nhà mình là cái gì: cột, chèo, mái ngói là nhà mình. Thì cột, chèo, mái, ngói đó là nhà mình thì cột, chèo, mái ngói đó nó có tồn tại vĩnh cửu không? Mình nhận rằng cột chèo mái ngói không phải nhà mình, thì cái gì là nhà mình? Nhưng cái gì mình không thấy nó không có hiểu được tướng không tăng không giảm, không sanh không diệt thì đó là không gian. Có ai thấy không gian không? Nhìn xem có hình tướng không? Rõ ràng không có. Thì đấy mới là nhà mình. Còn khi mình thấy rồi thì không gian này với không gian bên ngoài nó không có giới hạn, thì Đại Viên Cảnh Trí này nó là không gian này, không có hình có tướng. Khi mình thấy không gian này rồi, tâm mình với cái lưng không gian này thì đó là không gian tâm. Tâm mình với không gian này, trong khi bên ngoài của tất cả là một, thì đó là Đại Viên Cảnh Trí.

Đại Viên Cảnh Trí là gì? Đại Viên Cảnh Trí nó là cái thực tại, nó chưa bao giờ xa rời mình một lúc nào cả. Nhưng tâm mình nó chật hẹp, tâm mình nó chấp ngã, tâm mình chấp Pháp nó tạo ra ngăn ngại. Tin cột chèo mái ngói là nhà mình, nó che chắn cái không gian này. Dù cái nhà này nó có tan biến đi nữa thì không gian này nó vẫn tồn tại. Dù nhà có gấp 10 lần đi nữa thì không gian này nó vẫn vậy. Thì không gian này gọi là không gian tâm. Mình thấy được không gian này và mình tin và mình nhập được vô nó, tâm mình phải thấy được và nhập được vô nó thì mình mới tin được, thì đó mới là Đại Viên Cảnh Trí - nó là không gian tâm. Mình còn phải sống được với nó, chứ mình tin không còn chưa đủ. Mình phải bắt đầu mình tin và mình thấy được rằng là nhà mình với không gian này là nhà mình. Mình sống được với nó rồi, tức là mình không có bị cái gì ngăn cản cả. Mình sống khi không có trọng lượng, trong đó mình không có không gian, không có thời gian, tức là mình không có cái thức nào che chắn mình thì mình sống được, như vậy mình mới nhập vô được. Chứ còn nhà mình đây là cái không gian này, và khi mình sống được là tâm mình tương ưng với không gian bên ngoài và bên trong thì mình mới sống được với nó, thì mới gọi là mình sống được, mình tin được.

Cho nên sám hối của mình nó luôn luôn sám hối ở chỗ đó để mà thanh lọc cái bản thể trở về với Bản tâm, để tâm mình đạt được Đại Viên Cảnh Trí. Thấy tất cả mọi người ở đây, thấy hết nhưng mình đừng có suy tâm. Thấy cái ánh sáng Bản tâm của mình, và xuất phát từ cái Bản tâm này ra mà thấy được. Chứ còn không có Đại Viên Cảnh Trí, mình không nói được. Cho nên thấy nó đứng ngoài, thì ta cũng dùng chân lấn cái tôi là của tôi, tức gọi là cái thức của mình cái vô, thì tự nhiên nó toả khắp cho nên nó rõ ràng như vậy. Chúng ta thấy được rồi, chúng ta tin, thành ra sám hối liên tục, liên tục sám hối cho nên tin và sám hối, và khi sám hối là từ cái Bản tâm mình sám hối.

Mình tin Đại Viên Cảnh Trí, thực thể Đại Viên Cảnh Trí luôn luôn không xa rời mình. Ngoại cảnh chứa tất cả các thứ đó không ảnh hưởng gì thì nó là tấm gương. Thì mình sống thực sự trên đó thì mọi cái xuất phát từ Đại Viên Cảnh Trí, chứ mình không nói là tâm mình hoàn toàn giải thoát, nhưng nó giúp mình giải quyết vấn đề trong cuộc sống, giải quyết trong việc tu trên đó và sống trên đó. Thì như vậy, tâm mình tương ưng được với không gian tâm, thực sự tâm và không gian tâm là có hai thì mình sống theo đó. Mình thấy như vậy mình rất tin tưởng rồi mình cứ tiếp tục cho đến khi cái tâm nó tương ưng với không gian tâm. Cái Đại Viên Cảnh Trí nó cũng vậy, nó tương ưng tức là nó thấy hợp. Mình tin như vậy mình sống như vậy thì nó cũng tương đối nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rồi, cảm thấy quý trọng hơn rồi, không thể buông bỏ được.

Nếu như lúc nào chúng ta cũng nhìn vào cái tâm của mình, thì thực ra chúng ta nhìn chúng ta không có phân biệt được thấy được ngay. Ra ngoài đường mình thấy tất cả nhưng tại sao đa phần người ta chỉ tập trung vào một cái gì đó như cái xe hay con đường. Ngày nay chúng ta nhìn nhưng không phân biệt được các hình ảnh trong cái tấm gương của chúng ta. Bản chất là mình phải có cái tâm tốt có một cái sự thanh tịnh nhất định nào đó. Chúng ta sẽ không thấy được tấm gương nếu không thực hành. Nguyên đoạn đường con đi dường như tất cả mọi thứ nó đều rõ rệt hết, nó như một cái tấm gương, mình chỉ thấy được tất cả nhưng không có khởi, mình chỉ quan sát không có khởi ý gì.

Chị Oanh: Như anh Châu nói là không có từ bỏ được, kiên trì đi trong việc đó mình đọc sách rồi thực hành. Khi mình đọc mình cả câu chữ nữa và mình hoà cái tâm mình vào những cái lời dạy đó. Mình vừa đọc như thể vừa thực hành thiền, càng ngày thì sẽ càng thấy những lời dạy nó đúng hơn, hiện thực hơn. Con chỉ thấy đơn giản như vậy thôi ạ.

H. Lan: Con muốn hỏi chú Q.Tồn một ý vừa nãy huynh Tuấn nêu ra là nếu tâm mình phóng ra thì mình chỉ quan sát nó thôi, nó chỉ là như vậy, như vậy. Chỗ này con rất nể trọng chú Q.Tồn là thấy vọng không theo. Con muốn hỏi chú là nếu mình quan sát cái tâm như vậy thì thói quen mình ở đâu? Và thói quen có còn chi phối cuộc sống này nữa không?

Chú Q. Tồn: Kính thưa Thầy kính thưa đại chúng. Với câu hỏi của H. Lan khi mà mình đã thấy tấm gương rồi thì cái thói quen nó thật sự không còn chi phối được nữa, bởi vì khi đó cái tấm gương nó sáng suốt, trùm khắp cho nên mọi diễn biến nó đều rõ tường hết, nó không có bị cái gì lôi kéo hay che ám gì được. Cho nên cái sự sáng không bao giờ mất được. Như anh Tuấn nói là khi anh chạy xe hay gì đó thì nó chỉ dùng cái biết coi như nó tự biết không có cố gắng gì hết, thì cái đó cũng là một cách diễn giải của tấm gương, thì khi đó mọi sự diễn biến nó đều rõ ràng hết chứ nó không có bị tác động gì. Nhiều khi cần xử lý thì nó tự xử lý, mình không cần phải cố gắng xử lý cho nên nó rất chính xác. Mình không cần phải lo gì nhiều việc đó, mình chỉ cần làm sao để thấy rõ được chuyện đó, tức là mình phải thấy cái tấm gương hay tánh biết rõ ràng ra là được.

Anh Lượng: Dạ kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng. Cô H.Lan có hỏi không gian tâm thì chú Châu đã giải thích và Lượng thấy trong tiếng Anh nó có hai chữ rất là rõ: “home” và “house”. “House” thì khi trở về nhà, trở về cái house của mình thì mình nói về cái nhà có tường vách, ngói, màn che gì đó thì gọi là “house”. Như mình trở về cơ thể của mình thì mình thấy có tóc, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mình thấy cái thân của mình. Trong tiếng Anh, khi mà trở về nhà dùng từ “home”, home là trở về cái nhà - nơi mà cái gì tôi cũng biết được; từ xưa khi tôi còn nhỏ, tôi ở đó và đến khi tôi trở về không gian đó vẫn như nhau, lúc nhỏ đó ở trong cái home đó trở về với mẹ, với cha, với anh em, thầy Tổ thì đó là home. Gặp được thầy, bồ tát, Đức Phật chính cái “home” đó là tâm thật sự của mình.

Như vậy định nghĩa giữa “house” và “home” rất rõ, thì cái “home” là trở về với cái tâm xưa nay. Có một cái câu bữa trước tụi con có bàn là: niệm niệm trí tròn khắp pháp giới. Thứ nhất là mình thấy được tấm gương đó, khi thấy tấm gương đó rồi thì mình tiếp tục rửa mình. Giữa hai cái niệm nó là tấm gương đó. Đến khi mình khởi niệm khởi ý lên, riêng cái niệm trước và niệm sau nó như nhau thì lúc đó thì khái niệm nó rộng hơn. Con xin Thầy giảng dạy thêm cho chúng con câu niệm niệm trí tròn khắp Pháp giới.

Thầy: Theo Thầy nghĩ là ban đầu thì mình tin, rồi mình thấy rồi cái thấy của mình càng rõ ràng hơn. Hơn nữa, những cái đó trong thiền nó gọi là nhật dụng là dùng hằng ngày. Nó không phải là ở đâu xa, thí dụ của Đại Viên Cảnh Trí nó là cái này thôi (Thầy cầm tách trà lên). Đó là nhật dụng là dùng hằng ngày,đó là nhật dụng. Đơn giản vậy thôi, cứ làm sao cho nó tới thành chuyện hằng ngày, thở là Đại Viên Cảnh Trí, chớp mắt là Đại Viên Cảnh Trí, lè lưỡi ra nếm đây là nước chanh hay nước trà đó là Đại Viên Cảnh Trí.

Sh. Bình: Dạ kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng thì Thầy cũng có dạy con cụ thể là cái nghiệp con là nói dở, thì con cũng cố gắng để sửa nhưng mà cái vấn đề là sửa lỗi và Đại Viên Cảnh Trí này, mình làm sao để cho nó thông? Cũng như Thầy nói càng sửa càng ngày nó càng sáng ra, con chưa hiểu lắm về vấn đề này, mong Thầy chỉ dạy thêm để con biết đường sửa.

Thầy: Đơn giản thôi, nói dở là do cái phiền não mình nó nói, chứ không phải là Đại Viên Cảnh Trí nó nói, chứ không có dở hay gì trong này. Nói dở là vì phiền não của mình nó nói. Còn nếu như mình không ở trong cái phiền não của mình mà mình ở trong như anh Châu nói là không gian bao la đó thì anh nói cả đời không hết, cái đó là Thầy thấy mấy vị thiền sư nói, “nếu giả sử tất cả lỗ chân lông trên người của tôi mà nó biến thành miệng hết thì cũng không thể nói hết được”, không phải nói một đời mà nói nhiều đời nó cũng không bao giờ nó hết. Thành ra bữa trước Thầy có nói mà ông Tùng ghi nhớ là thầy hay nói là mình hay tụng “Pháp luân thường chuyển”, chứ không phải là pháp luân của miệng mình đâu. Tất cả sự vật nó đều pháp luân thường chuyển, thành ra mình phải tu cho tới, làm sao cho nó tới cái pháp luân thường chuyển, chứ đâu phải đợi mình nói đâu. Cái gì nó cũng pháp luân thường chuyển bởi vậy cho nên trong Kinh Kim Cương nó mới nói là: “Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp” là vậy đó.

Còn mình nói là mình nói dở là bởi vì mình khởi từ không phải là từ cái nền tảng rỗng rang bao la kia mà mình khởi từ cái phiền não của mình thì nó dở, chứ có ai nói hay nói dở gì đâu. Thầy đã nói rất rõ ràng là Thầy rất là ngại cái nói, hồi nhỏ mà mỗi lần Thầy bị kêu lên trả bài là miệng mình nó cứng miệng nói không được; Thầy đã nói rất rõ ràng là Thầy sợ đám đông, mình sợ đủ thứ hết, hồi đó làm toán là bài toán của mình được chấm điểm nhất, ông thầy mới kêu là giảng cho mấy trò kia coi, rồi mình sợ quá thành ra mình cứ làm cho oai để tôi dòm xuống, nhưng mà dòm xuống để rồi mình thấy cái bối rối của mình, thầy đi xuống có thằng nào nó nói: “Vậy mà cũng được đứng nhất đó.”, thành ra cái vấn đề vậy đó.

Cái tôi của anh làm cho sự việc nó dở ra, còn anh không có cái tôi, anh vô ngã, vô ngã có nghĩa là vô ngại. Thành ra cái vấn đề là cái tôi của mình nặng nề quá, như Thầy đã nói rồi: “Tứ vô ngại giải”, lời nói nói một cách hùng biện, “Tứ vô ngại biện” là Pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại và từ cuối cùng là biện luận vô ngại. Mình ở trong đó thì tự nhiên mình là vô ngại biện, còn mình ở ngoài đó mình cứ theo cái tôi của theo những cái phiền não của mình thì nói dở. Đơn giản một điều thầy đã nói là không có ai dở, ai hay.

Đức Phật có nói dở, nói hay gì không? Ngài chỉ nói một chân lý rốt ráo: Ta 49 năm, thuyết pháp 49 năm nhưng chưa từng nói một lời nào; đó là lời nói hay nhất đó. Còn mình thấy rối rắm là vì phiền não tùm lum; chứ Đức Phật nói vậy đó: Ta nói 49 năm nhưng chưa từng nói một nói lời nào, bởi vì Pháp là vậy - không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Đâu phải Đức Phật là làm cho Pháp nó tăng thêm. Còn mình nói dở là phải tự sửa đổi lại mình thôi chứ bây giờ biết sao.

Cái không gian sống của mình nói theo ông Lượng là cái nhà của mình nó nhỏ quá mà mình bó trong đó, thành ra mình càng vùng vẫy mình càng lôi thôi, còn mình ra ngoài kia thì xuôi ngược gì cũng là không gian. Mình ra ngoài mình nhảy cũng là không gian, mà mình đứng ở trên đứng đất cũng không gian, mà mình quanh đi quất lại cũng không gian. Khi đó anh tự do, khi đó anh vô ngại, vô ngại là tự do, mà tự do thì mình nói hay thôi chứ không có gì hết, mà lúc đó nói cũng không phải ông nào nói. Người nói hay là Pháp tự nói lấy, qua cái miệng này, qua cái thân thể này, chứ không phải ông nào đang nói. Còn nếu mà mình nói thì mình sẽ nói luống cuống, pháp luân thường chuyển là vậy đó, nó chuyển qua cái miệng mình, dĩ nhiên là cái miệng của Thầy nó cũng chưa toàn vẹn lắm, cũng không phải là như là Bồ Tát chuyển hay Phật chuyển được nhưng trong đó mình vô ngại? Mà vô ngại là sao? Mình không đụng chạm, sở dĩ mình bị ngại là sao? Chính mình đụng chạm tới những phiền não của mình, chứ cuộc đời này nó không có phiền não. Mình đụng chạm những cái phiền não của mình, mình xây dựng cho cố ra rồi mình đi mình đụng lổn ngổn rồi nói sao tôi không được tự do, thì mình thấy có cái gì mình lo liệu lấy.

Bởi vậy nhiều khi mình vậy đó, mình nghe ai nói hay làm cái gì là mình ráng làm sao bữa nay nói cho hay, chừng đó là bắt đầu vào, minh ta người, chúng sanh, thọ giả, thọ mạn bắt đầu phân chia ra lúc đó bắt đầu lủn củn; còn nói chỉ là nói thôi, còn thấy chỉ là thấy. Trong kinh Nikaya nói thấy chỉ là thấy, nghe thấy chỉ là nghe, thì nói chỉ là nói thôi. Khi nào nói chỉ là nói thì khi đó Pháp nói chứ không phải tôi nói. Không phải kiến thức tôi nói. Và chính nhờ cái đó mà ông Krishnamurti nói chính cái đó làm cho mỗi ngày mỗi mới, là vì nó nói từ cái nền tảng không nói gì hết cho nên nói mới mới được, chứ không thôi là mình chỉ làm chuyện cũ thôi. Tháng trước mình nói cái gì thì mình cũng chỉ tiếp lại cái đó, chứ mình mà giải thoát có nghĩa là mình không có kiến thức và khi đó mình nói như từ hư không nói vậy thôi. Trong Kinh Điển hay nói vậy đó, có vị nào đó đang đi bỗng nhiên nghe trong hư không nói những lời gì gì đó. Cũng như ngài Tuyên Hóa nói: “Từ hư không mà đến và trở về hư không” thì trong khoảng từ hư không mà đến và trở về hư không thì ngài không có nói nữa, phải không? Ngài Tuyên Hóa ngài nói rất là nhiều, kinh nào ngài cũng làm hết đó, thì cũng đó là hư không nói thôi. Từ hư không mà đến và về hư không thì trong khoảng thời gian đó cũng là hư không thôi. Dầu người ta ca ngợi sự nghiệp mình vĩ đại lắm, lớn lao lắm, kinh nào ngài cũng giảng hết đó, nhưng mà đó là hư không nói. Đúng theo như lời Phật là chưa từng nói một lời nào, suốt 49 năm thuyết pháp. Còn mình đem cái tôi vào mình nói rồi mình cứ đòi cái này cái nọ rồi nó lủn củn.

Thành ra khi nào mà thấy tánh không và mình sống trong tánh không thì mình thấy nó vô ngại hết đó. Không phải tôi nói là để tôi chứng tỏ hay biểu lộ gì hết. Mình gặp đâu nói đó.

Thầy nói thêm, hồi nãy anh Châu có nói là mình phải sám hối là niệm niệm sám hối, phải không? Niệm niệm sám hối theo H.Anh thì niệm niệm sám hối là sao? Hay là đợi như thầy là nửa tháng làm một lần.

H.Anh: Dạ, theo con hiểu đó thầy nếu mình an trú được trong cái nền tảng mà thầy hay dạy thì đó chính là niệm niệm sám hối, còn nếu mà mình nghĩ là mình đang sám hối hay là mình nói là mình luôn luôn nhớ tới sám hối thì con nghĩ là mình vẫn chưa niệm niệm sám hối.

Thầy: thì đơn giản là vậy đó, niệm niệm sám hối là niệm niệm tương ưng. Thành ra thầy có viết một bài là của ngài Chân Nguyên hay là ngài Hương Hải gì đó ngài có viết một câu rất rõ ràng là “Niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật”. Đó, một câu rất rõ ràng, thì thầy cứ bắt theo đó mà thầy giảng thôi. Niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật. Trong một niệm anh thành Phật nếu anh chịu tương ưng cái tánh không đó. Niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật thì đó là tu, phải không? Cũng như thầy hay nhắc câu của ngài Lục Tổ Huệ Năng là: “Niệm niệm thường thấy bản tánh, tự tu tự hành tự thành Phật đạo”, đơn giản vậy thôi.

“Niệm niệm thường thấy bản tánh, tự tu tự hành tự thành Phật đạo”. Thành ra câu mà thầy thích của ngài Hương Hải là “Niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật”. Bởi thành Phật là vốn đã thành rồi, nhưng mà bây giờ mình không chịu tương ưng, thì bây giờ phải “Niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật” vậy thôi. Tương ưng nhiều thì thành Phật nhiều mà tương ưng ít thì thành Phật ít, tương ưng với phiền não thì nó thành phiền não vậy thôi, tâm mình nó tự do lắm, tâm mình nó không có chỗ trụ nào hết, mà mình không biết là được cái sự tự do của tâm mình. Nếu muốn phiền não thì anh cứ phiền não đi, còn anh muốn niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật thì anh sẽ như vậy. Tâm mình nó tự do lắm.

Cũng như vừa nãy H.Lan nói là biết vọng không theo, đó là người mới tập tu, chứ khi mà cô đã bước vào cái đại viên cảnh trí thì không có vọng nào hết. Còn cô nói biết vọng không theo đó nó chỉ là còn đang đánh lộn nhau thôi. Cô bước vào đại viên cảnh trí thì thầy đã nói rồi tất cả bóng đều là gương hết. Khi cô biết tất cả bóng đều là gương hết thì cô theo hay không theo, theo cũng chết mà không theo cũng chết, khổ lắm. Nội cái chữ không theo là một thứ đạo đức nào đó là mình khổ với nó. Thành ra chỉ có tấm gương đó, chỉ có đại viên cảnh trí, chỉ có nền tảng đó nó mới giải quyết được vấn đề thôi, còn theo hay không theo đó là chuyện của mình. Mà chuyện của mình thì bao giờ nó kết thúc, chuyện của mình thì nó cứ lai rai sanh tử thôi. Lấy bỏ, bỏ lấy anh đạt tới tâm gương thì không có lấy bỏ. Thành ra không có đặt ra vấn đề vọng khởi không theo hay gì gì đó không theo. Nó đâu còn vọng nữa.

Sh. Nguyên: Con hỏi về pháp tu như huyễn và cái việc làm sao sáu căn nó không tiếp xúc được với sáu trần. Cái pháp tu này như thế nào? Con xin nhờ chú Hải nói về cái này ạ.  

Chú Hải: Vấn đề là phải thấy được cái gương lúc đó mới thấy thoải mái. Chẳng hạn như trong tâm mình lúc nào cũng có tư tưởng khởi phải không?  Thì nó khởi là đồng khởi với cái biết của mình. Cái thứ 2 là nói là gương thì tùy theo người nói như bác Châu nói là không gian, Q.Tồn nói nó như là cái biết. Trong sách Hoàng Lan dịch cũng có 2 trường phái mà người ta cũng dựa vào không gian để đánh giá. Dựa vào cái biết để tư tưởng có khởi và khi mình định hình lại thì có tư tưởng cũng là biết và không có tư tưởng cũng là biết. Khi mình rõ ràng cái nguồn gốc của cái biết nó khởi sinh từ đâu đó thì lúc đó là huynh hỏi thì mình trả lời. Căn trần nó phải giao tiếp với nhau nếu nó không giao tiếp với nhau thì làm sao trả lời được. Nó giao tiếp mà mình ở trong cái gốc của cái biết đó thì nó có lỗi gì đâu. Vấn đề là mình phải quay về Đại viên cảnh trí của thầy giảng hồi nãy đó. Mình không có ngại căn trần tiếp xúc nhau, có những trường phái mũi tai mắt tiếp xúc với nhau như ta thấy nó giải quyết theo một cách nào đó chứ không phải theo một cách rốt ráo.

Thầy: Tới thầy trả lời cho ông Nguyên. Ông Nguyên nói là căn tiếp xúc với trần sinh ra thức, mà thức đó không được phải không?

Sh. Nguyên: Dạ cái thức đó nó dẫn dắt mình.

Thầy: Bởi vì đó là ông mê tín, căn cũng là trí, trần cũng là trí mà thức cũng là trí. Đều là đại viên cảnh trí hết, căn cũng là đại viên cảnh trí và thức nó cũng là đại viên cảnh trí. Ông cứ mê tính, cứ nghe ai nói, rồi kinh nói là nói cho người nào đó chứ đâu phải nói chung, ông tin nổi không? Căn cũng là đại viên cảnh trí, trần cũng là đại viên cảnh trí và thức cũng là đại viên cảnh trí. Vấn đề giải quyết rốt ráo như vậy đó, chứ bây giờ mà cứ nói căn gặp trần, trần sinh thức, rồi thức này không phải là trí. Hồi nãy ông có nói rõ ràng đó, thức không phải là trí, thầy thấy đó là mê tín. Căn là đại viên cảnh trí, trần cũng là đại viên cảnh trí và thức cũng là đại viên cảnh trí.

Sh. Trường: Như huyễn tam muội, thấy tướng là như huyễn. Con muốn hỏi chú Hải, con đường Bồ tát là chứng như huyễn còn con đường Thanh Văn hay Bích Chi Phật là chứng tánh Không là không có tướng.

Chú Hải: Như Huyễn đó, mình thấy tướng và bản tánh đó đồng hiện thì đó như huyễn, nó diễn biến theo tỉnh giác của mình thì lúc đó thấy như huyễn. Tỉnh giác đó bao trùm thì đó là như huyễn.

Thầy: Thầy hỏi lại Trường con đường Bồ tát là sao? Ông nào nhắc thầy nhớ nên giờ hỏi lại? Bây giờ đừng có nói kinh điển gì hết. Theo ông con đường bồ tát là sao?

Sh. Trường: Thấy các tướng như huyễn được các hạnh để độ chúng sanh.

Thầy: Bắt đầu tu là tu vậy, chứ thật sự ra con đường bồ tát trong kinh điển nam tông cũng nói và trong kinh điển bắc tông cũng nói là như chim bay trong hư không, không để lại dấu vết, đó là con đường bồ tát. Có khi nào mình thấy con chim có để lại dấu vết gì không? Không, đó là con đường bồ tát. Như chim bay trên không cứ giở kinh điển của Nam Tông ra sẽ thấy trong kinh pháp cú có nói vậy đó. Con đường bồ tát, một vị đó là như chim bay trên không, không để lại dấu vết. Mà Ngài Hương Hải thiền sư cũng nói vậy đó, như con chim bay trong không gian, nó không có để lại dấu chân gì hết. Mà dầu cho cái bóng nó có in xuống dưới nước nữa thì cái bóng đó cũng không để lại dấu vết.

Nói tóm lại là một con đường bồ tát là một vị ở trong tánh Không hoàn toàn. Đó là con đường bồ tát. Con đường bồ tát đơn giản lắm, mấy câu thiền của mấy vị thiền sư nói rằng hình như ca ngợi Bồ đề đạt ma là vào rừng không động lá, mình đi là đụng tùm lum hết, gây ồn ào tùm lum hết đó. Còn người ta là vào rừng không động lá, xuống nước không gây sóng, xuống nước cũng không có sóng nữa. Còn mình thì đi ầm ầm, ào ào. Vào rừng không động cỏ, xuống nước chẳng gây sóng. Bữa nào ông ra bờ sông, ông bước xuống mà đừng có gây sóng nào thì đó là con đường bồ tát đó. Đơn giản vậy thôi phải không? Thành ra ông Tùng mới về ngày hôm qua phải không? Ông nói một cái mà Thầy thấy rất là thú vị, ông nói là thầy dậy sao mà mình hỷ nộ cái đó trong đời sống hằng ngày của mình. Bây giờ ra coi mấy cây cỏ đó không động lá, mình bước thử coi có động hay không? Còn nếu thấy có động là mình chưa giải thoát, còn mình ra ngoài sông bước xuống nước có động hay không, có những cái sóng lăn tăn hay không? Nếu mình thấy còn sóng lăn tăn thì đó là mình lăn tăn, cỏ động là do mình động chứ không phải là do cỏ động, còn mình bước xuống nước mà thấy lăn tăn là do tâm mình lăn tăn.

Chưa hiểu thì cứ về thực hành đi, vài bữa cái này cái nọ, đó đâu phải là chuyện.... Hồi nãy giống ông Châu có nói đó, khi mình đạt được tánh vàng thì tất cả là vàng vậy thôi, đơn giản vậy thôi, phải không? Khi nói theo chữ Niết bàn mà anh đạt được tới niết bàn thì tất cả đều là Niết bàn, không có gì lạ hết. 

Kh. Dương: Những điều Thầy nói con quan sát được mình chạm đến cái đó thấy cái đó hiện ra trước mắt, và mọi thứ điều không có sự phân biệt, như chị Thảo nói, hay chú Châu nói. Mình chạm được cái điều đó. Con thấy nó hiện ra trước mắt con. Dù thầy nói, chú Châu nói, hay chị Thảo nói, con đều nghe rõ, nghe mà không có sự phân biệt như trước: À! Đây là điều thầy đang nói. Cái điều này là thầy chưa nói. …. Có những thái độ, có những kinh nghiệm của con đưa vào. Con muốn hỏi là có những lúc nó liên tục, có những lúc tâm trí xen vào, cái đó mất đi nhưng khi con nhắc được mình, hoặc có cái gì làm mình giật mình thì nó quay trở lại, rất là rõ ràng. Con nhận ra là cái đó rất rõ ràng, mọi thứ như là Phật tánh là cái sẵn có của mình. Mình làm thế nào, như thầy đang nói là tụi con phải thực hành từ bi, mở rộng tâm hồn ra, như là mình mở màn hình video lên, mình nhìn trực tiếp nhau, mình thấy thầy, con thấy tâm con mở ra, con được kết nối với mọi người. Khi con đóng video của con lại, có lẽ cũng còn cái gì đó ngại. Tức là mình vô ngại thì mình có thể chia sẻ trực tiếp với nhau. Thì trong tình yêu thương của chúng ta có sẵn trong sự kết nối với Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng do mình có cái tâm vi tế, cái ngại đó, nên khi cái đó mở ra, mở tung ra. Bản chất mọi thứ luôn là mình. Thầy có thể hướng dẫn cho tụi con đi sâu vào cái đó, giữ được cái đó. Thầy dạy cứ làm đi, cứ thực hành đi thì con thực hành suốt trong chừng ấy thời gian, trong cả khi rửa bát, lau nhà, con đều làm cái điều đó hết, con cảm thấy sự thực hành đó dần dần tiến bộ. Như hôm nay con nghe pháp, con thấy mọi thứ thông rất nhiều so với cách đây hai tuần. Bởi vì mình cảm thấy mọi thứ sáng suốt, thông. Vì đó là cái mà Phật vẫn nói, không phải cái tư duy mình nạp vào mà là cái đó là cái lưu thông của Pháp. Vì mọi thứ có sẵn trong Pháp giới này, khắp Pháp giới này. Xin Thầy hướng dẫn thêm cho chúng con?

Thầy: Chuyện này đơn giản lắm. Nếu mình thích thú với cái này thì mình phải làm quen với nó. Đơn giản vậy thôi. Thiền định tức là làm quen với nó bằng tất cả những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ cho mình. Mình phải niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật. Vậy thôi. Biết là như vậy nhưng mà khó lắm. Thấy cái gì là mình chạy theo cái đó liền, mình bỏ quên cái kia đi. Vấn đề là công phu. Công phu là gì? Công phu là mình làm sao đừng có quên nữa, luôn luôn cho tới lúc nó thật sự ở vĩnh viễn với mình. Ví dụ như phóng một hoả tiễn ra vũ trụ, cái khó nhất là thắng được sức hút của trái đất. Sức hút của trái đất là nghiệp lực của mình đó. Phải thắng được cái đó. Nhiều khi một tầng vẫn chưa đủ, chưa ra khỏi được. Phải lên thêm 1 tầng thứ 2, tầng thứ 3 nữa cho đến khi nó ra ngoài tầng không gian mà không có không khí thì nó tự động bay mãi thôi vì nó không bị cái gì cọ sát nữa. Thực hành cũng như vậy đó. Nếu như mình thích thú, thì mình để cuộc đời mình làm chuyện này.

Lúc nãy thầy nói nhật dụng là vậy đó. Chuyện hàng ngày thôi. Cũng như buổi sáng, thầy ăn tô phở chay ở ngoài kia, người ta dọn ra thì mình thấy đây là tô phở Niết Bàn. Đơn giản vậy thôi. Không có gì lạ hết. Anh phải làm sao cho nó thành nhật dụng, chuyện hàng ngày của anh. Như thầy hay nói: nhiều khi chén cơm mình ăn, mình thấy rõ ràng là những hạt cơm này đang cười với mình, đó là bắt đầu của Niết Bàn: thường lạc ngã tịnh. Chứ còn chập chờn như vậy thì uổng cho mình thôi. Thực hành là sao? Là mình bắt đầu thấy, rồi mình thực hành, thực hành cho tới khi mình nếm được Pháp vị là vị của Pháp. Khi mình nếm sơ sơ rồi, mình thấy thích nhưng rồi cái nghiệp của mình đánh dạt mình ra. Rồi mình phải quen thuộc với nó, mình thấy Pháp vị không phải là cái gì lên trên chánh điện mới có Pháp vị đâu.

Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rồi: Khi 6 căn dùng lẫn cho nhau, cái gì cũng là Pháp Vị hết, thì nhìn đống rác cũng là Pháp vị, phải không? Lúc đó là mình… Đó, đừng nghĩ là Pháp vị chỉ có trong kinh điển hay gì đâu. Khi mà ban đầu lưỡi mình nếm được Pháp vị, lưỡi này không phải lưỡi thường của mình mà lưỡi tâm linh đó, nếm Pháp vị, nếm cam lồ, từ từ, lần lần nó chuyển qua là mũi mình cũng ngửi thấy pháp vị, mắt mình cũng nhìn thấy pháp vị, phải không? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - 6 căn có thể dùng lẫn thay cho nhau. Khi ấy là mình sẽ thấy là Pháp vị khắp hết chứ không phải là chỉ có ở một không gian, thời gian nào mới có Pháp vị đâu. Chứ không chỉ hôm nay đâu. Nếu hôm nay đơn giả là gây cho Kh. Dương cảm hứng thì làm sao giữ nó đi và làm cho nó mạnh ra. Đến nỗi mình thấy không cần kinh điển nào nữa, không cần gặp ai nữa, mình rong chơi một mình mình, tất cả đầy rẫy Pháp vị, tất cả đều là cam lồ. Bắt đầu cứ vậy đi.

Kh. Dương: Dạ, con cảm ơn thầy. Thật ra là con cảm hứng từ tất cả mọi người. Con để ý thấy là khi mình có chú tâm vào đó thì cái đó nó yên…

Thầy: Nhưng cái khổ của mình là: khi mình cảm hứng thì dùng chữ của ông Krishnamurti, khi mình cảm hứng thì cái Thân Yêu ngay trước mặt mình, nhưng một chút nó biến đâu mất. Một chút nữa mình bắt đầu làm theo những cái lôi thôi của mình. Mình làm sao trở thành một với nó. Những tantra cao cấp của Ấn Độ và Tây Tạng, cuối cùng của cấp thứ 6 là hợp nhất, phải hợp nhất để nó không bao giờ lìa anh nữa. Chứ mình cảm hứng thì ngồi đây thì thầy cũng cảm hứng lắm chứ. Tất cả mọi người xung quanh đây còn đang tập trung vào một vấn đề, họ tạo ra một cái định nào đó, mình lọt vào cái định đó thì mình cũng cảm hứng, dồi dào năng lượng lắm. Nhưng một hồi đi ra, các vị Cần Thơ đi về, cái mình tự nhiên sa sút năng lượng. Coi chừng mai là phiền não khởi dậy. Thành ra, anh phải làm sao, nếu anh thấy cảm hứng thì anh làm sao cho nó là thức ăn hàng ngày, không phải thức ăn hàng ngày nữa mà thức ăn hàng giờ, không phải thức ăn hàng ngày nữa mà thức ăn hàng giờ nữa mà thức ăn trong từng niệm niệm một. Con đường nó rõ ràng vậy thôi. Ăn thua là mình chịu làm hay không. Pháp luân thường chuyển. Không cần ai nói hết. Nó luôn luôn chuyển thôi.

Kh. Dương: Vâng, con cảm ơn thầy, cảm ơn đại chúng. Đúng là mỗi lần được tham dự, cùng tu chung với mọi người, định lực của mình mạnh hơn. Và khi mình quay lại đời thường thì phải làm sao cho nó thành sự sống, thành hơi thở của mình, chứ lúc được lúc không thì…. Con cảm ơn thầy. Con cảm ơn đại chúng ạ.

Thầy: Rồi bây giờ, mấy vị lớn tuổi, nãy giờ mình dành cho U40 rồi, giờ dành cho U60, mình phải nâng cấp lên, giờ không có cảm hứng gì hết, không có ngửi mùi, mình phải ăn thiệt thôi. Thầy hay nói: người ta mời mình vô nhà hàng 5 sao, mà mình cứ ở ngoài, ngần ngại, mình đọc thực đơn rồi mình tưởng gì đó. Giờ không có thực đơn, lôi cổ vô ăn thôi. Bây giờ mời các vị hỏi một vấn đề gì cho nó nâng cấp lên.

Cô. Nghĩa: Dạ, thưa thầy. Không trụ vào Pháp, trụ vào Bát Nhã Ba La Mật. Xin thầy giảng giải thêm.

Thầy: Mời các vị trưởng lão bắt đầu làm việc đi.

Chú Châu: Bát Nhã Ba La Mật là nền tảng, là Đại Viên Cảnh Trí. Bát Nhã Ba La Mật khi nào? Khi ngũ uẩn giai không, khi sắc tức thị không, không tức thị sắc. Đó là Bát Nhã, là trí huệ tánh Không, nền tảng tánh Không hay gọi là Đại Viên Cảnh Trí. Khi đó mình nhìn thấy là như huyễn thôi. Bồ tát là trùm trên Bát Nhã Tánh Không đó. Trùm trên đó là làm sao? Mọi thứ là như huyễn. Như huyễn thì mới là Bát Nhã Tánh Không được, còn không như huyễn thì không phải là Bát Nhã Tánh Không được. Khi đó thì tướng không phải là tướng nữa, cái nghe âm thanh không phải là âm thanh nữa, thấy được thật tướng của các tướng rồi thì đó là Bát Nhã, thấy tướng không phải là tướng đó là nền tảng, nghe chẳng phải nghe đó là nền tảng thì kinh Bát Nhã nói là ngũ uẩn giai không thoát tất cả khổ ách tức là sao, tức là ngũ uẩn giai không là không trụ trên sắc thọ tưởng hành thức nữa, không bị che chắn nữa thì đó là Bát Nhã thì khi Bát Nhã rồi thì sắc tức là không, không tức là sắc và trong Tánh Không bát nhã ấy thì không có sắc thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho tới ý thức giới, không có vô minh và cũng không có hết vô minh, không có già chết và cũng không có hết già chết không có khổ tập diệt đạo, không có trí huệ, không có Tánh Không thì đó như huyễn rồi chứ còn gì nữa.

Cô Nghĩa: Xin được hỏi tiếp, tại vì cái chữ thật tướng vô tướng có nghĩa là một tướng vậy thì xin chú giải thích cho.

Chú Châu: Thấy tướng chẳng phải tướng, tức là không thấy tướng mình không trụ trên tướng đó là thật tướng thế thôi. Khi tâm mình thấy tướng rồi, tâm mình không trụ trên tướng thì đó là thực tướng của Tánh Không của vô tướng. Khi ấy thì thật tướng tất cả là thật tướng sẵn rồi tự mình chen vô đấy phân biệt thì nó thành có tướng còn tất cả nó là vô tướng rồi có gì không vô tướng đâu như Thầy nói là căn trần thức nó không đến với nhau tức nó là vô tướng tức là không đến với nhau nữa.

Thầy: Rồi bây giờ yêu cầu H.Lan trả lời cho cho cô Nghĩa. Rồi cô Nghĩa hỏi lại đi rồi để H.Lan trả lời

Cô Nghĩa: Cô hỏi là, thật tướng, vô tướng thì có nghĩa là như thế nào? Với lại tất cả đều là một tướng có nghĩa là như thế nào?

H.Lan: Dạ, như giờ như con với cô cùng nhìn chú Châu trước mặt mình đúng không, nhìn thẳng vô chú thì thấy rõ ràng, mình nhìn một cái là mình thấy biết rõ liền, cái biết đó của mình nó không có hình tướng, thì khi mà nhìn thấy cái biết đó nó đi liền với hình ảnh của chú Châu mà mình thấy được thì đấy là cái thật tướng đó nó không có tướng, mình nhìn thẳng vào cái biết của mình.

Chú Châu: Nói cho đơn giản, thấy cái thấy đầu tiên cũng là cái thấy cuối cùng thì đó là thật tướng.

H.Lan: Nó diễn ra ngay lập tức, nhìn một cái là thấy liền

Chú Châu: Cái đấy nó trùm khắp, đồng bình đẳng.

Cô Nghĩa: Con xin cảm ơn, tại vì có thể có một cách khác cái như huyễn đó, khi mình nhìn tất cả đều như huyễn thì nó chỉ là một tướng thôi, tướng huyễn. Nó không có một cái gì đó hết. Con xin hết.

H.Lan: Về cái như huyễn này thì có một cái ý mà nó đeo đuổi con từ hồi mới học Phật đến giờ đó tức là có đó mà không thật. Ví dụ như là con và cô đều nhìn chú Châu rất là rõ ràng, bữa nay có một cái áo rất là đẹp. Nhìn thấy rõ ràng như vậy, thấy chú trẻ khỏe nhiều năng lượng mình lấy tay để chạm vô, nhưng mình không bao giờ chạm được vào chú Châu. Cái biết của mình bây giờ là cái biết từng phần thì cái biết của mình nó sẽ gặp khi mà mình lấy tay mình chạm, cái đó nó là cái biết của cái nóng lạnh trên da của chú chứ không phải cái biết nữa thành ra là mình không bao giờ chạm được chú Châu cả, thành ra những hình ảnh của chú là nó thật ra đó nhưng mà mình không bao giờ mình cầm nắm được nó hết. Thì đấy, con chỉ lấy một cái ví dụ, mặc dù nó khá là hẹp nhưng mà nó giải quyết vấn đề này ngay đó. Con xin hết.

Chú Châu: Xin nói thêm, nhìn thấy chú Châu hết chứ đừng phân tích chú Châu 5, 10 năm trước không có xen lẫn cái thức vô đó nữa thấy ngay thực tại thôi hết. Đó là cái thấy đầu tiên cũng là cái thấy cuối cùng. Không cho cái thức mình chen vô, cái ý mình chen vô. Thấy là thấy hết. Khi mình thuần thục rồi thì ý cũng là cái trí thôi, nhưng mà thôi chuyện đấy mình không cần nói. Thế thôi thấy hết. Thấy mọi người cũng là cái thấy đó không khác nhau, thấy tất cả các thứ cũng là cái thấy đó, không khác nhau. Mọi người bình đẳng, cái thấy đó nó luôn hiện hữu. Thế thôi, chứ còn không phân tích, không có chen thức vô không có quá khứ không có tương lai không có thực tại bám dính vào đó thì đó là cái thấy chân như, cái thấy thật tướng, cái thấy thấy chỉ là thấy thì cái đầu tiên và cái cuối cùng là vậy thì nó là một thôi đâu có hai. Thì đó là cái thấy của trí tuệ bát nhã, tánh Không hay nền tảng hay là Đại Viên Cảnh Trí.

Thì tất nhiên mình không phải luôn luôn được như vậy đâu nhưng mình xác quyết như vậy rồi từ từ mọi cái thấy đều như vậy hết thì đó là niệm niệm tương ưng. Chứ còn không phải mình làm toàn bộ như vậy đâu, có những lúc cái tâm mình trọn đủ cái Đại Viên Cảnh Trí là cái tâm mình nó trùm khắp không có gì mà che chắn nữa thì càng bóng nhiều cái gương càng lớn chứ không phải mình sợ, mình không sợ nữa. Chứ mình chưa thấy rõ thôi nhưng mà đó là càng nhiều bóng, càng nhiều thức càng lớn, thì cũng là gương. Thì bóng nhiều thì cái gương càng rộng ra. Kinh gọi là thức ăn của bản tánh của tâm là chỗ đó. Thức là thức ăn của bản tánh của tâm. Thì lúc đó thì không nói nữa rồi, về lý thuyết là như vậy, nhưng nó là chân lý, nó là như vậy.

H.Nam: Con xin hỏi chú Hải ạ. Ví dụ như khi con thực hành người quan sát thì về lý thì người quan sát nơi con chính là người quan sát nơi chú cũng chính là cái người quan sát nơi Thầy, cũng là cái quan sát của Phật. Vậy thì nó có sự liên kết giữa ba cái đó không. Chẳng hạn như cái cột nhà này nó cũng quan sát thì nó liên kết với nhau như thế nào?

Chú Hải CT: Thì nói theo Nam thì có người quan sát của Nam, của Thầy rồi của chú Hải thì thấy là nó có trung tâm rồi đó. Tức là cái phản ứng của cái tấm gương đó đó, nó không nói là cái gương ông Hải hoặc là gương của ông Nam, gương của Thầy nếu mình thoát được cái đó thì thoát được sự phân biệt lớn nhất mà nó chụp trên mình đó. Mình phải thấy là có duyên thì nó sẽ nhận biết, còn không có duyên thì nó cũng rõ ràng nhận biết.

Cái mình biết trước khi mà nói Pháp như Thầy nói nãy với sư huynh vậy đó. Tức là xưa nay nó vậy đó, nó gọi là hóa thân đó thì mình phải thấy tới cái đó thì cái đó nó mới không còn chia ra nữa. Tức là nói là người quan sát thì mình cứ nghĩ có một người, quan sát. Có một người quan sát thì có một trung tâm và đối tượng để nó quan sát. Nó không có cái đó. Tức là nó chỉ là sự phản chiếu của một tấm gương thôi mà nó không phải là gương của ông Nam hay của ông Hải thì lúc đó mới thoát được.

Còn nếu mình đứng ở một góc độ của người quan sát thì lúc đó là nó là thành phân chia ra rồi. Nó không hóa giải được, không hợp nhất được. Cái kia là nó có sẵn có cảm có ứng vậy thôi chứ nó không nói là phải có Nam hay là có Hải gì nó mới quan sát được mình phải thấy được cái chỗ đó. Nó gọi là cái thấy vô tâm, vô tâm tức là không có tâm ai hết trơn nhưng mà nó có thấy, nó có phản ứng.

Thì gương nó phản chiếu, cái tính phản chiếu của gương, cái tính biết đó vậy đó, cái tính sáng suốt. Thì lúc đó mình sẽ thấy nó như không gian, như Tánh biết hay là như huyễn gì đó, ba cái đó nó là ba cách nói thôi nhưng mà nếu mình dính vào ngôn ngữ đó mình sẽ bị kẹt vào mình phải thấy nó như huyễn, mình kẹt vào Tánh Không thì mình sẽ thấy nó là không có gì, mình kẹt vô Tánh Biết thì mình thấy mình đang biết thì lúc đó nó cũng chưa phải nữa. Vấn đề là mình, cái khái quát là như vậy, vấn đề là mình an trú, mình làm quen với cái đó nó đến mức độ nào thì cái đó là do cái việc tu hành dần dần mình lọt vô rồi mình làm quen với nó. Mình có ý kiến vậy.

H.Nam: Dạ, con cảm ơn chú.

H.Thi: Dạ, con có câu hỏi này nhờ chú Quang Tồn, giải giúp cái thắc mắc của con là mọi người cũng như Thầy đó có giảng về Đại Viên Cảnh Trí, mình sống trong cái tánh không đó thì Thầy có dạy là từ cái sơ khởi mình tập là nhất niệm tương ưng sau đó là nhị niệm tam niệm gì gì đó, xong rồi hồi là niệm niệm tương ưng với cái đó. Vậy cái niệm niệm tương ưng với cái đại viên cảnh trí với cái trạng thái vô niệm đó. Hai cái đó mình hiểu như thế nào cho nó đúng. Mô Phật!

Chú Bản tâm: Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng. Cái mà Thi hỏi là cái vô niệm đúng không với cái đại viên cảnh trí nó có liên quan gì đúng không. Thật ra thì nó chỉ là một thôi chứ đâu có gì khác, khác là khác cái tên thôi. Vô niệm mình đừng có nghĩ là mình không còn niệm nào mà vô niệm chỉ là một cái...khả năng...một cái...nói là cái gì bây giờ. Cái này thì khó nói, nhưng mà khi cái nhận biết của mình đó phải không, nó vượt thoát được cái tôi biết đó phải không thì bản thân nó là vô niệm rồi. Chứ không phải là có niệm hay không có niệm, chuyện đó nó không quan trọng nữa. Rồi nãy Thi hỏi gì nữa quên rồi.

Đại chúng: Nhất niệm tương ưng

Chú Bản tâm: Nhất niệm tương ưng đúng không? Thật ra nhất niệm tương ưng là một cách diễn giải mà mình đừng nghĩ là có một cái niệm nào tương ưng với cái gì mà thật ra lúc đó là cái tâm thật của mình nó tương ưng với chính nó chứ không phải là tương ưng có một cái niệm hay là một cái nhớ tưởng gì, nhớ nghĩ gì nó tương ưng với cái gì. Không phải như vậy. Mà là hiện trạng của tâm bây giờ nó tương ưng với chính nó. Tức là như bây giờ cái biết của mình đó lúc này nó chỉ là một cái biết rỗng rang sáng suốt thôi chứ nó không là cái gì hết đó là nhất niệm tương ưng rồi niệm niệm tương ưng là cái rỗng rang sáng suốt đó nó lại tiếp diễn tiếp tục thì nó là niệm niệm tương ưng. Chứ cũng không phải là suy niệm cái gì, cũng không phải là một cái ý nghĩ hay là một cái nhớ gì nữa.

Thầy: Mà bây giờ Thầy chú trọng tới cái cụ thể thôi. Anh biết nhất niệm tương ưng là gì thì anh sẽ biết niệm niệm tương ưng là gì, phải không? Đơn giản vậy thôi, còn bây giờ mình hỏi niệm niệm tương ưng là gì trong khi mình chưa biết nhất niệm tương ưng là gì. Trong đời bạn đã có một cái nhất niệm tương ưng chưa? Bây giờ mình phải làm cái đó cái đã, còn bây giờ mình hỏi chuyện xa xôi quá không được, bạn đã bao giờ gặp cô nào hợp ý bạn chưa, đó là nhất niệm tương ưng. Rồi niệm niệm tương ưng là bạn lấy về nhà, đơn giản vậy thôi.

Rồi bây giờ mình hỏi làm sao để lấy về nhà, mà trong khi đó mình chưa có cái nhất niệm tương ưng, mình chưa bao giờ thấy ai hợp ý mình hết đó, thì làm sao? Nó đơn giản vậy đó, phải rõ ràng cụ thể là nhất niệm tương ưng là gì. Mình phải có một kinh nghiệm về nhất niệm tương ưng rồi sao đó mới nói đến kinh nghiệm niệm niệm tương ưng là gì. Mà bây giờ mình còn chưa có kinh nghiệm nhất niệm tương ưng là gì mà mình hỏi niệm niệm tương ưng là gì? Phải cụ thể như vậy đó, mình phải có một kinh nghiệm thật rõ ràng về cái nhất niệm tương ưng là gì, phải không?

Thì mình đọc cuộc đời của mấy vị đó thì mình sẽ thấy rõ thôi, mình coi cái kinh nghiệm đầu tiên của họ, cái kinh nghiệm lật ngược cuộc đời của họ lại là cái gì? Mình đã có cái đó chưa? Nói theo duy thức là cái chuyển y đầu tiên là gì? Mình phải kinh nghiệm cái đó, rồi mình mới kinh nghiệm tiếp. Còn giờ hỏi bánh đó là gì? Làm sao ăn mỗi ngày. Thì trước tiên là mình phải ăn cái bánh đó cái đã, rồi biết nó ở đâu thì mới đi mua về ăn, thì lúc đó mình mới thấy là cái này hay về mình phải đặt hàng để mỗi ngày đều có ăn. Chứ còn mình chưa biết nó ở đâu hết, tiệm nào bán đâu?

Thành ra mình phải cụ thể, giống như ở đời này vậy, mình học cái gì cũng cụ thể hết, phải không? Có thể, có những vị cao cấp rất cao cấp thì họ nói bước đầu tiên là bước cuối cùng, phải không? Nhưng mà mình thôi mình để mấy chuyện đó cho mấy vị đó đi. Bây giờ mình biết cái bước đầu tiên cái đã, còn bây giờ mình chưa bước được bước đầu tiên, mà mình hỏi con đường là gì, làm sao bước liên tục. Trong khi bước đầu tiên mình chưa bước được, phải cụ thể phải không?

Anh phải làm sao anh bước được bước đầu tiên, rồi anh phải có cái nhất niệm tương ưng đầu tiên thì anh mới bị nó hấp dẫn. Rồi tại sao mà có những người họ bỏ cả cuộc đời họ, để mà niệm niệm tương ưng phải không? Là tại vì họ có một cái nhất niệm tương ưng, cái đó đảo lộn tất cả cuộc đời của họ.

Rồi giờ đơn giản mình nhìn ngài Huệ Năng đó, ngài chỉ là một người không học, không hành gì hết. Chỉ là một người trong gừng kiếm củi vậy thôi, nhưng mà khi ngài nghe vị gì bên cạnh, tụng kinh Kim Cương, không biết tại sao? Ngài có một cái thức tỉnh liền. Và ngài dám bỏ nhà, để hỏi cái vị đó là kinh này ai giảng và tụng ở đâu. Thì cái ông kia mới nói là ngài Ngũ tổ giảng, cái thức tỉnh đầu tiên đó có thể gọi là nhất niệm tương ưng. Nhưng mà đó cũng là sơ sơ thôi, phải không? Mình thấy đó là cả một quá trình, nên nó đòi hỏi mình phải thực hành liên tục.

Rồi mình thấy mình đi giữa đường, thì cái nghiệp nó nổi lên phải không? Thấy tiệm cà phê hay tiệm khiêu vũ nào đó hấp dẫn mình là mình nhảy vô. Nếu mình không có đầy đủ tất cả những cái đó, mình phải có một cái nguyện tha thiết thật sự, còn không thôi đó chỉ là lý thuyết chơi vậy thôi. Mà nên nhớ, nếu như mình lý thuyết thì đời này mình sẽ lý thuyết và đời sau mình cũng tiếp tục lý thuyết. Anh phải tìm kiếm một cái gì thật, một cảm giác thật. Nên nhớ một cái đời sống bình thường của mình đó, thì đời sống của mình là cái gì? Chỉ là những kinh nghiệm thôi phải không? Đồng ý không? Thế thì bạn phải tìm ra một kinh nghiệm tâm linh nào, để cho có thể bắt đầu con đường tâm linh, còn nếu không có cái đó thì vô ích.

Thứ nhất là mình phải có một kinh nghiệm tâm linh, còn không thôi cuộc đời mình sẽ chỉ là những kinh nghiệm đời thường thôi, phải không? Và đơn giản khi chết, mình sẽ ra sao? Mình sẽ đi theo những kinh nghiệm nào mạnh nhất trong cuộc đời này, rất đơn giản phải không? Nếu như cuộc đời này, bữa trước tôi thi đậu một cái gì đó gây cho tôi kinh nghiệm rất mạnh, thì đời sau tôi sẽ tiếp tục tôi học để thi đậu. Kinh nghiệm trong đời này sẽ quyết định đời sau, cũng như tất cả cuộc đời của mình đây chỉ là những kinh nghiệm thôi. Kiến thức cũng là kinh nghiệm thôi, kinh điển cũng là một kinh nghiệm. Ngay cả như bây giờ ngồi đây cũng là một kinh nghiệm, phải không?

Thì mình phải có một kinh nghiệm quyết định, để mà gọi là bắt đầu đi theo con đường này. Còn mình không có một kinh nghiệm tâm linh nào hết, thì mình cứ vơ vẫn vậy thôi. Nên nhớ là khi mình chết thì tất cả cuộc đời mình là cái gì? Chỉ là những kinh nghiệm thôi. Kinh nghiệm hồi trẻ thơ sau, kinh nghiệm với cha mẹ nuôi nấng mình, kinh nghiệm đi học trung học, kinh nghiệm đi học đại học, kinh nghiệm lần đầu tiên mà được lãnh lương, phải không? Đó là những kinh nghiệm. Thì bây giờ, mình quyết tâm mình bước vô con đường này thì mình phải kiếm một cái kinh nghiệm nào về con đường tâm linh, đó là nhất niệm tương ưng, phải không? Rồi khi mình thấy vậy rồi, thì mình tiếp tục đi trên con đường đó, và nếu mình có ngồi nghe ai đi nữa thì đó cũng chỉ là kinh nghiệm về kiến thức thôi. Chưa chắc là nó đã phá vỡ được những cái kinh nghiệm của mình đâu, mình làm nghề gì thì mình thấy cái kinh nghiệm đó là quý trọng. Còn kinh nghiệm trong kinh điển đó, là để trả cho Phật hết, phải không? Anh phải có một kinh nghiệm thực tế, chứ còn mình cứ giỡn giỡn vậy là không được.

Ví dụ, đơn giản bây giờ mình phải học tập thực tế như ông Q.Tồn chẳng hạn, thì ông bắt đầu chú ý tới cái này lúc nào, phải không? Ông đã đi bao nhiêu vị thầy, rồi ông tu hành như thế nào, thì đó mình cứ theo. Chứ bây giờ, ví dụ như thầy đang còn nghèo có mấy chục triệu thôi, mà bây giờ mình hỏi làm sao thành đại gia như mấy vị này, thì vô ích. Phải không? Mình học là học cái đó, chứ không phải học lý thuyết. Tại sao người ta thành đại gia được, không phải đại gia gì lớn lắm, như mà thầy đã nói rồi là mấy vị này là 30 năm hết đó. Mà 30 năm làm việc thật sự.

Ví dụ, thầy thấy như ông Châu chẳng hạn, ông nói là hồi đó ông làm bác sĩ, ông nói là mỗi lần ông vô bệnh viện, ông đều trì tụng Bát Nhã tâm kinh, thì đó mình đã làm vậy được chưa? Chứ còn mình hỏi những chuyện trên trời, nó khó lắm, phải không? Mình phải thấy rõ ràng, cái này là một cái chuyện làm thiệt, làm thiệt mới ăn thiệt. Chứ còn mình đọc thực đơn không, mà mình nói trên trời dưới đất, nhất niệm tương ưng là gì, niệm niệm tương ưng là gì. Nó không phải! Nó là cái chuyện kinh nghiệm thiệt và cái giác ngộ của Đức Phật là cái gì? Hiểu rõ vậy đó, giác ngộ của ngài là gì, mà ngài nói cả đời không hết. Giác ngộ đó chính là kinh nghiệm của Đức Phật, phải không? Từ cái kinh nghiệm đó, từ cái kinh nghiệm của ngài về thực tại đó, ngài mới nói ra. Mình cứ coi lại đi thì mình sẽ thấy tại sao vậy? Thành ra mình phải coi lại đi, chứ đừng có lý thuyết! Làm thiệt đi.

Bạn lập gia đình, bạn đâu có phải là lý thuyết, chứ còn thầy nói chuyện lập gia đình là thầy lý thuyết nè, phải không? Cũng mơ màng, mình nghĩ gì lung tung vậy thôi. Chứ còn cái lập gia đình là một kinh nghiệm, và nó được trả giá bằng cái gì gì đó, chứ không phải tự nhiên mà anh lập được đâu. Có nhiều ông sợ lập gia đình lắm, bởi vì nhà chưa có, nghề nghiệp cũng không vững vàng, đâu dám lập. Nên thành ra lập gia đình là một kinh nghiệm, thì cuộc đời mình là vậy đó, thật sự ra khi mà mình đi vào những cái chuyện như vậy, thì đối với người khác đó là thực tại, cái đó là hiện thực. Nhưng mà mình hỏi những cái câu đó thì chỉ là lý thuyết vậy thôi, mình cứ đọc cuộc đời của những vị đó, mình coi họ vậy, tuy nói là sanh tử tức Niết bàn, nhưng coi thử vị đó sao?

Như bữa trước thầy có nói cái cô gì đó, cô coi lại đi, như thiền sư Hám Sơn, vị mà để lại xác thân của ngài, y như ngài Huệ Năng cũng để lại xác thân. Là ngài tu như thế nào, phải không? Mẹ ngài già tuổi đã cao, nhưng mà ngài nhất định chưa về thăm mẹ. Cho mãi tới năm 46 tuổi, ngài tu hành đâu khoảng trước năm 20 tuổi mà tới 46 tuổi, ngài thấy đã chắc chắn nên ngài mới về. Đó mình thấy những cái vị đó, rồi mình coi lại những cái vị tái sanh của Tây Tạng coi xem sao, họ được đưa về chùa vào lúc 4 – 5 tuổi gì đó, và họ tu hành cho tới tệ lắm cũng năm 30 tuổi mới được ra đời thuyết Pháp, thì bao nhiêu năm? Thành ra tánh Không không phải là chuyện chơi chơi, hay là một khái niệm. Mà đó là sự thật, đó là một thực tại mà người ta đã chứng nghiệm rồi, người ta mới nói được. Thì thầy nói vậy đó, anh đi anh phải rõ ràng, con đường đầu tiên của Phật giáo nó gọi là tư lương vị, phải không? Là tích tập phước đức và tích tập trí huệ. Tích tập thôi, chứ chưa thật sự là có phước đức và trí huệ đâu, rồi phải đi hết con đường đó thì mới là vô cái sơ địa, và lúc đó anh mới thực sự lần đầu tiên anh thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Giống như mình bị nhốt trong cái đường hầm, nhốt trong lòng núi tối hù, mình đâu có thấy gì đâu. Khi lần đầu tiên mình thấy ánh sáng, đó chính là con đường. Thì mình cứ theo đó mình ra, ra cho tới khi mà ra tới không gian ngoài trời thôi. Bởi vì, mình cứ quan niệm là cái chuyện tu hành này là cái chuyện đọc sách đọc đồ, hỏi ba ý niệm đó là không ăn nhằm gì hết đâu. Nhưng mà coi chừng là những cái đó lại che chướng mình thêm nữa, mình tự hào là mình biết, mình có kiến thức về cái này. Cũng như là tôi có kiến thức về ở đời thì tôi mới kiếm tiền được chứ, phải không? Mình sẽ tự hào về cái này rồi chính những kiến thức đó nó ngăn che mình thêm nữa. Kiến thức là gì? Trong đó có nói là sở tri chướng, những kiến thức của mình.

Thành ra không cần học kiến thức gì hết, anh đi cho đã đời đi thì tới một lúc nào đó anh có một trong mười Ba la mật là Quyết định ba la mật. Anh có quyết định đi con đường này hay không? Khoan nói là thành quả như thế nào, anh có quyết định hay không? Chứ còn mình cứ lơ mơ lơ mơ chuyện này chuyện vui thôi. Thật sự ra ông nào cũng là đổ mồ hôi, hy sinh rất nhiều chứ không phải là giỡn chơi phải không? Người ta không kể ra thôi chớ có nhiều ông đổ mồ hôi rất nhiều, hy sinh rất nhiều.

Thành ra mình phải làm thật, ở đời này muốn anh hiện thực hóa, anh muốn có cái gì thật để anh ăn thì anh phải đi kiếm thôi. Chớ đâu phải là chuyện. Mình nói là mặc dù nó đầy dãy hết phải không? Nhưng thật sự ra mình phải đi kiếm chứ mình không đủ sức mà làm cái đó đâu, mình coi lại.

Ví dụ như bây giờ, Thầy nói cái gì là nói thật, ông Tuấn, lần đầu tiên ông về Cần Thơ. Ông nói rất là thật, mời ông về Cần Thơ thì sau đó ông nói với Thầy là sao người ta nhảy xuống người ta bơi thấy ngon lành quá. Cong mình sao sợ. Sau này ông còn thú nhận nữa là khi Thầy về Cần Thơ là ông núp sau mấy cây cột để Thầy khỏi thấy, thấy thì thầy hay hỏi. Nhưng mà một hai năm sau ông nằm mơ một giấc mơ ông thấy ông nhảy xuống ông bơi gì gì đó. Để ý coi, từ đó lời nói không bắt đầu khác đi. Người ta có ăn uống cái gì đó người ta khác đi.

Còn bây giờ như Thầy không biết cái bánh của Ý là cái gì hết. Hay là cafe của Ý là capuchino thì Thầy ngồi nói dóc thôi. Chớ khi Thầy có uống một ly rồi thì Thầy bắt đầu nói được trong đó có sữa, có cái này cái nọ, nó đánh lên bọt bèo tùm lum hết. Còn mình nói không được, bây giờ mình chưa kinh nghiệm chưa trải nghiệm capuchino hồi nào mà ai hỏi mình cũng ráng gân lên mình nói là capuchino là cái này cái nọ, nó là một món của Ý này nọ. Mình nói trên trời dưới đất vậy thôi. Thành ra cái quan trọng nhất là mình có thật sự hay không? Và mình rút kinh nghiệm đau thương của mình là nhiều khi mình biết cái đó mà mình giỡn chơi với nó để nhiều khi tạo thêm nghiệp phải không? Đau thương là vậy, còn bây giờ mình chứ tiếp tục giỡn chơi với khái niệm đó thì cũng tiếp tục tạo thêm nghiệp thôi. Coi chừng nó đánh mình một cái là mình gục liền.

Tại sao bây giờ mình ở cái tuổi này rồi mình còn ngây thơ như vậy. Cái quả của mình nó ngây thơ như vậy bởi vì cái nhân kiếp trước mình không có lo gì chuyện này hết, phải không? Tại sao ngài Huệ Năng là một người không biết chữ, nghe một câu là bắt đầu quyết tâm cầu học. Còn mình tới cái tuổi này mà mình chưa gì hết là bởi vì mình đời trước mình không có làm, đơn giản vậy thôi. Đời trước mình cũng giỡn giỡn vậy thôi, đọc ba cuốn sách rồi cũng ngồi bàn luận, luận đàm diễn thuyết, cứ ngồi cafe cà pháo mà bàn với nhau vậy thôi thì nó cứ vậy thôi.

Mình cứ coi lại cuộc đời mình, mình coi kiểm điểm lại thì mình thấy rõ ràng là mình thiếu những cái gì và cần làm cái gì? Hồi đó Thầy đăng một bài trong đó nói 5 yếu tố để trở thành tỷ phú đô la, mấy tay này là mấy tay thứ thiệt. Thầy không nhớ 5 yếu tố mà Thầy chỉ nhớ một yếu tố thôi? Là biết tự kiểm điểm, mình hầu như cuộc đời mình chưa bao giờ tự kiểm điểm hết, mà anh tự kiểm điểm anh mới tự sám hối được. Còn đâu phải sám hối là lên ỷ có sức mạnh là mình lễ lạy thôi, không phải?

Mình kiểm điểm lại, mình thấy những cái gì đó thì anh mới bắt đầu sám hối. Chứ không phải sám hối là trò chơi, mà trong đó nói sám hối có mấy năng lực lận, năng lực quyết tâm là, mình quyết tâm là sám tội trước, mà hối là ăn năn lỗi trước và quyết tâm không làm lỗi sau nữa. Nó phải vậy, cái chuyện đời sống thật sự là vậy, chớ không phải cái chuyện mình ngồi mình nói chơi chơi vậy rồi bao nhiêu năm nó cũng vậy thôi.

Bây giờ Thầy hỏi Thi tới đây mấy năm rồi?

H.Thi: Dạ, 6 năm rồi.

Thầy: Đó, 6 năm rồi. Đó là do cái lỗi của ông chứ đừng có lỗi người ta không giúp mình. Bởi vì, có những người sẵn sàng giúp mình, họ không giúp gì mình cao xa hết, họ giúp mình những bước đầu tiên. Chớ mình 6 năm rồi mà mình cứ chơi chơi vậy thôi, phải không? Mình không có tha thiết gì chuyện này hết.

Rồi trong 6 năm đó mình cái này cái nọ đủ thứ hết, rồi mình cũng không học mà trong 6 năm đó nó làm sao. Rồi mình cứ học, Thầy đã nói rồi đừng có ngồi cao xa quá, đừng có học Phật, học những người xung quanh đây mình sẽ thấy họ làm như thế nào? Tại sao họ giàu phải không? Ở đời vậy đó, anh muốn biết người đó tại sao giàu anh coi anh rình anh coi thử người ta làm sao người ta làm giàu được phải không? Chứ còn mình ngồi mình nói, mình học xong mình phải về thực hiện. Thực hiện không được phải hỏi tại sao mấy ông làm ra cái đó mà tôi làm không ra cái đó. Đạo Phật là nó rất đơn giản. Thầy đã nói từ lâu rồi là cái thân tâm mình chính là phòng thí nghiệm phải không? Để thí nghiệm những công thức của Phật giáo đó. Vô sở trụ hay cái gì đó anh thí nghiệm đi, mà nên nhớ đừng có tưởng là tôi thí nghiệm không ra, tôi có cộng ba cái chất đó vô mà nó không ra cái tánh Không đó, phải không? Thì anh đừng có nghĩ là không ra mà anh phải nghĩ là lỗi lầm của anh. Tại sao hơn 2600 năm nay rồi bao nhiêu người, họ không bằng Phật được nhưng mà trong thí nghiệm đó nó có ra phải không? Mình thí nghiệm không ra thì lỗi tại ai? Lỗi tại mình chứ lỗi tại ai, mình thiếu.

Rồi thôi bây giờ người khác đi.

Hương: Dạ kính thưa Thầy, thưa Đại chúng. Con nghe Thầy giảng nãy giờ và Đại chúng chia sẻ nãy giờ, con xin Thầy giảng về chánh tín và làm sao để ngày càng lớn mạnh hơn. Tại sao con hỏi câu đó? Tại vì nãy giờ theo con hiểu Đại viên cảnh trí là mục đích của con đường tu tập này, làm sao để thấy được cái đó cũng đồng nghĩa với là mình tin mình là con Phật. Giống như trong kinh Pháp Hoa, vốn là con của vị trưởng giả rồi, tại vì do mình trôi lăn mình tin là mình là đứa bụi đời lang thang…

Thầy: Thôi được rồi, bây giờ làm sao tin phải không?

Hương: Dạ. Làm sao để mình có niềm tin chân chánh?

Thầy: Anh muốn tin thì đó là kinh nghiệm của anh. Thì anh thấy là cái gì nó làm cho mình không tin được, phải không? Đơn giản mình nói vậy đó? Nhưng mà mình kiểm điểm lại, mình thấy mình là mình tin mình là vợ của ông Lượng chớ mình có tin mình là con Phật đâu phải không? Mình tin là mình là mẹ của hai đứa con, mình tin là mình có cái nhà ở đâu đó phải không? Mình tin là cái này cái nọ hoặc là ngon hơn nữa là tin là đệ tử của Thầy. Nhưng thiệt sự ra mình chưa tin mình là con Phật.

Đó thành ra bây giờ mình coi lại, kiểm điểm lại coi lại tại sao mình không tin? Thì mình phải áp dụng vô, có những người, Thầy đã nói rồi 37 phẩm trợ đạo là để thành Phật thì là năm căn năm lực là tín, tấn, niệm, định, huệ. Thì mình coi cái niềm tin là đầu tiên hết thì tại sao? Thì mình phải tự kiểm nghiệm lấy thôi chớ có phép lạ nào đâu. Phép lạ chỉ đến cho những người có tin thôi, phải không? [Cười]

Còn mình không tin thì sao? Thì đó mình phải, mỗi người không phải riêng Hương mà phải kiểm điểm lại. Coi thử đó, rồi mình thấy những cái điều rất là cụ thể, Thầy nói rồi mình phải học những điều rất cụ thể. Cô H.Lan hay nói là Thầy hay nói người vắng mặt nhưng Thầy nói cái gì là ưa nói có thật, chuyện có thật chớ không phải là cái chuyện trên trời, lấy kinh điển ra nói đâu. Có thật là sao? Ví dụ mình nói ông Sơn phải không? Ông Sơn là người đầu tiên mời Thầy về Cần Thơ, tức nhiên ông Sơn với Thầy là thân thiết lắm nhưng mà cũng năm ngoái đây phải không? Mấy ông ở Cần Thơ nói chê trách gì ông, bởi vì cũng là Thầy ở trên này Thấy nói là Hà Nội chọn 12 câu, Cần Thơ chọn 12 câu. Rồi ông Sơn ông tự động ông chọn một mình. Thầy nói Thầy họp đại chúng ở trên này Thầy nói chọn vậy là bôi bác lắm. Thì không biết sao cái tin đó nó truyền về Cần Thơ thì kêu ông Sơn ra nói, mọi người [xin lỗi] đấu tố ông.

Thành ra ông nói suốt ba ngày, ba đêm ông ngủ không được, trăn trở bởi vì phiền não nó khởi lên mà. Bình thường ngồi tiệm cafe mà nói với nhau thì ai nói không được, phải không? Nhưng mà phiền não nó nổi lên, thì cái đêm thứ ba đó ông nói đêm thứ ba đó 12 giờ đêm, ông nghe chuông điện thoại reo, trong đó tự nhiên có ai không biết, ai đó nhắn một câu rất là hay, trong đó nhắn một câu là “nếu không săn sóc cây thì tốt hơn trước kia đừng có trồng”. Ông đọc một câu như vậy rồi ông tỉnh ra. Sáng hôm sau ông điện thoại cho Thầy ông nói đợi ông đi Đà Nẵng hay Huế gì đó xong ông sẽ lên đây thuật lại cho thầy và tất cả mọi người rồi ông sẽ sám hối trước thầy, trước chúng.

Đó là cái thứ nhất. Một người đã tu ở chùa Tây Tạng 20 năm và 10 năm quen biết với Thầy vậy nhưng mà nó đánh một cái là ông muốn bỏ chúng bỏ Thầy. Đó, chưa hết chỉ cần vài tháng sau thôi, chuyện đó ông sám hối ông làm ngon lành lắm mình tưởng là yên rồi té ra chưa hết, chỉ cần vài tháng sau có một ông nào đó ông lấy thêm một bà vợ nữa là bà vợ thứ 4, đệ tứ phu nhân. Thì không biết ông bực mình cái gì gì đó rồi ông vì chuyện đó và một vài chuyện khác nữa,lục đục trong chúng, dĩ nhiên trong chúng dưới đó toàn là các bậc trưởng lão nhưng vẫn có lục đục trong đó, ông bỏ. Ông lên đây nói rõ ràng, rồi ông ảnh hưởng tới bà vợ ông nữa, bà vợ ông chê trách cái chúng dưới đó gì gì đó rồi ông không lên. Ông nói ông không theo chúng nữa, ông vẫn làm việc Phật sự nhưng mà ông không theo chúng nữa.

Đó là lần thứ hai. Rồi Thầy mới nói cái chuyện mà ông gì đó lấy thêm bà vợ thứ tư thì là ông Châu có gọi điện thoại cho Thầy, hỏi bây giờ làm sao, ông Sơn nói loại ông đó ra, thì Thầy mới nói liền là Thầy không có loại ai hết trơn đó, cái chuyện ông đó lấy bà vợ thứ tư, năm, sáu, bảy gì đó là cái chuyện của ông đó, cái nghiệp của ông. Nhưng mà ngày nào mà ông còn muốn nghe Thầy nói chuyện thì cứ để cho ông lên, mắc gì loại ông ra. Nhưng mà ông Sơn lại không chịu chuyện đó. Và ông không lên. Thì Thầy nói bắt buộc ông phải lên.

Nói vậy chứ con người ta yếu đuối lắm. 30 năm tu hành chứ chỉ cần nó đánh một cái là gục liền, bỏ cuộc liền. Không phải là dễ đâu. Thành ra mình phải có một quyết tâm, cái lời nguyện gì đó chứ cỡ như mình đây, nói thẳng ra mình yếu đuối lắm. Đó như ông Sơn đó, 20 năm làm cư sĩ của chùa Tây Tạng, rồi 10 năm với Thầy sát nút. Vậy mà nó chỉ cần đánh cú đầu là muốn bỏ cuộc rồi, mới lên đây sám hối lạy đàng hoàng trước chúng, mà nó đánh thêm cú thứ hai nữa cái là mình muốn bỏ tiếp.

Cô H.Lan này cứ nói sao Thầy cứ kiếm người vắng mặt nói xấu. Không phải. Mình học tập là phải học tập trong việc cụ thể, chứ không thể ngồi nói lý thuyết trên này. Nó đánh một cái là mình bay luôn chứ đâu phải chuyện giỡn đâu. Cái con ma nơi mình nó mạnh lắm, nó chỉ cần chút xíu thôi, đó là chưa kể những con ma khác. Đây là mình muốn bỏ các đồng chí của mình, vì các đồng chí phê bình tôi là tôi bỏ liền hà. Rồi có đồng chí nào có thêm bà thứ tư là nghiệp của họ thôi, mắc gì mình… Thành ra Thầy nói rất rõ ràng với ông Châu bữa đó phải không? Ông Châu nói với Thầy là ông Sơn đòi là ông kia phải không đi thì ông mới đi, còn ông kia đi thì ông không đi. Thầy nói vậy đó, đối với Thầy, chuyện nghiệp của ai thì người nấy lo, phải không? Nhưng mà nếu còn bất kỳ người nào còn muốn nghe Thầy thì là cứ cho họ lên, còn chuyện nghiệp của người ta thì kệ người ta, họ tự lo đối xử lấy.

Rồi bây giờ có người nào tiếp tục nữa?

Cái đề tài hồi nãy là gì? À là chánh tín. Thì theo Thầy nghĩ, chánh tín là bạn phải dùi mài từng ngày, chứ còn hiện giờ cái tin của mình nó nằm trên cái thức mong manh lắm. Thành ra mình phải dùi mài từng ngày cho tới một lúc nào đó mình đụng chạm một cái kinh nghiệm lớn từ đó mình mới có niềm tin, chớ không phải dễ tin đâu, phải không? Một kinh nghiệm lớn đủ để mình phát nguyện, đời này nghiệp của tôi không biết sao, đời sau nghiệp của tôi sao tôi không biết nhưng mà tôi sẽ đi con đường này cho đến ngày cuối cùng, tới những kiếp cuối cùng của tôi. Mặc dầu tôi sẽ bị rớt nhiều lần lắm nhưng mà tôi nguyện cái đó. Thành ra chánh tín là một kinh nghiệm, chớ không phải chánh tín là mình tin như vậy là xong đâu. Nó là một kinh nghiệm mà mình phải bồi dưỡng nó, nó y như một hạt giống mình gieo xuống nhiều khi tới 3, 4 năm sau mình mới thấy có cái phấn khởi là bắt đầu nó ra được những cái lá đầu tiên, phải không? Lúc đó, mình mới tin những cái này là thật, phải không? Chớ bây giờ cho ông Lượng đây có tặng Thầy cái trái mà ông nói lấy đâu từ bên Himalaya về, quý lắm Thầy ơi, Thầy trồng nó rồi hương thơm của Đạo pháp nó bay ngào ngạt ra. Đó nói vậy đó rồi ông đưa mình trồng, trồng hết năm này cũng không thấy nó ra cái gì hết nhưng mà 3 năm sau bắt đầu nó ra cái lá, thì mình biết đây là cái cây nó thật. Lúc đó cái niềm tin mới có. Thành ra, niềm tin cũng là một cái kinh nghiệm chớ không phải niềm tin chỉ là do đọc sách mà tin thôi đâu. Và mình muốn cho nó được như vậy thì mình phải làm tất cả mọi thứ có thể làm thì nó mới đưa tới cái niềm tin đó. Cũng như bỏ một cái hạt giống trong đó phải không, mình phải săn sóc nó, ví dụ mùa nắng quá, đất nóng quá đến cỏ cũng chết thì coi chừng cái hạt giống đó nó cũng chết, thành ra mình phải tưới, phải cái này cái nọ.

Anh phải nên nhớ vậy đó, tất cả Phật Pháp là để cho anh có niềm tin thôi. Và khi mình có niềm tin rồi đó thì lúc đó mới gọi là bắt đầu. Còn bây giờ thì mình chưa có niềm tin, chỉ là mới thử thôi mà. Ông Châu nói Thầy cứ mua vé số Vietlot gì đó là có thể trúng mấy tỷ đó, nhưng mà mình không tin. Tới khi mình thấy ông Bình này mua chẳng hạn ông trúng nè thì mình nói biết đâu mình cũng có phần, phước mình kém hơn ông nhưng mà biết đâu mình cũng có phần.

Thành ra cái niềm tin rất là là…, vậy chứ nó là một biến cố. Hồi đó Thầy đọc cái cuốn gì của ông gì mà lập ra bản đồ gen của Mỹ đó. Khi ông lập ra bản đồ gien thì tổng thống Bill Clinton hồi đó đưa ra trước tòa Bạch Ốc đọc, đây là cả một cuộc cách mạng trong vấn đề của con người. Thì ông đó nói là cả tuổi nhỏ và thời sinh viên của ông là một kẻ vô thần cho tới một buổi sáng đó có một cái gì chấn động ông không biết, ông quỳ xuống giữa rừng Amazon nguyện là sẽ đi theo con đường này. Kể từ lúc đó ông có niềm tin, không biết là vì lý do gì, do đó mà cái niềm tin nó là một phép lạ. Đừng có tưởng là mình dễ dàng mình tin đâu, nó là phép lạ.

Sh. Trường: Dạ thưa Thầy, thưa đại chúng. Con xin chia sẻ một chút kinh nghiệm tâm linh của con. Sau Tết mới đây 10 ngày, con cũng lôi thôi đủ thứ hết, mệt mỏi lắm. Rồi tối đó con nói thôi có mệt cũng ráng đi, ráng tụng Kinh một cái. Con thích tụng Kinh Pháp Hoa, thì sau khi tụng bài Kinh xong tự nhiên con thấy người mình nó nhẹ nhõm hẳn, không còn nặng nề gì hết, chứ còn trước đó giống như là cầm cái [?] đi ngoài đường. Thì lúc mà như vậy con mới nói, à thì ra Thầy hay dạy kinh nghiệm khi tụng đó, là là là… mấy vị nói là đâu có dạy mình, nói là cứ tin theo đi. Thì từ lúc mình tin như vậy đó thì mọi chuyện đến đi nó sẽ nhẹ nhàng lại. Thì từ lúc hàng ngày mình thọ trì, tụng Kinh thấy ích lợi như vậy đó cái bắt đầu mình phát tâm trong đời này mình tụng Kinh đó, vì thấy nó đem lại lợi ích cho mình nhiều quá. Mình sẽ tụng như vậy cho đến đời sau, đời sau nữa. Như Thầy nói là mình cứ tin vậy đi, tin rằng nó lợi ích, đủ sức cho mình vượt qua những biến cố nặng nề. Dạ con xin chia sẻ cái niềm tin của con qua giai đoạn Tết vừa rồi, nói chung là nhiều thứ phiền não nó dồn đến với mình quá. Mình đi ngoài đường mà giống như cầm cái quả tạ theo vậy đó, mà nhờ tụng xong thấy nó nhẹ nhàng thì mới thấy à thì Phật với Thầy là không có nói gạt mình, chắc chắn như vậy luôn. Dạ con xin hết.

Thầy: Đó, bây giờ đơn giản như trường hợp của ông Trường đó. Là hồi sinh viên ông ở chùa này là 6 năm. Ra trường ông ngon lành lắm, làm ở ngân hàng, rồi lấy bà vợ cũng làm ở ngân hàng nữa. Hồi đó trong số các anh sinh viên ở đây thì anh này là ngon lành nhất. Rồi hổng biết ảnh tham sao đó, ảnh chơi chứng khoán tiêu luôn mấy trăm triệu trong khi vững vàng vậy đó. Rồi ảnh nổi điên lên chơi thêm đến độ mà phải bán cái nhà đâu khoảng 1 tỷ mấy đó. Cái nhà rất tốt mà trong đó là tiền của ông bà già vợ cũng nhiều lắm. Đó là cú thứ hai đó, rồi bên kia đòi anh phải ly dị, ly thân và anh bị đuổi ra khỏi nhà, không cho ở nhà nữa, đủ thứ trò hết. Rồi anh qua đây thì cái mặt anh lúc đó anh nói là bị oan gia trái chủ gì đó nó rượt anh nên cái mặt anh y như thằng khờ vậy đó. Rồi ở đây một thời gian nó đỡ đỡ rồi mình tưởng là yên rồi. Té ra sau Tết anh làm tiếp một cú nữa, vợ nó đưa cho 300 triệu mà vợ nói rất rõ là đây là tiền để cho hai đứa con đó nghe rồi anh cũng chơi luôn, sạch luôn. Thì lúc đó ông bà già vợ qua đây gặp Thầy, nói cái ông này là vậy đó. Thì lúc đó là không cho ông ở nhà nữa, ông ra ông thuê phòng trọ ở. Thầy mới nhắn ổng phải phone qua cho thầy. Thầy nói ông tối đó phải về nhà và phải nói với bà vợ làm sao, rồi phải phone cho ông già bà già vợ nói sao, chứ không thôi để vài ngày nữa là nguy hiểm nữa. Thì sáng mai ông có phone cho Thầy nói là con đã nói với vợ rồi, nhưng ông già bà già vợ không cho gặp. Thì đó, cũng ở tình trạng xa cách vợ này nọ thì lúc đó lo tụng Kinh thì nó cận kề như vậy thì tụng Kinh không biết sao ân điển nào, cái gì nó rớt xuống cho mình thì mình cảm thấy đây là cuốn Kinh của đời mình rồi. Mình làm thì từ đó tinh thần ổn định trở lại rồi mình lên. Thành ra niềm tin nhiều khi nó cũng phải trả giá bằng cái gì đó! Còn mình là người có phước nhiều hơn thì niềm tin mình nó đến dễ dàng hơn chứ đừng có trả giá cái kiểu như ông này mà bị ra khỏi nhà này nọ thì kinh khủng quá. Thành ra tin là vậy đó.

Rồi bây giờ V.Từ.

V.Từ: Dạ, kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng. Hôm nay con xin trả lời cái chỗ tin đó Thầy, cái chánh tín ạ. Khi mà con nhìn thấy Thầy và tất cả đại chúng đa phần mặc cái áo trên ngực trái có cái câu rất hay, chỉ có 8 chữ thôi là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” là con thấy chính cái câu này chính là cái tạo cho, không biết mọi người như thế nào, mà với V. Từ là: bữa V.Từ có nghe có người nói câu này giống như là cái bản lề của V.Từ. Cái bản lề mà mình có thể lật ngược lại những suy nghĩ của mình hết luôn. V.Từ thấy chính cái câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” này nó làm cho mình giải quyết được nhiều thứ trong cuộc sống. Ví dụ như mình cứ nghĩ Phật tánh là cái gì đó nó không cụ thể, một cái gì đó thiêng liêng cao cả. Phật tánh rất là cụ thể, nó thể hiện qua nhiều thứ lắm: tình thương yêu nè, lòng khoan dung nè, kể cả sự giận dữ hoặc là tham lam nếu như mà mình cảm giác được giây phút đó, cái tâm của mình là cao điểm nhất. Cái tâm của mình ngay thời điểm đó, kể cả sân giận, từ một động cơ mình muốn giúp một ai đó thì chính cái tâm đó là phật tánh.

Nếu như mình có một lòng tin như vậy, hồi nãy V.Từ có nghe Thầy nói, ngay cái căn là cái trí, ngay cái trần là cái trí, ngay cái thức cũng là cái trí. Vậy ngay trên thời điểm đó mình sẽ tương ưng được trong một ngày. Mình cứ nghĩ cái Phật tánh đó mình phải tu hành, mình phải làm trầy trật đủ thứ mình mới thấy được Phật tánh. Phật tánh luôn luôn hiện ở nơi chúng ta, chỉ cần chúng ta khơi gợi trong một ngày chúng luôn có những giây phút chúng ta có thể bắt gặp được nó. Làm sao để chúng ta chánh niệm được giây phút đó, giây phút đó là như thế nào thì từ thể nghiệm nho nhỏ như vậy chúng ta cứ tiếp tục làm tiếp những hành động gì đó để mở rộng mở rộng Phật tánh đó ra, càng ngày càng tròn đầy và giống như tựa đề nãy giờ chúng ta nói là đại viên cảnh trí ạ. V. Từ xin hết ạ.

Thầy: Đó, thầy là nói cái gì là cụ thể lắm. Ngay như cái V.Từ nói hôm nay đó, là nó cũng có một quá trình. Bây giờ xã hội hay nói là theo đúng quy trình đó, là nó cũng có quy trình. Là hồi đó Thầy cho tụng Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong đó nó nói nhiều về chúng sanh đều có Phật tánh hết đó. Thầy để ý là hầu như không ai để ý hết. Thầy nói vậy chứ mấy chuyện lặt vặt Thầy để ý lắm. Trong bữa ăn, V.Từ nói “con thấy câu đó hay” cách đây cũng nữa năm, hơn nữa lắm rồi phải không. Rồi nhân cơ hội ông Tùng ông vô ông xin làm cái này rồi này nọ rồi phong trào bộc phát lên. Chính cái hồi đó mà V.Từ thích cái câu đó là nó đã bắt đầu chớm chớm một niềm tin rồi. Nó kéo dài cả năm trường thì tự nhiên là trong hoàn cảnh bây giờ thì tự nhiên là niềm tin nó chưa gọi là nở hoa nhưng mà nó cũng nảy mầm. Rõ ràng là cái cây đó nó lớn lên, nó ra lá, còn hoa thì tính sau. Thành ra cái gì cũng vậy, nó có một tiến trình trong đó mà mình phải để ý, để ý, để ý mình mới thấy. Tại sao hồi đó tụng Kinh đó Thầy thấy không ai nói thấy câu nào thích hết. Tụng là cứ tụng thôi. Thầy để ý là bữa đó V.Từ có nói cái đó là cô thấy câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” trong khi cả mười mấy người tụng mà chỉ có V.Từ nói câu đó thôi. Lần lần, lần lần nó ra, tới một lúc nào bất chợt thấy nó nhú lên nó mọc lá thì mình biết cây sống rồi. Từ đó thì cứ niệm niệm tương ưng cho tới ngày nó ra hoa “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” (cười) chứ đừng có hỏi tánh không là gì! “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”.

Rồi bây giờ ai nữa? Rồi thôi bây giờ còn 15 phút nữa. Mình làm 15 phút nữa là quá giờ rồi đó. Thôi ông Hải kết thúc bữa nay. Đêm hôm qua hôm kia gì đó. Đêm mà ông Tùng ông nói sáng thứ 7 ông về đó. Tối đó ăn cơm buổi chiều rồi Thầy mời ăn này nọ, Thầy mới nói yêu cầu là ông Tùng nói 2 điều:

- Thứ nhất, là cảm tưởng trong vòng 1 tháng ông ở đây.

- Và thứ hai, là ông có nhắn nhủ gì những người ở đây hay không? Ông không nói là ông nhắn nhủ mà ông cũng chia sẻ cái gì đó.

Rồi Thầy cũng bắt 1 ông ở đây đáp từ, phải không? Thầy là luôn luôn bắt phải làm việc thôi, không có lôi thôi gì hết. Rồi giờ mời T. Hải.

Chú Hải CT: Thưa Thầy, thưa đại chúng là từ đầu buổi đến cuối là con thấy một điều là con phải nhớ và mọi người phải nhớ là đại viên cảnh trí đó là thiền, nó có nhiều cấp độ lắm nhưng mà cái quan trong là cái mặt mũi thật của mình nó như thế nào thì mình phải làm sao mình phát minh, nhận ra nó và từ đó mình làm quen với nó. Chốt lại vấn đề là mình có biết mặt mũi của mình như thế nào chưa? Chưa thì mình ráng khám phá sao cho nó lồi ra. Mô Phật.

Thầy: Mà thật sự ra tha thiết thì cũng dễ thôi. Ông này ở CT thì mỗi ngày, hay vài ngày mình gặp mấy ông một lần hỏi ông bí quyết làm sao? Làm bác sĩ vậy chứ cũng phải học hỏi bí quyết chữa bệnh sao, cũng phải học hỏi nhiều lắm chứ không phải là đơn giản đâu phải không? Còn trong sách vỡ chừng đó thôi không có đủ đâu. Rồi nếu như mình tha thiết hơn nữa, thì lâu lâu mình lên đây. Chứ còn mình coi cái chuyện này là chuyện sơ sơ, sơ sơ thì nó cũng uổng cho đời mình lắm. Cái gì là cũng phải làm việc thật sự thôi. Rồi đó nếu mình cảm thấy tha thiết thì bây giờ mình về mình phải sao? Phải làm những chuyện đơn giản như phải ngồi thiền, rồi những ông dưới CT có làm gì như mỗi tháng có họp bàn gì đó thì mình tới mình tham dự. Rồi lần lần kích thích lòng yêu thích này, càng ngày nó càng lên lên lên lên cũng giống như yêu thích bóng đá vậy đó. Đâu phải tự nhiên đùng một cái là yêu thích bóng đá vậy đâu, mình phải nuôi dưỡng nó mỗi ngày nó lên lên lên đến độ nó ghiền là giải thế giới này là mình phải theo dõi thức đêm thức hôm để mà coi. Tu hành là vậy thôi. Ban đầu mình thích thích sơ sơ, sau đó dần dần là nó ghiền, phải không? Mà ghiền là nó bắt đầu thâm nhập vô đời sống của mình rồi đó.

Để ý coi, ra ngoài tiệm cà phê đó, mình chỉ cần ngồi kế ông nào mà thích bóng đá mình chỉ cần nói “không biết kỳ này sao?”. Vậy là ông nói 2 tiếng đồng hồ liền. Đó là nó đã thấm vô người ông rồi đó. Còn ông nào chơi số đề, ra nói không biết tối nay ra con gà hay con vịt gì đó mới nói vậy là ổng làm luôn 3 tiếng đồng hồ, nào là kinh nghiệm gì gì đủ thứ. Thành ra khi mà nó ghiền là nó đã bắt đầu thấm vô mình, tu hành cũng vậy thôi, khi mà anh ghiền là nó đã bắt đầu thấm vô con người anh. Mà nó thấm vô chập rồi ra không nổi nữa đâu. Y như là nó bị nhiễm trong đó rồi. Thành ra mọi sự nó đều vậy thôi, làm sao để cho bắt đầu là tò mò, thấy mấy ông đó coi bộ cũng được, một chập rồi làm sao nó ghiền mà ghiền thì cái tất yếu là mình phải tới thôi. Không phải tới là thành Phật luôn đâu, mà mình tới là tới bước đường quyết định cho cuộc đời mình. Mình sẽ thấy đây là nó quyết định cho cuộc đời mình, còn chuyện sống lơ mơ thì nói thẳng ra là cũng sống nhàm lắm rồi, nhiều lắm rồi.

Rồi thôi bây giờ cũng tới giờ rồi, mình tạm ngưng ở đây.