Người thuyết trình         : Phương Thảo - Tâm Sen

Ngày thuyết trình            : 30/10/2022 (DL)

PHẦN I - THẢO LUẬN

P.Thảo

Kính thưa Thầy và đại chúng. Được sự cho phép của Thầy và đại chúng, hôm nay P.Thảo và T.Sen xin trình bày về chủ đề: Đi Vào Thực Tại ạ. Em xin phép được trình bày trước, và nội dung trình bày của em được dựa trên hai ý.

-             Thứ nhất là: Thực tại là gì.

-             Thứ hai là: làm thế nào để đi vào Thực tại.

Thực  tại là gì?

Như mọi người đã biết, nó thể hiện ý nghĩa ngay rõ ở trên từ, đó là thực tế, thực tiễn. Trong tiếng anh, từ Thực tại Reality. Tra từ điển tiếng Anh từ Thực tại thì người ta còn dẫn thêm một từ khác nữa, đó là Thực tại khách quan, là không có cái tôi ở trong đó, đó là khách thể, là thế giới bên ngoài.

Vậy làm thế nào để đi sâu vào Thực tại?

Thực tế như phần trình bày ở trên, thì Thực tại là mọi thứ mình thấy Như nó là, mọi thứ nó đang là, làm thế nào để thấy mọi thứ chân thật, đúng ý nghĩa của nó. Ví dụ chúng ta đang thấy một cái ly trước mặt, một con người trước mặt, vậy với hình thể, mái tóc đó, với hình dáng cái ly đó xuất hiện trước mắt chúng ta thì đó có phải là hiện tại hay không? Nó chỉ là một phần thôi chứ không phải là hiện tại chân thật. Thực tại chân thật là chúng ta phải sống được và thấy được cái trong cái Thực tại chân thật đấy. Bản thân em cũng là người đang thực hành thôi. Những cái gì sắp trình bày tới đây là những gì em học được từ Thầy, từ đại chúng, từ sách vở chứ không hẳn là những gì em đạt được, cho nên nó cũng có mang tính lý thuyết. Em xin phép được chia sẻ trước như vậy ạ.

Thực tại, nó như là cái đang là. Theo sự hiểu biết của em, đó chính là cái không có cái trung tâm. Trước khi chúng ta nhìn một cái tướng, cái tưởng, chúng ta thấy rằng vật đó không cố định. Đức Phật có nói trong kinh, cái gì còn có hình tướng thì đấy không phải là Ta. Ví dụ, nếu chúng ta xem một bức tượng Phật, chúng ta cho đó là Phật thì đó là chúng ta đã hiểu nhầm. Khi nhìn sự vật, thấy thật tướng của nó không cố định trong cái hình tướng đấy. Tức là nhìn thấy bản chất của hình tướng đấy nó là Không. Khi nhìn thấy được bản tánh của nó là Không thì đó mới là Thực tại. Thấy thật sự như vậy, chứ không phải thấy bằng lý trí, chứ không phải hiểu là cái đó cuối cùng sẽ bị hủy diệt hay tan vỡ. Còn sự bám chấp, thì chúng ta chưa thể thấy được Thực tại.

Trong thực hành hàng ngày, chúng ta cần duy trì sự chú tâm một cách thản nhiên. Cần phải có sự Hiện diện, thư giãn. Trong cuốn Dzogchen (Đại Toàn Thiện) Thầy đã dịch, nếu chúng ta duy trì được trạng thái đó thường xuyên thì đó là đang sống trong Thực tại và càng chú tâm một cách thản nhiên được nhiều và sâu bao nhiêu thì chúng ta đang sống trong Thực tại sâu và nhiều bấy nhiêu. Cách em đang trình bày, đó là trình bày ngược, tức là từ cái Quả (Thực tại) trở về cái nhân.

Làm sao để hiện diện, thư giãn, chú tâm một cách thản nhiên như vậy? Tất cả những thực hành này không nằm ngoài đời sống hoạt động của chúng ta, đó là đi đứng nằm ngồi, đó là thông qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, thông qua sáu căn, sáu trần để tiếp xúc. Nếu thông qua sáu căn, sáu trần như vậy, chúng ta thấy tất cả mọi thứ đều như thật, không sợ hãi và sử dụng được cái sáu căn, sáu trần đó, chúng ta mới ở trạng thái hiện diện và thư giãn, chú tâm và thản nhiên.

Trong Phật giáo Nguyên Thủy, em cũng không hiểu nhiều, nhưng em thấy là những người thực hành, ban đầu họ rất sợ sáu trần, người ta tìm cách xa lánh, và người ta đi lên rừng ở. Khi sống trong sự sợ hãi và mâu thuẫn như vậy thì rất là khó. Cái việc thực hành đấy, có lẽ nó chỉ nên diễn ra trong giai đoạn bắt đầu của việc tu tập. Khi dấn sâu vào tu tập, chúng ta cần trở lại cuộc sống bình thường. Để thấy rằng, sáu căn, sáu trần đấy không nên xa lánh mà chúng ta nên biến tất cả những cái đó thành Thầy của chúng ta, để chúng ta học. Biết sử dụng sáu căn, sáu trần như vậy, chúng ta mới có thể đi vào việc thực hành pháp hàng ngày. Bởi việc thực hành pháp hàng ngày không chỉ là ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật mà nó là tất cả các hoạt động trong đời sống hàng ngày. Để thấy được tất cả các giác quan như thật như vậy, và xem chúng như là những người bạn đạo hữu trong việc thực hành, chúng ta phải thấy những giác quan đó là không có thật, nó chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhận ra cái trí tuệ, là cái Không.

Tám pháp thế gian hay trong kinh điển hay nói là tám ngọn gió, được-mất, khen-chê, vinh-nhục, vui-buồn. Thông qua các giác quan, nếu chúng ta nhận biết tám cái gió một cách không sợ hãi, và xem nó như là những phương tiện cho chúng ta thực hành pháp và dấn thân vào trong cuộc đời, thực hành một cách nhuần nhuyễn thì cũng thấy nó như là một con đường bát chánh đạo.

Cuối cùng, em xin chốt lại thêm một ý nữa đó là khi chúng ta thực hành liên tục từng giây, từng phút, có những người thông qua việc hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, có những người thông qua thiền định, có những người thông qua việc niệm Phật, mục đích để làm sao thấy được cái sự thật của tám pháp thế gian đó, thì chúng ta sẽ sống được trong Thực tại. Và sự thật trong tám pháp thế gian đó là gì? Chính là trí tuệ và yêu thương. Trí tuệ ở đây không có sự dính mắc, còn yêu thương đó chính là Nhẫn. Nó giống như cái vòng xoáy trôn ốc, đầu tiên chúng ta khởi tâm yêu thương, càng yêu thương chúng ta càng dấn thân vào. Nhưng đồng thời trong việc dấn thân đó không có sự dính mắc vào cái việc chúng ta làm và cái kết quả mà chúng ta mong muốn đạt được. Bởi vì chỉ cần dính mắc một chút thôi, lập tức chúng ta sẽ dừng ngay ở đấy. Vậy nên càng yêu thương thì càng không dính mắc. Đấy chính là trí tuệ, đấy chính là tánh Không.

T.Sen

Kính thưa Thầy và đại chúng ạ. Chị. P.Thảo có chia sẻ 2 ý, Thực tại là gì và làm sao để có thể đi vào Thực tại. Tiếp theo đây, con xin được chia sẻ hai phần, theo góc nhìn và cảm nhận của con:

-             Dấu hiệu để nhận biết Thực tại

-             Làm sao để mình duy trì trạng thái ở trong Thực tại

Có một vài dấu hiệu sau đây để một người cảm giác được họ đang ở trong Thực tại. Điều đầu tiên con nghĩ là khi chúng ta bắt nhịp được với cuộc sống Thực tại, trước hết mình sẽ cảm thấy bình an và yên tâm ở trong khoảnh khắc đó. Khi được sự bình an, mình sẽ cảm nhận được mọi thứ xung quanh tốt hơn. Bình thường, ví dụ chúng ta đang ngồi ở đây, giữa một hội trường này, mọi người có thể nghĩ về một điều gì đó, gia đình, bố mẹ hay công việc chẳng hạn. Khi chạm được cái Thực tại đó, thì mọi người sẽ nhận biết và môi trường xung quanh mình đang diễn ra như thế nào tốt hơn.

Cái thứ hai, một người đang ở trong Thực tại, sẽ cảm nhận tâm mình được mở rộng, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, sẽ không còn lo lắng hay sợ hãi nhiều nữa. Không còn cảm giác hoảng sợ. Khi không còn hoảng sợ chúng ta sẽ cảm thấy bình an, trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ.

Thứ ba là, chúng ta sẽ cảm nhận được sự yêu thương và thương mến với mọi người, mọi vật, với mọi điều đang xảy ra. Khi mà có bất cứ việc gì xảy ra, chúng ta cũng đối xử bằng tâm thương mến. Bởi vì không có quá khứ, không có tương lai, thì sẽ không có sợ hãi, sự việc chỉ diễn ra như nó đang là. Và chúng ta dùng cái tâm thương mến đó, sẵn sàng đón nhận Thực tại diễn ra như nó đang là.

Một điều nữa là, khi chạm đến Thực tại thì chúng ta bớt đi sự phân biệt, ta người, tốt xấu, đúng sai, mọi việc diễn ra đúng Như nó là, trong khoảnh khắc ấy. Chúng ta đón nhận điều đó bằng tâm trong sáng, rỗng rang, chân thật và yêu thương thì mọi thứ luôn đúng. Khi ở trong Thực tại đó rồi, làm sao để duy trì nó? Con nghĩ là mỗi người sẽ có những cách riêng, có thể là quan sát, chánh niệm, thiền, tụng chú, đọc kinh, thực hành như vậy giúp tâm chúng ta lắng xuống và quay trở về với cái bên trong của mình.

Với những người không thực hành Phật giáo, nhưng có tìm hiểu về những phương pháp khác như yoga, thiền về năng lượng, thì sử dụng những tư thế trong yoga cũng có thể đưa chúng ta vào trạng thái Thực tại. Việc thực hành này thường xuyên, lâu dài, đủ nhiều thì trong một khoảnh khắc nào đấy họ sẽ cảm nhận được Thực tại đang diễn ra như thế nào. Để duy trì được trạng thái Thực tại thì chúng ta cần phải bỏ cái hàng rào phòng ngự của mình ra khỏi mọi thứ. Thông thường tâm chúng ta hay rơi vào trạng thái tham luyến hay ghét bỏ một điều gì đó, lâu dần làm chúng ta có thói quen phòng ngự trước mọi thứ. Sẽ có những thứ mà mình thích hay không thích ngay từ đầu rồi, nên luôn có cảm giác phòng ngự với những điều xảy ra đó. Khi buông cái hàng rào đó xuống cũng là một cách tốt để duy trì cái khoảnh khắc, trạng thái ở trong Thực tại.

Q.Trường

Lúc nãy T.Sen có nói, trong tất cả cái thực hành như quan sát, chánh niệm, thiền, tụng chú, đọc kinh gì đó để lắng tâm xuống, đi vào Thực tại thì có bắt buộc là phải lắng tâm để đi vào Thực tại hay không hay có thể đi trực tiếp vào Thực tại được?

T.Sen

Em nghĩ hoàn toàn có thể đi trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào năng lực và cảm nhận của mỗi người. Mỗi người có sự tích lũy đủ dài, những người có khả năng nhạy bén người ta có thể đi trực tiếp vào cái Thực tại. Rõ ràng đi trực tiếp là họ đã đang cảm nhận được điều đó rồi. Còn để duy trì được lâu hơn chúng ta phải có phương pháp, có sự kiên trì thực hành. Nên nó có thể đồng thời diễn ra cả hai trường hợp đó ạ.

P.Thảo

Để có thể trực tiếp đi vào Thực tại, em có thêm một ý nữa là. Chừng nào chúng ta còn chưa thấy được việc mà chúng ta đang làm, tất cả tướng và tưởng là như huyễn thì cái khả năng thấy trực tiếp chưa có. Nhưng việc thấy trực tiếp chắc chắn là có, chúng ta thấy được như huyễn bao nhiêu thì sẽ đi vào Thực tại được sâu rộng bấy nhiêu. Thông thường thì vẫn phải qua các phương pháp thực hành như tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền hoặc lắng tâm. Nhưng theo em nghĩ, việc lắng tâm từ thực hành như tụng kinh, trì chú, niệm Phật hay ngồi thiền thì nó vẫn không phải là nông nhưng chưa thực sự rốt ráo. Thầy từng có bài giảng là, ánh nắng mặt trời chiếu xuống ngọn cỏ, đám cây trong buổi sáng sớm tinh mơ, lúc đó hạt sương nó còn đọng trên lá, ánh sáng mặt trời rất yếu không làm tan được những giọt sương, những hạt sương vẫn ở trên cái lá. Nhưng càng về trưa thì ánh nắng mặt trời càng mạnh, hạt sương có nước đó nó sẽ khô đi. Và việc đó cứ lặp đi lặp lại như vậy, có nước rồi lại khô, có nước rồi lại khô. Tức là chúng ta thấy như huyễn sâu đến đâu thì khả năng thấy trực tiếp mới được như vậy. Còn trước đó thì chúng ta vẫn phải dùng các phương tiện để thấy được mọi sự đều là như huyễn.

T.Thành

Em xin có câu hỏi: câu hỏi của em là có khoảng cách nào giữa tâm và Thực tại?

T.Sen

Theo em, giữa tâm và Thực tại không có khoảng cách, hai cái đó nó là một. Lý do làm nó có khoảng cách là vì chúng ta mất chánh niệm. Lo âu, sân giận, những trạng thái tâm không tốt nó khiến cho chúng ta mất cảm nhận. Em nghĩ, ở cấp độ cao hơn, ngay cả khi mình sân giận, mình tức, thì nó vẫn nằm trong cái Thực tại đấy. Nên với em, nó không có khoảng cách.

CH.Hải

Khi cái tâm nó ứng hiện ra qua cửa mắt tai mũi lưỡi thân ý. Chẳng hạn như mình nói cái thấy, thì cái thấy đầu tiên nó là Thực tại. Ngay cái thấy đó sanh một niệm là cái thấy nó mất. Mình nghe đầu tiên, nó là Thực tại. Nó ứng hiện trực tiếp mà. Có âm thanh là có nghe. Mình khởi phân biệt trong cái nghe là mất Thực tại. Thực tại luôn luôn ứng hiện, nó tức thời, nhưng do cái tâm phân biệt của mình nên nó bị che lấp đi. Mắt tai mũi lưỡi thân, năm cái đó, chẳng hạn ai chạm lên vai mình mình biết liền, nhưng mình đâu có thấy cái biểu lộ đó là Thực tại, mình sanh cái dễ chịu, không dễ chịu gì đó, đó là đánh mất Thực tại.

Cái khó nhất trong sáu cái cửa mà nó biểu lộ ra là cửa ý. Khi tâm mình nó khởi lên một cái gì là mình rơi vào phân biệt, dính mắc vô cái đó liền mà mình quên nó chính là biểu lộ của tâm. Nếu mình biết nó chính là biểu lộ của tâm thì nó chính là Thực tại. Thành ra mình thấy cái tâm, lúc nào cũng là biểu lộ của Thực tại. Nhưng cái lỗi của mình là ngay đó mình chấp, phân biệt, thành ra nó sanh ra như nãy Thảo Triều có nói. Thành ra vấn đề là mình thực hành để mình trải nghiệm điều đó chứ không phải là mình suy nghĩ được chỗ đó. Nên người ta mới trì chú, niệm Phật hoặc ngồi thiền gì đó cho nó lắng cái sự phân biệt đó đi thì tâm chân thật nó mới lộ ra. Nó lộ ra mình mới biết, à thì ra đây mới là nó, nó trong sạch, nó là Thực tại. Thực tại nó là cái gì đó rất cụ thể, tại tâm phân biệt của mình nên bị che đi cái biểu lộ đó, thành ra nó đánh mất cái Thực tại.

Trường có hỏi, thấy trực tiếp hay qua thiền định. Như T.Sen hay Thảo Triều trả lời đó, nó thì đúng. Nếu như người được giới thiệu trực tiếp thì thấy ra liền, còn không thì phải qua thiền định hoặc thực hành pháp môn nào đó, cho cái sự phân biệt nó giảm đi thì thấy được Thực tại.

T.Châu

Chú cảm ơn T.Sen và Thảo Triều đã làm chủ đề ngày hôm nay, Đi Vào Thực tại. Chủ đề này mà nói, chỉ để tạm nói thôi, chứ cái Thực tại không thể nói được, bởi vì nó không có ngôn từ trong đó. Thực tại là cái hiện hữu và Thực tại luôn luôn sẵn có và bình đẳng ở tất cả chúng ta. Nhưng cái tâm phân biệt của chúng ta, làm chúng ta xa cái Thực tại. Thực tại là cái không có không gian, không có thời gian, không có quá khứ, không có tương lai, và đặc biệt là Thực tại thì không có cái tôi. Từ cái tôi, cái phân biệt, nó làm cho ngăn cách, phân chia, chia chẻ, phân mảnh cái Thực tại ra. Rồi có cái trung tâm, từ trung tâm đó làm chúng ta xa cái Thực tại.

Thực tại là gì? Nó là Nền tảng, là Bản tánh của tâm, Thực tại là Đương niệm, là cái bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Chúng ta không dùng cái ngôn từ để mô tả cái Thực tại đó được. Cụ thể, lúc nãy nói về cái ly, chúng ta đang thấy qua sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, và thông qua sáu trần, sắc thanh hương vị xúc pháp, thì cái thấy như thị đó là Thực tại. Nhưng không phải cái Thực tại đó chúng ta không sống được với nó, mà chúng ta luôn sống với nó, nhưng do luôn bám víu vào cái tôi, cái của tôi nên chúng ta đẩy cái Thực tại đó ra xa. Sống được với cái Thực tại thì tâm chúng ta là gì? Đó là Thường-lạc-ngã-tịnh. Không chạy đâu thoát được.

Cho nên cái Thực tại là hiện hữu, là cái tối hậu, chúng ta phải thấy được nó, làm quen với nó, để chúng ta sống với nó. Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, đó là Thực tại. Thực tại luôn luôn hiện hữu, nhưng chúng ta không bắt kịp được, không chạm vào đó được, không làm quen được cho nên Thực tại bị phân mảnh. Thực tại, nó là Bản tánh của tâm mà, nó trùm khắp, chưa bao giờ xa lánh ngăn cách với chúng ta. Cho nên, không chia chẻ cái tâm, không phân biệt nữa, thì Thực tại nó hiện tiền. Sáu căn, sáu trần luôn luôn là Thực tại, tin được như vậy, trên quá trình thực hành, mỗi người mỗi phương pháp tùy vào căn cơ của mỗi người để thấy cái Thực tại, tương ưng với nó, làm quen với nó rồi sống với nó.

PT.Tùng

Nội dung của buổi hôm nay là Đi Vào Thực tại, mình nghĩ nội dung rất hay, nãy P.Thảo và T.Sen cũng chia sẻ thế nào là Thực tại rồi, nhưng cũng có một cái thú vị không kém, cái câu “Thực tại hiện tiền”, nó luôn luôn hiện diện rồi thì làm sao lại đi vào Thực tại, đi vào đấy. Và cái đấy mình nghĩ là thú vị.

Mình xin chia sẻ một chút. Mình nói theo khái niệm của mình thôi, không đọc nhiều kinh điển hay sách vở gì cả. Hôm qua bọn mình có đi chơi cả nhóm ở Côn Sơn, vào một rừng thông rất đẹp. Nói chung là leo trèo cũng mệt, vì có nhiều bậc thang. Lúc thở không ra hơi thì thấy có một cây thông rất to, nghe nói mọi người có truyền năng lượng vào cây thông. Thế mình cũng thử, ôm cây thông đó xem nó như thế nào. Thì quả thật, ôm cái cây thông đấy, nhắm mắt lại, buông hết các niệm, tạm thời gọi là buông hết các cái niệm đi hình như là có sự hòa lẫn sự mệt mỏi với năng lượng của cây thông và cả rừng thông đó, tự dưng người nó nhẹ bỗng lên, và có gì đó rất rộng. Thì không biết đó có phải là Thực tại tối hậu không, nhưng chắc chắn nó là Thực tại của ngày hôm qua.

Đến ngày hôm nay, tuy rằng không có đi chơi ở chỗ đấy nữa, ngồi tham gia pháp đàm với đại chúng, thì cũng có một cái cảm giác rất vui, rất là hoan hỷ. Được nghe mọi người nói, chia sẻ, cảm nhận thấy hình như nó có một cái gì đó rất chung, chung luôn cả cảm giác của ngày hôm qua kể cả cái mệt mỏi cũng hòa chung. Thế nên mình nghĩ, đấy chính là vấn đề đi vào Thực tại. Thực tại thì lúc nào cũng hiện tiền mọi lúc, mọi nơi. Nhưng vấn đề là làm như thế nào là đi vào Thực tại? Thì theo mình nghĩ đó là cái thấy biết cái Thực tại đó. Thực tại nó luôn hiện tiền, nhưng mình thấy gì ở cái Thực tại đó, nhận được cái gì ở cái Thực tại đó. Càng đi vào chiều sâu, càng nhận biết được cái Thực tại đó nó có cái gì thì đó chính là đi sâu vào Thực tại hoặc là nói là đi vào Thực tại. Đi vào Thực tại tối hậu như các vị thành tựu giả, hoặc như đức Phật hay các vị đắc đạo thì mình chắc còn lâu, nhưng cái hướng đi vào Thực tại tối hậu, nó vẫn là cái Thực tại đó thôi. Nhưng như đức Phật, cái Thực tại của ngài là gì? Cái Toàn Giác. Tức là cái gì ngài cũng rõ biết. Còn mình chỉ biết một hai phần thôi, rồi tăng lên ba bốn phần, rồi nhiều hơn nữa, thì đó là cái cách đi vào Thực tại.

Sh.Bình

Nói về Thực tại, Thầy cũng dạy nhiều và mình chỉ có cố gắng thực hành thôi. Ở trên chùa Tây Tạng, đợt đó mình đau gân lóng tay. Gần như nắm được bốn ngón thôi, bưng trái cây cũng không được luôn. Mình nhớ lời Thầy với mọi người hay nói là mình chỉ là cái biết thôi chứ không phải là cái đau. Nên mỗi lần cứ cầm lên là thấy mình là cái biết thôi không phải cái đau, cứ như vậy luôn luôn. Thành ra, có cái đau cũng tốt, nhờ đó mà mình chánh niệm, không có cái đau, chỉ có cái biết thôi.

Thịnh (SG)

Theo Thịnh, mình đang ở trong Thực tại và mình chính là cái Thực tại đấy. Vì sao vậy? Vì cái thực đấy chính là nó, không có cái gì khác ngoài nó. Tại đây và bây giờ mình chính là cái Thực tại đó. Do mình không biết cái niệm của mình, nó dẫn mình đi xa quá, rồi mình quên mất đi mình chính là cái Thực tại. Cho nên các vị xuất hiện trong đời, đức Phật, Thầy tổ luôn luôn nhắc nhở cho mình, mình chính là cái Thực tại tối hậu đó. Nhưng mình không có đủ niềm tin chấp nhận mình chính là Thực tại tối hậu. Nên các vị lập ra nhiều phương tiện để dẫn dắt mình đi lên, càng ngày càng nhận rõ được cái Thực tại, và cần có sự nỗ lực của mình để tương ưng với các sự dạy dỗ của các vị, rồi dần dần biết mình chính là Thực tại đó.

Trong kinh Pháp Hoa có một ví dụ, chàng cùng tử và ông trưởng giả. Chàng cùng tử là con ông trưởng giả, nhưng lại không biết mình chính là con ông trưởng giả, từ chối gia tài của cha để lại. Thành ra ông trưởng giả mới lập phương tiện, từ từ lôi kéo và giáo huấn cho chàng cùng tử để quay về được nhà và nhận ra ông cha của mình. Nên mình cũng vậy, giống như chàng cùng tử. Mình biết mình chính là cái Thực tại đó, chứ không phải chứng nghiệm gì nữa. Muốn như vậy thì phải có một cái tâm tha thiết, tâm tìm cầu và nương vào một vị Thầy hay vị Thiện tri thức, chấp nhận được mình chính là cái Thực tại.

NTT.Hương

Hương sinh hoạt trong đạo tràng ở Sài Gòn, và là cư sĩ. Với Hương, phương tiện để đi đến cái Thực tại là trì tụng kinh Pháp Hoa vào buổi tối, buổi sáng thì tham gia công phu khuya cùng với đại chúng suốt cả tuần luôn, mình thấy thực sự có hiệu quả và hiệu quả vô cùng. Bây giờ có một câu hỏi đặt ra cho T.Sen, với T.Sen, bạn chọn phương tiện gì để đi vào Thực tại, bạn có dùng phương pháp yoga như bạn đã đề cập ở trên không, hay còn có những phương pháp nào khác?

T.Sen

Mỗi người sẽ có một phương tiện để giúp mình đi vào Thực tại. Với em, trước khi đến với Phật giáo, cái phương tiện chắc không ai nghĩ đến đâu, đó là đan móc. Em ngồi đan móc bằng len một cái sản phẩm gì đó, em cảm thấy rất là bình yên. Em cảm thấy lặp đi lặp lại cái thao tác đấy nhiều lần khiến em cảm nhận được tốt hơn khi mình làm công việc nào đó. Đôi tay mình tập trung, khối óc mình tập trung. Ngay cái khoảnh khắc làm ra một cái sản phẩm, chẳng hạn như một cái giỏ hay một cái lót ly, mình không bị xao nhãng bởi những cái muộn phiền, có thể muộn phiền từ công việc, từ học hành, từ gia đình.

Sau khi đến với Phật giáo, thì có rất nhiều phương tiện. Với em, em thích trì tụng chú. Trong việc trì tụng, nhiều lúc mình xao nhãng, nhưng nhiều khi trong một tiếng hai tiếng có khoảnh khắc nào đó mình có cảm giác chạm vào Thực tại, tâm rỗng rang, không phân biệt.

Còn câu hỏi là em có thực hành yoga hay không. Em nghĩ, cái đấy là cái ví dụ để nói rằng không chỉ có đạo Phật mới có phương tiện như thiền, tụng kinh, trì chú để đưa mình vào cái Thực tại mà với tất cả những bộ môn thực hành khác có thể là thể thao tâm linh hay những các hoạt động sống hàng ngày khi một người nào đó, làm một việc nào đó với sự tập trung, quan sát và chịu khó nhìn nhận thì đóng cũng là một cái cánh cửa để dẫn dắt họ quay trở về với cái Thực tại đang diễn ra như thế nào.

M.An

M.An xin chia sẻ cái suy nghĩ cùa mình. Ngay cái tựa đề, M.An đặt lại câu hỏi cho chính mình thôi. Đi vào Thực tại, nếu thấy mình đang đứng ở trong Thực tại thì không có cái câu là đi vào Thực tại nữa. Tại vì, khi nghe giảng, thực hành, hay làm tất cả mọi việc thì sẽ có cảm nhận là mình không bao giờ ra khỏi cái Thực tại đó được, ở trong cái Thực tại đó chứ không phải là đi vào Thực tại nữa. Thì mọi cái như thực hành, hay ngay như cả cái ăn uống, đang nói chuyện, bên kia đang karaoke thì vẫn ở trong Thực tại, nhưng có điều là mình không biết thôi. Người nào không biết thì cứ chạy theo cái hình bóng, coi nó là thiệt thì mệt mỏi thôi. Thành ra, phiền não chính là từ cái đó ra, do mình không biết mình đang ở trong Thực tại.

Mình thực hành là mình đi tìm cái gì đó, đi vào Thực tại, là mình đi tìm cái đó chứ mình không biết là mình đang vốn sống trong đó. Chỉ là bây giờ mình nghe giảng, thực hành tụng kinh, trì chú hay ngồi thiền, yoga như hồi nãy có bạn nói, cũng chỉ để là mình nhận biết ra là mình đang ở trong Thực tại thôi. Thầy, hay các vị giảng để mình nhận biết ra được cái đó, rồi dần dần sống quen rồi thuần thục trong đó. Khi mình sống quen rồi thì mình giúp cho người ta nhận biết được cái đó chính từ nơi người ta chứ không phải đâu khác, không còn đi vào Thực tại. M.An đặt ngược cái tựa đề, mình đang sống trong cái Thực tại, không có đi vào, đó là khẳng định.

Còn đi vào là đúng, mình cũng phải có ngôn ngữ. Nếu chưa cảm nhận được cái Thực tại là gì, mình sẽ nghĩ là những phương tiện giúp mình đi vào Thực tại. Còn biết rồi, mình ngồi ăn cơm, uống trà, làm bất cứ gì thì cũng là ở trong cái Thực tại đó. Nó không bị giới hạn. Đúng là có lúc tụng kinh, trì chú, ngồi thiền làm cho mình dễ tiếp cận với cái đó. Nhưng phải một lần trực tiếp cảm nhận được thì sau này mọi cái mình cũng biết mình sống trong đó. Có loạn tâm thì cũng loạn trong đó. Tịnh tâm thì cũng như vậy thôi, không khác. Mình thích là định hơn là loạn, mình loạn là mình sợ hãi lắm, phiền não mình sợ hãi lắm mà mình không biết Thực tại nó giải quyết mọi thứ.

CH.Hải

Làm sao để phân biệt giữa Thực tại và Hiện tại?

Bình (HN)

Con chào Thầy và đại chúng. Con xin được trả lời về câu hỏi của chú Hải, “Phân biệt giữa Thực tại và Hiện tại”. Khi nói về hiện tại là nói về những gì đang xảy ra, có tính chất thu hẹp trong thời gian. Thực tại, là thực tánh của tất cả mọi thứ. Nếu tách hai cái đấy ra để nói chuyện, để phân tích, thì thấy hai cái tách rời nhau, nhưng thực ra rõ ràng là cái hiện tại nằm trong Thực tại. Ở đây con thấy có một vấn đề rất là rõ là, khi nói về Thực tại hay đi vào Thực tại thì ta đang cố gắng dùng cái ngôn ngữ của cuộc sống này để tìm hiểu để nghiên cứu về con đường dẫn vào Thực tại. Thì dù có nói như thế nào thì vẫn bị ảnh hưởng bởi cái vọng ngữ đó. Tuy nhiên, tùy vào mức độ tu tập của từng người ta có thể nói bây giờ ta đang ở trong Thực tại, đó là điều chắc chắn. Còn nói là đi vào Thực tại là nói về cái cụ thể hơn. Khi đã thấy được Thực tại thì khi đó chắc chắn cái đường đi đó không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào mức độ của từng người.

Có rất nhiều người ở Việt Nam đi sang tứ động tâm chẳng hạn. Sang bên đó họ bảo tôi cảm nhận cái gì khác. Thì con hiểu, đấy không phải là cái sự chứng ngộ hay cái thấy mà được định nghĩa, đi qua một khoảng cách vật lý và thời gian, mà đây con hiểu là, khi nào thấy được thì đó là Thực tại. Còn cái việc đi rất xa, trên cái con đường đó có những trải nghiệm, qua trải nghiệm đó, chúng ta nhận ra Thực tại. Các cách thức để chúng ta nói về Thực tại hay nói về con đường đi đến Thực tại thì chỉ là cách nói để chúng ta hỗ trợ nhau trên con đường tu tập.

Quay lại câu hỏi của chú Hải. Nói về hiện tại, ở góc độ tương đối, nó diễn ra trong hiện tại, có sự so sánh giữa quá khứ và tương lai. Ở góc độ tuyệt đối thì hiện tại và Thực tại là một.

LT.Hồng

Mọi người đã chia sẻ. Thực tại nó vốn hiện diện mà mình không thấy là do cái tâm phân biệt của mình. Những phương tiện thực hành như trì chú, niệm Phật hàng ngày để mình chú tâm, có thể đi vào Thực tại, nhận biết nó. Nhận biết nó rồi làm sao để sống được với nó. Theo Hồng, cái nhận biết đó làm cho mình có niềm tin. Chính cái niềm tin đó mình mới có cái nguyện, và cái nguyện của mình càng ngày càng rộng hơn. Muốn duy trì Thực tại cần có phước.

Có câu là “Phước huệ song tu”. Phước là cái Nền tảng để cho cái nền tảng vững bền. Còn không, đôi khi trì chú cũng có thể chạm đến Thực tại đó nhưng không có sự lâu bền, trải niệm đó đôi khi qua đi, chỉ là kỷ niệm thôi à, rồi mình lại quay về sống với sự che lấp, phiền não của mình. Nên mình càng nhiều phước thì cái Thực tại mình sống được sâu rộng hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, mình nghe nói là làm sao bớt những động tác thừa thì việc làm của mình chính xác và mang lại lợi lạc cho nhiều người.

P.Thảo

Con xin được chia sẻ thêm một câu chuyện. Trong cuốn sách mới đây chúng con vừa xuất bản, đó là cuốn sách về chữa lành lượng tử. Trong đó có một số ý giống như quyển Ma Trận Thần Thánh. Trong đó, con thấy có một câu chuyện như thế này. Về một vị đạo sư, vị đó vẫn có gia đình bình thường như mọi người. Người con của vị đó vẫn đi học và được cử đi học mười mấy năm, đi học về vị ấy rất là giỏi, giỏi về kiến thức thôi nhưng rất cao ngạo.

Người cha mới nói với người con trai là, con ra ngoài kia, hái cái quả trên cây mang vào đây. Người con hái quả đó xuống, người cha yêu cầu bổ đôi cái quả đó ra. Bổ đôi quả đó ra, trong đó có rất nhiều múi. Người cha lại yêu cầu, bổ các múi đó ra thì bên trong đó có các hạt. Người cha lại yêu cầu bổ tiếp cái hạt đó ra. Khi bổ cái hạt ra thì lại có những hạt nhỏ li ti. Người cha lại yêu cầu bổ tiếp những hạt nhỏ li ti đó ra. Bổ tiếp những hạt nhỏ li ti đó ra cuối cùng thì không có gì. Thế thì bài học người cha muốn dạy người con là, thực tế cái Bản tánh của tất cả mọi thứ nó đều không có gì cả. Việc này cũng được đo bằng các phương pháp khoa học về cả vật chất và tư tưởng. Đấy là câu chuyện về lượng tử rất là rõ ràng.

Ngoài ra, liên quan đến cái ý của cô Hồng chia sẻ, cũng giống chú Châu, chú Hải, chú Thịnh chia sẻ, con xin được chia sẻ thêm một ý nữa là. Để duy trì được cái Thực tại đó, trước tiên mình phải tin được rằng cái Thực tại đó luôn luôn có, tin một cách xác quyết, không có bất cứ một lý do gì, một nguyên do gì, một hoàn cảnh nào có thể làm xoay chuyển cái niềm tin đó của mình. Dù trời có sập, cái thân này có đi thì cái niềm tin đó không bao giờ được thay đổi. Cái niềm tin của mình phải xác quyết vô cùng mạnh mẽ như vậy. Sau đó chúng ta phải thực hành.

Việc thực hành, ngay như chính con con cũng cảm thấy con rất yếu kém. Nhưng thực hành là vô cùng qua trọng. Thực hành liên tục, 24/24. Muốn thực hành được như vậy, như cô Hồng nói cần phải có phước, có vị Thầy, có những người bạn, có những bức tranh, chuyến đi, những nhân duyên liên tục giúp mình để mình có thể thực hành liên tục. Trong cuộc sống hàng ngày mình rất dễ duôi. Thực hành ở đây không chỉ là gói gọn trong việc tụng kinh, trì chú, niệm Phật, mà thực hành ở đây con đang muốn nói là nhận biết cái Bản tánh của tâm và mọi phương tiện để nhận biết cái bản tánh của tâm đó. Những công việc, những hoạt động trong đời sống hàng ngày cần phải biết yêu thương, không bám chấp, biết buông bỏ thì tất cả những việc nhỏ nhất cho đến lớn nhất, mình có tác ý là yêu thương, không lấy mình làm trung tâm, không dính mắc, tất nhiên là rất khó, nhưng đó chính là cách thực hành để thấy được Bản tánh của tâm. Lúc đó mình mới nhận ra được Thực tại, mới sống và duy trì trong đấy.

V.Từ

Lúc nãy V.Từ có nghe một ý kiến, V.Từ thấy rất hay và tâm đắc. Đó là, mình chính là Thực tại và mình phải tin mình là Thực tại. Nếu như mình tách mình với Thực tại, mình phải đi tìm cách để đi vào Thực tại thì mình đã tách ra làm hai rồi. Nhiều khi nó không ở đâu ngoài mình hết, mình chính là Thực tại. Nếu có niềm tin vững chắc và một vị hướng dẫn, và đầy đầy đủ nhân duyên để thực hành thì cái Thực tại nó sẽ tự phát lộ ra. Ví dụ, câu mà V.Từ được nghe Thầy dạy và thực hành theo, đó là câu “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Chúng ta phải tin là chúng ta có Phật tánh, và từ cái Phật tánh đó nó mới phát lộ ra. Chứ không phải Phật tánh từ đâu bên ngoài mình.

V.Từ thấy nãy có một ý kiến cũng rất là hay. Hay ở chỗ là Thực tại này không phải nói rồi đi vào một cách dễ dàng trọn vẹn, rất khó. Mình cần có một người giới thiệu. Người giới thiệu đó đã thấy Thực tại đó rồi sống trong Thực tại đó rồi họ mới giới thiệu cho mình từng giây từng phút. Vì họ là Thực tại, Thực tại đó luôn luôn nhắc nhở mình là mình cũng là Thực tại đó. Để mình khai triển ra, chứ không phải là mình tìm kiếm đâu xa hay tạo dựng ra một cái Thực tại. Nếu như mình không sống, hay ở gần một vị luôn luôn ở trong Thực tại đó, mình sẽ luôn ảo tưởng. Mình đọc kinh sách, kiến thức có được từ việc học và nghe được rồi cái mình ảo tưởng. Ảo tưởng là mình sống trong Thực tại, thực sự mình không có, đó là mình ảo tưởng thôi chứ mình chưa hoàn toàn là mình tiếp cận được, khai mở được Thực tại.

Hồi nãy V.Từ cũng nghe một người nói về bát phong. Thì cái cánh cửa Thực tại này, nó sẽ ngược với bát phong. Bát phong nó đẩy liên tục. Còn cái thực hành của mình để mình chen vô cái cánh cửa Thực tại. Mở cách cửa đó rất khó, mình chỉ mở được khe nho nhỏ thôi. Rồi để nó không đóng lại thì mình phải kiếm một cái then chốt nào đó chặn nó lại để từ từ cánh cửa Thực tại mở ra luôn và mở ra hoàn toàn. Khi đó chúng ta sẽ sống thực sự và chúng ta là Thực tại.

T.Sen

Hôm nay chúng ta nói cái vấn đề đi vào Thực tại, nó là cái chủ đề chung thôi. Còn nếu như để xét về khía cạnh em tiếp xúc với bạn bè đồng nghiệp thì một cái để mọi người luôn đặt ra đó là làm sao để mình sống vui vẻ, sống hạnh phúc. Chị Thảo có chia sẻ về cái niềm tin, cái chúng ta kết nối với mọi người xung quanh, đó là một trong những cách để chúng ta giữ lửa, giữ cái cảm hứng cho mình để đi vào Thực tại.

Với mọi người sinh hoạt trong chùa, trong chúng thì gọi nó là Thực tại, còn với những người bên ngoài, những người bạn của T.Sen chẳng hạn, thì gọi đó là hạnh phúc, đầy đủ. Nghĩa là, khi có cái đó, mọi người thấy bình an thì Thực tại của mọi người nằm trong phạm vi về mong muốn. Ở đây mình mong muốn sâu hơn, cái niềm tin mạnh hơn nên mình hứa thực hành một điều gì đó để mình thâm nhập vào cái Nền tảng hay cái Thực tại. Còn với những người bình thường họ có niềm tin là họ làm chuyện A, chuyện B thì họ có được hạnh phúc. Hạnh phúc đó chưa phải là Thực tại, chưa được rốt ráo, nhưng mà nó là động lực để cho mọi người bình thường cũng cảm nhận được hạnh phúc.

NT.Nghĩa

Mình nghĩ Thực tại thì luôn ở đó, nhưng mình chưa tương ưng nên mình chưa thấy được niềm hạnh phúc. Phải tương ưng với nó mình mới hạnh phúc được. Trưa nay, bên cạnh chùa có đám cưới, họ mở nhạc và hát rất lớn, mình không ngủ được. Mình lên chánh điện ngồi thiền, mình cảm nhận được cái Thực tại là sao. Tự vì lúc đó mình không nghĩ mình là người nghe âm thanh mà mình nghĩ âm thanh đó chính là tánh nghe của mình. Chứ họ đánh bên đó mắc mớ gì đến mình. Thì có phải tánh nghe của mình nó thể hiện ra cái âm thanh đó không. Còn cái âm thanh của họ được để hiện là mở nhạc hát cai vui vẻ. Nhưng bên đây cái tánh nghe của mình thấy nhức đầu, nó không chịu cái âm thanh đó. Khi mình tương ưng thì thấy ta chính là âm thanh đó thì tự nhiên nó không còn chống đối, không còn hai nữa. Lúc đó mình với âm thanh là một và tự nhiên mình thấy nó nhẹ hẳn đi, mình thấy chịu đựng được, không còn nhức đầu nữa. Thì cô Nghĩa về phòng ngủ tỉnh bơ à.

Khi mình đối kháng, mình tách biệt mình là một, âm thanh là một, thì đó là hai rồi thì nó có sự đau khổ trong đó, có sự va chạm. Mình chính là âm thanh của mình, mình thấy vậy thì tự nhiên nó êm, nó dễ chịu và hòa nhập được. Cô Nghĩa nghĩ là Thực tại luôn hiện tiền nhưng có tương được không. Nếu tương ưng được, thì có hạnh phúc, còn chống đối, nghĩa là có hai là có ma sát, có mát sát tất nhiên là có đau khổ. Nếu mình tương ưng được thì đó là đi vào Thực tại.

L.Hằng

L.Hằng xin góp một ý này thôi. Cái Thực tại đó nó luôn hiện hữu. Nó chưa từng rời mỗi người, chưa từng rời xa ai hết, nhưng do cái chấp của mình, cái chấp thật của mình mà mình không thể nào tiếp cận được. Để tương ưng được với nó, L.hằng thấy mỗi người phải công phu để tịnh hóa những tập khí của mình. Với L.Hằng thấy đó là con đường duy nhất để tiếp cận Thực tại. Vì nó vốn ở đó, nó chưa từng rời xa mỗi người. Do cái chấp đó mà mình chưa thấy, chưa tương ưng được với nó.

TC.Lượng

Mình thấy chủ đề Đi Vào Thực tại rất là hay. Thực ra, chúng ta bàn là bàn cái Thực tại, còn việc bàn cái đi vào hay không đi vào thì bàn cũng được và không cũng được. Giống như câu chuyện nói về phướn động hay gió động. Hai người cãi nhau về gió động hay phướn động, mà thực ra là cái tâm động, chứ gió hay phướn không có động.

Thật sự khi nói đi vào hay không cũng là chỉ để nói, có cũng được, không cũng được, nhưng thật ra cái tâm của chúng ta ở đâu mới quan trọng. Chúng ta thấy, nói về Một pháp, hay một vị, nó cũng là Thực tại hay Thực tại tối hậu cũng được. Hay có câu trong pháp đàm lần trước là, “Một niệm không sanh muôn pháp không lỗi”, cái không sanh ở đây đó là không sanh cái tâm động. Hay chúng ta cũng có thể nói, một niệm bất sanh thì tất cả nó hiện bày, rõ ràng.

Vấn đề đi vào Thực tại, thì chúng ta cần phải thực hành, để làm sao để thấy cái Thực tại đó. Lượng thấy, Nền tảng, hay Thực tại tối hậu dường như nó luôn luôn ở đó. Thực hành để thấy nó, định và quán cũng để thấy nó, trong Tịnh độ tông, niệm Phật đó cũng chính là định và quán, ngồi thiền cũng là định và quán, đó là những cách để thấy được Thực tại, đi vào Thực tại.

CH.Hải

Mình xin chia sẻ về cái Hiện tại và Thực tại khác nhau như thế nào. Hồi nãy thì Bình cũng có nói rồi. Mình thì thấy rất đơn giản. Khi nói đến Thực tại sẽ không có quá khứ và tương lai. Còn Hiện tại nó đúng theo nghĩa tương đối thôi. Còn Thực tại là mình kinh nghiệm, một niệm khởi là nhớ biết. Giống như nãy M.An có nhắc phải kinh nghiệm được việc này, một niệm giác thì nó nằm trong cái toàn thể. Lúc ở trong niệm giác đó mình nói về quá khứ, nói về tương lai, nhưng nó vẫn ở trong Thực tại. Còn trong hiện tại, mình chẳng biết Thực tại nó như thế nào, mình tách ra cái quá khứ và tương lai. Nó khác nhau chỗ đó. Chính vì vậy mình phải kinh nghiệm cái Thực tại đó, duy trì nó bằng cách là niệm niệm mình thấy nó biểu lộ ra.

Lúc đầu Thảo Triều có nói, Tâm mình nó hiện diện, lúc đó là Thực tại. Nãy cũng có người nói vô niệm, vô sanh gì đó, mình khẳng định cái Thực tại nó là khẳng định, không có phủ định. Mình nhìn vào vật dụng, mình thấy luôn cái Thực tại, không phải phủ định. Khẳng định hay phủ định là dính mắc của mình thôi.

Thứ hai nữa, ở trong Thực tại mỗi niệm mỗi mới, không bao giờ cũ. Mình sống được với Thực tại mình sẽ thấy như vậy. Làm quen là làm quen với cái đó, rồi sống với cái đó, sống với nó là thấy đủ à, không có gì khác hết. Nó hóa giải mọi cái vướng mắc của thế giới hình tướng nhưng nó  không bỏ cái thế giới hình tướng.

NH.Thi

Nãy Thi có nghe chị Thảo Triều nói, không rõ lắm, chị có thể lặp lại một chút về Thực tại và cái Thấy Như nó là. Cái này em nghe cũng rất nhiều. Mong hai diễn giả cho em và đại chúng được biết về ý nghĩa của cái Thực tại cũng như cái Thấy Như nó là, nó có giống nhau không? Ý thứ hai là chúng ta hiểu thế nào về Thực tại và cái Thấy Như nó là và nó có liên hệ gì với nghiệp không?

P.Thảo

P.Thảo xin phép được trả lời câu hỏi của huynh Thi. P.Thảo thấy Thực tại thì nó Như nó là rồi. Mình sống trong Thực tại thì thấy mọi thứ Như nó là. Như nó là chính là thấy được cái bản tánh của chính nó.

Em chia sẻ theo góc nhìn của em, còn về thực hành, mỗi người có một trải nghiệm khác nhau. Em xin chia sẻ một cái trải nghiệm nhỏ của em khi em đọc cuốn Dzogchen (Đại Toàn Thiện). Cái thực hành của em theo hướng dẫn trong đấy là hiện diện và thư giãn, khi em thực hành ngắn, 7 ngày hay hơn 7 ngày gì đó thì em thấy mình lọt vào cái trạng thái mà em cảm nhận là, ô thì ra đây là cái Như nó là, tự dưng em vỡ òa ra. Tất nhiên cái trạng thái đó nó là ngắn ngủi và em có vui vẻ trong một thời gian khoảng 1-2 tuần sau. Nhưng để duy trì được nó thì lại là một câu chuyện khác. Khi mình thấy cái Như nó là rồi, mình sẽ không đặt câu hỏi nó là cái gì nữa.

Cái thứ hai, Như nó là nghĩa là mình thấy được tánh của tất cả mọi thứ, bản tánh của mọi thứ thì em có chia sẻ hồi nãy, câu hỏi về lượng tử hay các chia sẻ của mọi người, bản tánh của mọi thứ chính là Không, chẳng có gì cả. Khi nào chúng ta thấy được mọi thứ như huyễn, đều là Không. Thực sự thấy chứ không phải thấy bằng khái niệm. Còn cái thấy bằng việc học, việc đọc như câu chuyện phân tích về lượng tử thì cái đó nó cũng chỉ là khái niệm, cái hiểu biết thôi. Còn khi thật sự thấy được, duy trì được như thế thì đó là chúng ta sống an vui rồi ạ.

Câu hỏi tiếp của huynh Thi là chúng ta hiểu thế nào về Thực tại và cái Thấy Như nó là và nó có liên hệ gì với nghiệp không? Thực ra, từ đầu buổi đến giờ, đại chúng cũng chia sẻ nhiều khía cạnh khác nhau về vấn đề này, và chỉ ra một điều quan trọng, đó là phải thực hành. Việc bày tỏ ngôn từ cũng chỉ là mượn cái ngôn từ như vậy thôi. Giống như ngài Ajahn Chah có nói, khi mua nước dừa thì bắt buộc phải dùng cái gáo dừa, đựng nước dừa để uống. Uống xong thì chúng ta hạ cái gáo dừa đó xuống và không dùng nó nữa. Thế nên nhiệm vụ của cái gáo dừa là để đựng nước dừa để uống. Ngôn ngữ cũng vậy, những cái trao đổi của chúng ta cũng vậy, nó là cái phương tiện để nhận ra, đi đến cái Thực tại. Không phải là thức để chúng ta bám chấp và kẹt ở trong đó. Nên em nghĩ, tất cả các chia sẻ để làm cho chúng ta tin tưởng và nhận ra, đến khi nào chạm vào điều đó rồi, chúng ta sẽ không còn thắc mắc nữa. Không còn nghi ngờ con đường mình thực hành nữa.

Về câu hỏi của huynh về việc có liên quan đến nghiệp không. Em nghĩ là, một người đã sống trong Thực tại, thì không còn nghiệp nữa. Cái mà chúng ta đang nhìn thấy dù là nghiệp thiện hay ác đó thực ra là nghiệp. Bởi vì chúng ta vẫn còn ở trong cái đối đãi về mặt nhị nguyên. Còn khi đã sống trong Thực tại rồi, thấy được bản chất của nó rồi thì tất cả mọi thứ nó đến rồi nó đi. Sống trong dòng sông rồi thì không còn đứng bên hai bờ nữa, đâu còn nghiệp. Châu chuyện của em đang nói ở đây, tất nhiên là em vẫn đang đứng ở bên một bờ, em chưa vào trong dòng sông, nhưng mà đây là sự hiểu biết của em về vấn đề này. Và cái niềm tin của em về việc thực hành nó là như vậy.

CH.Hải

Mình xin bổ sung cái nghiệp và tịnh hóa nghiệp. Mình tạo nghiệp từ thân khẩu ý, nên nó có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Vấn đề của mình, một niệm khởi lên mà mình không thấy trước nó thì nó sinh ra một nghiệp. Mình thấy các hình tướng xung quanh cuộc sống của chúng ta mà không nhận biết được nó thì nó cũng tạo nghiệp. Vì vậy, cái ý nghiệp là tinh vi nhất. Nó điều khiển thân và khẩu nghiệp. Nó là ông chủ tạo nghiệp mà. Một niệm khởi lên mình nhận biết được, đó là tịnh hóa nghiệp, thậm chí hóa giải được nghiệp quá khứ. Còn một niệm khởi lên không nhận biết được thì nghiệp nó sanh. Nó sanh nó trói buộc rồi nó làm thành cái thế giới sanh tử triền miên. Vấn đề là mình phải tỉnh giác đến cái ý nghiệp của mình. Mỗi một ý khởi lên là mình phải biết trước, lúc đó mới hóa giải được. Còn mình chờ nó khởi mới hóa giải thì mình chạy theo nghiệp và không hóa giải được bao nhiêu.

NH.Nam

Em xin có ý kiến như vậy. Để chạm được cái Thực tại mình cần có một quá trình tịnh hóa. Cụ thể, mình nhận ra được lỗi lầm của mình. Bản thân Nam thấy chuyện đó khó. Có những lúc mình thấy dễ nhìn ra những xáo động trong mình, biết được cái nào mình làm sao, cái nào có vẻ hợp lý. Phần lớn thời gian mình bị cái tham sân si dẫn dắt. Đợt vừa rồi có tham gia buổi lễ lạy 500 lạy, em thấy khi mình có tham gia vào hoạt động chung với đại chúng, mình cứ theo đà đó mà xuống thôi. Một mình mình làm chắc làm không được. Nhưng cứ buông xả mình, buông mình theo đại chúng, pháp hội đó. Cô dẫn ý, cô cứ đánh bong một cái thì xuống, đánh bong một cái thì xuống, cứ vậy. Lúc đó, giống như thằng tôi nó cũng thua luôn.

Một cái nữa là mình có thể tận dụng những cái chuyến đi, những thánh tích, những nơi có năng lượng cao, để qua đó mình nương theo đó. Như mấy bữa nay, lạy xong, cái chân đau hết trơn đi không được, nhưng mình lên cái xe, cái xe nó chạy, mình đâu có chạy. Nên mình nương vào những nơi có năng lượng cao đấy nó đẩy mình đi.

PHẦN II - THẦY GIẢNG

P.Thảo

Cho con xin phép được hỏi Thầy một câu là: Một người ở trong Thực tại thì có những dấu hiệu như thế nào? Con xin Thầy giảng dạy cho chúng con ạ?

Thầy

Thì cúng dường cho họ. Vấn đề là mình đừng có những khái niệm lôi thôi. Mình thấy ngài Tế Điên vậy đó, làm sao mình biết được Thực tại. Mà biết để làm gì?

Quan trọng nhất là mình phải biết cái Nền tảng, cái Thực tại là gì. Rồi mình sẽ biết được người đó sẽ sinh ra từ Thực tại hay không. Người đó theo cách nói của Ấn Độ là người đó có sinh ra lại một lần thứ hai hay không. Trong kinh Phật nói rất rõ, Tu Bồ Đề từ miệng Phật sanh. Từ miệng Phật sanhh là sinh ra từ Thực tại chứ còn gì nữa. Từ Pháp hóa sanh. Thành ra mình chỉ cần biết Thực tại, niệm Phật là gì, pháp là gì thì mình biết ông đó có sanh ra từ đó hay không.

Mình đã tiếp xúc được Thực tại chưa, Thực tại là gì? Đừng có khái niệm nào hết. Thực tại là khi anh mở mắt ra anh nhìn mà không có một người nhìn. Hiểu chưa? Có cảm thấy được chút nào không, anh nhìn mà không có người nhìn, anh thấy mà không có một người thấy. Đó là Thực tại.

P.Thảo

Mô Phật! Con cảm ơn Thầy ạ!

Thầy

Cứ tiếp tục hỏi nữa, không có cảm ơn. P.Thảo hỏi, thì Thầy cũng có quyền hỏi lại chứ không phải chừng đó thôi đâu.

Có bao giờ cô thấy cái cô P.Thảo biến mất không. Cô thấy như vậy thì đó là Thực tại, chứ không có đi vào đi ra gì cho nó lôi thôi. Khi nào cô muốn thấy Thực tại thì cô hãy biến mất đi. Trong Phật giáo nói rất rõ ràng, thấy mà không có người thấy, nghe mà không có người nghe, nói mà không có người nói, đó là Thực tại. Thành ra mình có thể thấy Thực tại bất cứ lúc nào, chứ không cần khái niệm Thực tại, thực đồi gì hết.

Những vị thực hành vipassana, nó có thiền hành. Thiền hành đích thực là đi không có người đi. Chứ anh đi mà anh muốn gom hết về để nổ với thiên hạ thì Thực tại cái gì. Có bao giờ đi vipassana không, dù bất kỳ người nào cũng vậy thôi, đi vipassana là có thiền hành. Ngài Nhất Hạnh cũng có thiền hành. Thiền hành là sao. Để mình chứng nghiệm là đi mà không có người đi. Còn đi để lấy cái dáng cho đẹp thì đó là chuyện của mình. Chứ thiền hành là không có người đi. Đó là Thực tại. Mình tin như vậy, thì mình làm để chứng nghiệm nó. Làm mà không có người làm. Một năm cô xuất bản mấy chục cuốn sách nhưng thiệt ra không có người làm. Còn mình nói có người làm có P.Thảo giỏi lắm, thì đó là không phải Thực tại. Thực tại là gì? Anh kinh nghiệm một cái gì đó mà không có người kinh nghiệm, còn có người kinh nghiệm thì đó là nghiệp.

Mọi sự nó dễ dàng như vậy đó. Thứ nhất mình phải tin mọi vị đều nói như vậy hết, đi mà không có người đi. Cách đây mấy năm P.Thảo hỏi Thầy đó. Cô đi ra Hồ Tây mấy vòng, cô biết Thực tại là gì không? Đi mà không có người đi. Còn cô thấy đi mà có P.Thảo đi và có ai đó đi thì nó sinh ra nghiệp, sinh ra cái trí nhớ, cái thành tích trong đó. Ngày nào tôi cũng đi một vòng Hồ Tây, thì cái đó nó sinh ra là nghiệp. Nghiệp là trí nhớ. Còn cô đi một vòng hay một khoảng nào đó mà không có người đi thì giống như thiền hành, đi mà không có người đi. Không có người đi thì đó là Thực tại. Nên ngài Ajahn Chah nói không có ai cả là như vậy đó. Còn mình khốn khổ như vậy, vì mình thu lượm kinh nghiệm quá nhiều. Cuộc đời của mình là những thu lượm.

Ngay mình học kinh Phật cũng vậy. Mình ráng làm sao thu lượm cái kinh Phật để mình về mình nói là tôi hiểu cái này, tôi hiểu cái kia. Đó chỉ là những khái niệm thôi. Mà nói thẳng ra những khái niệm chỉ là những xác chết. Nó chỉ dành để trang hoàng cho cái Tôi của mình thôi. Đi mà không có người đi, nghe mà không có người nghe thì đó là Thực tại. Thực tại thì nó không ô nhiễm cho nên nó không có nghiệp, vì có người đâu mà có nghiệp.

Hôm nay Thầy nhận được mấy quyển Chữa bệnh lượng tử. Thấy dữ dội không. Không có ai hết thì lấy đâu mà chữa bệnh. Còn mình nói tôi chữa bệnh cho tôi thì cái tôi càng ngày nó càng lớn ra. Đơn giản vậy thôi. Như ngài Ajahn Chah nói không có ai cả, không có vấn đề gì hết. Ông Krishnamurti ông nói, không có vấn đề nào hết, kể cả vấn đề tu hành, nó có thì đều là của bạn, đó là phiền não của bạn, bạn mới đem vấn đề ra. Phiền não là một vấn đề, còn không có ai cả thì có vấn đề nào?

Mình phải coi lại. Tại sao mình tham những khái niệm như vậy. Chẳng qua là cuộc đời mình nó trống rỗng quá, mình phải đắp vô thêm. Ngoài những bằng cấp của mình, gia đình của mình, mình cứ đắp đắp đắp đắp mà không ngờ ở trong không có gì hết. Khi nào thấy không có gì hết đó là giải thoát, đó là tánh Không. Khỏi đắp nữa. Còn cả cuộc đời mình đi sưu tầm những cái y như mấy anh mua ve chai vậy. Thấy mấy cái rác đó rồi đắp lên, đắp lên, đắp lên. Càng đắp càng khổ.

Rồi mình trang điểm cho mình. Trang điểm ghê lắm. Mấy cô trang điểm son phấn này kia. Nhưng mấy ông còn trang điểm ghê hơn mấy cô nữa. Trang điểm bằng khái niệm này, khái niệm nọ, cuốn sách này, cuốn sách nọ. Mà đâu có ngờ bên trong không có gì để trang điểm hết. Anh không thể trang điểm hư không được. Dầu anh trang điểm bằng ông Krishnamurti, một ngài nào đó, anh không thể trang điểm được. Không gian không thể vá được. Khổ là vì mình cứ trang điểm thôi, gương mặt xưa nay có đâu mà trang điểm. Mình muốn kinh nghiệm Thực tại thì mình cứ mở mắt ra nhìn, thấy. Cái đó mình học rồi. Thấy mà không thấy gì cả, đó là cái thấy. Đó là bài kệ của ngài Dakini nào đó. Thấy mà mà không thấy gì cả thì là cái thấy. Còn thấy mà có cái tôi thì cứ sanh tử luân hồi tiếp tục, tiếp tục.

Nhìn cho kỹ thì không có cái tôi. Thầy thực tế lắm, Thầy theo trường phái triết học thực nghiệm. Ông nào nói có cái tôi thì đưa ra đây tôi coi để tôi xử lý. Nhưng đưa ra không được. Ông có cái áo, ông bảo ông cởi ra đưa cho bạn coi, cái đó được. Còn ông nói ông có cái tôi, thì ông đưa ra đây. Ông tìm ba ngày, năm ngày, vài tháng, vài năm, ông đưa ra cho tôi tôi sẽ xử lý. Lúc đó tôi sẽ giải thoát cho cái tôi của ông.

Thầy bây giờ là thách thức thôi. Anh nào muốn giải thoát thì anh ngồi thiền mấy tháng, mấy năm đó, rồi anh kiếm cho ra cái tôi, tôi sẽ đập một cái bể liền. Thành ra mình thấy cuộc đời mình nghèo khổ lắm. Cứ vá víu cái này cái nọ. Mới bữa trước vá tánh Không, rồi nhảy sang vá Ma trận thần thánh, rồi bữa nay lại vá Thực tại. Thầy thách thức mấy ông đó. Ông nào đưa ra được, Thầy sẽ tặng cho món quà giải thoát liền, khỏi tốn tiền. Khổ cái là, mình nghe giảng biết bao nhiêu mà vẫn mê tín là có một cái tôi. Rồi khổ vì cái đó.

Thầy nói đi nói lại rất nhiều, ngành thần kinh óc bây giờ, nó nói là trong óc mình có cái trung tâm. Ngôn ngữ nó có cái trung tâm nào đó, trí nhớ nó có cái trung tâm nào đó, thậm chí thăng bằng nó cũng phải có cái trung tâm thì mới giữ được thăng bằng, chứ không thì đi sẽ bị nghiêng qua nghiêng lại. Nhưng hỏi bộ chỉ huy tổng quát của cái trung tâm đó là cái tôi, thì không thấy có. Khoa học thần kinh nó nói vậy mà. Nhưng mình có cái khổ là mê say cái tôi, thành không có mà không chịu tin. Vì mê say đó nên lo đi kiếm kinh nghiệm. Càng kinh nghiệm nhiều càng tốt. Kinh nghiệm lúc còn đi học thì làm toán giỏi, rồi lớn lên lại kinh nghiệm này kinh nghiệm nọ. Nhưng khổ cái, thu thập nhiều lắm nhưng không có chủ nhân. Cái nhà trống rỗng. Nên nhớ mình khổ đau là khổ đau trên những kinh nghiệm của mình thôi. Ông có kinh nghiệm đó, tôi không có tôi khổ. Khổ đau trên những đám bọt bèo thôi.

P.Thảo

Thưa Thầy. Con không có câu hỏi nữa ạ, nhưng mấy anh em chúng con ở đây rất là biết ơn bài pháp của Thầy hôm nay. Mỗi lần được gặp Thầy, nhìn hình Thầy như thế này và nghe Thầy nói chúng con cảm thấy đầy đủ. Thật sự rất đầy đủ ạ.

Thầy

Mà thấy hình Thầy, gặp Thầy, coi chừng là bị đánh lừa đó. Ông thông minh lắm. Thật sự ra là có ông hay không. Thầy thấy mấy người Hà Nội nói năng ngon lành lắm, lịch sự lắm. Mỗi lần gặp Thầy là con thấy y như là thoát rồi, con gặp Thầy là đầy đủ lắm rồi. Đầy đủ gì mà đầy, đầy thế quái nào được. 

T.Sen

Con là T.Sen, nhưng con cũng không biết hỏi gì, con cứ thấy trôi tuột như không có gì ạ. Chị Thảo thì thấy đầy đủ, nhưng con thì thấy nó trôi tuột ạ.

Thầy

Thầy cũng thấy trôi tuột để làm sao cho tháng tới nó đừng có đọng rác nữa. Chứ nói trôi là nó trôi ra biển hết đó. Khổ nỗi, nó trôi rồi nó đem đọng lại rác tùm lum hết à.

PH.Thái

Thưa Thầy, thưa đại chúng cho con xin hỏi ạ. Thầy có dạy là không có gì cả.

Thầy

Ông nói là Thầy không chịu rồi đó. Thầy dạy hồi nào mà ông cứ đụng cái là Thầy dạy cái này, Thầy dạy cái kia. Thầy dạy hồi nào? Ông đừng có bị ba cái chuyện này đó nó dẫn. Ông cứ thuộc lòng câu trong Kinh Kim Cương đó, “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”. Ông cứ Thầy dạy, mỗi ông vô là cứ đem Thầy ra làm cái bia đỡ đạn, Thầy dạy thế này, thế nọ. Ông có tin Thầy dạy hồi nào không. Tin thì cứ tìm hiểu đi. Bởi vậy cho nên nói đúng cũng là sai, nói sai cũng là sai, mà không nói cũng là sai. Mà vừa nói vừa không nói cũng là sai. Ông phải như vậy đó. Thôi giờ ông hỏi tiếp đi.

PH.Thái

Thưa Thầy, với cái tâm không có gì. Từ nơi đó mình lập các hạnh, sống trên đời này, mình phải quan sát, làm việc. Vậy không có gì cả, bắt đầu thực hành thì mình nhìn, nhớ những chuyện đó, thì có những lúc mình mất kiểm soát. Bị nghiệp, thói quen dẫn.

Thầy

Đơn giản, cái không có gì như Thái nghĩ đó là cái không có gì cả của anh vô chính phủ, xì ke ma túy. Chính vì không có gì cả mà lại rất rõ ràng tất cả mọi sự. Sở dĩ mình không rõ ràng bởi vì mình làm cái gì là chấp vào cái đó. Chỉ thấy cái đó thôi. Thấy Thái mặc đồ đỏ là thấy cái đỏ thôi. Chứ không thấy ông Châu mặc màu trắng, cô D.Đức mặc màu xanh. Không có gì cả thì mình thấy được tất cả. Chứ không phải không có gì cả theo như mình nghĩ là không có gì hết đâu. Ví dụ, trên cái màn hình máy vi tính hiện giờ có mấy chục người, chút nữa mình tắt màn hình đi, thì không nhìn thấy ai nữa, không còn gì cả nữa. Nhưng chính vì không có gì cả mà có tất cả, cho nên nó hiển hiện ra tất cả mọi người, từ Hà Nội cho đến Cần Thơ, chứ đừng nghĩ là không có gì cả. Ông sợ không có gì cả là ông vội vàng cầm phao, cầm áo tùm lum túa lua. Chứ không có gì cả chính là người tự do.

Người tự do là người giống ngài Tăng Xán nói trong Tín Tâm Mình đó, “Đạo lớn không khó chỉ có đừng chọn lựa”. Anh không có gì cả thì anh không có chọn lựa. Anh cầm cái nào là đúng cái đó, khỏi cần chọn lựa. Chọn lựa là đi vào cái thức rồi, nó chọn lựa theo cái tham của mình, cái sân của mình, cái si của mình, cái kiêu căng ngạo mạn, cái đố kị của mình. Mình cứ coi các ngành học bây giờ đó. Kinh tế học hành vi chẳng hạn. Mình cứ tưởng mình mua cái gì, mình chọn lựa cái gì, đó là lý trí của mình. Không phải, mình bị chọn lựa, mình bị mua chứ chứ không phải là mình mua. Đó là kinh tế học hành vi đó. Mình tưởng là mình tự do lắm, không phải. Mình bị thôi miên sao đó nên mình bị mua chứ không phải mình mua. Nên mình thấy cuộc đời mình mua nhiều thứ lắm nhưng thấy nó không phải. Mua nhiều thứ lắm, lấy nhiều thứ lắm, kể cả lấy vợ, nhưng mình thấy nó không phải.

Nhiều khi lỡ bước rồi, mình mới dùng những ngành tâm lý học, phân tâm học, cũng tốt, cũng tốt. Rồi đem đạo ra nói là cũng tốt, biết đâu đó là vị Thầy của tôi, dạy cho tôi, đưa khó khăn vào đường đạo. Mình nói tùm lum túa lua hết. Thầy hay nói vậy đó. Vô minh là gì? Là tự lừa đối mình thôi, chứ không có cái vô minh nào hết. Mình tự lừa dối mình bằng đủ thứ mọi kiểu. Mà tạo sao mình tự lừa dối mình. Bởi vì mình chạy trốn Thực tại. Đã nói rồi, mở mắt ra nhìn, nhìn thấy mà không có người thấy. Nói vậy rồi, nhưng mình sợ lắm, cho nên chạy trốn nó. Thầy cũng chạy trốn nó bằng cách bắt mấy người đi dọn cơm ăn, chiều nay còn có cái bánh sinh nhật chưa ăn hết, đó là những cái chạy trốn, đời này chạy trốn ghê lắm. Đàn ông thì chạy trốn trong bia, này kia cho quên đi, tự do.

Thành ra Thầy nói nhiều rồi. Thứ nhất là phải tin chuyện đó. Phật giáo đã nói 2600 năm rồi, nhiều vị cũng nói vậy rồi, mình phải tin, phải thực tập. Mở mắt ra nhìn, thấy mà không có người thấy. Có phải đó là Thực tại hay không. Chỉ có mình sợ nó, mình trốn tránh nó, rồi mình che lấp bằng cái gì đó. Khuôn mặt của Thực tại đó là khuôn mặt của tánh Không. Đáng sợ lắm, nhưng anh chịu khó anh nhảy vô đó thì anh mới trở lại tái sanh được. Tái sanh nghĩa là mình sanh lại một lần nữa, sanh lại một lần thứ hai. Mình không chịu chết thì lấy đâu mà tái sanh. Mà mình thấy như sư bà Đại Hạnh nói chết ba lần là vậy đó. Chúa cầm hạt lúa lên và nói, nếu như hạt lúa này mà không chết đi thì không bao giờ có ra cái cây được. Chết thì mới có tái sanh, mới có sự sống. Muốn ngon thì vài tháng nữa lên cạo đầu và ở đây luôn thì tự nhiên là hết xài. Người giải thoát là người hết xài thôi chứ có gì đâu. Nói như Lão Tử là vô dụng, đó là giải thoát đó. Còn anh nói sử dụng là anh còn bị móc nối. Có một cô nào đó thấy anh có một giá trị gì đó là ông sẽ chết. Còn vô dụng, giống như Trang Tử nói, cái cây mà nó xấu xí vô dụng không làm được gì thì nó sống mãi. Còn cái cây đẹp coi chừng chết.

Có biết bên Thiên Chúa giáo nói về rửa tội không. Bên mình gọi là tịnh hóa. Tịnh hóa với rửa tội giống nhau. Vấn đề là mình phải biết làm. Tịnh hóa mà càng ngày càng gồ ghề ra là sao. Chứ tịnh hóa là trơn lu à, hết tội. Hết tội là tịnh hóa chứ có gì đâu.

Không còn gì thì sống làm gì. Thầy tâm đắc cái câu ông Thái nói đó. Không có cái gì hết thì làm sao mà sống.

TC.Hải

Kính thưa Thầy và đại chúng, để thấy mà không có cái tôi thì lúc đầu mới vô mình phải tin. Nhưng con thấy trong thực hành con thấy cái vấn đề là... (không nghe rõ)

Thầy

Nhưng mà ông đã tan chưa? Thầy thấy ông có tan đâu. Ông còn nguyên con mà càng ngày càng hùng mạnh ra nữa. Khổ vậy chứ, Càng ngày càng khỏe ra chứ, ông có tan đâu. Khi mà anh tan thật sự, thì giống như trong Thiên Chúa giáo, lúc Chúa nói chuyện là người ta chỉ thấy cái vùng ánh sáng thôi chứ không thấy người nữa. Biến hình. Khi nào ông Biến hình thì hãy nói. Chứ ông tan gì đâu, càng ngày càng xương xẩu chứ có tan gì đâu. Trí thức càng ngày càng nhiều, miệng mồm càng ngày càng giỏi thì tan cái gì mà tan.

Một trong những cái của Thiên Chúa giáo là biến hình, có cái lễ đó đó. Thấy ông vô đó ông nói chuyện với ba người nữa và các đám đệ tử đó không còn ai hết, chỉ thấy vùng ánh sáng vậy thôi. Rồi sau đó, chính Chúa ra dặn các đệ tử là đừng có nói chuyện này cho đến khi ta chết và ta sống lại. Kinh khủng vậy đó. Còn ông mà tan gì, trời ơi. Nói vậy chứ rất khó. Một trong những vị ngon lành, một vị thánh như ngài Vivekananda đó, gặp Thầy của mình là Sri Ramakrishna, khi mà Sri Ramakrishna đặt bàn chân của mình lên đùi của Vivekananda là Vivekananda hốt hoảng lên liền, thưa ngài con còn gia đình, còn học cho tốt nghiệp này nọ. Đó, tan sao nổi mà tan. Mới đặt lên là ông hốt hoảng, ông hết hồn rồi. Đó là sự thật. Dễ gì mà tan. Một ông thánh ở cõi nào tới chứ không phải đời thường đâu mà mới bắt đầu tan cái là ông hoảng hồn lên liền. Thưa ngài tôi còn đi học, còn gia đình, còn cha, còn mẹ. Nói vậy xong ông kia ông rút chân ra. Rút chân ra thì thôi, hoàn lại nguyên con.

Phải không Hà? Ngày nay Thầy la Hà mấy cữ rồi. La miết mà không tan chứ. Khối tình gì đó, Trương Chi gì đó, không tan nổi, la quá trời quá đất mà nó không tan. Trái tim mình nó đọng thành một cục gì đó nó không tan nổi. Chỉ có giọt cam lồ nào đó nó nhỏ xuống thì tan.

TC.Hải

Cho con xin hỏi thêm. Ví dụ, con thấy cái âm thanh... (không nghe rõ)

Thầy

Thì đó, nó tan không nổi, dễ gì mà tan. Ông để cục nước đá dưới ánh sáng mặt trời nó mới tan chứ ông để nói ở nơi mát mát nó đâu có tan hoặc nó lâu tan lắm. Thành ra chuyện đó nó chưa thực tế. Mình đọc sách này nọ, niệm nó khởi lên nó tan vào hư không y như đám mây tan vào bầu trời, đó là sách vở, là khái niệm. Còn thực sự ra là mình không tan nổi. Mà thôi, Thầy chấp nhận việc đó. Vì Phật giáo có nói rằng, trong giai đoạn thứ nhất mình phải sống bằng những khái niệm, thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Mình thực hành trên cái đó là trên những khái niệm. Cho đến khi đến giai đoạn thứ hai là khi lần đầu tiên anh thấy được cái đó, cái Thực tại là gì, trong kinh nó gọi là Pháp thân đó. Rồi anh anh thấy Hoan hỷ địa. Bởi vì từ nay mình dòm thấy giống đức Quan Thế Âm, mình giống đức Văn Thù, mặc dù mình thua nhưng mình thấy mình giống. Đó gọi là Bồ tát tánh, tánh Bồ tát. Cùng giống với nhau, cùng họ với nhau, cùng gen với nhau. Trong đó gọi là bắt đầu có chủng tử Phật. Chủng tử Phật là gen của Phật. Khi nào ông đi viện Pasteur khám xem gen của ông được chưa, giống chưa. Thành ra mình tan là mới giai đoạn đầu thôi, rồi giai đoạn thứ hai là mình chứng thực cái Thực tại đó, chứng thực rồi mình bắt đầu sống với nó, rồi lúc đó mình mới chuyển đổi phước đức thành công đức được. Chứ không thôi còn cái tôi thì chỉ là phước đức. Anh có cúng dường bao nhiêu cũng là phước đức thôi. Cùng lắm lên đâu làm ông vua, lên mấy cõi cao thôi. Chứ nó không thành công đức. Công đức là khi anh hòa phước đức, hòa công việc của anh vào tánh Không thì đó mới thành công đức. Rất rõ ràng. Giai đoạn thứ ba, bất thối chuyển, có nghĩa là không thể không thành Phật được. Trước sau gì anh cũng phải thành Phật thôi. Kinh lắm.

Bên Thiên Chúa giáo gọi tội tổ tông là cái gì biết không? Chính những khái niệm như Thực tại thì đó là tội tổ tông đó. Ông có thấy mấy ông thiền sư đó, khi mà ông tổ, ông Thầy của mình ông thuyết pháp là ông lật ngược thiền sàn của mình ông ý đi ra. Nói ông ý bịt tai lại không thèm nghe. Lúc đó mới hết ba cái khái niệm. Còn mình nghe mấy cái đó mình khoái lắm, thu thập thu thập, thu âm. Nghiệp. Thu âm là  nghiệp chứ gì nữa. Trong cái này là nghiệp hết đó. Rồi vài bữa mình xổ cái này ra hù thiên hạ. Thực tại là xưa rồi, bây giờ phải Ma trận thần thánh, nói ở cấp độ lượng tử thôi, Nền tảng là xưa rồi.

NT.Thành

Con thưa Thầy, thưa đại chúng. Con cũng theo dõi các đề tài trong đại chúng. Con để ý và thấy mọi người cố gắng hướng tới một cái như tìm một điểm nào đó để bấu víu. Giống như đi tìm Thực tại thì lấy cái khái niệm Thực tại để bấu víu. Nhưng con nghĩ, có một cái tốt hơn mà mình nên làm đó là mình chơi thẳng luôn, đó là từ bi, là công đức, mình tiến thẳng vào cái đó. Nhưng con thấy mọi người ít đề cập đến chuyện đó. Con xin Thầy giảng thêm cho chúng con về cái đó.

Thầy

Bây giờ ông muốn cái gì? Vấn đề là vậy. Nên nhớ những thứ đó vẫn là những khái niệm. Mình nói thực hành thì mình phải thực hành đi chớ. Thầy dòm tướng ông nào mà hồng hào, ví dụ như cô Hồng này này, thấy cô hồng hào thì ít ra cô cũng có làm phước đức. Mà không chừng là công đức. Mình thực hành để thân tướng mình đổi đi chứ. Cô Hà, sáng giờ bị Thầy la, nhờ đó cũng rửa được một ít tội thành ra cũng sáng sủa, thấy không. Mình muốn thực hành thì mình thực hành. Thời này tự do. Anh muốn làm gì cũng được hết. Chỉ có anh nói thực hành, nói làm, nhưng thiệt ra anh không làm. Khổ vậy đó. Mình nói mình đi thẳng nhưng mình thấy mình nhát gan. Phải không? Nói thì hùng hồn nhưng nhát gan lắm. Thành ra đó cũng chỉ là những lời nói thôi. Anh nói anh đi thẳng vào, nếu anh có thực hành thì ít ra tôi dòm vô tôi cũng thấy anh hồng hào như cô Hồng này. Vậy mới tin được sơ sơ là, à cô ấy có dám đi thẳng. Còn đây mình nói đi thẳng, mình làm hùng hồn lắm, nhưng không dám ra trận. Mình phải đánh, phải ra trận, phải đánh quyết liệt vô. Đem sư đoàn gì đó đánh bứt nó luôn. Nói dữ dằn lắm nhưng cứ ở thành phố uống cà phê thôi. Thằng nào chết kệ bà nó. Trong kinh điển định nghĩa Bồ tát rất là dễ dàng. Bồ tát là sao? “Nói đúng như làm, làm đúng như nói”, chỉ đơn giản vậy thôi, chứ không có gì ghê gớm cả. Nhiều khi mình nói dữ dằn, hùng biện dữ lắm nhưng làm không dám làm. Mình nói phước đức vậy đó nhưng mình đã giúp ai được chưa. Khổ quá.

Thành ra vậy đó, nói thì mình nói hay lắm, đó chỉ là những ý tưởng thôi. Thầy thấy V.Từ nó đánh cầu lông đó. Thấy anh kia đánh đẹp lắm, nhưng mà hụt, hay đánh vào lưới, nó nói ý tưởng tốt. Ý tưởng tốt nhưng làm thì làm không được. Mình thì hay chơi trò xảo ngôn lắm, đó là mình chơi với những ý tưởng, chứ làm thì đâu dám làm. Nói là mình phải dám làm, còn không thôi đừng nói. Nói đúng như làm, làm đúng như nói. Mình coi lại mình thấy mình đã cho ai được cái gì chưa. Chứ đừng nói là làm những hạnh Bồ tát là cho người ta cái này cái nọ. Rồi mình nói trên trời dưới đất. Mình phục vụ chúng sanh ghê lắm nhưng thiệt ra mình chẳng có phục vị gì hết, thu lượm thì nhiều. Nói sống cái đời sống một con người gọi là trung thực thôi là cũng rất khó rồi. Ra đời này, mình toàn vơ vét thôi, mình toàn nợ không à. Cha mẹ mình nuôi lớn, cho tiền cho ăn học cho đến hai mươi mấy tuổi, rồi ra mình tiếp tục đó, thu lượm. Chứ nói thẳng ra cho khó lắm, hy sinh một chút khó lắm. Có làm mới biết, chứ còn những ý tưởng đó chỉ là những ý tưởng đẹp thôi.

Nói dễ lắm, mà làm rất khó. Nói theo như đời xưa, quân tử là mình phải trả lại cho đời những cái gì mà mình đã nhận, khoan nói là có lời đã. Ví dụ, ông Thủ tướng Anh ông nói rằng bạn để lại cho đời những giá trị gì đó chứ không phải là những cái bạn đã nhận. Ngay như Thầy, Thầy thấy Thầy nhận cũng nhiều lắm, mà cho thì ít lắm. Uống nước mình uống mười mấy tấn rồi, ăn gạo thì cũng hàng tấn rồi, mà mình trả lại cho đời được cái gì. Mình đi làm đó, là mình chỉ lãnh lương thôi, chứ chẳng trả lại cho đời được cái gì hết. Mình thấy đó. Cha mẹ nuôi mình đến hai mươi mấy tuổi, không bao giờ mình trả lại được cho ông một cái gì hết. Khi mà trả lại cho được thì ông nói, ba bây giờ ba yếu rồi, có mời ông đi tắm biển, đi Nhật Bản, ông nói bây giờ ba đi máy bay ba sợ lắm, ba đi máy bay ba đứng tim. Đó. Không trả lại được. Thành ra cái nợ của mình nó nhiều lắm. Ngày nào mà anh cân bằng được, giống như trong kinh tế gọi là cân bằng cung – cầu đó. Mình chỉ cầu thôi chưa có cung. Nên phải cân bằng cung – cầu, rồi hơn nữa là cung nhiều hơn cầu. Rồi lúc đó mình mới bắt đầu ngon đó.

Thành ra Thầy nói vậy đó, tất cả những việc làm của Thầy là chỉ để trả lại những gì đời cho Thầy, thì bây giờ Thầy trả lại chứ không có lời đâu. Chưa có lời. Bởi vì cái việc làm của mình, ngôn ngữ này, nói năng này nọ mình cũng mượn ở đâu ý. Bây giờ mình trả lại, có viết sách dịch sách gì thì cũng trả lại thôi, chứ chưa có lời đâu. Khi nào có lời thì mới gọi là bắt đầu con đường Bồ tát. Mình chưa có lời. Mình phải xét cho kỹ càng. 

Cô Thu Hương này, cô gật đầu là đồng ý với Thầy, để cô kết luật đi.

NNT.Hương

Kính thưa Thầy và đại chúng. Qua lời chỉ dạy của Thầy ngày hôm nay, con đã thấy rất rõ ràng thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe. Trong bát Nhã Tâm Kinh, có nói, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy. Con rất tâm đắc câu đó. Thầy nói thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe thì con lại nhớ lại trong một bài trong tiếng Anh có nói. Hôm nay bạn đến trường để làm gì? Có phải bạn học không? Thầy giáo trả lời cho bạn sinh viên đó là, tôi đến để học không cái gì (Learn nothing). Con cũng lấy một câu trong cuốn Một Pháp, đó là, mọi thứ, dù câu trả lời là đúng hay sai thì chúng ta không cần đề cập đến, quan trọng là để mọi người cùng khám phá (Tobe discover). Từ discover, nghĩa là khám phá. Con nghĩ rằng cái pháp của chúng ta là vô lượng vô biên, biển pháp, rõ ràng chúng ta là những con thuyền nhỏ bơi trong cái biển pháp đó. Chúng ta hãy cùng khám phá, cũng như là ghi nhận câu dạy của Thầy, đó là, thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe. Hãy thấy đây giống như là Mật pháp đối với cá nhân con cũng như của tất cả mọi người.

Thầy

Bữa nào còn Mật pháp nữa. Tiếng anh cô giỏi quá, nhưng cô không biết chữ discover là gì. Cover là phủ lại. Discover là mở ra. Mở ra, đối với Phật giáo là khai thị ngộ nhập. Khai, mở ra. Chứ cô tiếng Anh nhiều lắm nhưng cô không biết được. Bữa nào đi Ấn Độ về có muốn mở ra, muốn khai thì Thầy khai cho. Thầy mở ra, thôi Thầy kéo tóc, rồi mở mở mở cho nó lòi ra. Lúc đó đừng có la đó. Nó che rồi, bây giờ mình phải giựt giựt cho nó mở ra.

Thầy cũng muốn như cô H.Lan vậy, lai rai lai rai để Thầy còn có việc làm chứ không thôi Thầy thất nghiệp. Chứ nếu như mình chấm dứt ở đây thì tháng sau mình đâu còn việc mà làm nữa. Thành thôi cứ lai rai đi. Nói theo tiếng Anh, một cái Niết bàn, một cái Thực tại được trì hoãn. Cuộc đời mình là một Thực tại được trì hoãn. Một Niết bàn được trì hoãn.

-------o0o-------