Thầy

V.Hoàng có nói với Thầy là muốn in lại cuốn Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai để tặng. Chắc anh đọc rất kỹ quyển đó rồi, anh có muốn hỏi câu gì trong đó không? Thứ hai, mới đây ông Q.Trường có dịch một bài về lời nguyện của ngài Phổ Hiền Như Lai của ngài Namkhai Norbu. Anh V.Hoàng hỏi một câu trước, anh Q.Trường hỏi một câu sau rồi Thầy sẽ bàn suốt trong buổi hôm nay. Anh V.Hoàng vắng mặt thì một vị nào đó ở HN đọc đoạn nào đó rồi hỏi.

P.Thảo

Dạ thưa Thầy! Cô Thúy có khởi tâm xin ấn tống cuốn đó. Sau đó, nhóm chúng con xin thầy để được in. Trong quá trình làm gồm có: em Dương, cô Thúy và con, chúng con có đọc bản Thảo. Vì anh V.Hoàng không có mặt ở đây nên con xin phép được đọc một đoạn trích trong quyển Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai là:

“Hãy để cho thức của bạn thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó , thì bấy giờ Tánh giác của bạn sẽ có thể tự giữ gìn chính nó. Nguyện bạn thành tựu trí huệ phân biệt hoàn hảo”.

Chúng con thỉnh Thầy xin Thầy giảng dạy cho chúng con về câu này ạ!

Q.Trường

Con xin Thầy giảng cho chúng con đoạn sau ạ:

“Tất cả các giác quan của chúng ta đều hướng ra bên ngoài để tiếp xúc với các đối tượng. Khi chúng ta có sự tiếp xúc này với các đối tượng của các giác quan, chúng ta rơi vào thị kiến nhị nguyên và không có khả năng quan sát chính mình. Do đó, trong Đại Toàn Thiện, chúng ta không sử dụng giáo lý và sự hiểu biết của mình như những chiếc kính đeo mắt, bởi vì ngay cả khi chúng trong sáng và mạnh mẽ, chúng luôn nhìn ra bên ngoài. Chúng ta sử dụng giáo lý và trí tuệ như một tấm gương. Nếu chúng ta nhìn vào gương, chúng ta khám phá khuôn mặt của chúng ta trông như thế nào. Cũng như vậy, nếu chúng ta hướng nhận thức vào bên trong mình, thì chúng ta có thể khám phá và có trí huệ, hiểu biết; đây là nguyên tắc của rigpa hay marigpa có hiểu biết hay không hiểu biết. Bất cứ ai có trí huệ này đều có thể ở trong trạng thái thực sự của họ và giống như ngài Phổ Hiền và Kim Cương Tát Đỏa. Nếu chúng ta nhìn ra bên ngoài để đánh giá, tư duy và nhân rộng cái nhìn nhị nguyên của mình—chúng ta sẽ kết thúc với cái nhìn nhị nguyên vô tận và luân hồi.

Trong giáo lý Đại Toàn Thiện, chúng ta có từ rulog, có nghĩa là ‘đảo ngược’. Thay vì đi thẳng vào luân hồi, chúng ta đảo ngược quá trình này và đi vào trí huệ hay sự hiểu biết thực sự”.

Thầy

Thầy nói về câu của mấy vị Hà Nội hỏi trước:      

“Hãy để cho thức của bạn thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó , thì bấy giờ Tánh giác của bạn sẽ có thể tự giữ gìn chính nó. Nguyện bạn thành tựu trí huệ phân biệt hoàn hảo”.

Đối với Ấn Độ và Tây Tạng thì bao giời người ta cũng nói đến trí huệ phân biệt, thấy biết hết chứ không phải trí huệ khơi khơi vậy đâu.

“Hãy để cho thức của bạn thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó”. Thức thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó, đó chính là Bản tánh của tâm, đó chính là trí. Trạng thái tự nhiên của thức là gì? Chính là trí, chính là Nền tảng phân biệt. Thức nó chạy lăng xăng, “hãy để cho thức thư giãn trong trạng thái tự nhiên”, trạng thái tự nhiên là trạng thái bổn nguyên của nó, nó chính là Tánh giác, Tánh giác nó tự duy trì, nó không thể biến chất được. “Hãy để cho thức thư giãn trong trạng thái tự nhiên” là trong chính cái bản tánh của nó, trong chính bản tánh của thức, đó chính là Tánh giác.

Bởi vì, thức với trí không phân biệt, sở dĩ thức khởi lên mình chạy lung tung theo nó, như Kinh Lăng Nghiêm nói “Bội giác, hiệp trần”, tức là phản bội với Tánh giác của mình rồi hiệp với trần thì chạy lăng xăng lăng xăng. Nhưng để nó dừng lại, nó thư giãn chính trong Tánh giác, vì không có thức nào ra khỏi ngoài cái Tánh giác được, nên mình thư giãn thì nó chính là Tánh giác, chính là trí. Khi thư giãn thì thấy cái thức đó nó phát xuất từ đâu, từ Tánh giác, từ trạng thái tự nhiên của nó là Tánh giác và nó cũng tan vô trong Tánh giác. Nên Đại toàn thiện hay nói là các tư tưởng tự giải thoát lấy chính chúng. Vì nó luôn ở trong Tánh giác nên chỉ cần tan đi thì nó là Tánh giác. Khổ cái là mình không nhận ra Tánh giác, khởi rồi tan, cứ chạy theo cái dập dềnh như vậy. Nó tan thì giống như làn sóng tan vào đại dương.

P.Thảo

Thưa Thầy, trong đoạn này có chữ “thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó”, thế thì trong hoạt động hàng ngày của chúng con thì làm thế nào để cho các hoạt động của chúng con vừa làm nhưng vẫn ở trong trạng thái tự nhiên như thế này ạ?

Thầy

Mình phải biết “trạng thái tự nhiên” là cái gì? Đó chính là Bản tánh của tâm, là Tánh giác, muốn dùng chữ gì cũng được. Mới đây mình bàn về Ma trận thần thánh, thì thư giãn trong Ma trận thần thánh, trong Bản tánh của tâm, trong Tánh giác, mình thư giãn trong đó. Quan trọng nhất cuộc đời là khám phát tất cả mọi hoạt động của mình đều nằm trong Tánh giác, trong Nền tảng, trong Trạng thái tự nhiên của nó. Đối với Đại toàn thiện Đại ấn, hay Thiền, cái quan trọng nhất là phải thấy Tánh. Thấy Tánh giác cái đã, không thấy cái đó, mình dẹp hết các ý tưởng của mình cũng không đúng, mà để nó chạy lăng xăng thì mình cũng vất vả.

Nên quan trọng nhất là phải biết cái Nền tảng của tất cả mọi sự xuất hiện. Ví dụ, Thầy thấy ông Châu ông ấy xuất hiện thì Thầy phải biết ông xuất hiện từ đâu, cái Nền tảng nào khiến ông xuất hiện ở đây vào lúc 8h45, ngày mấy ở cõi ta bà này chẳng hạn. Thầy phải biết ông ấy xuất hiện từ trạng thái tự nhiên, Đại thừa hay Đại Ấn gọi là con đường thấy đó. Phải thấy trạng thái tự nhiên đó, cái đó là Nền tảng, nó giải quyết cho mình chứ không phải ý tưởng nó giải quyết. Những tư tưởng liên tục lăng xăng vậy thôi, lúc nãy Thầy lăng xăng kiểu khác, bây giờ ngồi đây lăng xăng kiểu khác. Khám phá thấy được trạng thái tự nhiên, đó chính là Tánh giác, Tánh giác sẽ giải quyết những lăng xăng đó.

Chưa khám phá ra được nền tảng của cuộc đời mình, tất cả những sự xuất hiện của cuộc đời mình, thân thể của Thầy, ý tưởng của Thầy cho đến những người khác, chưa thấy được cái đó thì không biết chỗ nào mà giải tán nó được. Chỉ có Tánh giác, trạng thái tự nhiên đó mới giải tan được cái đó. Thành ra từ Đại Ấn, Đại toàn thiện, Đại thừa cho đến Thiền đều nói đến cái quan trọng nhất là cái Thấy, Kiến đạo vị. Kiến đạo là thấy đạo, thấy trạng thái tự nhiên, rồi trạng thái tự nhiên nó sẽ giải quyết tất cả các cái kia.

Trong kinh Viên Giác nói đến bốn bệnh: Tác-Nhậm-Chỉ-Diệt.

- Tác: mình cứ tưởng trạng thái tự nhiên đó do làm mà ra, làm điên cuồng, làm tới làm lui, đó cũng là một cái bệnh. Bởi vì, trạng thái tự nhiên vốn nó có sẵn rồi, không phải làm nó ra, tu cho lắm nhưng không biết cái Nền tảng thì vẫn là sai.

- Nhậm: là mặc kệ, cái gì khởi cũng mặc kệ, cho rằng cái đó vốn có sẵn rồi cần gì phải tu nữa, đó là nhậm - mặc kệ, mặc kệ cũng chết, tu cũng chết, không tu cũng chết. Kinh Đại bát Nhã nói “Dầu đức Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không thì tánh Không nó vẫn như vậy”, đó chính là trạng thái tự nhiên. Phải khám phá cho ra, thấy được trạng thái tự nhiên này. Chính cái đó mới giải quyết cho mình chứ không phải đánh lộn trên các hiện tượng. Tìm cho ra bản thể của tất cả mọi sự chứ không phải là đánh lộn trên hiện tượng. Trong cuốn Ánh Sáng Trên Đường Đạo có nói, “Hãy để người chiến sĩ chiến đấu cho con”. Khi mình tìm ra được người chiến sĩ, tức là trạng thái tự nhiên, thì trạng thái tự nhiên đó nó sẽ giải quyết chiến trường cho mình, chứ cả đời cứ đánh lộn miết vậy sao.

- Chỉ: là ngưng lại. Ngồi thiền rồi ngưng lại, mình tưởng đây là trạng thái tự nhiên, không phải. Trạng thái tự nhiên là nó không cần ngưng, ngưng một chặp rồi giống người xưa hay nói là y như cây khô, cỏ khô, ngưng lại thì mình trở thành như cục đá vậy thôi. Chỉ cũng là một cái bệnh.

- Diệt: là diệt hết tất cả những tư tưởng, cũng không phải. Khi đã thuần thục trong trạng thái tự nhiên đó rồi, ban đầu thì sợ nó lắm, nhưng rồi sẽ thấy những tư tưởng chính là sự sáng tạo của trạng thái tự nhiên. Sáng tạo rồi lại tan mất, chứ không phải sáng tạo rồi ngồi một cục đây rồi nó muôn đời vậy đâu.

Thành ra, phải khám phá ra được cái Nền tảng, trạng thái tự nhiên. Trong Thiền, ngài Lâm Tế hay nói “Vô vị chân nhân” là cái nhân không có chỗ trụ, không có địa vị, không có vị nào hết. Hay trong thiền nói đó là khuôn mặt xưa nay của mình. Trước khi sinh ra, khuôn mặt của mình, trạng thái tự nhiên nó đã vốn như vậy. Rồi tự mình sinh ra lăng xăng, lung tung, ví dụ: xe lớp trẻ tới ngã tư Ga rồi, còn xe lớp lớn thì mới tới An Sương, nó lăng xăng đủ thứ. Khi biết trạng thái tự nhiên, khám phá ra nó thì những lăng xăng tự tiêu tan lấy. Tại mình thấy sóng là thật nên mới lăng xăng. Sóng là nước, khởi từ đại dương thì tan trong đại dương.

Trong cuốn Ánh Sáng Trên Đường Đạo nói rất rõ, khi đã thấy được người chiến sĩ rồi, thấy được Bản tánh của tâm, thấy được trạng thái tự nhiên rồi thì hãy để người chiến sĩ đó chiến đấu cho bạn, để trạng thái tự nhiên đó chiến đấu cho bạn chứ không phải để bạn chiến đấu cho bạn. Vì bạn chiến đấu cho bạn sinh ra lộn xộn nữa. Muốn dẹp sóng, mình lấy cây đè xuống, đập nó thì nó càng sóng. Hãy để đại dương giải quyết sóng đó. Khi thư giãn trong đại dương Tánh giác đó thì sóng tự động tiêu tan.

Tây Tạng hay nói, quan trọng nhất là vị Thầy bên trong, vị thầy bên ngoài chỉ cho mình vị thầy bên trong đó là trạng thái tự nhiên của mình. Vị thầy bên trong mới giải quyết các vấn đề này chứ chẳng lẽ cả đời cứ bày ra hết chiến trận này đến chiến trận khác thì bao giờ mới hòa bình. Rồi không những đời này mà còn đời sau nữa. Nhiều khi đời sau mình sinh ra ở một nơi ồn ào, chiến trận dữ dằn nữa. Thành ra anh phải biết nền tảng của chiến trường là nó luôn luôn bất động, đất luôn luôn bất động, như vậy dù anh có bắn phá gì thì nó cũng bất động như vậy.

Thầy theo những vị Tây Tạng ở thế kỷ thứ 19, các vị không bộ phái. Không bộ phái tức là không theo hẳn một phái nào. Mà quan trọng nhất là Bản tánh của tâm, quan trọng nhất là trạng thái tự nhiên, quan trọng nhất là Tánh giác, nên cuốn này đề là “Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai”. Phổ Hiền là Samantabhadra (tiếng Ấn Độ), là Tánh giác, phải khám phá vị Phổ Hiền trong mình, để cho vị đó hoạt động, còn nguyện quá bứt gân làm sao, nguyện quá lên tăng xông đó. “Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quản tu cúng dường”, cúng dường liên tục, rộng rãi một chặp rồi sẽ bứt lên, giống như Tánh giác Phổ Hiền cúng dường. Thông qua cái thân thể này, cuộc đời hữu hạn này cúng dường cái vô hạn thì chỉ có nước lên tăng xông.

V.Dũng

Con kính chào Thầy và đại chúng ạ!

Thưa Thầy, như con được học và nghe thầy giảng, có thể thấy tánh của sóng là nước, bản chất của sóng cũng là nước. Con xin Thầy giảng cho chúng con thêm khía cạnh là: ngoài nước thì không có sóng, ngoài sóng thì không có nước, tức là phải thông qua những gợn sóng để nhận biết về nước, tức là thông qua các tư tưởng, thông qua những sự xuất hiện của tư tưởng để nhận biết Bản tánh của Tâm, con xin thầy khai thị cho chúng con ạ?

Thầy

Một tư tưởng khởi lên, thì mình nhìn thấy bản tánh của tư tưởng đó là gì? Là không có tư tưởng. Mình học hàng ngày, sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc thọ tưởng hành thức… cái ý tưởng hàng ngày của mình cũng là sắc thọ tưởng hành thức. Bản tánh của nó là Không, Không tức là không có tư tưởng. Nhìn kỹ cái thân thể này, cái trí óc này thì thấy là vô ngã, không có thân thể, không có tư tưởng. Ngồi thiền để đạt cái đó thôi, đó là trạng thái tự nhiên. Mình mở mắt ra nhìn, mình thư giãn trong cái nhìn đó thì thấy Bản tánh của tâm liền. Bởi vì ai nhìn, chính Bản tánh của tâm nhìn, mình cho ông Đăng nhìn nên nó mới rắc rối. Mình thư giãn trong trạng thái tự nhiên thì thấy rõ ràng là trạng thái tự nhiên nó đầy rẫy hết. Thực hành là vậy, anh mở mắt anh nhìn, anh thư giãn trong trạng thái tự nhiên anh thấy ngay trạng thái tự nhiên đó là gì. Trạng thái tự nhiên đó nó không phải nằm trong Thầy, trong một người nào, mà nó nằm trong khắp tất cả mọi cái. Tất cả mọi xuất hiện, dầu là xuất hiện kiểu gì cũng đều xuất hiện từ trạng thái tự nhiên. Trạng thái tự nhiên gọi là Phổ Hiền đó, là vô thủy vô chung.

Anh ra ngoài Hồ Tây hay Hồ Hoàn Kiếm, anh mở mắt anh nhìn rồi thư giãn trong cái đó, trong trạng thái tự nhiên thì trạng thái tự nhiên nó hiển lộ liền. Khi nó hiển lộ thì phải tin nó, nắm lấy nó, nói theo như cuốn Tuệ Đăng Tỏa Chiếu của ngài Garchen là ngài cứ nói là phải “duy trì”, mình phải duy trì nó, phải duy trì cái trạng thái tự nhiên đó, chứ nó nơi mình còn sơ xài lắm. Thì đối với Thiền nó gọi cái đó là hộ trì, bảo nhậm, tất cả nó đều cùng một nghĩa, mình phải giữ gìn nó, giữ gìn cho tới khi mà mình dòm trước mặt mình cũng thấy trạng thái tự nhiên đó, mình dòm trên trời cũng thấy trạng thái tự nhiên đó, dòm mây cũng thấy nó, dòm cục đất cũng thấy nó, đơn giản như vậy thôi.

TC.Lượng

Dạ kính thưa Thầy và đại chúng!

Cô Phương Thảo có đặt ra câu này, con nghe con cũng thấy rất thích, rồi khảo sát nó trong thiền quán. Cô có hỏi về thư giãn trong trạng thái tự nhiên, con thấy cái thư giãn này nó không phải sự thư giãn như khi mình nghỉ ngơi về cơ thể mà thư giãn ở đây nó rất tinh tế. Theo kinh nghiệm của con thì cái thư giãn này không phải thư giãn trên cái niệm tưởng, mà lúc đó cái tập trung năng lượng của mình nó nằm ở đâu, nếu mình tập trung trong cái tỉnh thức tự nhiên thì mình thấy rất rõ cái gì xuất hiện. Cái này được ngài Padmasambhava dạy rất rõ cho 25 đệ tử về sự thư giãn này, hoặc trong Đại toàn thiện thì có nói là khi chúng ta ở sâu trong trạng thái tự nhiên đó thì giống như kẻ trộm vào nhà trống.

Như vậy, chúng ta thấy rằng khi tâm như không gian bao la của cái nhà trống thì tất cả các niệm tưởng của như kẻ trộm đi vào nhà trống, không có tập trung vào cái niệm tưởng nhiều, nó đi vào rồi nó sẽ tự động biến mất. V.Dũng có hỏi về sóng và đại dương, Thầy cũng giảng nhiều về vấn đề này rồi, khi dựa vào sóng là các niệm tưởng của mình để nhận ra tánh nước của đại dương, hoặc mình ở trong đại dương mình có thể thấy sóng, hai cái đó qua lại cũng được. Gần đây có một bài viết trên trang Tại Đây và Bây Giờ của ngài Garchen Rinpoche có nói một câu là, khi chúng ta khảo sát và quan sát cái niệm tưởng xem nó ở đâu, thì ta sẽ trực nhận được trạng thái tự nhiên đó. Còn thấy rằng khi chúng ta thư giãn trong trạng thái tự nhiên đó thì chúng ta phải xem ta thư giãn là thư giãn ở đâu, nếu ta ở trong cái tâm bao la rộng lớn thì sẽ thấy rõ hơn khi các niệm tưởng khởi lên.

Thầy

Rồi có vị nào có ý kiến hay là hỏi gì nữa không?

CH.Hải

Con chào Thầy, chào mọi người. Con thấy câu “hãy để cái thức thư giãn trong trạng thái tự nhiên của nó”, ngữ cảnh để nói câu này tức là cái người đó đã nhận ra trạng thái tự nhiên rồi thì mới thực hành được. Nếu mà nói sự tương quan giữa cái thức, các tư tưởng nó sinh khởi, mà mình nhận biết nó, thì một người thực hành tương đối chăm chú họ sẽ biết tư tưởng nó khởi, và khi họ biết tư tưởng nó khởi thì họ không bị đồng hóa với tư tưởng, thì đó cũng là một cấp độ. Nhưng mà để ở cái mức độ tư tưởng nó thư giãn trong trạng thái tự nhiên thì lúc đó là đã nhận ra cái Thấy như Thầy nói. Thành ra, khi nhận ra cái Thấy, hay là cái Tánh giác đó thì nó không còn tương quan giữa một người thấy và cái tư tưởng khởi lên, lúc đó Tánh giác ở trạng thái thường Giác. Tư tưởng khởi thì nó khởi trong Tánh giác, vì vậy nó khởi mà nó không làm hại đến cái Thấy, lúc đó là nó tự nhiên thư giãn trong đó. Có hai mức độ, mức độ đầu là thực hành để sao cho mình nhận ra cái Tánh giác, rồi sau đó cái khả năng tự nhiên nó sẽ được nhận biết, rồi tư tưởng nó khởi thì nó cứ khởi nhưng không làm hại khả năng tự nhiên, tức là nó chỉ là sự ứng hiện trong cái khả năng tự nhiên đó thôi rồi nó hòa tan vào lại đó. Mô Phật!

Thầy

Như anh Hải anh nói là không làm hại, thì hồi nãy Thầy có nói là những tư tưởng nó chính là sự sáng tạo của trạng thái tự nhiên. Nói theo kinh điển thì những tư tưởng không những không làm hại mà những tư tưởng còn trang hoàng cho Tánh giác, bởi vì Tánh giác muôn đời nó vô niệm, chính cái niệm đó nó trang hoàng cho Tánh giác, chứ không phải Tánh giác là không có cái gì hết đâu. Đó, chính những ý tưởng nó trang hoàng cho tánh Không, chứ không phải là mình sợ nó đâu. Cho nên cái quan trọng bây giờ là mình phải biết, phải thấy cho được cái Nền tảng Tánh giác là gì, cái trạng thái tự nhiên là gì? Bởi vì trong này nói là “thư giãn trong trạng thái tự nhiên”, đơn giản một điều là trạng thái tự nhiên thì muôn đời nó vẫn thư giãn, chẳng có cái gì làm ô nhiễm nó được, chẳng có gì làm cho nó căng thẳng được, chẳng có dấu vết nào mà in lên nó được, thành ra nó là vĩnh viễn thư giãn. Nên khi mình nói mình thư giãn trong trạng thái tự nhiên tức là mình tập tương ưng, mình tập nối kết được với cái trạng thái vốn thư giãn như vậy.

Trong kinh điển nói rất rõ trạng thái thư giãn tự nhiên đó chính là Không, Vô tướng, Vô tác. Trạng thái tự nhiên đó nó vô tác, nó không có làm cái gì hết, mà cũng không có cái gì ăn nhằm với nó hết, như hư không vậy đó, mình không thể bôi mực lên hư không được. Nhưng không có cái hư không đó thì mình không vẽ vời được gì hết, nhưng cái không gian cho mình hoạt động đó nó hoàn toàn thư giãn, nó không bị căng thẳng hay ô nhiễm bởi cái gì hết. Không bị ô nhiễm bởi các ý tưởng của mình, thậm chí là bởi các hành động của mình, mình hành động có nghĩa là nghiệp, cái nghiệp của mình nếu mà hành động tốt nó ra nghiệp tốt, hành động xấu nó ra nghiệp xấu, nhưng cái đó nó hoàn toàn thư giãn, nó không dính dáng gì tới nghiệp hết. Vậy mới giải thoát được.

T.Châu

Bạch Thầy và đại chúng!

Qua câu này theo con thì con có phân tích thế này. Thứ nhất là khi ta đã biết trạng thái tự nhiên, chúng ta đã xác quyết được rồi thì mọi tư tưởng chúng ta không ảnh hưởng gì cả, đó là trạng thái tự nhiên. Câu ‘’hãy để cái thức thư giãn trong trạng thái tự nhiên” là hướng dẫn chúng ta đi trên con đường thành đạo, đang trên đường để trở về với cái Thấy, còn thành rồi thì khỏi phải nói câu đó nữa. Như Thầy nói, ở chỗ đó rồi thì tư tưởng chỉ để trang hoàng hay là thức ăn cho trạng thái tự nhiên. Có nhiều cách nói, ví dụ như “tất cả tướng là tánh” cũng là một cách nói, hay “cái thấy đầu tiên cũng là cái thấy cuối cùng” cũng là một cách nói, “thấy chỉ là thấy” cũng là thư giãn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải xác quyết được cái Thấy, tức là thấy Tánh đó, thức cũng là Thực tại, hoặc như Thầy nói “tướng cũng tức là tánh”, “sắc tức là không”, hoặc Thầy cũng nói “đang sanh tức vô sanh”.

Qua những câu nói đó thì bắt buộc chúng ta phải thấy được cái Trạng thái tự nhiên đó, chúng ta phải xác quyết được nó. Và để xác quyết điều đó thì có nhiều con đường, mỗi người có một cơ duyên, một cách thực hành để xác quyết trở về cái Thấy, và thuần thục với cái Thấy, thì cái thức sẽ được thư giãn trong trạng thái tự nhiên. Ví dụ như khi thấy tướng thì chỉ thấy thôi, ta xác quyết cái thấy đã thì khi đó cũng là nhận được Tánh. Hoặc là để mắt mở trống đi, tai mở trống, trái tim mở trống đi thì cái mở trống đó là trở về với cái thư giãn của tâm, nếu như thế thì mọi thức đều là thư giãn hết. Cái này có lẽ là để chúng ta tin tưởng, xác quyết cái thấy trước, rồi từ cái thấy đó nó thuần thục thì sẽ thư giãn được trong thức, chứ không có cách nào khác được, thì tất cả những cái này là để chúng ta tin, rồi dần dần mà xác quyết được, nhất niệm tương ưng, rồi niệm niệm tương ưng, và khi niệm niệm tương ưng rồi thì mọi cái nó hòa nhập.

TD.Trường

Dạ thưa Thầy và đại chúng!

Qua câu hỏi của chị PT, để thư giãn cái thức trong trạng thái tự nhiên, con nhớ tới câu trong cuốn Lịch sử thiền Việt Nam của ngài thiền sư Hương Hải là: “niệm niệm tương ưng, niệm niệm thành Phật”. Chúng ta mà thấy được cái đó rồi thì chúng ta có làm gì thì nó đều là tương ưng hết. Theo con nghĩ, nếu ý thức của mình mà mình tự nhắc lại nó thì lúc đó mình bị bám chấp, ví dụ khi con nghĩ hôm qua mình tụng kinh Pháp Hoa thì là con đang bị bám chấp, thành ra con nghĩ “niệm niệm tương ưng” là làm sao mình tương ưng trong cái trạng thái tự nhiên đó, thì cuộc đời nó khỏe khoắn.

Thầy

Rồi bây giờ Thầy hỏi Trường, hồi hôm là tụng kinh Pháp Hoa phải không? Bây giờ có tụng kinh Pháp Hoa không?

TD.Trường: Dạ, Thầy hỏi con xin trả lời.

Thầy: Ừ.

TD.Trường: Dạ bây giờ con tụng kinh Pháp Hoa.

Thầy: Ai tụng?

TD.Trường: Dạ?

Thầy: Ai tụng?

TD.Trường: Im lặng.

Thầy:

Cái bàn này nó tụng này.

Anh nói thì anh phải nói cho tới nơi, chứ hồi hôm mình tụng kinh Pháp Hoa, rồi bây giờ thì…đó. Thành ra mỗi buổi sáng Thầy có nói mình có tụng kinh phải không? Mình vẫn tụng cái câu là “pháp luân thường chuyển”, thường chuyển, chứ không phải đợi ông nào tụng nó mới chuyển đâu. Vấn đề là mình phải tương ưng được với cái “pháp luân thường chuyển” đó. Với Thầy nói cái để tương ưng được, cái để thấy được thì đó là là một biến cố, một tai nạn của cuộc đời mình, một biến cố tâm linh rất là lớn, khủng khiếp lắm, nó lật ngược toàn bộ lại hết cái thấy của mình. Tuy là nói nó dễ vậy chứ ông nào cũng phải hai chục năm không à, chứ không phải chuyện dễ, và phải tha thiết mong cầu thì nó mới lật ngược được chứ không phải là mình qua cái ngôn ngữ, nói thẳng ra là mình mượn những cái ngôn ngữ để mà nói vậy thôi thành ra nó không thông. Thầy đã nói rất rõ ràng, những vị thiền sư như ngài Hương Hải, hay ngài Liễu Quán, thì khi gặp vị Thầy là ngài làm tới gần 100 chuyển ngữ, nghĩa là ông hỏi trả lời được, hỏi trả lời được, mà ông làm được gần trăm cái như vậy đó, thì mới trơn tru. Còn mình nói thì nó vẫn nằm trong cái ý thức nhiều lắm, thành ra mới hỏi hai ba câu là bắt đầu lôi thôi liền, xin lỗi chứ nói thì hơi nặng chứ mình nói vậy là mình nói dóc, phải không?

Khi nào mà ít ra, Thầy chỉ công nhận ông nào mà hỏi mười câu mà ông trả lời được ấy, chớ đây là hỏi ông mấy câu ông đã lôi thôi, luống cuống rồi. Vậy mới sống. Pháp giới là vậy đó. Chứ còn cứ nhè ban đêm bắt thức rồi tụng miết vậy thì chịu sao nổi? Thì đó mới gọi là “pháp luân thường chuyển”, sáng nào cũng đọc đó, “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”, sáng nào cũng đọc cái đó hết phải không? Thường chuyển là vậy đó, chứ đừng tưởng cái trạng thái tự nhiên là nó cứ vậy thôi đâu, nó luôn luôn như vậy, bởi vậy nó mới thắng được cái ý tưởng của mình chứ cái ý tưởng của mình nó không luôn luôn như vậy đâu. Ý tưởng của mình nó chỉ cà giật vậy thôi, ý tưởng của mình chỉ như quăng một cọng rác vào một dòng sông nó luôn luôn chảy, thành ra cái rác đó đối với dòng sông nó không có nghĩa lý gì hết, ý tưởng của mình chỉ là lâu lâu thảy ra một cái vậy thôi chứ còn đây là nó thường chảy.

Nên cái quan trọng nhất là những kinh nghiệm tâm linh, nên nhớ mình đọc cho kỹ tất cả các vị giác ngộ đó, từ ông Echkhar Tolle cho tới ông Krishnamurti, tất cả đều trải qua một cái kinh nghiệm tâm linh, mà cái kinh nghiệm tâm linh đó nó mạnh đến độ mà khi họ thấy sự thực đó rồi, rồi họ bỏ hết, họ chỉ làm những gì dính dáng đến sự thật đó thôi. Họ đi thuyết pháp, họ đi làm bất cứ điều gì để chỉ ra cho người khác về cái đó. Khi mình biết tới cái tự do, nói theo ông Krishnamurti là cái tự do đầu tiên và cuối cùng đó, thì tự nhiên anh phải đi thuyết pháp thôi, anh phải chỉ cho người ta cái đó thôi, chứ anh không thể làm cái gì khác hơn hết. Khi mà anh vô đó rồi thì cả đời anh chỉ có “làm Đạo” thôi, hành Đạo thôi chứ không có hành gì hết nữa, chứ còn mình cứ hành lung tung là vì cái Đạo của mình nó còn cạn cợt quá, nó phải thấm vô trong người mình ấy. Kinh nghiệm tâm linh là như vậy, còn mình bây giờ thì kinh nghiệm chữ nghĩa nó nhiều quá.

Thầy nói thật là Thầy cũng chỉ đi khoảng nửa đường thôi, nhưng mà nói cái gì Thầy cũng nói được, Thầy khó bị bí lắm. Nên mấy vị thiền sư có nói vậy đó, anh nhận ra được cái đó thì anh xài cả đời không hết, phải không? Và lúc đó anh tương ưng với nó không chỉ khi ngồi thiền thôi đâu mà khi anh nói nó vẫn tương ưng như thường, và khi đó chính là Pháp nói chứ không phải ông nào nói nữa, khi nào anh thấy cái Pháp luân thường chuyển đó thì chính là Pháp nói chứ anh đừng có tự vỗ ngực là “tôi nói”, không phải. Tôi là cái gì? Cái miệng này 50 năm nữa nó cũng thành bùn thôi chứ nó là cái gì. Cho nên anh nói nó là Pháp nói, và lời nói của anh nó tương ưng với một câu nào đó mà nó tương ưng với tất cả các vị Bồ tát và Chư Phật, bởi vì không khác được.

Thầy đã nói rất rõ ràng là từ Sơ địa cho tới Thập địa mới được gọi là Phật tử, chứ bây giờ người ta xài chữ Phật tử, con Phật, nó dễ dãi quá; anh nào đi chùa cái là Phật tử à, không phải. Phật tử là phải có cái gen của Phật chứ, gen đó là gì, Trạng Thái Tự Nhiên, anh nào chứng được cái Trạng thái tự nhiên đó, chứng được cái Pháp luân thường chuyển, thì lúc đó mới là con Phật. Còn như Thầy đây nhiều khi là còn mạo nhận thôi chứ đâu có gen gì đâu, thành ra nó vậy đó. Thầy để ý mấy vị mới đi Ấn Độ về, Thầy ấn tượng nhất là một vị hiệu trưởng của một trường gì đó, vị đó làm cư sĩ, vị đó có nói một câu mà Thầy rất ấn tượng là: sự truyền thừa không phải là truyền cái học hành, cái nghi lễ mà truyền là truyền nội dung cốt lõi cái dòng đó đó. Đơn giản truyền thừa là truyền cái Trạng thái tự nhiên chứ có gì đâu, phải không? Anh thấy cái đó anh mới truyền thừa được và anh mới đủ sức mà anh nói cho người ta, họa may gặp ông nào ông sao đó thì ông mới là hiểu, truyền thừa là vậy.

Bây giờ Thầy nói gì thì là nói thật thôi, ví dụ như tại sao mà Thầy hồi đó đâu khoảng năm tám mấy đó thì bắt ông nào là đệ tử của hòa thượng Tây Tạng cũng phải viết một bài, Thầy mới viết một bài là “Ai tri âm đó”, lúc đó mới gọi là tri âm, ông nói mình nghe mình hiểu, Bá Nha - Tử Kì, chứ đàn mà mình không có hiểu gì hết thì đâu có gọi là Bá Nha – Tử Kì được? Tri âm là vậy, thậm chí là tri âm, xin lỗi chứ nói hơi đời một chút, là mình lập gia đình đó mà bà vợ bà không cần nói cũng hiểu, thì tri âm là vậy đó phải không? Thì đối với Đạo cũng vậy, tri âm là nó phải có một cái gì đó nó giống nhau ghê lắm, mới gọi là tri âm chứ.

Thầy đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rồi, cái Kiến Đạo vị nó tương đương với cái Nhập lưu của bên Nguyên thủy, trong đó có ba cái rất rõ ràng:

- Thứ nhất là không có Thân kiến, từ đó mình thấy cái thân này xài vài chục năm thì trả cho cát bụi, y như là trong Kinh Thánh, Chúa có nói là “các người từ cát bụi thì trả về cho cát bụi”, không quan trọng cái thân này lắm đâu, phải không? Mà không quan trọng cái thân thì bớt sợ chết đi, chứ giờ mình còn sợ chết nhiều lắm, bởi vì còn quan trọng cái thân quá phải không?

- Thứ hai là không nghi nữa, mình còn nghi là vì sao, vì mình trả lời chưa được 100 câu, khi nào mà một vị Thầy nào đó hỏi, anh trả lời được vài chục câu thì lúc đó mới là hết nghi, lúc đó mới tương ưng được với trạng thái tự nhiên.

- Thứ ba, là không có giới cấm thủ. Không có giới cấm thủ nghĩa là mình hay bắt chước, thấy ông thầy ông lâu lâu nổi hứng sao đó rồi ông mua cái xâu chuỗi về ông lần chuỗi thì mình cũng nghĩ là chắc phải lần chuỗi, lần chuỗi, lần chuỗi; hoặc là thấy ông làm cái tượng nào đó là cũng phải về làm tượng này thôi, đó không phải là chánh tín, đó là mê tín, là giới cấm thủ. Thấy ông uống trà gì đó, trên miền núi cao đó, trà tuyết tuyết gì đó, San Tuyết, ờ, rồi ông thông minh vậy nên mình cũng mua trà tuyết về uống coi thử nó có phát trí huệ ra không? Đó là giới cấm thủ, là mê tín.

Khi tương ưng được với Trạng thái tự nhiên rồi thì mình mới tự nhiên được, phải không? Chứ nên nhớ, ở đời này mình toàn giả tạo không à, toàn đóng kịch không à, mình đâu có tự nhiên được. Bữa nay thấy mấy ông lên là phải mặc áo cho nó đàng hoàng (Thầy chỉ vào cái áo mình), chứ bình thường là mặc áo tầm bậy tầm bạ lắm, quần jean quần đồ gì lung tung. Khi nào mà anh tự nhiên anh thư giãn thiệt, thì cuộc đời anh thư giãn, anh mới tự do được, ai nói Thầy sao bữa nay ốm quá, vậy là mình phải lo ăn thêm nhiều đó, mình không tự nhiên, mình không thư giãn, ai nói mình sao là mình quay ra sửa đổi liền, mình sống theo người khác chứ mình không tự nhiên. Mà không tự nhiên thì sẽ đi tới một cái chỗ không tự tại, mình sống vì những lời đánh giá của người khác. “Ông đó sao bữa nay ông nói ít quá vậy” thế là không biết nói cũng ráng nói cho nhiều vô không thôi là ông chê mình, nó cụ thể lắm khi mà anh sống trong Trạng thái tự nhiên đó được thì anh mới tự do tự tại thì lúc đó anh mới hiểu được trong kinh điển nói thế nào là “Tám gió thổi chẳng động”.

Mình sống đây là vì khen chê không thôi à, nói thế chứ chút Thầy đi uống nước là mấy người chê “ông Thầy bữa nay ông nói giở quá”, thế là lên là mình hết năng lượng liền phải không, phải tự do, tự tại. Chứ ở đời này mình sống vì lời khen nhiều lắm, “cô Diễm hôm nay mặc áo đẹp quá” thế là ngày mai đem cái áo cất giặt để bữa nào ngày lành tháng tốt đem ra mặc vô còn bình thường thì thôi; thành ra là mình không tự nhiên, mà không tự nhiên đó chính là sự mất tự do, mình sống vì dư luận của người khác, phải không, sống vì dư luận của người khác nhiều lắm. Trạng thái tự nhiên là vậy đó, nó giải thoát cho mình nhiều thứ lắm, chứ còn mình còn bị ảnh hưởng bởi khen chê nhiều lắm, ai khen thì mình sướng, ai chê thì tối về mất ngủ, rồi ai khen mình kiểu đó thì mình lại uốn nắn theo để cho người ta khen tiếp.

Đó, khen chê, lợi hại, cái gì hại thì mình đâu có làm, mình chỉ toàn kiếm chuyện lợi không à, thành ra mình bị mất tự nhiên, mình bị đời này nó điều kiện hóa nhiều quá. Nói theo như cái chữ bây giờ là bị điều kiện hóa đó phải không, mình bị xã hội điều kiện hóa, bị gia đình điều kiện hóa, bị đủ thứ điều kiện hóa. Rồi xin lỗi chứ, bị cả tôn giáo nó điều kiện hóa. Như ông này hồi nãy ông nói đó, mới hồi hôm tụng kinh Pháp Hoa là sáng nay đã điều kiện hóa rồi, rồi bắt đầu khoe “hồi hôm tôi tụng kinh Pháp Hoa”, mà hỏi “ai tụng” là bắt đầu thấy ú ớ, đó mình bị điều kiện hóa. Chứ đừng tưởng ôm cái cuốn này kè kè, giống như hồi Thầy học đại học, ôm cuốn sách triết sách đồ gì đó kè kè vậy để điều kiện hóa, thành ra thấy cũng sợ vậy. “Ô cuốn này tôi đọc rồi, tôi chép hai ba lần rồi”, toàn là điều kiện hóa không à, đâu có tự do.

Một vị không bị điều kiện hóa là ngài Huệ Năng đó, câu mà Thầy thích nhất trong Pháp Bảo Đàn Kinh là vậy đó, có một ông sư nào đó ông hỏi là: “Y bát ai được?”. Hỏi khó phải không? Ai được y bát của ngài Bồ đề Đạt ma, được y bát của ngũ tổ? Thì ngài Huệ Năng ngài nói, “người hội Phật pháp thì được”. Rồi ông kia ông hỏi xóc nữa: ‘vậy chứ hòa thượng có hội Phật pháp không?”, thì ngài nói: “Ta không hội Phật pháp”. Bởi vì ngài không bị Phật pháp làm điều kiện hóa ngài, còn mình thì “ô cuốn đó tôi đọc rồi đó”, tôi tu mấy pháp môn tàng tàng tôi không có tu đâu, phải là mấy thứ cao cấp, Đại Ấn rồi Đại toàn thiện, thiền tông vô thượng thừa thì tôi mới ưng, phải không? Mình cũng bị điều kiện hóa. Thành ra ngài Huệ Năng ngài nói “ta chẳng hội Phật pháp” là ngài được hoàn toàn tự do, không có bị cái gì điều kiện hóa hết, chứ hỏi câu đó khó lắm đó. Hỏi ông Đăng ông có được gì của hòa thượng Tây Tạng không, là bắt đầu thấy muốn muốn “à, cũng có chút chút chớ”, rồi “hồi đó hòa thượng cưng tôi lắm”, đủ thứ trò hết.

CH.Hải

Thưa Thầy con thấy là một cái hố mà người ta hay bị lọt vô, là khi tu mà thấy cái tâm nó an ổn rồi thì người ta cứ nghĩ an ổn đó là đúng họ ở trong cái Thể đó, còn nói năng gì đó thì họ nói đó là cái Dụng không phải cái Thể, thành ra trong này có câu là “Nguyện bạn thành tựu trí huệ phân biệt hoàn hảo”. Thì nếu không có một vị Thầy hướng dẫn thì ai đa phần cũng bị dính vô cái hố đó, tức là bất động chứ động là nghĩ nó không phải, xin Thầy giảng cho chúng con? Mô Phật!

Thầy

Cái Tánh giác đó nó vượt khỏi cái động và bất động, còn nếu mình bị kẹt vô cái bất động thì thứ nhất là mình không hành Bồ tát đạo được, mình cứ bất động miết rồi làm sao, cứ ở trong hang núi rồi làm sao? Rồi thứ hai nữa là mình kẹt vô một bên, bởi vì cái đó nó vượt khỏi tĩnh và động. Mình cứ cho là tĩnh thì đến hồi là nó không làm được gì, như có cô ở Hà Nội cứ hỏi Thầy là khi con làm việc là con cứ phải suy nghĩ, như vậy phải phải làm sao? Thầy đã nói rồi, nếu bạn bật cái đèn sáng của bạn lên, đó là cái Tánh giác, thì bạn có làm gì ở trong phòng này bạn cũng sáng hết, chứ mình cứ sợ là làm thì cái đèn nó không sáng, không phải, vấn đề là cái đèn của mình nó đã sáng chưa, chứ bật lên rồi thì dù có ủi quần áo, ngồi sáng tác thơ văn, hay ngồi đánh đàn như ông Cương thì nó vẫn sáng như thường chứ không phải cái hành động nó làm cho đèn bớt sáng đâu. Thành ra cái quan trọng nhất là phải Kiến tánh là vậy đó, Minh tâm Kiến tánh, sáng cái Tâm và thấy cái Tánh, khi nó sáng rồi thì làm gì cũng được, quét nhà, rửa bát gì cũng sáng, chứ còn giờ cứ sợ là hoạt động rồi thì nó loạn tâm đi thì không phải. Thành ra tịnh và động là như vậy đó, và cái người mà họ thuần thục ở trong cái Trạng thái tự nhiên đó rồi ấy, thì chính cái động đó nó giúp cho Trạng thái tự nhiên nó rõ ràng thêm chứ không phải là nó phá hoại đâu, cụ thể là vậy đó.

Rồi mấy vị Cần Thơ mới lên này này, lần đầu tiên gặp mặt này, ở Cần Thơ làm gì?

Một vị trả lời

Dạ con làm chạy xe ạ.

Thầy

À, uh. Còn ông này quen quá rồi này, có hỏi gì không, bàn thêm vô, chiến tranh đồ lên chứ cứ buồn buồn vậy là ngủ hết.

Một vị ở Cần Thơ

Thưa Thầy con nói theo câu của anh Hải là trong bóng tối đi.

Thầy

Ừ, mà anh Hải mắc gì trong bóng tối? Rồi, trong bóng tối?

Người hỏi

Nếu như mình không nhận được cái Tánh của mình ấy, không tu tập miên mật thì trong bóng tối mình sẽ lầm giữa cái thật và cái không thật. Nếu mà mình thấy Tánh rồi, mình nhờ cái động để mình trở về với cái chân thật để mình sống thì dù ở trong bóng tối vẫn thấy sáng.

Thầy: Rồi ông này ông khiêu khích ông Hải, hồi nãy ông nói ông Hải này phải không? Rồi thì ông trả lời đi, chiến đấu đi, coi bộ hai võ sĩ này đồng cân đồng hạng này.

CH.Hải

Thì mình ở trong cái động mà lìa động để trở về cái Bất động phải không? Thì cái ngữ cảnh trong quyển này nói thành tựu cái thức phân biệt, tức là khi phân biệt thì chính nó là Tánh Giác luôn chứ nó không phải lìa cái phân biệt để trở về cái bất động. Thành ra cái hố đó mình nhắc trước là nhiều người bị lọt vô cái hố bất động đó lắm, ta gặp cái gì động cái là nhớ về cái bất động cho nó đừng động, lọt hố liền. Nên mình muốn mọi người là nếu mà tu hành thì phải được sự hướng dẫn của một vị Thầy, thì sẽ tránh được cái hố đó. Mô Phật.

Thầy

Rồi có ai thêm chỗ này nữa không? Rồi giơ tay, mời. Ông Hải Trà Cao. Lọt hố?

TC.Hải

Dạ kính thưa Thầy và đại chúng, con ví dụ như bây giờ mình nhìn ở đây này, mình nhìn tất cả mọi hình tướng mình đều phân biệt hết, người nào người nấy mặc áo nào áo nấy mình đều thấy có sự khác nhau, nhưng mà nó phải có một cái Nền Tảng, như là một tấm gương nó chiếu sáng tất cả mọi hình ảnh trên tấm gương, thì cái tấm gương nó càng sáng thì các hình bóng nó càng sáng, còn tấm gương nó mờ thì hình tướng nó cũng sẽ mờ. Giống như tâm mà nó loạn thì cái nhìn ra cũng sẽ bị mờ, khiến tấm gương cũng bị mờ đi, con thấy như vậy ạ, con xin hết.

Q.Trường

Cái nhìn không thanh tịnh của mình, mình chuyển hóa nó thành cái nhìn thanh tịnh. Đối với quan điểm của Đại toàn thiện họ nói khác, là không có sự khác biệt giữa thanh tịnh và bất tịnh, quan trọng là mình phải có trạng thái Tánh giác, trạng thái biết nó như vậy. Chứ còn mình mà còn thấy cái thanh tịnh và bất tịnh để chuyển hóa thì vẫn còn rơi vào nhị nguyên, giống như hôm bữa có người trong đây nói là họ bị chạy theo tư tưởng và họ chợt tỉnh ra là họ bị chạy theo tư tưởng, thì con mới hỏi lại một câu là “tại sao anh biết anh chạy theo tư tưởng?”, và rõ ràng là anh mê anh đang chạy theo tư tưởng thì tại sao anh biết cái điều đó? Điều đó cho thấy là cái Tánh giác nó luôn hiện diện với mình, nó luôn thường trực với mình, chẳng qua mình mê lầm mình bỏ qua nó chứ còn nó luôn hiện diện với mình. Mình bị chấp là có cái thanh tịnh và cái bất tịnh luôn chạy theo, cứ muốn biến đổi cái bất tịnh thành thanh tịnh nên mình cứ bị dính trong sự đấu tranh của tư tưởng, vẫn dính trong đó cho nên mình luôn mắc kẹt ở đó, mà trong khi cái trạng thái rõ biết nó luôn rõ biết mọi chuyện từ đầu tới cuối mà mình cứ cho là phải bất tịnh hay là phải thanh tịnh, nên mình luôn bị dính mắc vào những điều kiện nhị nguyên như vậy.

Q.Trường

Con xin đọc một đoạn về Đại toàn thiện:

“Trong Đại toàn thiện chúng ta không sử dụng giáo lý và hiểu biết của mình như những chiếc kính đeo mắt, bởi vì ngay cả khi chúng trong sáng và mạnh mẽ thì chúng luôn hướng ra ngoài. Chúng nên được biết như một tấm gương, nếu chúng ta nhìn vào tấm gương chúng ta sẽ khám phá ra khuôn mặt của mình trông như thế nào, cũng như vậy nếu chúng ta hướng nhận thức vào bên trong mình, thì chúng ta có thể khám phá và có thể hiểu biết, đây là nguyên tắc của Rigpa. Bất cứ ai có trí huệ này đều có thể ở trong trạng thái thực sự của họ, và giống như ngài Phổ Hiền và Kim Cang Tát Đỏa, nếu chúng ta nhìn ra bên ngoài để đánh giá tư duy và nhân rộng cái nhìn nhị nguyên của mình thì chúng ta sẽ kết thúc với cái nhìn nhị nguyên vô tận và luân hồi. Trong giáo lý Đại toàn thiện chúng ta có phương pháp “đảo ngược”, thay vì đi thẳng vào luân hồi, chúng ta đảo ngược quá trình này và đi vào trí huệ, hay sự hiểu biết thực sự”.

Con Thầy giảng cho chúng con đoạn này ạ?

Thầy

Rồi bây giờ đảo ngược, đảo ngược sao đây? Lộn đầu lại hả? Treo chân lên rồi lộn đầu lại, đảo ngược là như thế thì tự nhiên thấy Niết Bàn chứ sao nữa? Hồi nãy Thầy cũng thắc mắc cái chỗ đảo ngược này lắm đó.

Có người nói

Chỗ đó bí hiểm lắm đó Thầy.

Thầy

Trong giáo lý Đại toàn thiện chúng ta có phương pháp “đảo ngược”, thay vì đi thẳng vào luân hồi chúng ta đảo ngược quá trình này và đi vào trí huệ hay hiểu biết thực sự. Rồi bây giờ ông đảo ngược giùm Thầy coi? Bởi vì ông thích phải không, ông giảng trước rồi mọi người giảng sau?

Q.Trường

Dạ thưa Thầy, giống như phần đầu Thầy có nói là các giác quan của mình, cái nhìn của mình nó luôn hướng ra bên ngoài, nó chạy theo các trần, ngay cả các tư tưởng của mình thì mình thấy sự chuyển động như mọi người nói nãy giờ thì mình luôn chạy theo những điều như vậy. Thì khi mà mình thực hành, quay ngược lại bên trong thấy những cái đó xuất hiện từ đâu, đến từ đâu, tại sao nó có bên ngoài mà không có bên trong mình? Cái đó mình quay ngược lại nhìn vào bản tâm mình và tại sao những cái đó xuất hiện và mình khám phá ra, khi mình đi tìm kiếm thì có một cái gì dung chứa những điều đó. Con cũng đi tìm kiếm những điều đó hay là cái Nền Tảng như Thầy hay nhắc…

Thầy

Nhưng mà Thầy thấy đảo ngược ở đây là, cái này nó mới là đảo ngược đó, là khi mà anh không phân biệt bên ngoài bên trong là anh đảo ngược rồi, tất cả ngoài trong chỉ có một vị thôi. Chứ bây giờ nói xoay ngược vào bên trong là Thầy lộn con mắt Thầy vô trong này à, Thầy có mắt thì Thầy phải dòm ra. Thành ra vấn đề là anh phải thấy được cái trạng thái tự nhiên đó ở bên trong cũng là ở bên ngoài, trong và ngoài chỉ có một vị thôi đó là trạng thái tự nhiên, chứ còn bây giờ đảo ngược lộn vô trong rồi sao? Rồi, ông này.

CH.Hải

Con thấy cái chỗ đảo ngược đó cũng khá hóc búa. Đảo ngược là đảo ngược làm sao? Khi tâm nhìn ra ngoài thấy các hình tướng mình chạy theo đó và phân biệt, mình đánh mất cái thấy, rồi bây giờ xoay vô trong mình thấy chính cái đang nhìn ra đó nó lại nhìn trở vô, nó vẫn còn có một trung tâm để nhìn ra hoặc nhìn vô. Khi mà còn có một trung tâm để nhìn ra hoặc nhìn vô thì nó chưa phải là đảo ngược, đảo ngược mà nhìn ra nhìn vô thì vẫn còn kẹt.

NT.Nghĩa

Cái Thấy thì không có trung tâm thì đó là cái nhìn đảo ngược, nó là một cái Thấy. Cái Thấy, cái biết đó nó không có trung tâm, không có bên ngoài bên trong. Giống như người ta nói phải có con mắt thứ ba của cái nhìn tổng thể cả bên trong và  bên ngoài, một cái nhìn bao quát không có trung tâm thì đó mới gọi là... (không nghe rõ).

TC.Hải

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Lúc nãy huynh Trường có nói về cái nhìn bên trong, theo con đó mới chỉ là bước đầu, bởi vì tâm thường hay phóng ra bên ngoài. Bước đầu tu tập mình cần nhìn vào bên trong, biết được cái tôi và cái của tôi nó không có thật. Lúc nãy Thầy nói về thân kiến, khi cái thân không còn nữa, bên trong cũng không có gì thì nó là một vị. Đó là tiến trình.

LC.Lượng

Con thấy đảo ngược ở đây giống như lúc nãy Thầy có dạy về thư giãn trong trạng thái tự nhiên, hay giống thực hành thiền. Chú CH.Hải cũng nói là cái nhìn bên trong vẫn còn trung tâm. Con thấy khi ngồi thiền, nếu nhìn vào bên trong mà thư giãn thì đó là trạng thái tự nhiên. Khi nhìn vào trong mà thư giãn thì không còn cái trung tâm, tĩnh lặng cũng thấy không còn cái trung tâm nữa, thì ngay cái thư giãn, tĩnh lặng đó đó là tương ưng với trạng thái tự nhiên. Như vậy trạng thái bên trong, bên ngoài giống nhau, mở rộng ra hơn nữa đó là cái nhìn đảo ngược hay thư giãn trong trạng thái tự nhiên, thực hành lâu dần chúng ta sẽ nhận ra được điều đó.

ĐA.Tuấn

Vấn đề chúng ta nhìn tất cả bằng các giác quan bên ngoài, thực ra cái gì nhìn bên ngoài đó, rồi quay vào bên trong như vậy phức tạp quá. Ngay khi tư tưởng khởi lên mắt nhìn, tai nghe, thấy tư tưởng đó lập tức đâu còn tư tưởng, nó tan biến ngay, đâu cần phải đảo ngược. Đảo ngược là nhìn ra bên ngoài, nhìn vào bên trong, mất quá nhiều thời gian. Không cần phải quán sát, ngay lúc tư tưởng khởi lên là nó tự tan biến, tự hòa tan rồi.

NB. Nguyên

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Con có đọc một bài dịch có phần nói về cái này như sau:

“Như vậy có thể thấy rằng trong Đại toàn thiện không có sự quan trọng lớn nào gắn liền với sự phân biệt giữa thị kiến thanh tịnh và bất tịnh đó là lý do tại sao pháp môn đặc trưng của giáo lý Đại toàn thiện được gọi là tự giải thoát mà không phải là chuyển hóa”.

Như lúc nãy anh Tuấn nói, nó xuất hiện và tự giải thoát không cần chuyển hóa đó là giáo lý của Đại toàn thiện, không cần sự đảo ngược. Ở đây cũng nói thêm là:

“Trong Mật thừa có quan niệm rằng một thứ gì đó được chuyển hóa thành một thứ khác và khái niệm đó là nền tảng cho sự thực hành Mật thừa”.

Tuy nhiên, trong qua trình tìm hiểu về Đại toàn thiện, cái quan trọng về thị kiến bất tịnh và thanh tịnh đã vắng bóng ngay từ đầu, bởi vì họ cho rằng không có sự phân biệt giữa sóng và nước. Giống như hồi nãy có ai nói là mình biết rõ đâu là sóng, đâu là nước thì sẽ không bị mắc bẫy. Nhưng trong Đại toàn thiện thì không có sự phân biệt sóng nước, nó vượt qua cả khái niệm sóng và nước, nó vắng mặt sự phân biệt của các tư tưởng, nó vượt trên sự phân biệt cả sóng và nước, do đó nó tự toàn thiện. Con xin đọc thêm:

“Trong thực hành Đại toàn thiện không có nghĩa là chỉ dừng lại trong tĩnh lặng mà còn liên quan đến chuyển động, hòa nhập với sự sáng tỏ và hòa nhập với chuyển động của năng lượng. Vì vậy bạn có thể hiểu rằng tại sao trong thực hành Mật thừa có rất nhiều việc tụng hát và chuyển động”.

Mình có thể thấy trong lúc tụng hát và chuyển động vẫn ở trong trạng thái tự nhiên chứ không phải ngồi thiền bất động thì mới trở về trạng thái tự nhiên. Trạng thái tự nhiên này cũng chính là Nền tảng. Mọi người có thể bàn thêm về ba yếu tố của Nền tảng trong Đại toàn thiện, đó là: Bản tánh-Tinh túy-Năng lượng.

ĐA.Tuấn

Bản tánh nó vốn như vậy, quan trọng là chúng ta có biết đem cái đó áp dụng vào công việc, vào thực hành hay không thôi. Con ví dụ, con rửa thuốc phải rửa ba bốn nước, mà thuốc có rất nhiều gai. Trong lúc rửa vậy thì cái gì biết để không bị gai đâm? Thành ra phải thực hành, phải trì chú để trở về với bản tánh thanh tịnh thì làm việc này không bao giờ bị gai đâm.

Hay khi thực hành chữa bệnh, phải có sự tập trung mới biết người ta đang bị bệnh gì; năng lượng thường tập trung ở tay, nên lúc chữa bệnh mình tập trung vào việc chữa bệnh cho người ta bằng tình yêu thương thì tay mình đầy năng lượng. Lúc đó chữa cho người ta rất nhanh, mau khỏi, không có đau và mình cũng không bị mệt. Khi bị phân tâm thì người bệnh rất đau, đây là kinh nghiệm, thực hành mỗi ngày sẽ nhận ra được điều đó. Tại sao chữa bệnh mà năng lượng của mình hóa giải được bệnh tật cho người khác? Đây chính cái năng lượng bên trong của họ tự chữa lành chứ không phải mình chữa cho họ đâu, mình chỉ là tác nhân thôi. Thành ra, quan trọng là phải thực hành, hoạt động trong Bản tánh của Tâm, đó có được năng lượng chữa lành và tự chữa lành.

V.Dũng

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Cho con xin được chia sẻ một chút về những nhận thức và quán chiếu của con trong thời gian vừa qua liên quan đến chủ đề hôm nay.

Gần đây, khi quán chiếu về nhân quả con thấy dường như mình thấm hơn, đi sâu hơn được vào ý nghĩa của nhân quả. Liên quan đến chủ đề hôm nay, khai triển ra, con thấy những hạt giống đã gieo trong tâm thức của mình trong suốt quá trình trưởng thành của cuộc đời mình thì nó giống như một cái phóng chiếu ra bên ngoài để cho con nhìn thấy thế giới và nó diễn giải ý nghĩa của thế giới dựa trên những hạt giống mà con đã gieo, cả thiện và bất thiện. Con có đọc sách cũng của ngài Namkhai Norbu, con rất ấn tượng về cách ngài giải thích về thị kiến nghiệp. Con thấy mình đã gieo vào dòng tâm thức của mình từ rất lâu xa rồi những hạt giống, đến khi phóng chiếu ra nó như một cái màn hình ti vi, trong đó con nhìn thấy cái thế giới như vậy.

Quay ngược lại với con trong cuộc sống, đó là một sự phản tỉnh. Khi quan sát bên ngoài, con thường bị những định kiến, cái thiên kiến nghiệp nó dẫn đi, nó sai xử. Ví dụ, cái nhìn của con có mang tham sân si, tức là cái kiến bất tịnh, lúc đấy con nhận biết được và con phản tỉnh mình, à có lẽ cái thực tại nó không như vậy. Bởi vì cùng một bối cảnh là tham sân si, với con thì con bị sai xử, bị nó dẫn nhưng với người khác chưa chắc đã bị như vậy. Điều đó, nhắc nhở con, để con hiểu hơn về tánh Không của thực tại và sự thâm tín nhân quả để con có niềm tin ngày càng vững chắc hơn. Con tin rằng, nếu có thể tịnh hóa được cái nhìn, cái kiến của mình thì dần dần con có thể tiếp nhận được cái nhìn thanh tịnh và nó có tính toàn thiện với thực tại.

Q.Trường

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Anh Dũng có lấy một ví dụ về tánh Không của ngài Namkhai Norbu con thấy rất hay, cái Nền tảng đó nó giống một căn phòng có những bức tường xung quanh, mình không thể nào thoát ra khỏi nó, nhưng cho dù cái phòng này có tối, mình có vô minh, tối tăm bao nhiêu thì chỉ cần đi về một hướng thì rồi mình cũng sẽ đụng được nó.

Con nhớ hôm bữa Thầy có nói chuyện với cô H.Lan, xã hội này, bất kỳ một ngành nghề nào mà anh làm đến tận cùng thì anh cũng làm được. Giống như dù có vô minh cỡ nào, cứ nhắm về một hướng mình đi thì sẽ tới. Tại vì mình đã vốn ở trong Nền tảng, cái Phật tánh sẵn có đó rồi, mình không thể thoát ra khỏi cái đó được nên cứ đi, cứ đi, đến một lúc nào đó mình sẽ chạm được, sờ được vào nó. Con thấy cái ví dụ đó rất hay, chỉ cần xác quyết được hướng đi của mình, có thể trong phòng đó mỗi người đi mỗi hướng, nhưng cứ nhắm đúng hướng đó mà đi cuối cùng cũng sẽ chạm được đến nó.

T.Châu

Bạch Thầy và đại chúng!

Cái đảo ngược là cái tột cùng của mọi thứ rồi đó, theo con nghĩ đó là cái Thấy, hay còn gọi là Nền tảng Thực tại, hay Bản tánh của tâm. Đảo ngược là gì? Sóng cũng là nước, bóng cũng là gương, đó là Kiến đại vị, cái Thấy, Cái Nền tảng, cái tận cùng đó gọi là đảo ngược.

V.Từ

Kinh thưa Thầy và đại chúng!

V.Từ có ý kiến cho câu hỏi V.Dũng. Nếu chúng ta tin “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh”, một câu nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Khi chúng ta tin như vậy thì mọi thứ nó đều lưu xuất từ cái Phật tánh đi ra ngoài, dù thanh tịnh hay bất tịnh nó cũng từ Phật tánh lưu xuất ra. Khi mình thấy mọi người xung quanh mình đều là Phật thì ngay thời điểm đó mình cũng là Phật. Còn nếu thấy người ta là chúng sanh, người ta cũng có tham sân si, thì ngay thời điểm đó mình là chúng sanh.

Lúc nãy huynh Trường đọc có một đoạn nói về nhị nguyên, có chữ đảo ngược, thì đó chính là sự đảo ngược đó đó. Thời điểm đó anh nhìn người ta là Phật, anh sẽ là Phật, anh nhìn người ta là chúng sanh anh sẽ là chúng sanh. V.Từ thấy, nếu mình tin vào điều đó, mình nhắm vào một hướng như vậy thì từ từ mình sẽ tương ưng được, tương ưng đến một lúc nào đó mình nhìn tất cả mọi thứ mọi hình tượng đều là đức A Di Đà và mọi âm thanh đều là thần chú.

T.Hà

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Từ đầu giờ Thầy giảng cho chúng con về việc thư giãn trong Nền Tảng, trong Bản tánh của tâm hay trong Tánh giác Phổ Hiền Như Lai. Vấn đề của những người đang thực hành như tụi con là làm sao để thấy được cái Nền tảng, cái Bản tánh của tâm hay Tánh giác Phổ Hiền Như Lai đó. Thấy được thì mới thư giãn được, rồi mới tiến tới được chiều sâu và rộng hơn.

Con nghĩ là mỗi người sẽ có những cách khác nhau để khám phá, để tiếp cận. Trong cuốn sách Lời Nguyện Của Phổ Hiền Như Lai, ngài Garchen có bình giảng về cái Nền tảng, cái Tánh giác này cả về mặt bên ngoài, bên trong và bí mật, nó thực sự là Nền tảng duy nhất tối thượng và bí mật không thể nghĩ bàn.

“Nền tảng duy nhất bên ngoài là thân thể, Nền tảng duy nhất bên trong là tâm của chúng ta với những phiền não và tư tưởng, và Nền tảng bí mật bên trong chính là tự tâm, tức là Phật. Như đức Phật đã nói: ‘Phật hiện hữu trong tất cả chúng sanh’. Nếu bạn nhận biết điều đó, bạn hiểu rằng tất cả chúng ta đều giống như một dòng tương tục duy nhất nhiều thể loại.

Thành ra, thực hành để làm sao chúng nhận ra được điều này, nhận biết được trong tâm chúng ta luôn có Phật, Phật ở trong tâm tất cả chúng sanh, nhận biết được điều này chúng ta sẽ hiểu được rằng tất cả chúng sanh như một dòng tương tục, đó chính là Tánh giác, là Bản tánh của tâm, là Tánh giác Phổ Hiền, nó là nguồn năng lượng vô tận, là nguồn gốc của sự giàu có. Giàu có về sức khỏe, vật chất, tài sản và tâm linh. Nếu cảm nhận được như vậy, chúng ta sẽ thấy sự quý giá của con đường mình đang đi, đốt cháy lên cái ngọn lửa trong tâm mình…

Thầy

Nãy mình ngồi đây thì mình thực hành sao đây?

T.Hà

Dạ thưa Thầy. Thầy dạy cho chúng con rất nhiều, Thầy cũng chỉ cho chúng con các phương pháp thực hành, các cách để tích tập công đức, vấn đề là làm sao chúng con có thể thực hành, ứng dụng được trong đời sống hàng ngày, phải biểu lộ được cái Thấy đó trong các hoạt động, trong hậu thiền định.

Thầy

Hậu thiền định là sao, ứng dụng là ứng dụng sao đây? Thầy là thực tế, không nói nhiều, ứng dụng sao đây? Quý báu sao đây?

HV.Bình

Kính thưa Thầy và đại chúng! Con xin trả lời là mình chỉ cần đổi cái suy nghĩ thôi, mình thấy thì Phật thấy, mình nghe thì Phật nghe.

Thầy

Thầy thấy Phật đâu có cần nghe. Mình nói mình thấy thì Phật thấy, mình nghe thì Phật nghe, nhưng Phật đâu có cần nghe. Phật nghe ông Đăng ông ấy nói thì Phật cũng rầu lắm.

Thịnh

Kinh thưa Thầy và đại chúng!

Việc chị Hà nói con xin có một vài ý kiến. Chị Hà nói làm sao mình có thể thực hành được cái đó trong cuộc sống hàng ngày. Trong các văn bản hay Thầy cũng dạy nhiều, “Anh nói tôi nghe”, đó là Tánh. Thì lúc nào mình cũng nghe được mà. Hoặc trong bài Tứ Mục Tương Cố là “bốn mắt nhìn nhau” là lúc nào mình cũng thấy. Lúc nãy Trường cũng nói tối hay tụng kinh Pháp Hoa, nếu mình tìm ra được nhân vật đó, thực hành thì mới biết được con đường tu hay lúc đó mình tu cái sáng tạo đó, nếu không có con đường đó thì rất là mệt mỏi. Lúc nãy Thầy hỏi huynh Trường, “Ai tụng kinh Pháp Hoa?”, thì phải làm sáng tỏ cái ai đó. Có một cái mà kinh Lăng Nghiêm hay nói là “thường trụ”, “trùm khắp”, thường trụ thì ngay lúc này cũng có, trùm khắp thì ngay nơi đây cũng có. Cho nên làm sao phải phát hiện ra “ai tụng kinh Pháp Hoa” đó đó thì tức khắc mình có hậu thiền định liền.

Y.Bình

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Con xin phép Thầy giảng giải và chia sẻ cho con một đoạn trong quyển Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai ạ.

“Qua lời nguyện của Phật Phổ Hiền, khi những ý tưởng ganh đua và ghen tị khởi lên, đừng nắm giữ chúng như những kẻ thù. Chỉ thư giãn thong dong. Bấy giờ tâm thức có thể tự an trú, giữ gìn trong trạng thái tự nhiên của nó. Nguyện bạn thành tựu trí huệ hành động không chướng ngại”.

Theo Thầy, đơn giản là phải đi vào trạng thái tự nhiên, trạng thái thư giãn tuyệt đối mà nãy giờ mình nói đó. Có vị nói, phải từ bỏ cái động để đi vào cái không động. Thực sự anh đi vào trạng thái tự nhiên đó thì tất cả mọi sự được giải quyết. Bởi vì, ở trong trạng thái tự nhiên đó sẽ thấy không có gì động, không có gì khởi lên hết. Thầy nhớ hồi đó trong ngày tổ chức Bát Quan Trai, mình có đọc một phẩm trong kinh Duy Ma Cật là quán A Súc Bệ Phật. Quán A Súc Bệ Phật nghĩa là quán Phật bất động. Thấy tất cả bất động thì giải thoát. Còn thấy chuyển động đó là nghiệp.

Khởi lên những ý tưởng ganh đua hay ghen tị gì đó, tức là có khởi, có khởi tức là còn có chuyển động, nó mới sinh sự. Anh có đàn áp, đè nén, hay chặt đứt thì nó cũng là đã khởi rồi. Nên anh phải thấy Thực tại, Thực tại nó không có động, nên không có khởi lên, không khởi lên ý tưởng dù tốt hay xấu, nó hoàn toàn không có gì để khởi lên. Lúc nãy ông Châu có lặp lại lời nói của Thầy lúc về Cần Thơ là “đang sanh tức vô sanh”.

CH.Hải

Thưa Thầy, một người thực hành thấy nó khởi lên là muộn rồi phải không thưa Thầy?

Thầy

Anh phải thấy bản tánh của sự khởi lên là cái gì, đó là bất động, Bất Động Phật. A Súc Bệ Phật là một trong năm vị Phật Adi-Buddha là vị Phật trong Mật thừa. Trạng thái tự nhiên là A Súc Bệ Phật, trạng thái tự nhiên đó không có gì độc, không có gì khởi lên. Không khởi lên không phải là y như cục đá đâu, nó khởi nhưng nó không khởi, bản tánh của nó là không khởi. Cũng như biển, có biển nào không có sóng không? Biển luôn luôn phải có sóng, chứ biển không có sóng là cái gì chứ không phải biển. Biển có sóng nhưng cái nhìn thấu suốt của mình là thấy sóng bất động, khi đó mình vượt qua khỏi thời gian và không gian sống mặc dù mình vẫn sống trong thời gian bởi vì kim đồng hồ nó vẫn chạy, nó chỉ vẫn chỉ bây giờ là 10h45 phút, mình vẫn sống trong cái không có không gian và thời gian đó vì mình thấy không có cái gì động hết.

Khi thấy có động rồi nhảy qua cái bất động thì cũng là cái gì thôi. Phải thấy được bản chất của động là bất động, do đó tất cả đều bất động. Bản tánh của niệm là vô niệm cho nên tất cả niệm dầu tốt, dầu xấu, dầu xanh hay đỏ thì đều vô niệm, đều bất động. Bài mình tụng hàng ngày là sắc thọ tưởng hành thức đều là Không và Không là sắc thọ tưởng hành thức. Bản tánh của tưởng là Không, tánh Không. Tánh Không biểu lộ ra sắc thọ tưởng hành thức nhưng sắc thọ tưởng hành thức đó vẫn là tánh Không.

Phải làm sao đặt chỉ tiêu cho mình cho rõ ràng, tới đâu, tới đâu, rồi càng ngày càng tự do với chính lời nói của mình. Lời nói của mình đi một hướng thôi chứ không có đa hướng được, nên người ta chặt một cái, người ta chặn đường là đứng cứng ngắc liền. Còn người đa hướng tức là không có một cái trung tâm cho nên khó bắt nó lắm, không chặn đứng nó được bởi vì nó không có hướng.

T.Hà

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Cho con xin được chia sẻ thêm về câu hỏi bạn Bình. Một đoạn bình giảng khác của ngài Garchen Rinpoche trong quyển sách có nói:

“Như bạn nhận được những hướng dẫn về Đại ấn hay Đại toàn thiện và bạn thiền định nhìn vào tâm của mình, bạn không thể nói rằng nó ở đó, nó hiện hữu, bởi vì nó giống như không gian. Nhưng bạn không thể nói rằng nó không có ở đó, nó không hiện hữu, bởi vì nó cũng rất rõ ràng rằng có một sự tỉnh giác sáng tỏ biết rõ bản tánh giống như không gian trống không của chính nó và không có ai tạo ra tâm, vì vậy là tâm không hợp tạo”.

Nếu sống ở trong cái Tỉnh giác rõ biết đó thì sẽ thong dong, bởi vì nó không có không gian và thời gian như Thầy giảng, không còn sự bám chấp, hơn thua, tất cả những tư tưởng khởi lên thì như trong một quyển sách nào đó có nói, nó giống như gặp lại người quen; vì nó khởi lên trên cái Tỉnh giác đó nên nó tự giải thoát; hay cũng giống như một tên trộm đi vào nhà trống, có vào rồi nhưng rồi cũng tự đi ra vì chẳng có thứ gì để mà lấy.

Cho nên, mình thực hành, quán sát làm sao để thấy được bản chất của tâm là nó không có hình tướng, nó vô trụ, nó như hư không, nó vô tận như bầu trời, không sanh không diệt, không tạo hợp bởi bất cứ điều kiện nhân duyên nào, cái tâm đó sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về phiền não và đau khổ.

Thầy

Mình tu hành đến một lúc nào đó mình tự do mình nói bằng cái miệng của mình, chứ không phải qua ngài nào đó. Thầy thấy Hà nói không sanh không diệt, mấy ngài đó nói nhiều quá rồi. Mình phải nói bằng cái miệng của mình. Muốn nói bằng cái miệng của mình thì mình phải thấy trực tiếp được chuyện đó, trực tiếp ngay tại đây này, chứ không phải về nhà mới trực tiếp đâu, lúc đó mình mới có lời nói của mình. Nãy giờ Thấy thấy Hà nói toàn là câu của vị này vị nọ không à. Thành ra Thầy hỏi “thực hành ở đây như thế nào” thì Hà dẫn vị này vị kia, không trực tiếp được.

Tu làm sao để trực tiếp được, chứ vậy coi chừng bị một cái là kể thực đơn không, không có ăn uống gì được. Thực đơn nào cũng ngon, nhưng mình không ăn uống gì hết, ít ra cũng phải ăn được miếng ớt thấy cay hít hà được chút chút, chứ đằng này đọc thực đơn không à, nào là không sanh không diệt, vô tận bao la như bầu trời... nghe nói Thầy cũng thèm, cho Thầy ăn một miếng còn hơn là cứ đọc ba cái thực đơn, mấy cái đó Thầy đọc nhiều hơn Hà nữa. Thầy đói lắm, chỉ cần cho Thầy một niếng ăn nho nhỏ thôi, nhưng ăn thiệt chứ đừng có đọc thực đơn. Khi nào Thầy hỏi “thực hành như thế nào?” mà Hà trả lời được tức khắc, cụ thể, lúc đó họa may Thầy ăn được một miếng, chứ thực đơn không à.

Phương (CT)

Lúc trước con đọc kinh Kim Cang, trong đó nói “tâm bình đẳng không cao không thấp”. Con thấy mình vẫn sống trong cái động, thế giới động nhưng tìm về bản tâm con bằng cách niệm chú để nó trở về, con thấy nó không còn động nữa. Đó là thực hành của con, con tìm ra cái tánh sáng bằng cách đó.

Thầy

Bữa nào phải trả lời cho Thầy tâm không cao không thấp là như thế nào, trả lời cụ thể. Nói toàn chuyện thực đơn không à, tâm bình đẳng không cao không thấp ai không thích. Bình đẳng là tham sân si cũng bình đẳng, đó là thanh tịnh. Bỏ cái tham sân si để được bình đẳng thì đó không phải là bình đẳng, bình đẳng là tham sân si cũng bình đẳng. Ông nào nhậu nhẹt, đánh lộn ngoài kia cũng bình đẳng với mình đây lúc đó mới gọi là bình đẳng, chứ đòi người ta phải bình đẳng lên, ăn mặc đàng hoàng lịch sự, vô đây ngồi, đó đâu phải là bình đẳng.

Phương (CT)

Mình sống bằng vật chất nhưng tư tưởng không bám chấp vào đó…

Thầy

Không phải, vật chất cũng bình đẳng ông mới thoát được, chứ vật chất mà bất bình đẳng thì cũng lộn xộn lắm, nước nào cũng lộn xộn vì vật chất bất bình đẳng. Còn người bình đẳng thật sự thì vật chất cũng bình đẳng. Không nó lơ mơ nữa, sống thiệt thôi, sống ngày năm phút bình đẳng thôi là ngon lắm rồi, chứ sống với ba cái tư tưởng vơ vẩn thì đâu có bình đẳng.

Mình có thật sự bình đẳng không? Thành ra ông Phương này Thầy nhớ mặt, nhớ lý lịch rồi, có ghi tên sổ đen rồi, bữa nào Thầy sẽ hỏi ông về “bình đẳng”.

Phương (CT)

Con sẽ nghiên cứu ạ.

Thầy

Cứ làm đi, bữa nào thầy hỏi “tâm bình đẳng là gì?”.

PT.Tùng

Bạch Thầy và đại chúng!

Con thấy, có cái gì hay không có cái gì thực ra nó cũng bình đẳng. Nãy Thầy dạy về cái bình đẳng Thầy rất chú trọng đến việc không đọc thực đơn, phải có trải nghiệm thực sự. Con không có trải nghiệm gì sâu sắc, một chút thôi và vẫn phải nương vào lời của các ngài. Con thấy Thầy nói về Pháp luân thường chuyển, tức là các pháp luôn luôn vận chuyển tạo thành Pháp giới, Thầy nói không có biển nào không có sóng, biển nào cũng có sóng. Vậy sóng chuyển vận liên tục như vậy mình nhập vào tánh của nó là mình nhập từ sóng đó, chứ không phải mình tưởng ra đại dương, tưởng ra sóng rồi nhập vào từ cái tưởng đó, cái đấy là cái đại dương giả, mình phải nhập vào bằng trải nghiệm. Khi thấy bản chất của sóng thì tính chất của sóng lộ ra từ sóng.

Có một câu của một vị tổ nào đó mà con quên rồi nhưng nó có vẻ đúng trong trường hợp này, “đạo lớn cốt đừng có lựa chọn”. Tức là muốn nhập vào tánh thì đừng có lựa chọn, con thấy đó là cách hợp lý.

Thầy

Giảng câu đó cho mọi người cùng nghe sao cho nó có mùi vị một chút. Câu đó hình như của ngài Tăng Xán thì phải.

PT.Tùng

Con lấy ví dụ trong buổi ngày hôm nay, trong cuộc trò chuyện của đại chúng mình có thể ứng dụng ngay câu đó. Tức là bất cứ một lời nói nào mình nghe cũng đừng có lựa chọn, đừng lựa chọn ở đây không phải không nói gì mà mình đừng để cái tôi nó phát ra cái đây hay cái tôi nó đang nghe cái đấy. Không có lựa chọn là mình bỏ cái tôi đi. Bởi vì chính cái tôi là cái nó lựa chọn, còn cái tôi thì là cái tôi nó lựa chọn. Chưa làm được bằng tuyệt đối thì mình làm bằng cái tương đối, tức là quán sát chuyện đấy, mình nhận ra nó không phải là mình thì dần dần nó sẽ lộ ra cái sự thật của đại dương, con nghĩ vậy không biết có đúng không Thầy, Thầy chỉ cho con cái đó ạ?

Thầy

Mặc dù Thầy cũng nhỏ nhỏ thôi, nhưng Thầy nói cụ thể này, nếu Thầy không lựa chọn thì tâm Thầy bao trùm hết, Phật tánh là vậy. Coi mình bao trùm được bao nhiêu thì mình biết mình lựa chọn nhiều hay ít. Không lựa chọn thì nó bao trùm hết, còn lựa chọn ít ít thì nó bao trùm ít ít thôi. Thấy ông H.Dũng cười thì mình lựa chọn, còn ông Tuấn ông ấy nghiêm quá mình gạt ra, như vậy không bao trùm được. Khi tâm anh không lựa chọn thì tâm anh bao trùm tất cả chúng ở đây, bao trùm trời đất, đó là không lựa chọn đó. Đi tới tận cùng, chính cái không lựa chọn làm cho mình bớt nghiệp phân biệt, hay như V.Từ nói hồi nãy đó tất cả đều là cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Chỉ cần làm một cái mà làm thiệt thôi là nó ra hết, cốt đừng lựa chọn, còn Hà là lựa chọn nhiều lắm, cứ lựa toàn là các ngài Namkhai Norbu, chứ Hà đâu có lựa Thầy đâu, Thầy viết cũng nhiều lắm, lựa một hai câu của Thầy Thầy cũng mát lòng.

Trong mười Ba-la-mật, có một cái là Quyết định Ba-la-mật, nếu thật sự tôi quyết định không lựa chọn gì thì tâm tôi bao trùm tất cả. Tâm bao trùm hết tất cả đó là cốt lõi của Phật giáo, tâm bao trùm hết tất cả đó là trí huệ, tâm bao trùm hết tất cả đó cũng là từ bi, hai cái đó nằm trong tâm đó hết.

PT.Tùng

Con thấy Tuấn làm thuốc mà không lựa chọn thì cũng gay đấy ạ. Tuấn bốc thuốc nhiều vị lắm mà không lựa chọn thì…

Thầy

Không nghe Thầy nói gì hết à, lúc nãy Thầy nói một câu mà ông Châu ông ấy mới lặp lại là “đang sanh tức vô sanh”. Lựa chọn mà không lựa chọn, lựa chọn trên nền tảng không lựa chọn chứ không phải rồi để chết trong cái lựa chọn đó đâu. Đời mình đã chết nhiều trong cái lựa chọn rồi, cho nên khi anh lựa chọn nó vẫn tự do, anh lựa chọn trên Nền tảng không lựa chọn đó là tự do.

PT.Tùng

Thưa Thầy, vừa rồi mọi người bàn về “đảo ngược”. Thực ra con thấy Thầy dạy rất là hay, tức là không có trong ngoài gì cả, không có quay vào trong hay quay ra ngoài. Đảo ngược là nó không nhìn bằng thức, không nhìn bằng năm giác quan mà nhìn bằng trí tuệ. Mà trí tuệ hiển lộ khi có Nền tảng, đảo ngược là như vậy ạ.

ĐA.Tuấn

Thưa Thầy, không phân biệt hay phân biệt thực chất là một, phân biệt là phân biệt trên Nền tảng không phân biệt, tức là sự rõ biết, sự sáng tỏ. Ví dụ, gặp người bệnh là giúp thôi, không từ chối bấy kì ai cả. Họ bị đau bệnh họ đang cần mình giúp, mình muốn giúp là giúp thôi không có sự phân biệt người này giàu hay người kia nghèo, không có phân biệt. Còn phân biệt là phân biệt bệnh của từng người, rõ biết bệnh của từng người thì mới chữa được. Thứ hai là tùy bệnh mà cho thuốc chứ không phải bệnh nào cũng dùng thuốc đó cả. Không phân biệt ở đây là không phân biệt đối tượng, bệnh nhân, ai cần thì mình giúp, không có phân biệt.

Thầy

Thầy thấy ông Tùng ông ấy phân biệt đó. Còn ông Tuấn ông ấy không phân biệt nên ông ấy chế ra thuốc gì là ông ấy cho Thầy uống thuốc đó à, ông ấy bắt Thầy thử, Thầy không bị bệnh đó mà ông cứ bắt Thầy uống thuốc đó.

Đ.Thủy

Kính thưa Thầy và đại chúng!

Nãy giờ con nghe Thầy dạy và đại chúng chia sẻ, con cảm nhận là khi không có sự phân biệt thì tình thương sẽ bao trùm hết. Tâm mình rộng mở tới đâu thì lòng từ bi, tình thương của mình bao trùm tới đó, thành ra mình phải luôn luôn mở rộng cái tâm của mình, phải quan tâm giúp đỡ đến tất cả mọi người xung quanh. Con ở trên đây được Thầy dạy rất nhiều, nên khi về nhà con làm những công việc bình thường như một người đời, con cũng đi chợ nấu ăn, nói chuyện với những người xung quanh, nhưng cách con nói chuyện không giống như hồi đó nữa, không còn tự cao tự đại. Con thấy những người xung quanh tuy có địa vị, có sức khỏe, sức trẻ nhưng thật sự họ đau khổ lắm. Ngày xưa con cũng như vậy, ngày xưa con như thế nào thì bây giờ họ cũng như vậy. Người ta tưởng đó là hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh viễn, nhưng không phải như vậy.

Thầy

Hiểu, hiểu, hiểu. Vậy là mình đã quay đầu rồi phải không. Ngày xưa người ta hay nói “quay đầu là bờ”, bây giờ bình luận cho Thầy câu “quay đầu là bờ” là sao?

Đ.Thủy

Không nghe rõ.

PH.Thái

Con kính thưa Thầy thưa đại chúng!

Con thấy Thầy dạy về trạng thái tự nhiên, sau đó là thực hành. Con ấn tượng nhất là cách thực hành. Thầy dạy, mình mở mắt ra nhìn và thư giãn với cái nhìn đó, con thấy rất hoan hỷ và dễ thực hành cho tất cả mọi người. Con xin cảm ơn Thầy và đại chúng.

Thầy

Thầy đính chính lại là đấy không phải là cách thực hành. Cái đó là chuyện tự nhiên của mỗi người, mình cứ thư giãn trong trạng thái tự nhiên, tự nhiên của mỗi người chứ không có thực hành gì hết. Đừng có gán chữ thực hành vào. Như ông Tùng ông nói, mình gán chữ thực hành vào rồi bắt đầu chọn lựa, chọn lựa cực lắm, khổ lắm.

-----o0o----