Phần Hỏi Đáp: Thầy và Đại Chúng trong 45 phút cuối

 

Người thuyết trình: Trân & M. Châu

Chủ nhật, ngày 05/09/2021

Người đánh máy: M. Châu

 

M. Châu: Thưa Thầy! con xin hỏi Thầy có phải buông xả là hạnh phúc không ạ? Xin Thầy giảng thêm cho con về chủ đề này.

Thầy: Hạnh phúc nào nó cũng đi liền với đau khổ hết, phải không? Bởi vì hạnh phúc cũng mất, ngay cái thân mình bây giờ đây là hạnh phúc rồi, phải không, ngồi đây ăn uống sung sướng lắm, nhưng mà một ngày nào đó, nó cũng phải mất.

Hạnh phúc nào cũng phải mất hết, mà mất thì nó đau khổ, cho nên vấn đề theo Thầy nghĩ là mình phải vượt lên và mình phải lớn hơn hoàn cảnh “được, mất”, đồng ý không? Mình phải lớn hơn hoàn cảnh, chứ mình chạy theo hoàn cảnh là chết, chạy theo cái thân này, rồi mình được cái thân này, rồi vài bữa nó cũng phải mất thôi là mình khổ biết bao nhiêu.

Hạnh phúc với đau khổ chỉ là những hoàn cảnh thay đổi lẫn nhau thôi, cái vấn đề là làm sao mình phải vượt lên hoàn cảnh, lớn hơn hoàn cảnh, đồng ý không? Có ông nào giàu mãi đâu, phải không? ông nào khỏe mãi đâu, cũng có ngày bệnh chứ, cho nên chạy theo hoàn cảnh là khổ.

 Thành ra vấn đề quan trọng nhất là mình phải làm sao lớn hơn hoàn cảnh của mình, thì đạo Phật chỉ cho mình là làm sao để lớn hơn hoàn cảnh của mình. Trong thiền nó gọi là ông chủ, mình phải tìm cho ra ông chủ để mà mình là ông chủ, chứ không phải là mình chạy theo hoàn cảnh, chạy theo hoàn cảnh là chết.

Mới năm ngoái là hạnh phúc lắm, rồi mình tưởng tượng ra là tất niên mình sẽ về Cần Thơ họp lại cả ba miền ở đó, nhưng mà bây giờ đâu có được nữa, phải không? hoàn cảnh luôn luôn thay đổi và làm cho mình chạy theo hoàn cảnh là mình sẽ khổ, cho nên quan trọng nhất là mình phải lớn hơn hoàn cảnh và cái lớn hơn hoàn cảnh chính là bản tâm của mình, nó lớn hơn hoàn cảnh, nó không xoay chuyển theo hoàn cảnh. Thành ra trong thiền nó nói là ông chủ là vậy đó, còn hoặc như là Thiền sư Đại Hạnh của Hàn Quốc nói là chủ nhân Không, mình phải tìm thấy chủ nhân Không thật sự của mình và mình sống với chủ nhân Không đó, thì mình mới vượt qua khỏi hoàn cảnh, còn hoàn cảnh là phải hạnh phúc và đau khổ. Đau khổ rồi hết đau khổ, thì tới hạnh phúc rồi nó cứ vậy lăn lóc mãi thôi, cho nên quan trọng nhất của đạo Phật chỉ cho mình chạm được, tiếp xúc được với ông chủ của mình, cái chủ nhân Không của mình, tự tâm của mình, bản tâm của mình và mình sống trong đó thì mình mới vượt qua khỏi đau khổ và hạnh phúc.

 Quan trọng là nơi mình có một cái vượt lên cả hạnh phúc và đau khổ, mình phải sống với cái đó, phải tiếp cận với cái đó, còn không thôi là hạnh phúc nào cũng dính liền với đau khổ hết. Hạnh phúc của chư Thiên rồi cũng đến ngày hết hạnh phúc, rồi cũng rớt xuống đây rồi cũng lăn lóc như mình đây thôi và hoàn cảnh nào thì mình cũng thấy rồi, hoàn cảnh nào nó cũng vô thường, nó cũng thay đổi, phải không? thành ra mình chạy theo hoàn cảnh là mình khổ. Hạnh phúc đó và cũng khổ đó.

Thành ra bây giờ làm sao, tìm thấy được ở đây nơi mình có một cái mà nó không bị xoay chuyển theo hoàn cảnh, cái đó trong Phật giáo nói nhiều lắm, những là Phật tánh, những là Chân Như, nói đơn giản hơn là chủ nhân Không hoặc nói theo ngài Lâm Tế là gì Vô Vị Chân Nhân, một con người chân thật mà không có địa vị nào hết, thành ra không có lên xuống gì hết, phải không? Còn có địa vị, thì phải có lên có xuống. Đơn giản vậy thôi.

 Thành ra vấn đề của đạo Phật chỉ cho mình điều quan trọng nhất là phải tìm cho ra cái đó. Thoáng thấy được cái đó, rồi sống miên mật với cái đó, để cho mình làm chủ nhân Không, thì khi mà chủ nhân Không đó được dùng chữ như đức Phật được gọi là tự tại là vậy đó, tự tại là nó không chạy theo hoàn cảnh nữa. Chứ nếu như nó khổ, thì xin lỗi chứ ngay cả như những vị như đức Phật cũng có những nghịch cảnh vậy, cũng có những người chống đối lại đức Phật. Ví dụ như Đề Bà Đạt Đa chẳng hạn, mưu sát đức Phật, lăn đá từ trên núi xuống … cũng có những người phao vu cho đức Phật, như bà gì đó là giả bụng bầu rồi phao vu cho đức Phật là chủ nhân cái bầu này, nhưng do ngài ở trong một nơi mà không đau khổ mà cũng không hạnh phúc, vượt ra cái đó thì vượt ra khỏi đau khổ và hạnh phúc, tự tại như vậy, thì như hồi nãy V.T nói “lạc” là vậy đó. Đó là “thường lạc ngã tịnh” đó. Thành ra mình phải giải quyết bằng cái này thôi, chứ còn giữ quyết bằng cái khác không được đâu. Ngay cả nhân quả mình có làm nhân rất tốt đi nữa, thì tới một ngày nào đó thì mình hưởng hạnh phúc ghê lắm, nhưng mà tới ngày nào đó quả nó hết thì nó rớt xuống thôi.

Rồi mình cứ nghĩ lại xem thử đời mình, có nợ nần không? nợ nhiều lắm, phải không? nợ cha mẹ sinh ra, nợ cha mẹ nuôi mình lớn lên, rồi ra xã hội nợ đủ thứ nợ, phải không? với cái nợ đó, thì mình dễ gì mà hạnh phúc được. Thành ra hạnh phúc nào cũng là tạm bợ, ngay cả hạnh phúc chư Thiên, cũng tạm bợ. Cho nên nếu như mình cứ bị xoay chuyển theo hoàn cảnh, khi hạnh phúc, khi thì khổ đau, thì cuộc đời mình lang thang vất vả lắm. Thành ra phải tìm cách đứng lại, đứng lại nơi cái chỗ chính là mình, cái chỗ trong trong kinh điển nói rõ ràng đó là bản tâm của mình, đó là chân tánh của mình, đó là cái Phật tánh của mình, cái đó nó chưa từng xoay chuyển, nó chưa từng khổ, cho nên nó cũng không cần hạnh phúc, phải không?

Do mình khổ, mình mới đi tìm hạnh phúc, chứ còn nó chưa từng khổ, cho nên nó không cần hạnh phúc, mà đó chính là “thường lạc ngã tịnh”, cho nên vấn đề là phải tìm cho ra cái đó, mình sống ở đời để làm gì? chẳng phải để đi tìm hạnh phúc, chẳng phải đi tìm khổ đau, chẳng phải để chịu khổ đau, mà mình sống để tìm ra nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau là gì? đó là chủ nhân Không của mình, thì mình tiếp xúc với cái đó, sống trong cái đó, thì mới tự tại được, mình mới tự do được, chứ tự do sao mà mới bệnh xíu là la làng rồi, mới bị cách ly vì dịch… là thấy tâm hồn nó xuống cấp rồi, mới thất nghiệp tháng nay là thấy cũng là cười gượng rồi “vui là vui gượng kẻo mà” phải không?

 Thành ra quan trọng nhất là đạo Phật cứu thoát mình, giải thoát cho mình, là chỉ cho mình cái đó, nói theo như bên kinh Diệu Pháp Liên Hoa là đạo Phật là “khai thị ngộ nhập” cái đó cho chúng sanh. Đức Phật, những bậc Thầy, những bậc Bồ Tát khai thị cho mình cái đó và mình có nhiệm vụ là ngộ và nhập. Ngộ là mới lần đầu uống được một miếng nước đầu tiên thôi, chứ nó chưa phải là đại dương đâu, rồi phải nhập lần lần, lần lần cho nên mình là tất cả dòng sông, tất cả biển cả, hết khát luôn.

Mình sẽ thấy là cái đó thật sự ra nó không xa với mình, tất cả những bậc chứng ngộ đều nói cái đó không xa với mình, chứ không phải là hạnh phúc nó cũng xa lắm, phải không? hạnh phúc nó xa lắm, mà đau khổ nó cũng xa lắm, còn cái đó nó gần với mình nhất, thì mình phải tìm nó thôi, phải không? chứ tưởng hạnh phúc gần lắm sao?

Tôi bây giờ muốn đi uống một ly cà phê đá chẳng hạn, đi mua một ly cà phê đá về đây uống đâu có được, hạnh phúc nó xa lắm, bây giờ cách ly rồi. Cho nên mình phải thấy vậy đó, hạnh phúc cũng xa lắm, khổ đau cũng xa lắm, mà chỉ có cái đó là gần nhất, bởi vì cái đó chính là mình. Mình chính là cái đó, cho nên nó gần với mình ghê lắm.

Thành ra mình cứ lo đi tìm hạnh phúc, đi tìm đau khổ ... gì đó là uổng đi, bởi vì nó xa lắm lắm, tìm đau khổ cũng khó lắm chứ không phải dễ đâu, xa lắm. Chờ cho tới đau khổ là cũng lâu lắm, mà hạnh phúc nó cũng còn lâu nữa, phải không?

Cái tâm mình phải lớn hơn hoàn cảnh, thì mình mới không bị hoàn cảnh nó xoay chuyển, mà cái tâm đó ở đâu? tâm đó thường trực ở nơi mình đó, dưới cái hạnh phúc, dưới cái khổ đau chính là cái bản tâm của mình, hoặc là mình dùng chữ trên cho nó có không gian vô, trên cái hạnh phúc, trên cái khổ đau là cái bản tâm của mình, mà nó luôn luôn như vậy, nó chưa từng đau khổ, cho nên nó không cần tìm hạnh phúc, bởi vì nó chính là hạnh phúc rồi. Người nào không khổ đau là người đó hạnh phúc thôi, mà chính cái đó nó chưa từng khổ đau, cho nên nó không cần tìm hạnh phúc, còn mình đi lăn lóc tìm hạnh phúc là bởi vì mình khổ đau ê chề lắm, tan nát lắm rồi. (Thầy cười)

Mình phải tin tưởng để mà thực hành, rồi lúc nào đó sẽ chạm với nó. Ví dụ như  Thiền sư Bá Trượng, cái mà gọi là tông phong thiền sư Bá Trượng là “linh quang riêng chiếu” nơi mình có một cái ánh sáng, “linh quang” là một ánh sáng linh thiêng lắm, “riêng chiếu” nó chiếu ở đâu trong này nó chiếu ra.

 “Vượt thoát căn trần” cái ánh sáng đó nó vượt thoát tất cả các căn, (căn là các giác quan, trần là các đối tượng của giác quan) nó vượt thoát qua cái đó, mà vượt thoát qua căn trần có nghĩa là nó vượt thoát khỏi đau khổ, bởi vì cái đau khổ của mình từ đâu? từ “căn trần” mà ra, phải không? Từ giác quan của mình và cái đối tượng của giác quan, được thì kêu là được, mà mất thì cũng là căn trần thôi, được mất cũng căn trần thôi, vinh nhục cũng căn trần thôi.

Cái ánh sáng tự tâm là nó không khổ được là bởi vì nó vượt thoát căn trần, nó không bị căn trần che lấp nó được, cho nên nó không bao giờ khổ hết đó. Khổ hay hạnh phúc là do căn và trần, do giác quan mình và đối tượng của giác quan. Hạnh phúc hay đau khổ cũng là do căn trần mà ra, còn cái linh quang đó, cái ánh sáng mà linh thiêng đó, thì nó vượt qua khỏi căn trần.

Vượt qua khỏi căn trần có nghĩa là gì? vượt qua khỏi sinh tử này. Đối với nó sinh tử này chẳng có ký lô nào hết, phải không? bởi vì nó vượt qua rồi, nó thấu thoát qua cái căn trần, đối với nó không có ăn nhầm gì hết.

Câu thứ ba là “thể lộ chân thường”, là cái thể đó đó, nó bày hiện ra cái chân thường, cái này là mình phải tu mà mình chạm mặt nó thì mình sẽ thấy, chứ còn bây giờ chỉ nói sơ sơ vậy thôi.

“Chẳng vương văn tự”, nó chẳng bị vướng bởi chữ nghĩa gì hết, chứ bây giờ ai như mình đây, ai nói mình ngu là tự nhiên mình bị “văn tự” đó nó đánh mình làm mình khổ liền, tối ngủ không được. Nói mình ngu lắm, ngủ không được liền, phải không? Còn cái đó nó không bị vướng vào văn tự. Bây giờ nói ông này giả bộ ông làm ngon lành vậy chứ, thật ra nhiều khi ổng cũng ma ở trong đó lắm chứ, ổng cũng bịp người ta dữ lắm chứ, là mình khổ. Còn cái đó nó không bị vướng vào văn tự, cho nên là nó không có dính dáng gì tới văn tự, cho nên là không có văn tự nào, không có ngôn ngữ nào, làm cho nó bị xúc chạm hoặc là khổ được hết.

Có tám câu rồi câu thứ năm là “tâm tánh không nhiễm”, chữ “tâm tánh” có nghĩa là “bản tánh của tâm”, bây giờ mấy vị dịch tiếng Anh là “bản tánh của tâm”. “Tâm tánh không nhiễm” là bản tánh của tâm nó không bị dính cái gì hết, nó chưa từng dính sinh tử, lấy đâu mà khổ với không khổ.

 “Vốn tự viên thành”, cái đó nó y như là chiếc đũa thần trong chuyện cổ của Tây phương là có chiếc đũa mà đụng vô cái gì, là cái đó thành vàng hết, vốn tự viên thành.

“Chỉ lìa vọng duyên” là đừng có theo những cái trần cảnh lăng xăng đó, vọng duyên là gì là cái duyên hư vọng, khổ hay vui, hạnh phúc hay là khổ đau, đó chỉ là cái duyên thôi, thì nó không theo cái vọng duyên đó.

Câu thứ tám là “tức như như Phật”, thì đó rõ ràng mấy vị hồi xưa nói rất rõ ràng, “linh quang” đó đối với Tây Tạng có nghĩa là “tịnh quang”. Trong kinh điển cũng nói rất nhiều lần tới cái ánh sáng có nghĩa là “quang minh”, đức Phật khi nào thuyết pháp cũng phóng quang minh ra, phóng ánh sáng ra, phải không? Thì nơi mình có cái ánh sáng đó đó, vượt thoát căn trần. Căn trần nào nó cũng xuyên qua hết.

Ánh sáng đó vốn có nơi mình, buổi sáng mình tụng kinh Lăng Nghiêm đó có đức Phật phóng ra hào quang, trăm báu hào quang, trong quang phóng xuất, trăm ngàn cánh hoa, … trên mỗi cánh hoa thì có những hóa thân của Như Lai. Đó thực sự ra là đức Phật diễn tả là cái trạng thái của đức Phật, nhưng mà mình thì cũng có cái đó, phải không? mình cũng có cái ánh sáng đó, nhưng mà chẳng qua mình còn bị che chướng nhiều bởi phiền não chướng, với sở tri chướng. Thành ra mình phóng không nổi, nhưng mà mình cũng có, bởi vì kinh điển nói rất rõ ràng “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Mình có cái đó, chẳng qua mình phóng chưa nổi là bởi vì mình bị che quá nhiều, phải không?

Thành ra phải tin là nơi mình có cái ánh sáng đó, “thấu thoát căn trần”, vượt thoát tất cả căn trần, vượt thoát không có dính dáng gì tới văn tự hết. Chứ không thôi là dính dáng đến ngôn ngữ cũng khổ lắm, ai chê mình là mình khổ liền, phải không? Ai khen mình cái là mình lên y như lên trên trời, y như là con diều nó lên vậy đó, con diều nó bốc lên vậy, nhưng mà ở dưới nó cắt dây là rơi xuống liền.

Cái ngôn ngữ làm cho mình khổ lắm, phải không? nên nhớ ngôn ngữ cũng làm cho mình khổ lắm. Nói ông đó trí huệ lắm, là thôi mình bay tuốt luốt lên cao, mà nói ông đó trời ơi tu mấy chục năm, mà chẳng có chút trí huệ gì hết, là mình rớt cái ình. Thành ra nó không lệ thuộc vô ngôn ngữ, nó không dính dấp cái gì hết. Thành ra “thường lạc ngã tịnh” là bởi vì nó không dính dấp với cái gì hết, nó không dính dấp với hạnh phúc, cho nên nó cũng không bị đau khổ. Nó không dính dấp với cái được, cho nên nó không mất, đơn giản vậy thôi.

Vấn đề tu hành là gì? thứ nhất là mình phải tin cái đó. Đức Phật thì phóng quang vậy đó, thì mình cũng tin là nơi mình cũng có cái quang đó, chẳng qua nó bị che lấp y như là trong kinh hay nói đó, y như là mình cũng có viên ngọc báu hay là viên ngọc như ý … mà nó chôn lấp quá sâu dưới đất, phải không? thì tu hành là moi nó lên, rồi rửa ráy nó, thì nó phóng quang ra.

Ph. Thảo: Thưa Thầy, con xin Thầy chỉ thêm cho chúng con câu “thân tâm nhất như”, thì có cái liên hệ giữa thân với tâm khi mà nhất như được với nhau, thì có liên hệ gì với hạnh phúc tối thượng không? Con xin Thầy chỉ rõ thêm về điều này ạ.

 Thầy: Thì mình đừng có hiểu thân tâm là thân tâm của chúng sanh mình đây đâu, phải không? cái thân này mà làm sao nó hạnh phúc nổi, nó phải chết thôi. Ra đường bây giờ sợ dịch lắm, phải không? nó dính vài con virus là phải đi bệnh viện thôi, mà thở máy thở … Thành ra “thân tâm nhất như” này, nên nhớ “thân” trong  “thân tâm nhất như” không phải cái thân này (thân mình) đâu hoặc là ít ra nó cũng được chuyển hóa rồi, chứ không phải cái thân này đâu, thân này nếu như mình hiểu một cách đơn giản “thân tâm nhất như” là cái thân này, thì thân này chỉ có khổ thôi, phải không?

Thành ra “thân tâm nhất như”, cái “thân” là cái thân này đã được chuyển hóa rồi, được chuyển hóa thành “thường lạc ngã tịnh”, phải không? nó “thường lạc ngã tịnh” từ trong những tế bào kìa, khi mà nó được chuyển hóa, thì nó “thường lạc ngã tịnh” từ trong những tế bào, thì nó tâm cũng là “thường lạc ngã tịnh” thì nó nhất như thôi. Chứ không phải là “thân này” là mình hiểu là thân này (thân mình) đâu, thân này nó phiền não lắm, nó đủ thứ hết.

 P. Thảo: dạ, vâng ạ! Từ trước đến này con đã có suy nghĩ “thân tâm nhất như” giống như là mình “chánh niệm tỉnh giác” vào với hiện tại cái việc mà mình đang làm đấy, con mới chỉ có giới hạn được cái hiểu biết của mình như thế thôi. Thì hôm nay Thầy giảng như thế, con hiểu ra nhiều hơn.

Thầy: “Thân tâm nhất như” là gì? bây giờ ví dụ như là trong kinh mà mình tụng hàng ngày đó “sắc tức thị Không, sắc tức là Không, Không tức là sắc”, khi nào cái thân này (sắc là cái thân này, Không là cái tâm đó đó) khi nào mà nó là một, thì là cái sắc này, cái thân này nó là tánh Không, thì lúc đó “thân tâm nhất như”. Còn bây giờ cái thân mình, là nhảy lên cao không tới thước rưỡi nữa mà, làm sao “nhất như” chỗ nào được.

Trong cái kinh điển hay nói tới những chuyện rất là kỳ lạ, rất là kỳ bí, thì thân của Phật cũng là thân này thôi, nhưng mà cái thân đó đã được chuyển hóa, nó cũng gồm bốn nguyên tố “đất, nước, lửa, gió” thôi, nhưng cái thân đó đã được đưa về cái nguồn là bản tánh của đất là gì?, bản tánh của nước là gì?, bản tánh của lửa là gì?, bản tánh của gió là gì? nó đưa về cái bản tánh đó, cho nên cái thân đó nó trở thành một cái gì biểu lộ của bản tánh đó, hiểu không?

Khi mà nó đưa được về nguồn, thân này cũng là đất, nước, lửa, gió thôi, nhưng mà nó đưa về cái nguồn của đất, nước, lửa, gió thì nó là biểu lộ của bản tánh của đất, nước, lửa, gió phải không?. Mà khi mà nó biểu lộ được tới cái mức cùng cực, ví dụ như trong kinh Đại Bát Nhã khi đức Phật mỉm cười, thì tất cả những lỗ chân lông trên thân của đức Phật đều mỉm cười và đều phóng ra ánh sáng hết, bởi vì cái thân ngài đã được đưa về cái cội nguồn của đất, nước, lửa, gió rồi. Thành ra nó mới ra vậy, cái thân đó là sự biểu lộ của bản tánh của đất, nước, lửa, gió. Cũng như bây giờ đơn giản mình nhìn thấy cụ thể như đức Đạt Lai Lạt Ma chẳng hạn, cái thân đó đã được đưa về cái cội nguồn của nó, cội nguồn từ bi của nó, phải không?

Cho nên là cái thân ngài nó biểu lộ ra cái từ bi, khi nào ngài cũng cười hết, phải không? Mặc dầu ngài cũng có khi cảm cúm, chắc cũng phải có chứ. Trong bữa ngài giảng quán đảnh về Kalachakra, ngài bị sổ mũi ngài cứ rút giấy, rồi hỉ mũi ra, rồi để tới một chồng vậy thôi, thân ngài cũng vậy thôi, nhưng mà trong đó cái thân đó đã được đưa về cái đó rồi, cho nên là cái cội nguồn thanh tịnh của thân, cho nên nó biểu lộ ra cái thân là như vậy.

Thân là sự biểu lộ của cái bản tánh đó, thân đó là sự biểu lộ của cái “linh quang” đó. Mình để ý những vị nào chứng ngộ, thì cái thân họ sáng lắm, mình thấy họ sáng lắm, phải không? Nó biểu lộ cái ánh sáng trong đó nó tỏa ra, bởi vì nó đưa về cội nguồn của đất, nước, lửa, gió. Thân mình là đất, nước, lửa, gió thôi. Đưa về cội nguồn đó chính là ánh sáng, cho nên nó tỏa ra ánh sáng. Thân rồi cũng sẽ chết chứ không phải là không, nhưng mà nó như cái lồng đèn vậy đó. Như lồng đèn trung thu đó, phải không? cái ánh sáng trong đó tỏa ra, mặc dù bề ngoài là mấy cái nang tre và giấy màu dán vào đó, bữa nào nó sẽ tiêu tùng, nhưng mà cái ánh sáng trong đó, nó không mất.

 Thành ra mình phải đi vào trong sâu xa của cái tâm mình, trong cái thân tâm này, để mình tìm ra được cái viên ngọc đó, cái viên ngọc gọi là viên ngọc như ý đó, tìm ra cái cội nguồn của ánh sáng trong này, phải không? tìm cho ra, thì tìm ra ánh sáng đó, thì ánh sáng đó nó vượt thoát căn trần, nghĩa là nó vượt khỏi tất cả mọi cái thứ lôi thôi của mình hết đó.

Vụ: Thưa Thầy, con thấy cái cội nguồn của khổ đau lớn nhất của con người, của bản thân con hay là của những người khác đều là cái tâm lý thấy là mình cô độc và thấy mình bị bỏ lại ở phía sau ấy ạ, thì cái pháp môn nào mà đơn giản nhất mà thực hành chung cho nhiều người nhất là cái pháp môn gì ạ?  

Thầy: Đơn giản là tại sao có cô đơn? Cô đơn là do cái tâm thức mình đó nó hẹp lại và nó tự động nó biệt lập với vũ trụ này, phải không?. Thực sự ra là mình đâu có cô đơn, cái tâm của mình nó tự bó lại, nó tự cho nó là cô đơn, chứ mình cô đơn sao được. Không khí trong người Thầy cũng là không khí ở ngoài này, vẫn trao đổi thường xuyên, chứ nó không chịu trao đổi nữa, bóp mũi nó tiêu phải không?. Con mắt Thầy nó vẫn trao đổi với ánh sáng bên ngoài, nó vẫn đâu có cô đơn phải không?. Miệng Thầy đâu có cô đơn, sắp ăn chiều rồi nè, ăn rau cải… gì đó, nó đâu có cô đơn, phải không?.

Lỗ tai mình đâu có cô đơn, đồng ý không? Nó vẫn nghe tùm lum chuyện, như gió thổi, rồi gì gì đó… tất cả con người mình không cô đơn, chỉ có mình tự mình tạo ra một cái ta, cái tôi giả tạo và nó càng tạo ra giả tạo chừng nào thì nó càng thấy cô đơn chừng đó, chứ rõ ràng mình không có cô đơn, phải không?. Nước Thầy uống đây biết đâu là cũng là nước đâu bên sông Hằng chẳng hạn, phải không? cái đó mình cũng thấy được phải không? bên sông Hằng nó bốc hơi lên, bên Tây Tạng … nó bốc hơi lên thành mây, rồi nó bay về dưới này, nó mưa xuống ở An Phú Đông, mình uống nước ngầm ở dưới đó.

Con người nó trao đổi với tất cả thế giới này, thậm chí hồi đó Thầy đọc, Thầy cũng hoảng hồn luôn, nó nói nhiều khi biết đâu là trong thân mình cũng có những nguyên tử của của đức Phật, bởi vì đức Phật hồi thiêu thì có để lại xá lợi, phải không? Nhưng mà tro cốt đó rải đi khắp, những nguyên tử đó đã rải khắp mấy ngàn năm rồi, mà bây giờ nó đã rải khắp cả trái đất này rồi, biết đâu mình ăn trái chuối trong đó có hạt nguyên tử đã từng ở trong thân của đức Phật.

 Thành ra con người không cô đơn, chẳng qua là mình tự nghĩ mình là một cái gì độc lập, riêng biệt, rồi mình cứ vun đắp cho cái đó nữa, thành ra dần dần mình cảm thấy cô đơn. Chứ mình thấy rõ ràng cái thân mình nó không cô đơn, phải không? Phổi mình nó vẫn luôn luôn hít thở, trao đổi không khí với bên ngoài, không khí đó có thể là ông nào đó ông ở nằm trong bệnh viện ông thở ra một mớ virus, rồi nó bay ra tới đây, rồi coi chừng mình hít vào là mình bị. Trao đổi, trao đổi liên tục phải không?

Con người không bao giờ cô đơn hết. Đất, nước, lửa, gió trong người mình cũng là đất, nước, lửa, gió ở ngoài, nó mà cắt đứt (cách ly) thì mình chết liền, mình cách ly ở đây là mình cách ly cái này thôi, chứ mình vẫn trao đổi phải không? vẫn ăn, vẫn uống, vẫn gạo, đồ đâu dưới miền tây chở lên, chở để cả đống dưới đó.

Thành ra cái cô đơn là mình tự lập, tự tạo ra cho mình một cái tôi, rồi cái tôi đó nó càng ngày càng tự ru ngủ cái tôi đó. Thành ra nó thành cô đơn, cô đơn là một cái điều gì giả tạo, một cái điều gì tự đóng kịch với chính mình, anh phải nhìn cho rõ ràng vậy đó, cô đơn là một cái điều gì tự đóng kịch với chính mình, chứ mình nhìn không thấy có cái gì cô đơn hết phải không? Lỗ mũi anh mà nó cô đơn, anh bóp lại ba phút coi thử anh có chết không?

Không có cái gì cô đơn hết, chỉ có mình tự tạo ra là thành một ông A, B này. Rồi rồi ông hồi nhỏ ông lớn lên, rồi ông tự cảm thấy ông là tách biệt với thế giới này, tách biệt với vũ trụ này, phải không? Rồi mình cảm thấy là cô đơn, càng ngày càng ngày cái ảo tưởng về cô đơn nó càng lớn lên. Chứ nếu như anh mở tâm ra, anh sẽ thấy...

Nhiều khi Thầy nghĩ trên hành tinh nào đó, hay trên cõi trời nào đó, có một dòng sông đang chảy, phải không? thì dòng sông đó cũng chảy trong người Thầy. Cô đơn cái gì, phải không? Có một cái phim gì đó tên “Tất Cả Mọi Dòng Sông Đều Chảy”, đó tất cả mọi dòng sông trên thế giới này đều chảy, phải không? và máu trong người mình tất cả cũng đều chảy. Nó không cô đơn, nó cũng chảy trong này đây, ngưng chảy, đứng cứng ngắt là chết queo liền, tim nó đứng một cái là chết phải không?

Ngoài kia là tất cả những dòng sông đều chảy, thì trong này tất cả những dòng sông đều chảy, tất cả mạch máu nó đều đang chảy, cô đơn chỗ nào? Chẳng qua là bởi vì mình tạo cho mình một cái ảo tưởng, tôi là một cái ông gì đó, rồi tôi là cái này cái nọ, rồi tôi cô đơn. Chứ làm gì có cô đơn, thành ra nên nhớ vậy đó, đừng có theo văn chương, triết học thế gian mà nói cô đơn, không làm gì có cô đơn, đạo Phật là nói vậy và khoa học bây giờ cũng nói vậy, phải không?

Không làm gì có cô đơn bởi vì anh luôn luôn trao đổi, luôn luôn tương tác với tất cả mọi sự và nếu như mình mà tu hành lên nữa, thì mình tới những cảnh giới mà như kinh Hoa Nghiêm nói “sự sự vô ngại”, một cái “sự” nào đó, một cái vật nào đó ở đâu trên hành tinh xa xôi, ở một thiên hà xa xôi nào đó nó vô ngại, nó vẫn tương tác với cái ly của Thầy đây chẳng hạn, cái tách của Thầy đây chẳng hạn.

Thành ra tương tác nó vô ngại, sáng nào mình cũng đọc “Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni”, mình phải nhớ là nó vô ngại với nhau, chứ cô đơn chỗ nào, phải không? Cô đơn là do mình tự lập ra, rồi mình tự ru ngủ mình. Thành ra cô đơn là một ảo tưởng, một vọng tưởng, chứ thân mình hoàn toàn không cô đơn.

Mình nên nhớ tu hành là để phá trừ những cái ảo tưởng của mình. Ảo tưởng của mình là một cái ảo tưởng của ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Ngã là tôi, đó là một ảo tưởng. Nhân là người, tưởng mình là một người sao? Nếu mình là một con người, thì mình chẳng bao giờ thành Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật được hết, phải không?

Mình không phải là một con người, còn mình cứ xác định là một con người thôi, thì chết rồi, không bao giờ thành Thánh, thành Bồ Tát được, không bao giờ giải thoát được hết. Rồi chúng sanh, mình cũng đâu phải là chúng sanh, nếu anh xác nhận muôn đời nghĩa là a tăng kỳ kiếp, mà mình xác nhận mình là chúng sanh thì mình không cách gì mình có thể thành Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật được hết. Chính vì là “không phải”, cho nên có “cơ may” có thể thành Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật. Còn mình nói mình là một con người, thì thôi thua trận ngay từ đầu, chưa mở màn trận đấu mà đã thua rồi, đầu hàng rồi.

Rồi thọ mạng hay thọ giả, mình nói là mình có một cái tuổi thọ cho là thọ được trăm năm đi, mình tự giới hạn vậy là không phải, đó là mình tự giới hạn thôi, chứ cái thọ mạng của mình với thọ mạng của Phật (thọ mạng của Phật nói trong kinh Pháp Hoa là “Như Lai Thọ Lượng”) là không bị ngăn cách bởi cái gì hết, thọ lượng đó là vĩnh viễn như một dòng sông nó chảy miết, không có đầu, không có cuối. Thọ mạng của mình cũng như vậy đó, nhưng mà mình tự suy nghĩ ra, tự ảo tưởng, tự vọng tưởng lấy một cái là thọ mạng của mình có trăm năm thôi, là bởi vì mình bị chấp vô cái thân này nè, thân này trăm năm thì thọ mạng của mình trăm năm, chứ thọ mạng của mình đâu phải, thọ mạng của mình chính là thọ mạng của Như Lai, là nó vô thủy vô chung.

Nên nhớ thời gian và không gian là do mình ảo tưởng của mình đặt ra, rồi mình bị giới hạn trong cái ảo tưởng đó, trong cái mà Phật giáo hay gọi là ảo tưởng, vọng tưởng, thì mình tự giới hạn cuộc đời mình lại, rồi giới hạn cuộc đời mình lại cho đến mức độ mình thấy là cô đơn. Vô minh là mình tự đặt ra những cái ảo tưởng và mình bị giới hạn bởi những ảo tưởng đó, phải không? mình thấy rõ ràng sự thật làm gì có thời gian và bây giờ mình nói theo khoa học nữa, thời gian là một cái gọi là không có khách quan, thời gian có thể ngắn lại, có thể dài ra, phải không? theo lý thuyết tương đối, thời gian có thể dài ra, ngắn đi và thời gian có thể trở về con số không, không có thời gian nữa. Thì mình có thể không cần lên phi thuyền … mà đi bằng tốc độ ánh sáng để thời gian bằng con số không hết, phải không? bây giờ mà chế, thì làm sao chế được cái phi thuyền, mà nó bay bằng tốc độ ánh sáng để cho thời gian bằng con số không, để thời gian đứng lại, phải không? Không thể được.

 Nhưng mà con người có thể làm được điều đó, bởi vì thiền định nó sẽ làm cho anh trở lại thời gian con số không. Người ta sẽ nói rất rõ ràng, thiền định lên tới những cấp cao là nó không còn hơi thở nữa, không còn tim đập nữa, lúc đó sao? thời gian là con số không và không gian cũng là con số không. Người ta có thể chứng thực được cái lý thuyết tương đối của Einstein bằng cái thân tâm này. Chứ không phải là bằng như cái ông gì đó… đòi lên Sao Hỏa … Sao Hỏa nhỏ quá, rồi mình có bao giờ mình tới được những cái thiên hà mà cách mình là mấy triệu năm ánh sáng không? Không, trong này hết.

 Phật giáo cứu thoát mình là vậy đó, phải không? không cần gì lên một cái hoả tiễn nào, mà nó bay bằng tốc độ ánh sáng hết, chuyện đó không có được, bởi vì mình bay bằng tốc độ ánh sáng, thì thân mình tiêu thành ánh sáng rồi, mình cũng tiêu tan rồi, phải không? cũng chết rồi, phải không? Nhưng mà trong thiền định, mình khám phá trong cái thân tâm này, mình sẽ thấy là có những trạng thái không có thời gian, không có không gian, rồi khi mà mình đã chạm được tới cái trạng thái đó rồi, thì mình sẽ thấy là ông V là một ảo tưởng, rồi ổng đặt ra ông V đó cô đơn, tôi không kiếm ra được một người, nghĩa là lý tưởng của tôi… một cô nữ lý tưởng của tôi, thấy cô nữ nào cũng thấy sao tầm thường quá, thì mình lại càng cô đơn, cho tới ngày… Nên nhớ là những người tự tử tại sao họ lại tự tử? Vì họ cảm thấy cô đơn, không thông tin, không liên lạc được với ai, thành ra những ông tài tử, ca sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản...ở trên đỉnh cao danh vọng & tiền bạc cũng nhiều này nọ, nhưng mà khi họ bị một cái gì đó, không có ai chia sẻ, không biết ai chia sẻ thì đóng cửa phòng lại, đóng cửa phòng lại, 5 ngày 7 ngày rồi, thấy cô đơn quá thì bây giờ muốn diệt cái cô đơn này, thay vì diệt cô đơn là một ảo tưởng, thay vì mình diệt cái ảo tưởng nó đi, thì mình diệt luôn cái thân này.

Giải quyết cô đơn là bằng kiểu đó, thành ra bữa trước trên facebook không biết anh có đọc không? Thầy có cho đăng một bài là của ai đó, viết bên Anh bây giờ đặt ra “Bộ Trưởng Cô Đơn”, nghĩa là bộ trưởng lo về chuyện cô đơn của dân chúng thôi, rồi bên Nhật sau đó cũng làm ra “Bộ Trưởng Cô Đơn”.

Cái thế hệ mà càng khoa học nhiều chừng nào, thì mình mới thấy vậy. Ngày xưa, nói thẳng ra làm gì có “Bộ Trưởng Cô Đơn” để lo về cô đơn cho chúng sanh. Người ta cô đơn mà giải quyết không được, thì tự tử thôi. Tưởng là dứt cái thân này là hết cô đơn, không phải đâu, coi chừng là thành con ma nó còn cô đơn hơn nữa.

Đạo Phật nó giải quyết cho mình tất cả mọi sự, bởi vậy nó mới gọi là viên ngọc như ý, thì bây giờ ráng làm sao, ráng tìm cho nó ra thôi. Đời này không thể giải quyết được cái gì, kể cả khoa học nữa. Như hồi nãy Thầy nói đó, không cách gì mà làm cho không gian thành con số không, thời gian thành con số không được.

Nhưng mà được, trước hết là bằng thiền định, còn vượt lên cả cái chuyện đó nữa, không phải chỉ có thiền định thôi đâu, mà bằng trí huệ nữa. Sắc tức là Không, với trí huệ thì anh thấy cái này (cái ly) “sắc tức là Không” và do đó anh giải thoát vậy thôi, chứ không cần đập bể cái này để nó thành không đâu, cái chuyện này mấy vị đã nói trên 1000 năm trước rồi, không có chuyện là đập bể sắc, để thành không, mà “ngay sắc chính là Không”. Đó giải thoát là vậy đó.

Không cần đập bể, thậm chí không cần nhập thiền định, nhập thiền định là để để cho cảm giác là mình có cái tin thôi. Chứ chứng nghiệm thực sự là “sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Anh cứ sống cái đời này đây, nhưng mà anh thấy anh chẳng vướng víu với gì hết. Chứ có nhiều người ngây thơ là Không thì thôi, thôi tự tử hoặc là bây giờ muốn cái ly này mà biến thành Không thì tôi đập bể nó đi, đập bể thì mai là không có ly uống.

Tất cả bài Bát Nhã Tâm Kinh, mình đọc từng câu một, bởi vì trong đó có nói “vì vô sở đắc, cho nên các bồ tát y vào bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề là đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có nghĩa là thành Phật. Chỉ bài đó thôi, thành ra nói thẳng ra Thầy hiểu cũng chưa tới nửa bài đâu, mình cứ ráng hiểu mỗi câu, mỗi câu vậy thôi. Chứ Thầy cũng chưa tới nửa bài đâu và đó là chính là cách giải quyết, cách gọi ở đời cách giải quyết “tối ưu của đạo Phật”, mình mới thấy là tại sao?

Hồi xưa Thầy thấy vậy đó, sao mà mình đọc vô kinh điển, mình thấy toàn là khen ngợi, tự cho mình, tự phong không à, những là “Vô Thượng”, những là “Tam Bảo”, những là ,,, nghĩa là cái gì quý nhất ở đời này là anh vơ vô cho Phật giáo hết, nhưng mà anh cứ sống đi, rồi anh thấy là quả thật là nó “Vô Thượng”, quả thật là “Tam Bảo”, quả thật là nó quý báu, mà không có cái gì, không có một cái gì có thể ở đời này có thể làm được chuyện đó được hết, kể cả khoa học, khoa học thấy cũng chơi chơi vậy thôi, chứ khoa học gì đâu mà lập ra “Bộ Trưởng Cô Đơn”.

Có cái thuốc nào uống cho hết cô đơn không? Có vắcxin nào chích cho hết cô đơn không? Không, thua. Chính tâm mình đã tạo ra cô đơn, thì chính tâm mình phải giải quyết cái đó, chứ không có thuốc vắcxin nào hết đó, còn cùng lắm cho hết cô đơn, thì chơi ngáo đá …gì đó hết cô đơn liền. Nhưng mà cái đó là tiêu, thành ra không có thuốc nào hết, chính cái tâm mình đã tạo ra sự cô đơn, tạo ra những ảo tưởng cho mình, thì chính tâm mình phải chữa cái bệnh đó, chứ không ai chữa bệnh.

Rõ ràng đức Phật có nói là “ta chỉ cho các ngươi con đường, còn các ngươi có đi hay không đó là chuyện của các ngươi”. Không ai làm dùm ai đâu, cùng lắm người ta làm dùm, khi nào anh có một cái tha thiết nào, hoặc là anh kêu la … vậy thì người ta kéo anh lên, nhưng mà kéo anh lên tới bờ để khỏi chết thôi, chứ còn trở thành đại gia thì anh phải lo liệu lấy. Muốn thành đại gia, các đại bồ tát chẳng hạn thì mình phải làm.

Thầy nói vậy đó tôi có thể đi chậm, rất chậm, phải không? nhưng mà anh nên nhớ một điều anh phải có được “niềm tin” và khi nào anh thấy không còn con đường nào khác hết, bất kỳ con đường nào cũng sẽ đưa anh tới hạnh phúc và đau khổ, hạnh phúc đi liền với đau khổ nên chỉ có con đường này thôi. Thành ra chậm nhưng mà cũng phải đi, bởi vì nên nhớ khổ đau do mình tự tạo lấy, thì mình phải giải quyết nó thôi, kinh điển chỉ giúp mình thôi, chứ còn không có ai giúp ai được hết, phải không?

 

Buổi thuyết trình kết thúc.

 

Thầy và Đại chúng cùng hồi hướng:

Nguyện đem công đức này

Đến khắp cùng tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đồng trọn thành Phật đạo.

 

---*---

Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.