Thầy Giảng Trong 45 Phút Cuối

Trong Buổi Thuyết Trình

Đề tài “Lòng Bi” của Viên Từ & Hương

Chủ nhật, ngày 18/07/2021

Người đánh máy: Chí Thành

 

VT:Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng, con xin hỏi lại câu hỏi của anh VH, vì với khả năng con thì câu trả lời không xác đáng được, và câu hỏi đó cũng rất lợi lạc cho đại chúng. Con xin lặp lại câu hỏi:

SH Trường khi nãy có nói khi mình khởi lên Lòng Bi, nhưng Lòng Bi đó chỉ có trong giây lát mà thôi, nên SH Trường nói đó là Lòng Bi không thật.

Thầy:Tại sao Lòng Bi không khởi lên liên tục được?

VT:dạ thưa Thầy, do mình quy chiếu về mình quá nhiều nên vừa khởi lên là mất Lòng Bi liền.

Thầy:Đơn giản là Lòng Bi chống lại cái tôi của mình, nó làm cho bể cái tôi của mình ra, cái tôi và cái của tôi, cái đó nó luôn bó buộc mình, thành ra nếu chúng ta có Lòng Bi sẽ làm rạn nứt cái đó ra, nhiều khi có lúc mình chịu không nổi. Cũng như mình quán Vô Ngã, có lúc nào đó mình chịu không nổi, mình phải rút ra thôi, phải xả thiền thôi. Cái tôi và cái của tôi chống lại.

Thành ra mình để ý tại sao dịch chữ Lòng Bi là thương xót, "Thương" tại sao có chữ "xót" vô? Xót là mình xót chứ ai xót, rồi mình không chịu được cái xót này, cho nên mình mới buông nó ra. Thành ra Lòng Bi là cái để mình tu hành, làm vỡ tan cái tôi và cái của tôi ra, và nó rất khó là bởi vì khi nó bắt đầu rạn nứt là mình chịu không nổi, thành ra tại sao Lòng Bi chỉ giữ được trong phút chốc vậy thôi, bởi vì giữ lâu cái tôi nó sẽ chết.

Bên Thiên chúa giáo, khi Chúa bị đóng đinh, đó là đóng đinh cái tôi, cho tới khi nó chết. Sau khi chết thì nó phục sinh lại, đó là một cái gì mới, là Phật Tánh hay cái gì đó. Thành ra mình phải để ý vậy đó, khó mà có Lòng Bi lắm, mình nói thì dễ lắm, nhưng thực tế thì mình không chịu nỗi Lòng Bi, không giữ được Lòng Bi trong thời gian lâu. Bởi vì đơn giản là Lòng Bi sẽ phá cái tôi và cái của tôi ra, phải không?

Không cần thiền định về Vô Ngã vô gì hết, không cần tánh Không gì hết, anh ôm giữ được Lòng Bi thì nó sẽ phá vỡ cái tôi và cái của tôi ra. Như Trường nói có cái lý của Trường, Lòng Bi nó chỉ là thoáng qua, giả giả vậy thôi, nó không thật, bởi vì thật thì phải ôm lấy nó và nó làm bể cái tôi và cái của tôi, tháo tung ra, bể tan ra, phải không? Bên Thiên Chúa Giáo, trái tim của Chúa có vẽ vòng gai ở xung quanh. Nếu thật sự anh có Lòng Bi thì anh sẽ thấy đau đớn.

Trong tiếng Anh chữ "compassion" là Lòng Bi, passion có nghĩa là sự đau khổ, mà bên Thiên Chúa Giáo dịch là thương khó. “Cùng” có nghĩa là cùng đau khổ với người ta, mà cùng đau khổ thì khó chịu lắm. Chính sự đau khổ đó mới rửa tội cho mình, nó mới tịnh hóa mình được. "Tịnh hóa" là sao? là mất cái tôi và cái của tôi đi. Mình nói chơi chơi yêu thương vậy thôi, chứ thật sự yêu thương khó lắm, bởi vì cái tôi của mình không cho phép ôm một đám gai như vậy được. Lòng Bi là sự đau xót, xót là sự đau xót chứ gì nữa, phải không? Tại sao xót, người kia xót không? đối tượng mình có Lòng Bi không xót mà mình lại xót, bởi vì Lòng Bi là một phương tiện rất lớn, bên cạnh tánh Không cũng là phương tiện rất lớn, tánh Không và Lòng Bi là phương tiện để phá cái tôi và cái của tôi. Thương xót là vậy, mình thương ai là tự nhiên thấy xót, Lòng Bi phải dịch là thương xót, lòng Từ là thương yêu, tại sao đau? bởi vì cái Tôi của mình nó đau.

Thầy thông cảm với Trường lắm, khi Thầy khởi lên Lòng Bi thì một chặp trong ngực mình thấy đau, thành ra mình phải bỏ nó, thành ra phải bỏ thôi. Một vị Bồ Tát cần có Từ Bi và Trí Huệ, Lòng Bi đó cũng như Trí Huệ nó phá cái tôi và cái của tôi, mà muốn phá vỡ nó thì phải đau đớn.

Mình cứ khởi Lòng Bi thật sự một chút thôi, mình sẽ thấy trong ngực mình nó đau lắm, hầu như mình chịu không nổi, không biết cảm xúc Thầy có bình thường hay không, nhưng mà Thầy thấy Lòng Bi làm mình đau đớn. Ngài Trungpa có nói Lòng Bi là một vết thương, đại Bi là một vết thương lớn, tại đây Thầy diễn tả thêm nữa là: Lòng Bi là một vết thương, mà vết thương đó lớn hơn nữa nó có thể ôm trùm cả chúng sanh thì đó là Đại Bi, vết thương đó lớn đến mức nó đồng với tánh Không, phải không?

Có Bốn vô lượng tâm là Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, Xả vô lượng. Cái tâm Bi sẽ đạt đến vô lượng, khi nó vô lượng thì nó phá tung cái tôi mình ra, còn không thôi dễ gì mình phá được, thiền định chơi chơi vậy. Thiền hì hục còn chưa ăn thua gì mà nói gì thiền cỡ như mình mà phá được.

Lòng Bi làm cho mình xót, mình để ý coi ai xót, thằng kia nó đau sẵn rồi, mình cảm thấy xót, mình suy nghĩ thêm tại sao xót, vì cái tôi của mình bị công phá, bị rạn nứt, muốn bể ra thành ra nó đau xót.

Mình nói tình thương xót rất là dễ, nhưng mà anh ôm nó thử coi, mới thấy là nó rất khó chịu, y như Chúa bị đóng đinh vậy. Mà nếu anh dám duy trì Lòng Bi, nhẫn với Lòng Bi, chịu đựng chỗ này, thì cái tôi và cái của tôi sẽ bể ra, đơn giản vậy thôi. Trong Phật giáo, pháp môn nào cũng đưa tới kết quả cuối cùng hết, là Vô Ngã (không có cái tôi) và Vô Pháp (không có đối tượng của cái tôi). Thành ra mình cứ thí nghiệm cái tôi mình ra sao là mình biết liền, nó còn nặng nề trong này lắm, thành ra mình khởi Lòng Bi lên, khởi lòng thương xót là mình thấy mình đau lắm, và mình chịu không nổi, kéo dài không nổi. Theo Trường, Thầy nói vậy có đúng không?

Đối với Tây Phương, họ xem sự đau đớn đó là sự rửa tội, sự tịnh hóa, bởi vì nó sẽ bứt khỏi cái tôi và cái của tôi. Chẳng có dơ gì trong này hết, chỉ có cái tôi và cái của tôi đựng những đồ dơ trong đó, bứt nó ra chính là tịnh hóa, là rửa tội. Văn hóa Tây Phương có chữ "thanh tẩy", nó là một sự thanh tẩy, anh mà thanh tẩy kỳ cọ nửa tiếng thôi là đau lắm rồi, tẩy rửa là nó đau lắm, bởi vì mình đã ôm chặt quá, bây giờ kéo nó ra, mở nó ra khó lắm, nhưng mà đó là một pháp môn để mình phá được cái tôi và cái của tôi, còn thiền định của mình cũng có ích lợi.

Mình phải thí nghiệm những pháp môn, chỗ nào mình thấy khó chịu, rờ rờ miết mà mình thấy đau thì bệnh chính là chỗ đó, mình tự thí nghiệm mình thôi, khi mình đau thì mình đè đè chỗ nào đó mà nó đau thì biết cái trói buộc của mình nằm ở đó. Thành ra Lòng Bi là một phương pháp để tu hành, nó đưa đến nền tảng Phật giáo là không có Ngã, không có Pháp. Lòng Bi là cái để đạt đến đó. Nhưng mà theo Thầy mình phải sử dụng nhiều pháp môn thay đổi nhau, ví dụ như mình quán Tánh Không tới lúc nào đó nó mệt mỏi lắm, bởi vì phá nó không dễ phá đâu, khi đó mình dùng Lòng Bi phá nó. Rồi có hỏi gì nữa không?

VT:

Thầy cho con hỏi: lúc nãy con có nói Lòng Bi là thật, anh VH có hỏi nếu Lòng Bi là thật, thì Tham Sân Si mình khởi lên giống như Lòng Bi khởi lên, vậy Tham Sân Si có thật không?

Thầy:

Cách nói của VH là cách nói đi theo con đường trí huệ, tức là: Lòng Bi không thật nên Tham Sân Si cũng không thật. Đời bây giờ chỉ số thông minh đó chính là Trí Huệ, ngoài ra còn có trí thông minh cảm xúc nữa. Mình để ý là bên Thiên Chúa giáo họ đi hoàn toàn theo trí thông minh cảm xúc đó, trí thông minh cảm xúc đó nó cũng công phá được cái tôi và cái của tôi, bên Thiên Chúa giáo gọi là quỷ Sa Tăng, bên đạo Phật gọi là Ma đó. Anh chỉ phá được cái đó bằng trí huệ và Lòng Bi. Theo Thầy nghĩ, ông nào khôn lắm thì phá bằng cả 2 cái, con người mình không những có chỉ số thông minh mà còn có trí tuệ cảm xúc nữa, thì mình dùng 2 cái đó để phá.

Lòng Bi đó mà có thật, là một thực tại thì nó sẽ làm tiêu tan đi những tham sân si. Thành ra Thầy nói vậy đó, mình làm ra nhiều lỗi lầm bởi vì mình không có Từ Bi, vậy thôi. Người có Từ Bi không có lỗi lầm đâu, tại sao mình gây ra lỗi lầm? bởi vì mình luôn an trụ trong cái tôi và cái của tôi, mình luôn đóng khung trong cái tôi và cái của tôi nên nó gây ra lỗi lầm. Có Lòng Bi lòng Từ thì anh không có lỗi lầm đâu, bởi vì anh không lấy cái tôi và cái của tôi làm cột trụ của đời anh nữa thì anh không có lỗi lầm. Mình có lỗi lầm là vì mình thiếu tình yêu thương, thiếu tình thương xót, đơn giản vậy thôi. Người có tình yêu thương thì không có lỗi lầm, và chính tình yêu thương, tình thương xót đó tịnh hóa những lỗi lầm của mình. Lòng Bi là một sự thanh tẩy.

VT:

Dạ thưa Thầy cho con hỏi tiếp. Con thấy đúng là khi nói về Lòng Bi, tình yêu thương thì nói rất là dễ, nhưng khi mình thực hành thực sự rất là khó. Khi Thầy nói VT yếu Lòng Bi trong buổi tối hôm trước, con cũng suy nghĩ về quá trình thực hành bao lâu nay, con cũng thấy rằng con thực hành và hài lòng với sự thực hành của mình, nên con không đi sâu được vào Lòng Bi đó, mình chỉ đồng cảm với người khác ở mức độ bề mặt thôi, giống như con đang lướt sóng thôi, chứ không đi sâu được. Ở đây trước Thầy trước đại chúng, xin Thầy chỉ cho con làm sao để con có thể đi sâu hơn nữa.

Thầy:

Thì bây giờ mình dùng trí của mình quán sát xem đời người có khổ hay không? Sanh Lão Bệnh Tử mình thấy có khổ hay không? rồi thấy mình tu hành nó cực nhọc đến như vậy, tu hành là một cái gì khó khăn mệt nhọc chứ không vui vẻ gì đâu. Mình thấy khó khăn như vậy, thì những người khác họ yếu đuối hơn mình, kém thông minh hơn mình thì họ càng thấy khó khăn như thế nào nữa, tự nhiên mình khởi Lòng Bi. Theo Thầy thấy thì Thầy cũng mạnh hơn người trung bình, mình thông minh hơn người ta, có nhiều đức tính hơn người ta, mà mình còn thấy khó khăn như vậy huống gì là một người bình thường như vậy, làm sao họ đi con đường này được. Khi mình thấy họ rất khó rất cực nhọc, đi con đường này thì tự nhiên mình có Lòng Bi.

Thứ hai là mình phải biết suy nghĩ, thậm chí có người biết con đường và thấy khó khăn cực nhọc như vậy, đa số nhân loại này có mấy người biết con đường. Trong 8 tỷ người chắc khoảng 1 tỷ người là biết con đường, có đi, còn lại hầu như không hề đi, thậm chí còn không biết có con đường để đi nữa, thì tự nhiên mình thấy thương xót, vì con đường này anh phải đi thôi, không có lôi thôi gì nữa, tất yếu anh phải giải thoát và giác ngộ thôi, không thể nào không đi được. Còn nếu anh không đi thì coi chừng rớt xuống cõi dưới thành con vật hay con gì gì đó phải không, nên bắt buộc anh phải đi. Mình thấy có 2 loại người, một loại là đi mà đi khó khăn, thì mình thấy họ đi khó khăn mình phải thương xót cho họ chứ. Thứ hai là có những người hoàn toàn không biết có con đường đi. Trong 8 tỷ người đây có bao nhiêu người nói rằng mục đích cuộc đời họ là giải thoát và giác ngộ, hầu như rất ít, toàn là mù lòa hết, tự nhiên mình thương. Thành ra cứ quan sát cuộc đời này mình thương xót, bởi vì mình không quan sát, mình sống ích kỷ quá, chỉ sống với cái tôi và cái của tôi thôi nên mình không mở ra để thấy, chứ cuộc đời này biết bao nhiêu là thương xót, đáng thương.

Rồi mình nhìn những người chung quanh mình đây, thấy họ cũng tạm biết con đường, mà họ đi rất là khốn khổ, quá khổ cực. Đây là những người may mắn biết có con đường, còn những người không biết có con đường này. Chỉ biết những lối đi vào sanh tử loanh quanh thôi chứ không biết có con đường này, thì họ còn khổ tới bao giờ. Mình phải văn - tư - tu, văn là đọc, tư là tư duy, anh muốn thấy người ta khổ anh phải tư duy chứ, Thầy dòm thấy 3 ông này đều khổ hết (Thầy nhìn 3 người đối diện Thầy), nếu không khổ ổng ở đây chi, để nhập thất này nọ, nếu hạnh phúc ổng ở đây chi, thành ra mình thấy rõ ràng là khổ. Rồi chưa kể lâu lâu lại lòi ra những lỗi lầm của mình, Thầy đã nói rồi có những lỗi lầm trong đời này không giải quyết nó được đâu, bởi vì mình không đủ sức, như vậy thì thấy khổ không? Căn bệnh mãn tính như vậy thì quá khổ. Thành ra cứ tư duy cứ quan sát đi, thì mình sẽ thấy là khổ ghê lắm. Bây giờ hỏi một ông nào đó: ông chết ông đi về đâu? ổng không biết, thấy khổ không? Ai cũng phải ra đi, nhưng ra đi thì không biết mình sẽ về đâu, rồi mình có tiền để đi du lịch xa hay không? hay là mình cứ loanh quanh loanh quanh .

Bởi vậy Thầy nói phải tư duy, một lời nào đó mình nghe rồi mình phải tư duy, tư duy cho chín rồi, hơn một nửa của sự tư duy rồi thì mình mới thực hành được. Lúc đó mình có mục đích rõ ràng khi thực hành. Thầy ví dụ như mình tư duy về vắc xin Covid, có cần thiết phải chích hay không, phải tư duy rồi mới can đảm để đi chích chứ, anh phải tư duy. Tại sao trong những chuyện lặt vặt anh tư duy mà trong chuyện này anh lại không tư duy. Tư duy là một động lực, khi anh thấy đó là một con đường phải đi thôi, dầu khó khăn, dầu gì cũng phải đi thôi, lúc đó anh mới thực hành được, bắt đầu đi được. Còn bây giờ anh nói rằng biết đâu có một phương pháp khác, có một sự thỏa hiệp nào đó, thì làm sao anh thực hành được.

Thành ra phải tư duy cho rõ ràng Lòng Bi của mình, mình tư duy, thực hành thì sẽ thấy là tại sao Lòng Bi lại gây ra sự đau đớn như vậy, chính vì cái tôi và cái của tôi nó bị công phá, nó bị rạn nứt, bị bể ra, thì mới gây đau đớn.

Bên Tây tạng có ngài Tara, ngài Tara là 2 giọt nước mắt của Ngài Quán Thế Âm, chảy nước mắt cũng đau đớn lắm chứ, bình thường thì đâu có chảy nước mắt được đâu. Thành ra mình phải tư duy coi mình yếu điểm nào, bởi vì Phật Giáo là cái gì toàn bộ, Từ Bi Hỷ Xả, Bát chánh đạo, lòng tin ... đủ thứ hết.

Đối với Thầy Đức Phật là một con người toàn diện, hoàn thiện. Anh phải hoàn thiện hết mọi mặt, phát Bồ Đề Tâm là gì, mong muốn đạt được Giác Ngộ để cứu độ chúng sanh. Trí huệ anh đạt tới cỡ nào thì Lòng Bi anh phải đi theo đến cỡ đó, tôi biết ít ít thì chỉ cho người ta ít ít. Thầy biết ít ít thì chỉ cho người ta ít ít. Cái gì làm cho anh khổ nhọc đi chỉ cho người ta, đó là Lòng Bi, chứ không có Lòng Bi thì anh trùm mền ngủ cho sướng chứ mắc gì đi chỉ cho người ta, chưa kể có khi chỉ cho người ta còn bị chửi lại nữa.

Chính các đệ tử của Đức Phật hồi đó cũng đã bị như vậy, chỉ cho nó không vui mừng mà nó còn sỉ nhục lại nữa. Thành ra Đức Phật mới nói nếu có bị đánh chửi ra sao thì cũng phải trả lời. Chính vì Lòng Bi anh mới làm được điều đó. Trên con đường Bồ Tát, Lòng Bi rất quan trọng bởi vì con đường Bồ Tát đi bằng hai chân: Trí Huệ và Đại Bi.

Trong các kinh ví dụ như Hoa Nghiêm mình thấy là từ bậc sơ địa mà đi lên, trên mười nấc thang đó đều lấy Đại Bi làm đầu. Luôn luôn là vậy, vì Đại Bi đó nên mới có những lời nguyện tôi phải là thượng thủ, tôi phải là số một trong chúng này nọ, nhưng đó không phải là vì ham danh ham lợi, mà đó là vì lòng Đại Bi. Anh có lòng Đại Bi thì anh mới có động lực tu hành, chứ không thì không tu hành được đâu.

Mình nhìn lại xem trong bữa sinh nhật của ngài Đạt Lai Lạt Ma, ngài nói sẽ phục vụ cho người khác cho tới cuối đời, và phục vụ bằng cái gì, bằng tư tưởng bất bạo động, và thứ hai là bằng Lòng Bi. Sở dĩ đức Đạt Lai Lạt Ma được nói là hiện thân của ngài Quán Thế Âm là bởi vì lòng Từ Bi của Ngài mạnh hơn hết. Khi có Lòng Bi thì anh thấy anh có bổn phận với những người khác, anh có bổn phận với cái này cái nọ.

Khổng Tử có nói "tu thân" là hoàn thiện con người mình, "tề gia" là trong gia đình mình người nào cũng nhắm đến cái đích là tự hoàn thiện mình, "trị quốc" là dùng cái việc tự hoàn thiện của mình cho ngoài xã hội nữa, cái đó là Lòng Bi, đâu phải "trị quốc" là tìm kiếm danh lợi gì đâu, vì Lòng Bi mình phải làm việc trong xã hội. "Bình thiên hạ" không phải là đi chiếm cả thế giới, mà có nghĩa là làm cho thiên hạ an bình, đây là tầm cỡ quốc tế. Tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ, chính là Lòng Bi.

Các ông Thánh đâu phải làm vì để nổi danh. Mấy vị Tây Tạng cũng vậy, qua đây làm việc bị thay đổi khí hậu, gần tới những ngày cuối vị nào cũng xanh xao cả, trong phái của họ có hàng trăm người giỏi mà tại sao họ lại phải đích thân đi, bởi vì Lòng Bi.

Thầy học được nhiều nhất của ngài Garchen là ngài chỉ nói Lòng Bi, bởi vì Ngài tu hành chủ yếu là theo ngài Tara, mọi thứ như Chuyển Di Tâm Thức ... Ngài đều quy về Lòng Bi hết. Anh có Lòng Bi mạnh thì anh chuyển di tâm thức được chứ không cần trí huệ nhiều. Phowa cũng dùng Lòng Bi.

Bồ Đề Tâm chính là một nửa trí huệ, một nửa Lòng Bi. Chính Lòng Bi mới giúp anh đi được trên con đường khó khăn này.

Xin lỗi chứ Tây Tạng họ cũng bi đát lắm, họ mất quê hương của họ, đi lung tung khắp thế giới, đi xin người ta chỗ ở, xin người ta chỗ ăn, bi đát lắm. Nhưng họ đã lật ngược tình thế bởi vì Bồ Tát Hạnh của họ rất mạnh, nhờ đó họ mới truyền bá Phật Giáo khắp thế giới được. Ngài Garchen học ít, ở tù cũng 20 năm, nhưng không biết sao ngài lần lần nổi tiếng khắp thế giới. Sự nổi tiếng khắp thế giới của ngài Garchen chính là do Lòng Bi của Ngài. Ngài nói khi đau khổ hay phiền não, thậm chí chết cứ nhớ đến Ngài.

Tại sao mấy vị Tây Tạng ngồi ở một chỗ với máy tính lại có thể quán đảnh khắp thế giới cách mấy ngàn cây số, bởi vì Lòng Bi và Trí Huệ của Ngài đủ sức đến đó. Thành ra nên nhớ Lòng Bi và Trí Huệ là thực tại, là sức mạnh, là thần lực chứ không phải chuyện mình nói ngoài miệng đâu, nó chính là phép lạ. Lòng Bi tạo nên phép lạ.

VH:

Dạ thưa Thầy, Thầy có nói Lòng Bi là sự thương xót, thương khó. Trong những lần con vào chùa con cảm nhận được tình thương, trí huệ của Thầy dành cho đại chúng nói chung và chúng con nói riêng. Trong khi quan sát thì đối với con VT là một dấu hỏi lớn, con chưa bao giờ dám hỏi trực tiếp cô ấy. VT có một điểm rất nổi bật là lúc nào cô cũng vui vẻ, ngồi trên bàn ăn khi Thầy đưa ra một vấn đề gì đấy thì ai cũng căng thẳng nhưng VT vẫn tươi cười như không có chuyện gì xảy ra, và Thầy nói là Thầy yên tâm với VT.

VT:

Anh VH có hỏi là trên bàn ăn ai cũng căng thẳng hết mà sao VT lại cười. Thì VT xin nhắc lại một chuyện cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là lý do VT yên tâm tu tập ở chùa là do VT tin vào Thầy, và những Pháp Thầy truyền dạy cho đại chúng, nó làm cho VT có lòng tin rất là vững mạnh rằng có thể trong đời này VT có thể không đi trọn, không đạt được, không sống được trong nền tảng, không sống được trong thực tại. Nhưng VT tin rằng nó luôn luôn hiện hữu, và có thể trong nhiều đời kiếp sau sẽ có lúc VT sẽ sống được trong đó và làm lợi lạc cho nhiều người.

Bữa trước Thầy có nói chúng ta là tù nhân của cõi Tịnh Độ, của Niết Bàn và Thầy quay xuống hỏi VT tin không? Thật sự giây phút đó mình mới cảm nhận được mình đã từng là tù nhân của cõi Tịnh Độ, tất cả mọi người mọi sự trước mặt mình đều là Đức A Di Đà Hóa Hiện. Giây phút đó thì những gì Thầy đã dạy càng dấn sâu hơn nữa, nó khắc cho mình để mình có thể đi mạnh mẽ hơn trên con đường này.

Thầy:

Thầy trả lời thêm cho VH là mỗi người đều có một ưu điểm của mình. Những người có lòng Từ thì thường vui vẻ, VH thấy VT vui vẻ là bởi vì có lòng Từ nhiều. Từ giọng nói cho đến khuôn mặt đều biểu lộ lòng Từ nhiều lắm. Bữa trước chị nói chị thiếu Lòng Bi nên mới có buổi thuyết trình hôm nay. VT mạnh về lòng Từ lắm, luôn luôn vui vẻ. Ví dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn vui vẻ. Còn trí huệ không tới đâu nó mới đưa tới căng thẳng. Bàn tiệc này có nhiều thứ lắm, thành ra mình phải ăn nhiều món mới biết món nào hợp với mình. Khi Thầy quy y cho VT thì Thầy thấy cô này có nhiều lòng từ nên Thầy mới đặt là VT đó. Nếu mình sống trong chúng mình sẽ học được những ưu điểm của người khác.

Thầy đã nói rồi, xung quanh mình đây thế nào cũng có người hơn mình ở điểm nào đó, thì mình phải học điều đó. Thầy nghe VT nói đọc kinh điển hay thiền là ù tai ù óc, không hiểu gì hết, nhưng mà cứ làm lần lần thì Thầy thấy VT nói được nhiều hơn, vì VT chỉ y theo một lời Thầy nói: mình cứ mạnh dạn nói, quan trọng mình có nói thật hay không, mình nói cái thật mới ảnh hưởng lên người khác. Cũng như Thầy nói đầu buổi hôm nay VT phải nói tại sao có buổi hôm nay, cũng như Duyên Khởi là vì sao có chuyện này. Trong những buổi lớp trẻ giao lưu với nhau thì nên nói những chuyện cụ thể. VT có gì đó ngây thơ, tướng của VT cũng đẹp, do tâm Từ, y báo biểu lộ chánh báo, từ cái tên của mình cho đến mặt của mình đều biểu lộ sự tu hành của mình, sự tu hành đó không phải trong vài ba năm mà có thể từ những đời trước, bây giờ mình chỉ tiếp tục con đường cũ của mình thôi. Ai cũng có những điểm hơn mình, người kém thông minh thì rất siêng năng, chúng ta cần phải học điểm mạnh của người khác, cho đến khi lòng Từ Bi ôm trọn chúng sanh thì tài sản tâm linh của tất cả chúng sanh đều là của mình hết. Tâm Từ Bi là để mở rộng ra, cho đến một mức nào đó thì tất cả sự tu hành của thiên hạ đều là của mình hết, ví dụ đối với một ông chủ tịch nước hay ông tổng thống nào đó thì tài sản của dân chúng đều là của ổng hết, bởi vì tâm của ổng trùm hết được. Tu hành là làm sao Tâm mình càng ngày càng rộng ra. Từ cũng làm tâm mình rộng ra, Bi cũng làm tâm mình rộng ra, và khi tâm mình rộng ra là tự nhiên mình vui à. "Bi" lần đầu thì nó khổ lắm bởi vì nó phá tung những cái chật hẹp của mình, nhưng khi đã mở rộng ra rồi thì chính Lòng Bi làm cho mình vui.

Trong một buổi pháp đàm không phải người nói nhiều nhất là giỏi nhất, mà người học được nhiều nhất là người giỏi nhất. Ví dụ trước mặt Thầy là ông Bôn, duyên khởi là thế này, hôm đó ông phát nguyện nấu phở thì thầy Thấy là mấy Cô xúm vô làm giúp tất cả, Thầy nói tướng ông có tướng làm lãnh đạo hay sao mà mọi người đều vô giúp vậy nè, thì ổng mới nói một câu là: con chỉ biết phục vụ thôi. Thầy thấy Bôn nói nhiều câu hay lắm, nên Thầy nói HL nhận Bôn làm Guru đi, chứ chữ 'phục vụ' trong đời HL hình như không có. Thành ra mỗi người phải học từng chút vậy đó, chứ không phải dễ dàng gì nói câu 'phục vụ' đâu. Trong những buổi này mình phải trung thực với nhau thì mới học được nhiều, còn nếu mình chỉ nói chung chung thì không ích lợi gì đâu. Nếu có thắc mắc gì đó thì cứ hỏi thẳng, đó gọi là Vô Ngã đó, vì mình khép mình kín quá nên mình không dám hỏi, mình có những cái đau trong người mình mà mình cũng không dám nói, có bệnh mà không dám khai, thì làm sao chữa lành cho mau được. Khi bệnh đến gặp bác sĩ thì ông phải khai ra, thì bác sĩ mới lần mò ra để biết nguyên nhân bệnh. Khi giao lưu mình phải nói thật với nhau, nên nhớ chữ "Thật" rất khó nói.

Thầy đã nói trong mười Ba La Mật của Đức Phật là có Chân Thật Ba La Mật. Trong kinh nói Phát Lồ Sám Hối là vậy đó, phát lồ là anh nói ra giữa chúng. Mỗi lần Thầy đi tụng giới thì sau khi tụng giới xong, các vị có hỏi 'trong này có vị nào phạm giới gì thì phát lồ sám hối'. Phát lồ sám hối rồi thì mình mới cởi mở ra, cởi mở chính là giải thoát, giải thoát là cởi ra và vứt ra chứ có gì đâu, mà mình cứ ôm cái gì chật cứng trong này. Nhiều khi ngồi Thiền lại tráng thêm một lớp bê tông, rồi đập không bể đâu. Thành ra Thầy nói ích lợi của những buổi này là chúng ta phải nói Thật, thì nó mới mang ý nghĩa học hỏi lẫn nhau, chứ còn ngồi nói chung chung như vậy thì không ích lợi gì.