Phần Hỏi Đáp: Thầy và Đại Chúng trong 45 phút cuối
Trong Buổi Thuyết Trình của Lượng & Phong
Chủ nhật, ngày 15/8/2021
Người đánh máy: Phong
Thầy: Mấy vị có hỏi gì không, nhất là hai vị làm thuyết trình hôm nay đó, hỏi Thầy một câu, rồi HN hỏi Thầy một câu, CT hỏi Thầy một câu.
Anh L: Dạ kính thưa Thầy và kính thưa đại chúng. Với chủ đề hôm nay con muốn hỏi thêm: mọi người chia sẻ về niềm tin. Để khai mở niềm tin đó rộng hơn thì chúng ta sẽ thực hành pháp như thế nào cho nó đúng nhất, tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Con xin Thầy mở rộng thêm vấn đề, để tất cả chúng con được nghe và thực hành ạ.
Thầy: Thực hành như thế nào? Thì mình phải thực hành làm sao để mình thấy cái nền tảng, cái bản tánh của các hiện tượng, rồi mình theo đó mình thực hành thôi. Đó là nhanh nhất. Hiểu không?
Anh L: Dạ, nhưng mà làm sao mình phải đi đến thoáng thấy nó, để mà có thể tiếp tục nó tu nhanh hơn.
Thầy: Thì minh tu tất cả những pháp môn nào mà hợp với mình. Ví dụ như là ngồi thiền. Thì mình sẽ thấy tới lúc nào đó, mình ngồi thiền trên cái gì? Mình ngồi thiền trên cái nền tảng của thiền định, mình ngồi thiền trên cái bản tánh của thiền định, chứ đâu phải mình ngồi thiền để mà chơi chơi đâu. Mình ngồi thiền để mình tìm ra bản tánh của thiền định là gì? Mình ngồi trên cái gì đó, phải không.
Thì đó là cái bản tánh của các hiện tượng, bản tánh của thiền định. Chứ nếu như mình ngồi thiền mà chỉ ngồi chơi chơi …trên bề mặt thì nó cũng không ăn nhầm gì hết. Ngồi thiền để mà mình thấy được cái bản tánh của thiền định là gì, trong đó, bản tánh của thiền định là gì? bản tánh của thiền định là một cái gì đó nó bất động! Từ xưa đến nay, từ vô thuỷ đến mãi mãi về sau, nó có một cái gì đó nó bất động. Mình ngồi thiền là để tìm ra cái bản tánh đó, cái bản tánh bất động đó. Chứ không phải ngồi thiền chỉ để lâu hay mau, hay là gì gì đó thôi đâu.
Rồi khi mình thấy được như L nói đó là thoáng thấy được. Thì mình cứ an trụ trong cái bản tánh mà mình thoáng thấy đó, để mà mình tiếp tục mình tu. Rồi mình đem cái đó ra ngoài đời, khi mình tiếp xúc, khi mình nói chuyện, khi mình ăn, khi mình uống coi thử coi mình còn tương ưng được với bản tánh của thiền định đó hay không, cái bản tánh bất động đó hay không, thì tu là vậy đó.
Hậu thiền định có nghĩa là mình đem cái thoáng thấy đó của mình, cái bản tánh bất động đó ra ngoài đời, và nó vẫn cứ vậy thôi, giữ vậy thôi. Cho nên là trong cuốn Tuệ Đăng Toả Chiếu của ngài Garchen đó, thì câu quan trọng nhất đó là, cái chữ quan trọng nhất mà Thầy thấy ngài hay lặp đi lặp lại rất nhiều lần đó là cái “duy trì”. Mình duy trì được cái đó hay không, khi mà mình thấy con trâu rồi, thì mình có duy trì, mình có cầm dây của nó được hay không, đó gọi là chăn trâu, phải không? Anh có thể ca hát hay anh có múa nhảy gì không cần biết, anh có làm gì không cần biết… mà anh phải luôn luôn giữ cái dây đó, chứ không nó chạy mất. Rồi tới lúc nào đó nó thuần thục rồi thì nó ở với anh thôi!
Thì cái chữ bây giờ Tây nó dịch sang tiếng Anh là chữ “duy trì” thì bên thiền tông hay có cái chữ là “hộ trì”, “bảo nhậm”. Anh càng giữ gìn nó càng nhiều thì nó càng hiện rõ ra thôi chớ có gì đâu. Ban đầu chỉ là một cái thoáng thấy thôi nhưng mà mình biết quý trọng nó, mình biết đây là tất cả cuộc đời mình, dù đây chỉ là cái lỗ nhỏ thôi, mình còn đang bị nhốt trong một hang núi, mình đã thoáng thấy rồi, dù là lỗ nhỏ thôi, mình cứ soi soi ra, cho tới khi mình ra ngoài trời thôi. Thành ra thoáng thấy, mà phải giữ gìn, phải hộ trì, phải bảo nhậm, phải duy trì.
Mà mình không duy trì được, mình để nó mất, thì ráng chịu thôi chứ biết làm sao, rồi duy trì bằng cái gì? Mình duy trì bằng những cái bình thường mình vẫn làm, mình duy trì bằng thiền định, mình duy trì bằng cách nghe pháp, mình duy trì bằng tụng kinh, mình duy trình bằng chánh niệm tỉnh giác, phải không? Chánh niệm tỉnh giác là để duy trì cái đó chứ để làm gì? Chẳng lẽ chánh niệm tỉnh giác với những tư tưởng lăng xăng của mình, phải không? Thì đơn giản lắm, mình phải tìm coi những tư tưởng lăng xăng của mình, nó sinh ra từ đâu và nó biến mất ở đâu? Đó chính là cái nền tảng, phải không? Những tư tưởng lăng xăng của mình nó khởi lên từ nền tảng, nó chập chờn vài phút gì đó, rồi nó tiêu tan trong nền tảng. Nền tảng đó chính là cái mà trong Kinh điển gọi là Huệ mạng là vậy đó, cái mạng bằng trí huệ chứ không phải mạng này, mạng này thì nó cũng chỉ 100 năm là tối đa, còn cái Huệ mạng là nó vĩnh viễn như vậy, thì mình phải duy trì nó, mà sở dĩ mà như Thầy đã nói rất nhiều lần rồi, là mình không duy trì nó được là vì mình thấy nó quá ít, thấy nó quá ít, chứ mình thấy rồi. Xin lỗi chứ ông L, ông thấy cô H rồi thì ông đâu thể bỏ qua được, phải không? Ông hì hà hì hục, ông phải làm sao mời nàng về, rước nàng về dinh, phải không? Thì ông có nàng vĩnh viễn, phải không? Vĩnh viễn thì không biết sao, chứ trong đời này là ông có nàng miết thôi, phải không? Thành ra ông phải duy trì, chớ thấy cái người hợp với mình rồi ông quên bén nó hết rồi sao, ăn tô phở cái nó quên hết, phải không, mình vừa thấy người hợp với mình là mình “duy trì” trong trí nhớ của mình, “duy trì”, “duy trì”, rồi khi gặp lại mình vẫn biết đó là người đó rồi, thì nó duy trì cho đến cái khi rước về thôi. Đồng ý không?
Anh L: Dạ, con đồng ý!
Thầy: Hồi nãy đó, Thầy đi ngang qua, có ai nói về “giới” đó, “giới” chỉ là sự “duy trì” đó thôi, chứ không phải là mắt tai mũi lưỡi, các căn gì đó hết. Giới chỉ là sự “duy trì” đó thôi. Nhớ như vậy đó! Anh mà không “duy trì” được nó là anh phá giới. Chứ “giới” là tôi thấy cái gì đó đẹp, tôi không nhìn nó, thì không phải, đẹp tôi cứ nhìn, nhưng mà tôi vẫn duy trì nó được, thì mới là giữ giới. Chứ tôi thấy nó đẹp, mà tôi quay đi, mà tôi không “duy trì” nó được, thì tôi là phá giới như thường!
“Giới” chính là sự “duy trì” nó, “Định” là giữ nó cho thật chặt, “Huệ” là càng ngày càng ngày nó mở ra cho mình thấy, tất cả chư Phật hiện toàn thân, phải không, đó là “Huệ”!
P: Dạ, kính thưa Thầy! Con có một câu hỏi là: Con biết là ai cũng có một niềm tin ban đầu, thì như Thầy có chỉ, thì mình phải có một cái Thấy, thì mình mới có thể xác quyết và mình mới có thể thực hành một cách đúng đắn nhất. Thì trong quá trình ban đầu, mình chưa có một cái thấy, hầu hết các bạn trẻ mới tiếp cận tới Phật giáo cũng rơi vào cái tình cảnh giống như con hồi xưa cũng vậy, con muốn xin Thầy chỉ thêm là làm sao các bạn có thể có thêm niềm tin, động lực để thực hành ở giai đoạn đầu, làm sao để mình có một cái thoáng thấy và con nghĩ ở đây có một yếu tố rất là quan trọng, là phải có một vị Thầy để dẫn đường và chỉ dạy. Xin Thầy nói thêm về cái ý này được không ạ?!
Thầy: Thứ nhất là cái gì mình cũng phải “muốn” cái đã. Tôi có “muốn thấy” hay không? Mình phải “muốn thấy” đã. Ở đời này các bạn trẻ muốn thành công thì phải đam mê, phải không?. Anh phải “đam mê” để làm sao “thấy” mới được, phải không, anh phải “đam mê”, rồi anh phải đẩy cái “đam mê” đó bằng tất cả sự tu hành, như đọc sách, ngồi thiền, …hoặc là mình làm cái gì đó mà chỉ hướng đến một cái đó thôi (cái thấy), cuộc đời mình nó hướng về cái đó thôi! Thì với cái “đam mê” đó, xin lỗi chớ với cái “đam mê” và sự tu hành của mình đó, nó sẽ làm cho mình tan rã bớt cái gọi là phiền não chướng của mình đi, phải không? Và nó làm tan rã bớt cái sở chi chướng của mình đi. Những cái che chướng đó nó tan rã đi thì đến lúc nào đó, nó sẽ thoáng thấy thôi, chớ nó không có gì lạ hết.
Tất cả mọi người đều phải đi theo con đường như vậy hết, phải không! Nếu như phiền não chướng của mình nhiều thì mình phải đam mê cho nhiều vô, thực hành cho nhiều vô, để mà các phiền não chướng đó của mình nó rơi rụng .. đến lúc nào đó, như những bức màn này dần dần rơi xuống, rồi mình sẽ thoáng thấy. Rồi mình rơi rụng tiếp, rồi nó sẽ...
Tu hành là để làm gì? Một mặt là để đạt đến cái đó, để thấy được cái đó, thứ hai là để có hiệu lực, làm những tấm màn che đó nó rơi rụng lần lần đi, phải không, đơn giản vậy thôi! Cái đó nó gọi là sở tri chướng và phiền não chướng đó. Phiền não mình nó bớt lần lần, lần lần thì tự nhiên mình thấy thôi. Y như là mình xoay mấy chục vòng, mình đứng lại, mình thấy mình say say, mình mở mắt ra mình nhìn thấy trời đất nó quay cuồng hết, nhưng mà mình bình tĩnh lại, tu hành là để cho “bình tĩnh” lại, cho đến khi thấy là té ra nảy giờ là do mình xoay chớ trời đất không có xoay, (Thầy cười).
Nó chỉ đơn giản vậy thôi, làm sao đừng có xoay nữa, thì cứ bình tĩnh lại đi, cái thiền định là làm cho mình “bình tĩnh” lại, rồi những tu hành khác làm cho mình bớt phiền não đi, nó bình tỉnh lại thì tự nhiên mình thấy thôi. Lâu nay mình xoay nhiều quá rồi, mình cứ tưởng tượng là, rồi mình cứ thấy là té ra trời đất xoay, còn mình đâu có xoay, nhưng mà thật ra thì mình xoay, chớ trời đất nó vĩnh viễn như vậy thôi, chớ nó không có xoay đi đâu hết đó.
Thì bây giờ làm sao bớt xoay đi, bớt say đi. Bớt say thì mình dùng những pháp môn đó, người thì niệm Phật, người thì trì chú, người thì ngồi thiền, người thì tụng kinh, … mình tổng hợp lại, những thứ mình làm thì mình cứ làm đi, và hướng tới cái chuyện là không say nữa, không xoay nữa, thì mình hướng đến lúc nào đó mình thấy, té ra là cái xoay này là tầm bậy, phải không? đến lúc đó mình thoáng thấy là té ra trời đất này không xoay, trời đất này là bất động, trời đất này là vĩnh viễn như vậy, mà mình thấy xoay lung tung vậy là do mình, đó là mình thấy, giữ gìn sự bất động này, đó là mình đừng xoay nữa. Giữ nó bằng cái gì, bằng tất cả những pháp môn mà mình thích, mình thích niệm Phật, mình thấy cái này làm cho mình đứng lại được, Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, mình thấy nó đứng cứng ngắc liền, phải không?, thì mình cứ làm cái đó, bởi vì Pháp giới nó có bao giờ xoay đâu.
Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, mình thấy ăn câu này lắm, ăn ý lắm thì mình cứ làm đi, mỗi ngày làm một chút, tự nhiên lúc nào đó là nó đứng hẳn thật luôn, bởi mình đã thoáng thấy, thoáng thấy cái sự bất động, có ông Đăng này đi lui đi tới mà vẫn có một cái bất động gì trong đó, phải không? Ông Đăng này sinh ra năm nào, năm Mậu Tý (năm 1948), rồi ổng chết năm nào đó, nhưng mà nó có một cái bất động trong đó, phải không? Chứ ổng cứ sống, ổng sinh rồi ổng chết thì ổng chịu sao nỗi, phải có một cái bất động, nó nằm ở dưới thời gian, dưới không gian, hoặc là mình nói trên cũng được, trên không gian, trên thời gian, cái đó bất động, nó không có thời gian nó không có không gian, thì tu hành là để nhắm cái đó, cái đó trong Kinh Pháp Hoa gọi là Như Lai Thọ Lượng, là cái thọ lượng của Như Lai là vĩnh viễn, không có thời gian không có không gian, cho nên không có vô thường gì hết đó.
Đó, mình nhắm cái đó. Thì tất cả Tây Tạng cũng nói về bản tánh của tâm, hay là Đại Ấn, Đại Toàn Thiện là cái đó, cái đó. Còn bên thiền thì nói là tự tánh, ngài Lục tổ Huệ Năng nói là tự tánh hay là tánh gì đó, hay là Kinh Lăng Nghiêm nói là tánh thấy, tánh nghe. Mà trong Kinh Lăng nghiêm nói là cái tánh đó rõ ràng là bất động, phải không?.
Đức Phật đưa tay bên trái, rồi Ngài A Nan nhìn theo bên trái, rồi Đức Phật đưa tay qua bên phải, Ngài A Nan xoay qua bên phải, thì đức Phật mới hỏi như vầy, có phải là cái đầu ông xoay không?, dạ phải. Nhưng mà tánh thấy của ông có xoay không? Dạ không!
Bên trái, bên phải nhưng cái tánh thấy nó không có xoay, phải không?. Rất rõ ràng, thì mình nếu mình đam mê cái chuyện này, mình thấy đây là cứu cánh của đời mình, thì mình lo thôi chứ, lo giữ nó như lo giữ trái tim của mình vậy, hoặc là như bên ngoài nói là giữ gìn như con mắt, con ngươi của mình vậy, rồi được chưa? Anh càng giữ gìn, thì anh càng tin, chứ không phải tin mới được vậy, anh càng giữ gìn, thì anh càng tin, bởi vì anh thấy rõ ràng, đây là cái mình đã tìm kiếm bao nhiêu đời nay rồi, thì nó là đây rồi, thì làm sao mình không giữ gìn được, phải không?.
Mình đi tìm sự nghiệp, danh vọng, tiền bạc, tìm đủ thứ hết nhưng mà mình thấy tất cả nó đều qua tay mình hết, nó trôi tuột đâu hết. Cái này là nền tảng của tất cả các cuộc đời của mình, phải không?, nền tảng của tất cả các hạnh phúc và tất cả các khổ đau của mình, thì mình thấy chừng đó là đủ giữ gìn rồi. Nhiều khi mình biết khổ đau, hay là hạnh phúc, mà mình không biết nền tảng của khổ đau, hạnh phúc là cái gì, mình cứ chạy theo cái hạnh phúc, khổ đau.
Thực ra là mình có cái nền tảng, nền tảng đó không hạnh phúc, nên mới sinh ra hạnh phúc được, phải không?. Nó không khổ đau, nó mới sinh ra khổ đau được. Chứ nó khổ đau thì chưa phải là nền tảng, nền tảng đó không khổ đau nên nó mới sinh ra khổ đau của mình được, sinh ra là do đâu, do chính mình đó, mình khai thác bậy, mới gặp trúng mìn, mìn nó nổ, cái đó là do mình hết.
Nền tảng đó trong Kinh điển có nói, đó là “Viên ngọc như ý”, nó sinh ra tất cả mọi thứ, sinh ra tất cả mọi sự. Thành ra ngài Lục Tổ Huệ Năng có nói “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”. Nên nhớ là khổ đau của mình là cũng sanh ra từ đó, mà chẳng qua mình biến nó thành khổ đau thôi, nó không khổ đau, nó không khổ đau mới sinh chứ, cũng như Bà mẹ đâu phải là đứa con, thì bà mới sinh ra đứa con, nếu mà Bà là đứa con thì rồi bà làm sao sinh ra đứa con được. Rồi! thôi bây giờ, hai vị xong chưa, đến phiên mấy vị Hà Nội hỏi.
P: Dạ, con xin tri ân Thầy ạ!
Thầy: Thầy muốn anh Tùng hỏi, bởi vì mới nghe nói là ổng mới xuất thất, Tùng mới cần hỏi.
Anh Tùng: Vâng, con xin chào Thầy, hôm nay con muốn hỏi Thầy một câu như thế này, con có đọc trong kinh Viên Giác, thì thấy khi mà hỏi Đức Phật “nhân địa tu hành”, thì ngài mới trả lời là Ngài dựa trên “tâm nhân địa” của Kinh Viên Giác mà tu, tức là “tu trên quả”, có nghĩa rằng là phải từ cái nền tảng đó, mà tu hành. Con muốn hỏi Thầy một câu là khi mà dựa trên Viên Giác đó, bằng cái niềm tin mà mình chưa có một cái chứng ngộ xác quyết, thì cái điều gì là quan trọng nhất, để từ niềm tin là có Viên giác đó, có cái nền tảng bất sanh bất diệt mà mình thấy được nó, thể nhập vào cái đó, duy trì nó, xác quyết nó để mà tu hành, điều gì là quan trọng nhất?
Thầy: Thì nãy giờ Thầy đi qua thì thấy mọi người đã nói hết rồi. Tùng hỏi là “Dựa vào cái gì để tu phải không?”
Anh Tùng: Điều gì là quan trọng nhất ạ?
Thầy: Không, đối với Thầy cái gì cũng quan trọng hết. Thầy dựa vào cái gì Thầy tu, phải không? Nói vậy mới ăn tiền, mới khai thác Thầy được, chứ ông hỏi vậy, thì ông không khai thác được Thầy nỗi đâu, (Thầy cười). Đó, Thầy cho hỏi là vậy đó.
Thầy dựa vào cái gì để tu? Tất cả những gì mắt Thầy thấy, tất cả những gì tai Thầy nghe, tất cả những gì mũi ngửi, tất cả những gì …tất cả, đó là Thầy dựa vào tất cả cái đó để Thầy tu, cho nên Thầy tu suốt luôn!
Nền tảng giờ lỡ nó không có nền tảng thì làm sao? Thấy cái gì Thầy tu cái đó! Được chưa, có hỏi nữa không [Đại chúng vỗ tay]. Chứ nói mà tu trên nền tảng, thì Thầy phải xuống phòng Thầy ngồi thiền tệ lắm cũng 45 phút, Thầy mới lên nói được. Còn ở đây là Thầy tu. Nói đơn giản, nói cho một cách có bài bản đó là Thầy tu ngay trên tướng! Bởi vì tất cả tướng đều là tánh, đó là Viên Giác nói, phải không? Viên Giác nói gì, Viên Giác nói tất cả pháp đều là Phật pháp, tất cả đều là giác, có phải không? Thầy tu ngay trên cái tất cả đó đó!
Rồi bây giờ đến mấy vị Cần thơ. Mấy vị Cần Thơ có vị nào hỏi không, 10 phút nữa chấm dứt đó.
Chú C: Dạ, bạch Thầy, bạch đại chúng. Thì có xin hỏi Thầy là Thầy dạy rõ cho chúng con là Một tướng Một tâm ạ!
Thầy: Thôi, Thầy chỉ trả lời một câu thôi! Tất cả tướng đều là tánh! Tất cả tướng đều là Một Tâm, đó vậy thôi! [Đại chúng vỗ tay] Tất cả các tướng đều là thật tướng, tất cả các tướng đều là Tánh! Tất cả tướng đều là Một Tâm! Đó, nè [Thầy chỉ vào màn hình đang kết nối online], nằm trong một màn hình là Một Tâm chứ còn gì nữa!
Chú C: Dạ, Thầy!
Thầy: Rồi thôi, vậy đó. Kỳ tới Thầy thấy có đăng ký đâu trên bảng rồi! Đây làm hai kỳ rồi, kỳ tới mình sẽ dành cho mấy ông HN, nghe nói là VD với KD, hai người đó làm cái gì đó, cái đầu đề là cái gì…?
KD: Dạ, con bạch Thầy ạ! Con chào Thầy, kính chào đại chúng và tất cả mọi người, các cô chú ở CT và các anh chị ở Hà Nội ạ! Vâng, tuần sau là chúng con có một cái chủ đề là “Thực hành cái yêu thương và phát triển cái tâm từ bi trong đời sống hằng ngày của mình ạh!”
Thầy: Rồi! Yêu cầu gửi đồ ăn vô đây, nhiều khi gắp đồ ăn mới biết tâm từ bi là gì! Rồi tuần sau ha!
KD: Vâng, ạ!
Thầy: Rồi bây giờ thôi. Hồi nãy Thầy cũng nói là dành cho anh Tùng mới xuất thất. Giờ P.Thảo định hỏi thì P.Thảo hỏi câu chót đi, còn 5-10 phút gì đó nữa.
P.Thảo: Dạ, Bạch Thầy! Con xin phép hỏi một câu đó là…Tụng kinh cũng là một trong những pháp môn phương tiện đấy ạ. Làm thế nào để tụi con tụng kinh hiệu quả?! Khi mà con đọc các bản kinh của Đại thừa thì con thấy trong các bản kinh nội dung, đặc biệt giống như là kinh A Di Đà tán dương rất nhiều các danh hiệu Phật, và sau đó nói về ý nghĩa của việc tụng kinh sẽ mang lại lợi lạc như thế nào, sau đó là hết bản kinh. Ví dụ như con và con nghĩ là có rất nhiều người khi mà đọc xong bản kinh thì thật lòng cũng không hiểu bản kinh đó nói gì. Con có một tâm tưởng như vậy và xin phép được hỏi Thầy là chúng con làm sao tụng kinh một cách hiệu quả để có thể hiểu thấu được ý nghĩa của kinh hay là mình phải đọc đi đọc lại nhiều lần.
Thầy: Thì đơn giản thôi, Phật giáo là vậy! Đọc kinh cũng là “Giới Định Huệ”, phải không? Đồng ý chưa [Dạ]. Nghĩa là mình phải đứng cho nó thẳng thắn, ngồi cho nó thẳng thắn, ngồi nghiêm trang, cái tâm mình phải chuẩn bị bằng giới, ngồi nghiêm trang chứ không phải là ngồi…. nghiêng ngả, rồi nhìn ra ngoài trời, bữa nay trời cũng khá đẹp, rồi mình cứ nhìn trời thôi mình không có lo kinh.
Đó phải là Giới Định Huệ! Đọc kinh là gì? Mình nên nhớ một điều, cái Kinh là lời của Phật, đó là ngữ giác ngộ của Bậc giác ngộ, phải không? Cũng như thần chú là vậy đó, ngữ giác ngộ của một vị giác ngộ, phải không? Kinh cũng là ngữ giác ngộ, là lời giác ngộ của một bậc giác ngộ là Đức Phật! Rồi, khi mình thấy vậy thì, Thân mình cũng phải giữ nghiêm chỉnh, đầu óc đừng có nghĩ lung tung, khẩu thì tụng thì lúc đó mình sẽ tương ưng với cái khẩu, cái ngữ của Đức Phật, phải không? Thân mình ngồi nghiêm trang, Đức Phật ngài ngồi thuyết pháp đâu có ngồi nghiêng ngã như mình đâu, ngài cũng nghiêm trang lắm, phải không?
Thì thân của Ngài, khẩu của Ngài và tâm của Ngài. Tâm của ngài là cái gì? Mình phải duyên theo ý nghĩa của các câu kinh đó là gì, để mình tìm ra ý nghĩa của câu kinh đó. Khi nào mà mình, trong Mật Thừa nó gọi là vậy đó, khi mà Ba Mật tương ưng. Ba mật là gì: Thân – Khẩu - Tâm, ba cái đó của mình tương ưng với Thân – Khẩu – Tâm của Đức Phật! Thì càng tương ưng được nhiều chừng nào thì nó càng trãi qua, đó là “tâm truyền tâm” đó! Trong thiền tông nó gọi là “tâm truyền tâm”, đó là tâm của Phật truyền qua tâm mình! Nếu như mình chuẩn bị Thân – Khẩu – Tâm của mình, làm sao cho nó để nó truyền qua, vậy thôi, đó là thành công!
Truyền qua được một câu thôi là bỏ nhà ra đi liền, phải không, đó! Nên nhớ là “Tam mật tương ưng”, Tam mật đó là thân tương ưng, khẩu là miệng mình tương ưng, và tâm mình tương ưng, thì làm sao ba cái đó nó tương ưng với Thân-Khẩu-Tâm của một bậc giác ngộ, đó là Đức Phật.
Kinh là lời nói giác ngộ, cái ngữ giác ngộ, cái khẩu giác ngộ của Đức Phật. Ba cái mật đó làm sao cho nó tương ưng với một bậc giác ngộ, thì đó gọi là tương ưng! Và đó nói một cách thì đó cũng gọi là quán đảnh!
Thành ra mình làm cái gì mà với mức độ cao cấp nhất của mình, thì cái đó là tốt! Nên nhớ, Kinh là đức phật quán đảnh cho mình đó, phải không? Quán đảnh qua cái miệng, cái khẩu, cái ngữ của Đức Phật! Chớ không phải Kinh điển là để ngồi chơi thôi, để in ra thôi đâu, phải không?
Mà nếu như mình để ý thì trong cái đó nó như vậy đó! Trong bốn cái quán đảnh của bây giờ là Tây Tạng đó, quán đảnh thứ nhất là thân, ngữ, tâm. Nên nhớ vậy đó, mình làm cái gì bằng tất cả cái thân, ngữ, tâm của mình, thì nó mới truyền qua được! Rồi nó truyền qua được thì mình sẽ thấy sao? Mình thấy Kinh điển không ngoài tâm mình đâu! Khi nó truyền qua được thì mình sẽ thấy kinh điển nó nằm trong này nè [Thầy vỗ ngực chỉ cái tâm bên trong]! Lúc đó mới đập ngực mà cười chớ! Hiểu không?
P.Thảo: Dạ, con hiểu rồi ạ, con cảm ơn Thầy, con biết ơn Thầy ạ!
Thầy: Mình tụng kinh là phải vậy đó! Chứ đừng có nghĩ Kinh chỉ là chữ nghĩa không thôi không đâu. Nó là cái khẩu của đức Phật, khẩu của một bậc giác ngộ, thành ra mình làm, nhờ mình tụng kinh mà cái khẩu của mình, cái ngữ của mình, cái miệng của mình với cái khẩu của Đức Phật, hai cái đó..lần lần nó tương ưng, tương ưng, nó gặp nhau, gặp nhau! Thì không thấy cái bài hát gì đó, “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước, nhớ nhau mấy thuở bạc đầu!”- Mình bạc đầu rồi mà mình vẫn chưa gặp?! Thôi vậy được chưa?
P.Thảo: Dạ, được rồi ạ, con hiểu rồi ạ! Con cảm ơn Thầy, con biết ân Thầy!
“Nguyện đem công đức này
đến khắp cùng tất cả
đệ tử và chúng sanh đồng
trọn thành Phật đạo!!!”