Thầy Giảng Trong 45 Phút Cuối

Trong Buổi Thuyết Trình Của Giác Và Bôn

Chủ nhật, ngày 8/8/2021

 

Anh L hỏi: Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng!

Về chủ đề “Phục vụ” của Bôn và sư huynh Giác hôm nay làm, thì con thấy chữ Phục vụ theo con là mình thưởng thức được sự thăng hoa của các giác quan của mình. Không biết là ý con có đúng không? Nhờ Thầy giảng cho con và Đại chúng được rõ thêm ạ.

Thầy: cái này khó, Thầy trả lời không nổi đó, thăng hoa của các giác quan.

Mà bây giờ Thầy chỉ đơn giản thôi, từ trước tới giờ Thầy hay chỉ dạy cái nền tảng, bây giờ Thầy chỉ nói về cái nền tảng của Phục vụ thôi, mình phục vụ trên nền tảng nào.

Thầy xác định rõ ràng là nền tảng đó là tình thương yêu hay từ bi và trí huệ. Thì mình phục vụ trên nền tảng tình thương yêu và trí huệ, đó gọi là phục vụ, mà phục vụ đó nó đưa cho mình sự an lạc, chứ không đưa cho mình sự mệt mỏi.

Bây giờ nói về tình thương yêu chẳng hạn, một người cha mẹ mà sinh ra đứa con, nuôi nấng nó, khóc đêm này nọ cực khổ, nhưng mà họ có nói là họ phục vụ đứa con không? phải không? Không bà mẹ nào, ông cha nào mà đi nói tôi phục vụ đứa con hết á.

Thành ra chính cái tình thương yêu đó nó làm cho sự phục vụ đó nó thăng hoa lên được, nó không còn là sự phục vụ nữa.

L đã nghe mấy tỉ người trên trái đất này, có ông bà nào, ông nào nói tôi phục vụ con không? không, vì tình thương yêu của họ, họ làm chuyện đó với con là chuyện đương nhiên thôi chứ không có chuyện gì hết đó.

Còn nếu như mình bám vô chuyện mình không đủ tình thương yêu, mà bám vô cái chuyện phục vụ, thì phục vụ đó có ngày mình cũng phải mệt mỏi, rồi mình chán đời … đủ thứ. Trong tình thương yêu không có sự phục vụ, mặc dù anh làm rất nhiều chuyện, nhưng không có sự phục vụ, phải không? đồng ý chưa?

L: Dạ, thưa Thầy, con đồng ý ạ.

Thầy: Cái thứ hai nữa là trí huệ, trí huệ thì nó hơi khó hơn, nhưng mà bây giờ, tình thương yêu của mình làm cho con người mình nó rộng lớn hơn ra. Nó rộng lớn ra thì sự phục vụ đó nó càng nhỏ bấy nhiêu. Chứ mình đem cái thân của mình, cái nhỏ nhoi của mình mà mình đòi phục vụ thì làm sao mình phục vụ cho nổi, nhưng mà tình thương yêu càng lớn rộng bao nhiêu thì sự phục vụ đó nó càng nhẹ nhàng, và nó cũng không đòi hỏi cái gì hết.

Cái ví dụ rõ ràng là cha mẹ sinh ra đứa con, nó thức đem 1, 2 giờ sáng thì mình cũng phải thức dậy thôi, chứ mình có lầm bầm là tao phục vụ cho mày không? không, đó là chuyện dĩ nhiên, vì đối với tình thương yêu của cha mẹ đối với con thì không có nói tới chuyện phục vụ. Thành ra bây giờ nếu như anh thương yêu được người khác, thì anh sẽ thấy phục vụ là cái chuyện nhỏ thôi, tình thương yêu càng lớn, thì phục vụ của mình nó càng nhỏ.

Cho nên tình thương yêu, cái từ bi đó nó là cái nền tảng của sự phục vụ, cho nên mình phải nhắm tới cái nền tảng đó, cái nền tảng tình thương yêu đó càng lớn thì sự phục vụ càng có hiệu quả, càng bớt mệt mỏi.

Cái quan trọng là nền tảng đó, bản tánh của tâm đó có hai vấn đề, có hai yếu tố trong đó, hai yếu tố đó nó hòa quyện với nhau là tình thương yêu và trí huệ, thành ra mình phải tu, mình phải muốn nâng cấp cuộc đời mình lên là tình thương yêu và trí huệ thì mình sẽ nâng cấp lên được.

Còn bây giờ trả lời trực tiếp câu hỏi của L là thăng hoa các giác quan, chính các giác quan đó thăng hoa là nhờ tình thương yêu, anh có tình thương yêu anh mới thấy được cái đẹp, còn anh ra anh dòm thấy cây cối mà trong lòng anh không có tình thương yêu, anh lại thấy sự bực bội, anh không thấy có chút gì là nó đẹp hết. Nhưng nếu anh có tình thương yêu đối với thiên nhiên, đối với cây cỏ, đối với sông nước, … anh có tình thương yêu thì tự nhiên anh sẽ thấy đẹp.

Thành ra nền tảng của sự thăng hoa các giác quan đó chính là tình thương yêu, và nhờ tình thương yêu đó, anh mới thấy cái đẹp, chứ không thôi anh không thấy được đâu, anh đang còn bực mình, đang còn vậy mà làm sao mà thấy cái đẹp được, và khi anh có tình thương yêu thì anh thấy một người xấu cũng thành đẹp, bởi vì trên thế giới này bảy tỉ người không ai giống nó hết. phải không? cái đó là độc đáo, nó đặc biệt, thành ra xấu cũng là đẹp, nếu như mình có tình thương yêu thì mình thấy cái gì cũng đẹp hết. Ăn cơm trong mùa covid này, ăn cơm toàn rau không, cũng thấy ngon như thường, còn anh không tình thương yêu thì bây giờ dầu có cao lương mĩ vị trời gì nữa thì anh cũng thấy không bằng lòng, khó chịu.

Thành ra cái quan trọng nhất mà Thầy giảng từ trước tới giờ, cái Nền tảng đó là nền tảng cả cuộc đời mình, nền tảng của tất cả mọi người, nền tảng của tất cả thế giới này, thì cái nền tảng đó Thầy xác định rõ ràng là tình thương yêu và thứ hai là trí huệ.

Trí huệ là sao? Trí huệ là không phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, hòa nhập giữa chủ thể và đối tượng, khi nào phục vụ mà còn có đối tượng trong đó mình sẽ đưa tới cái chỗ bực mình.

Trí huệ mình càng sâu sắc bao nhiêu nữa, đạt tới trí huệ nằm trong nền tảng thì sao? Là mình giải thoát. Tại sao giải thoát? Vì chưa từng có cái gì sanh ra hết, thậm chí sanh tử chưa có sanh. Đó là giải thoát, đó là trí huệ, mình phải đạt tới chỗ đó thì cuộc đời mình mới giải thoát được, còn cứ lăng nhăng phục vụ ở mức chiến thuật này nọ thì không bao giờ hết.

Trí huệ là sao, trí huệ là thấy chưa từng có pháp nào sanh ra, nghĩa là sanh tử này chưa có, nó chỉ y như là phim vậy thôi, có nhưng mà nó như cuốn phim vậy thôi, do nghiệp từng người, từng nhóm người, từng cộng đồng, từng dân tộc và cả thế giới này, thành ra cuộn phim vậy.

Nhưng mà cái người giải thoát là cái người thấy tất cả mọi sự nó chưa xanh ra, như kết luận của kinh Kim Cương nói là

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng huyễn bào ảnh,

Như sương như điện chớp

Hãy quán thấy như vậy.

Mình thấy như vậy là mình giải thoát thôi, đó là nền tảng đó, nền tảng là cái gì nó không chuyển dịch dù cho thế giới này nó chuyển dịch về đâu đi nữa, đó là chuyện nghiệp của thế giới, nhưng mà nền tảng không bao giờ chuyển dịch, bởi vì nền tảng chính là chưa từng sanh ra, đó là nền tảng.

Thành ra bởi vậy trong kinh Viên Giác nó nói trí huệ là gì? Niết bàn, sanh tử đều như giấc mộng ngày hôm qua, đó là giải thoát.

Thầy chỉ nói được chừng đó thôi, rồi có hỏi gì nữa không?

Bây giờ tóm lại là vậy đó, anh phải xác định rõ ràng cái nền tảng, cái bản tánh của tâm nó gồm có hai yếu tố, nó hòa lẫn với nhau là tình thương yêu, đó là từ bi và trí huệ, đó là trí huệ tánh Không. Hai cái đó nếu mình càng đi sâu vào trong đó, thì cái phục vụ của mình nó càng có hiệu quả, bởi vì cái phục vụ của mình còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thành ra nó bị phân tán, nó bị manh mún, nó bị cắt đoạn ra trong đó hết đó.

Tôi, người, chúng sanh, thọ mạng. Cái phục vụ của mình chỉ nằm trong những cái đứt đoạn như vậy thôi, thành ra phục vụ của mình yếu lắm. Tình thương của mình chỉ nằm trong tôi, người, chúng sanh, thọ mạng, thành ra cái tình thương của mình cũng loanh quanh luẩn quẩn, trí huệ của mình cũng nằm kẹt trong tôi người, chúng sanh, thọ mạng cho nên trí huệ mình nó cũng nhỏ lắm.

Thầy nói sơ sơ vậy rồi còn vị nào hỏi nữa không? Hỏi những vấn đề cụ thể.

Thông hỏi: Thưa Thầy và thưa Đại chúng! Con xin phép hỏi khi mà trên cái lý thì nó là không phân biệt, nhưng mà khi đi vào sự thì mình phục vụ mình luôn có sự so sánh mâu thuẫn, mình làm được ít, mình làm được nhiều, người khác…

Thầy: Bởi vì tâm mình chưa đạt tới nền tảng trí huệ là vậy đó, ví dụ như bây giờ đơn giản, khi anh đạt tới nền tảng trí huệ đó, thì anh sẽ thấy tất cả đều bình đẳng, bây giờ nếu như ở đây Thầy thấy mình nói hay hơn mấy ông thì Thầy chưa phải là bình đẳng, chưa phải ở trong nền tảng, và cái phục đó là phục vụ của ông ở trên phục vụ cho kẻ dưới, ông đè đầu người ta mà ông phục vụ, chứ ông không phục vụ thật sự.

Phục vụ thật sự là anh đạt đến tính bình đẳng của tất cả các hiện tượng, đó mới gọi là phục vụ, mà lúc đó anh mới không mệt mỏi, đó mới gọi là xứng tánh tác Phật sự. Làm Phật sự là phục vụ chứ gì nữa? phải không? mà mình không xứng tánh được, thì mình dựa trên nền tảng là cái tôi của mình thì nó mệt mỏi. Cuộc đời này, ông Thầy mình (cuộc đời) nó dạy mình rất rõ ràng, nếu như Thầy cảm thấy, Thầy hay hơn mấy ông ở đây, mấy ông ở HN thì Thầy chưa đạt tới cái nền tảng đó. Bởi vì cái nền tảng đó, bởi vì cái nền tảng bình đẳng tuyệt đối, thậm chí không phải bình đẳng giữa Thầy với tất cả mọi người đây mà bình đẳng giữa Thầy và chư Bồ tát, chư Phật nữa. Mình phải đạt tới cái đó, mới là phục vụ. Mà phục vụ đó thì hết đời này sang đời khác nó không mệt mõi.

Còn bây giờ mình phục vụ thì mình kể công kể điểm, bữa nào thần chết tới tôi _ nói tôi phục vụ nhiều lắm, ông cho tôi lên chỗ nào, chỗ nào đó. Nếu mà mình thấy lời nói của mình hay hơn những lời nói của những người khác, có nghĩa là mình chưa đạt, chưa sống được trong nền tảng đó, chưa đạt đến tính bình đẳng, mà chưa đạt đến tính bình đẳng thì nó sẽ hỗn loạn, lộn xộn, thì nó sẽ mệt mỏi vì tôi làm nhiều hơn, ông làm ít hơn, đơn giản một điều như mặt trời có bao giờ hô hoán lên nó nuôi sống cả bảy tỉ người trên thế giới này, nó có bao giờ hô hoán lên là tôi nuôi mấy ông không? không.

Mặt trời như trí huệ và từ bi, mức độ nền tảng thì nó tự nhiên vậy thôi, chứ mặt trời không nói, tôi phục vụ cho mấy ông là bảy tỉ người trên này, tôi phục vụ bao nhiêu cây cối, tôi phục vụ đủ thứ hết mà tôi chỉ cần đi chơi đâu đó một ngày thôi là mấy ông gần chết rồi, một ngày không có mặt trời là gần chết rồi.

Bôn hỏi: Kính thưa Thầy, thưa Đại chúng!

Con có câu hỏi như thế này, con cũng đang phân vân giữa cái chuyện mình phục vụ cho người khác, mà mình không nghĩ tới bản thân mình, có nghĩa là hành động tử vì đạo, và việc mình vẫn phục vụ cho người khác, nhưng mà mình quan tâm đến bản thân mình ở một khía cạnh nào đó, thì thưa Thầy giữa hai cái đó, cái nào là tốt nhất Thầy.

Thầy: Bởi vì mình cứ nghĩ vậy là mình sa vào hai cái cực đoan, một bên là cái tôi và một bên là cái chúng ta, tôi phục vụ cho chúng ta thì tôi bỏ mất cái tôi, không phải. Nó không thể là hai được, cái tôi và chúng ta nó gắn liền từ đời xưa tới đời nay, nó không thể là hai được, thành ra mình đừng nói, chúng ta phục vụ cho tôi, hoặc tôi phục vụ cho chúng ta, không có, đó là bởi vì mình chưa có một cái thấy, một cái chánh kiến rõ ràng, khi mà mình thực hành tới một mức nào đó thì mình thấy chuyện đó là đương nhiên thôi, phải không?

Không khí đất nước lửa gió, nó đang phục vụ cho Thầy đây, Thầy có làm gì nữa thì nó cũng đâu có ăn nhằm gì đâu, phải không? thành ra cái quan trọng là mình phải thấy, mình đừng có nói là tôi phục vụ cho người khác, tôi phục vụ nhiều lắm, là bởi vì tôi vẫn còn nằm trên căn bản là cái tôi trong đó, thành ra nó thấy cái phục vụ là cái gì cả một vấn đề gì ghê gớm lắm. Muốn đòi ông thần nhân quả ban thưởng cho tôi, tôi phục vụ nhiều lắm, cái nhân này tốt lắm, ông cho tôi cái quả cho nó bự bự chút, không phải, cái đó là tự nhiên thôi, thành ra cái quan trọng nhất, là anh phải đạt tới cái nền tảng có nghĩa là cái trí huệ và tình thương yêu, và anh càng đạt tới sâu chừng nào, thì cái phục vụ của anh càng sâu càng rộng chừng đó, mà anh đỡ mệt mỏi.

Những người mà họ đạt tới nền tảng, ví dụ như đức Jesus của Thiên chúa giáo chẳng hạn thì nó là “cha làm trong con, và con làm nơi cha”. Cha đây là cái nền tảng đó, anh làm trong cái nền tảng thì anh không có gì để kêu gào lên đòi huy chương huy đồ gì hết, nó tự nhiên thôi. Bởi vì cái nền tảng đó nó bao la lắm chứ không phải cái thân này thôi đâu. Mình cứ ôm lấy cái thân này rồi mình cứ thấy cái gì cũng là nặng nề cái gì cũng mệt mỏi.

Thành ra cái vấn đề là vậy đó, tất cả Phật giáo và cả những tôn giáo khác, cũng vậy là anh phải đi vào trong nền tảng, tình thương yêu anh nó càng nhiều thì sự phục vụ anh nó chỉ là chơi chơi vậy thôi. Chứ không có một bậc cha mẹ nào mà nói tôi phục vụ con cái hết, sinh ra nó khóc tùm lum thì mình phải bồng ẵm nó chứ, nửa đêm đang còn mơ mơ màng màng, làm việc cả ngày mệt rồi ban đêm nó khóc, thì mình dậy mình lo. Chẳng lẻ có bậc cha mẹ nào lại đi nói tôi phục vụ con cái không? không.

Và mình ở trong tình thương yêu và trí huệ rộng lớn như vậy đó thì mình mới được tự do, tự do trong chính sự phục vụ, chứ không phải phục vụ để mà trói buộc, phải không?

Mình ở nơi cái tôi của mình thì mình thấy phục vụ là một trói buộc, còn mình ở nơi cái nền tảng tình thương yêu bao la, cái thực tại bao la thì mình ở trong cái nền tảng đó thì mình thấy phục vụ là cái gì đó nó thoải mái lắm, như gió thì thổi, sông thì chảy, mây thì bay, cái nào lại không làm, đâu phải mình làm đâu.

Mời một vị ở Hà Nội hỏi đi.

KD: Dạ thưa Thầy! con xin có sự chia sẻ với Thầy và đại chúng ạ! Buổi hôm nay con rất là xúc động khi mà Thầy mới vừa xuất hiện. Con thấy mỗi lần khi Thầy xuất hiện, nó giống như là cái ngọn lửa, mà cái sự hiện của Thầy thôi nó đã là một sự phụng sự rất là lớn.

Con cảm nhận thấy giống như chị Thảo có chia sẻ, cái không khí, cái trời đất, thiên nhiên này, mặt trời này ta được đón nhận rất là nhiều thứ. Chúng ta được đón nhận quá nhiều giống như Thầy nói ta phải biết phụng sự để tri ân và báo ân, cũng như là biết ơn chư vị Phật, chư vị Bồ Tát, Thầy tổ, tất cả mọi thứ chúng ta có được cái nhân duyên lớn như ngày hôm nay được biết đến Phật pháp, nó là một phước đức rất là lớn.

Mỗi ngày chúng ta được hít thở thôi cũng đã là một điều rất là may mắn rồi. Bởi vì so với những người đang bị cách ly, họ đang không thể thở được, họ đang rời đi khỏi cuộc đời này. Con nghĩ là chúng ta quá là may mắn và khi chúng ta may mắn như vậy, thì chúng ta cần có sự biết ơn. Biết ơn ở đây là trong từng cái việc, ý niệm, lời nói, hành động của mình khi mình là một điều gì đó.

Thầy: Đơn giản là mình biết ơn ai?

Dương: Biết ơn đến tất cả mọi thứ, nó không có chủ thể nào cả.

Thầy: Khi mình biết ơn tất cả mọi thứ thì mình là tất cả mọi thứ, cho nên mình không có biết ơn ai hết (đại chúng vỗ tay).

Dương: Ý con cũng là như thế ạ. Khi mà mình không có một chủ thể nào đó thì con sẽ làm tất cả mọi thứ, giống như mình đang làm tất cả mọi thứ không vì một chủ thể cá nhân nào nữa.

Thầy: Đơn giản là Thầy đã nói rồi. Đơn giản là mình tập biết ơn từ từ để cho cái mình nó mở rộng ra phải không? Còn biết ơn nhiều chừng nào, cái tâm mình nó càng mở rộng ra chừng đó cho tới một lúc nó chạm tới cái nền tảng, thì không có ai biết ơn ai hết, mọi sự đúng như nó là.

Chớ bây giờ mình biết ơn, mình khóc than, mình cứ than mây khóc gió, trời ơi nhờ cái gió mát này mà tôi sống được ngày hôm nay, rồi tui chạy ra tôi dòm mặt trời thì tui là thằng điên (cười).

Thành ra mình phải mở rộng cái lòng biết ơn mình ra, ban đầu cái lòng biết ơn nó vẫn còn bị qui định vẫn còn bị lệ thuộc trong những hình tướng thế này, thế. Rồi mình mở rộng ra hơn nữa, khi mình là cả vũ trụ này rồi thì mình không biết ơn ai hết á. Chẳng lẻ biết ơn người tạo ra cái vũ trụ này là Thượng Đế?

KD: Dạ đúng rồi ạ. Mỗi ngày mình đều có rất nhiều mọi thứ thì khi mà chúng ta biết ơn như vậy, thì chúng ta sẽ sống có một sự trân trọng có một ý nghĩa. Chúng ta hiện diện thôi cuộc đời này đã là một may mắn rồi và chúng ta sống sao cho có một mục đích, ý nghĩa tối thượng để chúng ta cống hiến phụng sự cho cuộc đời này. Giống như là chúng ta đang phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Con thấy là mình nếu có sự rèn luyện tu tập và mình tinh tấn, mình sống được với chánh niệm tỉnh giác, mình sống trong cái nền tảng đó thì mình hiện diện với tình yêu thương thì mình xuất hiện bất kỳ đâu hay mình hiện diện ở đây thôi mình đã mang một cái năng lượng bình an, năng lượng yêu thương. Mình có thể lan toả đến tất cả mọi người, có thể giúp cho trái đất này, tất cả mọi người có thêm một cái nguồn năng lượng để có thể giúp một ai đó hay giúp chính bản thân mình đã.

Khi mình đã giúp được chính mình rồi mình thì không có phiền ai cả, mình không có làm bất kỳ tạo tác nào đó mà gây ảnh hưởng đến bất kỳ một đối tượng, một sinh vật, một muôn loài trong cái thế giới này thì chúng đã có một sự phụng sự rất là lớn.

Con xin cảm ơn và tri ân Thầy, cái mà Thầy vừa nói nó là cái mà con cảm nhận thấy là trước giờ mình luôn có một cái tôi và mình luôn nghĩ là mình đang làm được rất nhiều thứ, nhưng thực chất là mình chưa làm được điều gì cả. Ngay cả chính mình, mình còn chưa biết học cách yêu thương chính mình, chưa biết cách thực sự giúp cho chính mình, thì mình sẽ chưa thể nào giúp một ai đó.

Mình cần thật tinh tấn hơn, dũng mãnh hơn và mình có được cái nền tảng đó là tình yêu thương và trí huệ thì mình có thể phụng sự một cách thật sự đó là mang lại lợi ích cho những cái hiện diện xung quanh, cho thế giới, cho muôn loài. Đơn giản là lời cầu nguyện hay là mình hiện diện mỗi ngày mình sống bình an, mình sống với tình yêu thương, mình chân thành thôi, mình không phải tạo tác bất kỳ với ai đó cả, mình đã có được cái năng lượng đó nó giúp cho bầu không khí, cả thế giới này rồi.

Như mọi người chia sẻ con rất là đồng tình, phải từ những cái nhỏ đó thì dần dần nó mới phát triển cái nền tảng được ạ. Con xin cảm ơn đại chúng, tất cả mọi người đã có những chia sẻ quí báu ngày hôm nay và con cũng xin tri ân Thầy.

Thầy: Thầy cũng mong muốn cho mọi người, chúc cho mọi người làm sao đạt đến cái nền tảng đó. Càng đạt đến cái nền tảng đó bao nhiêu thì cái sự phụng sự nó… Nên nhớ chữ phụng sự là chữ của con người thôi, của cái nghiệp là người thôi, nó mới có chữ phụng sự. Chứ thực sự ra vũ trụ này nó tương tác với nhau, nó sự sự vô ngại với nhau chứ nó không cần ai phụng sự ai hết, phải không? Phụng sự là cái nghiệp của con người để từ đó mà mình đi lên, đi lên nữa. Chứ vũ trụ này nó tương tác với nhau, nó sự sự vô ngại với nhau, tất cả nó đều sự sự vô ngại với nhau hết nó không cần ai phụng sự hết đó. Và chữ vũ trụ đó trong Phật giáo gọi là Pháp giới, pháp giới sự sự vô ngại với nhau, còn chữ phụng sự là một chữ dành cho con người mình đang còn muốn tiến lên tiến lên để đi vào trong cái pháp giới sự sự vô ngại đó.

Chứ thật ra pháp giới nó không có phụng sự ai hết, cũng chẳng có ai phụng sự ai hết. Cái đó là cái tự nhiên như vậy thôi, cái mà trong Phật giáo nói là Pháp nhĩ như thị, pháp vốn là như vậy.

Rồi có vị nào hỏi gì nữa không?

Việt Dũng: Con chào Thầy và Đại chúng ạ! Lúc nãy nghe Thầy nói về việc thấy được cái bất nhị, không có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, thì cái phụng sự của mình nó được viên mãn nhất, cùng với cái ý mà Thầy nói khi mà mình phân biệt giữa tôi và chúng ta, thì lúc đó mình vẫn còn bị dính mắc vào cái tôi của mình, trong việc phục vụ và phụng sự mình còn bị giới hạn.

Qua cái ý đó con xin chia sẻ Thầy và đại chúng về một cái trải nghiệm, một cái thấy gần đây của con. Hôm đấy thì con đi đường thôi ạ, tự nhiên con thấy khá là rõ là mình không phải là cái thân này mà mình là tâm thức, cái tâm thức này thì lại là một sự tổng hoà của tất cả mọi người. Bởi vì hôm ấy tự nhiên con thấy ở trong con có những cái hạt giống bất thiện, mà con thấy nó xuất hiện và con nghĩ những người khác cũng như mình. Họ cũng có những hạt giống đó và họ không ý thức được như mình, họ đồng hoá với nó, cũng như quá khứ của con, con cũng đồng hoá với những bất thiện đấy. Con thấy mình và họ cũng không khác gì nhau, mình và những người bây giờ họ đang bị đồng hoá với sự bất thiện con thấy không khác gì nhau. Lúc đó con thấy một điều là dường như giữa mình và mọi người không có sự cách biệt nào về cái thân này mà cái chung nhất là cái tâm. Và ở ở cái tâm đó là một sự tổng hoà tất cả, cả những điều thiện và bất thiện, những điều tốt lành và những điều xấu xa.

Khi nãy thầy nói không có sự phân biệt giữa tôi và chúng ta thì có thể phục vụ và phụng sự một cách thoải mái, vô tư không có giới hạn. Tự nhiên con nhớ tới điều ấy con xin chia sẻ với Thầy và đại chúng. Con cũng không có câu hỏi gì, còn xin Thầy có thể qua ý đấy của con Thầy có thể chỉ dạy thêm cho con.

Thầy: Thì Thầy thấy vậy đó, Thầy thấy mình phải đi sâu vào nữa bởi vì cái tâm của mình không phải là sự tổng hòa của tất cả cái tâm của hạt giống thiện và bất thiện của những người khác đâu, cái tâm mình là hoàn toàn vô nhiễm, không có ô nhiễm bởi bất kỳ thiện và bất thiện nào hết, tâm mình như bầu trời, thì đó chính là sự giải thoát.

Chứ mình đồng hóa mình với mọi người, thì họ bất thiện mình cũng bất thiện, họ thiện mình cũng thiện. Không có tổng hòa với tất cả, cái tâm là hoàn toàn nằm ngoài sanh tử, nằm ngoài tất cả những thiện và bất thiện, mình phải đạt tới cái đó thì mình mới yên ổn mãi mãi được, nếu như mà mình tổng hòa kiểu đó thì mình khổ lắm, phải không? không có tổng hòa đâu.

Tâm mình không cách gì mà bị dính dơ cái gì hết đó, y như không gian vậy, mình có liệng rác lên trên trời đi nữa, thì nó cũng rớt xuống à, thành ra nó không có tổng hòa với ai hết. Nói theo kinh điển đó là tâm Phật, chứ tâm Phật không có tổng hòa với ai hết.

VD: Dạ thưa Thầy là khi con nhận thức được, thấy được các ý niệm hay là những hạt giống xuất hiện, thì con thấy đấy là từ bi. Bây giờ con thấy là hình như mình dường như là không còn đồng hóa, có nghĩa là mình đang dần dần tự chủ hơn hướng đến cái tâm vô nhiễm mà Thầy nói phải không ạ? Sự chánh niệm của mình.

Thầy: Cả đời sống mình làm sao để mà mình tiến, tiến… cho tới khi tới cái tâm đó thật sự, không có đồng hóa với cái gì hết, bởi vì cái tâm đó nó vĩnh viễn là như vậy. Những phiền não kia nó chỉ tạm bợ thôi, nó tới rồi nó đi, chắc gì đời sau này mình kiếm lại một phiền não của kiếp này chắc gì có nữa, nó tới rồi nó đi, nó biến đâu mất.

Thành ra mình phải sống để mà đi lần lần vào trong trí huệ và tình thương yêu nó, nó bất chấp những bất tịnh của mình và bất chấp những bất tịnh của người khác, phải không? Cũng như hồi nãy Thầy nói vậy đó, một bà mẹ mà sinh đứa bé ra, đứa bé nó đi cầu là nó đi trên chỗ nôi của nó, chứ nó có biết đi chỗ nào? bà có nói cái này là mày làm dơ này nọ... Tình thương yêu là nó xóa hết sự bất tịnh, phải không?

Cũng như mình lên một chánh điện, thật sự ra cũng nhiều vi trùng lắm, kể cả covid nữa, nhưng mà mình thấy nó thanh tịnh, chứ chỗ nào mà không có vi trùng. Nhưng mà tình thương yêu nó làm cho xóa hết tất cả những bất tịnh, thành ra tình thương yêu là phép lạ, nó xóa hết hạt giống gì đó, bất tịnh hay thanh tịnh, hạt giống xấu, hạt giống tốt gì đó vô cái ngọn lửa của tình thương yêu thì nó cháy rụi hết, không còn cái gì hết.

V.Dũng: con xin tri ân Thầy.

Hồi hướng:

Nguyện đem công đức này

Đến khắp cùng tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đồng trọn thành Phật đạo.

---*---

Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.