Thầy Giảng Trong 45 Phút Cuối

Trong Buổi Thuyết Trình của K.Dương và V.Dũng

Chủ nhật, ngày 22/08/2021

Người đánh máy: Nguyên Chân Và Tịnh Thành

 

V. Dũng: Thưa Thầy, con xin được hỏi Thầy: Con nhận thấy một điều là có khi những người gần gũi với mình: cha mẹ, vợ chồng, con cái, có khi con lại thấy dường như lại khó thực hành tâm từ bi hơn cả là những người khác?

Thầy: Mình thực hành tâm từ bi, mình rải tâm từ bi tới phía trước, phía sau mình, phương bên phải, phương bên trái, phương trên phương dưới. Trước hết là rải với những người mình thương yêu họ, những người yêu thương mình, sau đó tới những người trung tính, nghĩa là mình không có dính dáng gì với họ hết. Sau cùng là tới những người khó khăn, họ khó khăn với mình. Mình cứ rải tâm từ cho tới khi nào, cái tương quan của mình đối với những khó khăn đó mà tâm từ bi của mình nó mạnh hơn cái đó, thì nó sẽ xóa tương quan trục trặc đó đi.

Cái vấn đề là mình đừng có phàn nàn hoàn cảnh, vấn đề hoàn cảnh là một thử thách cho mình, một cách giúp đỡ mình, để mình coi xem tâm từ bi của mình mạnh đến cỡ nào, thành ra như hồi nãy Thầy thấy cái quan trọng nhất, tâm từ bi của mình có đủ sâu, đủ rộng hay không?

Thì như kỳ trước mình có nói từ bi và trí huệ là một, ở tận nguồn của từ bi và trí huệ, thì hai cái đó, tận cái nguồn đó là một.

Bây giờ mình tập có thể là người đi về trí huệ nhiều, người đó đi về từ bi ít, hoặc người đi về từ bi nhiều, người đi về trí huệ nhiều. Nhưng quan trọng nhất là mình phải đi về cái tận nguồn của nó.

Tận nguồn của nó, nói như anh D chẳng hạn: mình về tận nguồn thì năng lượng mới dồi dào, còn mình ở dưới này, không đi cho đến tận nguồn, thì năng lượng mình nó yếu lắm và nó không thể có hiệu quả gì được, nó cứ loanh quanh luẩn quẩn vậy thôi.

Quan trọng là từ bi của mình phải sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, để nó đi đến tận nguồn của từ bi là gì? Mà nên nhớ là tận nguồn của từ bi, chỗ đó cũng có trí huệ. Ví dụ sự soi chiếu của mặt trăng chẳng hạn là tạm gọi là từ bi, thì muốn có sự soi chiếu đó thì phải có trí huệ (tức là ánh sáng) ở trong đó, soi chiếu không có trí huệ thì không soi chiếu được.

Thành ra quan trọng nhất là mình phải làm sao đi về tận nguồn năng lượng đó, nguồn bi đó, mà mình phải biết là không những từ bi thôi, mà còn cả hỷ, cả xả, tất cả những công đức, nguồn tâm đó. Mình phải đi về đến nơi chỗ đó.

Thì tới chỗ đó, chỗ sâu rộng, mình mới tới một cái nguồn không bao giờ vơi cạn.

Một trong những bí mật của đời sống này, là từ bi mình càng cho đi nhiều, mình càng có thêm nhiều. Trong khi tiền bạc mình cho đi là mình mất, những vật chất mình cho đi là mình mất, nhưng mặt tinh thần mình càng cho đi chừng nào, mình càng có nhiều chừng đó, vì đó là một nguồn vô tận.

Thành ra quan trọng là mình phải đi tới cho tới tận nguồn, lúc đó mình mới thấy Phật giáo giải quyết những nan giải, những nan đề, những vấn nạn mà con người bình thường không giải quyết được. Ví dụ đơn giản như này, Thầy ngồi đây Thầy có giúp ai không? Phải không? Nói thẳng ra, bữa đó ở đây cũng có nộp mấy chục triệu, nộp cho gì đó mua vaccine để chích cho người ta. Cũng có nộp tiền mua vaccine, nhưng cái đó so với những vị bác sĩ y tá, những người đang còn vất vả trong đó thì, mình thấy mình cũng chẳng làm được cái gì hết, phải không?

Nếu mình không đi đến tận nguồn từ bi, thì mình sẽ cắn rứt, lương tâm mình cắn rứt, bởi vì mình có làm được gì đâu, cứ ăn không ngồi rồi, rồi đi tới đi lui. Trong khi người ta lăn lộn trong mệt mỏi, trong nắng nôi, thậm chí kể cả có thể lây bệnh nữa, mà mình không làm gì hết. Mà nên nhớ là Thầy thấy, rõ ràng cụ thể là vì covid này mà chùa được đồ ăn nhiều lắm, mình ăn nhiều mình mập mạp thêm nữa, mà mình không làm gì hết, thì lương tâm mình cắn rứt. Thì bây giờ làm sao, mình hóa giải cái vấn nạn này, thì chỉ có cái lòng từ bi vô lượng mới xóa bỏ được thôi. Phải không?

Chứ bây giờ mình cứ hỏi, tại sao ông không đi làm, tại sao ông không xung phong đi đi. Thầy thấy vậy, cái thân mình nó quá nhỏ, mà không chừng là mình đi làm, mình vô đó mình làm bậy làm bạ trong đó, mình không biết giữ gìn vệ sinh, mình lây cho người ta thêm nữa, phải không?

Thành ra vấn đề làm sao mình có một tâm từ bi, để nó trùm hết, ngay cả bây giờ mình thấy mấy bác sĩ cực nhọc như vậy đó. Xin lỗi, khi họ chết thì ai lo chuyện đó, mấy bác sĩ đâu có lo được, chính mấy ông Thầy tu mới lo, phải không?

Thành ra làm việc của ông cũng giới hạn, ông lo cho người sống được, ông đâu có lo cho người chết được.

Thành ra khổ nhọc, đồng ý là khổ nhọc, nhưng mà nó vẫn bị giới hạn. Mà cùng lắm một ông bác sĩ cứu được trăm người chứ mấy, phải không? Cứu được bên Campuchia không, cứu được bên Trung Quốc không? Ông cứu được bên Ấn Độ không, ông cứu được bên phương tây không? Không, ông cũng giới hạn.

Vậy thì làm sao? Đó là cái mà Phật giáo giải quyết được, mà không có một thế gian nào có thể giải quyết được chuyện này hết. Như Thầy ngồi ăn không ngồi rồi, ngồi đây mà nghe người ta còn lăn lộn khổ sở trong bệnh viện này nọ, mấy ông bác sĩ bị lây nữa, thì mình thấy lương tâm mình cắn rứt lắm, bây giờ làm sao đây? Mà cả ngày những ông đang lăn lộn trong bệnh viện, ông cũng không thể cứu được tất cả những người trong bệnh viện khác, ông cũng bị giới hạn lắm, chỉ có lòng từ bi mới không bị giới hạn.

Thành ra phải đi sâu vào nguồn từ bi đó, Thầy nhắc lại: nguồn từ bi đó, trong đó nó đầy đủ tất cả mọi công đức, trong đó có cả trí huệ, …, phải không?

Thành ra, mình phải thấy cái mà Thầy hay nói cái nền tảng, nền tảng đó trong đó có trí huệ, từ bi …, còn mình đứng ở ngoài, mình không thể nào làm hết chuyện được.

Bây giờ ví dụ như một ông có hàng ngàn tỷ, ông mua được vài trăm ngàn vaccine, nửa triệu vaccine, còn như chùa này, cùng lắm mua vài trăm cái, gửi tiền cho nhà nước mua vài trăm cái thôi, mình cắn rứt như thường, tại sao mình không đủ tiền để mình mua. Không thể nào mà làm hết được, chỉ trừ khi anh đạt tới nền tảng, nền tảng đó là gì, nền tảng tượng trưng đó là đức Quán Thế Âm. Đức Quán Thế Âm là đại từ đại bi phải không?

Khi mình đạt đến nền tảng, đại từ đại bi của đức Quán Thế Âm, thì những ông bác sĩ đang còn lăn lộn trong bệnh viện cũng chính là tôi làm, bởi vì đức Quán Thế Âm là ngàn mắt ngàn tay, ngàn mắt ngàn tay đó chỉ nói lên là con số tượng trưng, chứ vô số mắt vô số tay, chính mình đạt tới nguồn gốc của từ bi tượng trưng là đức bồ tát Quán Thế Âm, mình mới yên ổn lương tâm được, hiểu không?

Mình phải thấy như vậy? Cho nên mình không thể giải quyết được vấn nạn này, không thể giải quyết được, mỗi người chỉ ở trong phận vị của mình thôi, phải không?

Anh bác sĩ thì giải quyết theo cách bác sĩ, anh C.A cũng lo chặn đường để người ta đừng đi lung tung, mấy ông D.P cũng lo thức đêm trắng để lo. Mỗi người có phận vị của họ. Nhưng mà làm sao mình đạt tới cái mà mình là tất cả những người đó, chỉ có lúc đó lương tâm của anh mới thôi cắn rứt thôi, phải không?

Trong khi mình ngủ còn ngon lành, mấy ông D.P đi cả đêm làm việc đâu có ngủ được, lương tâm mình cắn rứt, thì mình đạt tới cái gì?, mình đạt tới cái nền tảng (tâm của đức Quán Thế Âm), thì lúc đó mình mới thấy tất cả những người đang làm việc đó và những người không làm việc, thậm chí Thầy biết có những người còn giàu hơn cả trước bệnh dịch nữa, bởi vì nhân cơ hội bệnh dịch này giàu lắm, phải không? Nhưng tất cả đều là ngàn mắt ngàn tay của đức Quán Thế Âm, cho nên mình phải đạt đến cái tâm của đức Quán Thế Âm (tâm đó là của trí huệ và từ bi) thì mình mới thôi, chứ còn..

Như anh L cũng làm cái gì đó …, anh cho một mớ thuốc xông, uống …Thầy nghe nói xuyên tâm liên, có thể ngăn cản được phần nào, thành ra anh nào thấy hơi cảm, thì uống xuyên tâm liên, thì anh L làm hơn Thầy nhiều lắm, nhưng mà còn Thầy ngồi chơi không à? Ngồi chơi mà còn có thêm tiền nữa, người ta cứ tưởng mình đói, rồi người ta gửi tới đồ đạc …rồi mình cắn rứt lương tâm.

Nhưng mà nếu mình đi sâu vào cái lòng từ bi, sâu nữa đến cái nguồn của lòng từ bi, mình sẽ thấy mình là tất cả, ai làm cũng như mình làm, chứ mình làm sao mình có ngàn mắt ngàn tay để mình làm được. Chỉ trừ khi nào mình đạt đến tâm của đức Quán Thế Âm, cái đó trong mật thừa dạy 2 giai đoạn: giai đoạn phát sanh, giai đoạn thành tựu, giai đoạn hòa tan với ngài Quán Thế Âm (hòa tan với tâm của đức Quán Thế Âm), thì lúc đó mình sẽ có ngàn mắt ngàn tay, tất cả mọi người trên thế gian đều là tay, mắt của đức Quán Thế Âm hết, và nếu mình hòa nhập được thì mới bớt cái cắn rứt lương tâm, họ cũng là tay mắt của mình thôi, có ai mà làm hết nổi đâu? Ngay cả mấy ông bác sĩ làm vậy, chứ ổng cũng đâu có cứu được bên Ấn Độ không? Không, ông chỉ cứu được bệnh viện ông là cùng. Thành ra quan trọng nhất của Phật giáo là vậy.

Mới đây Thầy cũng mới đăng một bài trên Thư Viện Hoa Sen nói về “Đại Bi Và Tánh Không Trong Kinh Duy Ma Cật”.

Trong Kinh Duy Ma Cật có một câu rất nổi tiếng mà ngài Duy Ma Cật nói: “vì chúng sanh bệnh cho nên tôi bệnh”. Không có lòng đại bi nào tới cỡ đó đâu, phải không? Thấy chúng sanh bệnh nên tôi bệnh, thì trong đó cả đoạn rất dài nó giảng giải, trong đó nói có phần nhiều mình là chúng sanh, như Thầy là chúng sanh, mình có lòng đại bi, nhưng đại bi của Thầy là đại bi ái kiến, nó lặp đi lặp lại chữ đại bi ái kiến đó là sao? Nếu như anh có đại bi ái kiến, thì anh sẽ mệt mỏi với sanh tử và mệt mỏi vì chúng sanh.

Đại bi ái kiến là gì? Đại bi ái kiến là bởi vì anh thấy tướng, anh làm việc trên tướng, lòng đại bi của anh làm việc trên tướng, cho nên anh thấy bệnh nhẹ anh khỏe, bệnh nặng thì anh mệt, vậy thôi.

Vì cái chấp tướng của mình, nên mình mệt mỏi với sanh tử, mà mệt mỏi với sanh tử, thì gọi là đại bi ái kiến, đó không phải là một vị bồ tát có thể phát nguyện lâu dài được, hết đời này sang đời nọ được.

Còn mình đây, từ bi của mình còn cạn lắm, chưa xóa hết được hết cái tướng, cho nên sinh ra mệt mỏi. Xin lỗi chứ, đàn ông thì đại bi phần nhiều với đàn bà thôi, còn thấy ông khác là thấy khó chịu liền, cái đó gọi là đại bi ái kiến.

Tại sao đại bi, mà tôi nhè đại bi với đàn bà thôi, còn đàn ông thì không đại bi. Bởi vì mình kẹt ở trong tướng, nên đại bi của mình là đại bi ái kiến, từ bi của mình là ái kiến. Cho nên quan trọng nhất là mình phải đi tận nguồn.

Thầy nói thẳng là Thầy cũng mới đi có nửa đường thôi, chứ không phải là Thầy đi hết đường đâu, Thầy đi hết đường thì Thầy còn ngồi đây làm chi.

Nhưng mà mình phải biết có một chánh kiến, có một cái thấy rõ con đường về con đường mình đi, còn không thôi là nó cứ ái kiến, làm một chập bắt đầu thấy mệt, nhiều khi không nói ra, nhưng lầm thầm chửi trong bụng, sao mà bệnh nhân nhiều dữ vậy nè, hay một chập lại thấy họ càng mệt thêm nữa, nó mệt mỏi lắm. Anh phải vượt qua cái tướng, muốn vượt qua cái tướng đó là trí huệ. Hai cái đó đi song song với nhau để đi về tận nguồn.

Bởi vì một điều mà Thầy hay nói, trong kinh Đại Bát Nhã là kinh chuyên nói về tánh Không. Thì luôn luôn giới thiệu đức Phật là mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cọng, và đại từ đại bi. Một vị Phật phải có đại từ đại bi. Chứ không phải anh cứ đắc tánh Không, mà anh thiếu nội dung của tánh Không là đại từ đại bi đâu. Cho nên cái trung đạo rất khó khăn, mình đại từ đại bi nhiều quá, nhưng mà đại từ đại bi trên hình tướng, cho nên mình mệt mỏi lắm. Rồi mình bị cắn rứt lương tâm, tại sao người ta vậy? Mà mình ngồi đây mà nói ngon lành vậy đó. Xin lỗi, giờ này biết đâu trong mấy bệnh viện có người chết vì covid. Mắc gì mình ngồi đây mà nói trên trời dưới đất, anh có quyền gì ngồi đây, trong khi người ta đang thở bằng máy…

Thành ra anh phải đi tới tận nguồn gốc của đại từ đại bi, anh đi cùng cả trí huệ nữa, chứ nếu anh đi trên hình tướng, thì đó là từ bi sinh ra mệt mỏi.

Hiện giờ các bác sĩ đang còn mệt mỏi lắm, đúng là mệt mỏi nhưng mà họ bị giới hạn trong cái mệt mỏi của họ, họ cứu cùng lắm là được 100 người thôi, cứu 100 người chưa đủ, hơn nữa khi người đó chết ai lo, họ đâu có cứu được người đã chết, thì phải do mấy ông Thầy lo. Thành ra không ai có thể lo được tất cả mọi sự trên đời, chỉ trừ khi anh về được cái nguồn của đại từ đại bi.

Anh không làm, người khác làm, nhưng anh thấy người khác đang làm đó cũng như chính anh làm. Đó mới gọi là đại từ đại bi, bởi vì lúc đó mới gọi là ngàn mắt, ngàn tay, vô số mắt, vô số tay. Tay ông bác sĩ nào đó làm, cũng là tay tôi, nếu như tôi đồng hóa được, hòa tan được với đức Quán Thế Âm, là tôi đồng hóa hòa tan với tất cả chúng sanh. Chứ không có cha mẹ, gia đình, vợ con nào trong này hết. Tôi đồng hóa được, tôi hòa tan được với đức Quán Thế Âm, thì tôi hòa tan được với tất cả chúng sanh.

Chứ tôi chỉ có 2 tay, chứ tôi đâu có ngàn mắt, ngàn tay, vô số mắt, vô số tay như đức Quán Thế Âm được, chỉ có tâm của đức Quán Thế Âm, cái nguồn từ bi đó mới đủ ngàn mắt, ngàn tay. Mà ngàn mắt, ngàn tay đó chỉ là số tượng trưng thôi. Thực ra là vô số mắt, vô số tay. Tay ông bác sĩ nào đang chữa ai đó, cũng là tay tôi. Chỉ khi nào anh đạt được đến mức độ đó, anh mới bớt cắn rứt lương tâm thôi. Tay mình còn đang còn gắp đồ ăn này nọ, trong khi tay người ta phải làm đủ thứ hết, phải không?

Thì anh chỉ đạt đến đại từ đại bi khi nào? khi nào mà anh thấy anh là tất cả mọi người, anh được đồng hóa từ trong cái cội nguồn, từ trong nền tảng, thấy anh là tất cả mọi người. Người nào chết đó cũng là anh chết đó.

Xin lỗi, chứ bây giờ mình phản biện thì vậy, nên nhớ có người chết là vì nhân quả của họ, vì cái nghiệp của họ đã tới lúc chấm dứt ở đời này thì họ chết. Mình có cứu cũng không cứu được đâu. Đừng có nói tôi cứu sống người đó, không phải. Tôi chỉ có làm ở bên ngoài, rồi chết thì ai lo, chính lòng từ bi của đức Quán Thế Âm lo, chứ mấy bác sĩ có lo được không? Không.

Thì mình thấy cái lòng đại từ đại bi đó nó được tượng trưng bằng 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà, trùm khắp tất cả các cõi sanh tử này thì đó là lòng đại từ đại bi.

Người nào muốn được sinh con trai, thì sinh được con trai. Chứ không phải tôi chỉ cứu được người khổ không đâu? Người nào muốn được sinh con gái, thì sinh con gái, người nào muốn cái gì, tôi làm cho cái đó. Người nào muốn giải thoát thì tôi sẽ làm cho giải thoát đó là lòng đại từ đại bi.

Đại từ đại bi đó nó không phải là đại từ đại bi ái kiến, chứ còn mình bây giờ mình vẫn kẹt trong tướng. Chứ mình nói thẳng con của tôi, tôi vẫn là từ bi với nó hơn con thiên hạ. Xin lỗi, giờ khó lắm, cho dù mình hy sinh con mình đi, để cứu con người khác, thì mình cứu được vài người. Chứ không thể nào gọi là đại từ đại bi được.

Thành ra đại từ đại bi phải đi với trí huệ, để nó không còn bị kẹt vô tướng nữa, thì lúc đó mới hết khỏi gọi là đại bi ái kiến. Còn đại bi ái kiến là mình sẽ mệt mỏi.

Về lòng đại từ đại bi, thì mình thấy đức Quán Thế Âm gọi là « Thí vô úy giả », là vị mà bố thí cho lòng không sợ hãi. Mình không có lòng từ bi, thì mình có làm bác sĩ đi nữa, mình vô đó mình vẫn sợ như thường.

Cái quan trọng nhất không phải là từ bi, không phải từ bi với chính mình, không phải từ bi với một hai người nào hết, mà phải đi vào tận nguồn từ bi. Khi mình vào tận nguồn từ bi trí huệ đó, mình sẽ lật ngược thế gian này lại, tất cả mọi người sinh ra đều có nhân quả riêng của mỗi người, nhưng họ sinh từ lòng đại từ đại bi, sinh ra từ nền tảng đại từ đại bi. Cho nên mình đi được vào cái nền tảng đó, đi sâu vào đi cho tới tận nguồn, mình sẽ thấy là mình sinh ra tất cả thế gian này, mặc dù thế gian này sẽ chuyển vần theo cái nghiệp của nó. Ông thì chết già, ông thì chết trẻ, ông thì giàu, ông thì nghèo, nhưng mà họ đều sinh ra từ cái nguồn đại từ đại bi đó.

Thậm chí mình thấy cái cây nào đó, mình tập thương yêu nó, vô ích. Nếu anh đi về tới tận nguồn, anh thấy cái cây đó phát sinh ra từ cái nguồn đại từ đại bi, mặc dù cây Cau thì khác cái cây Dừa, theo nghiệp từng cái, nhưng nó phát sinh từ nguồn đại từ đại bi.

Cho nên khi anh nhìn thấy một cây cau, một cây dừa thì tự nhiên anh biết đó là từ bi, anh biết con mắt anh từ bi và đó là câu của đức Quán Thế Âm trong kinh Phổ Môn mình thường tụng là « mắt từ trông chúng sanh », anh ở nguồn thì anh mới ‘mắt từ trong chúng sanh’ được.

Chứ không thôi là anh lo cho người khổ, mà người giàu anh không lo, thậm chí nhiều khi anh đứng về phe khổ nữa. Như ông nhà thơ L Đạt hay gì đó, « tôi đứng về phe nước mắt », anh đứng về phe người khổ, mấy người giàu hơn thì anh bỏ, đó đâu phải đại từ đại bi, nhiều khi anh còn ghét họ nữa.

Đại từ đại bi là ôm trùm hết, giàu nghèo sướng khổ cực nhọc, muốn như vậy anh về tận nguồn, về tận nguồn trong kinh điển nó đã tượng trưng là đức Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay, vô tận mắt, vô tận tay, đó là đại từ đại bi. Còn không thôi thì mình sẽ từ bi ái kiến, con của mình thì mình thương trước, rồi mình tập thương ra….

Đại từ đại bi, cái tình thương yêu là anh xóa đi được chủ thể và khách thể, xóa đi chủ thể và đối tượng, lúc đó mới thực sự bắt đầu có tình thương yêu, còn một chủ thể để thương yêu một đối tượng, thì đó là đại bi ái kiến. Đại bi ái kiến nó cứ luẩn quẩn trong sanh tử, rồi nó sẽ cắn rứt lắm, nó cắn rứt ghê lắm, tôi không làm được gì hết. Trong khi mọi người đang lăn xả vào làm. Mấy chùa khác, có những vị đi xung phong đi vô làm, còn tôi ở nhà tôi, tôi ở chùa không làm gì hết. Xin lỗi, nói theo văn chương chút, lời nguyền của thân phận con người là vậy, chia ra chủ thể và đối tượng. Mình xóa đi cái lời nguyền đó. Đó là trong Thiên Chúa giáo gọi là « tội tổ tông », xóa đi cái « tội tổ tông » đó, xóa đi bằng đại từ đại bi, bằng trí huệ, để tất cả chúng ta là một, thì lúc đó mọi sự đều thái bình hết. Mặc dù cũng có người chết trước mình, cũng có người chết sau, nhưng mà tất cả chúng ta là một, đó mới là đại từ đại bi.

Khi anh mà còn kẹt trong tướng, anh không có đại từ đại bi được, anh chỉ đại từ đại bi với vài người thôi. Cùng lắm là giai cấp nào đó thôi, chứ không thể tất cả giai cấp được. Hoặc anh đại từ đại bi với con người, chứ anh không đại từ đại bi với chư Thiên, thôi mấy con vật mình hay phóng sanh thì mình đại từ đại bi với nó được, chứ tới Quỷ, tới Ma, tới địa ngục, là mình đại từ đại bi không nổi.

Chỉ trừ khi anh đạt tới « bản tánh của tâm » vốn là đại từ đại bi, cái bản tánh đó kết hợp tất cả là một, mặc dù nghiệp mỗi loài mỗi khác nhau.

Chứ bây giờ khóc than cho những người ở địa ngục, thì khóc đến bao giờ cho hết.

Nếu anh thực sự có tình thương yêu, thì anh sẽ không thấy anh và đối tượng nữa, chứ không phải nói là “tôi thương yêu chính mình trước đâu”. Không có.

Khi anh càng thương yêu, thì cái tôi và cái khác tôi nó sẽ tiêu tan và càng thương yêu nhiều chừng nào, càng đi về tận nguồn chừng nào, thì nó càng tiêu tan và nó tiêu tan đến cái độ (sanh tử này là do sự phân biệt) không còn sự phân biệt. Khi nó không có sự phân biệt, thì sanh tử chính là Niết Bàn.

Mà tình yêu thương là một cái để xóa đi sự phân biệt, chứ anh càng yêu thương mà cái tôi nó càng lớn lên, thì anh sẽ tiêu đời thôi, anh sẽ tử vì đạo thôi, anh sẽ tử vì đạo là tử vì cái tình thương yêu của anh thôi.

Anh càng thương yêu thì anh càng xóa đi sự phân biệt giữa cái tôi và cái khác tôi, chứ bây giờ Thầy thấy Thầy khác với ông bác sĩ đang lo chữa bệnh cho các bệnh nhân covid đó thì Thầy ngủ đâu có yên, bởi vì thấy người ta đang làm việc cực khổ để cứu giúp người khác, mà mình lại ngồi đây mình chơi, uống trà…, thành ra không bao giờ xóa được.

Chỉ có Phật giáo mới đạt được cái đó thôi, chứ còn thế gian ở trong tướng, thì không bao giờ đạt tới cái đó được, bao giờ lương tâm mình cũng cắn rứt hết. Thầy cũng biết nhiều ông bác sĩ, rồi ổng mổ đôi khi cũng người ta chết, thành ra cắn rứt lương tâm lắm. Nhưng mà đâu phải vậy, nói theo thế gian thì đó là cái số của nó, hay là cái nghiệp của nó, mình làm hết sức rồi mà nó vẫn chết.

Nên nhớ đại từ đại bi thì trong đó nó bao hàm cả nhân quả trong đó nữa, chứ mình mà không tin nhân quả là mình sốt ruột lên ghê lắm, rồi mình cho rằng đời này bất công nên tôi phải cứu người này người nọ, nhưng mọi sự diễn ra theo nhân quả của nó, nhưng mà cái nhân quả đó phải được bao gồm trong đại từ đại bi và trong trí huệ, để anh bình tĩnh với nhân quả của người khác.

Chứ đừng vội thấy nhân quả của người khác, mà mình vội khởi lên, rồi mình lạc vô đại bi ái kiến, rồi mình sẽ chửi rủa tùm lum hết, “tại sao Pháp nó không cho mình vaccin, tại sao WHO không cho mình vaccin…”, rồi mình trách móc đủ thứ chuyện hết.

Lòng từ bi của tôi trùm lên cái nhân quả của người khác, thì tôi mới đỡ trách móc. Cụ thể là nếu anh có lòng từ bi, thì trong thời buổi này anh bớt sợ đi.

Thầy nói với một ông là “anh càng sợ covid chừng nào thì nó càng nhảy vô anh đó, thành ra anh đừng sợ, anh cứ thương yêu nó đi, đừng có chống nó lắm, mình thấy ở đời này cái gì mình chống nó, thì nó càng phản lực lại.

Chích vắc xin thì cứ chích, nhưng mà mình hăm hở chống nó, coi chừng nó sẽ phản ngược lại. Cái gì cũng vậy, càng ép nó, thì nó sẽ phản ngược lại thôi, đừng có ép nó quá. Và quan trọng là anh phải biết thương yêu nó, để anh bớt sợ đi.

Thành ra khi Thầy nói thế, thì khi ổng đi ngang qua chỗ đó, ông bắt đầu sợ, thì lúc đó ổng khởi tâm thương yêu những ai bị covid này, thì ổng nói ổng hết sợ, nhưng nửa giờ sau bắt đầu nó sợ trở lại, là bởi vì cái tình thương yêu của ông chưa đủ để xóa đi cái nỗi sợ đó đi.

Tình thương yêu mình nó yếu lắm, cho nên mình thấy một người chết nằm ở đó, là bắt đầu mình sợ, phải không? Bởi vì thương yêu của mình nó yếu. Tại sao khi còn sống thì mình giả bộ mình rót sữa, rót trà này nọ, mà khi người ta nằm chết ở đó thì mình bắt đầu mình sợ. Mình sợ vì tình thương yêu mình yếu, nên nhớ vậy đó, người nào mà sợ, người đó tình thương yêu yếu, không có lôi thôi gì hết.

Mà tình thương yêu mà nó đi vào vấn đề nan giải, không thể giải quyết được bởi vì đó là tình thương yêu của đại bi ái kiến. Cho nên thật sự tình thương yêu, mình phải đi tới chỗ tận nguồn gốc của tình thương yêu là « vô duyên từ », là tôi thương yêu mà không phải vì một lý do gì hết, chứ không phải đợi covid này lúc đó thì mình bắt đầu giả bộ thương yêu đâu (Thầy cười lớn).

Tôi thương yêu không vì lý do gì hết, phải không?, và khi anh bắt đầu có cái « vô duyên từ » đó thì anh nhìn một cái tủ, một bức vách… anh cũng thương yêu được hết, chứ không phải anh chỉ nhìn bà vợ anh đẹp quá, nên anh mới thương yêu đâu.

Cái gì xấu, một đống rác ngoài đường, anh cũng vẫn thương yêu như thường. Đó là “từ nhãn thị chúng sanh”, con mắt từ nhìn chúng sanh. Thành ra vấn đề là anh phải đi sâu vào trong nó, bởi vì nên nhớ rằng từ bi và trí huệ đó chính là cốt lõi của cuộc đời anh, là nền tảng của cuộc đời anh, cho nên anh phải học, học hết đời này sang đời khác.

Thầy nói vậy thôi, chứ Thầy đâu có hoàn toàn được như vậy đâu, Thầy mới chỉ đi được nửa đường thôi. Anh cần làm như thế cho tới khi anh trở thành Quán Thế Âm Bồ Tát thôi. Anh mới có thể yêu thương bất kỳ cái gì. Như trong bài Phụng Hiến, nhà thơ Bùi Giáng ổng nói đó: “đến con vi trùng tôi cũng yêu luôn” đó. Bởi vì nó cũng có nhiệm vụ của nó. Nói theo ông triết gia Hegel đó: “cái gì có mặt thì đều là hợp lý hết”. Chẳng qua mình không thấy chuyện đó thôi. Con virus corona gì đó, nó cũng có nhiệm vụ của nó, đồng ý không?

Rồi bây giờ ai hỏi gì nữa không?

Chú C: dạ bạch Thầy và đại chúng ! lúc này con cũng không biết nói gì hơn, nhờ bài giảng của Thầy, mà con đã buông xuống được những quan ngại trong tâm con, để con vững tin hơn đi trên con đường Phật giáo. Thì cái đó là cái đầu tiên con cảm nhận được tức mà Thầy đã giải tỏa cho con được những ngăn ngại trong tâm con. Ví dụ như chuyện các bác sĩ đang lăn lộn trong hiểm nguy như vậy, còn mình cũng là bác sĩ mà mình ngồi đây tụng kinh, trì chú, ngồi thiền thì có đúng không? Nhưng mà Thầy đã nói như vậy, nên đã giải tỏa cho con được, để con yên tâm đi trên con đường đạo.

Cái thứ hai, con xin hỏi Thầy là giữa từ bi và trí huệ trên đường tu thì làm thế nào nó được hài hòa để cuối cùng hai cái đó gặp nhau, Thầy có kinh nghiệm gì để chúng con đi để không ngăn ngại, để con đường tu được tiến bộ nhanh hơn. Thì bạch Thầy, Thầy cho chúng con đôi lời?

Thầy: Thầy cũng xin trả lời: từ bi hay trí huệ thì mục đích của nó là để xóa tan sự ngăn cách giữa tôi và cái khác. Từ bi hay trí tuệ gì nói theo như Kinh điển là xóa đi được ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu anh từ bi mà anh xóa được cái đó, thì đó chính là nguồn từ bi. Bởi vì trong nguồn từ bi thì không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là những cái do mình đặt ra, phải không?

Thành ra anh từ bi, thì anh xóa được cái đó, hoặc anh mạnh về trí huệ thì anh cũng xóa được cái đó. Khi anh xóa được ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là ta, người, chúng sanh và thọ giả, khi mình xóa được cái đó, thì tự nhiên mình có từ bi thôi, hai cái đó nó đi song song, bởi vì nhiệm vụ hai cái đó đều cùng một.

Khổ đau của mình là do đâu, là do cái phân cách là tôi, người, chúng sanh, thọ giả. Bốn cái đó nó cắt đứt cuộc đời mình ra, mà thậm chí nó cắt đứt tới những đời sau nữa, thì bây giờ mình dùng từ bi hay dùng trí huệ mình xóa cái đó, mà khi xóa cái đó thì từ bi hay trí huệ là một. Nói vậy thôi, chứ đừng tưởng trí huệ khác từ bi đâu, cái nào mà tốt nhất thì đều đưa tới chỗ đó hết, đó là nền tảng gồm đầy đủ cả trí huệ và từ bi.

Trong nền tảng không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thì bây giờ mình tu sao để đừng có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Mà giải thoát có nghĩa là giải thoát khỏi ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đó, chứ không phải giải thoát khỏi cái gì? Cái bức vách này có cần mình giải thoát không? Không. Không khí này nó có cần mình giải thoát không? Không. Không ai cần mình giải thoát hết. Tự mình cắt đứt đời mình ra làm bốn khúc vậy đó, mình phải giải thoát, mà giải thoát bằng cách gì?

Cho nên nếu anh mạnh từ bi thì anh cứ đi bằng từ bi, anh mạnh trí huệ thì anh đi bằng trí huệ. Nhiều khi trí huệ công phá không nổi, thì phải đưa vào nguồn nước từ bi để mà đi, hai cái nó phối hợp với nhau, ông nào đầy đủ đi cả hai chân, cả vừa trí huệ vừa từ bi, thì ông đó nhanh hơn, giải phóng nhanh hơn.

Khi anh đã thoát ra khỏi chuyện đó lần hồi rồi, lúc đó khi anh dùng bằng trí huệ thôi, anh giải thoát được khỏi ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thì lúc đó anh mới thật sự mới có lòng bi với người khác, bởi vì thấy người ta còn lăn lộn, quằn quại trong ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, lúc đó cái bi đó mới là thiệt, còn bây giờ thì mình bi giả bộ thương thôi. Thấy chết thì giả bộ xin tới làm điếu văn, thắp vài ba cây nhang, xin chia buồn...

Lòng bi thực sự là khi anh thấy chúng sanh còn khổ đau vì chúng sanh đang còn bị kẹt và không những bị kẹt mà nó còn củng cố thêm bốn cái ngăn cách đó nữa là ngã nhân chúng sanh thọ giả, nó càng ngày càng đau khổ. Đó là trí huệ, phải không? Thì trí huệ tự nhiên anh có từ bi liền, khi anh thoát ra khỏi bốn cái trói buộc đó, thì anh nhìn ai cũng thấy bị trói buộc hết, dù ông giàu nhất thế giới này nữa, ổng cũng như thế nữa, thì mình từ bi, lúc đó mình có lòng bi. Bởi vì ông có giàu trời gì nữa thì ông vẫn nằm trong đó thôi, còn bị trói buộc trong đó, nên tôi mới tìm cách tôi giải thoát cho ông. Mà lúc đó tôi mới thương ông thiệt, chứ còn cho tiền ông đâu có được, ông giàu quá mà, cho ông cái gì bây giờ?

Đó là « bố thí Pháp ». Thành ra trong Kinh điển nói « bố thí Pháp » là bố thí hạng nhất. Tài thí thì mới chỉ là bố thí vật chất thôi, chứ Pháp thí là để cho anh giải thoát ra khỏi ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Mà ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đó, dầu anh đi bằng trí huệ hay từ bi thì cuối cùng hai cái đó cũng gặp nhau.

Ví dụ như mình dùng trí huệ mình quét sạch đi bốn cái đó, thì mình thấy rằng ai cũng vướng trong đó hết, bị bốn cái đó nó trói buộc trong đó hết, không chỉ trói buộc trong đời này thôi, mà đời sau nữa, cho nên tôi mới có lòng bi, tôi phải làm sao tôi làm mọi cách, mọi phương tiện để anh giảm bớt và lo anh giải thoát đi, anh lo anh cởi trói đi. Còn đằng này anh lại đi cột thêm vô nữa, thì tôi thấy anh khổ quá.

Còn người nào mạnh về từ bi, tình thương yêu. Thì trong cái từ bi đó không có tôi, người, chúng sanh, thọ giả, bởi vậy nó mới vô tận và không bị ngăn cách bởi những cái đó, đó là cái nguồn.

Mà xin lỗi chứ, từ nãy mình ngồi đây mình nói trên trời, dưới đất về cái nguồn từ bi, chứ cái nguồn từ bi đó nó nằm ngay đây chứ đâu, mà phải chạy đi đâu, phải không? Anh biết khai thác, thì nó nằm ở ngay đây thôi. Anh chịu khó anh bỏ bốn cái đó đi, anh nhìn bằng cặp mắt mà các vị thiền sư gọi là « nhất chích nhãn », là anh nhìn bằng một mắt thôi. Anh nhìn bằng một con mắt thôi, thì anh đâu có thấy có bốn cái đó, phải không? Đó là từ bi, đó là trí huệ; trí huệ và từ bi hợp nhất làm một.

 

---*---

Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.