Mùng 1: Giảng sau khi tụng Phần Nhập Pháp Giới, Đức Di Lặc giảng về Bồ Đề Tâm cho Thiện Tài Đồng Tử.
Thầy: Hôm qua có một người hỏi Thầy bà nội và cha người đó sống một đời sống ý nghĩa, bởi vì cái cuộc kháng chiến đã làm rất tốt kết quả là giải phóng được cho dân tộc. Nhưng bà nội và cha người đó cũng không giải thoát được. Tại sao mà Thầy hay nói là phải sống một đời ý nghĩa, mà sống một đời như vậy mà vẫn không giải thoát được? Thầy mới trả lời là: thứ nhất là ý nghĩa của hai vị đó, là ý nghĩa đời sống con người thôi, mình có thể làm lớn, có thể có công hạnh lớn trong năm tháng chiến tranh, đó chưa phải ý nghĩa rốt ráo. Ý nghĩa rốt ráo của Phật giáo thì anh càng sống theo Pháp ngày nào thì anh càng ý nghĩa ngày đó.
Giải thoát là sao? Thì mình phải định nghĩa giải thoát là sao? Mình khó định nghĩa giải thoát của một người lắm. Có những vị khi chết thì thiêu để lại xá lợi, nhưng có những vị không để xá lợi, thì mình không thể hiểu vị không để lại xá lợi thì có giải thoát hay không? hay là giải thoát thấp hơn vị kia, mình cũng không biết được, thì cái quan trọng đời người bình thường mà đời người mà theo Phật pháp thì cái quan trọng ý nghĩa cuộc đời là sống theo Pháp. Sống theo Pháp, thì Pháp còn cao hơn bậc thánh nữa, Phật-Pháp-Tăng, dù ông có là thánh, ông cũng ở dưới Pháp thôi, sống theo Pháp là sống theo những gì bình thường, thường ngày đấy thôi, anh có tụng kinh ngồi thiền, anh sẽ thâm nhập vào Pháp, thì đó là sống theo Pháp, trong đó có từ bi- trí huệ, có đủ hết, chứ nhiều khi mình sống ở đời, mình làm những sự nghiệp rất là lớn, nhưng chưa hẳn, vì sự nghiệp đó bị giới hạn trong một hoàn cảnh nào đó, trong một cái môi trường nào đó thôi, chưa phải là Pháp, Pháp không bị giới hạn bởi hoàn cảnh hay môi trường.
Theo Thầy nghĩ, kinh điển cũng nói như vậy, mình sống theo Pháp thì mình giải thoát. Ngay khi anh sống theo Pháp là anh đã giải thoát rồi chứ không cần đợi đến khi mình chết mới có xá lợi hay không có xá lợi có cầu vồng hay không có cầu vồng gì hết, mấy cái đó là hiện tượng bên ngoài. Vì sao, vì có những vị, tất cả năng lượng của họ trụ trong cái việc giáo hóa chúng sinh thành ra những năng lượng của họ không có còn đủ để làm cái này cái nọ.
Ví dụ như đơn giản theo Thầy nghĩ không biết đúng hay không, xá lợi của ngài Nhất Hạnh không nằm trong đống tro đó, mà nó nằm trong những cuốn sách của ngài. Vài trăm viên xá lợi không có ích lợi bằng một cuốn sách của ngài, thành ra trong một chỗ nào ngài có nói vậy đó, có thể đem 1 cuốn sách của ngài đặt trong 1 tảng đá nào đó thôi.
Còn tro cứ chia nhau thôi, còn xá lợi đó chính là Pháp của ngài, quý hơn là ngài để lại những viên xá lợi. Cả đời vị đó không có thiền định nhiều. Xá lợi là năng lượng, nhất là năng lượng thiền định, nó làm đúc kết lại tất cả thứ gì trong người mình thành tinh chất, thành xá lợi.
Một vị giảng nhiều quá, năng lượng mất nhiều rồi, bố thí cho chúng sinh nhiều quá rồi, năng lượng không còn đủ sức để kết thành xá lợi nữa.
Thành ra mình đừng có nghĩ vấn đề là có xá lợi mới là giải thoát, không có xá lợi không giải thoát.
Hơn nữa, đơn giản đối với một vị tu hành theo bồ tát hạnh, giải thoát nằm ngay trong chuyện hóa độ giáo hóa chúng sinh, chứ không phải đợi đến chết rồi mới giải thoát hay không giải thoát, nếu anh làm Phật sự thì anh sẽ giải thoát, đó là Phật sự, chớ không phải đợi đến cuối cùng. Cho nên mình mới thấy, cụ thể hồi nãy mình tụng cái kinh đó, Kinh Hoa Nghiêm phần Đức Di Lặc giảng cho đồng tử Thiện Tài về Bồ đề tâm. Anh nào mà làm theo có bồ đề tâm, mà trong tất cả hành động đều làm theo bồ đề tâm thì tất cả phiền não, tất cả những ma chướng phải tiêu đi từ từ. Và anh giải thoát ngay trong khi anh làm đó, nghĩa là anh càng gắn kết với bồ đề tâm chừng nào thì anh càng giải thoát chừng đó. Chứ không phải giải thoát là khi chết anh ngồi thiền, khoanh chân rồi ra đi. Nếu nói cho cùng, ngồi thiền để khoanh chân ra đi, nó cũng dễ thôi. Phải không, cái này mình nghe ngài Garchen nói về Phowa rồi, một tuần mình làm một lần đưa tâm thức lên với chữ Hick, cuối cùng nếu mà thấy không thể giữ được cái thân này nữa thì mình một cái hick vọt lên ra ngoài luôn. Chỉ cần mỗi tuần tập có một lần thôi, theo Thầy nghĩ là dễ chứ không phải khó, phải không? cái gì tuần làm có một lần thì phải dễ rồi.
Cuối cùng là, một cái hick thiệt mạnh là nó bay ra luôn, phải không? Và một việc mà một vị họ thuyết pháp thì họ làm hàng ngày, làm hàng giờ, thì cái giải thoát nó mạnh hơn, công lực nó lớn hơn, còn cái kia rõ ràng ngài Garchen nói rồi tuần làm có một lần, thì cái nó bay ra luôn.
Cái vấn đề giải thoát hay không giải thoát, mình đừng có đặt ở tương lai, cái đó làm phiền phức cho mình lắm. Cái anh phải sống trong bồ đề tâm và anh làm trong bồ đề tâm thì đó là giải thoát.
Anh đừng có đặt ra tương lai, anh tạo ra một thời gian, anh khổ sở với thời gian đó, phải không? Giải thoát chỉ là cái chuyện anh làm sao có được bồ đề tâm và anh làm trong bồ đề tâm, càng làm chừng nào thì nó càng thâm nhập chừng đó. Rồi rốt cuộc là như kinh Duy Ma Cật nói tất cả của một vị đại bồ tát như vậy là tất cả đều từ đạo tràng mà lại, nghĩa là sao? từ bồ đề tâm phát ra hết, từ bồ đề tâm phát ra thì thậm chí là cái ho hen, cái giơ tay, dở chân đều là từ bồ đề tâm phát ra hết, cho nên đó nó chính là Phật sự, cái Phật sự của anh không còn giới hạn trong một cái thuyết pháp là cái gì nữa mà tất cả hành động của anh đều là Phật sự hết. Nếu như anh dính dấp đến bồ đề tâm, anh sống trong đó lâu ngày, thì tất cả những gì của anh đều từ bồ đề tâm lưu xuất hết, phải không? Và khi nó lưu xuất rồi thì anh, thì tất cả mọi cái hoạt động sinh hoạt thường nhật của mình và tất cả những thứ khác đều là Phật sự hết, anh quét lá, xách nước cũng đều là Phật sự hết, chứ không phải thuyết pháp cả đời, cái quan trọng là Bồ đề tâm làm cho anh tiếp xúc được với cái Pháp. Thành ra mình đừng có đặt một cái giải thoát là một cái quan niệm nào đó, khái niệm nào đó, rồi mình theo đó, khái niệm đó nhiều khi cả đời mình không làm được đâu, tại sao mình cứ đặt cho nó một mục tiêu như vậy để thời gian nó hành hạ mình.
Vấn đề là trong những chuyện thường nhật anh có bồ đề tâm, thì là lần lần anh sẽ thấy được là tất cả mọi sự nó đều phát xuất từ bồ đề tâm.
Có nghĩa là xuất phát từ Pháp, tất cả lần lần thế gian nó biến thành Pháp hết, tất cả mọi hành động của anh thành Phật sự hết.
Rồi bây giờ có vị nào hỏi về cái này không? Mình có tin được chuyện đó không?
Giải thoát là nằm ngay những cái thường ngày của mình đây, những cái chuyện thường ngày thôi phải không?
Nhưng mà mình với bồ đề tâm thì mình biến nó thành Phật sự. Nuôi con cũng là một Phật sự phải không? Dạy học trò cũng là một Phật sự, chứ đâu phải dạy học trò là nằm ngoài Pháp đâu? Mình làm việc gì cũng là một Phật sự với điều kiện cái đó nằm trong bồ đề tâm. Mà bồ đề tâm thì dễ lắm, bồ đề tâm là mình nghĩ đến lợi ích cửa người khác thì đó là bồ đề tâm, mình làm việc mà mình cứ nghĩ đến chuyện lãnh lương thôi thì đó không phải bồ đề tâm mà đó là việc làm của cuộc đời bình thường. Còn mình làm việc mà ích lợi cho người khác với cái mong muốn ích lợi cho người khác về vật chất lẫn tinh thần thì đó là bồ đề tâm. Lần lần mình sẽ thâm nhập cái bồ đề tâm, thâm nhập cái Pháp, tất cả mọi việc làm của mình đều lưu xuất từ Pháp, thậm chí là mình sẽ thấy thế gian này nó cũng là đều là Pháp hết.
Rồi bây giờ có vị nào hỏi gì không? Vừa dùng mứt rồi vừa hỏi?
Anh L:Dạ thưa thầy cho con hỏi, kính thưa Thầy và đại chúng, con tụng kinh đó cũng đã để ý con thấy bồ đề tâm là dao nhọn, bồ đề tâm là mũi giáo, bồ đề tâm là thiện tri thức để thắp sáng những người rất là ngoan cố, họ không biết gì về Phật pháp thì con kính thư Thầy giảng thêm, tại sao phải gặp thiện trí thức như một ngọn đèn để làm gì đó
Thầy: Vậy thì bồ đề tâm là ánh sáng nên người nào ngoan cố tối tăm thì nó sáng ra lần lần, thì nó thắp sáng cho người ta, phải thấy vậy nè, mình phải hiểu một cái điều bồ đề tâm không phải là cái chuyện gì ở bên ngoài mà mỗi người đều vốn có cái bồ đề tâm đó hết, mỗi người đều vốn có Phật tánh đó hết phải không? Thành ra cái bồ đề tâm của mình, là mình làm sao, mình khơi gợi, mình truyền cảm hứng cho người ta thì nó sẽ tự động thắp lên thôi, nó sáng lên thôi. Thầy đã nói rồi cái giác ngộ là mình vốn có chứ không phải là Đức Phật cho mình một cái giác ngộ đâu? Không có ai cho mình hết. Đức Phật chỉ khai thị ngộ nhập, khai thị cho mình cái đó để mình ngộ nhập thôi, cái mình vốn có sẵn phải không? Đức Phật đã nói rồi tất cả chúng sanh đều có Phật tánh chứ Đức Phật có bao giờ nói là tôi sẽ cho các ông Phật tánh đâu? Bồ đề tâm là cái có sẵn, cho nên khi mà mình sống với cái bồ đề tâm đó là mình có đủ năng lực có đủ cái tạo cho người ta một cái cảm hứng để người ta tự sáng lên, cái ngọn đèn nó tự sáng lên thôi, chứ không phải bồ đề tâm là ai cho mình hết.
Thành ra là vậy đó, không phải người kia không có bồ đề tâm, nói nó tối tăm vậy chứ nó cũng có viên ngọc gì của nó phải không? Viên ngọc như ý của nó, mình làm sao khơi gợi được, tự động nó sẽ, khi mà nó thấy viên ngọc thì nó lau chùi rửa chứ có gì đâu.
Thầy: Rồi có vị nào?
Sư Bình:dạ Thầy cho con xin hỏi ạ, con thấy vấn đề quan trọng là Thầy cũng có nói về cái vấn đề mà mình sống theo Pháp ạ, thì tại bình thường mình sống trong cái đời sống mình hay theo thời gian không gian thì làm sao đề mình thoát được cái đó mà mình sống theo Pháp và luôn luôn nghĩ về người khác? Thầy có thể giảng thêm rõ không ạ?
Thầy: thật ra cái bồ đề tâm nó đơn giản lắm, như hồi nãy Thầy thấy vậy đó, mọi người nhất là mấy cái ông ở phía sau này tụng như y làm biếng vậy đó tụng đều đều trong khi Thầy đã nâng cao cái tụng của Thầy lên rồi phải không? Thì Thầy mới đưa tay Thầy phất phất để nâng cao lên, nhưng mà hai ba lần họ mới hiểu, tại sao lại vậy, mình tụng một mình thì mình ráng lên mình làm dữ dằn phải không? Đến hồi tụng chung thì mình cứ đẩy cho người khác tụng còn mình y như rè rè, anh phải đưa cao lên mà nhất là bây giờ ít người, đó là bồ đề tâm, phải không? chứ đâu có phải cần cao xa gì lắm đâu. Anh thấy Thầy đã nói rất là rõ ràng. Ông Thầy khi vào kinh thì một mình ông xướng, còn tụng thì chính là mấy người trẻ tụng chứ không phải để ông tụng, mà ông đã tụng cao lên rồi thì mình cũng phải nghe giọng ông rồi mình sau mình biết mình cũng nâng cao lên. Bồ đề tâm là vậy, anh chỉ cần giúp người nhất là người lớn tuổi, anh ráng lên một chút, mà tại sao bình thường mình tụng một mình mình thì mình ráng dữ lắm mà đến khi hồi tụng chung thì mình bắt đâu co lại để cho người khác tụng mà nhất là để cho người lớn tuổi họ phải là ráng họ đưa lên, đó là bồ đề tâm. Cần gì mà ngồi nói cao xa gì đâu. Và khi anh ráng lên như vậy thì anh thoát ra khỏi cái tôi và anh để hòa chung vô một cái tập thể phải không?
Hòa chung vào một cái tập thể thì đó là anh bớt cái tôi của anh rồi, còn anh cứ tụng mà theo cái lối của mình thôi, khi mình làm vai chánh ấy thì mình làm ngon lành lắm, khi mà mình làm vai phụ thì mình làm đều đều cho nó xong còn để ai xe lửa của mình không phải cái toa kéo, thành ra mình cứ chạy đều đều, đáng lý ra mình cũng phải là toa kéo bởi vì người ta cái người đó họ lớn tuổi rồi thì chỉ ráng được 5-10 phút thì thôi chớ sau đó người ta xuống thì mình phải lên đó là bồ đề tâm thôi chứ có gì đâu.
Làm cho người khác là vậy đó, phải không? Nó đơn giản lắm chứ mình cứ ngồi mà mình phải hiểu cái chuyện Phật pháp là mình hiểu cụ thể ví dụ như bây giờ đơn giản là mình đi mua hoa, nhưng chưa chắc mình thích hoa nhưng bồ đề tâm mình muốn người ta tới người ta vui mắt, chứ thiệt ra mình chắc gì mình thích hoa phải không? Đó là làm vì người khác mình trang hoàng cho nó đẹp vì người khác, mình ráng làm vì người khác thì lần lần cái bồ đề tâm phát triển.
Bồ đề tâm là gì, cả trí huệ và từ bi trong đó. Mình làm cái đó là vì phát khởi lòng từ bi. Tại sao mình từ bi với con mình được mà mình không thể từ bi với người khác được, thì qua những cái đó mình làm thì cái tôi của mình nó bung ra, chứ không phải tôi khoe, tôi đem mua hoa về để chứng tỏ chùa này là cũng khá không đến lỗi nghèo này nọ, không phải vậy. Tôi muốn làm cho người ta vui thì trong kinh nó nói rất rõ ràng “phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật” anh cứ phục vụ chúng sanh đi là cúng dường chư Phật rồi, chúng sanh thì mình lúc nào cũng phục vụ được phải không? chúng sanh là dư thừa cho mình phục vụ phải không (Thầy cười) dễ tìm lắm.
Bồ đề tâm là gì anh thấy một cái chậu hoa mà nó đẹp mà nó để đúng chỗ ấy thì anh bưng anh bỏ cho nó đúng chỗ để cho nó vui mắt người ta phải không? Đơn giản vậy thôi chứ có gì đâu? Bồ đề tâm là làm cho chúng sanh vui lòng làm cho chúng sanh ích lợi vậy thôi, phải không? Thành ra nhiều khi mình cũng phải ráng, nó chỉ đơn giản vậy thôi có gì đâu?
Thành ra mình đừng có nghe những cái chữ này nọ mà mình tưởng nó là cái gì cao xa lắm đâu có gì cao xa đâu? Thầy thấy ông Giản Tử Trung đó ông có viết cuốn mà Thầy không đọc nhưng mà Thầy thấy ông viết một cuốn rất là đơn giản là Đúng Việc, Pháp là anh làm đúng việc vậy thôi chứ có gì đâu? Anh tham quá cũng là trái với Pháp, anh làm đúng việc đúng thời điểm, đúng cái này cái nọ và đúng với cái động cơ, cái động cơ đúng đó, anh làm cái này không phải là để anh kiếm nhiều tiền hay cái gì đó phải không? chỉ là đúng thôi, đúng việc đây là gì, mình nói cho đúng, đúng việc - việc là gì? Việc là hành động, mà hành động là gì?, hành động mà Phật giáo nói là karma – là nghiệp, đúng là chánh, đúng việc chỉ là chánh nghiệp thôi, làm việc đúng, làm việc chánh. Mình thường thường là làm không đúng việc, vì mình làm với cái tôi của mình phải không? Tôi muốn làm cái đó để tôi khoe cái này cái nọ đủ thứ còn nó không đúng việc, còn đúng việc là vậy đó cái chữ của trong bát chánh đạo là chánh nghiệp phải không? chánh nghiệp thì nó đúng cho đến chánh mạng là mình sinh sống mình làm ăn một cách chân chánh vậy thôi, chánh mạng là mình sống, mạng là cái mạng, mình nuôi dưỡng cái mạng của mình một cách chân chánh thôi, đó là chánh mạng. Thành Thầy đã nói rồi, tám cái chánh đạo đó nó bao trùm thân khẩu ý của mình cho nên nó bao trùm thân khẩu ý của toàn thể xã hội, toàn bộ xã hội này nó chỉ có thân khẩu ý thôi, mà mình chánh mạng là thân khẩu ý của mình và cái thân khẩu ý đó nó bao trùm cái thân khẩu ý của xã hội, thành đơn giản vậy thôi chứ có gì đâu?
Đúng việc chỉ là chánh nghiệp thôi chứ không có gì hết, mà chưa chắc ông hiểu chữ đúng việc, chữ chánh nghiệp.
Rồi bây giờ mình tự kiểm điểm lại xem mình đã sống đúng chưa? Đúng thì nó không cùng, mình đúng cho tới khi thành Bồ Tát, thành Phật thôi. Bởi vì thành Bồ Tát, thành Đức Phật là cái gì cũng đúng hết, từ trong ý tưởng cho đến ra tới lời nói, cho tới hành động.
Mới đây mình cũng mới đăng một của của Gandhi nói hạnh phúc là sao, hạnh phúc là ba cái, ý nghĩ của mình, thân của mình, và lời nói của mình, ba cái đó nó hòa hợp với nhau. Còn không hạnh phúc là ba cái đó nó trục trặc với nhau, nhiều khi ý nghĩ mình nghĩ khác, mà cái việc làm của mình nó khác, lời nói mình nó khác, thì nó trục trặc với nhau, thì nó bất hạnh. Hạnh phúc là ba cái đó nó hài hòa với nhau.
Dịp tết chẳng hạn, mình có kiểm điểm lại những gì trong năm chưa? Kiểm điểm lại mà anh thấy sống đúng hơn, thì đó là tu hành đó.
Đừng có nghĩ là chuyện tu hành với chuyện đời nó khác nhau, anh sẽ thấy là một vị tu hành cũng ăn, cũng uống, cũng cầm ly… để ý ngài Nhất Hạnh, ngài cầm cái ly, ngài ăn, ngài uống như thế nào, phải không? ngài cũng phải ăn thôi, ngài cũng phải cầm ly uống nước, nhưng mà ngài đúng ở chỗ là hành vi đó nó Chân – Thiện – Mỹ, nó đúng, nó tốt và nó đẹp. Nhân loại này đều tiến tới cái đích cuối cùng là Chân – Thiện – Mỹ là đúng, tốt và đẹp. Hành động như Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều khi ngài cũng ăn cũng uống như mình thôi, nhưng mà cái ăn uống của ngài có vẻ đẹp lắm, phải không? Chứ đừng có nghĩ là tu hành là ra ngoài cái này đâu? Cũng ăn, cũng uống, gãi đầu… nhưng mà nó đẹp, bởi vì sao? Bởi vì cái tâm người ta đẹp, vậy thôi chứ có gì đâu.
Chị bạn của Linh: Thưa Thầy con xin hỏi, Bồ Đề Tâm là sống và làm việc theo Phật pháp. Có những người họ làm đúng và nghĩ đúng, và họ không có đi chùa, không ăn chay.
Thầy: Đi chùa, ăn chay đó chỉ là cái phương tiện thôi, chứ mục đích của Phật pháp là làm đúng, nghĩ đúng vậy thôi. Anh ở chùa mà anh làm sai, anh nghĩ sai thì còn tệ hơn là anh ở ngoài đời, chẳng qua là cái phương tiện, phải không? chứ mình đừng có mặc cảm với cái chùa, chùa là cái phương tiện.
Ví dụ như Thầy phải ở chùa là vì sao? Bởi vì Thầy yếu hơn mấy người, Thầy ra đời là Thầy nghĩ bậy liền, chứ đừng có nghĩ chùa là nó cao hơn cái kia. Thành ra người xưa họ nói vậy đó. Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa, tu chùa là yếu nhất, bởi vì anh phải tự giữ anh không được, cho nên anh phải nhốt anh lại thôi chứ không có hay ho gì hết đó. Tôi mà để tóc dài dài là tôi hay nghĩ lung tung lắm, còn bây giờ tôi nghĩ bậy, thì rờ lên đầu, ờ té ra cái đầu này mình không thể nghĩ bậy được, nên đành ở đây.
Vấn đề là đúng, chứ không phải là vấn đề hình tướng bề ngoài, chứ đừng có nghĩ là ở chùa là một cái gì ghê gớm lắm, không có đâu. Thầy đã nói chuyện của Thầy là vậy đó, mình yếu cho nên mình phải ở chùa, mình ra ngoài là mình làm sai, nghĩ sai liền, bởi vì bao nhiêu phiền não, bao nhiêu chuyện của mình, nó ào ào lên liền thì mình ở đây, mình ở đây mình mới phục vụ tốt cho người khác được, chứ đừng có nghĩ là ở đời có khác gì ở chùa đâu. Ở đời khó hơn ở chùa nữa, bởi vì bao nhiêu cám dỗ…
Linh: con cũng yếu mà con không được ở chùa nhiều, con phải làm sao Thầy? với lại làm sao để giữ được Bồ đề tâm?
Thầy: Bồ đề tâm yếu, thì mình làm cho nó mạnh ra. Người nào cũng tự hiểu rõ mình nhất hết, phải không? mình bồi dưỡng cho nó, ví dụ như Thầy yếu cái gì thì mình bồi dưỡng cho nó. Ví dụ như khớp yếu, kêu lụp cụp thì mình uống glucosamine, vậy thôi chứ có gì đâu, hoặc là thiếu máu thì uống cái gì đó cho bổ máu, thành ra yếu cái gì thì tự bổ túc lấy và bồi dưỡng lấy.
Hoặc mình thấy mấy vị Bồ Tát đó, không phải là để cho mình lạy lục các vị đâu, mấy vị đó là họ tượng trưng cho những đức hạnh cao nhất của con người, trí huệ ngài Văn Thù để mình bắt chước, chứ các vị đâu phải ở trên cho mình lạy lục thôi sao.
Trí huệ là ngài Văn Thù, từ bi thì ngài Quán Thế Âm, lo về đất đai … là đức Địa Tạng. Vị chứng được tánh Không nhiều là Bồ Tát Hư Không Tạng chẳng hạn, từ tạng hư không đó mà sinh ra đủ thứ hết, mình muốn vậy thì mình cứ học và làm theo.
Chứ mấy vị Bồ Tát như tấm gương, họ đã đi trước mình và họ thành tựu như vậy, thì họ là tấm gương để mình làm theo. Nếu mình thiếu từ bi thì mình lo xem ngài Quán Thế Âm ngài tu từ bi làm sao, vậy thôi, phải không? Nếu mình thiếu ý chí, thì mình xem ngài Đại Thế Chí Bồ Tát ý chí là sao thì mình học theo, thì dĩ nhiên ý chí mạnh thì trở nên hạnh phúc, còn ý chí yếu thì càng mất hạnh phúc. Chứ ngài cũng không phải nói là theo tôi, phải không?
Có vị Bồ Tát nào nói theo ngài đâu? Không có. Nhưng mà mình phải theo để mà học được cái đó, chứ không phải là các vị tu hành, rồi họ lên đó ngồi để mình lạy đâu, phải không? Họ như tấm gương, còn mình thấy thiếu cái gì thì mình làm theo họ.
Thiếu trí huệ thì xem thử ngài Văn Thù tại sao trí huệ ngài dữ dội vậy, rồi làm theo. Thiếu từ bi thì mình thì học theo đức Quán Âm.
H.Lan: Con nghĩ Bồ đề tâm là cái rất là quan trọng, nó làm cho con đường của mình nó rất là vui vẻ, thứ hai nữa lúc nãy đọc quyển kinh, thì thấy công dụng của Bồ đề tâm nó nhiều hơn rất là nhiều, con nghĩ đây là cơ hội để cho chúng con quán sát hơn nữa về lợi ích của Bồ đề tâm đối với bản thân mình nó như thế nào.
Thầy: Mình không quán sát gì hết, bây giờ mình làm thôi, làm theo Bồ Đề Tâm cảm thấy hạnh phúc vậy thôi. Chứ ngồi mơ màng giải thoát là như thế nào, không cần giải thoát gì hết. Bây giờ mình làm vì Bồ Đề Tâm mình thấy vui.
H.Lan: Con thấy là có những hoàn cảnh khá là dễ để làm vì người khác,…
Thầy: Thôi cô đừng có đổ hoàn cảnh gì hết, mình thấy những hoàn cảnh khó, mình chưa đủ sức, thì thôi mình tránh hoàn cảnh đó đi, chỉ vậy thôi.
Ví dụ như cô H thấy ông L thì cô độ được, cho nên cô mới dám lấy ông Lượng. Còn ví dụ như cô thấy ông đó, cô độ không nổi thì cô lấy làm chi, đơn giản vậy thôi, cái đó đều do tự nguyện mình làm hết, chứ không có khó hay không khó gì hết. Khó thì mình đừng làm, mình đợi mình mạnh thêm rồi mình làm.
Lượng: Thầy dẫn chúng sáng nay, Thầy đọc nâng cao lên, chúng con đọc theo, hình như tâm thức mình cũng nâng lên rất là cao, lúc đó mình chỉ phát ra thôi. Dường như mình đọc ra thôi, dường như là cái gì nó phát ra hay sao đó Thầy. Tụng kinh xong thấy cái gì đó nó phát ra phát ra vậy đó.
Nãy cái ý mà Thầy giảng và mình tin tưởng vào nó là Bồ đề tâm, và mình tin và mình cứ làm, tin vào Phật pháp đó, tin vào tánh đó, và cứ làm hết sức của mình, hình như nó nằm đúng năng lượng chỗ đó.
Thầy: cái năng lượng đó nó có sẵn trong này, phải không? mình làm thì năng lượng nó ra thôi, chứ có gì đâu.
Còn như H.L là luôn luôn đầu óc cô nó rắc rối quá, luôn luôn cô đặt những câu hỏi…, nghĩa là cô luôn luôn làm y như làm ăn vậy đó, cái này sẽ lời bao nhiêu, tôi mới làm. Lời ít ít thì ít làm. Cô cứ làm đại đi.
Nên nhớ một điều, theo Thầy nghĩ mấy vị cao cấp, họ không bao giờ lợi dụng mình đâu, họ không dụ dỗ mình đâu mà lo, chẳng lẻ mấy vị Bồ tát đi dụ dỗ chúng sanh, để kiếm lợi, thành ra mình cứ làm đi, chứ đừng có đặt ra vấn đề là làm sẽ được cái gì, làm như vậy sẽ mất hết Bồ đề tâm à. Anh tin vô, rồi anh làm đi.
Cũng như chuyện Lượng nói đó là Thầy nói rất lâu rồi, Thầy nói Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, mà Thầy nói tụng êm êm đều đều vậy Thầy không thích, lúc đó anh phải đưa tất cả năng lực của anh lên, lên thật cao để họa may nó tiếp xúc được với đức Thích Ca hay không? mà rồi người ta cứ rề rề, tụng đức A Di Đà thì thôi tụng êm êm được, chứ đức Thích Ca thì tất cả năng lượng của mình phải đưa lên, bởi vậy mới nói Nhất giả lễ kính Chư Phật, Nhị giả xưng tán Như Lai, xưng tán là tán dương, tán lên, phải không? giống như Ông Hùng Thốt Nốt hít hà…mới xưng tán, chứ còn đều đều vậy làm cho nó qua, anh xưng tán anh đưa cái tâm anh lên, cái tiếng của anh đưa lên thì cái tâm của anh cũng sẽ lên, mà lên thì anh sẽ tiếp xúc được với những gì kinh điển nói.
Thì đơn giản anh nói chữ Bồ đề tâm, mà nói cho nó hăng hái thì nó ra có vẻ Bồ đề tâm thiệt.
Đơn giản anh ra trận mà anh hát những bài như “nếu xuân này con không về chắc…” thì anh ra là anh sẽ chết liền, phải những bài như Đoàn quân .. họa may ra trận mới được chứ, thành ra cái lời của mình, nói theo chữ mà ông Hải ổng tâm đắc đó, đồng khởi đó, cái lời của mình nó đồng khởi với cái tâm của mình, và nó đồng khởi với sự cứu độ của tất cả những vị Bồ tát, nó tiếp xúc nhau nó đồng khởi một lần, đó vậy mới gọi là đồng khởi chứ, còn đồng khởi mà nó thò móc xuống kéo mình lên thì mình cứ rề rề.
Đồng khởi là cái tâm nó đồng khởi với cái lời của mình, cứ để ý có vị nào thuyết pháp mà nói y như buồn ngủ không? Đâu có vị nào nói vậy đâu, còn nói về Bồ đề tâm thì ông nào cũng phải nói hăng lên phải không? như ngài Khunu “mênh mông như bầu trời, bao la như biển cả” chẳng hạn, phải xưng tán vậy họa may. Chứ Bồ đề tâm mà nói cái giọng thì không ra nổi, thành đồng khởi là vậy đó, thành ra ông nào mà cái giọng nhỏ nhỏ là ông đó, tâm ông cũng muốn lén lút đâu đó thôi, chứ ông không muốn nói ra, phải không? mà lời nói như vậy, có nghĩa là cái tâm nó cũng co lại. Mà cái tâm co lại thì nó không tiếp xúc với thực tại được, thực tại là anh phải mở hết cỡ ra họa may nó mới tiếp xúc được, bởi vì thực tại là cái nó mở cửa khắp hết.
Thầy đã nói rồi, phẩm Phổ Môn tại sao của đức Quán Thế Âm mình hay tụng cầu an đó, phổ môn là cửa ở khắp tất cả, phổ là tất cả, cửa ở khắp tất cả, khắp tất cả đều có cửa hết, bởi vậy ngài Quán Thế Âm là nghe tất cả những âm thanh của thế gian, dầu vui, dầu buồn, dầu kêu cầu gì đó.
Còn mình không mở ra thì làm sao mà gặp được tất cả những cái đó được, rồi H.L hồi nãy định giơ tay phải không?
H.L: Lúc này Thầy dạy, cái gì làm được thì làm, cái gì không làm được thì cứ để đấy, con có câu người mà học hỏi được nhiều trong cuộc đời của họ là họ có sức rướn, con xin Thầy dạy thêm ở chỗ này ạ.
Thầy: Bây giờ H.L có muốn có Bồ đề tâm không? Hay là có được bao nhiêu rồi?
H.L: Con chỉ thấy Bồ đề tâm của con nó tùy hoàn cảnh.
Thầy: thì bây giờ cô phát lên, không có rướn riết gì hết. Cô nó là có những cái mà mình chưa đủ sức làm thì mình chưa nên làm phải không? Nhưng mà mục tiêu của Bồ đề tâm là gì? Là có nghĩa là cô có thể làm tất cả mọi sự, cô cứ phát lên.
Thì sức mình bốn mươi mấy ký mà mình đòi nâng tạ 100 ký thì không được, nhưng mà mục tiêu là mình có thể làm tất cả mọi thứ, bởi vậy cho nên mới nói là Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh là vậy đó, Bồ đề tâm nguyện là cô phát tâm, cô có thể làm tất cả mọi sự, nhưng mà Bồ đề tâm hạnh là tất cả những hành động của cô, cô phải tùy theo cái sức, chứ không phải làm bậy rồi… làm không nổi rồi… mà bây giờ có giám phát tâm là có thể làm tất cả mọi sự không?
H.L: con nghĩ là một ngày nào đó…
Thầy: Không, ở tại đây thôi, cô dám phát tâm đó thì Thầy sẽ làm cho là làm tất cả mọi sự, nhưng mà tất cả mọi sự ở đây thôi, an toàn, chứ đừng có tưởng là ra sợ.
H.L: để con hỏi lại y tá của con là chị Hương.
Hương: Thưa Thầy thưa Đại chúng! Con thấy giống như ngoài đời, Bác sĩ hỏi mình có đồng ý mổ không? giờ bệnh nhân muốn mổ hay không mổ?
Thầy: cái này không phải là mổ, mà là mình có dám làm tất cả mọi sự hay không. Thầy cũng rõ ràng là làm tất cả mọi sự là chung quanh có 5000 mét vuông thôi, chứ không phải là làm tất cả mọi sự là ra ngoài kia đâu.
H.L: Dạ, con xin làm theo ý của Thầy ạ.
Thầy: rồi, được, thì đây thiếu gì ông Thầy, người thay mặt Thầy đây, nhiều khi Thầy không ra, nhưng mà mấy người này có thể thay mặt Thầy, bắt làm cái này làm cái nọ, đừng có cãi, phải không?
H.L: Con mới nhận ra một điều, là một người nói với mình làm một cái gì đấy là cái Pháp diễn ra và mình thuận theo nó như thế nào? Và nâng cấp cái hoàn cảnh đó như thế nào?
Thầy: Bồ Đề Tâm là một cái cô luôn luôn muốn làm một cái gì đó tốt hơn cái cũ, ngày hôm nay cô phải tốt hơn ngày hôm qua, đó là Bồ Đề Tâm đó. Còn cô không tốt hơn, chứng tỏ là Bồ Đề Tâm cô yếu.
H.L: Có thể mình thiếu sáng suốt…Giống như hôm trước Th.Linh đưa bài cho con ấy, con sửa xong con cứ suy nghĩ là không biết có nên gửi lại cho em ấy không, con sợ nó bị tụt tinh thần khi nó thấy nó sai chẳng hạn, nhưng rồi con nghĩ “con nhỏ này chắc nó cũng mạnh mẽ” nên cứ gửi cho nó. Nhưng mà con thấy vì lâu lâu lại có câu hỏi như vậy thì chứng tỏ sự thiếu sáng suốt của mình nó có đó.
Thầy: Mà Thầy thấy vậy đó, HL cứ hay đặt ra những câu dư thừa. Bồ Đề Tâm là gì, là cô thấy việc này có lợi ích cho người đó hay không thì cô làm, có vậy thôi. Chứ còn bây giờ cô bảo làm đúng hay làm sai, thì khó lắm, không cần biết, phải không? Chứ mình cứ đặt ra những vấn đề nó rắc rối, phải không? Tôi thấy cái điều này có ích lợi cho người đó thì tôi làm, vậy thôi, chứ có gì đâu mà sáng suốt, cô đòi bao giờ sáng suốt thì cô mới làm, thì biết đời nào? Cô làm đi rồi tự nhiên nó sáng suốt ra. Miễn là mình đừng có làm hại người ta là được rồi, còn mình làm tốt mà người ta kham không nổi thì từ từ sửa sau.
Cũng như bữa trước là cô nói những lời nó có vẻ lỗ mãng với ông Nam, rồi xuống dưới kia Hồng nó hỏi “sao vậy”, thì cô lại giả bộ bảo “lâu lâu có những anh trì trệ quá mình phải thể hiện sự hung nộ rồi này nọ”. Đó là cô giả dối đó. Cô lúc đó cô hung nộ thiệt chứ giả gì mà giả. Thành ra sự khôn ngoan của mình lại thành ra sự giả dối của mình đó, mà cái đó làm mất đi Bồ Đề Tâm. Phải không? Bồ Đề Tâm được củng cố bằng nhiều cái lắm, bằng sự chân thực chẳng hạn. Ngay khi mà cô la lối ông Nam đó thì đã là giả dối rồi đó, rồi sau đó cô còn giả dối khi nói với Hồng là “cái đó là tôi phải hung nộ để đánh thức ông ấy”. Ông ấy được bà xã ông đánh thức quá trời ở nhà rồi mà bây giờ mình còn đánh thức nữa là ông ngủ luôn đó. (Mọi người cười vui vẻ).
Rồi Hồng, có ý kiến gì không? Nãy tụng kinh và nghe nhiều rồi, cô phải có ý kiến gì đi chứ? Bồ Đề Tâm của cô là luôn luôn phải có ý kiến, đấy trong năm nay là vậy đó. Thầy nói xong là cô làm liền chứ không có chuyện là đợi thầy hỏi đâu.
Hồng: Dạ thưa Thầy, con thấy là khi mà mình đọc, mình nói về Bồ Đề Tâm, nhưng mà con nghe Thầy giảng ấy, thì Bồ Đề Tâm là cái hành động của mình nó chân chánh đó ạ. Con thấy nó rất là thiết thực. Còn khi mà mình nghe chữ Bồ Đề Tâm mình nghĩ nó là cái gì đó lớn lao lắm, mình không thể làm mà mình làm được. Thì con thấy thế nên là cứ yên tâm, mình làm được gì thì làm, nếu mà mình sai thì mình điều chỉnh lại. Vì đa phần là mình bị những cái lỗi nhiều lắm, nhưng mà nghe Thầy nói mình điều chỉnh lại, thấy cái gì nó đúng và nó làm lợi cho người khác thì cứ làm. Và như vậy nó làm cho cái tâm mình càng ngày càng vui hơn và cuộc sống của mình nó thú vị hơn.
Thầy: Rồi thế bây giờ HL có hỏi gì Hồng không? Nó nói vậy đó, HL thì đòi hỏi cần có sự sáng suốt thì mình mới có thể làm được phải không? Còn kia nó lại là cái ‘rơ” nghịch lại với HL là cứ nhắm đầu mà làm thôi phải không? Thành ra HL coi vậy thôi chứ anh “thủ” ghê lắm phải không? Anh co rút ghê lắm chứ đừng có tưởng đâu. Anh cứ đòi hỏi cái gì có lợi mới làm, muốn có lợi thì mình phải sáng suốt, đâu phải vậy, anh cứ làm đi.
Chị H: Thưa Thầy thưa đại chúng, con xin chia sẻ ạ, con thì con học về Bồ Đề Tâm đó, nhưng sáng tụng kinh đó ạ, thì con mới thấy là hồi đó tới giờ cái tưởng của con về Bồ Đề Tâm là nó không có giống trong kinh nói. Tự nhiên sáng nay con đọc kinh con mới thấy, ủa thế thực ra là muốn phát Bồ Đề Tâm là có thể phát ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, trong tất cả các hành động luôn. Con thấy trong kinh kể nhiều lắm, mà như thế là bất kể khi nào mình thấy mình không làm được hay không vượt qua được cái gì đó, không hòa chúng hay là gì đó, thì chính là chỗ đó mình không có Bồ Đề Tâm. Với con thấy là tại sao kinh nói về Bồ tát Di Lặc, thì tự nhiên trong đầu con nó có suy nghĩ con không biết có đúng không xin Thầy dạy thêm, đó là tất cả chúng sanh muốn thành Phật thì phải có đầy đủ cái Bồ Đề Tâm trọn vẹn như vậy thì mới có thể thành Phật được, thì trong cái bối cảnh của cuốn kinh đó thì là đức Di Lặc được thọ ký sẽ là vị Phật tiếp theo.
Thầy: Thì vậy đó, nên nhớ là cái Bồ Đề Tâm này thì như hồi sáng mình có tụng đó là vị Thiện Tài Đồng Tử này là một cái anh trẻ trẻ thôi. Anh này đi qua cả trăm thành rồi, hỏi một trăm vị trí giả rồi, thì bắt đầu ngài Văn Thù nói là đi về phía Nam rồi học đi, rồi học tới ngày mà gặp đức Di Lặc này lần chót trước khi gặp ngài Phổ Hiền là thành Phật luôn đó. Thành ra cái này là cái bắt đầu, nhưng cũng là cái cuối cùng, chứ đâu phải là dạy từ đầu đâu. Dạy là khi gặp ngài Di Lặc là cuối cùng rồi đó, bởi vì sau ngài Di Lặc là gặp đức Phổ Hiền là coi như thành Phật luôn. Thành ra cái Bồ Đề Tâm đó, nó bắt đầu nhưng mà nó cũng là cái cuối cùng đó. Nó dễ lắm nhưng mà nó cũng là cái cuối cùng.
Nam: Thưa Thầy thưa đại chúng, về cái Bồ Đề Tâm ấy Thầy, con cảm nhận được cái Bồ Đề Tâm nó có một cái gốc là cái lòng biết ơn đó ạ. Con lạy Tổ đó Thầy, con chạm xuống sàn nhà con mới thấy sao cái sàn nhà ấm dữ vậy ah? Không biết có ai đứng đó trước đó không nữa. Mới đây con cũng hay có cảm giác đó ấy Thầy. Hôm qua con ngồi thiền thì tự nhiên con nhớ tới ba má, con nhớ hồi nhỏ ông bà nuôi mình cũng lâu lắm đó, mà mình cũng chưa mời ông bà được bữa nào, có duy nhất một ngày trong năm con mời ông bà ăn được một bữa thôi ah. Thì Tết nên ông bà mới qua ăn một bữa. Thì cái tự nhiên con thương quá trời, thì lúc mà thương vậy đó con có cái gì với ba con và mẹ con thì nó tan hết cả, thì lúc đó con chỉ còn có tình thương thôi. Thì lúc đó con mới thấy cái lòng biết ơn nó cũng là biểu hiện của cái Bồ Đề Tâm.
Thầy: Thì bởi vậy mình phải thấy là tất cả những cái của đời sống này nó đều biểu hiện cái Bồ Đề Tâm đó hết, chỉ có là mình không biết thôi. Ví dụ như là mười mấy cái giá trị sống đó, đó là cái sự biểu lộ của Bồ Đề Tâm đó, mà anh sống như vậy thì anh sẽ có Bồ Đề Tâm thôi. Sự tôn trọng, anh tôn trọng được thì anh có Bồ Đề Tâm. Rồi sự trung thành, sự thương yêu, anh thương yêu được thì anh có Bồ Đề Tâm, vậy thôi. Thành ra mình phải thấy vậy đó, cái Bồ Đề Tâm mình nói trên trời dưới đất nhưng mà nó được nuôi dưỡng bằng những cái của trần gian này chứ nó không chạy đi đâu xa hết á. Cây Bồ Đề của anh nó là Bồ Đề Tâm nó có thể cao cao tới tận những tầng trời, nhưng cái rễ của nó thì ăn những thứ thực phẩm của trần gian này này, phải không? Biết ơn, sự đoàn kết, bởi vì những cái đó nó làm phá đi cái tôi của mình, mà cái tôi của mình nó tan rã thì đó chính là Bồ Đề Tâm tuyệt đối. Còn mình làm Bồ Đề Tâm tương đối là để cho cái tôi của mình nó tan rã bớt đi, vậy thôi.
VT: Dạ, từ nãy đốt lửa cho nó bừng lên. Dạ thưa Thầy và đại chúng, khi mà hồi sáng tụng kinh Hoa Nghiêm đó Thầy, con có chú ý cái đoạn đầu mà đức Di Lặc nói ngài Thiện Tài Đồng Tử nói rằng Ngài là thiện khí, chứa đựng những thiện căn, và có một cái phát tâm là muốn cứu độ tất cả chúng sanh nên thành ra đức Di Lặc mới dạy cho ngài về Bồ Đề Tâm để thực hành Bồ tát hạnh thưa Thầy. Thì con mới thấy một điều ấy, là khi mà mình không có cái tâm muốn giúp người khác á, thì tự nhiên Bồ Đề Tâm mình không có lòng hun đúc để mong muốn làm một cái gì luôn á Thầy. Còn một khi mình khởi ý muốn giúp đỡ một ai đó, hoặc giúp đỡ một cái gì mình gặp được thôi, thì tự nhiên cái lòng mong muốn giúp đỡ người khác nó phát khởi liền luôn. Làm sao để mình đừng có bó mình lại, đừng có luôn nghĩ về mình, thì con thấy là như vậy đó Thầy.
Anh L: Hồi sáng con thấy HL có một hành động Bồ Đề Tâm đó Thầy, là cái thùng kinh nó nặng quá đi, mà bỏ trên ghế thì nó dễ lật á. Cô chỉ đơn giản cô tới yêu cầu thêm cái ghế nữa thôi để cho nó chắc chắn, thì con thấy một hành động rất là đơn giản vậy thôi mà không suy nghĩ gì hết thì đó là hành động Bồ Đề Tâm rồi.
Thầy: Nhưng mà lúc đó cô không suy nghĩ chứ bình thường cô suy nghĩ nhiều lắm, đó, nó gọi là như Trịnh Công Sơn nói là “lòng chợt từ bi bất ngờ” đó. Là bất ngờ thôi, chứ bình thường cô suy nghĩ nhiều lắm, cái này lợi hay hại, mà lợi thì lợi bao nhiêu, cô là tính lợi nhất cô mới làm chứ lợi ít ít là cô không có làm đâu.
H.L: con có cảm giác giống như Nam đó, là sáng nay tụng kinh xong con thấy có cái lòng biết ơn ở trong đó. Lúc mà đi lạy từng cái tượng một ấy, thì con thấy mình thực sự biết ơn tất cả những vị Phật, con biết ơn tất cả cái chùa này, tự dưng nó lên như vậy mà con không hiểu tại sao lại như vậy nữa.
Thầy: Đáng lý ra những người ở đây là từ lúc 12h khuya là bắt đầu chuẩn bị Bồ Đề Tâm rồi đó. Là 12h đã ngồi thiền, đánh chuông rồi, là Bồ Đề Tâm đã bắt đầu nhen nhúm từ đó rồi, nhưng mà tới giờ là nó hơi nguội rồi này. (Thầy và mọi người cười vui vẻ).
VT: Mà năm nay đó Thầy, khi mà Thầy thỉnh chuông là có sáu, bảy vị vô viếng chùa, con thấy lụp bụp lụp bụp, con mới nghĩ “ôi chao, sao cửa chùa mình lại có âm thanh đó vậy?” thì khoảng 3,4 phút sau thì thấy nguyên một đoàn người đi vô. Rồi sau thấy mấy vị quỳ lạy bàn thờ Tổ đó thì tự nhiên con thấy rất là vui, cảm giác là thay vì lúc đó họ ở với gia đình đón giao thừa làm nọ làm kia nhưng cái tâm người ta đang hướng tới chùa, mà chùa này là nam cũng không dám đi vô đâu nha, vậy mà nguyên một nhóm là nữ không mà đi vào để tìm chùa thắp hương lễ Phật đầu năm, con thấy rất là vui.
Cô Hồng: Năm rồi là có mấy đứa con nít, năm nay thì nguyên một dàn người nữ. Chắc nghe Thầy thỉnh chuông á.
Bình: với cả giờ đó mở cửa đó Thầy, giờ đó họ coi pháo bông xong họ vô.
Thầy: Năm nào mình cũng mở cửa hết đó.
Cô Hồng: Nhưng mà mỗi năm lại khác, năm rồi là có đám con nít với 3 người lớn. Năm nay có nguyên một đoàn người toàn người nữ thôi.
Cô Nghĩa: thưa Thầy con có một cái trò chơi hái lộc đó Thầy.
Thầy: rồi lấy ra đi, trò chơi hái lộc, Thầy nhiều lộc quá trời rồi giờ hái nữa hả?
Phật tử: Mô Phật, Thầy cho con hỏi thêm, ngày đầu năm mà có một người nào đó tới nhà mình mà gọi như là xông đất đó Thầy. Thì cái đó nó có quan trọng và ảnh hưởng gì tới cái gia đình không ạ?
Thầy: Thì thường thường người ta nói cái gì nó cũng y như là cái đời sống này nó luôn luôn liên hệ với nhau, như cái ông Carl Jung là một nhà tâm lý học đó, ông nói về cái Kinh Dịch là cái bói dịch đó, ông nói tại sao nó đúng được là bởi vì mọi sự nó liên kết với nhau y như là cái mạng thông tin vậy đó, mạng thông tin mình thấy cái gì đó, là nó thông tin cho mình là từ bên Mỹ qua lận chứ không chỉ ở đây đâu. Bởi vậy người ta nhìn ra điều đó nên người ta nói rằng ông nào mà xông đất á, là ông đó báo hiệu cho mình cả năm đó. Cũng như nhiều người đi giao kèo gì đó mà bỗng dưng thấy một cái điềm xui chẳng hạn, thì sẽ nghĩ nó báo trước là chuyện sẽ không thành. Đó là mình thấy cái chuyện này nó hay báo trước lắm phải không?
Phật tử : Dạ thưa Thầy và đại chúng cho con nói vài lời ạ. Thì tiếp nối cái chuyện của Nam và cô H.L ấy, thì nãy giờ con cứ ngậm ngùi chứ con cũng chưa có dám nói, thì như cô HL nói á, là hôm nay khi cô đi lễ lạy từng vị Phật, từng vị Bồ tát và cô biết ơn những vị đó. Nhưng đối với con thì trước khi biết ơn các vị đó thì con biết ơn với Thầy và đại chúng, vì hôm nay Thầy đã cho con biết được thế nào là giải thoát. Trước nay đầu con cứ mông lung con không hiểu được giải thoát là phải làm gì và phải như thế nào mới được gọi là giải thoát. Khi mà con đọc sách con chưa hiểu được về Bồ Đề Tâm, mà con cũng không biết làm thế nào để có Bồ Đề Tâm, mà hôm nay nhờ những lời giảng dạy của Thầy mà con thấy ra được, nó rất là dễ hiểu và con nghĩ là những điều đó con thực hiện nó sẽ dễ dàng hơn. Hôm nay trong kinh con được đọc đi đọc lại về Bồ Đề Tâm, mà con không hiểu, nhưng nãy giờ ngồi nghe Thầy và đại chúng ở đây có những lời chia sẻ mà con hiểu được những điều đó nó rất là thực tế và dễ hiểu. Trước tiên là con xin biết ơn Thầy và đại chúng đã cho con hiểu những điều thường ngày mà nó rất là dễ hiểu thôi và dễ thực hành.
VT: Con nghĩ năm nay chữ Bồ Đề Tâm nó ấn vô sâu lắm, mọi năm á, là mình tụng kinh Di Lặc, thứ hai nữa là Thầy chỉ cho tụng ngày mùng 1 thôi, mà năm nay Thầy cho làm 4 ngày luôn.
Thầy: Thì thế để cho nó hết, bữa nay một phần, mai ngày kia ngày mốt mới hết cả phần mà đức Di Lặc giảng cho Thiện Tài.
Cô Nghĩa: Thưa Thầy, con xin nói, cái ý tưởng này con làm là trong một đêm Noel đó thì trong một bài hát là mừng Chúa, chỉ dâng lên Ngài một cái sự hòa bình trong tâm của mình. Tại vì trong mỗi người đều có cái sự tranh luận của một ông thiện và ông ác, lúc nào cũng tranh luận cãi cọ với nhau, điều muốn làm thì không làm mà điều mình không muốn làm thì lại cứ làm. Thì nó tạo thành mâu thuẫn trong chính nội tâm mỗi người. Nếu mà điều mình làm với điều mình muốn mà nó trùng khớp với nhau thì nó là một cái sự hòa bình. Hòa bình trong lòng mình thì nó hòa bình ra ngoài, và nó lan tỏa ra khắp nơi. Nếu mỗi người đều sống hòa bình với chính mình thôi, thì trong gia đình được hòa hợp và an vui, và ở ngoài xã hội cũng thế. Con nhớ tới cánh chim hòa bình, mình làm nhưng mà không có làm gì hết, làm mà không có chấp vào việc mình làm, không chấp vào các tư tưởng để ganh đua với người khác thì đó là hòa bình. Giống như cái câu thơ là : “nhạn quá trường giang/ ảnh trầm hàn thủy/ nước chẳng lưu hình/ nhạn cũng vô tâm”. Đi qua cuộc đời nhưng mà cuộc đời đó mình không có một ý nghĩ hay một cái gì để cái tôi của mình cả. Cuộc đời là cuộc đời, tất cả đều ăn nhập vào nhau nhưng mà không có cái gì mà dính mắc ở đâu hết, như một dòng sông lưu thông thì nó rất là hòa quyện với nhau mà nó không có mâu thuẫn. Với ý tưởng đó thì con muốn tặng mỗi người một con hạc, tại vì cái câu thơ đó con rất thích.
Rồi để Thầy chọn trước phải không? Tự nhiên vụ này khiến Thầy nhớ Út quá. Rồi để Thầy đọc câu trong đó:
“Thành công không màu nhiệm cũng chẳng bí ẩn. Thành công là kết quả tự nhiên của việc áp dụng đều đặn những nguyên lý cơ bản.”
Rồi làm xong cái này là mình nghỉ nhen, rồi mai ai rảnh thì qua tụng kinh tiếp, bởi vì Bồ Đề Tâm nó còn dài lắm.
(Thầy và đại chúng cười lớn).
---oOo---
Thầy và Đại chúng cùng hồi hướng
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng trọng thành Phật đạo.