Thầy: Trí huệ và Từ bi là Bồ đề tâm, từ chuyện mình nấu ăn đến chuyện quét lá, tất cả đều làm trong Bồ đề tâm hết, thì dần dần mình sẽ thấy tất cả mọi chuyện mình làm từ việc nuôi dạy con cho đến chuyện cư xử với người này người nọ, nó nằm trong Bồ đề tâm hết thì tất cả mọi việc mình làm đều là Phật sự hết, và dần dần mình sẽ chứng nghiệm ra một điều là tất cả pháp đều là Phật Pháp, tất cả thế giới này sẽ thành Pháp giới, nếu như mình luôn ở trong Bồ đề tâm đó.
Như lúc nãy mình có tụng, Bồ đề tâm chính là ánh sáng quang minh, mình luôn làm việc trong ánh sáng đó và Từ bi thì mình luôn làm trong Bồ đề tâm. Bồ đề tâm đó sẽ giúp mình không còn đau khổ phiền não nữa, đau khổ phiền não sẽ không nhiễm vô mình nữa. Mình tụng một đoạn rất dài nói về 'thuốc', uống được 'thuốc' này thì khổ đau phiền não sẽ tiêu tan.
Kinh điển không phải chỉ để tụng, mà mình phải ứng dụng nó vào đời sống, nếu mình có Bồ đề tâm thì phiền não thế gian không có ảnh hưởng mình nữa, đó là chuyển hóa, chuyển tất cả vào trong con đường, tức là chuyển tất cả mọi thứ vào Bồ đề tâm. Bồ đề tâm chính là con đường. Chuyển tất cả mọi khổ đau hay hạnh phúc gì đó vào trong Bồ đề tâm.
Lúc nãy mình tụng những đoạn rất là hay, ví dụ như là "Như châu đế thanh đại ma ni, ai được quang minh của châu này chiếu nhằm, thời thân người ấy đồng màu với châu này. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dùng Bồ đề tâm quán sát các pháp, hồi hướng thiện căn thời đồng một màu với Bồ đề tâm". Bồ đề tâm nếu phát khởi trong thời gian không gian nào đó thì đó là Bồ đề tâm tương đối, còn Bồ đề tâm tuyệt đối thì chỉ có chư Đại Bồ Tát với chư Phật mới có thôi. Nếu mình giữ được Bồ đề tâm tương đối đó thì lần lần mình sẽ đạt được đến Bồ đề tâm tuyệt đối. Trong kinh có nói vậy đó, nếu ai được quang minh của châu này chiếu nhằm (tức là quang minh của Bồ đề tâm chiếu nhằm) thời thân của người ấy đồng màu với châu này, có nghĩa là lúc ấy mình sẽ đồng màu, đồng một vị với Bồ đề tâm tuyệt đối. Nếu tu theo Bồ đề tâm tương đối trong những việc làm hằng ngày, thì lần lần sẽ đồng màu với Bồ đề tâm tuyệt đối, với giác ngộ và Đại bi của chư Phật: "Đại Bồ Tát dùng Bồ đề tâm quán sát các pháp, hồi hướng thiện căn thời đồng một màu với Bồ đề tâm".
Tất cả cuộc đời mình là làm sao giữ gìn cái Bồ đề tâm được như viên ngọc, châu đó, châu là viên ngọc, trong những công việc hàng ngày thôi. Từ chuyện đưa bài lên Facebook chẳng hạn, mình làm trong Bồ đề tâm thì dần dần mình sẽ được đồng màu với Bồ đề tâm. Bồ đề tâm đó là Bồ đề tâm tuyệt đối của chư Phật và chư đại Bồ tát. Thành ra, trong những công việc hàng ngày đó càng ngày càng ngày mình càng tương ưng và đồng màu với chư đại Bồ tát, với chư Phật. Bởi vì, màu của chư Phật và chư Đại Bồ tát là Bồ đề tâm tuyệt đối. Thành ra mình thấy trong kinh A Di Đà, khi mà qua bên cõi Tịnh độ đó, tất cả mọi người đều có cùng một thân màu sắc vàng hết, đồng màu. Tu hành là vậy thôi. Làm sao mình cầm giữ được viên ngọc, cái Bồ đề tâm của mình. Nếu mình làm có Bồ đề tâm trong tất cả công việc thì lần lần nó đồng màu với Bồ đề tâm tuyệt đối, đó là tu.
Thiền định, thiền quán, làm phước thiện… để làm gì? Để đồng màu với Trí huệ và Đại bi của chư Phật. Cái Bồ đề tâm tương đối của mình lần lần đồng màu với Bồ đề tâm tuyệt đối. Đó là tu.
Hôm qua Thầy nói, trong kinh, và những buổi Bát Quan Trai mình bàn rất nhiều lần, có vị gì đó hỏi ngài Duy Ma Cật là đi từ đâu lại, thì ngài Duy Ma Cật nói là đi từ Đạo Tràng lại. Đạo Tràng chính là Bồ đề tâm tuyệt đối. Rồi sau đó ngài giảng, từ là Đạo Tràng, bi là Đạo Tràng, Trí huệ là Đạo Tràng, nguyện là Đạo Tràng, một dãy, …tất cả mọi hạnh của Bồ Tát đều là từ Đạo Tràng. Cuối cùng, cái đoạn chấm dứt là ngay cả động tay, dở chân cũng là từ Đạo Tràng mà lại. Đối với một vị Bồ tát thì việc dở tay, động chân cũng đều từ cái Bồ đề tâm tuyệt đối đó nó lưu xuất ra, đều từ Đạo Tràng mà lại.
A.Lượng: Thưa Thầy, Bồ đề tâm, Đạo Tràng, tánh Không cũng là một có phải không thưa Thầy?
Thầy: Bồ đề tâm tuyệt đối, cái mà Thầy hay nói đó, nó là nền tảng. Nó là nền tảng, nó đầy khắp, muốn nói gì thì nói, nó là tánh Không, là Như Lai Tạng, nó là Phật Tánh, là đủ thứ hết. Tùy theo mỗi người muốn dùng chữ gì thì dùng. Đó là Bồ đề tâm tuyệt đối. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đó là cái Phật tánh nơi mình, nó giờ vẫn là Phật tánh tương đối, đó là Bồ đề tâm tương đối, cho đến khi thành Phật thì Phật tánh đó tuyệt đối, Phật tánh đó thành Bồ đề tâm tuyệt đối.
Trong kinh có nói, “Như có bửu châu tên là Tự Tại Vương ở tại châu Diêm Phù Đề cách mặt nhật, mặt nguyệt bốn vạn do tuần, bao nhiêu cảnh vật trang nghiêm của nhật nguyệt đều hiện bóng rõ ràng trong bửu châu này. Cũng vậy, công đức thanh tịnh của đại Bồ tát phát Bồ đề tâm ở trong sanh tử chiếu pháp giới hư không tất cả công đức Phật trí đều thể hiện trong đó”. Nếu Bồ đề tâm tương đối của mình trong đó càng ngày nó càng đồng màu với Bồ đề tâm tuyệt đối thì tất cả thế gian này biến thành Pháp giới. “Cũng vậy, công đức thanh tịnh của tất cả đại Bồ tát phát Bồ đề tâm ở trong sanh tử chiếu khắp pháp giới hư không tất cả công đức của Phật Trí đều hiện trong đó”. Với cái tu hành Bồ đề tâm đều hiện trong đó thì sanh tử này nó biến lần lần thành pháp giới niết bàn của chư Phật.
Thầy: Rồi, bây giờ vị nào ở CT muốn hỏi hay mấy vị ở ngoài hỏi?
A.Châu: Dạ, Mô Phật.
Thầy: Bởi vì hôm qua không có mặt, hôm nay nghe sơ sơ vậy thì có hỏi gì không?
A.Châu: Dạ, bạch Thầy, bạch Đại chúng. Con hỏi về cái pháp giới này nó đã là pháp giới thể tánh rồi, con tin chắc là như vậy và nó là như vậy. Nhưng mà chúng con thì để mà tương ưng, tương nhập được với cái pháp giới thể tánh này thì chúng con phải có được cái thấy đã. Thấy được pháp giới thể tánh, nếm trải được cái pháp giới thể tánh đó, thì từ từ chúng con mới nhúng dần dần vào trong đó. Con thấy cái khó nhất là làm sao chúng con chạm được chỗ đó, và tin chỗ đó và lấy đó làm phương tiện để chúng con tiếp tục nhúng vào trong pháp giới toàn khắp đó. Đó chính là cái chúng con băn khoăn nhất thưa Thầy. Thầy khai thị cho chúng con để chúng con biết, chúng con có cái đường vào, biết cái đường đi và tu hành trên phương tiện để vào cái pháp giới thể tánh đó.
Thầy: Nói chung là mình phải thấy Bồ đề tâm đó. Nhưng trong Kinh không dùng chữ “thấy” mà nói “phát Bồ đề tâm”. Khi mà anh phát Bồ đề tâm được thì anh thấy liền, phải không?
Đúng, đồng ý là phải thấy nhưng để thấy được trong này nói rất rõ là anh phải phát Bồ đề tâm. Khi anh phát Bồ đề tâm, thì cái Bồ đề tâm tương đối của mình sẽ tương ưng với Bồ đề tâm tuyệt đối. Tương ưng phần nào thôi. Khi tương ưng đó tất nhiên sẽ thấy Bồ đề tâm tuyệt đối là gì. Qua cái Bồ đề tâm tương đối do mình phát thì khi phát hai anh đó sẽ tương ưng liền. Thì tương ưng là mình thấy Bồ đề tâm tuyệt đối là gì và mình cứ vậy cứ làm, cứ hành cái Bồ đề tâm tương đối cho tới khi Bồ đề tâm tương đối nó hoàn toàn tương ưng với Bồ đề tâm tuyệt đối. Nghĩa là công việc thường nhật của mình đây hoàn toàn tương ưng với Phật sự của tất cả chư Phật, từ ăn uống, đi đứng, nói năng đều vậy, đều tương ưng hoàn toàn với Phật sự. Chỉ có điều là tất cả những ăn uống, đi đứng, nói năng của mình hiện giờ đây vẫn luôn nằm trên nền tảng tức là luôn nằm trên Bồ đề tâm tuyệt đối. Mình không thể nào ra khỏi Bồ đề tâm tuyệt đối được. Mặc dù mình thấy nó sơ sơ thôi, thì khi mình thấy nó mình phát Bồ đề tâm được thì mình sẽ thấy nó phần nào. Khi mình thấy nó phần nào thì mình cứ nhúng lần lần vô y như là mình hòa tan vô trong cái biển đại dương vậy thôi. Đại dương đó là pháp giới của chư Phật, mình hòa tan vô thì một chập nó sẽ là một thôi. Trong này có nói là: quang minh của châu này chiếu vào thì mình sẽ đồng màu với ánh sáng của châu đó (của viên ngọc đó). Đồng màu với ánh sáng của pháp giới.
A.Châu: Dạ, bạch Thầy, con xin hỏi thêm: để chúng con xác quyết cái đồng màu đó Thầy. Làm sao để xác quyết cái đồng màu ạ?
Thầy: Thầy nói rồi, muốn đồng màu thì anh phải phát tâm. Bởi vì chư Phật đều đã từng phát tâm rồi. Anh phát tâm thì anh sẽ đồng màu liền.
A.Châu: nhưng mà chúng con không đủ lực, không đủ mạnh, không đủ nhập vô được nên chưa phát tâm được đó Thầy.
Thầy: Thì phải làm thôi, anh phát cho tới khi nào nó đụng thì thôi chứ sao giờ. Ngày nào mình cũng tụng kinh là mình cũng phát tâm vậy. Phát cho tới khi nào nó thật phần nào đó, thì nó đụng tới Bồ đề tâm thật kia. Còn Bồ đề tâm mình là tương đối thôi, bởi vì mình khi cảm hứng nhiều thì phát mạnh mẽ lắm, khi nó teo lại nó thụt lại. Phát cho tới khi nào nó đụng nhầm cái kia thôi, thì hai cái đó nó chiếu lẫn nhau. Ánh sáng của Bồ đề tâm tuyệt đối nó sẽ chiếu và mình sẽ đồng màu lần lần, lần lần. Đó là mình nhúng lần lần, lần lần, lần lần cho tới khi mà nó đồng màu.
Thành ra nói là “thấy” thì ở đây nói là “phát tâm”. Không phải dễ dàng gì phát tâm đâu. Bởi vì trong kia nói là một người mà phát tâm thật sự là chấn động tất cả các cõi hết đó. Bởi vì lúc đó là đã bắt đầu nhập pháp giới rồi đó. Phải không? Nhập pháp giới rồi thì ma hay gì cũng sợ hết đó. Bởi vì nó biết là người này sẽ thành Phật. Dù có tỉ tỉ kiếp nữa cũng sẽ thành Phật nếu như anh giữ được Bồ đề tâm thì rồi anh sẽ thành thôi. Mỗi ngày anh làm mỗi chút mỗi chút vậy. Đó là huân tập Bồ đề tâm.
Nên nhớ huân tập là huân tập trên Bồ đề tâm tuyệt đối. Ví dụ như mình tụng Kinh Phật, tụng hồi nãy phải không, mình tụng đó là tụng là cái tương đối chứ gì, tụng hay không tụng cũng trên cái tương đối thôi, phải không? nhưng mà cái tụng của mình nó luôn luôn xảy ra trên cái Bồ đề tâm Tuyệt Đối, luôn luôn xảy ra trên Nền Tảng. Thành ra, cái của mình là mình làm sao mình thấy được là cái chuyện của mình làm đây, cái chuyện mình làm đây là chuyện vô thường, chuyện là vậy vậy thôi, nhưng nó luôn luôn xảy ra ngay trên cái Bồ đề tâm Tuyệt Đối. Mình tụng Kinh đó, là nó luôn luôn xảy ra trên cái lời Phật, thân-khẩu-tâm của Phật, chư Phật đó, chứ không phải của … nó luôn luôn xảy ra thì mình phải làm sao cho tới khi nào nó tương ưng được mới hiểu ra được điều này. Đi-đứng-nằm-ngồi của mình luôn luôn xảy ra trên Bồ đề tâm Tuyệt Đối thôi. Với điều kiện là mình phải phát tâm Bồ đề tâm, phải huân tập lần lần, lần lần mình thấy chuyện đó thôi. Khi mình thấy chuyện đó cái mà như là anh Châu nói đó, là Thấy đó. Mình thấy mình với cái Bồ đề tâm Tuyệt Đối, xin lỗi nói theo Kinh Điển, trên đó là mình chưa bao giờ hề lìa Bồ đề tâm Tuyệt Đối hết. Chẳng qua là bởi vì mình quên bén nó đâu mất rồi. Ưa cái sanh-tử này lắm, ghiền nó lắm thành ra mình quên bén nó hết. Bây giờ thì mình phải huân tập trở lại. Chớ thật sự ra trong cái chân lý rốt ráo là mình chưa bao giờ lìa khỏi Chân Lý Tuyệt Đối hết, chưa bao giờ lìa khỏi cái Bồ đề tâm Tuyệt Đối đó hết. Và ngay cả những khổ đau của mình, những khóc lóc của mình đều xảy ra trên Bồ đề tâm Tuyệt Đối đó hết. Thì bây giờ mình phải phát tâm Bồ đề tâm Tương Đối đi. Đó phát tâm, phát đến một lúc nào đó tự nhiên hai Nó thông nhau thôi, phải không. Bên kia nó sẽ chiếu qua ánh sáng thì mình sẽ cùng một ánh sáng với lại Bồ đề tâm Tuyệt Đối. Đơn giản vậy thôi. Còn mình chưa thấy được bởi vì hình như mình phát nhưng mà mới chỉ phát ngoài miệng thôi chứ chưa phát thiệt, phải không, mới ngoài miệng thôi. Thân-khẩu-ý của mình, thân-ngữ-tâm của mình phải phát phát cho tới lúc nào tâm của mình nó bắt đầu nó thấy được cái ánh sáng của cái Bồ đề tâm Tuyệt Đối đó. Khẩu của mình lần lần, lần lần mình thấy. Đó ví dụ như Thầy nói vậy đó, khẩu của Thầy nó cũng mới có một nửa thôi, mới có phần nào đó thôi, còn phần kia là do vô minh, do tầm bậy của mình. Nhưng mà một cái phần tương ưng nó là cái lời nói đó có một phần lời nói của Chư Đại Bồ Tát Chư Phật bởi vì đó là Bồ đề tâm Tuyệt Đối. Rồi, bây giờ vị nào cứ hỏi tiếp đi.
A.Châu: Thưa Thầy, con ngay cái chỗ ngay chỗ mà chạm đến chỗ thông nhau đó, Thầy dạy giúp cho chúng con có hứng thú với ạ.
Thầy: 7 giờ 4 phút, phút cuối rồi, bây giờ rồi mà còn đòi hứng thú. Bây giờ nó bắt đầu nó xuống rồi đó.
C.Nghĩa: Thưa Thầy, con hỏi câu này chắc anh Châu hứng thú.
Thầy: Rồi, hỏi đi.
C.Nghĩa: Con nhớ trong Kinh hồi nãy đọc đó Thầy, có cái câu là “Một ngọn đèn nhỏ thì có thể phá tan được những bóng tối vô minh từ ngàn năm.” Thì cái Bồ đề tâm cũng giống như vậy, xin Thầy giải thích cho tụi con thêm rõ.
Thầy: Thì cứ phát được, thấy được thì tự nhiên nó phá tan bóng tối ngàn năm thôi, chớ bây giờ hỏi Thầy làm sao.
C.Nghĩa: Vậy thì coi như là một cái ngọn lửa nhỏ thôi, thì cũng có thể soi sáng rất là nhiều. Giống như là mình phát Bồ đề tâm đó Thầy, cũng giống như mình thắp lên một ngọn lửa, thì phá tan bóng tối. Nếu mà mình không thắp đó thì nó không có một cái ánh sáng nào hết. Thành ra mình phải thắp lên. Cái ánh sáng thì nó luôn luôn có sẵn, chỉ cần mình đủ nhân duyên điều kiện mình thắp lên thôi. Thì dù là tương đối thôi, tức là nó tuy là nhỏ, nhưng nó cũng chính là ánh sáng. Và khi ánh sáng ở đâu thì bóng tối không có ở đó. Dạ, con xin hết.
Thầy: Thì Thầy thấy cái chuyện này Thầy đã nói rồi, bây giờ vấn đề là y như trong một cái rừng vậy đó, có thể là mưa… nữa. rồi mình ráng mình thắp lên một ngọn lửa nhỏ nhỏ và mình giữ cái Bồ đề tâm đó, Bồ đề tâm tương đối đó, mình giữ cho nó được. Bởi vì nói vậy chớ mình có thể mình thắp lên mình đốt một đống củi nhỏ, nhưng mà sau đó mình không giữ gìn thì nó tắt mất. Còn khi mà ngọn lửa đó đã cháy tới mức độ không thể có một cơn mưa nào có thể dập tắt được, phải không, thì nó sẽ đốt cháy cả cái rừng phiền não của mình, tất cả cái rừng chúng sanh của mình thôi. Vấn đề là anh giữ gìn được Bồ đề tâm tương đối, ngọn lửa nó nhỏ nhỏ thôi mà mình có gìn giữ được hay không. Và anh giữ gìn nó tới một lúc nào mà nó không thể tắt được nữa. Dầu có mưa có gì … thì nó cũng không tắt được nữa. Phải không. Mưa nó chỉ lung lay, lung lay vậy thôi, chớ chút nữa nó bùng lại. Thì đến khi nó không thể tắt được thì nó đốt cháy cả cái rừng phiền não, đốt cháy cả rừng vô minh của mình. Cái vấn đề là giữ gìn.
Đó, thành ra hồi nãy có nói đó, cái viên ngọc đó, anh phải cầm giữ được, anh phải cầm cái viên ngọc đó, chứ còn anh cầm chút rồi anh thả thì là, bao nhiêu là, nó sẽ ụp lại là anh tiêu liền.
Cái viên ngọc đó, anh phải cầm giữ được, rồi anh phải cầm viên ngọc đó, chứ anh cầm chút rồi anh thả, thì là (Thầy cười), phải không? Thì bao nhiêu thứ, nó sẽ ụp lại, là anh tiêu liền, phải không? Cái vấn đề là mình giữ được hay không đó. Mình phát khởi Bồ đề tâm mà mình giữ được hay không đó, mình giữ bằng cái gì? Bằng tất cả những 37 phẩm trợ đạo từ cái tin cho đến cái định lực của mình, cho tới tất cả mọi thứ mình phải giữ và giữ cho tới một cái lúc nào đó nó không thể tắt được nữa, y như trong một cánh rừng mà cho đến cái hồi mà mình đốt một ngọn lửa nhỏ nhỏ thôi, nhưng mà mình cứ giữ gìn cho nó đến hồi nó lên tới cái một mức độ nào đó, thì dầu có mưa nữa nó cũng không tắt, mà không tắt nữa thì nó sẽ đốt cháy cả cái rừng thôi.
Đơn giản là giữ được hay không. Đó như hồi nãy có nói đó. Cái viên ngọc đó, có phải không? Nó làm hết nhưng mà mình cầm nó sơ sơ rồi, nhưng lại ham chơi lại bỏ nó đi đâu mất, khi nó đánh phủ đầu mình thì mình tiêu.
Vấn đề là giữ được hay không đó. Mà cái vấn đề Thầy nói giữ là vậy đó. Tất cả mọi cái tông phái, đều nói chữ “giữ gìn” hết, phải không? Chữ của ngài Garchen thì ngài nói chữ “maintain” tức là duy trì, còn bên thiền thì nói là “hộ trì”, “bảo nhậm”. Nó phải bảo nhậm Bồ đề tâm có chút xíu đó thôi. Còn dầu cho anh có thấy đi nữa, mà anh không bảo nhậm nó nữa là nó cũng sẽ tắt à. Như anh Châu chẳng hạn, nói là mình phải thấy. Đúng. Mình thấy rồi, anh cũng phải làm cho cái thấy đó càng ngày nó càng rộng lớn hơn, chớ thấy mà có một cái ngộ không thôi thì chứ đủ, phải không? Mà mình lơ là lơ là, là nó tắt mất. Cụ thể như thắp lửa vậy đó. Khi mà mình đốt nó đầy đủ rồi, chăm lo cho nó đầy đủ rồi thì nó sẽ tự động đốt hết cái rừng đó. Còn không thôi thì nó tắt. Chỉ cần gió mạnh hay cái gì đó là nó tắt thôi, chứ khoan nói tới mưa đã.
C.Nghĩa: Dạ thưa Thầy. Nãy trong đó có cái câu là “Bồ đề tâm giống như kim cương mà nó bị mẻ thì cũng có thể cắt được”. Vậy tất cả những cái bệnh, những cái cái gì đó.
Thầy: Uhm. Thì đúng như vậy, nhưng vấn đề là nó có mẻ nhưng mà mình có giữ được nó hay không? Mình thấy bao nhiêu lỗi lầm của mình là do mình không giữ được, có quái gì đâu, phải không? Mình không giữ được cho nên nó mới gây ra lỗi lầm. Chớ đã gọi là tâm bồ đề rồi rồi, Bồ đề tâm nó là tuyệt đối của chư Phật, chư đại bồ tát rồi nhưng tại sao mình không gây ra lỗi lầm là bởi vì mình giữ không được. Phải không? Nó nói vậy mà mình giữ không được nên mình có sinh ra những lỗi lầm, lỗi lầm của mình nó cho mình biết là mình,…, có viên thuốc gì đó hay cái gì đó mà hồi nãy nói là ngọc châu gì đó, viên thuốc gì đó mà mình không giữ nó thành ra phiền não nó ập vô thế là mình nói tầm bậy, tầm bạ liền, phải không? Đó là bởi vì mình giữ không được.
Thành ra tu là giữ gìn, tu là duy trì. Thì đó, anh duy trì không nổi, phải không? Thì anh gây ra lỗi lầm thôi, mà cái lỗi lầm xảy ra là cho mình biết là gì? Là bởi mình duy trì không nổi. Anh cầm cái đó, thì không có phiền não nào, dầu có lớn tới đâu, ma có lớn tới đâu, cũng không làm gì hại anh được, như hồi nãy mình đọc phải không? Nhưng mình thả nó ra, mình bỏ quên nó, đi đâu đó thì lập tức ma trong, ma ngoài nó đánh mình là mình thấy lỗi lầm nó lòi ra liền.
Thành ra vấn đề là giữ gìn, Thầy đã nói rồi, tất cả 37 phẩm trợ đạo đó là để giữ gìn từ cái niềm tin của mình, nó giữ gìn cho mình, cái định nó giữ gìn cho mình, cái huệ của mình giữ gìn cho mình, cái giới của mình giữ gìn cho mình. Tất cả mọi cái đều giữ gìn cho mình hết, chánh niệm là giữ gìn cho mình, năm căn, năm lực trong 37 phẩm trợ đạo đó.
Thầy nói về học thuộc lòng cái đó đi. Chứ còn mình cứ ngồi chơi chơi vậy, thì năm này cứ ngồi nói 37 phẩm trợ đạo, Thầy nói 37 phẩm trợ đạo bao nhiêu năm rồi, mà Thầy thấy không có một người nào chịu học cái gì hết, phải không? Thầy chỉ nói năm căn, năm lực là tín là tin. Mình đã có đủ niềm tin chưa? Chưa đủ niềm tin chưa đủ cho nên phiền não nó mới xảy ra, phải không? Bồ đề tâm là đó đó. Tấn là tinh tấn, mình đã đủ tinh tấn chưa? Chưa đủ tinh tấn. Niệm là chánh niệm, mình có đủ chánh niệm không? Chính vì không nắm giữ được chánh niệm cho nên mình mới gây ra lỗi lầm, phải không? Chứ anh nắm được cái chánh niệm thì làm sao anh gây ra lỗi lầm được, phải không? Đó, định thì mình đã định cỡ mức nào? Đó, huệ đó.
Mình thấy nội chừng đấy thôi. Thành ra cái quan trọng là mình phải phát tâm, phải thấy được và giữ gìn cho được. Thấy chưa đủ cho nên bên thiền nó nói là đốn ngộ tự tu là vậy đó, phải không?. Anh thấy nhưng sau đó anh phải tương tục, tương tục.
Đó. Thầy đã nói rồi. Trong thiền nó nói 2 cái thôi, thứ nhất là nhất niệm tương ưng, là trong một niệm là mình tương ưng với Bồ đề tâm tuyệt đối đó, đó là mình thấy, mình phát được, phải không? Nhưng sau đó là niệm niệm tương ưng, trong từng niệm mình phải tương ưng với nó. Đó, Thầy đã hay nói trong thiền nó hay nói hai cái thôi.
Thứ nhất là nhất niệm tương ưng, là trong một niệm mình tương ưng được với cái Bồ đề tâm tuyệt đối đó, là mình thấy mình phát được. Nhưng mà sau đó niệm niệm tương ưng, là trong từng niệm mình phải tương ưng với nó cho tới khi nó với mình đồng một màu, phải không? Còn mình tương ưng tương tục không được, thì nó cứ hở sót, nhiều khi cả ngày mình chẳng tương ưng gì với nó hết, bắt đầu là làm bậy, đơn giản vậy thôi. Cái đó là quy luật chứ không phải là riêng cho người nào hết, dù ông nào, trời đất gì cũng chừng đó thôi.
Phát được, thấy được, nhưng mà anh không giữ gìn được, thì cũng như không. Thì rất nhiều người nói vậy, nếu anh thấy được, anh có thấy nhiều đi nữa, nhưng mà sau đó anh giữ không được, thì nó sẽ mất phải không? Thì nó trở thành kỉ niệm đẹp cho mình thôi phải không? Đó, rất rõ ràng như cô Hà chẳng hạn. Cô có một lần cô thấy được nó kéo dài mấy tiếng đồng hồ đó, kéo dài cả một buổi chiều, nhưng mà sao đó do cái nghiệp mình nó lên, rồi nó quên, rồi lặp lại không được. Anh thấy được thì anh phải lặp lại được.
Ví dụ anh có niềm tin về đức A Di Đà, anh có niềm tin thật sự, anh tương thông được với tịnh độ của đức A Di Đà, thì khi nào có xảy ra thì anh chỉ cần niệm Nam Mô A Di Đà Phật thôi thì nó bắt đầu tái lập lại với cái kia liền, y như mình cắm vô điện lại. Máy này nó không chạy phải không? Giờ mình cắm nó vô điện lại nó chạy.
Sh.Trường: Trong kinh ... như cây đèn dầu đó Thầy, cái trí như tim đèn, cái tim nó phải lớn. Và cái dầu là cái duy trì [Thầy nhắc cái bi], cái bi là cái duy trì, cái việc bảo nhậm của mình là dựa trên lòng bi phải không Thầy?
Thầy: Thì cả hai cái. Đã nói rồi, tất cả Phật giáo chỉ là Trí huệ và Từ bi thôi, chính cái Từ bi hồi nãy câu kinh có nói vậy, chính cái bi đó là dầu để cho anh cháy đó. Trí huệ cháy mà không có cái bi, coi chừng nó cháy hết dầu cái là tắt, và cái bi đó nó phải lần lần nó tiến bộ, tiến hóa nó phải đi lần lần cho tới lúc mà nó kêu là vô duyên Từ bi. Là khi anh Từ bi mà anh không cần cái duyên nào hết, không cần thấy ai khổ hết đó, anh vẫn Từ bi như thường. Y như ngọn đèn nó đã sáng rồi anh không cần đối tượng để cho nó sáng nữa, luôn luôn như vậy, đó là vô duyên từ, không cần một duyên nào hết. Chứ còn nhiều khi mình từ mình phải có người nào thấy khổ đồ này nọ mình mới từ nổi, còn không có đối tượng mình không từ nổi. Đó, đòi hỏi cái lòng từ của mình phải dần dần, dần dần nó vô duyên nó không cần duyên nữa. Thành ra, Thầy đã nói rồi, chỉ cần đơn giản là anh biết duy trì thôi, anh hộ trì được nó thôi. Còn nhiều khi mình phát tâm, nhiều khi mình lên trên đó mình tụng kinh phải không? Có một lúc nào đó mình y như mình chợt thấy mình “Con trong đạo tràng như lưới ngọc, mười phương chư Phật ảnh hiện trong”, nhiều khi mình chợt thấy cái đó nhưng mà sao đó cái nghiệp của mình nó lấp, lấp hết. Nên nhớ kinh điển nó luôn luôn nhắc nhở mình điều đó phải không?
“Con trong đạo tràng như lưới ngọc
Mười phương chư Phật ảnh hiện trong
Thân con ảnh hiện trước Như Lai
Đầu sát dưới chân quy mạng lễ”
Đôi lúc mình cảm nhận được cái đó mình thấy nó rõ ràng lắm. Nhưng mà sao khi ra khỏi chánh điện rồi bắt đầu ngã nhân, tham, sân, si nó hiện lên tùm lum túa lua, quên mất Phật. Chúng sanh của mình đi đường chúng sanh. Rồi ai hỏi gì nữa không? Rồi bây giờ hỏi thì mấy người tự trả lời lấy để Thầy kiếm cái đoạn hồi nảy đọc đâu rồi.
Nam: Con xin có câu hỏi cho Đại chúng. Con cũng tự quán sát? Con tự quan sát con thấy cũng có ở những mô hình, những người bạn của mình cũng có những hoạt động. Ta gọi là làm từ thiện, làm rất là năng nổ. Từ cái chỗ là mức từ thiện bên ngoài, chỗ để mình đi vô được cái Bồ đề tâm tuyệt đối luôn là...
Thầy: Rồi ai trả lời đi.
C.Hương: Thưa Thầy thưa đại chúng thì trước vấn đề Nam đưa ra con xin chia sẻ, nếu có gì sai xin Thầy và đại chúng góp ý thêm. Cái mà làm từ thiện, thì nó cũng giống như các hoạt động khác, như lúc nãy Thầy giảng …... xét về một mặt nào đó nó giống nhau là nó dựa trên một cái hình tướng bên ngoài. Nếu như mình làm mà không có ngã nhân trong đó, không có tâm phân biệt trong đó thì là cái cơ hội đánh thức lại cái bên trong. Từ cái Bồ đề tâm tương đối qua những cái hành động đó thì không có ngã, nhân trong đó thì sẽ tiếp xúc với cái Bồ đề tâm tuyệt đối. Thường thì, lúc đầu mình có tâm làm chuyện đó nó có ngã nhân, nhưng làm tới 1 lúc nào đó với cái tâm chí thiện của mình đó tức là nó mất cái ngã nhân đi thì mình cũng tiếp xúc được. Xin hết.
C.H.Lan: Xin hỏi chỗ chị Hương trước đây chia sẻ đó là hồi nhỏ chị làm toán hay là học gì đấy, rồi chị thích thú cái đấy như là vào trong định luôn, thì cái đấy có phải là chị đang nói đến khi cái tâm của mình nó thật sự chí thiện thì mình sẽ nhập luôn vào cái Phật Tánh đấy…
Thầy: nhưng mà đơn giản là đó là mới nhập chút chút thôi, vài phần triệu thôi, rồi nó sẽ trồi ra trở lại phải không. Mình thấy mình nhập Pháp Giới này là gì, ngày hôm qua mình đọc là đi 110 vị Thầy, có nghĩa là ngay vị Thầy đầu tiên là ngài đã nhập rồi, nhưng mà nó chưa đủ, rồi nó sẽ tống ngài ra, phải không. Bởi vậy mới gọi là duy trì. Nói thẳng ra Thầy đã nói cái đó từ lâu rồi, bất kỳ người nào, bất kỳ con người nào hình như họ, dầu họ không biết gì về tu hành thì họ cũng đã từng gặp gỡ cái đó rồi, phải không. Có đồng ý cái này không?
Nhưng rồi họ không biết giữ và không biết những kỹ thuật để giữ. Đạo Phật là cho mình những kỹ thuật để giữ, chứ người nào cũng đã từng thấy rồi, phải không. Nhiều khi mình hồi trẻ, mình thấy một buổi chiều đẹp hay cái gì đó mình thấy… mình thấy chứ không phải không thấy đâu, phải không. Nên nhớ vậy đó, đối với Thầy, Thầy nói cái điều này bất kỳ một con người nào cũng đã từng thấy rồi, đã làm người là anh phải thấy rồi, nhưng mà anh không giữ được và anh bỏ qua. Thành ra trong Thiền nó hay nói là ngay mặt lầm qua đó, phải không. Cái mà không có ta, không có người, đó ai cũng đã từng thấy rồi phải không? Mà cái thấy bình thường đó ai cũng từng thấy rồi.
Ví dụ như bây giờ nói thẳng ra trong kinh nghiệm tình dục của người bình thường, đó có ngã nhân không, phải không? Đó là sự hòa tan rồi, không còn ngã nhân nữa, nhưng mà người ta giữ không được, phải không. Đã làm con người rồi thì bao giờ cũng có thấy cái đó rồi, nhưng mà người ta không giữ được. Rồi người ta không giữ được, rồi nó mất đi, rồi người ta đi tìm kiếm một cái gì đó xa xôi, nói như theo Tây Tạng là một con voi nó nằm trong nhà mình, mà mình không kiếm, mình lo đi kiếm đâu đó.
Chứ ai đã chưa từng thấy trạng thái đó đâu, có một người nào mà chưa từng đạt tới, trải nghiệm được cái trạng thái vô niệm chưa? Thành ra người ta luôn luôn thấy được cái nền tảng đó, luôn luôn nhưng mà người ta không có kỹ thuật và người ta không quan trọng cái đó, phải không? Đó đơn giản vậy thôi, rồi người ta đi tìm đâu xa, chứ chẳng lẽ cả cuộc đời H.Lan sống vậy H.Lan chưa bao giờ thấy sao, phải không? Có bao giờ H.Lan ở trong một cái trạng thái mà không có tôi và không có người khác không, có chớ phải không. Đó là cái cửa để mình bước vào mà mình không biết, mình coi thường nó và dầu cho mình có vậy nữa thì mình cũng đánh mất, bởi vì những phiền não của mình, những cái lung tung của mình, thì nó đánh mất.
Mình đó, cái cửa nó ở ngay trước mặt thì mình không lo, mình lo đâu mua vé đi đầm sen, Nha Trang tắm biển … vậy đó. Người nào cũng đã từng cảm nhận cái đó rồi, theo Thầy nghĩ là vậy. Bởi vì mình không bao giờ thoát ra được cái nền tảng đó đâu phải không. Chẳng lẽ, Thầy đã nói rất rõ ràng, một ngày mình khởi niệm rất nhiều phải không, mà nên nhớ cái vô niệm, cái không có cái niệm hiện diện nhiều thời gian hơn cái do mình khởi niệm, luôn luôn ở trong cái đó (nền tảng, vô niệm) chẳng qua anh không chịu nhận nó thôi.
Chứ một ngày cho anh khởi được bao nhiêu niệm? Còn lại 24/24 là nó vô niệm. Một ngày mình khởi niệm cho giỏi lắm chừng vài trăm ngàn ý tưởng thì giữa những khoảng ý tưởng đó là cái không có ý tưởng thì chính là cái đó (nền tảng, vô niệm) nhưng mà mình không hề để ý. Bởi vậy cho nên mình phải hiểu rõ ràng Đức Phật có nói vậy đó: Con người là chúng sanh cao cấp nhất trong vũ trụ này, vì là sao? Bởi vì cái đó đối với nó là thường xuyên mà nó không để ý thôi, chứ còn Chư Thiên thì hầu như không tìm kiếm, súc vật thì cũng không hề biết. Đơn giản, như mình phải thấy cho rõ ràng, chứ không thôi mình cứ mê tín theo gì đâu không hà, những vị Tây Tạng mà các Ngài quán đảnh để làm gì? Là để cho trong một khoảnh khắc đó mình thấy được cái đó, chứ đâu phải quán đảnh để mà … mà mình thì đem một cái tâm chúng sanh tới là mình tưởng tới là vơ vét cái gì về cất vô tủ, vô album này nọ, rồi làm tùm lum túa lua. Các vị đó qua làm quán đảnh là để cho mình nếm được vị (vô niệm) trong một khoảnh khắc nào đó.
Hồi nãy nói là một vị đó, nếm nó thôi, nếm sơ sơ nó thôi, nhưng mà một đứa con nít mình nếm thì dĩ nhiên nó không bằng một người mà đã trưởng thành nếm, nhưng mà cũng một vị đó thôi, nhưng mà mình không học, không biết phải không? Thầy đã nói vậy chớ Đời Sống này đơn giản lắm, nhưng mà mình lại làm cho nó rối rắm lên, mình cứ nghĩ nó phải là cái gì ghê gớm lắm, cái vô niệm là cái vẫn xảy ra đối với tâm mình mà phải không?
Một ngày cho “HL” nghĩ được hai triệu ý tưởng đi, hai triệu như vậy thì nó sẽ vẫn còn các khoản trống giữa các ý tưởng đó nhiều lắm. Các khoảng trống đó chính là thực tại, chính là vô niệm, chính là Pháp giới, chính là Bồ đề tâm tuyệt đối. Đơn giản là vậy thôi.
Nhưng mà mình không tin, mình tự đặt ra cho mình những khó khăn, bởi vì mình muốn hơn người. Bất kỳ ai cũng vậy hết đó, nó cũng luôn luôn có những giờ phút không có niệm, không có ý tưởng thì chính cái đó là nó vậy. Nó vẫn luôn luôn sống trong cái đó nhưng mà nó không biết.
Thành ra một vị Thầy chỉ là chỉ cho mình chuyện đó thôi, mà muốn chỉ cho thấy cái đó, mình phải có đầy đủ niềm tin, chứ không phải là mình cứ giữ... Thành ra đơn giản một điều là mình phải bỏ những ngoan cố của mình đi, mình phải tin trong kinh có nói vậy đó: Chúng sanh là sống trong khổ đau phiền não, trong Niết bàn của Chư Phật. Ví dụ như con cá nó cứ sống trong nước thôi, nó không thể ra khỏi nước, nó có đau khổ đủ thứ đòi tự tử này nọ…, nhưng mà nó cũng vẫn sống trong nước thôi.
Nhưng mà mình không tin chuyện đó, mình muốn là phải một cái gì khác, nghĩa là nước phải là nước cam lồ, hay là nước gì gì… đó. Thầy đã nói rất rõ ràng rồi, trong Tây Du ký nó nói ông Tôn Ngộ Không thần thông ghê lắm, nhưng mà ổng nhảy ba lần cũng không ra khỏi bàn tay của Phật. Mình không thể nào thoát khỏi được Niết bàn của Chư Phật chẳng qua là mình không nhận thôi.
Rồi mình nhiều khi không nhận, mình còn tranh đua. Ví dụ như tôi hơn “H”, nên Niết bàn tôi phải cao hơn “H”, mà mình thiết lập ra những Niết bàn giả hiệu. Mà mình đọc kinh điển mình không hiểu gì hết, bởi vì mình cứ vọng tưởng, cái này khó lắm, làm sao “H” biết được chuyện này, “VT” làm sao biết được chuyện này. Thầy đã nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần là đối với Kagyu thực tại tuyệt đối là Bình thường tâm.
Bình thường tâm nghĩa là gì? Bình thường tâm nghĩa là trạng thái bình thường của tâm. Trạng thái bình thường của tâm là trạng thái không có ý tưởng. Còn ý tưởng của anh có bao nhiêu đi nữa, thì nó vẫn luôn luôn nằm trong cái Bình thường tâm. Đơn giản vậy thôi. Còn anh sống trong một thế giới mà đua đòi, anh nghĩ là thành Phật, là phải hơn người ta đó. Ở đời là phải mặc áo đẹp hơn người ta, đi giày phải tốt hơn người ta, ăn phải ngon hơn người ta, thì bây giờ tu hành mình cũng phải hơn người ta, cho nên mình tưởng tượng cái đó. Đó là vọng tưởng.
Bình thường tâm là ai cũng có hết đó. Nếu anh không có cái đó, không có cái Phật tánh thì làm sao anh chứng được nó, anh không có Phật tánh lấy đâu anh thành Phật. Nhưng chính vì mình nghĩ mình phải hơn người khác, nên mình nghĩ Phật tánh nó ở xa tít đâu đó, chứ còn ở đây không có đâu. Đức Phật đã nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mà chẳng qua mình không chịu khám phá nó thôi, thì đó mới gọi là bình đẳng, chứ còn tu hành mà để thành Bồ Tát, thành Phật thì đâu có bình đẳng phải không?
Thành ra mình phải luôn nhớ, cái tham vọng của cuộc đời, khi mà mình đưa vào trong đạo thì mình lại cũng muốn hơn người, cho nên mình đẩy nó thành một cái gì nó xa xôi, mà đó chính là cái nó làm khổ mình. Trong Kinh Phật đã nói rồi, dùng cái từ là “hiện tiền” thì mình phải tin là nó luôn luôn có mặt tại đây. Bình đẳng là bốn cái trí đó thôi:
1. Thứ nhất là Đại viên cảnh trí là trí như tấm gương lớn;
2. Thứ hai là Bình đẳng tánh trí. Cái đó nó bình đẳng cho tất cả mọi người. Còn mình mà khởi lên là muốn hơn người này, người kia là nhân – ngã rồi là mình mất liền. Đơn giản vậy thôi, bình thường tâm.
Thành ra mình phải luôn nhớ vậy đó. Mình tu không ra cái gì hết, là do mình tu trên cái vọng tưởng của mình, cái đó không có thời gian, thì mình đặt ra thời gian, mà thời gian của tôi thì lâu hơn thời gian của cô, v.v… Thành ra nhân vọng tưởng thì kết quả nó ra là vọng tưởng, chứ nó có ra Niết bàn, Bồ đề tâm tuyệt đối nào đâu.
Rồi thôi có ông nào hỏi gì không? hay để ngày mai làm tiếp.
K.Dương: Dạ con chào Thầy, con chào đại chúng ạ. Thầy có thể giảng thêm cho chúng con để cái tâm có thể phát khởi được trong những việc làm thiện lành của mình trong đời sống hàng ngày. Đúng là có những lúc mình phát được tâm đó, nhưng mà cũng có rất nhiều lúc mình thối tâm, bởi vì cái niềm tin của mình nó chưa đủ như Thầy có nói ấy ạ. Thiếu cái nhiệt huyết, nhiệt thành do mình thiếu cái sự thực hành, mình không có giữ được mà mình không có ở gần bậc Thầy cũng như các bậc thiện tri thức. Thế thì làm thế nào để mà mình có thể giữ được điều đó?
Thầy: Thầy thấy vậy đó, mình phải tin cái điều này thôi. Mình có phát Bồ đề tâm tương đối bao nhiêu đi nữa, thì nó cũng nằm trên Bồ đề tâm tuyệt đối, mà Bồ đề tâm tuyệt đối có nghĩa là gì? Bồ đề tâm tuyệt đối có nghĩa là không có sanh, vô sanh. Mình có sanh ra bao nhiêu cái Bồ đề tâm tương đối đi nữa, thì nó cũng nằm trong cái vô sanh đó thôi, bởi vì chư Phật là không có sanh, đơn giản vậy thôi phải không?
Nếu như mình phát tâm mà mình biết là cái phát tâm của mình cũng là không phát, cũng là vô sanh thôi, thì lúc đó mình giải thoát, vậy thôi. Đó là nhúng một cú trọn vẹn như anh Châu nói đó. Anh có phát trời gì đi nữa, thì nó cũng là vô sanh thôi. Bồ đề tâm tuyệt đối nó phải vô sanh, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Nếu Bồ đề tâm tuyệt đối mà nó sanh thì làm sao đây, có sanh thì có diệt. Bồ đề tâm tuyệt đối là không sanh không diệt nên anh có phát trời gì đi nữa, thì nó cũng không sanh đâu. Ngay khi anh phát Bồ đề tâm mà anh biết là nó không sanh thì đó là Bồ đề tâm tuyệt đối.
A.Lượng: Dạ thưa Thầy, theo con cảm nhận nếu như mà mình phát tâm trên cái gì mà mình không thấy được thì rất là khó giữ. Như hồi nãy Thầy nói là mình phát tâm mà duy trì nó, tức là thấp thoáng đâu đó mình thấy được cái đó rồi thì mình phát tâm duy trì nó trong niềm tin, thì như vậy con thấy mình dễ dàng phát tâm mạnh mẽ, dễ dàng làm mọi sự trong tương đối nó dễ dàng hơn trên nền tảng của Bồ đề tâm tuyệt đối. Con thấy như câu Kinh hồi nãy có nói khi mà tiếng gầm của một con sư tử, thì tất cả các loài thú đều sợ sệt, chạy trốn nhưng riêng con của nó, thì lại thêm mạnh mẽ khi mà nghe tiếng gầm của mẹ nó. Cho nên con thấy chính vì cái điều đó mà các con sư tử con biết được là nó có một nền tảng như vậy, nên nó sẽ duy trì được. Cho nên nếu mình phát tâm trên nền tảng Bồ đề tâm tuyệt đối đó, thì mình sẽ dễ dàng thực hiện Bồ đề tâm tương đối trong đời sống hàng ngày này. Con cảm nhận như vậy.
Thầy: Thì đó, mỗi người phải tùy theo, Thầy hay nói vậy đó, phải tùy cơm mà gắp mắm, mình tùy theo sức mình mà ăn. Bồ đề tâm tuyệt đối là gì? Bồ đề tâm tuyệt đối là không làm nữa, không ăn nữa. Còn mình là phải làm, phải ăn. Cái ăn tuyệt đối là không ăn nữa, cái tu tuyệt đối là không tu nữa. Trong Kinh điển và trong sách vở nói rất rõ ràng chứ đâu phải là cứ tu cả đời, cứ phát cả đời đâu. Anh phát cho tới khi nó không sanh, đó là phát tuyệt đối, còn mình phải tùy sức mình thôi.
Nhưng mà có khổ cái là có những người phát vì cái lòng tham thì càng mau chết nữa phải không? Họ khổ là bởi vì họ phát sai, phát vì lòng tham, Bồ đề tâm của tôi phải bự hơn của cô VT này, nên nó sinh ra đủ thứ chuyện đau khổ. Nói thẳng ra khi mà anh không có tham, sân, si, không có nghi mạn, tà kiến nữa thì anh đâu có cần phát Bồ đề tâm nữa. Bồ Tát thì đâu có cần phát Bồ đề tâm nữa. Đức Phật dạy cho mình trong Kinh điển là để cho mình tập làm chứ Đức Phật không có phát gì nữa. Vô duyên đại từ, vô duyên Đại bi. Thành ra cái vấn đề là vậy đó.
Nên nhớ một điều rất đơn giản trong tất cả mọi Kinh điển là sanh tử, khổ đau là do mình tự tạo lấy chứ không do ai tạo hết đâu, chứ đừng nói có sanh tử, do cái tâm mình tự tạo lấy, nó đặt ra cái này cái nọ, mục tiêu, thời gian đủ thứ trò phải không? Chứ thiệt ra làm gì có thời gian, có không gian đâu mà đặt ra mục tiêu với không mục tiêu. Ví dụ như mình thấy cái đánh chuông đó, địa ngục vị không bất thành Phật. Ngài Địa Tạng nói là nếu như mà địa ngục không hết, thì Ngài không thành Phật. Ai nói câu đó, mỗi người sẽ hiểu câu đó khác nhau trong đó. Chứ mình mà đem cái sanh tử của mình ra mà nói câu đó là mình chết tươi liền, phải không? Cũng như câu của Ngài Anan mà mỗi sáng mình tụng đó, Ngũ trược ác thế thệ vào trước. Mình phải hiểu, đó là vì mình thấy có ngũ trược ác thế, nên mình thấy nó nhọc nhằn, chứ còn Ngài Anan với tư cách là vị chứng Pháp thân rồi, phải không?, thì Ngài đâu có thấy là ngũ trược ác thế nên Ngài mới ra vào dễ dàng như vậy chớ.
Còn mình bây giờ mình còn thấy có không gian, thời gian, rồi đủ thứ thân hết mà ngũ trược ác thế thệ vào trước, thì chỉ có nước một là điên, hai là chết tươi liền. Ngài Địa Tạng nói địa ngục vị không bất thành Phật là bởi vì Ngài đâu có thấy địa ngục nữa, chứ còn như mình nói thẳng ra là mình tự tra tấn mình đến mức độ hết kiếp này đến kiếp khác. Không ai tra tấn mình hết, tự mình tra tấn mình thôi.
---*---
Thầy và Đại chúng cùng hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng trọn thành Phật đạo.
---*---
Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.