Thầy: Ngày hôm nay mình đã tụng được tới phần 3 nói về Thiện Tài Đồng Tử vào trong cái lầu gác của Đức Di Lặc. Cái này Thầy cũng hiểu mơ mơ màng màng vậy thôi, chứ đây là cảnh giới mà ngài Thiện Tài Đồng Tử lúc đó đã ở thập địa rồi, bởi vì sau khi gặp đức Di Lặc, thì gặp đức Phổ Hiền, lúc đó xem như ngài lúc đó thành Phật. Còn ngài Di Lặc đã là Nhất Sanh Bổ Xứ rồi, xem như là ngài đã thành Phật rồi, chỉ chờ xuống đây để thành Phật thôi.
Thành ra cái chuyện này mình cũng quá sức của mình, nhưng mà mình cũng nói cho có niềm tin để tới một đời nào đó mình sẽ thể nghiệm với cái này, chứ Thầy nói không nổi đâu.
Ngày hôm qua mình tụng đoạn phát Bồ đề tâm. Thì Bồ đề tâm mình có tụng hôm qua là “Bồ đề tâm như núi tu di nếu ai ở gần thời đồng một màu sắc với núi này, cũng vậy ai ở gần Bồ đề tâm của Đại Bồ Tát thời đồng màu với Nhất Thiết Trí của Bồ Tát”. Nghĩa là mình ở gần vị mà Bồ đề tâm họ đã phát rất là sâu rộng, thì nó lây qua cho mình, bởi vì mình sẽ cùng đồng màu với Bồ đề tâm của vị đó.
Thành ra ở trong đời sống, nếu như mình phát Bồ đề tâm thì người ở xung quanh họ cũng được ảnh hưởng và họ cũng có thể phát Bồ đề tâm, lên tới mức độ cao cấp là vậy đó, y như trong kinh nói là “y như người mà ở gần núi tu di, thì tự nhiên nó cũng sẽ đồng màu với núi tu di”. Bình thường người mà ở gần vị phát Bồ đề tâm sâu rộng thì cũng sẽ cùng đồng màu với Bồ đề tâm của vị đó, nghĩa là nó lây qua.
Vấn đề nếu như mình phát Bồ đề tâm mạnh mẽ thường trực, thường xuyên thì sẽ có những người họ sẽ bị ảnh hưởng bởi cái Bồ đề tâm của mình, đó là cái đoạn mà ngày hôm qua mình tụng đó, cho nên mình muốn làm cho người khác, đất nước tốt đẹp, thì mình phải phát Bồ đề tâm cho nó mạnh mẽ và nó thường trực, đến lúc nào đó thì những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, họ cũng sẽ bắt đầu phát Bồ đề tâm.
Như bữa trước Thầy nói đó làm cái gì cũng làm trong Bồ đề tâm, từ những chuyện làm Phật sự, như là mình đăng bài, hay là mình thuyết pháp hay là mình cho người ta pháp khí Phật, pháp khí như là những vòng, những xâu chuỗi, hay là những Mạn đà la, thì Phật sự đó khiến cũng cố cho Bồ đề tâm của mình, và Bồ đề tâm của mình nó mạnh mẽ bao nhiêu thì nó ảnh hưởng tới những người xung quanh, y như trong kinh nói vậy đó, “như người nào ở gần núi tu di thì người đó sẽ đồng màu với núi tu di, người nào ở gần vị mà cũng cố Bồ đề tâm sâu rộng thì sẽ cùng màu với vị đó, cùng Bồ đề tâm với vị đó, mặc dầu là nó ảnh hưởng không bằng vị đó được, nhưng mà nó có ảnh hưởng.
Vấn đề là mình phát Bồ đề tâm củng cố mạnh mẽ để ảnh hưởng tới những người xung quanh, để những người đó cùng đồng màu với Bồ đề tâm của mình, thì đó người ta gọi là tự giác giác tha là vậy đó, thành ra mình thấy ví dụ những vị họ không đi vào Phật pháp, họ không phát Bồ đề tâm được, thì mình xem lại mình, y như mình còn thiếu, mình còn chưa đủ, thành ra họ mới đồng màu được Bồ đề tâm của mình. Bồ đề tâm của mình nó yếu quá, thì đó là chuyện mà mình tụng kinh ngày hôm qua. Rồi như Thầy nói đó, bây giờ có vị nào hỏi về ngày hôm qua không? Bữa nay là tụng tới đoạn là đi vào lâu các của đức Di Lặc nó vượt quá cái sức của thầy, nhưng mà mình nói để cho mình có niềm tin, chứ làm sao mình biết lâu các của một vị Nhất sanh bổ xứ làm sao mình biết được, phải không? Nhưng mà mình phải nói sơ sơ để cho mình có niềm tin để mình đi trên con đường cho nó mạnh mẽ thêm.
Ngày hôm qua mình đã thấy sự cần thiết, có thể nói Bồ đề tâm là sinh mạng của một vị Bồ Tát, nếu anh đi con đường Bồ Tát thì Bồ đề tâm chính là sinh mạng của anh. Anh không thể suy chuyển được mà nó ngày càng được tăng trưởng. Thành ra mình thấy đức Đạt-lai Lạt-ma ngài hay viết những câu nguyện trong các cuốn sách của ngài: “Nguyện Bồ đề tâm phát sanh ở những nơi chưa được phát sanh và nơi nào nó đã phát sanh rồi thì nó phải tăng trưởng mỗi ngày” đó là câu mà Đạt-lai Lạt-ma ngài hay nói.
Thì chính Bồ đề tâm đó, như hôm qua mình tụng thì mình thấy Bồ đề tâm nó y như một viên ngọc quý, nó sẽ thu hút tất cả công đức của Phật giáo. Như câu kết luận trong phần tụng của ngày hôm qua là: “Này thiện nam tử, Bồ đề tâm thành tựu vô lượng công đức như vậy. Tóm lại phải biết Bồ đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp.” Bởi vì Bồ đề tâm là tất cả Phật pháp, Bồ đề tâm đồng với tất cả Phật pháp, cho nên mình càng phát Bồ đề tâm càng mạnh mẽ, càng sâu rộng chừng nào thì mình càng có Phật pháp nhiều chừng đó, phải không? Y như viên ngọc quý thì nó thu hút tất cả ánh sáng, tất cả hình ảnh tất cả mọi thứ vào trong đó hết, tất cả những thứ quý báu vào trong đó hết. Thành ra câu mà ngày hôm qua mình chấm dứt là vậy đó, “Này thiện nam tử, Bồ đề tâm thành tựu vô lượng công đức như vậy. Tóm lại phải biết Bồ đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp.”
Thành ra mình đi trên con đường Bồ Tát thì Bồ đề tâm là cái quan trọng nhất, Bồ đề tâm mà mạnh cho tới khi như ngài Di lặc là Bồ đề tâm của ngài là đồng với công đức của tất cả Phật pháp. Tất cả Phật pháp là gì, hồi nãy mình có tụng là chỉ quán, thiền định rồi các Ba la mật, rồi tín, hạnh, nguyện đó là tất cả Phật pháp, Bát chánh đạo đều nằm trong Phật pháp hết. Thì bây giờ phát Bồ đề tâm rồi an trụ trong Bồ đề tâm đó được thì mình có tất cả những cái đó.
Trước khi giảng vào phần đi vào lâu các đó có ai hỏi gì ngay hôm qua không?
Ph.Hồng: Con xin hỏi, trong phần trụng đầu tiên có câu “Bồ đề tâm như thị tứ, vì là chỗ đổi chác của thương gia Bồ tát.” Con cố gắng mà con không thông được chỗ này, theo cái hiểu của con thì con nghĩ là Bồ Tát là người chỉ cho đi, dùng mọi phương tiện thiện xảo để tùy theo căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa mà ở đây lại nói đến việc đổi chác, con không hiểu lắm.
Thầy: Theo thầy nghĩ là dùng từ đổi chác là đúng lắm, bởi vì mình chưa phải là Phật mình không thể cho hết được đâu, cái bố thí của mình trong đó có cái đổi chác, đổi chác là sao là mình làm một việc thiện giúp người ta thì mình được lại một điều thiện vậy thôi, chứ không phải là đổi chác với người đó, phải không? Tôi làm một việc thiện cho ai đó, cho người nào đó thì tôi có được công đức, phước đức của việc thiện đó. Đó gọi là đổi chác, thành ra tôi càng làm nhiều chừng nào thì tôi càng giàu chừng đó vậy thôi, chứ không phải đổi chác cho người nào hết. Không phải kỳ kèo bớt một thêm hai gì hết, mà tôi làm càng nhiều thì tôi lại càng có phước nhiều, đơn giản vậy thôi.
Bây giờ, nói gì nói chứ mình làm gì thì mình cũng có cái nỗ lực trong đó, ví dụ như mình đến đây mình tụng kinh, đó là một sự đổi chác, phải không? Thay vì giờ này mình ngủ nghỉ cho khoẻ chứ cần gì phải tới đây tụng kinh. Cái sự tới đây tụng kinh là làm một việc thiện thì mình sẽ có công đức của việc thiện đó. Đó là đổi chác, chứ không phải đổi chác y như buôn bán vậy đâu. Và vị Bồ tát trong đó nói y như ở nơi thị tứ gì gì đó, có nghĩa là sự đổi chác rất là nhiều. Và nếu như anh càng liên tục đổi chác thì anh càng mau giàu vậy thôi, anh đổi chác là như vậy đó.
Đổi chác ở đây không phải là đổi chác với ai hết mà đổi chác với nhân quả. Anh càng làm nhân nhiều chừng nào anh có cái quả nhiều chừng đó vậy thôi. Đổi chác ở đây là đổi chác với nhân quả, tôi làm cái việc đó thì tôi sẽ có được cái tốt kia. Đó gọi là đổi chác mà đổi chác của một vị Bồ tát là tại sao không làm một cái tạp hoá nho nhỏ mà để đổi chác mà lại đổi chác ở giữa chợ búa là bởi vì đổi chác với tất cả chúng sanh. Ví dụ như đơn giản cái bữa tụng hôm này Thầy đâu có đủ sức mà hiểu nó đâu, chỉ hiểu sơ sơ vậy thôi, nhưng mình vẫn phải ngồi đây để đổi chác để kiếm chút lời phải không? Chứ thiệt ra là cái này không nói được, bởi vì cái bậc Nhất sanh bổ xứ, cái lầu các của bậc Nhất sanh bổ xứ thì nó vô lượng công đức như vậy, mình không hiểu cái gì hết á. Nhưng mà mình vẫn phải nói, phải nói để làm gì? Để mình gây cho người ta một cái niềm tin nào đó. Đó là cái sự đổi chác, gây cho niềm tin thì Thầy có thêm cái công đức của niềm tin vậy thôi.
Hạnh Bồ tát là gì? Hạnh Bồ tát là đổi chác, đổi chác là đổi chác với nhân quả chứ không phải là đổi chác với ai hết. Tui làm cái điều nhân, ngày hôm nay tui gây nhiều cái nhân tốt lắm thì tôi sẽ có nhiều quả tốt, đó là đổi chác. Tại sao nó lại dùng cái hình ảnh đổi chác ngay ở giữa chợ, giữa đông người như vậy? Bởi vì càng chúng sanh nhiều chừng nào cái hạnh Bồ tát mình nó càng mạnh chừng đó và do đó mình đổi chác càng nhiều. Bồ tát tìm công đức nơi chúng sanh mà chúng sanh ở giữa chợ như vậy thì đông lắm, thì là mình làm được nhiều. Còn mình làm cái cửa hàng nho nhỏ vậy thôi mình chỉ làm ít ít lợi lạc cho vài người họ chịu vô cửa hàng mình thì ít.
Thành ra những vị mà chịu khó, ví dụ như những vị chịu khó đi từ Ấn Độ sang đây thuyết pháp chả hạn thì đó là họ làm đổi chác. Không phải đổi chác với chúng sanh nhưng mà đổi chác của họ là gieo cái nhân tốt bao nhiêu, bao nhiêu người nghe được thì cái phước họ càng lớn, công đức của họ càng lớn. Thành ra đó là đổi chác phải không? Mà đổi chác này không phải cho một hai người mà là cho đông người giữa chốn thị tứ là cái chỗ phố chợ đông đúc vậy đó. Mình làm lợi cho nhiều người thì công đức mình nhiều, chứ không phải đổi chác theo cái lối bình thường như mình nghĩ tui đổi cho ông Tuấn cái này, rồi ông trao lại tui cái khác, mà cái đối tượng của đổi chác này nó rất là lớn. Người nào càng ảnh hưởng làm tốt cho được nhiều người thì người đó phước lớn vậy thôi. Đó là đổi chác, chứ không phải như mình cứ nghĩ đổi chác là buôn bán thường thường đâu. Thành ra Thầy hay nói làm sao mỗi ngày phải có lời là vậy đó, mà lời ở nơi thị tứ là lời đông lắm. Ví dụ như Thầy nói cái chuyện này Thầy nói với một ông, ông Trường đây chả hạn thì cái lời nó ít lắm, Thầy nói với đông người thì nó lời nhiều phải không? Nó đơn giản vậy thôi, nó là đổi chác đó, chứ Thầy cũng ngồi đây mất thời giờ cũng cái này cái nọ đủ thứ mà mình phải làm. Mình chịu khó một chút, mình tạm gọi là hoằng pháp một chút thì tự nhiên là cái công đức của mình nó càng lớn lên, đó là đổi chác đó. Rồi, Nghĩa.
Cô Nghĩa: Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng. Con xin kể một câu chuyện để chứng minh cái sự đổi chác đó Thầy. Có vị vua đó là một vị Bồ tát thì có một vị Trời xuống thử, tại vì không tin. Thành ra cái vị Trời đó thử, một vị biến thành con chim Bồ câu, một vị thì biến thành con chim ưng, thì con chim ưng đuổi con chim Bồ câu tới nơi của vị vua đó. Con chim Bồ câu chui vô tay áo của vị vua đó để xin cứu, thì vị vua đó nói thôi ta sẽ đền cho ngươi món khác, thì ngươi hãy thả con chim Bồ câu đi. Nó không chịu nó nói bây giờ ta đang đói ta phải ăn ngay tức khắc bây giờ. Ông vua mới nói ta sẽ lấy thịt ta đổi cho, con chim Bồ câu bao nhiêu thì ta lấy thịt ta đổi cho ngươi. Vua mới mang cái cân ra, con chim ưng nói phải cân băng con chim Bồ câu này nó mới chịu, để con chim Bồ câu lên nhà vua lấy thịt để cân, cân hoài không bằng con chim Bồ câu. Nhà vua cứ xẻ thịt mãi mà vẫn không cân bằng, rồi nhà vua nhảy lên cân luôn thì mới cân bằng, lúc đó mới thấy ông vua là một vị Bồ Tát. Lúc đó thần dân đều cảm thấy thương xót cho vị vua vì người ông đầy thương tích, và hỏi ông "ông có thấy tiếc không?", ông trả lời là "không tiếc", để chứng minh ông nói "nếu ta không tiếc thì thân hình ta sẽ hoàn lại đầy đủ như trước", vừa nói xong thì thân hình ông hoàn lại đầy đủ như trước. Đó là sự đổi chác, đổi cái tôi này vì lợi lạc cho tất cả các chúng sanh.
Thầy: Rồi, ai muốn nói gì nữa không?
Minh An: Dạ thưa Thầy, hôm qua con có đọc được mấy câu kệ trong kinh như vầy: Công đức Bồ đề tâm, nếu có chất khắp cõi hư không cũng chẳng thể chứa hết", hồi nãy con có nghe Thầy giảng về công đức của Bồ đề tâm, xin Thầy giảng rõ hơn cho chúng con để biết công đức Bồ đề tâm lợi lạc như thế nào. Con xin hết.
Thầy: Thì đơn giản là mình dùng chữ Bồ Đề chứ thật ra Bồ đề tâm là cái tâm giác ngộ. Mà cái giác ngộ thì nó trùm khắp hết thành ra mình tụng Kinh hay gì đó nó giác ngộ toàn khắp, giống như Kinh hồi nãy đó phải không? Kinh Bát Nhã đó. Giác ngộ toàn khắp, cái Bồ đề tâm là tâm giác ngộ và khi mà anh đã hoàn toàn rồi thì trùm khắp hết, không thể thế giới nào chứa được cái tâm đó hết; không thể chứa nổi, nó trùm khắp hết cả thế giới hết. Mà muốn trùm khắp thì nó phải lớn hơn hết cả thế giới, khắp thế giới hết. Chỉ đơn giản vậy đó.
Bây giờ là mình bắt đầu khởi từ cái tâm nho nhỏ của mình, rồi ngày ngày cái tâm đó nó rộng lớn ra nó sâu thêm cho đến khi tâm nó trùm khắp tất cả các thế giới tất cả vũ trụ này. Và khi nó trùm khắp được nó là tâm giác ngộ, là tâm Bồ Đề tuyệt đối như ngày hôm qua Thầy nói đó. Tâm Bồ Đề chẳng qua là tâm giác ngộ thôi, mà cái tâm giác ngộ đó nó tuyệt đối rồi đó, là tới cái mức đó rồi thì nó trùm khắp hết nên không có công đức không có một cái gì có thể chứa nó nổi hết, như hư không vậy đó, nó trùm khắp hết tất cả thế giới thì làm sao mà thế giới chứa nổi hư không được.
- bây giờ Thầy cũng giảng sơ sơ về Đức Di Lặc đây mà mình không đủ sức để mình hiểu nhưng mà mình ráng mình nói cho nó có gọi là có niềm tin. Khi mà ngài Thiện Tài đồng tử xin mở cửa lầu các cho con được vào thì Ngài Di Lặc đến trước cửa lầu các và đàn chỉ nghĩa là búng tay ra tiếng, cửa liền mở Bồ Tát bảo Thiện Tài vào thì ngài Thiện Tài vô đó, thì ngài thấy cái lầu các nó rộng vô lượng đồng như không nó là cái tâm Bồ Đề của Đức Di Lặc rộng vô lượng rộng như không và vô số châu báu và vô số cung điện, vô số của cải, vô số tràng, toàn là vô số. Cái lầu các của Đức Di Lặc đó chính là cái Bồ đề tâm của ngài, mà Bồ đề tâm của một vị Phật Nhất Sanh Bổ Xứ chứ không phải là thường, thành ra là trong đó là vô số, vô số công đức vô số của báu, rồi treo vô số gương báu, thắp vô số đèn báu, chữ vô số đó là nó trùm khắp. Lúc đó cái Bồ đề tâm của một vị đó là nó trùm khắp pháp giới và nó biến pháp giới này thành ra là một cái cõi tịnh độ.
Bởi vì lầu các đó tại sao nó có vô số được? Lầu các đó có vô số được vì nó chứa được cả pháp giới này chứ không phải lầu các mấy thước vuông của ngài Di Lặc nữa. Mà lúc đó lầu các đó mở hết, và nó trùm khắp pháp giới nên mới dùng chữ vô số. Chớ một lầu các cho là rộng có mấy chục thước vuông thì nó không thể nào chứa vô số được, nó chứa vô số là khi cái lầu các đó nó mở khắp hết, trùm toàn bộ pháp giới. Lầu các đó tượng trưng cho Bồ đề tâm của một vị Nhất sanh bổ xứ. Một vị Phật Nhất sanh bổ xứ là vậy, trùm khắp tất cả pháp giới cho nên mới dùng chữ vô số.
Lúc đó lầu các của đức Di Lặc không còn bình thường như mình nghĩ nữa đâu, không phải mấy chục thước vuông mà nó chứa vô số, vô số có nghĩa là cái lầu các đó nó trùm hết tất cả pháp giới. Lầu các đó tượng trưng cho Bồ đề tâm của một vị thành tựu, một vị thành Phật. Bồ đề tâm của ngài trùm khắp tất cả vũ trụ này, tất cả pháp giới này và nó biến những cái đó thành đồ trang nghiêm, vô số trướng báu, vô số dải tràng báu, vô số hoa sen xanh báu, chớ một lầu các làm sao có vô số hoa sen xanh báu, vô số hoa sen vàng báu, vô số hoa sen đỏ báu, vô số hoa sen trắng báu. Chữ vô số này có nghĩa là cái lầu các của ngài không còn là lầu các vật chất như mình nghĩ nữa mà nó mở rộng ra khắp pháp giới này, khắp cả vũ trụ này. Mà đó cũng chính là Bồ đề tâm của ngài, khi Bồ đề tâm mà nó rộng ra tới vũ trụ thì nó biến cả vũ trụ này thành những thứ trang nghiêm.
Bởi vậy ở đây dùng chữ “cùng khắp” là vậy. “Thiện tài thấy lâu gác Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng”. Lầu các đó được gọi là Tỳ Lô Giá Na tức là Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá Na. Phật Tỳ Lô Giá Na được coi như là Đại Nhật Như Lai. Tỳ Lô Giá Na trang nghiêm tạng đây không còn là lâu gác nữa mà là một tạng trang nghiêm. Tạng của Pháp thân Tỳ Lô Giá Na.
“Có bất tư nghì cảnh giới tự tại như vậy, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng, thân tâm nhu nhuyến, rời tất cả tưởng, trừ tất cả chướng, diệt tất cả hoặc, chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, chứng nhập môn vô ngại giải thoát, vận dụng tâm cùng khắp, thấy cùng khăp, kính lễ cùng khắp”. Tại sao lại cùng khắp? Ở trong đó cùng khắp là bởi vì lúc đó Bồ đề tâm của ngài Thiện tài cũng gần giống như Bồ đề tâm của đức Di Lặc cho nên nó cùng khắp.
“Vận dụng tâm cùng khắp” nghĩa là sao? Nghĩa là tâm ngài lúc đó cùng khắp vũ trụ, nên mới dùng chữ cùng khắp, thấy cùng khắp, thấy không phải bằng con mắt này nữa mà là “thấy cùng khắp” và “kính lễ cùng khắp”. Đó chính là hạnh Phổ Hiền. Khi mà ngài Phổ Hiền lễ không phải Ngài lễ một vị Phật, mà thân ngài đầy khắp tất cả các cõi Phật hết và khi ngài lễ thì tất cả thân của ngài đều lễ tất cả các vị Phật hết. Lúc đó không còn là cái thân này nữa mà thân đó như là Pháp thân, Hóa thân, Báo thân, lúc đó ngài lễ là Ngài Phổ Hiền ở trước tất cả chư Phật lễ cùng một lần hết và đây Thiện tài cũng như vậy kính lễ cùng khắp. Lễ thì mình ở trên chánh điện lễ thôi chứ sao nói cùng khắp được phải không? Chỉ có cái tâm cùng khắp nó mới lễ cùng khắp được. Và tâm đó chính là Bồ đề tâm thành tựu.
Trong lâu các đó (tức là trong tâm Bồ Đề đó) thấy được tất cả những gì từ xưa Đức Di Lặc đã từng phát tâm: "Hoặc thấy Di Lặc Bồ tát tối sơ chứng được từ tâm tam muội, từ đó đến nay hiệu là Từ Thị." (Từ Thị có nghĩa là tâm từ tức là ngài Di Lặc). Trong lâu các đó gồm tất cả không gian và thời gian, thời gian là từ khi Đức Di Lặc mới sinh ra, rồi đi tu, rồi cho đến khi thành Phật. Thấy cả tương lai và quá khứ là một ở trong lâu các đó. Trong lâu các đó thấy hết tất cả vũ trụ này. Trong đó có vô số tràng phan, vô số hoa sen, lâu các đó phải rộng lắm chứ như chùa mình thì làm sao có vô số hoa sen được. Thầy cũng không hiểu nổi cái này nữa nhưng mình có niềm tin là sẽ có ngày Bồ đề tâm mình sâu và rộng trùm khắp được vũ trụ này. Lúc đó mình vừa giải thoát vừa có tất cả vũ trụ này.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật có nói "ba cõi là của ta", khi nó trùm khắp hết thì ba cõi là của ngài chứ gì nữa, thành ra qua tụng kinh mình phải thấy phải biết như vậy đó, trong tương lai nếu Bồ đề tâm của mình nó lớn, sâu, rộng như ngài Di Lặc thì nó trùm hết cả khắp thế giới hết. Cái này cũng là Chánh Báo và Y Báo, Chánh Báo là Bồ đề tâm của mình, khi mình tu thanh tịnh đến đâu thì cõi này chính là Y Báo sẽ thanh tịnh đến đó. Cho đến khi hoàn toàn thanh tịnh thì tất cả sinh tử khổ đau này đối với vị đó đều thành vàng hết, đều là Tịnh Độ hết. Khi Bồ đề tâm trùm khắp không gian và thời gian thì biến không gian thời gian thành Tịnh Độ thanh tịnh, tất cả tràng phan hoa sen gì đó đều trở nên thanh tịnh hết. Như vậy mới thấy Bồ đề tâm kinh khủng như vậy đó, ban đầu mình phát khởi Bồ đề tâm chút xíu thôi, sau này nó lớn ra lần lần cho đến khi nó trùm được thành phố này, trùm được thế giới này, rồi trùm được cả những thế giới khác nữa, thì lúc đó Bồ đề tâm của mình có tất cả, mà tất cả này không phải bình thường mà đều trang nghiêm.
Trong kinh A Di Đà cũng nói vậy đó, trong cõi Tịnh Độ Tây Phương có chim hót nhưng chim đó không phải do tội báo sanh ra mà là đó là do Đức A Di Đà hóa hiện ra. Nói theo kinh Hoa Nghiêm, khi tâm mình mà trùm khắp thì tất cả là sự hóa hiện của Tỳ Lô Giá Na, của Pháp Thân Phật, trong kinh có nói : "Thiện Tài thấy lâu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng có bất tư nghì cảnh giới tự tại như vậy". Bồ đề tâm tuyệt đối hay Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng đó chính là bản tánh của tâm mình, khi mình đi sâu vào trong bản tánh của tâm thì nó biến tất cả trở nên Trang Nghiêm, biến Sanh Tử thành Niết Bàn. Thiệt ra, Tỳ Lô Giá Na không phải là một vị Phật ở ngoài đâu mà Tỳ Lô Giá Na chính là bản tánh của tâm mình. Cho nên có một câu mà hồi đó thầy lấy trong kinh Hoa Nghiêm là “Tâm, Phật, chúng sanh; cả ba không sai khác”.
Cái người mà chứng được Bồ đề tâm như ngài Di Lặc thì thấy được rõ ràng chuyện đó, “Tâm Phật chúng sanh cả ba không sai khác”. Phật đây là Phật Tỳ Lô Giá Na và cái tâm mình không còn là cái tâm kia nữa, mà tâm mình đây là bản tánh của tâm. Bản tánh của tâm đây chính là Bồ đề tâm tuyệt đối như ngày hôm qua mình nói, còn bây giờ mình phát đây là Bồ đề tâm tương đối. Cái Bồ đề tâm tương đối mà mình phát, mình làm đây luôn luôn nằm trên Nền tảng là Bồ đề tâm tuyệt đối. Cho nên mình càng phát càng làm Bồ tát hạnh bao nhiêu thì mình càng thông thương, càng tương ưng được với Bồ đề tâm tuyệt đối chừng đó. Cho nên Bồ tát hạnh là cái để mình nhập vào pháp giới, nhập vào cái Bồ đề tâm tuyệt đối, vào cái nền tảng Tỳ Lô Giá Na Như Lai, vào cái nền tảng Phật đó.
Sh.Bình: Kính thưa thầy, thưa đại chúng: về Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh, nguyện là Bồ đề tâm tương đối, hạnh là phải thấy được cái bản tánh của tâm mình, là Tỳ Lô Giá Na trang nghiêm. Thầy giảng quá trình thanh tịnh, giống như chị Hồng hỏi, đổi chác là quá trình thanh tịnh để có thể tương ưng với bản tâm gốc của mình, cái Tỳ Lô Giá Na. Thầy giảng rộng thêm cho chúng con về cái Thấy từ trên đi xuống, cái hạnh là từ dưới đi lên, để làm sao chúng con có thể tương ứng được dần dần.
Thầy: Bồ đề tâm nguyện, Bồ đề tâm hạnh, Bồ đề tâm nguyện của của mình cũng mới là tương đối, Bồ đề tâm hạnh của mình cũng tương đối thôi. Mình phải dùng cái tương đối đó để tương ưng lần lần với Bồ đề tâm tuyệt đối. Không phải cái gì ghê gớm hết, chuyện hàng ngày đây thôi, quét lá, tưới cây, nấu ăn, tất cả đó là Bồ đề tâm tương đối. Nhưng làm sao lần lần mình sẽ thấy được cái Bồ đề tâm tương đối của mình luôn luôn nằm trên cái nền tảng Bồ đề tâm tuyệt đối, cho đến khi tất cả những hành động thân khẩu ý của mình nó hoàn toàn nằm trên Bồ đề tâm tuyệt đối. Không cần làm cái gì cao xa hết, chỉ cần làm những việc hàng ngày thôi. Nhưng mà anh phải biết các cái đó, công việc đó luôn luôn xảy ra trên Bồ đề tâm tuyệt đối.
Đơn giản, về khoa học, thời gian của mình là gì, thời gian luôn luôn xảy ra trên cái không có thời gian. Anh phải hành hạnh Bồ tát để anh thấy vậy đó, càng ngày anh càng thấy rõ được cái thời gian luôn luôn xảy ra trên cái không có thời gian. Đó là hạnh Bồ tát. Anh làm những cái chuyện bình thường của không gian và thời gian này để anh thấy cái không gian và thời gian này luôn luôn xảy ra trên cái không có không gian và không có thời gian, cái đó chính là Bồ đề tâm tuyệt đối, là tâm Phật. Làm hạnh Bồ tát là vậy, để thấy được cái đó.
Ăn thua là mình có tin nổi hay không. Đại thừa, trước hết phải tin đã. Ông Tôn Ngộ Không đó, thần thông của ông ấy là số một, nhưng có nhảy ba lần nữa cũng không ra khỏi bàn tay của Phật, thì mình cũng phải tin là mình không bao giờ ra khỏi được Phật, cho tới khi anh thấy luôn luôn thấy anh ở trên cái nền tảng là Phật. Càng ngày anh càng chứng sâu vô cho tới khi anh thấy cả pháp giới này là lầu gác của anh, y báo và chánh báo luôn luôn đồng thời.
Đại thừa trước hết là tin đã. Mình cũng phải tin rằng mình không bao giờ ra khỏi bàn tay Phật được hết. Cho tới khi anh thấy, anh luôn thấy anh trên cái nền tảng là Phật. Cho đến khi anh thấy cả Pháp giới này là lầu gác của anh. Y báo và Chánh báo luôn luôn đồng thời. Bây giờ mình thấy có đồ dơ dáy, bẩn thỉu vì tâm mình có dơ dáy, bẩn thỉu. Nó không trang nghiêm. Khi tâm mình hoàn toàn thanh tịnh thì mình sẽ thấy tất cả thanh tịnh.
Bình hỏi là “cái thấy từ trên đi xuống và cái hạnh từ dưới đi lên". Nên nhớ cái thấy từ trên đi xuống ấy vẫn chưa trọn vẹn, nên mới cần đi xuống, đi lên chứ, phải không? cần cái hạnh để dũa mài cho thanh tịnh ra. Thành ra cái thấy từ trên đi xuống chỉ là cái thấy sơ sơ thôi. Sơ Ngộ thôi, nên nó phải từ trên đi xuống. Cái Hạnh phải từ dưới này đi lên. Nhờ cái Hạnh đó thì cái thấy mới ngày càng thanh tịnh ra. Chứ anh nói rằng anh có cái thấy mà không có cái hạnh thì nó cũng vậy thôi à. Anh nói rằng cái thấy của ánh sáng sủa lắm nhưng anh không dám ra dòm ngoài đường thì cái thấy của anh cũng giới hạn lắm.
Hải SG: Thầy có nói Bồ đề tâm là quan tâm tới những người xung quanh của mình. Nhờ thầy giảng thêm chỗ này ạ?
Thầy: Bồ đề tâm là nghĩ đến những người xung quanh của mình. Mình nghĩ tới khi nào cái thấy của mình thanh tịnh thì anh sẽ bước vào cái mà Mật thừa gọi là Mạn Đà La đó, tất cả âm thanh đều là thần chú, tất cả chúng sanh đều là Phật. Chứ mình thấy đây là người thân của tôi, đây là người thân của tôi thì đó là cái thấy phân biệt. Đã gọi là chúng sanh thì là chúng sanh thôi. Đã gọi là Đây là ông xã tôi đây, đây là con tôi đây. Thì cái thấy ấy nó nhỏ hẹp, loanh quanh luẩn quẩn trong một gia đình. Anh phải thấy chúng sanh là thấy sâu sâu vô nữa, Bồ đề tâm của anh là thấy sâu hơn nữa và trùm hết. Lúc đó anh mới thấy tất cả chúng sanh là Phật, lúc đó anh mới bước vào được cái Mạn Đà La, tất cả âm thanh đều là thần chú, âm thanh của bậc giác ngộ hết. Tất cả cảnh giới đều là Tịnh Độ hết. Tất cả chúng sanh đều là Phật hết. Bởi vì sao? Bởi vì Tâm - Phật - Chúng sanh cả ba không sai khác. Bởi vì chúng sanh không khác Phật. Anh mà vô lầu các trọn vẹn thì chúng sanh không khác Phật. Chứ đâu phải là anh nói rằng mình nghĩ tới người khác. Mình phải hiểu rằng mình phải nghĩ đến người khác thì đấy là bổn phận thì đó mới chỉ là nhân đạo, đạo làm người. Tôi sinh con ra thì tôi phải dạy nó chứ. Đó là đạo làm người. Nhưng anh phải tiến lên nữa. Chứ còn con người khác con mình, xin lỗi con người khác con mình chỉ là một cái chấp tướng thôi. Đây là ông xã tôi thì đấy chỉ là ông xã tôi thôi. Tôi lo cái gì tôi lo ông xã tôi thôi, chứ ông xã của thiên hạ, tôi đâu có lo. Phải không?
Cái thấy mà không có tôi, không có ta, ngã, nhân, người, chúng sanh, không có cả thọ mạng của mình nữa. Cái thấy rốt ráo là vậy đó. Đó là Bồ đề tâm đó. Giờ mình chưa được như vậy thì mình phải tập. Bởi một điều đơn giản là: cái thấy tất cả là một, khi anh nghĩ tới người khác, anh thấy tất cả là một, anh thấy người khác mà anh thấy có người, có chủ thể, đối tượng là khi đó, anh thấy có anh. Còn khi nó đồng màu hết. Không có đối tượng nên không có chủ thể. Có người khác, có đối tượng thì đương nhiên là phải có anh. Có đối tượng thì có chủ thể. Có người khác thì phải có mình. Thành ra, Đức Phật không có nói người khác đâu. Nhân đạo, đạo làm người thì có người khác. Nhưng vượt lên nữa thì không có người khác đâu. Tâm - Phật - Chúng sanh cả ba không sai khác. Trong sách vở gọi là Nhất Chân Pháp Giới, trong vũ trụ thì tất cả là một thôi. Không có người khác nào trong đó hết. Khi anh thấy có người khác là anh còn khổ. Nói theo chữ tâm đắc của ông Tuấn là anh chưa hoà tan nổi. Anh hoà tan được thì tất cả thành Phật hết. Anh tụng đó, nguyện cùng Pháp giới chúng sanh nhất thời, là trong cùng một lúc thôi, đồng thành Phật đạo. Chứ anh thành Phật trước mà anh còn đó thì anh còn khổ lắm, vậy đó. Nguyện cùng pháp giới chúng sanh, nhất thời đồng thành Phật đạo. Đồng thành, chứ không phải ông trước ông sau đâu. Trong kinh có nhiều cái lạ lắm, có nói khi một vị thành Phật thì tất cả đồng một danh hiệu đó hết. Ví dụ như khi Hải thành Phật thì tất cả mọi người đều cùng có tên gọi là Hải TC hết. Rồi tất cả cùng một danh hiệu, cùng một. Không có Hải TC riêng, ông Đăng riêng Nếu có Hải TC riêng, ông Đăng riêng thì mình còn khổ. Đơn giản vậy thôi.
Thành ra, mình nói người khác, đó là đạo làm người, nhân đạo. Mình phải tiến lên hơn nữa, Phật đạo là không có người khác nào hết nữa. Ví dụ, như mình nói tình thương yêu bắt đầu là tình thương yêu vợ con, nó chỉ giới hạn chừng đó thôi. Nhưng mà mình phải mở rộng cái Bồ đề tâm chính là tình thương yêu của mình ra cho tới khi, tất cả nó hòa nhập với nhau. Vậy mới gọi là tình thương yêu chứ, chứ thương yêu gì mà có chút xíu vậy mà gọi là tình thương yêu? Thì cái lúc đó, tòa lâu các của anh, cái tâm bồ đề đó trùm hết. Lúc đó, anh thương yêu là anh thương yêu hết, chứ không có riêng một cái gì hết. Rồi ngày hôm qua, thầy có nhắc tới cái vô duyên từ bi là vậy đó, vô duyên là một tình thương yêu không có đối tượng và chủ thể. Còn bây giờ, mình có đối tượng là phải thấy người đó khổ lắm mình mới từ bi nổi phải không? Còn người đó sướng lắm đi xe gì đó. Thì mình từ bi với người đó không nổi đâu, vô duyên là không cần một cái nhân duyên nào hết.
Mình phải tập làm sao mà mình yêu thương càng ngày càng mất cái đối tượng đi. Chứ mình yêu thương cùng lắm thì nhiều người hay yêu thương một giai cấp nào đó, lúc đó mình lại đi đấu tranh giai cấp phải không? Anh phải yêu thương hết. Còn anh đứng về một phía nào đó thì nó sẽ thành giới hạn, rồi phân chia đủ thứ hết đó, phải không? Như ông Krishnamurti ông nói một câu mà mình nghe thấy dội lắm. Nếu như bạn cho bạn là một người Ấn độ, bạn cho bạn là một người Thiên Chúa Giáo, một người Hồi Giáo thì tâm bạn đã bạo động rồi. Vì lúc đó, bạn thấy khác biệt với toàn bộ nhân loại hết, phải không? Đó là cái bạo động đầu tiên, tôi thấy tôi là người Thiên Chúa Giáo, thì tôi phải thấy có những người không phải Thiên Chúa Giáo, phải không? Tâm bạo động nổi dậy từ cái phân biệt đầu tiên đó. Từ trong ý nghĩ của mình, nếu tôi nhận tôi là cái gì đó, thì tôi sẽ thấy cái khác tôi. Nếu tôi nhận tôi là người Ấn Độ thì tôi phải chê người Việt Nam, phải không? Thì đó là bắt đầu bạo động rồi đó.
Rồi bây giờ ông Thái này nè, lâu nay chưa hỏi, giờ hỏi đi, bạn Thái.
Thái: Dạ thưa Thầy và đại chúng. Con được Thầy dạy về Bồ đề tâm, thì Thầy có dạy Bồ đề tâm tổng quát là đi xuyên suốt như sợi chỉ đỏ từ đời này sang đời khác, và Bồ đề tâm cụ thể trong kiếp này tùy theo cái nghiệp của con, làm công việc cụ thể, cùng cái tâm luôn hướng đến Bồ đề tâm tổng quát đó trong hành động cụ thể thì cũng phải quán sát nó cũng xảy ra trên Bồ đề tâm tổng quát thì khi đó công việc mình làm để phục vụ cho mọi người mới được tự do và giải thoát và đem nhiều lợi lạc đến mọi người. Và trong từng hành động luôn luôn quán sát như thế thì đó là sự tự do, cái tôi của mình sẽ tan dần thì khi đó Bồ đề tâm tương đối ngày càng tăng trưởng nhiều hơn và càng tương ưng với Bồ đề tâm tổng quát đó, con xin chia sẽ như thế, thưa Thầy ạ!
Thầy: Rồi, có ông Hải Cần Thơ đó không? Rồi Hải CT trả lời cho ông Thái đi.
Chú Hải CT: Thái có thể nhắc lại câu hỏi Thái muốn hỏi được không?
Thái: Con học được á chú Hải, Thầy có nhắc về mình phải có Bồ đề tâm tổng quát đi từ đời này qua đời khác, giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, và trong kiếp này chúng ta phải có Bồ đề tâm cụ thể trong đời sống của mình, từng hành động của mình, trong đó phải thấy ra được phải tương ưng với Bồ đề tâm tổng quát đó, nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ rơi vào chấp ngã làm vì cái tôi, tức là có chủ thể và đối tượng. Xin chú có thể chia sẻ cho con thêm được không?
Chú Hải CT: Cảm nhận của chú về Bồ đề tâm tổng quát trên con đường, sau này chú thấy là sự tu hành của mình không chỉ trong một đời mà nó diễn ra trong nhiều đời, mình phải có một cái nhìn thay đổi cũng khá lớn, chứ hồi xưa mình nghĩ là cái gì mình cũng gom về một đời mình giải quyết không à, mình muốn làm việc gì đó cụ thể trong cái đời của mình chẳng hạn như mình có khả năng làm gì đó để có thể thể hiện Bồ đề tâm đó với khả năng của mình, mình cứ chăm chỉ mình làm, nhưng mà mình đặt nó trong chương trình dài hạn, chứ không phải trong một đời, nhìn nhận điều đó là một bước ngoặt lớn đó, nhiều khi mình nghĩ chuyện gì cũng giải quyết trong một đời, mình không nghĩ là Bồ đề tâm nó kéo dài nhiều đời, phải nhìn thoáng, kiên nhẫn để thực hành.
Thầy: Theo Thầy ngược với Tánh Hải đó, mình giải quyết chuyện gì giải quyết ngay trong đời này, đời này giải quyết đời này, đời sau giải quyết đời sau, trong mỗi việc mình giải quyết ngay, không phải không có đời sau, đời sau Thầy còn tiếp tục nữa, nhưng Thầy giải quyết ngay trong đời này, đời sau giải quyết ngay trong đời sau, và đời sau nữa, phải không, chứ còn đời này mình chờ lai rai, có hiểu giải quyết ngay là sao không? Giải quyết ngay là Bồ đề tâm tương đối trùng với Bồ đề tâm tuyệt đối, phải không. Rồi thôi, bây giờ tới giờ mình ngưng để mai tiếp, hẹn mùng 5 mình giải quyết tiếp. Phải không anh Châu, còn đời sau nữa, đời nào giải quyết đời đó thôi.
---*---
Thầy và Đại chúng cùng hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng trọn thành Phật đạo.
---*---
Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.