Thầy: Bây giờ Trường nói trước “Bồ đề tâm” là cái gì? Và mình thực hành trong đời sống hằng ngày như thế nào? Dĩ nhiên là mình thực hành là ở cái mức độ của mình thôi, nhưng mà mình phải có chuyện này. Bởi vì lần đầu tiên tụng có nói Bồ đề tâm là đồng với công đức của tất cả Phật Pháp, hay là Bồ đề tâm là tất cả Phật Pháp rồi phải không? Thì mỗi ngày mình hiểu Bồ đề tâm như thế nào và thực hành nó như thế nào? Rồi Trường nói trước đi.
Trường: Dạ. Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng! Theo con, thì Bồ đề tâm nó xuất phát điểm đầu tiên của nó theo con là lòng bi, làm sao mà mình trưởng dưỡng lòng bi và cho dù mình có trí đến cỡ nào, nhưng mà mình vẫn duy trì cái lòng bi của mình, để đưa vào đời sống hằng ngày. Mà chính cái lòng bi đó, mình mới làm lợi lạc cho tất cả mọi người được và làm lợi lạc cho cả chính mình nữa ạ. Con nghĩ là cái lòng bi này nó sẽ theo mình qua nhiều đời nhiều kiếp. Và chính cái lòng bi này là cái động lực chính cho mình đi con đường này. Con xin hết.
Thầy: Và trong đời sống hằng ngày thì sao? Khi mình ăn uống, khi mình tụng kinh, khi mình nói năng, khi mình làm việc.
Trường: Dạ, thì theo con thì chính vì cái lòng bi đó, nên là tất cả mọi việc mình làm, mình đều có cái mục đích cụ thể. Làm sao để làm cho ngày càng cho tốt hơn và vì lợi ích của tất cả mọi người. Chứ không phải là một cái tôi riêng biệt của mình nữa. Mình luôn nghĩ đến người khác trước tiên, chứ không phải nghĩ về mình.
Thầy: Nhưng mà như hồi nãy, Trường nói là ‘dầu có trí mình có tới đâu …, phải không, không phải vậy đâu, không phải chỉ có lòng bi thôi đâu. Rồi tới phiên Bình.
Bình: Kính thưa Thầy, kính thưa Đại chúng! Con thấy với con là: - Quá trình tích tập công đức và tích tập trí huệ, thì Thầy giảng hôm nay thì Bồ đề tâm nó bao trùm tất cả, nó không chừa thứ gì hết. Thành ra dù mình hoạt động như thế nào thì mình vẫn hoạt động trong Bồ đề tâm.
Thầy: Mà đó, Thầy đã nói rồi. Bây giờ Bồ đề tâm là cái gì cái đã, rồi mới nói hoạt động trong Bồ đề tâm chứ. Bồ đề tâm chỉ là một khái niệm sơ sơ vậy, thì nó ăn nhằm gì đâu. Bồ đề tâm là cái gì?
Bình: Dạ. bao gồm có trí huệ với đại bi. Và nó bao gồm bao trùm tất cả các công đức.
Thầy: Rồi làm việc hằng ngày là sao?
Bình: Làm việc hằng ngày là nhớ nghĩ về cái Bồ đề tâm đó để làm lợi ích cho chúng sanh, và giải thoát cho bản thân và giải thoát cho người khác – đó là công việc của con, cũng như của tất cả những người khác.
Thầy: Rồi thôi. Bây giờ đơn giản Bồ đề tâm là Trí huệ và Đại bi. Thì mình thấy là tất cả thời điểm tụng kinh của mình là bắt đầu bằng cái gì, bắt đầu là bằng Chú Đại bi, để mình khởi phát cái tâm đại bi, mà nhiều khi mình ngủ mình quên, hay là cả ngày hôm trước mình còn yếu. Bao giờ mình cũng vào là Đại bi, ra là Bát nhã, Bát nhã là trí huệ.
Thì bây giờ mình đừng nói gì cho nó xa xôi hết đó. Khi anh làm trong Bồ đề tâm có nghĩa là anh làm trong Trí huệ và Đại bi. Thì Trí huệ là gì? Trí huệ là anh làm trong ánh sáng của cái tâm anh. Anh làm trong ánh sáng đó, chứ còn không có phải là Trí huệ là một cái gì một khái niệm mơ hồ gì, anh làm trong ánh sáng của cái tâm anh. Nghĩa là anh chánh niệm tỉnh giác thì đó chính là ánh sáng. Anh chánh niệm tỉnh giác là lúc đó đó là Trí huệ, đó là ánh sáng. Anh làm trong ánh sáng và cộng với Đại bi.
Thành ra Thầy thấy trong bài sám hối đó - có cái Nam Mô Đại Bi Quang Phật, Nam Mô Đại Bi Quang Phật là sao? Là ánh sáng của Đại bi. Ánh sáng & Đại bi nó hợp với nhau, chứ không phải là mình cứ nói là dầu có Đại bi bao nhiêu, dầu có Trí huệ bao nhiêu thì cũng phải có đại bi. Hai cái đó nó đi liền với nhau. Nếu anh không có ánh sáng thì cái Đại bi của anh chỉ là một cái cảm xúc thôi, dễ dàng cảm xúc lắm, phải không? Đại bi và Trí huệ phải đi với nhau. Ánh sáng của cái tự tâm mình và lòng bi của tự tâm mình là phải đi với nhau, luôn luôn nó như vậy.
Rồi mình làm công việc gì cũng vậy, làm trong ánh sáng của Trí huệ, làm trong ánh sáng của tự tâm và trong cái lòng bi mở rộng ra cho chúng sanh. Thì cái khi mình đã làm được như vậy, thì tâm mình sẽ lần lần, lần lần nó mở rộng ra, và nó rộng ra và nó sâu thêm, cho tới khi mà nó đạt tới cái gọi là cái bản tánh của Tâm, bởi vì bản tánh của Tâm là Trí huệ và Đại bi hợp nhất. Mình thấy tất cả những cái mà Tây Tạng gọi là ‘Kim Cương đôi’ đó - là một cái là tượng trưng cho Đại bi, và một cái là tượng trưng cho Trí huệ, nó hợp nhất. Chứ không phải là Đại bi cao, Đại bi cao mà còn Trí huệ thì không có. Đại bi cao coi chừng là nó sẽ thành ra một cái gọi là một cái cảm xúc, chứ không phải một con đường. Con đường là phải hai chân, là phải một chân Trí huệ, một chân Đại bi nó đi với nhau, luôn luôn liên tục vậy. Còn nếu như mình chỉ chú trọng Đại bi mà mình không chú trọng Trí huệ thì đó là một cảm xúc. Và cảm xúc đó có rất nhiều trong các tôn giáo? Họ chỉ nghiên về cảm xúc thôi, chứ họ không có nói Trí huệ?
Thành ra, ngay cả trong tôn giáo, những tôn giáo mà Phật giáo cũng có, tất cả mọi tôn giáo đều có tử vì Đạo hết. Mà tử vì Đạo nhiều khi đó chỉ là cảm xúc, chứ không phải là Trí huệ. Mình làm cảm xúc quá thì mình tử vì Đạo thôi.
Vấn đề là mình tụng kinh, Thầy nói vậy đó là mình phải nghiên cứu nó, không phải là chuyện mà mình Văn là mình đọc rồi tự mình mình nghe vậy thôi, mà đó là chưa đủ, mình phải tìm tòi trong tất cả kinh điển... Nếu như mình muốn tu về Bồ đề tâm. Coi tất cả kinh điển nói về Bồ đề tâm như thế nào? đó là Văn. Rồi tư ‘là tư duy’, mình thấy là tại sao mà nói là ‘Nếu không có Bồ đề tâm thì không thể thành Phật được’, tại sao mà kinh khủng như vậy? Mình phải tư duy, chứ không phải kinh điển là nói chơi chơi đâu.
Mà tư duy không phải tư duy là một ngày xong đâu, mình tư duy cả đời lận. Bởi vì Trí huệ và Đại bi nó luôn luôn hợp nhất. Rồi tư duy xong rồi. Văn tư tu, ‘tư là tư duy’, ‘tu là thực hành’. Thực hành là mình thực hành. Hai cái đó nó hợp nhất lại với nhau, dĩ nhiên ở mức độ của mình nó hợp nhất còn đơn sơ lắm? Thì mình thấy ví dụ như mình gây ra một cái lầm lỗi gì, đó là mình biết là mình không có ánh sáng và không có lòng bi. Mình gây ra một cái lỗi nào đó là mình thấy là mình không có ánh sáng và không có lòng bi. Thì trong đời sống đời nó đầy dẫy nó báo cáo cho mình biết là mình từ bi, Trí huệ và Đại bi của mình bao nhiêu?
Và nó đơn giản là y báo của mình tương đương với chánh báo của mình. Nếu như có trí tuệ, cái tâm mình nó tỏa sáng. Và trong cái tỏa sáng đó, nó có cái từ bi trong đó. Thì đó là lực hấp dẫn nó sẽ hấp dẫn người ta tới. Nếu như mình thấy mình không hấp dẫn ai hết, mình chỉ… thì ít người quá thì mình thấy Trí huệ và Đại bi của mình yếu.
Cái sự nổi danh của một vị tu hành đó là do Trí huệ và từ bi thôi. Chứ không phải là do giỏi giang gì hết. Ổng nổi danh là bởi vì vậy. Ổng tỏa sáng ra. Chính đơn giản, cái chữ danh đó, người ta hay dùng chữ ‘Vinh danh’ là vậy đó. Là cái danh của mình là do ánh sáng của mình, chứ không phải là do đi kiếm chác nó ra mà ra đâu.
Ví dụ như bên Thiên Chúa giáo là “sáng danh Thiên Chúa trên trời”. Sáng thì nó có cái danh trong đó. Thành ra mình đừng có ham đi cầu danh vọng gì hết đó, cứ tỏa sáng đi, sáng tới cỡ nào, thì cái danh mình tới đó. Cái danh chỉ là cái y báo, cái chánh báo là cái sự tỏa sáng của mình thôi. Chứ đừng có lầm lẫn là lo đi kiếm danh vọng, không có đâu. Cái danh vọng ở đời vậy thôi, chứ coi chừng gây ra nghiệp rồi tiêu tùng đó. Cái danh đó là cái y báo, cái biểu hiện sự tỏa sáng của mình. Thí dụ như mình thấy ngài Garchen rất rõ ràng, ngài nói là ngài học ít, ngài ở tù 20 năm, cho nên ngài học ít lắm. Thứ hai là ngài chẳng bao giờ mà nghĩ tới cái chuyện mà đi khắp thế giới …, cùng lắm là thuyết pháp cho vài vị Tây Tạng đó thôi. Chứ không có bao giờ ngài nghĩ, ngài đi khắp cùng thế giới hết. Nhưng mà với lòng bi của ngài, cái sự tỏa sáng Trí huệ của ngài, nó tỏa ra nhiều quá, thì hết chỗ này mời, chỗ kia mời, thì ngài nổi tiếng thôi. Chứ ngài đâu có nghĩ tới chuyện nổi tiếng. Đó, đơn giản vậy thôi.
Thành ra trong đời sống hằng ngày đó là Bồ đề tâm là vậy đó.
Khi nào mình quên, thì mình phải phát nó lại, mà rõ ràng nhất là trong kinh mình tụng hằng ngày đó. Trước hết là phải vô là bài Chú Đại Bi, để có cái tâm bi cái đã. Tương ưng với tâm bi là mình tụng, trong khi tụng kinh đó là trí huệ, đó là… kết thúc, rồi tới kết thúc là bài Bát nhã đó là trí huệ. Thì hai cái đó là nó luôn luôn đi với nhau. Bồ đề tâm chẳng qua là Trí huệ và Từ bi thôi.
Mà thầy đã nói rồi mình tu là mình tu trên cái nền tảng là gì? Nền tảng đó chính là Trí huệ và Từ bi. Nền tảng đó chính là Trí huệ của Chư Phật, Từ bi của Chư Phật?
Đó, ví dụ đơn giản như là Viên Từ chẳng hạn, thì Viên Từ làm gì, là Cô trì Danh hiệu Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, thì cái đó trong đó gồm có cả đủ Trí huệ và Đại bi trong đó. 48 lời nguyện của Đức A Di Đà đó là lòng Đại bi của Ngài. Và cái sự tỏa sáng của Ngài thì gọi là Vô Lượng Quang, thì trong đó có đầy đủ Trí huệ và Từ bi. Thành ra mình chỉ cần niệm cái đó thôi, là mình tương ưng được với Trí huệ và Đại bi của Ngài, vậy thôi, đơn giản vậy thôi.
Thành ra ví dụ như bây giờ mình làm cái gì, quên cái Trí huệ và Đại bi thì mình cứ niệm Phật, vừa làm vừa niệm Phật, nhắc nhở cho mình là luôn luôn vậy. Rồi mình tương ưng với cái Trí huệ và Đại bi của Đức A Di Đà cho tới khi nó lần lần, lần lần cái Trí huệ và Đại bi của mình nó mở rộng ra cho tới khi mà nó tương ưng được với cái Trí huệ, Đại bi của Ngài. Thì lúc đó là mình thành ‘trong kinh điển nói là là một vị Bồ tát và tương ưng như vậy được mới gọi là Phật tử’. Còn mình không tương ưng được, thì mình chưa gọi là Phật tử đâu. Phật tử là con Phật, là phải từ bi, mà tương ưng nghĩa là con mà nhận ra cha, rồi cha mà liên hệ với con thì lúc đó mới gọi là cha con chứ.
Còn bây giờ cha ở đâu không biết, thì làm sao kêu là Phật tử được, phải không? Thành ra mình phải đọc tụng, rồi mình không phải thấy nó nằm trong những khái niệm đâu, mà mình phải làm thiệt. Thì nó mới ra được hạnh Bồ tát. Rồi trong kinh Hoa Nghiêm có nói cho mình biết là Ngài Di Lặc Bồ Tát thuở kiếp xưa tu hành Bồ tát đạo, cái này là gì, cái tu hành Bồ tát đạo là tu hành Bồ đề tâm đó. ‘Đó làm cho người ở trong lao ngục, thời được ra khỏi, kẻ bị trói buộc thời được cởi mở, người bệnh tật thời được chữa lành, người vào đường tà thời chỉ cho đường chánh’, đây là hạnh Bồ tát. Và hạnh Bồ tát này, không phải là mình nói là nó ra đâu, nó chính là công đức của mình, mình làm mình hưởng là vậy đó. Mình làm mình hưởng, mình làm những cái này đó là công đức của mình thì sau này, khi mà mình thành như…đó là trong cái thất của mình, trong cái Lâu gác của Ngài Di Lặc là nó tổng hợp lại đầy đủ tất cả những công hạnh của Ngài, nó hiện diện trong đó, lúc đó công đức nó hiện diện trong cái Lâu gác của Ngài di Lặc và cái công đức đó là nó tỏa khắp cả vũ trụ này, như mình tụng đó.
‘Hoặc thấy Di Lặc Bồ tát làm Lái thuyền đưa qua biển lớn hoặc làm Mã vương cứu hộ ác nạn, hoặc làm Đại Tiên khéo giảng luận’ - tất cả những Phật sự, tất cả những cái đó là hạnh Bồ tát hết, nếu như mình làm trong có cái ánh sáng và cái tình thương yêu thì đó là hạnh Bồ tát, đó là Bồ đề tâm. Nó rất rõ ràng, ‘hoặc làm Pháp sư phụng hành Phật giáo, thọ trì, đọc tụng, tư duy đúng lý’, làm một Pháp sư diễn thuyết thôi, thì đó là hạnh Bồ tát, ‘Hoặc làm Pháp sư phụng hành Phật giáo, thọ trì’ – thọ trì là giữ lấy, ghi nhớ lấy, ‘đọc tụng’, mình đọc tụng nó khi ghi nhớ, ghi nhớ không nổi phải đọc tụng, đọc tới đọc lui, đọc tụng tới tụng lui nó mới thấm vô được. ‘Tư duy’ cũng là Văn Tư Tu thôi, đúng lý, ‘rồi lập Phật tháp, tạo Phật tượng hoặc mình cúng dường, hoặc khuyên người cúng dường’ - khuyên người cúng, mình khuyên cho ai đó cúng dường thì đó là công đức của mình, bởi vì họ làm một cái điều tốt. Thì đó là công đức của mình, và công đức đó nó sẽ tới một cái ngày mà nó thành như cỡ Di Lặc Bồ tát thì là nó tụ lại, là cái công đức đó nó cũng là cái thất của Ngài, thì cũng như mấy cái tường vách… vậy thôi của Ngài vậy thôi, cũng làm bằng vật chất thế gian này thôi. Lúc đó nó hiện ra đầy đủ công đức của Ngài trong đó. Nó trở thành Tràng phan, Bảo cái, Bảo châu, rồi Vàng Ngọc gì đủ thứ. Thất bảo là bảy thứ quý báu.
‘Nhẫn đến hoặc thấy những sắc tượng của Di Lặc Bồ tát từ tu hành các môn Ba La Mật trong trăm ngàn ức na do tha vô số kiếp’ - thì mình làm Ba La Mật chừng nào thì cái đó nó thành công đức của mình chừng đó. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, trí huệ gì đó, bố thí, đó thì nó thành công đức của mình thì công đức đó nó tích tập vô cái thân cái cảnh giới của mình cũng như là cảnh giới Tịnh Độ của Đức A Di Đà đó là công đức của Ngài trong bao nhiêu kiếp đó. Thành ra Ngài nguyện là làm cái này cái nọ, tạo ra cái đó là nó ra. Còn mình bây giờ tạo công đức của Thầy thì cùng lắm tạo được cái nhà vậy thôi, bằng vật chất vậy thôi. Chứ mình không có những công đức của Ba la mật đồ này nọ. Rồi công đức đó là gì nữa, ‘lại thấy Di Lặc Bồ tát tại chỗ của mỗi thiện tri thức, thân cận cúng dường, tuân hành lời dạy dẫn đến trụ bậc quán đảnh’. Mình theo một vị Thầy nào đó, mà mình chịu nghe lời ổng là đó là công đức rồi, chứ chưa nói làm theo đúng ổng. Nhiều khi mình theo thôi, là đã công đức rồi.
‘Cũng vậy trong lâu các này, Thiện Tài thấy khắp tất cả cảnh giới trang nghiêm’, cảnh giới trang nghiêm này là do công đức của Ngài Di Lặc. ‘Nhiều thứ sai khác chẳng tạp loạn nhau’, công đức mà nó chẳng tạp loạn nhau, bởi vì công đức này không phải là vật chất như mình nghĩ đâu. Vật chất thì cái tường này không phải là cái bàn ăn kia, không thể nhét cái bàn ăn đó vô cái tường này được. Nhưng mà trong cái cảnh giới của tâm, thì cái tường này với cái bàn ăn kia nó chẳng tạp loạn nhau, nó có thể vô trong này được tương tức tương nhập, bởi vì cái cảnh giới này là cái cảnh giới của tâm chứng ngộ, chứ không phải cảnh giới của vật chất bình thường đâu. Đó là cái tâm là vậy đó.
Thì một vị tu hành nhờ tu hành ánh sáng, trí huệ và tình thương yêu, thì đó công đức đó nó lần lần nó tụ lại và nó làm cho cái tâm mình nó càng ngày càng mở ra, rộng ra, cho tới khi mà mình đạt tới cái bản tánh của tâm tức là Phật tánh.
Rồi ví dụ như một câu thôi ‘Các trợ đạo lưu xuất của nguyện trí hiển hiện’, mình tưởng trí là một cái gì đó, nguyện cũng là trí, nó mới dùng chữ nguyện trí. Tôi nguyện cái gì, thì cái đó là trí của tôi, chớ không phải là nguyện là nguyện chơi vậy đâu. Cái nguyện trí là sao? Cái nguyện của mình nó khai mở trí cái huệ ra. Thành ra là đối với Phật giáo là cái gì nó cũng để mà mở cái tâm mình ra, để mà đạt tới cuối cùng là cái mà như mình thấy trong kinh Hoa Nghiêm là “Tâm - Phật - Chúng sanh cả ba không sai khác”. Chúng sanh làm công đức, chúng sanh làm đủ thứ hết để mà khai mở ra để thành Phật, khai mở cái tâm đó ra.
‘Bồ tát từ chỗ Đại bi mà đến, vì muốn điều phục các chúng sanh’, khi Ngài Thiện Tài hỏi Đức Di Lặc là từ chỗ nào đến, thì Ngài Di Lặc trả lời là Bồ tát từ chỗ Đại bi mà đến vì muốn điều phục các chúng sanh. Điều phục đó để làm gì, để cho họ giải thoát, để cho họ đỡ khổ ra. ‘Từ chỗ định giới mà đến, vì tùy sở thích mà thọ sanh’, người nào giữ giới thanh tịnh thì nó có thể tùy theo ý muốn của họ. Còn mình không giữ giới thanh tịnh, thì mình không có năng lực để mà thọ sanh được. Nhiều khi cái nghiệp mình nó lôi mình đi nữa chứ không phải là tịnh giới đâu, tịnh giới là cái giới thanh tịnh. Thì giới thanh tịnh là mình có đủ năng lực để mình thọ sanh chỗ nào, muốn sanh bên Ấn Độ hay là muốn sanh bên Nhật hay là muốn sanh bên Pháp chẳng hạn, thì có đủ năng lực, bởi vì cái giới đó là cái sức mạnh, đó là năng lượng, chứ đừng có nghĩ là giới là bên ngoài chơi chơi vậy thôi, nó là năng lượng, cái nguyện cũng là năng lượng. Từ cái giới đó nó qua tới cái nguyện nó thành năng lượng, thành ra mình có thể thọ sanh tùy theo ý muốn, chứ không phải là thọ sanh theo nghiệp.
‘Từ chỗ đại nguyện mà đến, vì nguyện lực thuở xưa gia trì’ - nếu như mình phát một cái đại nguyện mà mình không quên mất, hết đời này sang đời khác, thì nó trở thành một cái nó gia trì cho mình. Do đó mà một vị Bồ tát từ đại nguyện mà đến.
‘Từ chỗ không lay động mà đến vì hằng chẳng rời bỏ tất cả Phật’, từ cái chỗ tâm không lay động, cái tâm bất động, từ cái chỗ đó, từ cái chỗ tâm không có khởi niệm lăn xăng. Thì từ đó cái khởi niệm đó nó trở thành là tại sao mà khởi niệm, đó là do lòng bi mà khởi niệm, chớ không phải nhiều khi khởi niệm là nghiệp chứ không phải là do lòng bi, phải không? từ cái chỗ bất động, cái tâm bất động đó đó, từ chỗ không lay động mà đến vì chẳng rời bỏ tất cả Phật, bởi vì mình không ra ngoài cái cảnh giới của tất cả Phật nghĩa là không ra ngoài cái bất động đó đó. Thì từ chỗ đó mà đến.
‘Từ chỗ không thủ xả mà đến’ - thủ là nắm, xả là bỏ, ‘từ chỗ không nắm bỏ mà đến vì chẳng bắt buộc thân tâm phải qua lại’, chính cái nền tảng đó là không nắm bỏ, thì từ chỗ đó mình đạt tới nền tảng bao nhiêu thì mình mới có thể đến chỗ nào đó được, vì chẳng bắt buộc thân tâm phải qua lại.
Mà chúng sanh cứ bắt buộc thân tâm nó cứ chạy qua chạy lại. Đây ngồi đây chút nó chạy, ngồi đây chút nó chạy vô phòng, chạy ra bàn ăn, bắt buộc thân tâm phải qua lại. Còn đây là nếu từ chỗ không nắm, không lấy bỏ mà đến, thì chẳng bắt buộc thân tâm phải qua lại. ‘Từ chỗ phương tiện, trí huệ mà đến vì tùy thuận tất cả chúng sanh’, Trí huệ nó sanh ra cái phương tiện cho nên từ cái chỗ đó, từ Trí huệ mà có phương tiện đó đó, vì tùy thuận tất cả chúng sanh. Bởi vì mình nói với ông này mình nói khác, chứ không phải Trí huệ là cứ ông nào cũng qua là tụng cho ông bài Bát nhã là xong đâu, mỗi người mỗi khác. Thì tùy thuận chúng sanh, đó là Trí huệ đó là trí huệ phương tiện, trí huệ đó có phương tiện, cũng giống như anh thông minh đó, thì anh có cái phương tiện, cách xử lý của anh đối với từng vấn đề một. Thông minh là trí huệ, nhưng mà cách xử lý đó là phương tiện, phương tiện của cái Trí huệ đó.
Chứ không phải là mình cứ ông kỹ sư nấu kim khí, thì cái gì ông ấy cũng đòi đem lên đi nấu hết đó. Đó, kỹ sư gì đó, cái gì ông cũng đòi đem đi nấu chảy lỏng ra hết đó, không có phương tiện.
Di Lặc Bồ tát nói, ‘Này thiện nam tử, Bồ tát có mười thứ sanh xứ’, sanh xứ là cái chỗ sanh đó. ‘Bồ đề tâm là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh ra Bồ tát’, anh có Bồ đề tâm thì chính Bồ đề tâm nó sanh là cái nhà để anh sanh anh ra, nó bao bọc cho anh vậy, chứ không phải anh sanh ra trong nhà một vị nào đó hay một người nào đó đâu, mà Bồ đề tâm đó chính là cái khiến mình sanh ra trong cái nhà Bồ đề tâm đó. Nếu như Bồ đề tâm đủ, mình đủ mạnh, đủ có năng lực thì nó sanh, mình sẽ sanh ra trong đó. ‘Thâm tâm là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh Thiện tri thức’, các địa, mấy chục địa của đại thừa đó là chỗ sanh của Bồ tát, vì là nhà sanh các Môn Ba la mật, nên nhớ các địa là nó đi liền với các Môn Ba la mật. Anh có Ba la mật đó thì anh mới vô địa này, anh có Ba la mật kia thì anh mới vô địa kia, chứ không phải một mình ‘Lòng bi’ thôi đâu, hoặc là một mình ‘Trí huệ’ thôi đâu.
Các Ba la mật là gì? là hành động trí, bi và hành động nữa, chứ không phải trí, bi mà ngồi nói miệng không, cứ tụng Chú Đại Bi miết mà không có hành động gì, thì không phải là Ba la mật được. ‘Đại nguyện là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh ra diệu hạnh’ - từ cái đại nguyện của mình là cái chỗ sanh của Bồ tát vì đó là cái nhà mà sanh ra tất cả những cái hạnh kỳ diệu của mình.
Có nhiều người ham lắm, cứ nghĩ là mình cứ tu lên Thầy tu, tu chập rồi bao nhiêu năm rồi lên ông Thượng tọa, rồi lâu gần chết rồi tu thành ra Hòa thượng, không phải. Chính là cái đại nguyện của mình, mình phải lật ngược thế gian lại, chính cái đại nguyện của mình nó cho mình cái địa vị trong đời này. Chứ không phải đi kiếm địa vị đâu. ‘Đại nguyện là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh ra diệu hạnh’ - đối với một vị mà tu hành là cái địa vị của người đó là do cái đại nguyện của người đó và do những cái tu hành công đức của người đó mà nó ra, …bởi vì trong này đâu có tu hành thi cử gì đâu, mà có bằng, nó không có thi cử gì hết đó.
‘Quán sát đúng lý là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh Bát nhã Ba la mật’ - Bát nhã Ba la mật là trí huệ Ba la mật, Trí huệ Ba la mật là trí với tánh Không. ‘Quán sát đúng lý’ - quán sát đúng với lý, thì nó mới lòi ra cái tánh Không được, sắc tức là Không, mà mình cứ thấy sắc tức là Có không à, đó là quán sát không đúng lý, thì nó không phải là Bát nhã Ba la mật – đơn giản một điều vậy thôi.
‘Đại thừa là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh phương tiện thiện xảo. Giáo hóa chúng sanh là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh Chư Phật’, kinh khủng không. Thành ra anh không thể nào mà anh không đi con đường này, anh muốn thành Phật, anh không thể nào anh từ bỏ cái chuyện giáo hóa chúng sanh được. Anh giáo hóa càng nhiều thì anh càng lên những bậc cao. Thành ra giáo hóa chúng sanh là sanh xứ của Bồ tát, là chỗ sanh của Bồ tát, vì đó, cái sự giáo hóa chúng sanh đó là nhà sanh ra cả Chư Phật rồi, thành ra không thể tránh được cái chuyện này. Anh phải giáo hóa chúng sanh, mà muốn giáo hóa chúng sanh là sao, anh phải học. Văn là nghe học, Tư là tư duy cho nó cặn kẽ, rồi Tu là thực hành. Tất cả Phật giáo chỉ có vậy thôi.
‘Tu hành tất cả Pháp là sanh xứ của Bồ tát vì là nhà sanh tất cả Như lai trong ba đời’ - tu hành tất cả Pháp là tu hành tất cả các Phật Pháp. Không phải nhẫn Ba la mật thôi mà đủ hết tất cả các Phật Pháp, có cái gì là tu hết đó, thì đó là cái chỗ sanh, bởi vì đó là nhà sanh ra Chư Phật ba đời. Ba đời Chư Phật đều là từ cái chỗ thực hành tất cả các Phật Pháp.
Đó, trong này nó nói rất rõ ràng, thành ra mình phải thực hành thôi. ‘Này Thiện nam tử, Đại Bồ tát dùng Bát nhã Ba la mật làm mẹ’ - Bát nhã Ba la mật là Trí huệ, tánh Không là mẹ. ‘Phương tiện thiện xảo làm cha’ - nói “không không” cũng không được nữa.
Đó là mới mẹ thôi. Phương tiện thiện xảo là tánh Không, nhưng mà anh giảng cho người ta nó vừa tầm người ta, chứ mình giảng quá thành ra nó chạy đâu mất. ‘Phương tiện thiện xảo làm cha, Bố thí ba la mật là nhũ mẫu’, bố thí là nhũ mẫu là cái người nuôi dưỡng mình.
‘Giới ba la mật làm dưỡng mẫu, nhẫn Ba la mật làm đồ trang nghiêm’ - với một vị Bồ tát là trang nghiêm, trang nghiêm của họ không phải là đeo xâu chuỗi đâu, mà chính là cái nhẫn đó, đó mới là trang nghiêm. Là cái công đức, mà công đức thì nhiều khi không thấy được. Nó chỉ thấy là cái khi mình mà vô ở một cái thất nào đó, gọi là lâu các của nó, thì lúc đó nó mới xuất hiện những cái đồ trang nghiêm của nhẫn Ba la mật trong bao nhiêu kiếp, ‘Tinh tấn Ba la mật làm ông già dưỡng dục, thiền Ba la mật làm người rửa giặt’- thiền định là nó rửa giặt cho mình, cho nó sạch ra. Và một cái thiền Ba la mật không đủ, còn phải cái người nuôi dưỡng đồ này nọ nữa.
‘Tất cả thiện tri thức làm Thầy dạy, tất cả phần bồ đề làm bạn.’ - Bồ đề là Thầy nói 37 phẩm Bồ đề đó, 37 phẩm trợ đạo đó, làm bạn. ‘Tất cả pháp lành làm quyến thuộc, tất cả Bồ tát làm huynh đệ, Bồ đề tâm làm nhà, tu hành đúng lý làm gia pháp, các địa làm gia xứ, các nhẫn làm gia tộc, đại nguyện làm gia giáo’ - ví dụ như mình nói người đó con nhà gia giáo, – thì chính là cái đại nguyện đó làm gia giáo, không có đại nguyện thì mình không có ở gia giáo của Phật được, gia giáo của Bồ tát được. ‘Đại nguyện làm gia giáo, đầy đủ các hạnh làm thuận gia pháp’ - nhà nào, gia đình nào cũng có cái gia pháp của họ, cũng có cái gọi là tông phong của họ. Thì cái tông phong của Bồ tát là gì, là đầy đủ các hạnh, đó, khuyên pháp đại thừa làm nối gia nghiệp’ - gia đình nào không muốn nối tiếp cái gia nghiệp, sự nghiệp của gia đình mình, nhưng mà muốn nối tiếp thì phải phát đại thừa, khuyên phát cho người khác. Gia nghiệp nó là vậy đó.
‘Bồ tát siêu phàm phu địa, nhập Bồ tát vị sanh nhà Như lai, trụ chủng tánh Phật như vậy, có thể tu các hạnh chẳng dứt Tam bảo, khéo giữ được chủng tộc Bồ tát’ - Bồ tát là một chủng tộc, nó có cái gene trong đó, có cái gene Bồ đề tâm mới là chủng tộc Bồ tát được. Chứ còn không thôi là mình… không phải là chủng tộc. ‘Tịnh Bồ tát chúng chỗ sanh tôn thắng không lỗi ác tất cả thế gian, Thiên nhơn, Ma phạm, Sa môn, Bà la môn cung kính ngợi khen’, ‘Đại Bồ tát sanh nhà tôn thắng như vậy rồi, vì biết tất cả Pháp như ảnh tượng, nên đối với thế gian không ghét chê’ - như ảnh tượng là như bóng trong gương vậy đó, thấy thế gian như bóng trong gương, nên đối với thế gian cũng không ghét không chê. ‘Vì biết tất cả pháp như biến hóa nên không nhiễm trước các cõi hữu lậu. ‘Vì biết tất cả không có ngã, nên giáo hóa chúng sanh lòng không nhàm mõi’, mình thấy đứa nào có ngã là mình thấy mệt mõi với nó lắm. Còn nếu nó không có ngã thì họa may mình mới chịu đựng nổi nó, từng câu một nó là vậy, tu hành phải vậy đó.
Mà nhiều khi một câu vậy, mà nhiều khi mình làm cả mấy năm chứ không ít đâu. ‘Vì dùng đại từ bi làm thể tánh nên nhiếp thọ chúng sanh chẳng biết lao khổ, rồi vì liễu đạt sanh tử dường như mộng, nên trải qua tất cả kiếp mà không kinh sợ’ - … dùng đại bi làm thể tánh, nên nhiếp thọ chúng sanh chẳng biết lao khổ, rồi vì liễu đạt sanh tử dường như mộng nên trải qua tất cả kiếp mà không kinh sợ’ - như ngày hôm qua Thầy nói đó, cái vị đó mới là đi vào sanh tử được, bởi vì biết sanh tử là như huyễn như mộng thôi, đó, ví dụ như bây giờ đơn giản, mình đọc mỗi sáng mình thường hay tụng đó, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập là ngũ trược ác thế thề vào trước, mà nếu mình thật sự thấy đó là ngũ trược ác thế, thì mình vô đó là mình phải điên thôi. Nhưng người ta thấy ngũ trược ác thế là như huyễn, như mộng, người ta mới vô được.
Thành ra, bởi vậy cho nên là ở cái tâm của Bồ tát là Trí huệ và Đại bi, chứ thiệt sự ra là đứng thế gian mình thấy một vị Bồ tát họ hy sinh nhiều lắm. Nhưng mà đó là cái tâm thế gian nhìn, chứ vị đó thấy như huyễn, như mộng. Vì chúng sanh nhưng mà vì chúng sanh đó như huyễn, như mộng, chứ không phải là, mình cứ cho là mình hy sinh vì chúng sanh là ngon đâu. Nói vậy thì mấy ông ngoài chiến trường, nhiều khi ổng ôm cả trái bom, ổng nhảy vô trong lô cốt nổ tanh banh hết, thắng trận luôn. Ổng hy sinh còn hơn mình nữa.
Nhưng mà Bồ tát là hy sinh, đại bi nhưng mà thấy như huyễn như mộng, đó là giữa đại bi và trí huệ đó mới hợp nhất đó. ‘Lấy đại từ bi làm thể tánh, nhưng mà liễu đạt sanh tử dường như mộng nên trải qua tất cả kiếp mà không e sợ’ - mới nghe nói là ông ấy 3 kiếp nữa cực khổ như vậy đi, là hết hồn hết vía, tháo mồ hôi rồi. Thành ra người ta hy sinh, nhưng mà thiệt sự ra là anh thấy như huyễn như mộng cho nên không hy sinh, không khổ như mình nghĩ.
Trong khi vị đó họ hy sinh được là bởi vì họ thấy như huyễn thôi. Thành ra cái trí huệ phải đi với đại bi chứ không thôi là nó sẽ gây cảm xúc. Thấy một các vị họ hy sinh vì tất cả nhân loại này mà ai không cảm xúc. Nhưng mà mình phải coi bằng cặp mặt trí huệ, họ có thật sự hy sinh hay không, bởi vì họ ở cái chỗ bất động là thì họ đâu có hy sinh. Thành ra, nếu như mà mình đi vào cái đại bi mà bằng cảm xúc không mà mình không có trí huệ, mình tưởng là thấy cảm xúc lắm. Những vị thánh họ khổ quá đi, cảm xúc lắm, nhưng mà họ chính họ không thấy khổ, bởi vì họ chỉ thấy đó là như huyễn, như mộng thôi.
‘Vì biết rõ các uẩn đều như huyễn nên thị hiện thọ sanh mà không nhàm mõi. Đó ví dụ như ngày hôm qua cô Nghĩa cô nói là cái vị Bồ tát là tiền thân của Đức Phật đó, chặt tay chặt chân cho con chim gì đó. Nếu như mình thấy đó là thật, thì không phải. Bởi vì làm cái đó nhiều thằng liều nó cũng làm được nữa. Chơi xì ke với lại chơi ngáo đá, cũng liều lắm chớ đâu phải giỡn chơi. Nhưng mà đối với một vị như vậy, nó không thật. Sự hy sinh của họ không thật, như trong một giấc mộng mà hy sinh thôi, họ mới hy sinh được. Và do đó là cả trí huệ và đại bi nó đi với nhau, chứ không phải đại bi là cả ngày khóc lóc vì chúng sanh đâu. Là mình cảm xúc nhiều quá. Thì khoa học bây giờ nói con người có hai thứ thông minh, thông minh lý tính và thông minh cảm xúc. Nhưng đồng thời mình cũng có một trí thông minh kia nữa. Trí thông minh biết phân biệt, biết biện luận này nọ nữa. Hai trí, một bên là trí thông minh cảm xúc là từ bi, một bên kia là trí thông minh biết biện luận, biết phân tích là trí huệ. Hai cái đó nó đi với nhau, chứ nghiêng nặng về một bên thì cũng sẽ thiếu.
‘Vì đạt tất cả pháp đều như huyễn nên vào cảnh giới mà chẳng sanh nhiễm trước’ - biết như huyễn mới dám đời ác năm trược thề vào trước chớ, mà đời ác năm trược này mà nó không huyễn là mình vô mình chết liền, anh nói vậy chớ bây giờ mình ngon vậy chớ, chớ mình có dám chơi vô với cái đám trộm cắp, đám xì ke đó không, ở đó với nó độ khoảng một năm là mình cũng chết tươi rồi, đó, tự tử liền.
‘Vì đạt tất cả pháp đều như huyễn nên vào cảnh giới mà chẳng sanh nhiễm trước, vì biết pháp thân nên tất cả phiền não chẳng khi dối được’ - vì biết pháp thân của mình, đó là những bậc Bồ tát pháp thân, cho nên tất cả phiền não nó cũng chẳng làm ăn gì được với mình hết. Pháp thân là nó không có phiền não cho nên mình biết nó phần nào, thì cái phiền não đó mình vô hiệu hóa nó. Bởi vì không lấy, không bỏ thì lấy đâu mà phiền não. Không lấy không bỏ. Một người thấy ‘cái một vị’ là họ thấy họ là tất cả là vậy đó, không lấy gì và cũng không bỏ gì.
‘Này thiện nam tử, thân ta sanh khắp tất cả pháp giới đồng sắc tướng sai biệt với tất cả chúng sanh’ - đồng sắc tướng sai biệt với tất cả chúng sanh có nghĩa là ông là tất cả chúng sanh rồi, vị này là tất cả chúng sanh rồi. ‘Đồng ngôn âm sai khác với tất cả chúng sanh’, mình mà nghe thằng nào chửi thề là mình bực mình rồi nhưng mà vị đó đồng ngôn âm sai khác. Cái lời của thằng chửi thề đó cũng là lời nói của ổng đó, mình không thể tưởng tượng được nữa. Đó mới gọi là hòa tan, hòa tan tới mức cực độ đó. Chứ không phải là cứ thấy nó chửi thề, là mình nói à mày thế này thế nọ đâu. Đồng ngôn âm sai khác với tất cả chúng sanh, thằng nào nói dối cũng là mình nói đó, kinh khủng không. Mà đời này thiếu gì người nói dối, trong kinh tế, trong xã hội, trong đủ thứ hết, mà mình đồng ngôn âm sai khác với tất cả chúng sanh, đồng những danh hiệu với tất cả chúng sanh. Đồng danh hiệu với tất cả chúng sanh, mấy vị tên gì thì ngài Đức Di lặc cũng tên đó thôi, đúng không. Chứ không phải là Di Lặc nữa rồi. Bởi vì lúc đó mới thật là Từ Thị đó. Cái lòng từ nó thấm nhuần khắp, cho nên ông nào tên gì thì tôi cũng tên đó, chứ không phải tên tôi là khác với tên mấy ông đâu. Cái khi, thành ra ngày hôm qua Thầy nói: Lòng từ vô duyên, lòng từ vô duyên là vậy đó. Khi mà nó không do…vô duyên là không do một duyên cớ nào hết. Thì khi mà anh đạt tới cái lòng từ thì tên của ai cũng là tên mình, bởi vì lòng từ đó thấm khắp hết. Một vị Phật là vậy đó.
‘Đồng những danh hiệu với tất cả chúng sanh’ - nếu chúng sanh là thằng ăn trộm thì mình cũng là thằng ăn trộm, đồng danh hiệu mà, chứ đâu phải là chúng sanh là làm cái ông thủ tướng rồi mình mới làm Thủ Tướng đâu. Mà chúng sanh là thằng ăn trộm thì mình cũng là thằng ăn trộm, bởi vì lúc đó là đồng một pháp tánh, nghe đó kinh khủng lắm. Chứ mình mà nghe nói đồng với danh hiệu với tất cả chúng sanh, thì ông nào đạt giải Nobel thì tôi thấy đồng với ông đó, thì tôi thấy khoái lắm. Ông nào đạt Nobel vật lý vậy, mà đồng danh hiệu với ổng là mình khoái lắm. Nhưng mà đồng danh hiệu với tất cả chúng sanh có nghĩa là những anh nào đang là…con chó, con mèo gì đó, nó là con chó, mình cũng phải đồng danh hiệu với nó, bởi vì lúc đó lòng từ bi, trí huệ là nó thấm khắp rồi, nó đồng hết rồi, kinh khủng không?
Giờ ai chỉ mình nói, ông sao mặt ông giống chó như vậy, mình nổi điên lên liền, mất ăn mất ngủ liền. Còn bây giờ đồng với tất cả chúng sanh là vậy, đồng danh hiệu. ‘Đồng những cử chỉ, sở thích của tất cả những chúng sanh để tùy thuận thế gian giáo hóa điều phục’, mình thấy thằng cha đó cái tướng mặt nó lấc cấc, lấc cấc lắm, mình làm sao mà mình đồng một cử chỉ với dáng điệu với nó được. Nhưng mà một vị là họ đồng một cử chỉ, dáng điệu. Cô là đàn bà, thì vị đó cũng là thành đàn bà như cô, kinh khủng quá. Mà như vậy mới là Phật, đó mới là pháp thân Phân nó trùm khắp tất cả.
‘Thị hiện thọ sanh đồng với tất cả chúng sanh thanh tịnh. Những sự nghiệp làm ra đồng với tất cả phàm phu chúng sanh’ - bây giờ Thầy nói những sự nghiệp ra tôi viết hai ba cuốn sách chẳng hạn, mà sự nghiệp đó đồng với tất cả phàm phu chúng sanh, mình có chịu nổi hay không. Cái của tôi là cao cấp, còn sự nghiệp của mấy người chỉ là bán rau muống thôi, mà bây giờ nói là đồng với nó, chịu nổi không. Phàm thánh đồng nhau, thì đó là một vị như vậy đó.
Chứ không thôi mình sẽ khổ, kinh khủng lắm. ‘Đồng với tâm tưởng của tất cả chúng sanh, đồng thệ nguyện với tất cả Bồ tát mà hiện thân hình đầy khắp pháp giới’ - đồng với tâm tưởng với tất cả chúng sanh, tâm tưởng đó là tâm tưởng bất tịnh nhiều lắm, vậy mà mình phải đồng với nó, quái không. Tâm tưởng thằng kia nó định đi ăn trộm nhà kia thấy nhà đó…, mình phải đồng với tâm tưởng với tất cả chúng sanh. Chứ mình thường thường, mình cứ muốn giữ cái tâm tưởng mình thanh tịnh một cõi riêng của mình thôi, chớ khi là mình…đó đơn giản là đạt tới bản tánh của tâm đó, là “Tâm Phật Chúng sanh, cả ba không sai khác” là vậy đó.
Mình phải đồng với chúng sanh là bởi vì đồng ‘Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba không sai khác’. Chớ còn mình bây giờ mình đâu có chịu đồng với mấy thằng kém hơn mình đâu, thành ra là vậy đó. Lên tới những cái mức đó mình gọi là không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghì rồi.
Đời này làm chưa được nhưng mà phải phát nguyện sao đời nào làm được mấy chuyện này, phải đồng, đồng một sự nghiệp với tất cả chúng sanh. Tôi là người giảng thuyết, người … này nọ, mà bây giờ tôi cũng phải bắt là đồng sự nghiệp với đứa ăn trộm, có được hay không, mà phải đồng. Chớ không thôi còn khổ, nếu tôi không thấy đồng, tôi sẽ còn khổ, bởi vì ở đời này ăn trộm nó cũng nhiều lắm, giết người nó cũng nhiều lắm. Mà cái hạnh, cái cuộc đời của tôi là để làm cho người ta thương yêu nhau mà bây giờ nói… tôi đồng với đứa mà sự nghiệp ăn cướp, giết người, chịu đâu có nổi.
Nhẫn này là nhẫn quái gì mà phải nhẫn được thôi. Rồi thôi bây giờ chừng đó thôi. Bây giờ mỗi người hỏi rồi bàn đi, thấy nãy giờ có tâm đắc cái gì không, rồi bàn. Nãy giờ nghe Thầy nói nhiều lắm mà cứ nhìn thầy, thì bây giờ bàn đi hoặc là hỏi người nào đó. Trước hết là vậy đó, mình phải tụng kinh là mình phải tụng và nhớ, mà tụng chưa nhớ thì phải…Thầy nói vậy đó, ở đây rất là uổng, bởi vì là Thầy cho tụng tất cả các kinh. Thứ nhất kinh Đại Bát Niết Bàn tụng rồi, kinh Hoa Nghiêm tụng rồi, kinh Đại Bát Nhã tụng rồi, kinh nào cũng tụng rồi hết, kinh Duy Ma Cật cũng tụng rồi. Tất cả tụng nhiều lắm, nghĩa là tất cả bộ môn bộ phái gì của Phật giáo là có trong đó hết. Vậy mà nhiều khi mình không suy nghĩ, mình không có thực hành theo, thành ra mình…uổng lắm. Thành ra tụng rồi mình phải sao đó, mình mở ra mình coi mà mình thấy mình cũng thích, mà nó chưa nhớ được thì xin Thầy cho tụng nữa. Nên nội cái bốn bữa nay thôi, mình cứ tụng đi tụng lại, chứ không phải là nhân dịp vía của Đức Di Lặc, mình mới làm đâu. Thì mình mới hiểu rõ lần lần, lần lần. Bồ tát hạnh là gì, Bồ đề tâm là gì. Chứ còn mình đọc vậy mình không hiểu đâu, mình đọc qua một lần mình không hiểu đâu. Rồi mình, bữa nào đó mình ra mình gặp đứa nào đó nó chỉ mặt, nó chửi mình thì lúc đó mình mới biết mình Bồ đề tâm nhiều hay ít. Mình có sống trong Bồ đề tâm hay không.
Lượng: Dạ, thưa Thầy trong cái kinh hôm nay đọc con thấy thích cái phần mà như mộng, như huyễn đó Thầy. Con thấy những các vị Bồ Tát, thì chính vì cái thấy như mộng như huyễn cho nên cái độ dũng mãnh đi vào sanh tử rồi tới Niết bàn, chúng sanh, con rất là thích cái phần đó, mong Thầy giải thích thêm.
Thầy: Thì như mộng như huyễn là cái thấy trí huệ. Kinh Kim Cương, là cuối cùng kết thúc của kinh Kim Cương là gì, “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt ảnh, như sương, như điện chớp, hãy quán thấy như vậy”. Kinh Kim Cương là nói về trí huệ, bát nhã. Bởi vì đơn giản như ngày hôm qua anh nói vô trụ, vô trụ đó. Vô trụ là anh phải thấy anh vô trụ thì anh thấy như huyễn. Mà anh thấy như huyễn thì anh vô trụ. Đơn giản vậy thôi.
Hải: Thầy cho con hỏi: Cái thấy của chúng sanh đó Thầy. Khi mà thấy hình tướng thì chấp thật, chính vì thế mà thấy nó mất đi cái như huyễn.
Thầy: Mất đi cái gì?
Hải: Trong cái nghiệp của chúng sanh, mình thấy theo cái nghiệp, tức là thấy cái gì là thiệt cái đó, chấp cái đối tượng đó, cho nên là rất mệt mỏi. Những hình tướng nó một ngày nó lưu rất nhiều hình tướng vô cái nghiệp, cái tâm đó Thầy, cho nên thấy là khó mà thấy như huyễn như mộng.
Thầy: Rồi bây giờ ông nào trả lời. Trả lời làm sao ông kia nói các hình tướng mà lưu vô là rất mệt mỏi. Bây giờ làm sao?
Bình: Dạ, kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng. Thì thật sự ra là quan trọng là mình có muốn thấy hay không. Mình theo tập nghiệp mà mình thích thấy là nó thiệt đó. Chứ mình đâu thích thấy như huyễn đâu.
Thầy: Nhưng mà tại sao nó như huyễn. Anh phải tư duy, để anh thấy tại sao nó như huyễn. Cái này là kinh điển nói nhiều lắm, chứ không không là dụ mình, thôi miên mình hoặc là gì đó, cho mình một khẩu hiệu.
Phật giáo là không có cho mình một khẩu hiệu là như huyễn, thì anh cứ lo anh như huyễn đâu, không phải. Lý luận đàng hoàng, tư duy nó. Văn là nghe như huyễn, nhưng mà mình phải tư duy tại sao nó như huyễn. Nói tánh không là mới có văn thôi, tư duy tại sao nó Không. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, thọ tưởng hành thức, cũng lại như vậy. Anh phải tư duy nó, chứ còn nó đâu có chấp nhận cho cái chuyện là mình đâu phải như là một cái gì đó để đi gọi là quảng cáo cho nó, tuyên truyền cho nó, rồi bắt nó, chặp nó tin đâu. Anh phải tư duy, tại sao lại như huyễn, đó. Thành ra tu hành là vậy đó.
Lượng: Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng. Câu hỏi của Hải đó Thầy, con cũng suy nghĩ. Thì bây giờ con hỏi Hải: Bây giờ Hải có thấy mệt mỏi không? bây giờ Hải trải qua Hải có thấy mệt mỏi không? Không thấy mệt mỏi đúng không, thì chứng tỏ là hồi lúc mà Hải thấy mệt mỏi đến bây giờ Hải không thấy mệt mỏi thì nó đã triệt tiêu rồi. Thì bởi vậy cho nên tất cả các hình tướng mà nó xuất hiện mà mình dùng cái tâm mệt mỏi mình đối trị nó thì ngay đó nó cũng tiêu diệt đi. Ngay cái sự mệt mỏi nó cũng mất đi, bởi vì nó sẽ tiêu diệt và nó không còn nữa. Cho nên cái sanh ra và nó diệt đi là huyễn. Thì mình ở trong cái sự quan sát nó, mọi thứ là mộng huyễn hết. Cho nên, mình ở trong cái sự quan sát thì mình thấy rằng, sự mệt mỏi của mình chẳng qua cũng là mộng huyễn luôn.
Thầy: Rồi đó là một cách trả lời. Đó rồi còn…Trường.
Trường: Thưa Thầy, thưa đại chúng, con nghĩ là các hình tướng là do duyên mà sanh ra. Hết duyên thì nó lại tan đi. Cho nên là quán kỹ nhân duyên của nó thì nó lại các nhân duyên đến thì nó tụ họp. Hết nhân duyên thì nó tan đi. Chính vì vậy cho nên là nó không thực, nó cứ đến rồi đi, đến rồi đi, dựa trên một cái nền tảng như Thầy nói đó. Thì chính vì con thấy điều đó nên là nó không có tác động được gì đến mình, cho nên là mình sẽ thấy không mệt mỏi, con xin hết.
Thầy: Đó chỉ là Văn Tư Tu ở cái mức độ của mình, chứ còn lên tới những mức độ cao hơn nữa, mình phải nên nhớ vậy đó. Đó là chỉ là mới bài học căn bản thôi. Rồi ngày nào mà mình lên ở mức độ cao hơn nữa, mình sẽ hiểu đó là sao, tại sao như mộng như huyễn. Thành ra bữa trước ở đây có người thì nói là như huyễn, rồi có người ở Cần Thơ lên cãi là như thực, như thị. Thì đó là hai người cũng không giải quyết được là bởi vì mình không tư duy, mình không thực hành. Đạo Phật là vậy đó, trong đó nó dung hòa được, nó dung chứa được tất cả mọi cái mâu thuẫn của đời.
Thường với vô thường là hai cái mâu thuẫn đó dung chứa được. Tất cả những mâu thuẫn, hữu hạn và vô hạn là hai cái mâu thuẫn mà nó dung chứa được. Đã gọi là hữu hạn thì không có vô hạn, mà vô hạn thì không có hữu hạn, nó dung chứa được. Thành ra là mình phải thực hành lần lần, lần lần mình mới thấy cái hay của nó. Và mình biết là không có cách gì mà thế giới này có thể giải quyết được cái vấn đề này hết.
Cô V.T: Dạ, Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng, thì con thấy cái hồi nãy huynh Hải nói là: Tại sao mình lại chấp thật. Là con thấy là nhiều khi do mình có cái điểm quy chiếu mình tụ lại, nên những cái đó nó mới tích vào mình, chứ thật sự ra, những mọi sự vật xung quanh mình nó chỉ diễn ra một cách rất là tự nhiên. Nó đến rồi nó đi một cách rất là bình thường. Đôi khi những cái phiền não, suy nghĩ của mình nó cũng vậy. Nó đến với mình, thì rồi một lúc sau nó cũng tự nó tiêu tan mất tiêu hết trơn, nhưng mà do mình tự bám nắm mình, suy nghĩ vô, rồi mình thêm những cái duyên nữa, tự mình tích tập thêm nữa, thì thành ra mình bám níu vào nó, nên thành ra mình mới có những cái phiền não. Mình mới thấy, à đây, cái này là của tôi nè, cái kia là tôi và của tôi, nên thành ra mình mới cho nó là sự thật. Và mình thấy mình đau khổ cũng chính vì cái đó. Nên thành ra mình ít – ít đi những cái sự quy chiếu về chính bản thân mình, thì mình sẽ cảm giác được mình có một cái sự tự do. Cái tự do đó, nó sẽ làm cho con người mình nó luôn luôn tươi mới, mỗi ngày mỗi mới. Dạ, con hết.
Thầy: Hay! Vỗ tay. Gọi là đồng thì phải vỗ tay mới đồng được.
Trường NH: Dạ thưa Thầy và thưa đại chúng. Thì con có kinh nghiệm bản thân con, con thấy như huyễn là như thế này Thầy.
Lúc trước mà con mới ra trường, thì con thấy con trẻ mà phơi phới, bây giờ con nhìn cái mặt con lạ lắm. Con thấy là con già tóc bạc, nhiều sức khỏe nó xuống nữa. Thật ra cái này, Trường trước đây nó không có thật. Nếu mà nó thật thì nó còn giữ lại. Thì tự nhiên mình thấy là cái này thật ra do mình bám, mình bám chấp vô cái đối tượng…có thằng Trường, thì tự nhiên mình thấy là nó thật. Thành ra mình tự nhiên mình sẽ khổ theo nó, tại vì nó bậy dữ lắm. Nên bây giờ mình thấy là thằng Trường này, nó cũng già đi, chắc chắn là thời gian bắt đầu sẽ… đi nữa. Thì thật ra là, những cái mà mình đưa vô cái có mình trong đó, thì tự nhiên mình sẽ thấy cuộc đời nó rối ren lắm. …Mà mình hay tụng về pháp giới đây này, thanh tịnh nhập vô toàn bộ đó. Mình thấy mình đồng với ai cũng được, đồng với Cô HL, hay là Cô VT hay là chỗ chị Hương đi, thì tự nhiên nó khỏe, nhẹ nhàng ra. Thì mình cứ tin, trước là mình tin vậy đó.
Thầy: Hay luôn.
Trường: Thật ra đâu có gì là thật đâu, khoảnh khắc mà con tụng kinh lúc sáng lúc 4 giờ đó, tới bây giờ con không lấy lại được. Cái đó là con thấy như quán như huyễn là vậy đó.
Thầy: Thì đó, đó là một cái pháp tu hành. Bởi vì nó phải như vậy thôi. Còn không thôi nó sẽ khổ. Đơn giản là nó sẽ khổ.
Cô VT: Dạ thưa Thầy, thưa đại chúng, thì con thấy, với trong những buổi giảng vừa qua, Thầy có nói Bồ đề tâm chính là làm cho người khác vui lòng thôi thưa Thầy. Mà con thấy đó chính là cái sự ứng dụng trong cuộc sống mình là làm người khác vui lòng là như thế nào, thì con chỉ dám lấy ví dụ điển hình là con thôi.
Ví dụ như đôi khi mình làm việc chung với đại chúng, mà đôi khi có những cái va chạm, tại vì mình làm chung với người khác là cái tôi này đụng cái tôi kia thì thế nào cũng phải va chạm thôi. Nhưng mà mình làm sao, làm sao để mà mình có thể làm gương người khác mà cũng phải vui mình. Tại gì nếu mình mà không làm vui mình, mà mình chỉ làm vui người khác, sẽ đến một lúc nào đó, mình sẽ cảm giác mệt mỏi. Và chính những mệt mỏi đó, nó sẽ sanh một cái nội kết. Nội kết đó mà không giải quyết thì nó bùng ra một cái là thôi, banh luôn, không còn cứu chữa, không còn vá gì lại được hết.
Thì ở đây, thì Viên Từ thấy là nhiều khi mình có những va chạm như vậy thì mình…trong cuộc sống hằng ngày, khi mà mình nghe Thầy giảng, hoặc gì đó… phải móc vô được một cái gì đó, chính cái đó nó là cái phao cứu sinh cho mình. Cái phao đó nó sẽ giữ vững cho mình trên cái con đường, trên một cái đại dương mênh mông. Mình nhiều khi có những lúc mình cũng sẽ bị lạc lõng, mình không biết phương hướng luôn. Thì cái đó giống như là một cái la bàn, để cho mình định hướng mình lại trong một cái sự rối ren đó. Nó sẽ định hướng cho mình lại, đúng với cái nơi mà cái giây phút mà mình bị lạc lõng. Tự nhiên mình nhớ lại cái gì mình đang thực hành đó, thì tự nhiên nó sẽ vớt mình lên.
Với lại con thấy, khi mà mình làm người khác vui, nó cũng mang lại một cái sự là tùy hỷ. Chính cái tâm tùy hỷ đó, ngay lúc đó nó sẽ là một cái sự hoan hỉ rất là vui luôn. Con hết ạ.
Nam: Thầy cho con hỏi một cái được không ạ.
Thầy: Rồi, hỏi.
Nam: Tại hồi nãy Thầy giảng con thấy chới với quá Thầy.
Thầy: Đạo Phật mà ông chới với hả
Nam: Con thấy sao thấy kỳ kỳ, con nhớ Thầy dạy có cái là mình phân biệt trên cái vô phân biệt đó Thầy. Tức là ví dụ như trong đời sống hằng ngày đi. Thì mình mặc dù mình biết là mình có cái nền tảng vô phân biệt, mà mình cũng phải phân biệt là nên làm chuyện này, nên làm chuyện này có lợi ích cho người này người kia. Nhưng mà khi Thầy giảng nãy là mình như huyễn là mình đồng với tất cả những cái xấu luôn đó Thầy. Đó thì con thấy con cái chỗ đó thấy kỳ kỳ.
Thầy: Đơn giản bởi vì ông là một cái gì khi mà ông đã trở thành tất cả rồi thì ông, thì ông là tất cả, ông nhiếp hết tất cả những phần tử trong đó, bất kể xấu tốt. Cái vòng tròn như vậy thì nó gồm tất cả mọi điểm trong đó hết. Trong đó có những điểm dơ, chớ đâu phải có những điểm sạch hết đâu.
Nam: Mà lúc đó, ví dụ như mình cũng sẽ xử lý những cái đen đó đi chứ Thầy. Nhưng mà nếu mình đồng luôn thì nó đen xì lên hết sao Thầy.
Thầy: Không phải, ông không hiểu chữ đồng, chính cái nền tảng nó đồng, Nếu như ông nói đồng thôi thì làm hạnh Bồ tát làm chi nữa, phải không. Vô ngủ cho rồi. Cái nền tảng là đồng nhưng mà anh vẫn phải làm việc Bồ tát, chứ anh nói đồng thì thằng ngu cũng giống như thằng trí, vậy thôi cần gì phải làm việc nữa. Mà anh phải đổi ngu để cho thành trí.
Cô Nghĩa: Dạ thưa Thầy, con xin nói cái vụ mà bạn Nam thắc mắc đó Thầy. Theo con nghĩ là tất cả đều cùng một cái nền tảng là tánh thấy, tánh biết của mình đó. Nhưng mà cái nhìn con vật, thì bây giờ Đức Phật là Bồ tát ngày xưa thì cũng hiện thân thành những con Nai, con vật gì đó, để lãnh đạo, để độ những con đó. Tức là tất cả những con vật đó, các Đức Phật đều hiện thành, các Bồ tát đều hiện thành. Tức là bây giờ Ngài muốn thành hình nào, thì Ngài hiện thành hình đó. Giống như Quán Thế Âm vậy đó. Thì bây giờ cái thằng xì ke đi, bây giờ Quán Thế âm muốn độ nó thì Quán Thế Âm cũng thành một cái vị đồng sự với nó, thì ngang bằng như vậy thì mới độ nó được. Thì bởi vậy họ nói rằng, cái gì Ngài cũng đồng – bằng hết để mà sao, để mà nâng đỡ những người đó lên. Tại vì họ đều có Phật tánh.
Nam: Nhưng mà có thể là một người Bác sĩ đến giúp nó mà, đâu nhất thiết phải làm xì ke mới giúp nó đâu.
Cô Nghĩa: Không phải, tức là tùy tùy…
Thầy: Nhưng mà cái kiểu đồng đơn giản thôi, kiểu đồng của Nam là Nam nghĩ là đồng trên hình tướng. Đồng trong bản tánh thì nó sẽ đồng trên hình tướng. Chớ không phải là ông đồng bây giờ ông sợ ông nào trong này muốn nói là đồng với ông Nam, thì thôi ông Nam ở lại đây. Còn để tôi về nhà ông Nam, có bà vợ sẵn rồi. Đồng kiểu đó thì làm sao. Rồi cứ tiếp tục đi.
Cô Hương: Dạ thưa Thầy, thì trước giờ con nghĩ Bồ đề tâm. Không phải trước giờ, Bồ đề tâm là nó bao trùm tất cả, trong đó có hạnh, có nguyện, có nhiều cái trong đó, có đại bi, có mặt trong đó. Mà sao hồi nãy trên tụng kinh hôm nay con thấy có 10 sanh xứ của Bồ tát, thì Bồ đề tâm chỉ là một sanh xứ của Bồ tát thôi, trong đó có đại bi cũng là một cái sanh xứ, rồi đại nguyện, vâng vâng, có 10 sanh xứ nữa Thầy. Xin Thầy giảng thêm về cái đó.
Thầy: Thì Bồ đề tâm là nó gồm tất cả những cái đó thôi, chứ có gì đâu. Anh nào mà đi hẳn về Bồ đề tâm mà không cần những cái kia, không cần những cái hạnh…thì đó xem như là chỉ nói chung chung vậy thôi.
Sanh xứ của ông Lượng là cái gì là nói chung chung vậy. Sanh xứ của ông Lượng là gia đình như thế nào, chỗ ở của ông như thế nào, cái này cái nọ. Đó, nó nói từng cái riêng như vậy để cho mình thấy rõ ra, thành ra mình phải hiểu là đối với đạo Phật đó là một, thì nó gồm đủ tất cả. Nếu anh một cái giới thôi, là nó sẽ gồm đủ tất cả Phật pháp, một cái định thôi nó gồm đủ tất cả Phật pháp, một cái huệ thôi nó gồm đủ tất cả Phật pháp. Chứ không phải mình cứ nghĩ ra từng cái, mà nói tách ra riêng vậy để cho mình rõ hơn, chứ một cái nó gồm có đủ tất cả. Cái hạnh thôi nó gồm có cả giới định huệ, cả đủ thứ trong đó hết.
Lượng: Dạ thưa Thầy, hôm qua Thầy có giảng là con nhớ, con cũng suy nghĩ cái chỗ này là thân khẩu ý của tất cả chúng sanh là thân khẩu ý của mình, thì cũng như nó là cái đồng, đúng không Thầy?
Thầy: Thì thôi mình cứ làm đi rồi tới lúc nào mình hiểu, rồi tới lúc nào không những hiểu mà còn phải thể nghiệm, còn phải chứng như vậy nữa. Đức Phật thì nói đồng hết, chứ còn mình đồng sao nổi, mình đồng cái mình tức quá mình nổ cái bình, nổ như bong bóng nổ rồi sao.
-Hết-
---*---
Thầy và Đại chúng cùng hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Đến khắp cùng tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đồng trọn thành Phật đạo.
---*---
Mọi ý kiến, câu hỏi, thảo luận, đóng góp dù ngắn hay dài đều được chân thành chào mừng cởi mở và sẽ được hồi đáp bằng tất cả nỗ lực và hiểu biết của chúng tôi để chủ đề được mở rộng và lợi ích hơn.