Người thuyết trình : Mỹ Đức

Ngày thuyết trình  :02/10/2022 (DL)

PHẦN I - THẢO LUẬN

M.Đức

Những câu chuyện hay câu nói làm cho mình nhớ và làm theo nó cũng là một trong những cách để mình tư duy về pháp luật. Ví dụ, trong xã hội phong kiến, ông bà mình có câu là “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, là một trong những mô hình mà pháp luật đời xưa người ta quy định, đó là chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta bắt thần phải chết thì thần bắt buộc phải chết. Nếu lúc đó thần không chết thì có nghĩa là thần không trung thành. Hoặc là “phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Hoặc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta nhìn thấy những câu ca dao tục ngữ mà ông bà để lại cho con cháu. Thí dụ: “Phép vua thua lệ làng”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, là một trong những cái cách mà ông bà ngày xưa truyền đạt cho con cháu chúng ta những dòng suy nghĩ để chúng ta có thể sống theo lề lối, quy định.

Có thể đó, trí thức người ta chưa được nâng cao, tuy nhiên là, từ đời này sang đời khác, người ta luôn có ý thức duy trì một lối sống có trật tự, quy luật. Để mọi người có thể có rất nhiều cách giảm thiểu những xung đột xảy ra hoặc đảm bảo đời sống kinh tế chính trị của một quốc gia.

Lúc mà chọn đề tài này M.Đức cũng hơi lo lắng là không biết nó có gần gũi, phù hợp với đại chúng hay không và không biết mọi người đang nghĩ gì về đề tài này. Rõ ràng đề tài về pháp luật và đời sống nó không hề xa xôi với tất cả mọi người chúng ta. Trong mỗi ngày, hay quá trình từ lúc mình sinh ra cho đến lúc lớn lên, mình đều gặp nó hết. Nhưng vấn đề là chúng ta gặp nó giống như một điều giản dị, bình thường mỗi ngày, cho nên chúng ta không nhận ra được. À, mình đang làm theo quy định pháp luật, vận dụng pháp luật. Đa số mọi người nghĩ pháp luật phải là Điều, Khoản, Điểm, Tố tụng hình sự hoặc những tranh chấp, xung đột nào đó dẫn đến đi ra tòa. Nhưng thật ra, Bản chất của pháp luật chẳng qua là một bộ quy tắc nào đó, dùng để duy trì sự hài hòa trong xã hội, giải quyết những xung đột phát sinh. Nó dựa trên nguyên lý rất đơn cơ bản, gần gũi đối với đời sống bình thường.

Nói về Luật pháp, từ đời xưa đến nay đều hướng chúng ta đến một cái quy luật trật tự nhất định để con người có thể hài hòa được với nhau và hạn chế những xung đột xảy ra. Hoặc khi có xung đột xảy ra thì có một cái chế tài nhất định để mọi người nhìn vào đó, thứ nhất, mang tính chất giáo dục, thứ hai mang tính chất răn de, thứ ba là mang tính chất phòng ngừa. Bản chất của luật thì cũng có bao nhiêu nội dung đó để mọi người nhìn thấy, nhớ và học và rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người khác làm cho bản thân mình tốt hơn mỗi ngày. Đó là một trong những lý do pháp luật ra đời, luật quy định những nội dung mà gần như là trong đời sống hàng ngày chúng ta đều gặp phải.

Trong quá trình M.Đức được quy y Tam bảo, Thầy có dạy về ngũ giới. Nó cũng là một phần trong cuộc sống. Nếu tất cả mọi người trong xã hội, chỉ cần nhớ ngũ giới thôi, thì mọi thứ trở nên rất hài hòa, rất hạnh phúc. Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia. Người giữ được ngũ giới, thực hành được ngũ giới, thì nó đã gần với đời sống của pháp luật, nó đã hầu như tuân theo pháp luật Việt Nam rồi. Pháp luật Việt Nam thì cũng căn cứ vào diễn biến trong xã hội. Hầu như tất cả những điều khoản quy định để làm sao đó giúp con người hạn chế sai lầm, tệ nạn xã hội, hạn chế những xung đột để duy trì trật tự xã hội. Cơ bản thì pháp luật không thể công bằng hết cho tất cả mọi người 100%, chỉ công bằng theo số đông. Nhưng chí ít pháp luật làm cho con người hài hòa hơn và có thể tự do trong cái trật tự, điều đó làm cho họ được an ổn hạnh phúc hơn trong đời sống.

Trưa hôm nay, Thầy và mọi người cũng có nói một đoạn về luật “trời và đất”. M.Đức thấy là, ví dụ luật Việt Nam, cao nhất là hiến pháp, sau đó đến bộ luật, sau đó đến luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Tất cả các quy định, văn bản đó tựu chung lại là làm sao đó làm cho mọi người hiểu luật và áp dụng được. Còn trong Phật pháp, thay vì pháp luật, chúng ta có Pháp giới, sau đó là Ngũ giới rồi đến các pháp nhỏ khác. Mỗi một cách nó đều từ những cái quy định chung nhất rồi đến từng quy định riêng cho từng phạm trù khác nhau, tùy theo nơi mà chúng ta tiếp xúc, chúng ta có những cách ứng xử phù hợp. Cũng như câu nói “nhập gia tùy tục”, khi chúng ta đến một nơi nào đó chúng ta phải tuân theo một cái quy tắc nào đó trong phạm vi mà chúng ta tiếp xúc. Đó cũng là cách để duy trì được sự hài hòa trong giao tiếp hàng ngày.

Trong quá trình tìm hiểu liên quan đến ngũ giới, mình cũng học hỏi được thêm về luật nhân quả, luật hấp dẫn, ngoài ra cũng có luật thích nghi, luật bù trừ, luật hạt giống, luật tuần hoàn... Có rất nhiều luật mà hầu như chúng ta tiếp xúc và gặp hàng ngày. Ví dụ liên quan đến luật bù trừ, ở trong pháp đàm hôm nay chúng ta thấy, có người rất giỏi về mặt này, nhưng không giỏi về mặt khác, mỗi người giỏi ở một mảng khác nhau. Sau đó, chúng ta cùng ngồi lại, chia sẻ, đóng góp cho nhau để bổ sung những kiến thức cho nhau. Đó là một dạng năng lượng để làm quy luật bù trừ trở nên hài hòa hơn. Lực hấp dẫn cũng là một dạng như vậy. Hoặc mỗi một người sẽ có khả năng và trường năng lượng khác nhau, khi gặp nhau sẽ gần nhau và tương tác với nhau, hấp dẫn lẫn nhau. Trong cuộc sống hay pháp luật, tất cả những điều này đề là những chuỗi liên kết gần gũi với nhau không thể tách rời được. Chỉ cần áp dụng từ những điều bình thường nhất, nguyên lý bình thường nhất, chúng ta sẽ thấy giữa Giới luật và Pháp luật, hoặc trong cuộc sống, mọi thứ chúng ta sống trong một trật tự nhất định thì chúng ta đều được tự do, hài hòa và sự liên kết trong văn hóa ứng xử cũng như việc phát triển về kinh tế xã hội của cá nhân, doanh nghiệp hay bất kỳ người nào sẽ trở nên dễ dàng hơn. Việc tuân theo những quy tắc những chuẩn mực chung trong nhóm, cộng đồng nhất định nó hầu như nằm trong ý thức và nhận thức của mội người.

Thầy cũng có nói, trong xã hội 4.0, xã hội hiện đại, robot nó đang dần chiếm một cái vị thế rất lớn, nó có thể thay thế con người làm được rất nhiều việc. Hiện nay cũng có một số đề xuất là cho robot đứng ra làm luật sư hoặc hội đồng xét xử để có thể đưa ra được những bản án đúng người, đúng tội và công tâm nhất. Bởi vì người ta cho rằng, con người tiếp tục tham gia công việc xét xử thì dẫn đến rất nhiều những vấn đề như thiếu công tâm, án oan, sai, hoặc người ta áp dụng những tình tiết chưa thực sự phù hợp với luật để xử lý tội phạm. Trường hợp đó người ta cho rằng robot xử lý tốt hơn. Vì khi đã nhập những điều khoản của luật, những hành vi cấu thành tội phạm, nhóm tội phạm, chỉ cần nhập đúng dữ liệu thì tự động thì robot nó sẽ đưa ra luôn một cái bản án thật sự đúng người đúng tội. Nhưng bản chất là có nên hay không và tại sao lại không nên.

Với câu hỏi này, đối với riêng M.Đức thấy là không nên đưa robot áp dụng trong công tác xét xử. Bởi lẽ trong cuộc sống, xét về lý mà không xét về tình thì chúng ta gặp rất nhiều những cản trở. Nếu dùng trực quan thôi sẽ không giải quyết thấu đáo được sự việc và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Ví dụ, chỉ nhìn vào hành vi đó cho là giết người, thì chưa đủ, mà phải xét đến động cơ của việc làm này, có thể là cố ý, vô ý hay phòng vệ chính đáng. Cho nên, không sử dụng được cái tình thương, lòng thấu cảm, luật nhân quả của mỗi một người thì không thể đánh giá một cách toàn diện nhất để đưa ra một bản án vừa thấu tình, vừa đạt lý, vừa công tâm, và vừa mang tình giáo dục, phòng ngừa, răn đe. Một người chỉ khăng khăng áp dụng vào những quy định pháp luật, không vận dụng những yếu tố khác sẽ trở nên máy móc, và những bản án trở nên vô nghĩa.

Hôm rồi, Thầy có nói một câu mà M.Đức rất nhớ, đó là “Thực tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh muôn trung bất xả nhất pháp”. Theo tìm hiểu của M.Đức về câu này thì thấy, bản chất của “lý” thực tế nó chỉ có một, nó không mảy may một hạt bụi trần nào, nhưng “vạn hạnh” là vạn sự trên đời thì nó bao gồm tất cả mọi thứ, cho nên chỉ khăng khăng áp dụng một cái lý duy nhất để buộc người ta phải theo đúng lý đó thì rất khó để dung hòa được. Nhưng khi áp dụng được cả lý và sự thì có thể dung hòa được mọi thứ, chúng ta sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn, công tâm, sâu sắc và mang tính giáo dục cao hơn.

Q.Trường

M.Đức có trình bày, pháp luật mang tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa. Mình thấy, trong hoàn cảnh hiện nay, thì pháp luật mang tính răn đe là chính, hơn là giáo dục và phòng ngừa. Mình thấy đa số việc vi phạm xảy ra rồi mới xử phạt cho nên nó không có tính giáo dục cao. Theo luật nhân quả, điều đó cho thấy quả xảy ra rồi, mình chỉ có thể làm hạn chế phần nào rủi ro. Như vậy, pháp luật làm cho con người bớt đi hành vi bất thiện thôi, chứ không khuyến khích hành vi thiện. Xin hỏi M.Đức nghĩ như thế nào về vấn đề này?

M.Đức

M.Đức thấy, trong vấn đề xã hội hiện nay, vấn đề liên quan đến giáo dục và phòng ngừa ở Việt Nam luôn luôn được chú trọng và nâng cao. Thậm chí, từ khi còn nhỏ 3-4 tuổi là chúng ta đã theo những quy luật nhất định của nhà trường, nào là ăn uống, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thực hiện năm điều Bác Hồ dạy, tuân theo luật giao thông, không vứt rác bừa bãi... đó cũng chính là luật, mang tính giáo dục để con người từ từ trở nên hài hòa. Ý thức giáo dục của chúng ta luôn được nâng cao. Chỉ có một bộ phận nhỏ những người bỏ qua, phớt lờ những quy định, vì mưu sinh... họ mới thực hiện những hành vi vi phạm phạm luật. Những vi phạm đó đều được pháp luật điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ phạm tội.

Luật cũng có những quy luật riêng biệt, ví dụ đối với những trẻ vị thành niên phạm tội chẳng hạn, luật chủ yếu mang tính giáo dục, ví dụ như đưa đi trại giáo dưỡng hoặc trong xét xử thì không được mặc những trang phục của hội đồng xét xử, mà nó gần như là một phiên tòa thân thiện. Hiện nay luật của chúng ta đang được vận hành và đi theo hướng đó. Rõ ràng, báo chí, nhà trường, các cơ quan ngôn luận hầu như đều tuyên truyền về pháp luật, nói về hậu quả của các hành vi phạm tội để nâng cáo ý thức người dân. Có một bộ phận nhỏ không tuân thủ những quy định đó mới bị vi phạm. Còn lại thế hệ trẻ đều được trang bị và tiếp xúc rất nhiều với pháp luật của đất nước.

V. Từ

V.Từ suy nghĩ pháp luật dựa trên nền tảng gì để tồn tại? Hay như M.Đức mới chia sẻ, pháp luật chỉ là giáo dục, răn đe và phòng ngừa? V.Từ thấy, thực ra pháp luật đặt nền trên cái nền tảng là tình yêu thương. Vì chính tình yêu thương, người ta sợ những lỗi lầm một ai đó làm ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng nên người ta mới đặt ra pháp luật. V.Từ thấy, lúc còn nhỏ ở trong gia đình, mình làm sai cha mẹ dạy, con đừng làm sai. Như vậy là họ đã ngăn ngừa từ cái nhân cho mình rồi. Ví dụ, mình phá, hay leo trèo, ba mẹ nói con leo trèo con sẽ bị té như vậy đó, nhưng mình không chịu nghe mà vẫn leo trèo thì đến một lúc nào đó mình bị té, đó là mình nhận được cái quả do nhân mình đã gieo là không nghe lời. Ba mẹ thương mình mới giúp cho mình làm một việc như vậy, nếu mình vẫn ngoan cố làm thì mình sẽ nhận được cái hậu quả là đau đớn, có thể là gãy tay, hoặc trầy xước gì đó. Hoặc V.Từ thấy chủ đề ngày hôm nay cũng có thể mở rộng, pháp luật dựa trên tình yêu thương trong cuộc sống hàng ngày chẳng hạn.

M. An

Mình không rành về pháp luật, nhưng cũng hay được nghe về giới luật, luật nhân quả. Mình thấy pháp luật cũng phải được đặt nền trên cái luật nhân quả. Hôm bữa có một người nói một ý như thế này. Ví dụ, một người có ý đi ăn trộm của một nhà nào đó, mình đã lên kế hoạch rồi, nhưng đến lúc đó có một cái gì đó nó cản trở, mình không thể nào thực hiện được điều đó. Theo pháp luật, thì điều đó chưa phạm pháp, vì hành động đó chưa được thực hiện, chưa được biểu lộ. Nhưng theo luật nhân quả, dù hành vi chưa thực hiện, nhưng có khởi ý ăn trộm, đó là đã phạm vào giới luật rồi. Do đó, M.An nghĩ, nếu mình sống đúng với cái như hồi nãy M.Đức đã nói, sống đúng với cái quy luật của trời đất đó, thì sẽ giữ được cho mình và cho người khác. Hôm trước thấy có một huynh kia có làm bức tranh viết về ngũ giới để treo, nhưng để chữ ngũ giới nó nặng nề quá nên để tựa là năm điều đưa người ta đến hạnh phúc. Năm điều đó là, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu bia. Thì năm điều đó mình giữ được sẽ đưa mình đến hạnh phúc.

Pháp luật, theo M.An, pháp luật đúng chỉ mang tính răn đe. Đôi khi người ta còn lách luật nữa. Còn luật nhân quả mình không lách được, dù nó chưa được biểu hiện qua hành động.

P.Thảo

Theo con biết, giới luật của Tỳ kheo là khoảng 250, còn Tỳ kheo ni là khoảng 350 (con không nhớ chính xác). Thời đức Phật, trước khi có quy định về giới luật, thì không có giới luật nào. Nhưng bởi vì có một số vị phạm lỗi lầm, cho nên bắt buộc phải đưa ra những giới luật.

Tương tự như vậy, mỗi quốc gia cũng có pháp luật riêng. Việt nam có luật của Việt Nam, Mỹ có luật của Mỹ. Giữa các quốc gia cũng có những luật giao thương, chính trị, xã hội. Mỗi một quy mô, lãnh vực đều có luật riêng. Trong một công ty, hay đội nhóm cũng vậy, thậm chí trong một đội nhóm có 2-3 người làm việc với nhau, hay hợp tác làm một dự án nào đó đều cần phải có luật. Ngay như trong gia đình cũng có luật, không phải bằng văn bản, mà giống như luật ngầm. Điều đó nó diễn ra để các mối quan hệ của tổ chức, nhóm đó diễn ra trong hòa hợp.

Chủ đề hôm nay của M.Đức con cảm thấy rấy hay và hứng thú. Vì điều này, nó diễn ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Những quy định ngầm chỉ được văn bản hóa, quy định hóa khi mà có sự vi phạm, hoặc làm cho cái sự hoạt động của nhóm, tổ chức đó bị lệch, không đi theo hướng chung.

Giống như cô V.Từ, M.An, hay M.Đức có nói, vậy thì cái nền tảng của tất cả những thứ ấy là gì? Con xin được chia sẻ theo góc nhìn của con.

Có một câu chuyện, HT.Thích Phổ Tuệ có biết một vị doanh nhân. Vị doanh nhân ấy rất là giàu có ở Việt Nam. Không biết bây giờ vị đó ở đâu, nhưng vị ấy thì có rất nhiều vợ, và nhiều bồ ở bên ngoài. Vị ấy đã đóng góp rất nhiều tịnh tài, và tổ chức những hoạt động rất lớn cho Phật giáo Việt Nam. Vị đó xin được theo HT.Thích Phổ Tuệ học. Vị doanh nhân đó mới nói với Hòa thượng rằng. Thầy ạ, con là cư sĩ. Trong ngũ giới, các giới khác con có thể giữ được, nhưng riêng giới tà dâm thì con không giữ được, vì con có mấy vợ, con không biết làm thế nào. Thảo không nhớ chính xác nhưng đại loại Thầy bảo, nếu vậy thì con giữ cái giới bình đẳng đi. Từ câu chuyện giữ giới bình đẳng đó con mới nhớ đến cuốn sách mình đọc, hay Thầy dạy, đó là không có ta, không có người, đó là yêu thương, chúng ta phải sống thuận với quy luật tự nhiên, luật vũ trụ. Trên cái nền tảng đó, mình làm bất cứ việc gì, cho dù là việc nhỏ thôi, thì động cơ của việc làm đấy không phải cho một mình mình, mà phải cho sự hòa hợp của tổ chức. Đó là sự bình đẳng.

CH.Hải

Trước tiên, mình nói lại câu hồi nãy M.Đức nói, nó không được đúng lắm.

Câu “Thực tế lý địa bất thọ nhất trần”, ý là nói cái sự chứng ngộ của mình, thực tế lý địa, đó là cái đất tâm chân thật. Nó không bị nhiễm gì hết, không có dính bụi trần gì hết.

Câu thứ hai là “Vạn hạnh muôn trung bất xả nhất pháp”, muôn trung là trong cái cửa đó. Vạn hạnh là tất cả hạnh, dù chạy xe, đi làm công ty hay buôn bán gì đó, tất cả là vạn hạnh, không bỏ pháp nào.

Thành ra, mình hiểu một người chứng ngộ rồi, họ thấy Niết bàn rồi, họ không an trú trong Niết bàn, họ vẫn làm mọi việc, không bỏ pháp nào. Đó là một lời khuyên về con đường đi của mình. Nếu mình tu có hướng vào giải thoát thì không giúp đỡ được ai. Mình bỏ giải thoát rồi, mình không vướng pháp nào, tức là mình tu hành động. Hoạt động bình thường nhưng giải quyết được nhiều việc trên đời.

Ở phạm vi hẹp, mình chỉ thấy thực tế lý địa, tức là thấy Niết bàn là đủ rồi. Nhưng mình phải sống ở phạm vi rộng hơn, không bỏ hoạt động của đời sống, hòa hợp với đời sống. M.Đức hiểu theo cái nghĩa của luật pháp thì tùy theo chuyên môn thôi.

Hồi nãy, M.An có nhắc luật nhân quả. Mình thấy pháp luật thay đổi theo sự phát triển của xã hội, làm cho xã hội phát triển theo đúng mức độ đó, đừng sai phạm nhiều. Một người làm về pháp luật có thể dự đoán được trước sự phát triển của xã hội thì luật đó tốt, còn làm sau thì sẽ bị thay đổi liên tục. Nên pháp luật đó là bị động chứ không phải chủ động.

Thứ nữa, pháp luật là văn hóa, nó cũng theo truyền thống văn hóa. Thành ra, nền tảng của văn hóa đó chính là pháp luật ngầm, mình sinh ra đời đã hưởng điều đó rồi. Tức là người nhỏ tôn trọng người lớn, đại loại như vậy. Từ ngàn đời nó là như vậy rồi.

Pháp luật dựa trên nền tảng luật nhân quả. Nhân quả ở đây nó vô hình. Mình không thấy nó chi phối mình. Trong cuộc sống bình thường, mình làm đúng pháp, đúng luật, là không phạm tội với pháp luật thế gian. Nhưng nói về nhân quả, giống như lưới trời lồng lộng đó, thưa mà khó lọt. Thành ra làm việc không ngay thẳng, không trung thực thì nhân quả sẽ trị mình. Đó là pháp luật ngầm, nó nằm ở tầng phía dưới. Hiểu rõ là làm điều xấu sẽ nhận quả xấu, điều thiện sẽ có quả thiện. Còn pháp luật nó mang tính tương đối. Xem thời sự bên Mỹ, trong điều luật phá thai, có hai trường phái. Một đồng ý cho phái thai để đảm bảo sức khỏe của người mang thai, hoặc bị lầm lỡ. Còn một trường phái không cho phá thai để bảo vệ đứa bé. Thành ra, trong hai cái đó sẽ có một quyết định là cho hay không cho. Nhưng đằng sau vấn đề này, nhân quả sẽ xử lý.

Còn khi một người đã chứng ngộ được cái thực tế lý địa, tức là giải thoát rồi, thì cái đó nó tự giữ giới. Mình không có mống khởi làm hại ai điều gì hết, mọi thứ đều toàn thiện hết.

B.Nguyên

Như chú Hải nói, có những điều pháp luật không thể quy định đúng hay sai được. Mình thấy, một con robot, cho dù có nhập tất cả dữ liệu, những luật, quy định thì nó cũng không giải quyết được. Ví dụ, một người bị ung thư, rất đau đớn, người ta cứ xin chết để thoát được cái nỗi khổ đó. Thì luật nào cho phép tiêm thuốc để cho người đó chết. Một luật khác lại cho đó là điều đó không có tính nhân văn. Làm sao mình dùng luật để phân định điểm này. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai mình thấy là, pháp luật chỉ có tính cục bộ thôi, ở một địa phương, một quốc gia nào đó. Pháp luật cũng có sự chồng chéo lẫn nhau. Một quy định ở khu vực này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của khu vực khác, đó là sự hạn chế của pháp luật ở chỗ đó.

Mình có tò mò về chữ “Pháp”, nên tìm hiểu, thấy rằng, theo tiếng Hán (có các ký tự), chữ Pháp đó có bộ nước, bộ cây (mộc), có biểu tượng của cánh chim. Đó là sự biểu hiện của tự nhiên, sự hài hòa, trật tự của tự nhiên. Luật thì là hướng dẫn, ghi chép để tuân theo những tự nhiên đó. Mình xin hỏi M.Đức. Khi nghiên cứu về Pháp luật, M.Đức có thấy là có luật pháp nào có thể hài hòa tự nhiên và phù hợp được tất cả mọi người hay không? Gần đây mình có đọc quyển sách nói về Một Pháp. Mỹ Đức có nghĩ rằng có một pháp có thể hài hòa được với mọi pháp không?

M.Đức

Luật được ban hành do ý chí của người cầm quyền. Trong mỗi một thời kỳ, một giai đoạn khác nhau, tùy vào giai cấp cầm quyền khác nhau, sẽ có những định hướng phát triển kinh tế xã hội như thế nào thì học sẽ ban hành những dự thảo luật hoặc ban hành luật phù hợp với định hướng phát triển của từng thời kỳ trong từng giai đoạn.

Pháp luật ở đây, như sh.Nguyên mới phân tích về chữ Pháp, nó được cấu thành bởi bộ nước, bộ mộc và biểu tượng cánh chim. Qua bộ nước, ngay đó chúng ta hiểu được một phần là pháp thì muôn hình vạn trạng, mọi hình thái, mọi thứ nó được dung hòa hết, nó bao gồm cả trời và đất. Nó mới là pháp. Tại vì nó ở tất cả mọi nơi. Ví dụ, chúng ta đang ngồi ở đây cũng là pháp. Tất cả đều là pháp.

Luật có cũng chỉ quy định một phần dựa trên ý chí của người cầm quyền. Nhưng khi đi đồng hành với pháp luật thì chắc chắn nó sẽ có những chuẩn mực riêng để hài hòa được với số đông. Trong hiến pháp của nước Việt Nam cũng có quy định là mọi người đều được quyền bình đẳng, được quyền tự do ngôn luận và được quyền tự do làm những gì mà pháp luật không cấm hoặc mọi người đều được quyền bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, và được quyền bảo vệ về sức khỏe, tính mạng. Từ những văn bản quy định cơ bản nhất từ hiến pháp, ra những bộ luật, từ những bộ luật sẽ ra những văn bản luật nhỏ nhỏ.

Hiến pháp, cũng được xem là một hiến chương của một quốc gia, nó quy định những điều cơ bản nhất. Về quyền được bảo vệ, quyền được tự do, hôn nhân gia đình, về trẻ em... đều có những quy định riêng. Tất cả mọi thứ đều có sự sắp đặt, được thể hiện bằng văn bản cụ thể để mọi người đều hiểu, hoặc thông qua những người có đủ chức năng giúp đỡ. Ở Việt Nam có nhiều trung tâm trợ giúp pháp lý. Ở những xã phường có phòng ban phổ biến pháp luật hoặc hàng tháng hoặc hàng năm sẽ có hai lần đi tuyên truyền phổ biến pháp luật trong người dân. Hay ví dụ, trong giới luật sư, ngày 10/10 là ngày truyền thống pháp lý của Việt Nam, người ta sẽ có những bộ trợ giúp pháp lý cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Trong tất cả các quy định, thì không có quy định nào làm người ta trở nên ràng buộc tất cả mọi người, vì luật nó phải tự do, giải quyết điều chỉnh các xung đột chứ không bắt người ta phải thế này thế khác. Thế thì xã hội mới ổn định được. Còn nếu ban hành một cái luật mà bắt buộc người ta phải như thế này hay thế khác thì văn bản đó ngay lập tức sẽ bị đào thải. Vì trình độ tri thức của người dân hiện tại ngày một nâng cao. Trong thời đại 4.0, khi ban hành một bộ luật nào đó mà bất hợp lý, không phù hợp thì ngay lập tức người ta sẽ đem ra tranh luận và sẽ bị bài trừ.

Gần đây mình thấy rất nhiều văn bản dự thảo luật mà phải đi dự thảo liên tục, đặc biệt là các dự thảo về luật đất đai. Nó đã dự thảo từ năm 2021 đến nay nhưng vẫn chưa có văn bản nào thống nhất để có một cái luật mới. Điều đó cho chúng ta thấy, có rất nhiều khía cạnh không phải lúc nào cũng 1+1=2 được.

B.Nguyên

Rõ ràng mình thấy pháp luật cứ phải thay đổi liên tục. Vậy nên mình đã đặt ra câu hỏi, liệu có một pháp mà phù hợp với tất cả mọi pháp không?

Mình thấy rõ một vấn đề mà M.Đức vừa nói. Mình tạo ra một văn bản luật, nhưng khi không còn phù hợp, hoặc không phù hợp với tình huống khác, mình lại phải sửa đổi, thay đổi liên tục. Rồi luật này chồng chéo lên luật khác, luật quốc gia này, không phù hợp hay đối với quốc gia khác nó là vi phạm... điều đó dẫn đến sự mâu thuẫn. Do đó, câu hỏi mình đã đặt ra xuất phát từ sự tò mò, liệu có pháp nào mà nó phù hợp với dòng chảy tự nhiên hay không?

M.Đức

Liên quan đến góc độ pháp lý, sh hỏi có văn bản nào, hoặc một pháp nào có thể điều chỉnh được một cái chung?

Ở góc độ của một người nghiên cứu về luật xin trả lời ngay là, hiến pháp sẽ là một cái văn bản có thể điều chỉnh hết toàn bộ những mối xung đột, hoặc điều chỉnh toàn bộ những định hướng phát triển trong một xã hội. Vì Hiến pháp là Hiến chương của một quốc gia, đã được thông qua theo đúng đường lối và định hướng của người đứng đầu.

Ở góc độ Một pháp thì xin mời huynh Việt Hoàng (thành viên dịch tác phẩm Một Pháp)

V.Hoàng

Thứ nhất là phương diện niềm tin. Hoàng hoàn toàn tin vào là có. Còn phương diện hiểu biết thì có một vấn đề, tức là minh sát việc pháp luật mà chúng ta đang trao đổi trong chủ đề hôm này, nó là cái gì? Phạm vi rộng hẹp ra sao?

Nếu pháp luật mà từ đầu chúng ta trao đổi tới giờ, thì nó mang tính như là một quy ước, cái nguyên tắc, quy tắc ứng xử giữa con người với nhau. Được thỏa thuận, được thống nhất, thậm chí được văn bản hóa, quy định hóa. Cho đến thời điểm này, theo Hoàng được biết, thì chưa có một luật nào có thể đáp ứng được cái yêu cầu, như sh.Nguyên đặt ra là một pháp có thể đáp ứng được tất cả các pháp. Vì ngay cả hiến pháp Việt Nam đi, ra khỏi biên giới Việt Nam thì nó không có giá trị nữa. Đấy là theo suy nghĩ của Hoàng hiểu về phương diện pháp luật theo nghĩa là những quy ước giữa con người với nhau đặt ra. Trong lịch sử chưa từng xuất hiện một cái gì đấy gọi là một pháp, mà được quy ước, ít nhất trên cái địa cầu này cùng thống nhất với nhau, chưa nói đến việc mà chúng ta hiện nay còn nói đến sự sống ngoài hành tinh, chuyện này nó còn càng vô tận nữa.

Ở một bình diện khác, câu chuyện nó có một pháp hay không, có lẽ liên quan đến vấn đề mà cô V.Từ và cô M.An có đặt ra lúc đầu. Cái nền tảng của pháp luật như mình thường mà chúng ta đang gọi là quy ước nó được đặt trên nền tảng gì. Thì có rất nhiều cách khác nhau về điều đó. Ví dụ, cô V.Từ chia sẻ thì nền tảng của nó là tình yêu thương, còn cô M.An nói nền tảng của nó là luật nhân quả. Theo Hoàng hiểu, nền tảng của tất cả các nguyên tắc quy tắng ứng xử được luật hóa thành ra cái pháp luật này. Nó được đặt trên nền tảng được tạm gọi là quy luật của tự nhiên. Trong tự nhiên có rất nhiều quy luật khác nhau, mỗi quy luật có những phạm vi chi phối lẫn nhau, từ quy luật riêng cho đến những quy luật chung. Tùy từng người có thể tin hay không tin. Còn Hoàng thì tin vào điều đó. Quy luật đó gọi là quy luật phổ quát. Một quy luật mà chi phối mọi trạng thái tồn tại, Hoàng tin là có quy luật đấy.

Hoàng hiểu, nền tảng của các quy luật, các nguyên lý, quy ước, quy tắc mà chúng ta đặt ra được đặt ra trên nền tảng của những quy luật tự nhiên như thế. Những quy luật tự nhiên này liệu có một cái luật thống nhất tất cả như thế không, luật mang tính phổ quát như thế không?

Hoàng nhớ có một câu rất hay, dịch ra tiếng việt là “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Nếu mình hình dung cái luật pháp mà chúng ta quy ước có rất nhiều sai xót, mang tính tương đối. Còn lưới trời, nó mang tính tính quy luật phổ quát, mặc dù có nhận thức được hay không, có muốn hay không muốn thì toàn bộ sự tồn tại đều đang tuôn chảy, đang khởi sinh lên từ cái nền tảng mang tính phổ quát như thế.

TC. Lượng

Góc nhìn của Lượng về pháp luật hiện giờ, có hai điểm, luật tự nhiên và luật xã hội. Luật tự nhiên, trong đó có luật nhân quả, luật hấp dẫn, luật vũ trụ... Tại sao chúng ta lại phải có luật xã hội nữa. Giả sử chúng ta ở một cái đảo hoang vắng thì chúng ta theo quy luật nào? Chắc chắn theo quy luật tự nhiên, quy luật của sức mạnh.

Nhưng sống trong đời sống bình thường, thì cần có quy luật xã hội. Mỗi xã hội đều có những luật khác nhau. Ví dụ, ở Pakistan, phụ nữ không được đi học, ra đường phải trùm khăn, đàn ông thì được lấy nhiều vợ, trong khi nước khác thì chỉ được có một vợ một chồng thôi. Cho nên luật của mỗi nước chỉ phục vụ cho đường lối chính trị của nước đó mà thôi.

Quy luật xã hội càng gần với quy luật tự nhiên thì con người càng tự do. Đối với khu vực có trình độ xã hội thấp, người đã dùng quy luật áp đặt rất dữ, để khống chế tội phạm. Ở phương Tây, người ta khuyến khích con người được tự do. Việc nào cũng có hai mặt, tự do quá dễ gây bạo loạn. Mà áp đặt quá thì con người mất tự do.

Cho nên, pháp nó có bộ nước, bộ mộc và biểu tượng cánh chim, Lượng rất thích. Cánh chim đó chính là biểu tượng của tự do. Hiểu, sống theo luật nhân quả, chúng ta sẽ tự do và hạnh phúc.

TC. Hải

Hải tin rằng có một pháp có thể hài hòa được mọi pháp. Mình được học, và Thầy vẫn dạy về cái nền tảng, nền tảng của tất cả các pháp, cái đó chính là một pháp chứa tất cả các pháp.

Hải thấy, khi mình vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu hình phạt nào đó. Những điều này dựa trên cái lý duyên khởi, dựa trên cái hiện tượng xảy ra trong cuộc sống. Vấn đề là làm sao mình kết nối cái lý duyên khởi và nền tảng. Con người chúng ta sanh ra có mắt tai mũi lưỡi thân ý, chúng ta tiếp xúc với thế giới thông qua sáu căn, sáu trần, từ cái căn trần đó sanh khởi cái thức, cái ý. Nếu hiểu rằng tất cả những gì khởi lên từ căn trần thức đều là nền tảng, đại dương thì nó cũng là nền tảng, là một với đại dương. Tùy vào sự thanh tịnh của căn trần thức tới đâu, thì chúng hành động lới nói và việc làm của chúng ta thanh tịnh tới đó.

Q.Trường

Đợt trước chúng ta có buổi thuyết trình về bảy quy luật để thành công, mình cũng có thể hiểu nôm na đó là pháp để vận hành trong cuộc sống để đạt được thành công.

Trong đó, quy luật đầu tiên là quy luật Tiềm năng thuần khiết, các quy luật còn lại đều được xây dựng dựa trên quy luật tiềm năng thuần khiết. Đó chính là cái một pháp như sh.Nguyên nói, là cái bản tánh của tâm cái đó nó là một pháp, nó dung chứa tất cả các pháp còn lại. Tất cả những gì diễn ra trong đó, không còn mẫu thuẫn nữa nên nó luôn luôn đúng. Trong kinh Nhập Lăng Già nói, “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”, đó là như vậy, ba cõi đều do tâm tạo, tất cả các pháp thực sự không thật có, chẳng qua do cái thức tạo ra. Trên còn đường tu hành, đứng ở vị trí một pháp đó, an trụ trong đó thì mới thấy không có sự mâu thuẫn hay sai lầm nào. Còn ngược lại, trong đời sống tương đối, pháp luật rất hạn chế, chỉ hỗ trợ cho con người bớt đi những hành vi bất thiện. Trong kinh nói, “Các ác chớ làm, các thiện nên làm, tự tịnh tâm ý, đó là lời Phật dạy”. Pháp giúp cho mình tránh được những điều bất thiện và hướng đến những điều thiện. Đạt được tự tịnh tâm ý, trở về trạng thái thanh tịnh nhất để dung chứa được tất cả các pháp.

Bảo

Pháp luật, hiểu rộng ra là luật của các pháp. Pháp của thiên nhiên, pháp của trời đất, luật của trời đất. Có một pháp mình hay sử dụng đang diễn ra, đó là pháp của nhà cầm quyền. Pháp của thiên nhiên, pháp của trời đất nó bao trùm tất cả luật trong đó, pháp đấy nó không đổi, còn pháp của nhà cầm quyền thì tân quan thì tân chế độ. Cái này rất mệt, phải học, phải đọc sách, bởi vì nó không có trong tự tánh. Còn luật để an vui trong cuộc sống thì tuân thủ theo luật thiên nhiên. Luật này do ý dẫn đầu, ý dẫn đầu các pháp. Nếu Ý trong sạch thì luật sẽ tuân thủ đầy đủ luật thiên nhiên, tuân thủ tất cả luật.

Luật pháp để quản trị xã hội này thì hôm nay đúng, ngày mai sai, và nhiều người vô tình bị phạm pháp, nhưng cũng có nhiều người cố tình phạm pháp, cũng nhiều người cố tình và giỏi lách luật. Vậy tóm lại, để an vui và sống được trong xã hội luôn thay đổi này là sống được cái một pháp, tâm ý trong sạch. Hay như Thầy hay dạy là ở trong nền tảng thuần túy yêu thương. Thật ra luật nhà cầm quyền, nó cũng nằm trong luật của thiên nhiên, luật của vũ trụ nếu tuân thủ nó.

T.Châu

Luật pháp do nhân duyên thì đều là tương đối, còn cái gì không do nhân duyên thì mới vĩnh cửu được. Thì chỉ có Phật pháp thôi. Một pháp chính là Phật pháp. Hoặc là Bản tánh của tâm cũng được, hoặc là Nền tảng cũng được, hoặc tất cả là một, một là tất cả, nghĩa là một pháp là tất cả pháp, các pháp là một pháp...Có rất nhiều cách gọi.

Thế cho nên một pháp là gì, pháp là muôn sự muôn vật, đó là pháp, là để đưa tất cả các cái về một cái, đưa về cái hạnh phúc tận cùng, hạnh phúc đích thực, đó chính là Phật pháp. Một pháp chính là cái mà chúng ta đang tu hành, đang trên con đường để đi tới nhận ra cái đó, cái nó tồn tại vĩnh viễn, có sẵn từ vô thủy, vô chung. Nó vốn sẵn có đó, nhưng do mình bị che chướng bởi phiền não chướng và sở tri chướng, bởi cái tôi, nên không thấy được cái một pháp đó. Bây giờ, bằng con đường tu hành để nhận ra cái tương đối, rồi dần tiến đến cái tuyệt đối của một pháp, cái đơn giản, cái bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Không ai hơn không ai kém. Tâm Phật chúng sanh đồng, cả ba không sai khác như Thầy hay dạy, đó là Một pháp, là Bản tánh của tâm.

Cách đây mấy năm, Thầy có về nhà chú Sáu Minh an vị Phật, nhân buổi cà phê buổi sáng, Thầy bảo an vị Phật thế nào là đúng nhất, ai nói được đúng, Thầy sẽ về Cần Thơ mỗi năm 2 lần. Mọi người nói tâm là thế này thế kia thì cũng được. Nhưng sau đó, Thầy kết luận một câu là an vị Phật, là an vị tất cả pháp. Như vậy an vị Phật là tức là các pháp trở về một pháp đó là an vị phật. Đó là bình đẳng, nó đã có sẵn từ trước tới nay rồi.

Cái một pháp đó, không cách nào khác, chúng ta phải tu hành, thấy được, sống được trọn vẹn Phật pháp đó. Biển Phật pháp mà. Chỗ nào không có Phật pháp, như chúng ta nói rồi, đó là bản Tánh của tâm, là Một pháp. Như vậy gốc của một pháp đó không do nhân duyên, không sinh diệt, Một pháp là bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm. Pháp mà sinh diệt là pháp của thế gian. Nên Một pháp không tạo nên bởi nhân duyên, không phải do nhà cầm quyền thể chế quyết định, hoặc cả thế giới tạo ra, cũng không phải là Một pháp.

Thành ra mỗi người phải tự tu tập để thấy được một pháp, sống trọn vẹn với nó. Nó cũng là chủ nhân Không như sư bà Đại Hạnh nói. Nó không phải dùng ý thức hay nhân duyên tác động. Đó là Phật pháp, Một pháp. Tu hành để thấy được cái đó, đó là hạnh phúc trọn vẹn cho chúng ta và chúng sanh.

H.Anh

Mình thấy, Một pháp hay Phật pháp, hay luật pháp đều để đưa người ta đến hạnh phúc. Có người cũng ở hoàn cảnh như mình nhưng người ta vẫn vượt lên để đạt hạnh phúc.

Thử hỏi nếu không có luật pháp thì cuộc sống của mình có được an toàn hay không? Hay nó có thể đưa chúng ta đến được cái tự do hay không? Nên dù là cái mình đặt ra, nhưng mục tiêu vẫn để đưa chúng ta đến hạnh phúc. Trước đây, theo chế độ quân chủ, do một người quyết định, nhưng bây giờ do tập thể quyết định. Nãy mình cũng nghe, luật pháp nó hay thay đổi, đó là đúng vì cái gì không phù hợp sẽ bị đào thải, cái gì tốt hơn thì được bổ sung. Luật pháp khuyến khích con người tốt hơn.

Nãy mọi người nói tâm mình chính là để vận hành pháp, sống đúng pháp. Về đời sống, thì phải thực hành đúng quy định, pháp luật đặt ra là để cho chúng ta sống đúng đắn, đúng quy định. Tâm mình sáng bao nhiêu thì mình sống đúng pháp, đúng pháp luật bấy nhiêu.

Con người luôn luôn hướng đến hạnh phúc, pháp luật hay giới luật đặt ra để phục vụ cho mục đích này, để đưa con người hạnh phúc, vượt qua đau khổ. Con người ngày một tiến bộ, văn minh, và rõ ràng về điều này, xã hội, pháp luật cũng ngày càng đáp ứng tốt hơn, rõ ràng hơn thông qua những văn bản quy định. Làm cho con người bớt đi sự trói buộc, công bằng hơn.

Nếu mọi thứ được đặt nền trên tình yêu thương, thì mọi thứ được ban hành, được đưa ra cũng là để giúp chúng ta sống tốt hơn trong hoàn cảnh đôi khi không biết đâu là đúng, là sai. Thành ra cần phải có quy định để con người neo theo, thực hành đúng.

Bên cạnh đó, luật pháp luôn bị giới hạn và hạn chế, bởi nó được đặt ra sau hành động, nó xảy ra không đúng, sai rồi, mới đặt ra quy định, chế tài để khống chế. Cho nên luật pháp chỉ mang tính tương đối. Ngay cả giới luật của đạo Phật. Sau khi có những người phạm giới rồi đức Phật mới đặt ra những giới luật. Những giới luật này cũng được sửa đổi và bổ sung thêm sau khi có những sai lầm khác phát sinh. Trong các tổ chức, công ty cũng phải có những quy định. Không có nội quy, quy định gây nên sự mất trật tự.

Quan trọng của luật pháp là, đặt chúng ta đúng vào vị trí của mình, giới luật cũng để chúng ta hoàn thiện mình. Mỗi người sẽ cảm nhận điều này, để thay đổi, sửa chữa cho phù hợp với xã hội, nâng cao tâm thức để có được hạnh phúc. Nâng cao đến cái Một pháp như hồi nãy mọi người chia sẻ, thì có được hạnh phúc viên mãn.

TD.Trường

Trường được học là, tất cả mọi việc làm trong cuộc sống luôn phải được đặt trên hai cái trụ cột chính, đó là trí huệ và từ bi. Mình đi trên con đường Bồ tát hạnh, con đường của đại thừa nên có hai trụ cột này. Vậy sao lại có hai trụ cột này?

Pháp luật, Trường đang hiểu ở đây là không tạo ra lỗi lầm, không tạo ra đau khổ. Thành ra nhờ có từ bi từ cái trí huệ mà mình không tạo ra lỗi lầm, từ đó có hạnh phúc, hạnh phúc vững bền.

Bây giờ có nhiều bộ luật để đọc, học thì rất mệt mỏi. Từ hai trụ cột, đi đến tận cùng sẽ có cái pháp rõ ràng. Pháp đó là trật tự của các pháp, là trí huệ, và từ bi, là không còn đau khổ. Người phật tử chúng ta nên huân tập hai trụ cột đó.

NTT.Hương

Cái này dành cho M.Đức này. Ngay từ đầu, M.Đức có giới thiệu là luật sư. Hương nghĩ đến cái cái từ tòa (Court), sân chơi tenis (Tenis court), hay từ sân golf (Golf course), mỗi nơi đó đều có cái quy định riêng. Từ Court làm Hương nhớ ngay đến câu “Tòa án lương tâm”. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải xét đến cái bên trong là tâm của mình, như sh. Nguyên, hay chú Châu và các lúc nãy cũng chia sẻ. Thành ra, mình muốn đặt ra vấn đề này với M.Đức, với cương vị là một người luật sư, bạn suy nghĩ gì về câu “Toàn án lương tâm này”?

M.Đức

Cảm ơn chị đã hỏi một câu hỏi rất hay, bản thân em cũng cần phải trả lời câu này và nghe những góp ý để mình có thể sáng tỏ hơn về nhận thức của mình liên quan đến câu tòa án lương tâm.

Điều đầu tiên để em chọn nghề luật sư bởi vì, em biết rằng mình có một sứ mệnh là duy trì sự công bằng, lan tỏa những điều tích cực đến cho mọi người để giảm thiểu những rủi ro, những xung đột trong xã hội, chứ không phải mình đi cãi lý với người khác và tìm chiến thắng. Đó là cái mục tiêu sơ bộ, ban đầu để nhận định cái công việc mình sẽ làm.

Khi làm việc, em phát hiện ra rằng luật sư Việt Nam họ theo con đường chuyên về tranh tụng và tố tụng là nhiều. Ít có người ngay từ ban đầu đi theo hướng giáo dục, làm sao để đồng hành cùng với người dân, đồng hành với doanh nghiệp, mọi người để cho người ta hiểu luật, giảm rủi ro. Hoặc ngay từ xung đột đầu tiên họ đứng ra hòa giải làm cho người ta sáng tỏ mọi việc vì luật sư là người am hiểu pháp luật và công tâm nếu họ làm đúng vai trò của họ. Nếu duy trì được sự công tâm, họ sẽ giúp được rất nhiều người trong những mối xung đột. Có những xung đột, người ta là cha mẹ con cái vợ chồng, những vẫn có thể chém giết lẫn nhau. Nếu vai trò của luật sư, mà chờ cái hậu quả xảy ra rồi đi theo vụ án đó để giải quyết, thì thực chất vai trò của luật sư không phát huy được. Bản thân em, chọn con đường này, đi theo con đường này thì phải duy trì những trật tự đó.

Có những vụ án, mình vẫn phải bằng mọi cách hỗ trợ cho người ta. Dĩ nhiên những tôi phạm có hành vi giết người mà luật sư vẫn được phân công để bào chữa cho bị cáo đó, bởi vì người ta vẫn còn một quyền cơ bản của con người là quyền được bào chữa. Đó là trước khi có một quyết định, một bản án cụ thể, luật Việt Nam có quy định rằng, người đó được cho là vô tội để nhằm bảo đảm quyền con người.

Câu chuyện ở đây nói về tòa án lương tâm, thì người ta cho rằng đây là một hành vi tàn bạo, tán tận lương tâm, nhưng đến tận cùng thì luật sư vẫn phải bào chữa cho họ, vì họ vẫn còn một quyền là quyền con người. Tuy nhiên, luật sư có thể giúp cho họ nhận thấy được rằng hành vi đó là phạm pháp, sai trái, tám tận lương tâm, và cho họ thấy được nhân quả sẽ như thế nào để giúp cho họ tìm thấy cái giải pháp. Ít ra trong cuộc sống, không thể nào làm cho người chết sống lại được, nhưng người đó nhận thấy lỗi lầm của mình, có sự hối cải và hướng cho người mình đã gây ra lỗi lầm. Nếu làm được việc đó, thì người luật sư mới thục sự là làm đúng vai trò trách nhiệm của mình trong vụ án đó. Trong một bản án, dĩ nhiên người luật sư không thể đảm đương hết được, vì vẫn còn dư luận xã hội, gia đình và chính bản thân của người trong cuộc.

X.Oanh

Những người hoạt động trong xã hội như bác sĩ, luật sư, giáo viên... mà biết đến Phật pháp nữa thì sẽ rất lợi ích cho xã hội.

Mình thấy luật có tính tương đối, thứ nhất nó thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Thường là nó chạy theo, cái tính định hướng của nó rất thấp. Hầu như là chạy theo. Cái thứ hai, nó là ý chí của giai cấp lãnh đạo và tất cả các quy định pháp luật hướng đến cái sự răn đe và trừng phạt. Trong khi, cái mình cần để thay đổi con người, nó là quy chế, văn bản, đó là sự hạn chế của luật pháp. Ví dụ, có tội lỗi thì bị bồi thường, hay bắt giam chẳng hạn. Nên nó chỉ thay đổi và giải quyết được một phần.

Cái quan trọng hơn là làm sao thay đổi được tâm ý của người phạm tội để họ tự thay đổi mình và người khác. Ví dụ, mình thấy những người phạm tội bị giam giữ, người ta không hiểu sâu xa cái lỗi của họ và có sự oán giận, thì đó là sự thất bại.

Nhận thức được cái hạn chế của pháp luật, chúng ta mới thấy sự sâu xa của đạo Phật, giải quyết rốt ráo tận gốc rễ của vấn đề. Thấy được con đường đi của mình đúng đắn. Ví dụ, nước mình nói là sống và làm việc theo đúng pháp luật, tức là sống chỉ để không vi phạm như vậy thì nó rất hạn chế, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, không phát triển được. Do đó, cần phải có sự rèn luyện, tu tập để quay về được với cái Một pháp, về được với Chân lý, đó là con đường đúng đắn để giải quyết rốt ráo được tất cả các vấn đề.

M.Đức

Đề tài ngày hôm nay cho M.Đức rất nhiều kiến thức, mở ra được nhiều quan điểm, chạm đến được nhiều cái tư duy mới, liên quan đến luật pháp, luật nhân quả, học hỏi được rất nhiều từ những chia sẻ của các cô chú và đại chúng. Để với vai trò là người am hiểu quy định pháp luật, thực hành pháp luật thì mình sẽ có những cái để vận dụng hài hòa hơn. Nói một cách công tâm, pháp luật cũng mang tính tương đối, nhưng đó là một trong những cách duy trì trật tự xã hội.

Thật ra trong quy định pháp luật nó thì muôn hình vạn trạng, có người cảm thấy rất gò bó, như chỗ các vị có nói về luật kế toán thì thay đổi liên tục chẳng hạn, điều đó có thể không hài hòa với một bộ phận người này nhưng nó sẽ hài hòa với bộ phận người khác, không nhất thiết bó buộc người nào, nó không hài hòa được 100% nhưng chắc chắn nó sẽ hài hòa được số đông thì nó mới duy trì được. Ví dụ nhưng chúng ta đang ngồi đây, đang được an toàn, kết nối được với nhau, đó cũng là do được sự cho phép, bảo vệ của luật pháp.

Thực ra, bản chất của luật thì không sai, người thừa hành người thực hiện pháp luật như thế nào thì mới có câu chuyện đúng hay sai thôi. Tại sao lại có oan sai, có người nghĩ rằng liên quan đến pháp luật là người ta lách luật. Đó là do ý chí của người thừa hành, ý chí của người thực hiện. Người ta làm theo ý muốn của người ta, đi ngược lại với quy định, nhưng vẫn phải trên cơ sở pháp luật. Người ta có thể đánh tráo khái niệm, người ta có thể làm cách này hay cách khác, nhưng đó chỉ là một nhóm người nhỏ muốn làm như vậy để phục vụ cho ý chí của người ta thôi. Chứ bản chất của luật thì không xấu, không quá hà khắc với tất cả mọi người.

Luật pháp hay giới luật, thực ra chỉ cần giữ đúng năm giới thôi, nhưng thật ra điều này cũng rất khó giữ được. Nhiều khi chỉ giữ đúng một giới thôi là đã cảm thấy hụt hơi rồi. Như M.Đức, đi làm nói không uống rượu thì rất khó. Nên mình chỉ giữ được ở mức độ nào đó thôi, chứ 100% thì chắc chắm là không. Hoặc, mình vẫn vi phạm những chuyện nhỏ nhỏ trong cuộc sống xung quanh chúng ta.

Nên Luật pháp, hay giới luật luôn hướng chúng ta đến Chân-thiện-mỹ, đến Nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, để mọi người có thể hài hòa với nhau, tôn nhau lên để có một xã hội, một cộng đồng tốt đẹp hơn. Còn vấn đề tốt hay xấu là do người thừa hành và người thực hiện. Vai trò của chúng ta là những người có am hiểu, có nền tảng, có tư duy tốt thì việc của chúng ta là đi gieo những hạt giống vô tư thôi. Có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp xúc với mọi người trong xã hội, vẫn tuyên truyền, vẫn phổ biến, vẫn lan tỏa. Nhưng với những người khác, liệu người ta có nhận được hay không, có hiểu được hay không, còn phải do phước đức hay ý chí của người ta nữa. Vấn đề ở đây là không vì thế mà chúng ta dừng lại việc chia sẻ, chúng ta dừng lại việc yêu thương và lan tỏa.

Chúng ta đang có một cộng đồng rất tuyệt vời, vấn đề là làm sao để có thể kết nối được với nhau, tiếp tục lan tỏa những điều tích cực, những điều yêu thương để tạo nên cộng đồng xã hội ngày càng vững mạnh hơn.

PHẦN II - THẦY GIẢNG

M.Đức

Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng: nãy giờ chúng con cùng bàn về chủ đề “Pháp luật và đời sống”. Sh. Nguyên có hỏi một câu hỏi là: có pháp nào mà có thể điều chỉnh được sự hài hòa trong xã hội không. Con chưa hiểu về câu hỏi này, con xin Thầy giảng cho chúng con về điều này ạ.

Thầy

Đây là ý kiến của Thầy. Pháp luật nó cũng tương đối thôi. Bởi vì nó do con người đặt ra mà. Rõ ràng mình thấy pháp luật thì luật ra liên tục, người ta phạm tội liên tục, nhà tù mở ra ngày càng nhiều, đâu có bớt đi đâu. Qua đó mình thấy pháp luật không phải là hoàn toàn tuyệt đối. Mình thấy một năm có biết bao nhiêu người ở tù. Mình đừng có cho một ngành nào là nhất.

Pháp luật phải nhờ vào văn hóa, để mà tự giác, tự ý thức mà giữ pháp luật. Rồi văn hóa phải nhờ vào tôn giáo. Bởi vì đơn giản một điều là pháp luật dựa trên cái gì, dựa trên nền tảng nào để kết tội người ta. Phải không? Anh phải dựa vào nhân quả, phải không? Anh này giết người, anh kia cũng giết người. Pháp luật sẽ xử là giết người cố ý, ngộ sát hay tình cờ thôi. Tôi đang hái lá, hái xoài, người bắn con chim nhưng không may lại rớt trúng đầu tôi nên tôi bị chết thì xử khác, còn anh cố tình bắn tôi chết thì sẽ xử khác. Thành ra, pháp luật thì cũng phải dựa vào nhân quả.

Thứ hai có những điều mà pháp luật không thể làm được, không thể công bằng được. Ví dụ, một ông ăn cướp giết một người để cướp của, ông bên này giết 10 người để cướp của, thì pháp luật sẽ cùng xử tử hai ông. Nhưng việc xử này không công bằng. Ông giết mười người xử tử, ông giết một người cũng xử tử. Vậy thì cái gì làm cho nó công bằng? Chính là luật nhân quả. Luật nhân quả cho chúng ta thấy ông giết một người sẽ bị đọa xuống làm con bò, con dê gì đó, một kiếp thôi. Còn ông kia bị đọa 10 kiếp. Như thế mới công bằng. Chứ pháp luật sao công bằng được. Nên pháp luật là một cái tương đối thôi. Nên phải dựa vào nhân quả.

Hơn nữa, nhân quả của Phật giáo gọi là cái giới luật đó, nó còn tinh vi hơn nữa. Bởi vì pháp luật nó chỉ xử theo cái thân của tôi thôi, chứ đâu có xử trong cái ý của tôi. Ví dụ Thầy nói là ban đêm Thầy sang nhà kia ăn trộm. 12h đêm Thầy qua bên đó Thầy thấy 2 đứa nó còn ngồi tâm sự ngay đầu hẻm, thì mình thấy sợ quá mình rút lui. Tình huống này pháp luật đâu có xử được, vì đâu có gì đâu mà xử, không bắt được, không có chứng cứ, không làm gì được. Nhưng trong Phật giáo, đối với nhân quả thì anh đã phạm tội trong cái ý rồi. Bởi vì đối với nhân quả là toàn bộ thân-khẩu-ý, phạm tội không phải là ở con mắt đâu, mà phạm tội trong cái ý, cái khẩu nữa.

Không ai bắt được cái ý hết. Thầy lấy ví dụ. Giới thứ tư là giới cấm tà dâm. Ông đó, ông có bà vợ lớn tuổi. Đêm ông ngủ với bà vợ, nhưng tư tưởng của ông ấy lại nhớ đến cô hàng xóm. Cái đó, làm sao bắt được. Nhưng cái đó là phạm tội tà dâm. Bởi vì anh ngủ với người này mà anh tại tưởng đến vợ của người khác, mình đâu có quyền vậy. Thành ra, nhân quả là giải quyết vấn đề cái ý đó, tà dâm trong ý. Còn cái đó thì pháp luật chịu thua. Không phải là tư tưởng đó xảy ra một lần đâu, nhiều lần, hàng năm rồi nhưng công an nào bắt được việc đó. Nhưng đối với nhân quả là ông đó phạm tôi tà dâm rồi, phạm tội trong ý đó. Thành ra, pháp luật nó phải dựa rên nhân quả để xử, nhưng nó cũng sơ sót nhiều lắm. Thầy đọc báo thấy cho đến giờ là mấy chục ngàn anh phạm tội, nó trốn đâu mất, công an kiếm không ra. Mới đây, có ông phạm tôi giết người 30 chục năm rồi, bây giờ mới tình cờ phát hiện được ra ổng.

Thành ra pháp luật nó phải nhờ văn hóa nữa. Cụ thể đó, ông T.Nguyên và bà vợ li dị nhau, phân xử tài sản vậy, cứ kéo dài hết năm này qua năm khác. Mình thấy pháp luật chưa phải là đúng, chính xác hoàn toàn. Bởi vì phe nào có tiền nhiều, mướn luật sư giỏi thì phe đó sẽ thắng. Cụ thể khác nữa. Hiến pháp của nước nào cũng tốt đẹp, những tại sao nước này vẫn đánh nhau với nước kia. Cũng nhân danh hiến pháp, vậy mà cứ đánh, một ngày chết mấy trăm người. thành ra hiến pháp cũng là một cái đặt ra như vậy thôi. Từ bao nhiêu trăm năm rồi. Nước nào cũng có hiến pháp hết, mà sao vẫn đánh nhau. Rồi bây giờ hỏi ai đúng ai sai? Chịu thua thôi. Thành ra ngày xưa có câu, luật pháp của kẻ mạnh là vậy đó. Đánh nhau mới giải quyết được vấn đề. Hiến pháp anh cũng đúng, tôi cũng đúng, tôi giữ hiến pháp của tôi, anh giữ hiến pháp của anh. Hiến pháp của ai cũng tốt đẹp hết, mà vẫn đánh nhau. Cuối cùng xử lý là anh nào thắng thì phải theo anh đó thôi.

Tóm lại, vấn đề không phải là luật pháp, mà là ngưởi sử dụng luật pháp đó như thế nào, người đó cao cấp hay không. Mỗi nước đều có luật riêng, chẳng lẽ Thầy qua Singapo Thầy lại phải học luật Singapo. Bên đó nhai sinh gôm mà nhả ra đường là nó phạt mấy trăm đô. Rồi qua Pháp phải học luật của Pháp. Không phải học luật gì hết. Anh là con người, người đàng hoàng thì anh đi đâu nó cũng trơn tru. Thành ra, quan trọng là người sử dụng luật pháp. Bây giờ người ta lách luật dễ dàng, người tử tế không lách luật, sống đúng theo luật pháp. Đời sống bình thường cũng cần có văn hóa, người có văn hóa cao nó ít phạm luật lắm.

Buổi sáng Thầy đạp xe tà tà, Thầy thấy, đường này không có đèn xanh đèn đỏ, nó chạy 60km/h. Mình không dám qua đường, phải chờ nó chạy qua rồi rồi mới dám qua. Cái đó có luật pháp nào xử. Thật sự ra phải xử, anh không thể chạy tốc độ đó được. Nhưng công an giao thông đâu mà đứng được đầy đường để xử mấy cái này. Thành ra, đời sống bình thường cũng cần có văn hóa, người có văn hóa cao nó ít phạm luật lắm.

Nên, luật pháp chỉ là một cái cơ chế xã hội, cơ chế đó có hoàn thành được hay không, tốt đẹp được hay không là do con người có tốt đẹp được hay không. Tóm lại là anh phải nâng cấp con người anh lên. Nói theo tây thì anh phải tự hoàn thiện anh, thì luật pháp mới được, chứ không hoàn thiện anh mà cứ lách luật miết vậy coi sao được. Vấn đề quan trọng nhất, vấn đề văn hóa, vấn đề tự hoàn thiện mình, có nghĩa là phải tu thôi, nâng cấp anh lên. Ông Khổng tử mới nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thu thân là tu cái thân mình cái đã, rồi mới tề gia, là gia đình có yên ổn hay không, bởi vì gia đình là cái trường thí nghiệm thực tập đầu tiên của mình. Gia đình không yên ổn, không gia gì hết thì làm sao ra ngoài xã hội để trị quốc, làm ông đại gia này, đại gia nọ. Rồi mới bình thiên hạ là cái tầm hướng quốc tế chứ.

Cái quan trọng nhất là tu thân. Cho nên, Phật giáo đóng góp cho mình là cái đó. Chứ mình cứ nhất định luật pháp giải quyết được mọi thứ. Không giải quyết được. Thấy rõ ràng năm nào cũng ở tù tùm lum hết. Mình nghèo phải làm thủy điện. Mấy cái thủy điện năm nào cũng làm trôi người, trôi nhà, trôi cửa tùm lum. Mưa nhiều quá, ổng đem ổng xả nước, ông báo trước cho người dân có 1-2 tiếng đồng hồ, sao mà chạy cho kịp. Cái đó luật pháp nào xử. Cái đó là cái lương tâm của mấy người đó. Anh ngồi nhậu nhẹt quá trời, không lo trước. Nó báo bão cấp 14, thay vì lo trước đi, không lo, chờ lúc nguy cấp rồi mới xả, rồi xả cũng không chịu báo trước nữa, rồi chết người. Chết vậy, pháp luật nào xử. Thành ra con người mới vận hành được cơ chế đó. Ông tổng bí thư Lê Duẩn có nói, “Muốn có xã hội chủ nghĩa, thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người XHCN trước rồi anh mới lập ra XHCN được. Pháp luật cũng vậy. Muốn có pháp luật, thì con người anh phải tự thân anh là pháp luật cái đã. Pháp luật là gì, anh biết tự chế, điều phục mình, con người văn hóa là vậy.

Pháp luật, xin lỗi, là cái thô nhất của mọi vấn đề, đợi người ta phạm tội rồi mới bỏ tù. Anh phải làm sao để người ta đừng phạm tội. Chứ cứ anh này ăn trộm rồi phạt mấy năm, mấy năm để răn đe, mà răn đe cũng không được. Cái quan trọng là anh phải tự giác. Đơn giản là, đối với đạo Phật là anh đừng làm hại người khác. Đức Dalai Lama nói, “Anh không làm tốt được cho người ta thì anh đừng làm hại người ta”. Tôi vẫn làm hại người khác bằng luật. Tôi bứng cả khu này đi, tôi lấy cớ là quy hoạch, bứng hết. Tôi bồi thường cho anh vài chục triệu rồi bữa nào tôi bán lên vài trăm triệu. Vấn đề là con người anh có tốt không, anh ăn cũng vừa phải thôi. Thành ra vấn đề là con người, là văn hóa, người đó có cao hay không chứ không phải là luật. Hơn nữa, vấn đề tôn giáo, anh không làm tốt cho người ta được thì anh đừng có làm hại người ta. Chứ luật để anh hại nhau chứ có gì đâu.

Con người đó phải tin nhân quả. Hồi trước Thầy có viết một bài “Cái gì điều hành xã hội này”. Không phải công an, không phải cảnh sát, mà chính là nhân quả, nghiệp báo. Không có ông nào dám quả quyết là giờ này không có người bị tông xe chết. cái đó ai mà làm được. Đèn xanh đèn đỏ người ta làm được, còn cái nghiệp của người ta, nói chiều nay mấy giờ tông xe chết thì không ai làm được. Chính cái nghiệp báo nó điều hành xã hội, đừng nói là tôi điều hành nổi đâu. Có ông chủ tịch nước nào nói, tôi thấy ông Đăng này tội quá, tôi ký cho ông cái văn bản cho sống thêm bốn chục năm nữa, có ông nào làm được điều đó không, dám ký như vậy không? Không. Hoàn toàn đó là do nghiệp báo của Thầy, chết ngày nào là do Thầy, chứ không phải do ông đó. Bữa trước, Thầy nghe đức Dalai Lama nói tám mươi mấy tuổi ngài chết, nhưng bây giờ tình hình này, ngài nói hơn trăm tuổi ngài mới chết. Chẳng có ông náo ký được cái đó. Cái đó là do nghiệp tốt của ngài, do sự tu hành của ngài. Bây giờ vô trong bệnh viện, có ông nào mà ký được là mai anh chị khỏi bệnh không? Không. Vấn đề là, chính nhân quả nghiệp báo nó điều hành xã hội này. Chứ không phải là con người.

Ở trên ông có giỏi trời gì, mà ở dưới nó bị xui, nó quất 2-3 trận báo thì cũng tiêu tùng. Mấy năm sau mới phục hồi được. Nên nhân quả nghiệp báo mới quyết định cuộc đời này, chứ không phải luật pháp hay kinh tế. Ông nào ở trong ngành nào cũng tự cho mình là số một không à. Muốn đưa Việt Nam lên, ông nào cũng nhận mình là người quyết định. Ông kinh tế thì cho là do kinh tế quyết định, ông chính trị thì cho là do chính trị quyết định, ông thể thao cũng nói do ông thể thao. Còn nông dân cuốc đất như Thầy thì cũng là do cái cuốc của tôi hết. Thành ra những cái đó là cần thiết cho một xã hội nhưng nó không quyết định hết.

Nếu đi sâu vào tôn giáo. Bố thí chẳng hạn. Bố thí kém nhất là tài thí. Các đại gia dùng tài thí thì nhiều, mà không biết có thiệt hay không. Thứ hai là pháp thí, nghĩa là mình nói làm sao để cho họ có được đời sống đúng đắn, nhờ đó họ tiến bộ. Vô úy thí, là những bậc Bồ tát mới vô úy thí, tức là làm cho người ta đừng sợ hãi nữa. Nhiều khi mình cho vậy chứ mà làm hại người ta. Mình không biết họ là ai, cứ phân phát, phân phát nhiều nhiều đi, chứ rồi nó nhậu nhẹt, đâm chém nhau chết. Thành ra đừng tưởng cho người ta tiền là làm tốt cho người ta đâu. Đời này không chỉ có pháp luật thôi. Nếu nói phạm luật thì phạm tùm lum hết ý. Quan trọng là người ta đối xử với nhau bằng cái văn hóa khá, bằng cái tâm từ bi không muốn làm hại người khác.

Thầy mà là công an, Thầy bắt hết cả cái đường này đó. Nó chạy ào ào, bóp còi rất to, nội chuyện đó làm cho người ta giật mình, yếu tim rồi. Nó ở trần nó chạy ào ào vậy đó. Chưa kể, bây giờ người ta còn gọi là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm tiếng động đủ thứ. Anh chạy, trong đó anh có ý hăm dọa người ta nữa. Nó vừa bóp còi inh ỏi, rồi tháo ống pô ra chạy, chạy mà cách đó 100, 50 thước là đã nghe thấy tiếng rồi. Chạy vậy đó. Mình chỉ có nước nép vô lề thôi. Thành ra nói luật pháp, luật pháp không có nghĩa lý gì hết. Mà có bắt thì chỗ đâu mà nhốt, thành phố này mười mấy triệu dân, bắt một ngày chắc cũng hết cả triệu người vậy đó. Đi ẩu. Cái đó trong luật có nói năng gì đâu. Mà ai bắt cho hết. Bắt rồi phải giữ người, giữ xe, để đâu cho hết, mà tốn kém nữa. Thầy nghe nói cháy nguyên bãi giữ xe đó đó, còn không cháy để cả năm nắng mưa vậy nó cũng hư hỏng.

Luật đồng ý giữ trật tự xã hội phần nào, nhưng quan trọng nhất vẫn là văn hóa của con người, phải biết tự chế ngự mình, cái mà đức Phật gọi là điều phục mình đó. Thầy từng nghe, rác bao ni lông thải ra để 100-200 năm nó không phân hủy. Bây giờ mà đi dọn cái đó, biết bao nhiêu công sức. Đổ ra mấy chục triệu đô chưa chắc đã hết. Thành ra vấn đề là con người. Mà con người phải điêu luyện, phải huấn luyện nó làm sao, pháp luật chưa đủ, phải văn hóa nữa, phải có tôn giáo, nó tin nhân quả nó mới không làm hại. Mấy nhà bên cạnh hồi đó nó cứ vứt rác sang mình rồi làm sao đây. Nên vấn đề là tự giác, tự ý thức của từng người. Hồi xưa cái mương phía trước, nước trong lắm, đi làm ruộng về là chiều nhảy xuống đó tắm. Bây giờ có người, nó vứt mảnh chai xuống, xuống mà đào lấy đất lên cũng không dám xuống nữa. Mảnh chai tùm lum. Cái kiếng nó liệng xuống đó ai mà dám xuống. Anh tự ý thức được thì không cần pháp luật nào hết. Mà muốn tự ý thức anh phải có văn hóa, thậm chí là tôn giáo nữa.

Lúc cái quốc lộ 1 này nó đang làm, mấy ông công nhân làm xong không đem đồ vô, đến đêm ở quốc lộ nó chạy ào ào vướng vào mấy cái đó chết. Lúc đó còn chưa có nón bảo hiểm nữa kìa. Mà chết liên tục. Thiệt ra, anh có lương tâm, anh khiêng vô, mất một phút đồng hồ thôi chứ mấy. Cũng không làm, để đêm người ta chạy rồi đâm vô. Rồi xe cộ nhiều tháng không tu bổ lại, người ta đang đứng chờ đèn đỏ, xe đứt thắng làm sao đó, rồi lủi vô người ta chết luôn mấy người. Pháp luật bắt đền bồi, nhưng người ta chết rồi còn đền bồi cái quái gì nữa. Quan trọng nhất là tự ý thức, tự ý thức này vừa là tôn giáo, vừa là văn hóa. Anh có tự ý thức được thì không làm hại ai hết.

Hồi đó Thầy đọc một câu của ông Lão Tử, ông nói, “chính đời loạn mới có pháp luật”. càng pháp luật chừng nào, càng loạn chừng đó. Vấn đề là nâng cấp con người lên bằng văn hóa, bằng tôn giáo, bằng Phật giáo chẳng hạn, còn không nâng cấp được thì vô phương. Pháp luật chỉ là phạt, bỏ tù thôi. Chứ không dạy người ta được. Cùng lắm là răn đe. Mà răn đe người ta đâu có sợ. Đơn giản, mình ra đường, mình thấy cục đá, mình lấy vứt vô lề. Phải không? Chứ ai mà đi nhanh nhanh, vấp cục đá chết liền. Trong cuộc đời chỉ cần làm những hành động nhỏ nhặt vậy thôi, mỗi người đều chịu khó làm một hành động nhỏ như vậy thì mọi sự nó êm đẹp lắm. Nhưng người ta không chịu làm. Người ta còn làm xấu hơn nữa. Rác nhà mình mang sang nhà người ta đổ. Thành ra phải nâng cấp con người lên. Con người càng cao chừng nào thì pháp luật càng ít chừng đó.

Mới đây Thầy mới đọc lại, nước mà luật lệ nhiều nhất là nước Mỹ, nước Mỹ cũng nhiều luật sư nhất. Vì sao? Anh sống trong đời sống luôn tranh đấu nên cần luật sư. Còn ở Nhật, ít nhất thế giới về luật sư. Bởi vì, giữa hai người người với nhau người ta tìm cách thỏa thuận, hài hòa với nhau. Thành ra ở Nhật ít luật sư lắm, ở Mỹ luật sư nhiều hơn bác sĩ, bởi vì cãi nhau liên tục. Thành ra quan trọng là anh phải nâng cấp anh lên. Pháp luật tôi không cần, tôi chỉ cần giữ cái giới luật cho tôi thôi là tôi đi đâu cũng tốt hết. Không những giới luật đó còn làm hơn nữa. Thay vì không giết người thì bây giờ mình đi cứu người, thì nhân quả đó mình hưởng. Thay vì ăn trộm thì tôi lại cho. Mình làm ngược lại những cái đó. Pháp luật nó đâu nói đến những cái đó, anh ăn trộm là tôi bỏ tù chứ không có lôi thôi. Tôn giáo nói anh đừng ăn trộm đã đành rồi, mà anh còn phải cho người ta nữa. Có những chuyện rất đơn giản nhưng chỉ có người cao cấp mới làm được. Ví dụ như ông thánh Ghandhi ông nói, Mình đừng bao giờ nên ăn dư một buổi, bởi vì mình ăn dư một buổi, một bữa thì trên thế giới này sẽ có người sẽ đói một bữa. Nó đơn giản vậy đó. Nên không nên xài phí quá. Mà cái đó pháp luật nào nói. Pháp luật không nói chuyện đạo đức. Anh phạm tội là tôi bắt thôi.

V.Hoàng

Bọn con có trao đổi lúc đầu giờ, trong đó có một ý của sh.Nguyên có nói, thứ nhất là pháp luật. Tạm gọi cái pháp luật ở đây được hiểu với nhiều nghĩa, nhỏ thì từ những quy tắc ứng xử trong đời sống con người, cho đến nghĩa sâu xa rộng lớn hơn. Thì liệu có cái gì để gọi là một cái pháp luật thống nhất, nó chi phối tất cả mọi hoạt động sống được không, sh.Nguyên gọi đó là Một pháp là một chuyện. Chuyện thứ hai là, cái đấy nếu nó có, thì nó như thế nào? Con xin Thầy giảng cho chúng con ạ?

Thầy

Nếu mình có một giới luật nội tâm của mình thì mình sẽ hạnh phúc. Anh nào vi phạm pháp luật sẽ mất ăn mất ngủ, bởi vì nhìn ai cũng tưởng muốn bắt mình không. Anh có hạnh phúc là bởi vì anh có giới luật trong này, làm tốt cho người khác chứ không làm xấu. Chừng đó là anh hạnh phúc rồi. Rồi anh tiến lên nữa. Một pháp là gì. Một pháp chính là một tâm của anh, Nhất tâm. Nhất tâm đó nó bao trùm ba cõi này hết, nó tịnh hóa ba cõi này hết. Phật giáo nói là, Tâm là quyết định mọi sự. Một pháp là một tâm. Thực hành để đạt được một pháp đó. Cái tâm của mình nó chia sẻ tùm lum, nó bị phân mảnh, cho nên cuộc đời cũng bị phân mảnh. Dòm ông Tuấn là nghĩ chuyện khác rồi, ông ấy có làm lợi gì cho mình hay không. Dòm ông Nguyên có làm lợi gì cho mình hay không. Một Tâm đó, trong kinh điển gọi là “Nhất chân pháp giới”, đạt tới cái nhất chân đó là cái chân thật đó thôi, đó là cái sự tu hành. Giới luật của Phật giáo, tương đương với ở đời gọi là pháp luật, thực hành Phật pháp là để đạt đến cái một Tâm đó.

Giới luật của Phật giáo có nhiều cấp bậc, cũng giống như pháp luật có nhiều cấp bậc. Giới luật đó là gì. Đơn giản thôi. Hòa thượng Tây Tạng nói, tôi chỉ giữ một giới thôi, đó là giới không phân biệt. Anh không phân biệt thì tất cả nó thành Một pháp hết, nó thành Pháp giới hết. Còn anh phân biệt, Pháp giới nó vốn là một thì bị phân ra từng mảnh. Ở đây là ông Tuấn, đây là ông Vụ… rồi giữa mình có hòa thuận lẫn nhau hay xích mích tùm lùm.

Một pháp đó là gì? Cái tâm mình y như cái gương lớn, Đại viên cảnh trí. Tất cả các bóng đều nằm trong gương, và tất cả các bóng đều là gương, đó là Một pháp. Còn mình muốn làm theo cái đó thì tùy theo duyên. Tôi hít thở dễ đạt cái đó, thì tôi hít thở. Tôi thích trì chú thì tôi trì chú. Một pháp y như là đại dương chứa tất cả các giọt nước, còn mỗi người có những kiểu riêng của mình. Có những người mạnh về hoạt động thì cứ hoạt động, càng hoạt động thì càng dễ tương ưng với cái đó. Có người mạnh về thiền định thì cứ thiền định. Có nhiều thì giờ thì thiền định nhiều vô. Để mà tất cả đều phải đạt đến Một pháp hết.

Thành ra, trong kinh điển có nói vậy đó, Pháp thân của tất cả chư Phật, tất cả chư Phật cũng chỉ có Một pháp thôi, đó là Pháp thân. Đơn giản vậy thôi. Pháp này là Pháp viết hoa, chứ không phải là phương tiện. Thầy nói rất nhiều lần rồi, ngay các vị tăng cao cấp nhất, các vị thánh đi nữa đều phải phục vụ Pháp, bởi vì trên là Phật, rồi đến Pháp, cuối cùng mới là Tăng. Dầu có thánh Tăng thì cũng nằm dưới Pháp.

T.Châu

Bạch Thầy và đại chúng, nói về nhân quả, nhưng làm sao để tin sâu nhân quả. Thì con thấy có câu nói là, khi mà mình thực sự tin nhân quả thì mình dù có chết mình cũng không nói dối. Để đạt được như vậy thì con xin Thầy dạy thêm cho chúng con để chúng con rõ và tin sâu nhân quả?

Thầy

Cứ sống Một pháp đó đi là tin sâu nhân quả. Mình làm sai là biết liền à. Khởi niệm mà tầm bậy là mình thấy cái mặt mình nó khác liền, cái tâm mình nó khác liền. Chỉ có một Tâm thôi. Khi nào mà anh đạt đến cái Một pháp đó là anh vừa làm sai là mình thấy Tâm nó lợn gợn liền à. Khi anh tin sâu nhân quả là anh ở trong cái Một pháp đó. Còn nhân quả anh lộn xộn là bắt đầu anh thấy Tâm nó lộn xộn liền, trí mình tối đi, trong người cảm thấy khó chịu. Tôi làm bậy, tôi nói dối cái là thấy nó lợn cợn rồi, bởi vì mình phạm giới. Còn mình có cái giới tuyệt đối, giới hoàn toàn thì cũng là cái Một pháp đó thôi.

Trong Pháp thân đều có Giới-định-huệ đầy đủ. Ngài Huệ Năng nói là gì đó, thì đó là giới, Tự tánh giới. Tâm không sân là Tự tánh định, rồi Tự tánh huệ gì đó. Tất cả chỉ có Một pháp là Tự tánh thôi. Mình sống trong đó, sai lầm là mình biết liền. Bởi vì đó chính là ông Thầy của mình, đó là Phật của mình. Sai cái là có nhắc nhở liền, chứ khỏi cần pháp luật, giới luật gì hết, sai cái mình biết liền. Ví dụ, nó đang là Một pháp, ông hỏi Thầy nó thành hai pháp rồi. Đó là mình phạm giới. Còn không phạm giới, Châu với Thầy nhìn nhau là cười thôi.

CH.Hải

Con cũng xin hỏi là Một pháp đó, nó có vượt qua được, làm chủ cái ý của mình không Thầy? Nếu nó làm chủ được thì nó mới bao trùm các hoạt động được. Nếu Một pháp mà giữ đó thôi, không làm chủ được thì cũng chưa được.

Thầy

Đơn giản, ý bậy hay không bậy đều từ Một pháp đó sanh ra hết. Khi thấy rõ như vậy thì tất cả ý đều là Một pháp. Khi mình thấy cái nguồn gốc rồi thì tất cả nó đều từ Một pháp đó sanh ra chứ chạy đi đâu. Khi từ một pháp đó sanh ra thuần thục rồi thì không có ý tầm bậy, vì ý nào cũng chân-thiện-mỹ. Thành ra, nói chuyện với mấy ông Cần Thơ Thầy thấy khỏe, nó không lằng nhằng. Còn nói với mới ông kia lý luận nhiều quá. Thầy có học trường lý luận gì đâu. Rồi nói nhiều quá Thầy đâm ra rối.

Một pháp là mình thấy tất cả những người Hà Nội, những người Cần Thơ đều là một, vậy thôi. Tất cả sóng đều là đại dương, vậy thôi. Chấm dứt.