P.Thảo
Bạch Thầy, chúng con xin phép Thầy giảng cho chúng con được rõ hơn về việc là: trong cuộc sống hàng ngày, Thân – Khẩu – Ý là ba thứ tạo ra nghiệp, cả nghiệp thiện lẫn nghiệp ác. Một ngày có không biết bao nhiêu ý được sinh ra và rất khó để kiểm soát. Phần khẩu (lời) dễ tích đức, nhưng cũng rất dễ tạo ra tổn thương, đồng thời cũng có thể truyền cảm hứng cho mọi người thông qua ngôn ngữ. Con xin phép Thầy chỉ dạy cho chúng con cách để có thể tích được nhiều Phước đức và làm lợi lạc cho nhiều người ạ!
Thầy
Thứ nhất, Thầy hay nói về cái Nền tảng. Phải hiểu rõ Nền tảng là cái gì? Nền tảng là cái Bản tánh của tâm, là Bản tâm, là Như Lai Tạng hay muốn dùng chữ gì cũng được. Cái quan trọng là thân khẩu ý được lập trên Nền tảng nào. Thân khẩu ý của mình được lập trên cái Nền tảng, đó là Phật tánh, đó là Như Lai Tạng, đó là muốn dùng chữ gì thì dùng. Vấn đề là có muốn sửa đổi thân khẩu ý không. Tất cả những sách của Tây phương dạy, bạn đừng làm cái này để thay đổi con người bạn, rất nhiều. Theo Thầy, cái thay đổi đó chưa căn bản, chưa Nền tảng. Anh phải thay đổi thân khẩu ý của anh, nó luôn luôn lập trên Nền tảng và anh dựa trên Nền tảng đó để thay đổi, chứ không phải thay đổi thân khẩu ý theo cái bề ngoài.
Bề ngoài là gì? Thầy hay nói lung tung nhiều thì bây giờ Thầy giữ Giới, bớt nói lại thì tự nhiên thấy đẹp lắm, nhưng liệu những cái phiền não còn nằm trong đó có hết không? Thành ra, quan trọng là phải thay đổi. Không phải lời nói của tôi thô lắm, tôi tập dợt vài năm thì nó thay đổi, nghe nó êm dịu, tươi mát. Đó chỉ đổi bề ngoài thôi. Trước giờ, Thầy vẫn nhấn mạnh, thân khẩu ý của mình được thành lập, khởi lên từ Nền tảng, Nền tảng đó không phải của riêng mình đâu, mà là Nền tảng Phật tánh, tất nhiên là Nền tảng của tất cả chúng sanh, anh thay đổi trên Nền tảng đó mới là con đường Phật giáo. Còn Tây phương nói thay đổi, thay đổi, dù anh có thôi miên nhân văn hay gì đi nữa thì anh vẫn là thay đổi bề ngoài thôi. Từ xấu ác đổi ra thiện lành thì cũng là thay đổi trên bề mặt thôi.
Cái sóng nó lớn quá, mình ép cho nó xuống, đó chưa phải là thay đổi, bởi vì tất cả sóng, dù xấu tốt hay tốt, thân khẩu ý có như thế nào thì cũng khởi lên từ một Nền tảng là đại dương. Thành ra, tìm ra được cái Nền tảng thì anh thay đổi từ căn gốc. Có vị thiền sư nói vậy đó, “Dưa đắng thì rễ cũng đắng, mà dưa ngọt thì rễ nó cũng ngọt”. Quan trọng nhất là cái rễ, cái Nền tảng đó đó, dựa trên Nền tảng mà thay đổi. Bởi vậy nên mới nói quy y, quy y đó không phải là quy y ông Phật ngoài mình mà chính là quy y cái Nền tảng Phật tánh, từ quy y đó mới bắt đầu thay đổi được. Nên quan trọng là thấy được cái Phật tánh đó là cái gì cái đã, rồi tùy theo mức độ thâm nhập Phật tánh đó, tùy theo mức độ thâm nhập cái Bản tánh của tâm đó mới thay đồi lần lần. Từ người hay nổi sân muốn thay đổi thành hiền lành như con cừu cũng dễ lắm, chỉ cần tập vài ba năm, năm năm là ngon lành như thường, nhưng bên trong thì vẫn thế thôi, bởi vì đó giống như đổi cái áo bên ngoài thôi. Thân khẩu ý của mình chỉ là cái áo, lớp bề ngoài thôi, thân khẩu ý mà xuất phát từ Nền tảng, đó là Bản tánh của tâm, xưa dịch là Bản tâm hoặc Lục Tổ Huệ Năng gọi là "Tự tánh", thì mình thay đổi từ cái gốc đó.
Quy y thật sự nghĩa là quy y Bản tánh của tâm, quy y Phật tánh. Từ chỗ quy y đó mới có một chút gì để bắt đầu thay đổi. Nên cái Nền tảng thầy hay nói đó là cái quan trọng nhất. Có thể đi chậm nhưng đây là chiến lược. Chiến thuật thì có thể nhanh lắm nhưng cũng chỉ là chiến thuật, bởi vì đổi bề ngoài thôi. Như cô H.Lan chẳng hạn, kỳ vừa rồi lên gì đó thấy mặc cũng rất đẹp, đồ trắng tinh, nhưng bữa nay cô lại mặc áo khác, cũng đổi đó. Có người nói da cô không hợp với màu trắng chẳng hạn là cô đổi, nhưng đó là bên ngoài thôi. Đổi thật sự là phải dựa vào chỗ quy y của mình, quy y chân thật là quy y Phật tánh của mình, quy y chân thật là quy y ông thầy Nội tâm của mình, ông thầy chân thật là Bản tánh, Bản tâm của mình. Còn ông thầy ở ngoài chỉ là một nhân duyên, dù là một nhân duyên tốt thì cũng là nhân duyên chứ ông đâu có ở với mình cả đời được.
Khi quy y chân thật và anh thấy được cái chân thật đó là cái gì thì anh mới bắt đầu thay đổi. Tất cả phiền não đều chỉ thay đổi được khi mình biết các phiền não đó xuất phát từ đâu, từ cái Nền tảng nào? Từ Nền tảng không có phiền não mới thay đổi được chứ không chừng là thay đổi từ phiền não này bằng một phiền não khác. Mấy người mới tu họ tu hăng lắm, coi chừng đó là tham. Tôi thấy ông Dũng (kiếng) tu sao mà nhanh quá, tôi nổi điên lên, cả đêm tôi ngồi thiền thôi. Tôi tinh tấn lắm, nhưng đó là tham, tôi muốn bằng hoặc vượt ổng, đó là một phiền não khác. Coi chừng khi không dựa trên Nền tảng thì mình thay thế phiền não này bằng một phiền não khác.
Có thể cái Nền tảng của Thầy không được bao nhiêu đâu nhưng đó là chiến lược. Ví dụ, mọi người nói mấy hôm nay nhìn mặt ông thầy có vẻ lo âu, phiền muộn cái gì, thì thầy giả bộ thay thế bằng phiền não khác, tức là Thầy giả bộ vui lên vui lên. Đó là thay đổi bề ngoài thôi rồi mọi sự nó lại khởi trở lại. Kinh Phật nói, “tất cả chỉ có một vị thôi”. Tất cả mọi tông phái, dầu là Nam tông, dầu là Bắc tông, dầu là Đại thừa hay Kim cương thừa cũng chỉ có một Nền tảng thôi. Người ta thành Phật, thành Bồ tát là trên cái Nền tảng đó.
Thầy cũng tìm đăng những bài về Tây phương, bây giờ thị trường đủ thứ món, bạn muốn thành công nhanh chóng trong vòng một tuần, bạn chỉ cần nghĩ tưởng tới nó theo đúng định luật hấp dẫn, theo đúng những câu rất nổ như là, “Khi mình muốn làm cái gì thì cả vũ trụ giúp mình”. Nếu là người có đầu óc sẽ thấy vũ trụ nó giúp mình thật sự thì phải biết mình và vũ trụ cùng chung một Nền tảng như thế nào. Bữa trước có bàn luận về Ma trận thần thánh, anh phải ở trên cái Nền tảng đó. Mặc dù vị đó chỉ đề ra vậy thôi nhưng mà ít ra cũng cho mình một niềm tin là mọi người và tất cả thế giới này đều ở trên một Nền tảng. Khi anh thấy được như vậy anh mới có từ bi, còn anh thấy người khác khác với mình, tôi thấy ông Châu khác với tôi là tôi đã ra khỏi cái Nền tảng đó rồi. Nghiệp ông Châu khác nghiệp Thầy, nghiệp Thầy khác nghiệp ông Hải, những nghiệp khác nhau tạo ra khuôn mặt khác nhau, giọng nói khác nhau, tất cả khác nhau, nhưng nó đồng một cái, đó là Nền tảng, là Phật tánh. Khi anh thấy cái Nền tảng, Phật tánh đó anh mới có được những đức tính mà Phật giáo hay đề ra.
Thương yêu tức là thấy anh cùng một Nền tảng với tất cả mọi người, từ Nền tảng đó mới xóa bỏ cái ích kỷ của anh được. Chứ Thầy có bao nhiêu tiền Thầy phân phát hết rồi chưa hẳn là thật sự là bố thí đâu, anh chỉ thật sự bố thí khi anh ở trên cái Nền tảng đó. Và Nền tảng đó có nhiều cấp bậc chứ không phải nói Nền tảng là tôi hoàn toàn Nền tảng đâu. Nền tảng đó trong kinh nói rất rõ là Bổn lai thanh tịnh, xưa nay vốn thanh tịnh như vậy. Dựa vào cái xưa nay vốn thanh tịnh như vậy mà sửa đổi họa may nó mới ra được một chút thanh tịnh, chứ không thì vẫn là bề ngoài thôi. Thấy ông H.Dũng bữa nay tóc bạc hơi nhiều, Thầy nói thay đổi đi, ổng về ổng mua chai thuốc nhuộm ông nhuộn mươi mười lăm phút là tóc ổng đen óng mượt, trở lại trai trẻ liền. Bây giờ nó nhiều thứ lắm, mà chỉ là bề ngoài thôi.
Thành ra cái quan trọng nhất của Thầy là đưa anh em tới một vấn đề chiến lược, thấy cái Nền tảng, sống trong Nền tảng đó cho nhuần nhuyễn, nhuần nhuyễn cỡ nào thì anh lên cấp độ Bồ tát cỡ đó. Khi hoàn toàn nhuần nhuyễn thì anh đắc Phật quả.
Bữa nay ưu ái dành cho người có nhiều sự giúp đỡ mọi người là P.Thảo, P.Thảo muốn hỏi gì thì hỏi. Nãy giờ Thầy nói đã đồng ý chưa? Đồng ý đó là Phật giáo đó, Thầy hay nói thô bạo vậy đó. Tông phái nào không dựa trên Nền tảng mà tu thì mình phải nói đó là ngoại đạo. Dù anh có xưng tôi là Phật giáo gì gì đi nữa mà anh không dựa trên Nền tảng chung đó thì tôi kết luận anh là ngoại đạo, vì anh theo bọt bèo ở trên chứ anh không phải là đại dương.
Tất cả kinh điển của đức Phật, kinh điển của các vị Tây Tạng đều nhấn mạnh đến Nền tảng. Cái Nền tảng đó theo Đại Thủ Ấn (Mahamudra) thì mình phải thấy cái Mahamura đó, thiền tông gọi là thấy Tánh. Thứ hai, phải thiền định chứ không phải thấy một cú là anh thành liền đâu. Thiền định là anh duy trì cái thấy về Nền tảng đó. Rồi Hạnh, Thầy cũng là Hạnh đây thôi, Thầy sống bằng thân khẩu ý của Thầy chứ. Nhưng mà Nền tảng sơ sơ thì cũng là chúng sanh thôi. Thân khẩu ý Hạnh có nghĩa là tất cả hoạt động của thân khẩu ý phải thấm nhuần, thấm đẫm cái Nền tảng đó, để cho thân khẩu ý của anh trở thành Một thì lúc đó anh là Bồ tát. Còn anh thấm một nửa thì anh nửa Bồ tát, nửa chúng sanh.
Tại sao mình thấy trong kinh điển hay phân chia là Phước đức và Công đức. Kinh Kim Cương, hay ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng phân biệt Phước đức và Công đức. Phước đức cũng là Hạnh, vì bố thí là Hạnh chứ còn gì nữa, nhưng anh bố thí không phải trên Nền tảng nên đó là Phước đức. Bố thí nhiều thì đời sau anh có thể lên cõi trời ở, trên đó sướng lắm, không có một hạt bụi, không có ruồi muỗi, yếu Phước ở đây thì muỗi cắn, ruồi bu, đủ thứ. Thành ra, phân biệt Công đức hay Phước đức ở chỗ có Nền tảng hay không có Nền tảng. Phước đức ở trên Nền tảng thì Phước đức đó chính là Công đức, Phước đức đó là Phước đức của Bồ tát và sau này thành Phật là nhờ cái Nền tảng đó. Còn bố thí không cầu phước báo nhân thiên, nhân là người, thiên là trời, làm Phước đức nhiều sẽ lên trời, hết Phước đức thì rớt xuống. Làm tiếp thì cũng rớt lên rớt xuống như vậy.
Còn Công đức là Phước đức được làm trên Nền tảng. Kinh điển nói rất rõ, tại sao không dùng chữ bố thí thôi mà dùng chữ bố thí Ba la mật, sáu Ba la mật hay mười Ba la mật. Kinh điển dịch Ba la mật là Đáo bí ngạn, qua bờ bên kia hay là rốt ráo hay gì đó. Ba la mật chính là Nền tảng, Ba la mật đó là Nền tảng tánh Không, cho nên mới nói bố thí Ba la mật chứ không thôi nói bố thí được rồi, bố thí vĩ đại, bố thí vô lượng. Ba la mật nà nói tới cái Nền tảng vốn giải thoát, bố thí trên cái đó, bố thí nhiều thì thành Ba la mật. Bố thí trên cái Nền tảng tạm gọi là tánh Không đi bởi vì nó có nhiều chữ lắm, mình bố thì như vậy thì ngay khi bố thí mình giải thoát chứ không còn Phước đức nhân thiên trời người gì nữa.
P.Thảo
Thưa Thầy, con xin phép được thỉnh Thầy chỉ dạy cho chúng con thêm nữa ạ.
Hôm trước con có nói chuyện với một người bạn là, tu thì giống như việc mình đi trên dây. Mình hăng hái quá vì cho rằng làm lợi lạc cho người khác, nhưng rất nhiều trong đó có thể là vì bản thân mình hoặc muốn thể hiện một cái gì đấy và như vậy là mình tăng trưởng bản ngã. Còn nếu co rút lại, không làm việc, nản chí, hay nghĩ mình buông bỏ, không làm gì cả, bỏ mặc công việc hoặc những người cần giúp đỡ thì cũng không đúng. Con thấy vậy, nên chia sẻ với người bạn của con là việc tu giống như việc đi trên dây, không cẩn thận sẽ sang bên này hoặc bên kia. Về mặt chiến lược và lý thuyết Thầy vẫn thường giảng cho chúng con là tất cả mọi thứ làm trên Nền tảng, nhưng quả thực việc thực hành trong cuộc sống thì càng ngày con càng mới thấy việc tu tập đó vừa dễ nhưng mà vừa không dễ. Con xin Thầy giảng thêm về chỗ này cho chúng con ạ?
Thầy
Mình không thấy cái Nền tảng rõ ràng nên mới nói đi trên dây. Nền tảng có nghĩa là Địa, là đất, làm sao ra khỏi đất này được. Nên nhớ, tất cả cấp bậc của Phật giáo đều dùng chữ Địa (đất), Sơ Địa, Nhị địa, Tam Địa, Tứ Địa… Nói đi trên dây là mình mới ở trên phương diện chiến thuật thôi chứ chưa phải phương diện chiến lược. Nhìn thấy đất rồi thì có bò anh cũng nhanh hơn là cái anh đi trên dây. Một câu rất là thông thường của Mật thừa, “Bạn té ở trên đất thì bạn phải chống tay trên đất để đứng dậy”. Chống tay trên đất là tất cả những phương tiện thiện xảo, tất cả những phương tiện thiện xảo đó là gì? Là phải nhờ đất mà đứng dậy, đất là Nền tảng. Cho nên cái đó là quan trọng nhất, không có cái đó chưa phải là tu, anh chỉ đổi thay cái này bằng cái khác, như mình thay áo vậy. Mấy bữa nay ông Dũng (kiếng) mặc cái áo màu tối quá thấy ông ấy tối, chút nữa ông cởi áo đó ra thấy ông ấy sáng lòa, phải không? Đấy là thay đổi bên ngoài, cái Nền tảng không phải là sợi dây. Nếu mình nói mình đi trên dây có nghĩa là mình chưa thấy Nền tảng.
Tất cả cấp bậc của Phật giáo, dầu là Đại Ấn hay Đại Toàn Thiện đều lấy mười Địa làm căn bản. Có nhiều người tranh cãi về Đốn ngộ - Tiệm ngộ, Đốn tu - Tiệm tu gì đó, thật sự, tất cả đất (Địa) đó đều nằm trên Phật Địa, bởi vậy cho nên mới gọi là bình đẳng. Cái bình đẳng của Phật giáo rất khó hiểu, không phải bình đẳng là ông Châu đi bỏ phiếu, tôi cũng đi bỏ phiếu, ông xin visa đi Mỹ được tôi cũng xin visa đi Mỹ được, bình đẳng này là bình đẳng trên thế giới hình tướng. Còn bình đẳng đây là bình đẳng tuyệt đối, tất cả các địa đều nằm trên Phật địa, đó chính là Quả thừa. Quả thừa nghĩa là cái Địa của tôi nhỏ thôi nhưng vẫn nằm trên Phật Địa, quả lớn nhất.
Bên gì đó hay nói “vào cửa”, tức là vào cái Địa đó, vào cái Nền tảng đó. Còn mình đứng ngoài có bàn luận trời gì, tưởng tượng ra đi trên dây, sao đi trên dây, anh có té thì cũng té trên đất. Anh có sa đọa, có suy sụp thì cũng suy sụp trên đất, anh có trầm cảm, có tự tử thì cũng tự tử trên đất, và có chôn anh thì cũng chôn trên đất chứ không chôn anh giữa hư không được. Đó là Nền tảng, anh sống cũng sống trên Nền tảng. Từ nhỏ tới lớn Thầy cũng sống trên cái đất này chứ gì, và chết Thầy cũng chôn trên đất này, có cốt có tro thì cũng nằm trong đất này. Thành ra, nhất định phải thấy cho được, đừng có mong, ham hố Bồ tát gì cho nó xa xôi.
Anh phải phát nguyện làm sao trong đời này ráng thấy được phần nào cái Nền tảng đó, thấy phần nào anh mới yên tâm được. Còn anh cứ nghĩ cuộc đời tôi đi trên dây y như cái ông làm xiếc, chỉ cần nhích nhích cái là nó rớt tỏm xuống. Có nhiều anh gan lắm, đi trên dây mà không có che lưới gì hết, rớt cái là chết liền. Phải biết là mình đi trên Nền tảng, đi trên đất, đi chậm cũng trên đất chứ không đi trên dây. Nếu nói đi trên dây thì cuộc đời mình bi thảm lắm, khốn khổ lắm. Thầy là người lớn dĩ nhiên phải đi hơn mấy đứa nhỏ chứ đúng không, Thầy đi một bước bằng nó đi bốn năm bước, nhưng cả hai bên đều bình đẳng là con nít hay người lớn đều trên mặt đất hết.
P.Thảo
Chúng con xin tri ân Thầy, chúng con không có câu hỏi nào nữa ạ!
Thầy
Không, còn phải hỏi nữa.
Thôi, để Thầy nhắc lại một câu hỏi của P.Thảo. Bữa trước P.Thảo có hỏi Thầy gương và bóng là như thế nào? Lúc đó Thầy không có thì giờ nên không trả lời cho P.Thảo. Bây giờ có muốn Thầy nói về chuyện gương với bóng không?
P.Thảo
Dạ, có ạ!
Thầy
Một lần mới đây thôi P.Thảo có hỏi về gương với bóng phải không? Thầy nói thêm một chút nữa thôi.
Cái gương đó là gì? Nói theo chữ nghĩa của kinh điển là Đại Viên Cảnh Trí, là cái trí như tấm gương tròn sáng lớn, đó là Đại Viên Cảnh Trí. Cái gương này ai cũng có hết, vì đó chính là Bản tánh của tâm. Gương đó chính là hai cô và một ông cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái “Tâm tĩnh lặng” đó. Loanh quanh luẩn quẩn một tiếng đồng hồ làm cho người ta sốt ruột không đi uống nước được, bởi vì ba người cũng thuộc hàng ưu tú nên mình đâu dám bỏ đi. Cứ bị cái chữ “Tâm tĩnh lặng” đó nó ám, con ma “Tâm tĩnh lặng” nó nhập vô trong người là bắt đầu từ đó cứ “Tâm tĩnh lặng” thôi. “Tâm tĩnh lặng” chính là cái gương đó, nó vốn Tĩnh lặng. Cái “Tâm tĩnh lặng” thật sự nó vượt lên khỏi động và tĩnh. Cái gương mà có bóng chạy chạy trong đó cũng là gương, ngồi một cục như ông N này thì cũng là gương. Động hay tĩnh chỉ là cái bóng chạy trong gương thôi, còn gương nó vượt khỏi động và tĩnh. Thấy trong gương có ông nào đó chạy ào ào, ào ào thì đó là động, còn thấy ông ngồi một cục thì đó là tĩnh. Thành ra mình đừng bị ám ảnh bởi “Tâm tĩnh lặng” là gì, bản thân nó vượt khỏi tĩnh lặng và chuyển động. Cái gương đó chính là Nền tảng của cuộc đời.
Thực tại chính là tấm gương, tấm gương đó đang hiện diện ở đây, có mọi bóng hình ở đây, nó phản chiếu tất cả vũ trụ này, tất cả mọi người, xấu tốt, thiện ác nằm trong đó hết. Nhưng cái Thực tại, cái Nền tảng không bị ô nhiễm bởi hình bóng trong gương đó. Bởi vì hình bóng trong gương thấy thì rõ ràng, ông nào xấu tốt đều thấy trong gương đó, nhưng hình ảnh của ông đó không dính cứng vô gương được, không phải như một cái nhình chụp, chụp là dính vô đó liền. Còn cái gương nó không dính cái gì hết, gương đó chính là Bản tâm mình, và Bản tâm đó chính là Nền tảng. Cho nên người ta có thể cảm nhận được, thấy nó trong khoảnh khắc trong phút giây này đây.
Có thể thấy tất cả mọi người đang ngồi đây được phản chiếu trong cái gương này, chút nữa các ông lên xe về Cần Thơ thì tấm gương vẫn thế thôi, không vì vắng mấy vị mà cái gương nó rộng ra, không phải, có nhiều vị vô nữa, thêm thêm nữa nó cũng không chật đi. Bởi vì nó không bị ô nhiễm bởi các hình tướng, các hình bóng tha hồ trong đó. Hình bóng xấu nó ra cái mặt đen thui, còn người tốt mặt mày hồng hào, tốt đẹp, cái tấm gương đó nó vẫn vậy, không phải xấu tốt gì hết. Nên Thiền tông nói, “Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán”. Hồ là mấy ông Ấn Độ đó, đến thì hiện ra mấy ông Ấn Độ, cón Hán đến là mấy ông Tàu đó, đến thì hiện ra mấy ông Tàu, nhưng cái gương thì nó không phải là Ấn Độ hay Tàu. Phải thấy rõ ràng như vậy, cái Thực tại mà ông Krishnamurti nói đó chính là cái tấm gương mà hiện giờ mình đang cảm nhận đó.
Nói lại cái hồi nãy, thân khẩu ý của anh chỉ là một hình bóng, chỉ là một cái tướng, cái tướng đó phát xuất từ tấm gương, hiện diện trên tấm gương đó và bữa nào sẽ tiêu tan trên tấm gương đó. Vấn đề, muốn sửa đổi thân khẩu ý của anh, anh phải nhờ tấm gương đó. Bởi vì tấm gương đó mới thật sự thanh tịnh. Nó tự do đến độ mà anh muốn nhiễm ô thì nó cho anh nhiễm ô, anh muốn thành thánh, thanh tịnh, trong sạch thì nó cũng cho anh trong sạch thanh tịnh. Nhưng mà nó cũng chẳng phải nhiễm ô và chẳng phải thanh tịnh, nó vượt khỏi cái động và tĩnh, dơ sạch, tăng giảm. Vì vậy tụng kinh hàng ngày là gì, bất sanh bất diệt, nó vượt khỏi cái sanh diệt. Dĩ nhiên, cái bóng thì sanh diệt, dơ sạch, nhưng tấm gương thì vượt khỏi cái dơ sạch đó. Vì cái dơ nó in vô trong đó nhưng nó có dính vô đó đâu mà dơ sạch. Nó cũng không tăng giảm, thế giới này bữa nào nó lên tới mười tỷ người thì nó cũng vậy thôi, không phải vì thêm người mà nó chật ra.
Gương tâm mình là vậy đó, đó là cái Nền tảng, làm sao mình phải thấy cho nó được, thấy nó, quy y nơi đó, sống với nó. Phải như vậy chứ không thôi cứ chạy dòng dòng bên ngoài thôi. Có ông muốn vô ở với Thầy, rồi nghe có ông nói tôi vô ở với Thầy một năm, thế là tôi quyết tâm phải hơn ông ấy. Không phải, việc đó không ăn nhằm gì hết. Vấn đề là anh có ở trong tấm gương đó không, anh ở trong tấm gương đó thì anh với Thầy bình đẳng. Bởi vì tấm gương đó bình đẳng lắm, anh nào đó nhậu nhẹt hay xì ke gì đó nó cũng ở trong tấm gương, mình cũng ở trong tấm gương nên bình đẳng với nó, không có sự bình đẳng nào ngoài tấm gương được. Cho nên, đó là cái cứu cánh giải thoát của mình, mình phải chăm chăm vô đó. Cái đó là cái giải quyết mọi vấn đề, còn ngoài ra không có cái gì có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Thầy mới thấy cái ngân hàng gì khởi nghiệp ở thung lũng Silicon nó mới sụp đó, nó tương đối, nó nhấp nhô, tùy theo xung quanh nó nhấp nhô, chứ đừng nói tôi giỏi, tôi có thể duy trì được cả ngàn năm cái này, không có. Tùy theo vận mệnh, công nghiệp, đủ thứ trên đời, bây giờ nghe nó phá sản rồi. Thành ra chỉ có tấm gương đó là không lên xuống, không nhấp nhô, không tăng giảm, không dơ sạch, đó mới là chỗ quy y rốt ráo của mình. Bởi tất cả những lời của Phật, tất cả những kinh điển, tất cả những vị giác ngộ khác đều nói là nói cái Nền tảng đó thôi.
Phước báo nhơn thiên, có nhiều vị bác bỏ phước báo nhơn thiên. Giàu quá thì lên cõi trời rồi bữa nào lại rớt xuống. Tâm huyết của các vị sanh ra đời để làm gì? Để mà nói cho tất cả mọi người nghe được tiếng nói mà trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói là, “Tiếng nói sư tử hống”. Sư tử là tượng trưng cho Phật, sư tử hống là nói xong mà nghe là điếc lỗ tai liền, thoát xác liền. Tiếng nói đó trong kinh Đại Bát Nhã nói rất nhiều lần, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, đó là tấm gương. Mình tu mà thấy chỉ có mình, có Phật tánh thôi còn người ta không có, không phải thế, mà tất cả chúng sanh đều đang ở trong tấm gương. Vấn đề là mình phải thấy được tấm gương, sống trong tấm gương đó để thấy “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Nghĩa đen của nó là tất cả chúng sanh đều ở trong tấm gương, Bản tâm của tôi.
Thể nghiệm đi, coi bây giờ đang ngồi đây mình có thấy tấm gương không, hay Thầy dòm trước mặt Thầy chỉ thấy cái đồng hồ, ở trên nữa là hình của đức Dalai Lama với ngài Dilgo Khyentse, sau nữa là bức tường, chứ chẳng thấy tấm gương đâu. Tu là sao, thiền định là sao, là thấy tất cả cái đó nằm trong tấm gương, đó chính là tu, là thiền định. Nếu bạn thấy tấm gương và ở trong tấm gương đó thì tất cả việc làm đều là đúng là hoàn thiện hết, chỉ khi bạn ra khỏi tấm gương bạn mới thắc mắc là công việc tôi làm còn sai hay cái này cái nọ. Ở trong tấm gương thì tất cả đều đúng và nó chính là ý nghĩa của Đại Toàn Thiện. Đại Toàn Thiện là tất cả đều toàn thiện hết rồi khỏi cần sửa đổi gì hết, làm chỉ là làm chơi vậy thôi. Đó là Đại Toàn Thiện. Đại Ấn là gì? Đại Ấn là tất cả thế giới, tất cả chúng sanh được ấn vào một cái ấn, cái ấn đó là tánh Không. Tất cả vạn vật, tất cả chúng sanh, tất cả vũ trụ đều nằm trong Đại Ấn, có nghĩa là nằm trong tấm gương đó, Đại Ấn chính là tấm gương đó.
Ngoài Hà Nội có hỏi gì nữa không?
P.Thảo
Dạ, con xin phép không còn câu hỏi nào nữa, chúng con xin tri ân Thầy ạ!
Thầy
Thầy là hay đeo đuổi tới cùng lắm. Không hỏi gì nữa có nghĩa là bạn đã thấy tấm gương rồi. Bạn yên tâm chưa? Bạn nói để cho Thầy còn yên tâm chứ. Bạn mà không yên tâm, vài bữa nữa bạn hỏi Thầy lại lợn cợn, không yên tâm. Khi nào học trò yên tâm thì Thầy mới yên tâm được. Còn cứ nhấp nhô nhấp nhổm, theo sóng mà giỡn nước thì cuộc đời mệt mỏi lắm. Yên tâm chưa?
P.Thảo
Dạ, con yên tâm rồi ạ.
Thầy
Mà yên tâm là sao?
P.Thảo
Dạ, thưa Thầy yên tâm là tâm con yên ạ.
Thầy
Không phải. Vậy là sai lầm rồi. Yên Tâm có nghĩa là ở yên, An tâm, là mình an trong cái tấm gương đó mới gọi là Yên tâm. Còn bây giờ “tâm con yên rồi”, tâm con giục đi, thứ đó không ăn nhằm gì hết ý. Yên tâm có nghĩa là, Yên là An ở trong cái Tâm đó, Tâm này là Tâm viết hoa. Mình tu rồi nên giải thích cái gì cũng ở mức độ Nền tảng hết. Yên tâm có nghĩa là An tâm, mà An tâm là an trụ được trong cái Tâm đó đó, cái tấm gương đó đó gọi là An tâm.
N.Hương
Thưa Thầy, thưa đại chúng, cho con có câu hỏi với Phương Thảo ạ!
Hương nhớ có lần trong buổi pháp đàm tương tự như thế này, P.Thảo có hỏi Thầy cách tụng kinh, tụng kinh là như thế nào? Hôm nay P.Thảo mới nói với Thầy là “con An tâm rồi”, có lẽ là đã hiểu những gì Thầy giảng rồi, mình An tâm rồi thì P.Thảo có thể chia sẻ về việc “tụng kinh là như thế nào” được không? Tại Hương cũng có câu hỏi tương tự như vậy, mình tụng kinh như thế nào, phóng sanh như thế nào để đúng tinh thần của tấm gương như nãy giờ Thầy giảng?
P.Thảo
Em xin phép được trả lời chị Hương, nếu phần trả lời của em còn thiếu sót thì con xin mời các cô chú và các anh chị trả lời thêm ạ.
Thực ra, em cũng không hoàn toàn nhớ cái bối cảnh đó, em chỉ nhớ là em hỏi Thầy như vậy và Thầy có trả lời. Hôm đó em rất tâm đắc, nhưng quả thật từng câu chữ thì em không nhớ hoàn toàn. Thứ hai nữa tất cả những lời dạy của Thầy trong mọi lần đều mang một thông điệp giống nhau. Em xin phép trả lời chị ở góc độ là cách hiểu và thực hành của em.
Nói về việc tụng kinh hàng ngày thì em chưa có được phần thực hành đấy, nhưng những gì Thầy dạy và những gì em tâm niệm, cho dù mình tụng kinh, trì chú, thiền định, mình ngồi uống trà hay làm việc, nếu những hoạt động đó như Thầy dạy, chúng ta phải làm trên cái Nền tảng hay tấm gương. Em xin dùng ngôn ngữ Thầy cũng đã từng nói, ngôn ngữ đó đối với em nó có nhiều duyên hơn, là sự chân thật. Tức là mình đọc một cuốn sách, tụng kinh, thiền định, hay trì chú với một tâm chân thật thì hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Việc đọc kinh điển, đặc biệt là tụng những bộ kinh, đối với cá nhân em thì cần phải khắc phục, Thầy nói không có cái gì ra ngoài kinh điển cả, với đặc thù công việc của em thì em hay đọc các loại sách khác nhiều hơn, nên việc duy trì việc tụng kinh hàng ngày thì em chưa làm được điều đó. Nhưng em nghĩ, cho dù mình tụng kinh hay làm bất cứ một điều gì thì cũng làm bằng tấm lòng chân thật. Cái chân thật phụ thuộc vào việc tu tập, tu tập sâu bao nhiêu thì cái chân thật đó sâu bấy nhiêu.
Có một yếu tố gần đây thực hành em thấy khá rõ, đó là việc có thể thư giãn được trong việc mình làm, mình xúc chạm, trân trọng được từng cử chỉ nhỏ mình đang làm. Ví dụ, khi em ngồi làm việc, cái chân của em nó bị ngứa chẳng hạn, em dùng tay gãi thì em cảm nhận rõ được cái sự xúc chạm giữa bàn tay và vùng da đó, tự nhiên em cảm thấy trân trọng cái khoảnh khắc đó, thì lập tức cơ thể của em được thư giãn hoàn toàn. Rất nhiều lần như vậy. Đôi khi cái thoáng thấy của em, về mặt ngôn ngữ em thấy lọt vào cái Thực tại và em cảm thấy mình được sống trong dòng chảy. Đấy là cái em cảm nhận về thực hành của em, nó không trả lời trực tiếp câu hỏi về tụng kinh của chị nhưng em nghĩ có liên quan một chút.
N.Hương
Cảm ơn P.Thảo. Cho Hương xin hỏi thêm. Nếu P.Thảo nói như vậy, tức là mình không tụng kinh cũng được, cũng như P.Thảo không nhất thiết phải tụng kinh, việc mình gãi hay làm việc gì đó thì cũng như nhau cả, như vậy liệu có đúng hay không? Mọi người có thể bàn rõ hơn về việc có cần phải thực hành các nghi lễ nào đó, hoặc không nên làm không?
P.Thảo
Ở trên ban thờ, chỗ em thực hành, bao giờ em cũng để một bộ kinh trước mặt để thỉnh thoảng em tụng đọc. Nhưng em nghĩ rằng, việc tụng kinh, dành thời gian cho việc đấy phụ thuộc vào cái căn cơ, cái nhân duyên và cũng như thời gian của mỗi người. Cá nhân em thì em vô cùng trân trọng việc đấy, em biết đấy là cái thiếu sót về việc ấy và em cần phải dành thời gian trong ngày để làm việc này, nhưng hiện nay em chưa làm được. Em thiên về thiền định và trì chú nhiều hơn. Việc tụng kinh em thấy vô cùng quan trọng, Thầy có dạy là tất cả lời dạy của Phật thì đều nằm trong các bộ kinh nên em rất ý thức về việc ấy và mình cần phải điều chỉnh. Có điều là cho dù làm bất cứ việc gì cũng cần chú tâm hướng về cái Nền tảng như Thầy vẫn dạy, hay trên cái Tâm chân thật thì đều mang tính chiến lược và quan trọng nhất.
Thầy
Thầy thấy cô P.Thảo nói là chưa làm được. Khi cô nói chưa làm được là cô mặc cảm, cô ở ngoài tấm gương, chứ ở trong tấm gương đó thì dù làm dở vẫn là được. Vấn đề là vậy, Đại Toàn Thiện là vậy, Thầy tụng kinh đâu có bằng mấy vị, hoặc tụng chú không có vang như mấy vị Tây Tạng, nhưng làm dở mà vẫn làm được, bởi vì làm trong tấm gương đó. Bởi vì làm trong tấm gương đó nên dầu có dở vẫn là làm được. Cái phổi của Thầy không có mạnh bằng các vị ở trên cao, trên đó có ít ô xy, mình ở dưới này cần ô xy nhiều thành ra giọng mình không mạnh được. Khi bạn sống trong tấm gương thì cái giới hạn của bạn cũng là vô giới hạn, đó là Đại Toàn Thiện, chứ không phải là bắt Thầy bắt chước tụng âm vang như vậy trong khi phổi của Thầy nhỏ xíu. Nếu bạn ở trong tấm gương thì việc làm của bạn giới hạn cũng thành vô giới hạn vì nó là âm vang của toàn thể tấm gương. Thầy thích trong kinh Hoa Nghiêm có nói, một vị gì đó dùng một cành hoa thôi có thể cúng dường cho tất cả chư Phật. Cành hoa là hữu hạn nhưng bạn ở trong tấm gương thì bạn cúng dường cho tất cả tấm gương được.
T.Thành
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Cho con hỏi huynh Q.Trường. Con xin hỏi vấn đề là: Ví dụ, trong pháp đàm hôm nay, ở đây có bao nhiêu cái Tâm và trong tất cả các cõi giới rốt cuộc có bao nhiêu cái gương?
Q.Trường
Thưa Thầy, thưa đại chúng!
Con nghĩ, vấn đề không phải là có bao nhiêu cõi, có bao nhiêu Tâm hay bao nhiêu tấm gương, vấn đề chính nhất là mình có thấy mình chính là tấm gương hay không. Nếu cứ so đo ngoài kia có bao nhiêu cõi, ngoài kia có bao nhiêu tấm gương mà không nhìn ra tấm gương nơi chính mình thì cũng vô ích. Thực hành không phải là để xem người kia có gương hay không có gương, mà phải nhận ra chính mình có là tấm gương hay không, tất cả mọi sự có hiển bày trên tấm gương hay không mới quan trọng. Còn việc có bao nhiêu tấm gương thì cái đó không quan trọng bằng việc mình nhận ra tấm gương, cho họ thấy là nơi tất cả mọi người đều có tấm gương đó, điều đó quan trọng hơn. Cứ đi đếm như vậy thì không bao giờ đếm hết được, vì tất cả thế giới này, muôn pháp này đều do duy thức mà ra, mọi thứ do thức nó biến hiện ra, tâm niệm của mỗi người khác nhau nên hiện ra các cảnh khác nhau, vậy nên mình đí tính cái chuyện đó làm chi cho mất công.
T.Thành
Như vậy theo huynh thì có một hay có nhiều gương?
Q.Trường
Cái đó tùy vào sự nhìn nhận của mỗi người, nếu thấy nó là một thì nó là một, còn thấy nó là nhiều nó là nhiều. Xét trên tấm gương thì tất cả nó đều là Đại Viên Cảnh Trí. Xét dưới góc độ cá nhân thì giống như Ma trận thần thánh, trong đó có nói về cái vũ trụ toàn ảnh, trong một cái nhỏ nó chứa hết tất cả, và trong cái tất cả nó chứa những cái nhỏ đó. Nên cái nhỏ nhất nơi chính mình là tấm gương nó cũng chứa tất cả, nơi toàn bộ cái vũ trụ pháp giới này cũng chỉ là một tấm gương thôi. Làm sao để mình phải nhận ra được như vậy.
Thầy
Rõ ràng ông Q.Trường trả lời không đúng, lần thứ hai ông mới sửa lại. Người ta hỏi sáu cõi này có bao nhiêu tấm gương, thì ông cứ trả lời là chỉ có một tấm gương thôi, ông không tin ông lên chánh điện ông hỏi đi, (mọi người cùng cười). Chứ lần đầu ông nói quan trọng là tấm gương ở nơi mình, đạn nó nhè tim mình nó bắn mà mình cứ lo đi đỡ ở lỗ mũi là sao?
Vậy được chưa? Thầy nói là trận đấu này nó còn dai dẳng cho tới ngày nào mình giải thoát mới thôi.
D.Trường
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Dạ, cho con xin hỏi huynh Nguyên. Con có nghe Thầy giảng và con rất là tâm đắc, tấm gương vốn là viên mãn hoàn thiện rồi không phải làm phải sửa sang gì hết, nhưng con quan sát con thấy Thầy làm việc rất nhiều, tính con làm biếng, nhiều lúc mình hay lầm tưởng, cứ nghĩ là vốn hoàn thiện, vốn như vậy rồi, đâm ra mình làm biếng không phải làm nữa. Con xin hỏi huynh Nguyên, ví dụ, Thầy làm việc rất nhiều, về mặt tương đối cho là mỗi ngày có thể là 12 tiếng, với Trường thì chưa tới được chỗ toàn thiện vậy đó, nhưng vì làm biếng nên cứ nghĩ là nó toàn thiện rồi không cần làm thì có được không, huynh Nguyên có thể giảng giúp Trường rõ hơn về chỗ này để Trường đi đúng con đường?
B.Nguyên
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng!
Ở câu hỏi của D.Trường, con thấy ý thức của mình hay bảo vệ cho cái tôi. Nhiều khi nó dùng kiến thức Phật giáo để nó tự đánh lừa. Nói mọi thứ đã tự hoàn thiện rồi không cần phải học nữa, tốt hay xấu gì mình cũng nằm trong tấm gương, thì đó là một cái sai lầm. Một cái sai lầm khác con cũng mới học được gần đây, ví dụ, mình nói mình có vị thầy trong tâm, quan trọng là phải thấy được vị thầy trong tâm đó, thành ra mình cứ lo đi tìm vị thầy trong tâm đó mà không để ý tới điều quan trọng hơn là, trước khi thấy được vị thầy trong tâm phải dựa vào vị thầy bằng xương bằng thịt ở bên ngoài. Đó là sai lầm thứ hai nó tự lừa dối khi mình làm biếng.
Thầy làm nhiều như vậy là tại sao? Bởi vì Thầy có tâm nguyện lớn, Thầy có cái Bồ đề tâm. Nên điều quan trọng làm sao mình phát khởi được cái Bồ đề tâm. Ở đây, mình còn đang tập, chưa phải là Bồ đề tâm thật sự, tuy nhiên làm sao đó phải phát khởi ra được, tập làm quen với nó, hướng ra bên ngoài chứ không nên tập trung cho bản thân mình. Nếu hướng cho mình nhiều quá, làm tất cả là vì mình thì đến một lúc nào đó mình sẽ cảm thấy mệt mỏi. Còn khi phát khởi được cái tâm làm cho người khác như Thầy chẳng hạn, Thầy làm cho người khác, vì người khác, Thầy thấy đệ tử chưa được, thầy chỉ dạy cho cách này cách kia… Nhờ cái Bồ đề tâm đó mà Thầy làm việc suốt ngày, tràn đầy năng lượng không mệt mỏi. Khi làm như vậy, làm vì người khác thì càng làm càng có năng lượng, còn làm với mục đích nổi tiếng hoặc được người khác khen ngợi thì nó còn giới hạn lắm.
H.Lan
Con xin hỏi chú Dũng (kiếng). Lúc Thầy đang giảng, con nhìn thấy chú chắp tay xá một cái. Mà con ngồi đối diện với chú, nên con hơi run, con thấy chú xá như vậy, nên con phải né qua một bên. Con muốn hỏi là chú xá như vậy là như thế nào ạ? Với lại con cảm nhận bữa nay chú khác so với các bữa khác chú lên đây, con chỉ muốn hỏi là vì sao lại như thế thôi ạ?
Chú Dũng (kiếng)
Để chú trả lời chung ha. Con xá là tại con thấy lời nói của Thầy dạy con thấy được, con nghe được và con cũng đang thực hành như vậy, con tâm đắc.
Thầy
Hóa ra cô H.lan hiểu lầm, cô thấy ông xá trước mặt nên cô lo cô né, cô tưởng ông xá cô ấy.
Đó, thấy không. Mình lỗi lầm từng phút, từng giây. Người ta xá là xá cái gương, cô lại tự nhận cô là một cái bóng là H.Lan, cho nên cô né. Thầy mới nói, mình luôn luôn làm sai là vậy đó. Người ta xá tấm gương mắc gì tới mình. Ông cũng không phải xá Thầy nữa, ông xá tấm gương. Thầy chỉ là một phát ngôn viên, một phần nào đó của tấm gương thôi, chứ không mắc gì ông xá Thầy. Tự quy Phật, đó mới là tự quy y Phật. Cô còn hơn nữa, cô tự đồng hóa mình với cái bóng trong gương, đây là H.Lan nên mới thấy ông kia, gọi là bậc trưởng lão của mình là lo né.
TC.Hải
Dạ, cho con xin hỏi bác Châu ạ.
Nếu cho rằng mình sống trong tấm gương rồi, thì mình thấy ai đó nói cái gì là mình biết họ nói cái gì liền. Con thấy, trong quá trình học, học pháp thì chấp pháp, học cái gì thì chấp cái đó, theo chú, sống trong tấm gương thì nó như thế nào, nó có phải là chấp như vậy không?
T.Châu
Bạch Thầy, bạch đại chúng!
Với câu hỏi của Hải thì chú thấy như vậy. Khi mình khởi cái gì thì chắc chắn không ngoài tấm gương đó, mọi cái tình huống, mọi cách xử lý của mình, đó là tấm gương xử lý. Cho nên lúc nãy Thầy có nói về cái thân khẩu ý, làm sao để thân khẩu ý đó hài hòa. Khi thân khẩu ý hài hòa đó chính là tấm gương. Cái gì khởi từ tấm gương thì tất cả những cái hỏi đó là tấm gương, còn cái gì mình hỏi không ngoài tấm gương thì nó không phải.
Thầy
Bằng lòng chưa?
TC.Hải
Dạ, con chưa bằng lòng. Vì bác Châu nói tất cả là tấm gương, nếu như là tấm gương thì toàn khắp, tất cả hình bóng đều hiện trong tấm gương và nó có sự sống động trong đó. Nếu như sống trong tấm gương rồi mà mình, ví dụ, mình nói một khía cạnh nào đó chỉ là lặp đi, lặp lại những khía cạnh đó thì mình đã sống trong cái toàn thể tấm gương chưa hay chỉ là một phần thôi.
T.Châu
Cho dù có thiên biến vạn hóa, xử lý bất cứ cái gì thì cũng không ngoài tấm gương được. Còn mỗi cái riêng là riêng của mỗi người, cái chung thì không có gì ngoài tấm gương, ngoài cái Nền tảng, ngoài cái Đại Viên Cảnh Trí như Thầy đã nói. Cho nên cái thân khẩu ý thực sự là cái thân khẩu ý của tấm gương đó. Làm sao để thân khẩu ý là tấm gương được thì trước tiên mình phải thấy được cái tấm gương nó là gì, phải khám phá được tấm gương đó, làm quen với nó, tương ưng với nó, cho đến khi tất cả đều là tấm gương thì lúc đó mới trọn vẹn. Đó là cái chiến thuật mình đi, còn cái chiến lược thì tất cả đều là tấm gương hết, không có gì ngoài tấm gương được.
C.Lượng
Con xin có ý kiến chỗ Hải vừa nói và xin đặt một câu hỏi.
Kính thưa Thầy và đại chúng,
Với câu hỏi của Hải, đối với khía cạnh của con được thấm đẫm những lời dạy của Thầy với thường qua bên chùa học thì con thấy, như lúc nãy Thầy cũng giảng rồi, khi chúng ta sống trong tấm gương thì “Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán”. Con thấy như vậy là toàn khắp rồi. Còn lúc nãy huynh Nguyên nói, Thầy có Bồ đề tâm, cái này con hơi nhột ạ.
Thầy
Đúng. Thầy đâu có Bồ đề tâm nào đâu mà gán cho Thầy Bồ đề tâm, rồi một ngày 12 tiếng tùm lum.
C.Lượng
Con Thấy cuộc sống của Thầy ở cõi đời là để tán thán Phật thôi, từ việc uống nước, giảng kinh, đi đứng, tất cả thân khẩu ý Thầy chỉ là để tán thán Phật. Chứ nói Thầy có Bồ đề tâm thì nó hơi thiệt ạ.
Thầy
Hồng trả lời đi, ông đó nói là Thầy sống chỉ là để tán thán Phật, phải không? Thầy cũng ăn cũng uống, cũng la tùm lum chứ chỉ để tán thán Phật không sao được. Mới nói tán thán Phật là ông Tùng ngoài kia ông ngứa là ông nhảy vô đó. Mười cái, thứ nhất lễ kính chư Phật, Thầy lễ kinh chứ, thứ hai xưng tán Như Lai, Thầy cũng xưng tán Phật, thứ ba là quản tu cúng dường, Thầy cũng cúng dường. Thứ tư sám hối nghiệp chướng, bộ Thầy không sám hối hả? Thứ năm vui theo công đức, nói như ông Dũng (kiếng), có người nói sai Thầy cũng vui theo công đức chứ không phải nói đúng Thầy mới vui theo công đức đâu. Nói như mấy vị, “Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán”, chứ không phải Hồ giỏi thì mới hiện Hồ, con Hán tới thì chê.
C.Lượng
Con xin đặt câu hỏi cho anh CH.Hải ạ.
Lúc nãy chúng ta nói về tấm gương, tức là mọi cái suy nghĩ hành động của chúng ta cũng từ tấm gương mà ra, nó hiện bóng trên tấm gương. Như vậy, cái bóng hiện lên đó có phải là gương hay không?
CH.Hải
Thưa Thầy, thưa mọi người!
Câu hỏi của Lượng với của Hải gần gần giống nhau. Muốn biết bóng có phải là gương hay không thì trước tiên mình phải biết như thế nào là gương một cách rõ ràng. Trong cái bài viết của Chang Chen Chi mình mới soạn tính đăng, ông có nói người thấy được gương rồi thì nó sẽ biểu hiện ra tới mười loại hình, cái thứ mười tức là khi thấy được gương rồi thì phải thử khắp trong các loại hình. Như hồi nãy Hương hỏi là thấy được gương rồi thì tụng kinh làm sao đó.
Trước tiên mình phải thấy cái gương một cách rõ ràng, kinh nghiệm trực tiếp nó. Xem thiện căn của mình xem cái gì là mạnh, chẳng hạn như lúc ngồi thiền dễ nhận biết cái đó rõ ràng, thì mình nhờ cái phương tiện đó để tiếp cận với cái Thấy. Rồi sau đó chuyển qua các loại hình khác, ví dụ như tụng kinh, xong một thời tụng kinh thì cũng giống như một thời thiền vậy đó. Hay như ngồi nghe pháp, nói chuyện với nhau, hay như gặp Thầy thì nó cũng là biểu hiện của cái gương. Tức là những dạng thức của cuộc sống, nếu thấy được cái gương thì sẽ thấy nó hiện hữu từ những cái gần nhất cho đến cái hơi sôi động, hay nó trái ngược, thành ra mình phải làm quen. Rồi lúc chạy xe, chỉ cần quan sát bình thường thôi là cái tâm mình nó rất ổn định rồi.
Nhớ có lần cách đây cũng nhiều năm rồi, Thảo Triều có nói, sau khi trên đường đi làm về thấy tâm nó bình thản, đó cũng là cách mà cái gương nó biểu hiện ra, tức là bóng lúc đó chính là gương, chứ không phải gương bất động theo cái nghĩa mà nhiều người bị kẹt, nghĩa là nó đơ ra, không phải vậy. Tâm người ta động quá, người ta thực hành cho nó an, nó an ở cái mức thiếu sự sáng suốt, nó bất động, nhiều khi nó kẹt trong đó, rồi nhiều khi nó đơ, cái này lúc trước nhiều khi mình cũng có bị. Mình bị cách đây chín mười năm. Lúc đó ngồi cái hiên bên đây nè, buổi sáng đó mình ngồi giống như nhập định vậy, ở trong cái đó mà. Hình như lúc đó có Lộc, có Q.Tồn, mấy người hồi xưa. Thầy nhìn thấy mình bịnh Thầy biết rồi, Thầy nói sáng nay thấy mặt ông Hải sao lao lự quá vậy là mình biết cái gương nó không phải rồi. Thành ra, vấn đề là gương lúc nào cũng bất động nhưng nó rất sáng. Chính cái sáng suốt đó đó thì mọi hình tướng nó biểu lộ là biểu lộ trong sự sáng suốt đó, lúc đó bóng chính là gương. Thành ra mình phải kinh nghiệm được cái gương, nó bất động nhưng rất là sáng.
Thứ hai nữa là các loại hình, từ cái gần gũi với mình như sinh hoạt chung trong chùa, lúc tụng kinh hay công việc gì đơn điệu nó biểu lộ ra từ từ, đến những lúc mà mình nói chuyện với nhau mình phải dùng cái tư tưởng, ý khởi lên mình vẫn thấy nó từ gương nó lưu xuất ra chứ không phải là ý khởi rồi mình theo cái ý mà quên mất cái gốc. Tức là phải thử, thử trong các loại hình, cái điều thứ mười mà ngài Chang Chen Chi viết vậy đó.
C.Lượng
Theo như anh Hải, thì mình thực hành đến một mức độ nào đó mình sẽ thấy bóng là gương, thì tại sao lại gọi là hiện bóng trong gương mà không gọi là hiện gương trong gương?
CH.Hải
Hiện gương trong gương hả? Mình chưa đến cái giai đoạn đó nên mình cũng chưa ý thức về điều đó. Mình nhớ lúc xưa Thầy nói cái Bản tánh, thầy dùng từ thôn tính, lúc đó cái gương nó thôn tính tất cả bóng, thành ra lúc đó bóng tức là gương. Chứ như Lượng nói gương trong gương mình chưa nghĩ tới mình không biết.
Chú Dũng (kiếng)
Cái tu hành của mình đa số không thấy được sự thật, khi thấy được sự thật thì mình tiến bộ mau hơn. Ví dụ lúc nãy chú Hải trả lời vậy nó dài dòng quá. Mình nói cái sự thật ngắn gọn cho người ta dễ tu hơn. “Vì có gương nên có bóng, vì có bóng nên có gương”, đó là một sự thật, mà sự thật mình thắc mắc làm gì cho mệt. Con có ý kiến nhiêu đó à.
Q.Trường
Nếu mình có thấy bóng, có thấy gương thì mình có bị rơi vào một cái nhị nguyên tiếp không chú? Vì có một đối tượng, một cái chủ thể thì mình lại tiếp tục rơi vào thức hay không?
Chú Dũng (kiếng)
Tu hành là một sự an tâm, khi nào thấy được sự thật, sự thật nó lớn lắm, chẳng cần phải nói gương với bóng gì hết trơn. Người tu thật sự thấy “vì có gương nên có bóng, vì có bóng nên có gương”, cái đó nó rõ ràng. Về thiền định câu này đi để thấy sự thật nó là vậy.
Q.Hoàn
Con tính hỏi, vậy mình thấy cái bóng trước hay cái gương trước?
Chú Dũng (kiếng)
Nãy chú nói rồi. Mình chưa an tâm, chưa thấy sự thật thì cứ hỏi hoài thôi, hỏi miết, hỏi chừng nào nó lòi ra mới thôi. Con cứ về thiền định câu này đi. Ngày nào đó mình thật sự mình thấy mọi việc diễn ra nó đã hoàn chỉnh hết rồi, đó là Đại Toàn Thiện như Thầy giảng hồi nãy, nó vốn toàn thiện hết rồi. Con tư duy về nó con thấy nó vậy đó.
Thầy
Giơ tay
Chú Dũng (kiếng)
Vỗ tay được không Thầy?
Thầy
Thầy thấy ông ấy giơ tay Thầy bảo giơ tay chứ không phải vỗ tay. Ông đừng có nhầm “bóng” với “gương”. (Đại chúng cùng cười!).
D.Trường
Thưa Thầy và đại chúng!
Con thấy chỗ chú Dũng nói hồi nãy con hơi lăn tăn. Con hay tưởng tượng bằng cái ý thức, cái này rất nguy hiểm, mình hay bị lầm ngay chỗ này. Theo con, mình nên yên tâm cái chỗ Thầy dạy, Thầy đi, ở đây có một người dẫn dắt, khai thị cho mình. Có thể vị này ở xa cũng được nhưng vị này đi trước mình, biết là con đường nó đi như vậy. Con chỉ có một chút ý kiến như vậy ạ.
B.Nguyên
Con nghe câu chú Dũng nói con cũng bị lăn tăn, tại chú nói: “Vì có gương nên có bóng, vì có bóng nên có gương”. Tại theo con được học là bóng là gương, gương là bóng nên con lăn tăn.
Thầy
Rồi thôi được rồi. Lăn tăn là tốt!
C.Lượng
Dạ. Câu hỏi của Q.Hoàn là thấy bóng trước hay thấy gương trước. Vừa rồi nhóm học Lăng Nghiêm có đọc một đoạn con vẫn nhớ. Thật ra là mình tu là tu trên hình tướng trước, vì chưa thấy gương nên mình tu trên hình tướng, tu trên bóng. Và đến một lúc nào đó mình sẽ thấy chính ngay bóng là gương, và gương cũng là bóng. Như vậy thì thấy trước hay thấy sau thì mình cũng phải nhờ vào một vị Thầy trong dòng tu đó hướng dẫn cho mình về cái tấm gương. Cũng có một câu các vị thiền sư hay nói, “Trước khi tu thì thấy núi là núi, sông là sông. Khi đang tu thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Và tu thật sự rồi thì thấy núi là núi, sông là sông”. Con thấy, tu trên bóng để thấy gương, rồi quay lại để thấy bóng là bóng, gương là gương, rồi bóng là gương, gương cũng là bóng.
Q.Hoàn
Con thấy con đồng ý với anh D.Trường và anh Lượng ạ.
Thầy
Chính ông Lượng ông làm khó ổng. Người ta đơn giản, ông còn dẫn thêm dài dòng là xưa thấy núi là núi, sông là sông… rồi bắt đầu lập cập là thấy bóng là bóng gương là gương.
Q.Hoàn
Nhưng mình có thể thấy bóng và gương đồng thời được, bỏ giai đoạn được hướng dẫn.
Thầy
Cái đó tùy ý mỗi người. Tự do mà. Gương bóng cũng tự do, muốn sao cũng được.
CH.Hải
Con có ý kiến với câu của Q.Hoàn hỏi. Thực ra, bóng nó chưa từng tách khỏi gương nhưng tại vì mình mê, mình thấy toàn bóng không à, mình không thấy gốc của nó là gương. Vấn đề là làm sao để mình nhận ra cái gương. Nếu thấy toàn bóng không thì lúc đó là sanh tử. Nếu mình thấy gương không mà bỏ bóng thì cũng không được. Thành ra Q.Hoàn hỏi có thể thấy bóng với gương cùng một lượt hay không, cái đó cũng là một vấn đề để mình thấy có thể thấy nó cùng một lượt hay không. Ngày xưa Thầy cũng hay nói ông Hải ông hay nói về đồng khởi, thì rõ ràng bóng với gương là nó đồng khởi, có bóng ở đâu là có gương ở đó, hai cái đó nó không tách rời nhau được. Nếu đặt vấn đề vậy thì mình thử quan sát xem trong các thể loại hình tướng đó các bóng nó có cái gương sẵn ở đó hay không. Giống như ngài Pháp Nhãn nói là: “Ở trên vạn tượng riêng bài thân”, thì rõ ràng tất cả các bóng nó đều có gương trong đó, tức là nó đồng khởi theo cái nghĩa mà Q.Hoàn hỏi đó.
Thầy
“Ở trên vạn tượng lộ riêng thân” phải không? Rồi, nhớ câu đó về thiền định đi.
Mấy vị ở xa xa một tháng lên một lần như ông Thái này. Hỏi hay có ý kiến, ông phải tranh thủ đi chứ. Một tháng ông chỉ có ba tiếng đồng hồ thôi mà cứ ngồi thì uổng.
H.Thái
Thưa Thầy thưa đại chúng. Con rất là tâm đắc câu hỏi đầu tiên của chị Thảo. Rồi thầy giảng con tâm đắc ở cái chỗ thân khẩu ý, mình muốn thay đổi thân khẩy ý thì phải tìm ra cái căn bản nhất là thấy nó là ảnh hiện của Nền tảng thì đó mới là thay đổi căn bản thật sự. Còn những cái tập dợt bên ngoài, thay đổi bên ngoài chỉ là nhất thời thôi, nó cũng là sanh diệt. Con thấy chỗ này rất quan trọng, mình tu tập để ngày một đi sâu vào cái Nền tảng.
Chú Hải có thể chia sẻ về một cái thiên về vấn đề thấy thân khẩu ý là biểu lộ của Nền tảng hay đến một mức như là năm thức giác quan cũng là Thành Sở Tác Trí đó chú, chú có thể giải thích thêm về chỗ này được không ạ?
CH.Hải
Tại vì Thái hỏi nên xin trả lời. Vấn đề quan trọng của thân khẩu ý, cái phương án chiến lược như nãy Thầy nói đó là tối ưu, làm sao thấy được Nền tảng thì giống như gặp ông vua rồi, lúc đó thân khẩu ý nó như con cái, quan quân của vua nên nó thu phục quy về hết. Đó là vấn đề chiến lược. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành từ ở ngoài đi vào nó có những giai đoạn mà mình tạm gọi là những giai đoạn, chẳng hạn khi nói chuyện với nhau đây mình quan sát xem có thấy tâm mình có đang khởi gì hay không, đó là một giai đoạn. Nếu không thấy được ý nó khởi để nói mà chạy theo ý mà nói, tức là mình đã đi sau cái ý thức rồi, ý thức nó làm chủ, lúc đó mình đi sau phục vụ cho nó, đó là một giai đoạn.
Giai đoạn thứ hai nữa, khi mình nói mình ý thức được rõ ràng những điều mình nói, cái ý nó khởi thì đó là một giai đoạn, cũng như 50/50 vậy. Nếu mình thực hành cứ quan sát tâm mình liên tục liên tục thì nó sẽ chuyển từ giai đoạn là ý nó đi trước rồi mình mới khởi mình chạy theo, rồi giai đoạn mình với nó 50/50, rồi giai đoạn thứ ba là mình ở trong Nền tảng như Thầy dạy hồi nãy. Chỉ có nhiêu đó thôi. Tức là mỗi niệm, mỗi niệm, mỗi khoảnh khắc phải quán sát cái tâm mình nó như vậy. Đến lúc nào thấy cái Nền tảng thì lúc đó là ông vua ông ấy hiện rồi, mình làm quen với cái Nền tảng đó thì dần dà mình làm chủ được thân khẩu ý. Mình có một cái ý nhỏ như vậy.
T.Hà
Kính thưa thầy, kính thưa đại chúng!
Hôm qua nhóm tụi con có học kinh Lăng Nghiêm Tông Thông. Trong đoạn kinh đó đức Phật có khai thị về cái hình tướng, rằng bản chất, cái gốc của hình tướng, của các sắc đó là nó không có thật, nó giống như hoa đốm giữa hư không, nếu thấy được như vậy thì ngay đó là Như Lai tạng, là Nền tảng, quay về được với Như Lai tạng, quay về được với cái Nền tảng. Ở trong cái Như Lai Tạng hay Nền tảng đó thì tất cả những tư tưởng, những hình tướng có khởi lên thì nó đều có bản chất của Như Lai tạng, của Nền tảng, nó vốn giải thoát, nó không thật, nó như mộng như Huyễn và vì thế tư tưởng và hình tướng đều là Như Lai Tạng.
Ứng dụng điều đó vào tấm gương và hình bóng thì nó cũng tương tự như vậy. Bởi vì, cái gốc, cái bản chất của tấm gương và hình bóng giống nhau, không có thật, giống hoa đốm giữa hư không, và vì thế bóng và gương là một, bóng chính là gương và gương chính là bóng, đó cũng là Như Lai tạng, là Nền tảng. Và con rất hoan hỷ với câu nói của huynh Dũng (kiếng) là, “Vì có gương nên có bóng, vì có bóng nên có gương” ạ.
Thầy
Rồi, chút nữa mời chú Dũng một ly cà phê sữa đá. Cô Hà cô ấy trở lại với việc hôm qua. Chiều hôm qua buổi học do cô T.Hồng và cô N.Hương làm buổi đó đó. Hai cô có ý kiến gì với cô Hà hay không, vì hai cô điều khiển bữa đó.
T.Hồng
Kính thưa Thầy thưa đại chúng!
Buổi học hôm qua con thấy chị Hà chia sẻ những ý đó, nhưng con thấy mình hay vướng vào cái chấp "có" và chấp "không". Quán như Huyễn, nên nhiều khi mình cũng bị đơ và chấp vào cái không đó, vậy làm sao để mình biết được mình có bị vướng chỗ đó không?
T.Hà
Ngài Phổ Hiền nói là, khi một tư tưởng khởi lên, luôn luôn có hai con đường, sanh tử và Niết bàn. Nếu bám, chạy theo tư tưởng thì đó là sanh tử. Nếu rõ ràng được cái cốt lõi của tư tưởng đó nó không thật, nó vốn chưa từng được sanh ra hay diệt đi, không có gì có thể nhiễm ô được thì ngay đó là giải thoát, là Niết bàn, hay là cái Nền tảng, là tấm gương mà nãy giờ Thầy giảng. Ở trong cái Nền tảng hay tấm gương đó thì không có việc chấp có hay chấp không, bởi vì cái chấp đó nó chính là những tư tưởng, nó khởi lên từ Nền tảng thì nó cũng ở trên cái Nền tảng đó và tan đi trên chính cái Nền tảng đó, nó có cùng bản chất với Nền tảng là vốn tự giải thoát. Cái chấp hay không chấp đó là bóng, mà bóng đó có gốc là tấm gương, khởi lên từ gương thì nó cũng chính là gương. Thành ra quan trọng là mình phải thực hành làm sao để luôn thấy được cái Nền tảng hay tấm gương đó, nhờ cái đó mới bao trùm lên tất cả sắc tướng hay hình bóng, giải quyết tất cả mọi việc được, không còn việc “chấp có” hay “chấp không” nữa.
CH.Hải
Mình đừng hiểu lầm là bám chấp, khi bám chấp là thức nó sanh rồi, Pháp thân nó mất. Mình phải biết có bám chấp là nó trôi lăn rồi, nó không phải thực phẩm của Pháp thân. Đứng trong Nền tảng được biểu lộ bằng mọi loại hình thì lúc đó mới là thực phẩm của Pháp thân.
Nãy Hồng nói quán như huyễn nó bị đơ đó, thì mình phải phân biệt rõ ràng như thế này. Quán như huyễn là cái người đó đó, họ xem xét, nhìn nhận cái sự việc đó đó đến cái mức mà thấy nó không thể nào thật được nữa thì nó như huyễn, nó khác với chỗ mặc định nó như huyễn, tức là mình ngoảnh mặt với nó, thì cái đó là đơ, rõ ràng cái đó là đơ. Ví dụ, vừa rồi có anh nói khi một tư tưởng khởi lên, nói nó là vọng, là bỏ, làm vài năm làm vậy đó, có cái định, nhưng đó là đơ. Mình có ý kiến như vậy.
T.Châu
Nói nãy giờ chúng ta vẫn nằm trên cái thức thôi, chưa có cái chiến lược. Nói về chiến lược hay chiến thuật, chúng ta phải có niềm tin rằng tất cả đều là chiến lược. Chiến thuật phải trở về chiến lược mới được chứ còn ở trên cái chiến thuật thì cứ lăn trôi sanh tử mãi, không trở về với chiến lược, cái Nền tảng được.
Nền tảng tánh Không là gì? Theo lý để chúng ta biết được thì Nền tảng tánh Không gồm ba cái đặc thù:
- Thứ nhất là: Tinh túy của Nền tảng, đó là tánh Không là thanh tịnh
- Cái thứ hai là: Quang minh
- Cuối cùng là: Năng lực của Nền tảng. Năng lực là như Huyễn, thấy chúng sanh như huyễn, thấy vạn pháp như Huyễn, đó là năng lực.
Như vậy, Nền tảng là như vậy rồi thì có gì phải sợ cái thức nữa. Mặc dù chưa chạm được, chưa sống được nhưng phải tin mình có cái đó để mình nhập, chứ không mình cứ lăn lộn trên cái thức hoài, phân tích dài dài cuối cùng không có cái chiến lược. Thành ra chúng ta tu là gì, phải tu với cái Nền tảng. Mà Nền tảng như vậy rồi thì chúng ta phải tin, nó như Huyễn, nó như Huyễn rồi thì đâu phải quán gì nữa, như Huyễn rồi là hết, khỏe không. Mình phải thấy như Huyễn, rồi quán như Huyễn, như thế nó còn nằm trên thức, không có trí. Thành ra phải tin sâu để nhập, nhập vô cái Nền tảng, cái Bản tánh của tâm. Ít nhiều phải nhập được vào đó mới giải quyết mọi vấn đề về thân khẩu ý trọn vẹn được.
H.Thi
Kính thưa Thầy và đại chúng!
Hôm nay cái đề tài mọi người trao đổi về bóng và gương, vừa rồi chú Châu có nói một ý là mình cứ tin và thực hành để làm sao có thể chạm được, thể nhập và sống được trong cái đó, cái Nền tảng thì mình không bị trôi lăn trong sanh tử, cuộc đời có được sự an lạc. Lúc nãy chú Hải có nói, mình hay quán như Huyễn, con có ý này con xin hỏi chú Hải và chú Châu nhờ hai chú khai triển rộng thêm.
Trước mắt, cho con trình bày suy nghĩ của con. Thường mình quán như Huyễn, con hiểu trong một trạng thái lúc nào cũng như Huyễn, như Huyễn, tất cả mọi thứ là như Huyễn, thì đúng là đường hướng nó như vậy, tính chiến lược mà quán như vậy là đúng không sai. Tuy nhiên, nếu liên tục như vậy thì có vẻ như mình ở trong cái tâm nó hơi thụ động, hơi cứng ngắc, tại vì mình quán như Huyễn vậy mà mình không cho đó là một cơ hội để mình phá bỏ những mê lầm của mình.
Thầy
Khoan, nếu ông quán được như Huyễn thì đâu còn mê lầm nữa. Ông mê lầm là bởi vì ông không nghĩ đó như Huyễn.
Mình sai lầm nhiều cái lắm, mình không tin vào kinh Phật. Mình nói như Huyễn là bị động. Đã gọi như Huyễn là nó tạo tác ra tất cả các bóng mà sao mình nói nó bị động được. Như Huyễn là cái năng lượng, chứ không phải như mình hiểu như Huyễn là bị động đâu. Mình thấy như Huyễn là một cái gì bị động là do nó đánh vô cái phiền não, cái vô minh của mình, thành ra khi bác bỏ như Huyễn là bác bỏ lời Phật. Mình có quyền đó nhưng đừng nên bác bỏ, vì mình hiểu cái như Huyễn theo cái kiểu của mình thôi.
Trong kinh nói rất rõ, tất cả những cái đó là để trị bệnh, nhưng mình sốc với cái này, bịnh của mình chính là chỗ đó đó. Tất cả các pháp môn đều để trị bệnh, nên mấy vị thiền sư nói đó, nếu hết bệnh thì không còn pháp môn nào hết. Thầy yếu bao tử chẳng hạn, nghe nói uống thuốc này bổ lắm, nhưng uống vào nó đau thì mình biết là mình bị đau bao tử. Thuốc nào cũng tốt nhưng mình không chịu thuốc đó là bởi vì cái bệnh của mình. Thành ra khi nào thấy khó chịu với một pháp môn nào của Phật giáo thì biết bệnh của mình nó nằm chỗ đó đó. Cụ thể như vậy đó. Còn vị đã tự tại với các pháp thì sử dụng thứ gì cũng được hết, chơi đủ môn thể thao, còn Thầy sợ nước chẳng hạn, Thầy nói cái đó tôi không thích vì đó là chỗ yếu của tôi, chứ người khỏe mạnh nó chơi đủ thứ thể thao.
Thành ra mình thấy sợ như Huyễn, ông này ông sợ như Huyễn bởi vì ông kết án như Huyễn là thụ động. Đó là ông hiểu sai. Tại sao ông kết án như Huyễn là thụ động trong khi như Huyễn là tất cả. Vị gì lập ra phái Hoa Nghiêm tông, ông nói “Đạo tràng như Huyễn”, chính “Đạo tràng như Huyễn” mới là tự do, như bóng trăng trong nước, như cái này cái nọ, kinh Phật nói cái này rõ lắm. Tại sao mình lại sợ như Huyễn? Ông nói như Huyễn là thụ động vì ông chống lại nó. Mà tại sao ông sợ? Bởi vì ông bám chấp nhiều quá, phải không? Mình phải thấy vậy đó, phải thấy cái bệnh của mình, rồi nghe người ta nói “như thật” là bám vào cái “như thật” liền. “Như thật” của mình là một sự bám chấp, vì mình coi cuộc đời này là nó thật quá, thật 100% nên mình bám chấp vào đó.
Thầy đã nói rồi, chỉ có một ông bác sĩ mới giữ được bệnh lý của từng cá nhân. Tất cả những pháp môn là để chữa tất cả các thứ bệnh, mà mình thì vô số bệnh, tám ngàn bốn vạn phiền não mà, vô số bệnh. Đừng có tưởng mình sợ cái đó, sợ cái gì thì cái đó chính là bệnh của mình đó. Mình cãi lại là vì cái đó đối với mình nó sốc ghê lắm. Nên nhớ là “như Thật hay như Huyễn” gì thì cũng là thuốc chữa bệnh. Người đạt đến “như Thật” thì nó đâu có nói “như Thật”.
H.Thi
Cho con xin bổ sung cái ý của con thưa Thầy. Tức là, chúng sanh thường hay quán cái như Huyễn mà bỏ qua cái cơ hội tu tập, ý con là vậy.
Thầy
Sao bỏ qua cơ hội tu tập. Như Huyễn là tu tập chứ tại sao lại bỏ qua cơ hội tu tập. Bạn tà kiến. Bạn giở tất cả ra xem có kinh nào mà không nói như Huyễn không? Mình tà kiến, mình dùng cái óc nhỏ nhoi bắt chước của mình, mình sợ cái như Huyễn rồi kết án nó là này nọ. Phải học cho kỹ là vậy đó. Ví dụ, Toàn bộ cuốn kinh Kim Cương, nó nói về tánh Không, nói về đủ thứ trong đó, rồi nó kết luận:
Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn
Như bọt ảnh
Như sương, như điện chớp
Phải quán được như vậy.
Còn bây giời ông nói vậy là ông cãi kinh rồi. Đem cái chấp trước, cái vô minh của mình để nói tu như Huyễn là không có tu gì hết. Nên Thầy mới nói phải học kinh cho kỹ là vậy. Mình không học kinh, thích cái gì làm cái đấy. Nên nhớ, mình thích cái gì thì cái đó là thuốc độc, và cái gì mình sợ chính là thuốc chữa lành đó. Đức Phật lập ra đủ thứ pháp môn không phải là để bày ra đâu, mà bày ra cũng là vì những bệnh của mình. Ở đời, anh muốn bỏ cái nghiệp thì anh cứ làm trái với những ý thích của mình đi. Tôi thích sạch lắm, mỗi ngày tôi tắm một lần, không tắm chịu không nổi. Bây giờ mình bỏ cái thích sạch nó đi, mình thử ở ba ngày đừng tắm xem có chịu nổi không.
Mình không hiểu pháp, khổ quá. Không phải đức Phật bày ra pháp để làm gì hết, đó là những thuốc chữa bệnh. Con đường đi là để chữa bệnh, chữa bệnh chúng sanh, chữa bệnh sanh tử. Ông nói vậy là ông chưa biết gì về Phật giáo hết. Ông nói “quán như Huyễn là bỏ qua sự tu tập”. Trong khi cả quyển kinh Hoa Nghiêm nói như Huyễn không à. Đó là tà kiến. Một ý kiến sai lầm, mình kết luận “tu như Huyễn, quán như Huyễn là bỏ qua sự tu tập”. Nên nhớ, mình phải cẩn thận, nói như vậy là phỉ báng Phật pháp, trong khi mình chưa học gì hết. Mình nói một câu quá sai lầm. Chưa học gì hết mà đem cái tâm thức nhỏ hẹp, tâm thức chúng sanh nói một câu nghe rất kỳ quái là, “nếu như quán như Huyễn thì bỏ qua sự tu tập”.
Vậy theo anh tu tập là tu tập cái gì, là sao? Phải rõ ràng, trước khi đi phải biết con đường, còn không biết con đường rồi nói đường này một chiều thôi, tôi không đi. Thầy nói rất nhiều lần là phải học cho kỹ chứ không thôi một câu sai lầm như vậy đó nó sẽ kéo dài cho mình mấy đời. Coi lại cuộc đời mình xem, ở tuổi này rồi mà còn lơ mơ như vậy chứng tỏ đời trước chưa học gì hết. Đời bây giờ là cái quả của đời trước. Người ta dòm cái quả đời này của anh người ta biết đời trước anh tu nhiều hay ít. Nhìn kỹ lại đi, đi hơn nửa đời người rồi mới tới với Phật giáo là sao? Vì mình bịnh, chứ đâu phải vì lúc ông 18, 20 ông đọc kinh rồi ông thích ông tu đâu. Vì ông bịnh, cái nhân duyên bịnh nó dẫn ông tới đây, rồi cũng chẳng chịu học hành gì hết.
Thầy đã nói mình phải thông minh lên là vậy đó, anh muốn làm cái nghề của anh, anh học mấy chục năm? Học từ tiểu học cho đến bây giờ mới làm nghề được. Còn cái nghề giải thoát này nó đòi hỏi còn khó khăn hơn mấy chục năm học ở đời của mình. Mấy chục năm học ở đời để làm gì? Cũng đểm kiếm tiền, mua nhà sắm xe, còn mình quan niệm cái này dễ lắm thành ra không học gì hết. Mình phải nhìn cho kỹ mình như vậy. Nói theo kinh, cái kiểu của ông này gọi là “tăng thượng mạn”, là kiêu mạn mà tăng thượng nữa, chứ đừng có tưởng là giỡn chơi, đâu có được. Anh có công nhận anh nói vậy là tà kiến không? Có thì lo mà sửa tà kiến, mà học. Học là học cho đàng hoàng chứ mình chưa học một cuốn kinh nào hết. Tuổi này rồi chưa học gì mà phê phán tùm lum. Một anh cấp hai làm sao phê phán được anh tiến sĩ. Đức Phật dạy cho những hàng tiến sĩ thôi.
Nói ra giữa chúng như vậy còn có người sửa giùm cho, còn cứ ôm tủ tỉ tủ tỉ vậy là cái tà kiến nó còn hành cho đến đời sau nữa, bởi vì mình không biết pháp là cái gì hết. Hồi nãy Thầy nói có về kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, nghĩa là pháp nó có rất nhiều nghĩa trong đó. Còn mình đây cứ chọn cái gì thích, rồi bỏ cái kia, ngay như chọn cái gì đó là cái nghiệp của mình đó. Đạo Phật tới cái lúc không lấy không bỏ, còn anh lấy bỏ đó là nghiệp của anh. Cái anh chấp nhận được hết thì anh khỏe mạnh.
Coi lại cuộc đời, quán sát lại cuộc đời mình đi, ở cái tuổi này rồi mà tại sao mình nói những câu như vậy? Mình không biết nhưng cứ tưởng đúng, rồi đi tủ tỉ với người nào đó thì gây nghiệp. Thứ nhất là nghiệp cho riêng mình, thứ hai mình nói một câu như vậy đó, mộ câu mà không ai dám nói hết, “nếu như tu mà quán như Huyễn thì đâu có thực hành gì đâu, bỏ qua việc thực hành”. Nói vậy đâu có được, đối với Phật giáo mình mới tiểu học thôi chứ chưa lên trung học đâu. Anh phải đọc cho nhiều kinh điển, anh phải thấy tông này phái nọ, chứ giờ nói vậy sao được. Đừng tự kiêu mạn, mình thấy cái kiêu mạn đó nó mang lại cho mình cái gì? Tới tuổi bao nhiêu đó rồi còn phải nhờ ông kia chữa thuốc cho mình, nó biểu lộ ra cái đó. Cái tà kiến nó không chỉ nằm trong óc mình thôi đâu, mà nó biểu lộ cả ra thân đó, bệnh nhiều lắm. Thông minh lên, coi cái thân mình đi, hiện trạng đó là cái quả của đời trước đó. Mới đi Ấn Độ về bốc lên rồi cho mình là cái này cái nọ, không phải. Con người mình, cái tôi của mình nó kinh lắm.
Cái tôi của mình là cái gì? Chính là cái bình chứa chứa tất cả nghiệp, cho nên thấy sức khỏe không tốt thì biết là cái tôi của mình nó lớn lắm, nó là cái bình chứa vững chắc lắm, và mình có nhiều sai lầm lắm, chứ đừng cứ tưởng giỡn. Trong kinh hay nói vậy đó, đừng có phỉ báng kinh điển. Kinh Pháp Hoa ông nào tụng ban đêm thấy đó, trong đó nói phỉ báng kinh này sẽ bị bệnh, đủ bệnh trong đó. Phải học hỏi, ý kiến của mình chỉ là của một anh bình thường của cuộc đời này thôi, mà dưới mức bình thường nữa, bởi vì sức khỏe mình yếu mà mình đi cãi lại với 2.600 năm Phật giáo, tự hỏi lại mình đi, lấy trứng chọi đá, lấy trứng chọi vô núi. Phải thông minh lên là vậy, thông minh là biết cái giới hạn của mình, hiện giờ mình ở đâu. Chưa học.
Thầy nói rất nhiều lần, ở đây có nhiều người chưa học, chưa học thành ra cái kiêu căng ngạo mạn nó nổi lên. Phê bình cái này, phê bình cái kia, mình nói một câu kỳ cục, “nếu quán như Huyễn thì không tu hành”. Ai nói kỳ cục vậy, cả cuốn kinh được rất nhiều người tụng đọc, ngộ ở kinh đó, mà kinh đó kết thúc bằng gì, “Tất cả pháp hữu vì như mộng huyễn, bọt ảnh”, đó là nói về như Huyễn đó, “như bọt ảnh, như sương, như điện chớp. Phải quán được như vậy”. Nên nhớ câu đó để dạy những Bồ tát. Bởi vì mình không hiểu gì hết, phải đọc kinh nhiều lắm mới hiểu không phải đức Phật giảng cho chúng sanh đâu, giảng cho hàng Bồ tát. Để ý đi, mỗi khi Phật giảng xong, sau mỗi cuốn kinh thì có người đắc Pháp nhãn tịnh. Bao nhiêu người đắc Pháp nhãn tịnh và bao nhiêu người đắc Vô sanh pháp nhẫn? Qua đó mới thấy kinh Phật là để giảng cho những vị đắc Vô sanh pháp nhẫn, không phải giảng cho mình đâu. Thành ra phải cẩn thận.
Cứ coi đi, ông CH.Hải ở Cần Thơ, ông tu mấy chục năm rồi, ông Châu tu mấy chục năm, phải thấy rõ sự kiện này, mình mới có mấy năm thôi. Dầu mình có thiên tài đi nữa thì cũng phải chục năm. Phải thấy những vị Tây Tạng, họ làm sao? Khổ cái là bước vô thị trường mà mình không biết gì hết, mấy vị Tây Tạng dù có tái sanh đi nữa thì vẫn học nhiều lắm và cho tới năm ba mươi mấy tuổi mấy vị mới bắt đầu ra giảng đạo. Học tới mười mấy năm trường. Mới đây ông Nguyên Giác Phan Tánh Hải, ông viết về một vị người Việt Nam ở bên Dharamshala, ông quen cái vị đó từ hồi còn nhỏ. Vị đó được đức Dalai Lama cho xuất gia, trong đó ông Phan Tánh Hải nói rất rõ ràng, học 22 năm rồi, 22 năm để làm cái gì? 22 năm ông đã đạt được cái bằng yeshe là tương đương với tiến sĩ Phật giáo đó, 22 năm học Đại thừa, bây giờ mới bắt đầu tu Mật thừa. Mà đó là những người thứ thiệt. Còn mình, mới học có mấy năm mà nói trên trời dưới đất vậy.
Ông phải biết phước người Tây Tạng là sao? Có một cuốn sách, khi nhận được là họ để trên đầu trước cái đã. Mình chưa đọc cuốn kinh sách nào mà ngồi nói trên trời dưới đất vậy, làm vậy chỉ tổ mang nghiệp vào cái thân. Mình rõ ràng thân mình đã mang nghiệp rồi, phải cẩn thận mấy cái này. Đừng tưởng thân khẩu ý của mình nó tự do lắm đâu, mang nghiệp nhiều lắm. Anh nói nói ở đây còn có người sửa cho anh, còn anh ra cà phê cà pháo anh nói với người ta, anh nói “quán như Huyễn thì đâu phải là tu, đâu còn chỗ để tu tập”, mang nghiệp. Anh không biết, tu tập là tu như Huyễn, tu tập là quán như Huyễn. Bốn phái của Tây Tạng đều lấy tánh Không của ngài Long Thọ làm căn bản, làm nền tảng, dầu mỗi phái có cách tu riêng nhưng cái trung luận của ngài Long Thọ là nói kết luận 3 cái thôi: Không, Giả và Trung.
- Không là tánh Không
- Giả là như Huyễn
- Trung có nghĩa là Trung đạo, là Chân Như.
Không phải chuyện dễ đâu, tại sao không nói thẳng Chân Như mà nói Không – Giả – Trung. Vậy đó, chứ không phải không, mình là tay mơ, mình không học không hành gì hết. Anh không học không hành gì hết anh mới nói một câu như vậy. Mà may là nói ra giữa này có người sửa. Anh không biết gì hết. Đi làm bom nguyên tử, thôi đừng nói đâu xa, sức mình không làm được bom nguyên tử đâu, làm bom gì đó thôi mà không biết công thức gì hết, nó nổ mất xác chứ đâu phải chuyện chơi. Mình coi cuộc đời mình chơi quá nên học hành cũng chơi chơi vậy thôi.
CH.Hải
Thưa Thầy, sẵn Thầy dạy cho Thi về như Huyễn, cho con xin hỏi, như Huyễn có phải cũng là một cái diệu dụng…
Thầy
Đơn giản, đừng dùng ý thức của mình. Tronh kinh nói rất rõ, đừng có dùng ý của mình, “Đừng dùng lửa con đom đóm mà hiểu mặt trời”. Tất cả những vị Bồ tát, vị nào cũng chứng được cái Như Huyễn Tam Muội hết, Bồ tát cấp cao ý. Thành ra mình phải học, phải học. Ở đời đi làm việc kiếm tiền mất mấy chục năm, thì đi học Phật giáo thấy khó khăn ghê lắm. Việt Nam có mấy chục ngàn ông tiến sĩ, anh cũng chưa phải tiến sĩ, chín chục triệu người được mấy chục ngàn ông tiến sĩ. Trong khi mấy chục triệu người được mấy vị giải thoát, thôi mình tính lạc quan thì được vài chục vị trên chín chục triệu người. Còn chín chục triệu người thì tiến sĩ ê hề. Đọc bài của ông Hawkins đó, hiện giờ hơn 80% dân số cả thế giới là đều thấp, 200 điểm. Còn các vị 400 trở lên là thành thánh thì chỉ có 0,4% thôi. Anh tự đặt anh vô đó là bao nhiêu %. Trong kinh nó gọi lấy vỏ sò mà múc nước biển rồi tưởng đó là đại dương. Không phải, không phải đâu. Mình phải rõ ràng cụ thể bằng con số, mình có nằm trong 0,4% trên chín tỷ người này không? Không.
Thầy hay cụ thể lắm. Ví dụ, trong 90 triệu dân Việt Nam, anh đứng thứ mấy, rồi về con đường đạo, trong 90 triệu người đó anh đứng hạng mấy thì mình biết là mình sao chứ đừng có vội vã. Theo anh, trong 90 chục triệu dân anh đứng hạng mấy?
H.Thi
Dạ, con làm IT ạ.
Thầy
Đó, thấy không. Mình chỉ là một nhân viên thôi chứ chưa là hàng gì hết. Có nhiều người họ mơ tưởng kỳ cục lắm. Ở đời mình chưa thuộc hàng gọi là tinh hoa, chưa phải là giai cấp tinh hoa. Giai cấp tinh hoa tối đa chỉ 20 ngàn người trong tất cả mọi mặt thôi. Thầy nghĩ là ông không phải giai cấp tinh hoa, mà giai cấp tinh hoa ở đời cũng chưa có nghĩa lý gì đối với sự giải thoát. Thành ra ở đời phải liệu cơm gắp mắm là vậy.
Liệu cơm gắp mắm là sao? Anh coi số vốn của anh có bao nhiêu, cái trí huệ của anh bao nhiêu, cái tinh tấn của anh bao nhiêu, sức khỏe của thân thể anh bao nhiêu chứ không phải cứ muốn nói gì cũng được đâu. Anh muốn được như ông Dũng (kiếng) đi, thì hỏi xem ông ấy đã tu bao nhiêu năm, ông nào cũng tu ba chục năm hết. Bây giờ cho điểm xuất phát ngang nhau đi, chứ thực ra chưa chắc anh bằng ông Dũng (kiếng) cái hồi ông hai mấy ba mươi. Đó, điểm xuất phát bằng nhau thì ông ấy vẫn hơn anh ba chục năm.
Thực hành mà cứ làm như con nít giỡn chơi, như vậy chỉ làm tổn hại cuộc đời mình thôi. Coi chừng chơi dao có ngày đứt tay. Có thấy đức Văn Thù không, ngài cầm cái kiếm đó, mình không biết cầm kiếm, không biết gì hết, năng đoạn kim cương là chặt đứt. Kiếm mình dầu không bén nhưng không biết xài thì coi chừng múa một chặp là đứt tay đứt chân. Đừng có ngây thơ, anh phải học. Anh thấy mấy vị Tây Tạng không, thấy ngon lắm. Như ngài Garchen, hơn Thầy bao nhiêu kiếp? Ngài Garchen là 8 đời tái sanh, có nghĩa là gần một ngàn năm rồi. Ngàn năm trước ngài đã giải thoát rồi ngài mới lộn lại, tái sanh lại, như vậy Thầy thua ngài một ngàn năm, còn anh thua ngài mấy ngàn năm. Đó, phải cụ thể, chứ không nói trên trời dưới đất được. Kiến tánh thành Phật, tôi chỉ cần thấy là Phật rồi.
Mình không cần nói tới những vị đó xa xôi quá, những vị trước mắt mình thôi. Anh coi cái y báo của anh, cái hoàn cảnh của anh thì anh biết cái chánh báo, cái tu hành của anh nó thế nào. Bồ đề tâm mình rất nhỏ cho nên mình không có đệ tử, khoan nói Bồ đề tâm tuyệt đối là cái gì hết. Anh có ai theo, có vài người lai rai thôi. Khi nào anh có vài trăm người theo anh, lúc đó anh nói Bồ đề tâm của tôi khá lớn, mà cũng được được thôi chứ chưa phải khá lớn. Cứ coi cái hoàn cảnh xung quanh để biết mình tu cỡ nào, chứ cứ lơ mơ rồi nói trên trời dưới đất sao được.
Thầy bây giờ là cụ thể thôi. Anh có mấy người theo? Ngay cái học của cũng chưa đủ trung bình nữa nên không ai nghe mình nói hết, chưa có ai theo anh hết. Hơn nữa anh phải theo người ta để chữa bệnh, để cái này cái nọ. Rõ ràng mình còn là học trò, mà học trò đời chứ không phải học trò đạo đâu. Rồi anh biết chùa này bao lâu rồi?
H.Thi
Dạ bảy năm ạ!
Thầy
Bảy năm phải không? Đó, không có học hành gì hết, bảy năm lang thang, bị bệnh rồi nhờ ai đó chữa rồi anh mới dần dần thân quen ở đây, rồi mới đi Ấn Độ đợt chót. Tại sao mình không đi đợt đầu mà đi đợt chót. Chính tỏ mình rất chậm lụt. Đừng ngồi đó mà tưởng tượng gì hết, cứ coi cái hòan cảnh của anh thôi là anh biết anh tu hành cỡ nào. Nếu phước anh lớn thì khoảng hai mấy tuổi là anh gặp một vị thầy gọi là guru gốc rồi. Đến bây giờ vẫn chưa có guru gốc, chứng tỏ phước mình còn yếu lắm. Cụ thể như ông Châu chẳng hạn. Khi làm bác sĩ, lúc đó ông chừng ba mươi à, ông đã có vị thầy là Hòa thượng Thanh Từ, còn hiện giờ anh chưa có. Thứ hai, ông ấy tu làm sao? Ông nói, hồi đó khi vào bệnh viện là ông trì ba biến chú Bát Nhã Tâm Kinh rồi mới mặc áo vô làm việc. Mình có được bằng như vậy không? Bây giờ anh vô làm việc anh có tụng nổi vài chục lần chú hay ba lần Bát Nhã Tâm Kinh không?
Nói thẳng ra, những anh không biết gì hết thì hay đánh giá lầm, hay kiêu mạn lắm, không biết gì hết. Làm cái gì phải làm thiệt, không làm thiệt thì cái nghiệp đó nó đổ lên anh đó. Anh coi lại đi, cái nghiệp đổ lên mình như thế nào? Bởi vì đời trước mình cũng nói đi nói lại vài cái như vậy đó. Đời mình đây là quả của đời trước, coi cuộc đời hiện tại thì biết đời trước mình tu làm sao, có tu hay không, hoặc tu lơ mơ cỡ nào. Ở đời mình cũng chưa phải là giai cấp tinh hoa. Cái tà kiến của mình không phải chỉ đời này thôi đâu, nó từ đời trước rồi. Đó là một tà kiến, Thầy xác nhận rõ ràng. Đừng tưởng Thầy là một ông Thầy thì không có khẩu nghiệp đâu. Thầy nói Thầy phải phê bình chính xác chứ không phải muốn la ai thì la đâu. Nên đừng có nói Thầy bất công với ông, thấy ông mới vô còn yếu đuối Thầy muốn la gì thì la đâu, làm vậy là Thầy mang nghiệp.
Khổng giáo thôi, khi một người nói lỗi cho mình thì mình đứng dậy, chắp tay cảm ơn. Mình chưa có được một đạo đức cỡ như vậy, chưa có đủ trí huệ để mà thấy được chuyện đó đâu. Mình còn thiếu quá nhiều, đừng có ngổ ngáo, đừng có hăng. Ở đời anh muốn làm cái nghề của anh anh học bao nhiêu vị Thầy, thì cái nghề tu này anh cũng phải học từng đó vị thầy, rồi trong đó có một ông nhận là cho anh làm luận án, chứ mình đâu có tưởng là lơ mơ lơ mơ vậy đâu.
Tại sao mình như vậy? Là bởi vì lỗi mình nhiều quá nên không sáng trí ra được. Cái gì nó che khuất mình, bởi vì những lỗi của mình, phải không? Cái Thực tại, cái gương nó không trốn mình đâu mà tại sao mình không thấy, đó là do lỗi lầm của mình, phiền não chướng và sở tri chướng của mình nó che lấp. Đức Phật khai thị vậy đó, gương đó mỗi người vốn có. Cho nên Khai là đức Phật mở ra, Thị là chỉ cho, chứ đức Phật không cho mình cái gương. Có những chữ trong kinh điển cả đời mình không hiểu được, tại sao nó là “nghiệp chướng”. Chướng là sự che chướng, mà che chướng do nghiệp. Đừng có thấy ông đó khổ rồi nói ổng nghiệp chướng nhiều, không phải. Nghiệp chướng là do mình tạo nghiệp rồi tự che chướng lấy.
V.Dũng
Con kính chào Thầy và đại chúng!
Dạ thưa Thầy, lúc Thầy dạy anh Thái, Thầy có bảo anh Thái là một tháng nay mới có ba tiếng đồng hồ nên con cũng mạnh dạn giơ tay.
Thầy
Đơn giản thôi, bạn không thấy là do những tội lỗi của bạn. Bạn làm sao hết tội lỗi là bạn thấy thôi. Bầu trời luôn luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, tôi không thấy là mây của tôi che nhiều quá, ánh sáng ngoài kia đầy hết mà tôi không thấy bởi vì tôi cứ đóng cửa lại miết, không những đóng cửa mà còn cố thủ trong đó, mua những ổ khóa không ai mở được rồi kêu la là tại sao tôi tối. Vấn đề là vậy đó, nghiệp chướng, cái lỗi của mình nó che chướng mình thì làm sao để hết lỗi đi.
V.Dũng
Con cũng vô cùng tâm đắc khi Thầy dạy chúng con là cái bản ngã của mình. Con thấy chỗ của mình là phải điều phục lại cái bản ngã. Ví dụ, những cái điều…
Thầy
Bây giờ hết giờ rồi. Đơn giản, Thầy nhắc vậy này, muốn điều phục bản ngã là anh phải có một người thấy anh có bản ngã chỗ nào, cũng như Thầy muốn nhổ cái cây Thầy phải ra Thầy dò cái gốc rễ nó nằm ở đâu. Nếu có có một vị Thầy ông ấy sẽ chỉ cho đây nè, anh chỉ cần đào đào phía bên này là cái cây nó ngã liền, nó ngã thì mấy cá rễ kia nó cũng bứt lên luôn. Thành ra điều phục bản ngã bạn phải có một ông thầy và không phải ông thầy hàm thụ, ông thầy chỉ nói xa vậy đâu, một ông thầy phải sống sát với anh, cụ thể vậy đó. Còn ông Thầy hàm thụ thì lâu lâu ông gởi cho một cái thơ thôi.
Ở đời, mình có biết học hàm thụ là sao không? Là chỉ có học bài thôi, tu hành cái này là thiệt sự chứ hàm thụ không ăn nhằm gì đâu. Hàm thụ ai làm không được, ai đưa Thầy mấy cái cua đó Thầy học được hết, chẳng qua là Thầy không muốn học thôi. Thầy thiệt sự sống sát với mình mới gọi là Thầy. Sai chút là ông ấy sửa cho liền. Mình nói Thầy dễ quá, hơn nữa mình có thấy Thầy là sao không? Đâu có dễ như vậy. Như ông Thái này, đâu phải ông Thầy như Thầy hàm thụ vậy đâu. Mình phải học những tay đó. Thầy nói một ông vắng mặt, ông ở đâu đưới đó đó. Khi ông li dị bà vợ đầu, ông nói là sẽ xuất gia, ông tu, ông loan báo cho cả xóm làng biết vậy. Rồi một năm sau ông phôn cho Thầy, ông nói có một cô, cô ấy nguyện là hộ thất cho ổng, ổng là nhập thất, đó vậy đó, rồi sau đó lấy cô thứ hai. Thành ra những lời cao đẹp kia nó bay đâu mất. Nói thẳng ra cái tướng ông đó rất là tốt, tướng ông là tướng thầy tu đó, không phải thường đâu, nhưng mà không ở gần Thầy thì vậy.
Thành ra thầy sách vở là một chuyện, còn thầy sát sườn là một chuyện. Cũng giống như người yêu trong phim, trên văn chương mình có quyền tưởng tượng này nọ, nhưng rồi lấy về sống với nhau rồi mới thấy.
V.Dũng
Thưa Thầy, con rất tri ân Thầy ạ! Khi con đặt câu hỏi cho mình, qua bài giảng của Thầy con tự nhiên tìm được câu trả lời. Con thấy con cũng như những cây nhỏ vậy, những câu hỏi của con đơn giản, nhỏ bé thôi, nhưng trong một cơn mưa lớn đó con cũng đón nhận được những cái…
Thầy
Cách của anh chữ nghĩa, văn chương nhiều quá, anh nói mấy giọt mưa thì bữa nào anh vô đây anh gặp Thầy, Thầy mới xác nhận là anh gặp mấy hạt mưa thiệt không, hay biết đâu mưa axit. Mưa đầu mùa nó mưa axit nhiều lắm, mấy cây nó chết queo hết. Thành ra phải vậy thôi, kiểm chứng. Phải kiểm chứng chất lượng mới biết bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là bình thường, bao nhiêu phần trăm là tưởng tượng.
Thôi bây giờ quá giờ rồi, hăng say với ông Thi này quá rồi nói nhiều giờ quá. Năm nay không biết năng lượng bùng nổ hay sao ý, đầu năm ông K.Dương nói về năng lượng, rồi tới đây hai anh Châu cũng nói về năng lượng, mà có thấy năng lượng bùng nổ không?
CH.Hải
Con thấy năm nay sôi nổi lắm đó Thầy, ai cũng dành nói hết.
Thầy
Sôi nổi hả? Mình phải vậy, phải dành nói chứ coi chừng năng lượng trong người nhiều quá nó nổ cái bùm là nguy hiểm lắm, đứt dây đó chứ không phải chơi đâu. Thành ra có gì cứ nói ra. Thầy đã nói rồi, học phải vậy đó. Như Thầy dở toán chẳng hạn, đầu năm ông thầy dụ ông nói toàn những thiên tài toán học để mình mơ tưởng, mình ngon lành này nọ. Nhưng gần gần cuối năm là bắt đầu đó, tụi bay lo học đi mà thi, chứ không là rớt. Bây giờ thì không có gì chứ hồi xưa thi rớt là đi lính à, ra chiến trường đó. Cuối năm bao giờ cũng khó. Giống như ở đời, anh học lớp nào đó, anh muốn lên lớp là bắt đầu nó trổ ra những khó khăn, những bài học để cho mình vượt qua để lên lớp. Chứ đừng tưởng không lên lớp là ngon đâu, đó là mình chưa đánh trực diện với cái nghiệp của mình. Mình lên cỡ nào cũng có cái nghiệp tương ứng trổ ra, chính nhờ cái nghiệp đó mà mình học, mình mới biết mình là ai và như thế nào!
-----o0o-----