Thầy
Thứ nhất là phải tin. Cái này không phải Thầy nói đâu mà là trong kinh sách nói đàng hoàng, thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng.
- Mười cái đầu tiên là thập tín. Phải tin cái đã.
- Rồi đến thập trụ, thập trụ là sao? Khi thấy được cái đó rồi, cái Tâm bất động, thấy sơ sơ thôi, dùng tất cả sự thực hành, sự nỗ lực để trụ vô cái Tâm bất động đó.
- Thập hạnh: hạnh là hành động, mình có làm gì cũng nằm trong Tâm bất động đó.
- Thập hồi hướng: hồi hướng tất cả cái đó cho chúng sanh, cho những vị trên mình.
Làm như vậy thì càng ngày nó càng rõ ràng ra thôi, không có gì là lạ hết. Ở đời người ta hay nói cái gì cũng có quá trình. Quá trình là vậy. Thứ nhất là tin đã. Mấy vị thiền sư đại ngộ lần đầu tiên hay nói vậy đó, bây giờ mới biết là “chư Phật, chư tổ không lừa dối mình”. Mình chưa thấy cái đó là vẫn còn nghi, không biết chư Phật, chư tổ nói vậy có thiệt không, coi chừng mình bị lừa dối.
Trong mười cấp bậc của ngài Nguyên Tĩnh cũng đi theo tiến trình đó. Thứ nhất là phải tin có giáo ngoại biệt truyền, hiểu giáo ngoại biệt truyền. Thứ hai, phải thấy Tánh rõ ràng như thấy bàn tay. Cái Thực tại khi đã làm quen với nó rồi thì mình thấy rõ ràng như bàn tay. Lúc đó ai nói ông phải bác bỏ cái đó đi không thôi tôi chặt đầu ông thì mình cũng không bỏ được. Nó đòi chặt đầu, cũng run lắm chứ nhưng vẫn tin vào sự thấy của mình, sự xác quyết của mình lớn hơn cái sợ. Chứ chặt đầu ai không sợ, xử tử ai không sợ. Nên kinh điển Phật giáo hay dùng chữ tin, chữ tín, ví dụ: Đại Thừa Khởi Tín Luận, nghĩa là khởi cái niềm tin, không có niềm tin mình đi không nổi đâu. Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, năm căn, năm lực, thì cái tin cũng luôn đứng đầu tiên: Tín, tấn, niệm, định, huệ.
Thành ra tu lâu hay mau là do duyên nghiệp của mỗi người, có những người rất nhanh, còn có những người rất chậm là bởi bị cái nghiệp nó kéo, mới có niềm tin một chút rồi bị chuyện gì đó nó xảy ra là bắt đầu bỏ hết. Có niềm tin rồi thì dò xét lần lần sẽ thấy. Y như khoa học, hỏi mình có thấy nguyên tử không, có thấy đâu, nhưng được nghe các nhà khoa học đều nói là có nguyên tử, mình tin vậy rồi dò xét lần lần lần lần, dùng quán chiếu, chiếu kiến ngũ uẩn giai không soi rọi dần dần, thiền quán của mình càng ngày càng rõ ra, càng mạnh ra cho đến khi nó giống cái kính hiển vi thì thấy nguyên tử. Vậy thôi. Hoặc bằng cách khác, dùng toán học để chứng minh, để thấy nó có cái đó. Không biết nó tròn méo thế nào, nhưng nó có. Đến khi xác quyết được thì nó chính là sự sống của mình. Cho nên trong Phật giáo gọi là huệ mạng là vậy. Mạng này không phải là mạng của mình nữa, mà huệ mạng là tin và biết cái đó, sống bằng cái đó, bằng huệ mạng. Huệ mạng là vĩnh viễn như vậy, không bị sanh tử dồi lên dồi xuống nữa, không thể khác được.
Kinh điển hay nói về con đường Phật giáo, “văn” nghĩa là nghe, đọc, nghiên cứu. Đọc thì chưa tin đâu, biết đâu mấy ông muốn in sách ra để bán, mấy ông ba sạo thì sao. Thành ra cần phải qua bước thứ hai là “tư”, tư là tư duy, tư duy nát nước ra rồi mới thấy nó cũng có thật. Và bước thứ ba là “tu”, thực hành. Thực hành là thực hành tất cả các pháp môn của Phật giáo, muốn trì chú thì trì chú, muốn tụng kinh thì tụng kinh, miễn sao tiếp cận được cái Tâm bất động. Cho đến khi thấy không thể bác bỏ nó được. Sâu xa hơn nữa, thấy cuộc đời mình xuất phát từ Tâm bất động đó. Cuộc đời có vui, buồn, khổ gì đó đều là hiện bóng của Tâm bất động tùy theo nghiệp duyên của mình. Ví dụ, một tấm gương thì bất động, mình quán sát, quán sát cho đến vô tận thì đó chính là tấm gương Tâm bất động, trong đó có tất cả những bóng qua về tùy vào duyên nghiệp. Mấy ông Cần Thơ lên đây rồi ông về chứ ông đâu có ở đây, thì những bóng đó qua về tùy theo duyên, chứ cái gương thì bất động. Nếu không có cái gương, sẽ không có bóng nào hiện ra hết, tôi không thể thấy cô Hồng được, cô Hồng phải ở trong gương, cái tâm của tôi như một tấm gương, tấm gương đó bất động, không sứt mẻ gì hết thì tôi mới thấy cô Hồng được.
Cuối cùng của Phật giáo, cứ đi lần lần sẽ tới được và thấy tất cả đều là một, tất cả bóng đều là gương, chứ không mình sẽ có sự phân biệt, Thầy mặc áo lam, cô Hồng mặc áo đỏ, áo đỏ thì đẹp hơn áo lam. Khi thực hành tới được như vậy thì tất cả đều là một, tất cả bóng đều là gương sẽ giải quyết được tất cả mọi sự, mọi việc.
Cứ làm đi, làm đi sẽ đến được. Không làm thì uổng, bởi vì cuộc đời mình sinh ra để làm gì? Để biết mình từ đâu tới, mình làm gì và chết sẽ đi về đâu. Tất cả Tây phương để hỏi câu hỏi đó thôi. Thấy được cái đó rõ ràng rồi, mình sẽ thấy cuộc đời như một tấm gương, chân tâm của tất cả chư Phật, rồi từ từ nó chìm mất y như sóng trên đại dương, lên xuống tùy theo duyên nghiệp của mình, nhưng đại dương thì bất động. Nghiệp của tôi nó màu xanh thì sóng màu xanh, nghiệp ông kia màu đỏ thì sóng màu đỏ, sóng có cát, có bùn trong đó…tôi không cần biết, nhưng tất cả các việc xảy ra đều trên cái nền tảng đó, tất cả các bóng dầu khóc, cười, đóng vai làm vua hay ông ăn xin thì cũng xảy ra trên Tâm bất động đó. Chính cái đó đưa tới cái rốt ráo là bình đẳng, còn tất cả các bóng thì không bình đẳng được.
Như ông Trang Tử nói, đó là con vịt, muốn nó cao bằng con cò thì kéo nó ra, kéo vậy thì nó chết. Thầy mà kéo ra cho bằng ông V.Hoàng thì trưa nay vô bệnh viện nằm đó mà chết thôi. Tất cả các bóng cao thấp khác nhau, ông đừng ỷ ông mặc đồ đen, rồi ông bắt tất cả chúng sanh mặc đồ đen, đâu có được, nó khác biệt nhau, nhưng nó nằm trên một tấm gương, bản tánh là bình đẳng. Chúng sanh phải ra chúng sanh chứ cứ nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh rồi leo lên trên đó ngồi, đâu có được, chúng sanh là chúng sanh. Bình đẳng là bình đẳng trong bản tánh, trong tấm gương, còn không có bình đẳng trong cái nghiệp. Nhưng chính tấm gương mới hóa giải được nghiệp, như vậy mới sống an vui, chứ không thôi những nền kinh tế, mọi thứ, không cách gì làm bình đẳng được. Nhờ sự bất bình đẳng của tất cả các ngành học thì Phật giáo mới tồn tại được, chứ môn xã hội học mà giải quyết được sự bất bình đẳng này thì nói thẳng ra Phật giáo cũng tiêu tùng. Cũng như kinh tế thị trường, anh đáp ứng được nhu cầu nào đó thì anh mới sống được, chứ anh không đáp ứng được thì anh sống vài năm rồi cũng chết.
V.Hoàng
Kính thưa Thầy và đại chúng. Từ kinh nghiệm của con, con thấy đúng là có một cái Tâm bất động, con cảm nhận mọi thứ diễn biến, thay đổi, nó biến động trên chính cái bất động đó. Con xin Thầy chỉ dạy thêm cho con điều đó có chính xác không, nếu chính xác thì làm thế nào để triển khai, mở rộng thêm ạ?
Thầy
Tất cả các sự vật đều biến động, chuyển động, chứng tỏ phải có một cái gì đó bất động, cảm nhận như vậy mới là văn - tư, là học và tư duy thôi, còn một cái nữa, đó là phải thực hành, thực hành nhuần nhuyễn rồi sẽ thành. Còn giờ mình đặt đủ tên, nào Tánh không, Như lai tạng thì cũng vô ích, dán nhãn – vô ích thôi. Rõ ràng nhìn thấy đây là lối thoát cho cuộc đời mình rồi, không những lối thoát cho một đời, mà cho tất cả các đời khác, có một cái bất động này đây, mình phải đam mê nó, ăn ngủ với nó, dần dần sẽ có nó. Quan trọng nhất là mình có muốn hay không cái đã. Bí quyết là mình có cần hay không thôi, chịu thì nó sinh sôi nảy nở ra. Khi ngồi thiền mình hít vào, thở ra, giữa hai hơi thở đó có một khoảng cách, đó là bất động, bất động nó đầy rẫy, nó không ở đâu xa, ngay ở trong hơi thở của mình, thở ra, thở vô mình quán chiếu, đi sâu vào lần lần mình thấy nó có một cái gì đó bất động.
Mọi sự đều thay đổi từ trong tâm, hôm qua còn thương, hôm nay thấy mặc áo đen là ghét rồi, dù vậy mình vẫn thấy có cái gì đó bất động bên trong. Mình thử tự đặt câu hỏi xem tại sao hôm qua thương mà hôm nay lại ghét, cái gì làm nền tảng cho sự thương ghét này? Có nghĩa là có một cái biết nào đó, tôi biết tôi mới thương ghét chứ, đi lần lần vô thì thấy đó chính là tánh biết, nó là nền tảng cho cả sự thương và ghét. Rồi từ từ đi sâu vào tiếp thì không cần đối tượng nào mình cũng biết. Tôi biết ông Tuấn, trưa nay ông chở tôi đi đám, tôi biết, dần dần cái biết của mình nó tự do, tự tại, không cần đối tượng tôi cũng biết. Cũng như tấm gương, nó luôn luôn phản chiếu tất cả các bóng, dù không có bóng nào nó vẫn sáng như thường.
Một vị nói
Hay quá!
Thầy
Hay à? Hay từ lỗ tai nghe thấy hay hay từ lời nói từ cái miệng ra. Chỉ cần nhìn vào đó thôi là anh thấy cái bất động liền à. Cái hay đó là do duyên từ lỗ tai nghe hay từ miệng nói ra thấy nó hay, tất cả các cái đó đều xảy ra trên cái bất động nào đó. Anh càng thực hành nhiều anh càng kinh nghiệm chứng nghiệm nhiều, nó rõ ràng lắm. Rõ ràng thì mình sống mới sướng, còn không thì khi đói khi no, khi đi xin, y như đánh bài vậy, đánh bạc mà trúng lớn thì mua xe mua đồ, con thua trận thì bắt đầu đi xin.
PH.Thái
Thưa Thầy thưa đại chúng! Đầu tiên muốn thấy cái Tâm bất động đó là phải dò xét, chúng ta dùng tất cả các phương tiện các pháp để dò xét, như chỉ quán thiền. Đối với người thực hành thì nương dựa vào những lời dạy của Thầy tổ, ta phải nhớ, phải nhắc lại bằng cách khởi lên những ý tưởng, hay tỉnh giác chẳng hạn, thì làm sao có thể vượt qua được cái khởi niệm, cái ý tưởng đó ạ?
Thầy
Ông làm khoa học ông biết rồi, khoa học bao giờ cũng có cái ngưỡng của nó. Từ vật chất này chuyển sang vất chất khác nó có cái ngưỡng, nước sôi được thì cũng có cái ngưỡng là 100 độ C trở lên. Ông tới cái ngưỡng đó thì nó sẽ giải quyết thôi chứ ông hỏi mà không làm thì làm sao giải quyết được. Ông cứ đổ nước vào đun lên, vượt qua cái ngưỡng 100 độ thì nước biến thành hơi nước, thành đám mây, đơn giản vậy thôi. Vật chất luôn có cái ngưỡng của nó, tâm thức cũng vậy, có cái ngưỡng. Từ vật chất rắn, cho tới lỏng, rồi chất gì đó, tâm thức cũng vậy. Muốn biết không gian là như thế nào thì cứ lên tới đỉnh, nhảy một cú thì biết, một là chết hai là tới luôn, còn mình biểu không có dù thôi tôi không nhảy đâu thì làm sao biết được. Cái gì cũng có cái ngưỡng, tâm thức cũng vậy, tới ngưỡng nào đó thì tự động nó chuyển hóa.
T.Anh
Thưa Thầy, ngày nào con cũng ngồi thiền, nhưng khi ngồi thiền thì tâm con đủ thứ chuyện nó hiện lên, đủ thứ chuyện nó đến. Nhiều người cũng chỉ dẫn con ngồi thiền như đếm hơi thở, hay nghe một cái gì đó để cho lắng tâm xuống, nhưng con thấy, thân ngồi xuống thì bất động rồi đó, nhưng tâm con không có bất động.
Thầy
Như vậy là Thầy hiểu rồi. Vậy là tâm thức mình không được tự do. Thầy thấy nóng quá thầy chạy lại Thầy mở cái quạt lên là nó chạy, còn Thầy muốn tắt là nó tắt liền. Tâm thức mình cũng thế, y như đài VTV1, VTV3, mình muốn mở là mở tắt là tắt thì mới tự do được. Mình muốn mở đài số một, rồi mình chuyển sang đài số năm nhưng nó không được thì có nghĩa là không tự do. Tự do nghĩa là mình tự do với tâm thức của mình. Nên nhớ, càng lộn xộn chừng nào càng mất năng lượng chừng đó. Tia laser tại sao nó sáng như vậy, là do nó tập trung năng lượng vào đó nên không bị hao tán. Tâm thức cũng vậy, khi tập trung vào chỗ nào là có thể xoay được chỗ đó, mình có thể xoay làm tiêu tùng ngọn núi luôn. Vấn đề là thực hành làm sao để có được tự do. Mình chỉ có một chỗ tự do duy nhất là Tâm thôi mà nó không tự do thì biết sao bây giờ. Thân không có tự do, vì nó phải đi theo một quá trình, đến một thời điểm nào đó tóc phải bạc, uống thuốc trời gì cũng vậy thôi, hà thủ ô uống mãi cũng không xanh lại được mà lại thêm táo bón nữa. Hoặc tới một lúc nào đó hết chất nào đó nó thành bệnh tiểu đường. Thân mình luôn tuân theo quy trình của sanh trụ hoại diệt. Nên phải biết rằng mình chỉ có một chỗ tự do duy nhất là Tâm.
Mình thấy đây chính là cánh cửa tự do duy nhất, chứ thân không tự do được. Lâu lâu mình thấy tóc ông này sao bị bạc trắng, hóa ra trước giờ là ông đi nhuộm. Tới lúc nào đó mình phải bỏ cái thân này, lúc đó mình còn lại cái gì? Tâm, còn lại cái tâm thôi, nhưng lúc đó tâm cũng cuống cuồng lên. Nào là việc con tôi chưa giải quyết xong, nó đi thi không biết có đậu không, hay còn tiền ngân hàng nhưng chưa lãnh ra, nhiều cái rối rắm lắm, lúc đó mới thấy mình là nạn nhân. Trong đời này, ai không có kinh nghiệm, ăn phở biết phở, ăn cháo biết cháo, tức là cái tâm tự do, chứ ăn phở cũng không biết là phở hay cháo hay cơm, đó là không tự do, như vậy cuộc đời mình nó trôi nổi bập bềnh quá. Ngoài cái tâm này ra không bao giờ có chỗ nào khác tự do hết. Nên Thiên chúa giáo mới nói, “thiên đàng chỉ có trong lòng người”. Lòng là tâm, tâm này có thiên đàng trong đó, còn ngoài ra không có chỗ nào hết, nếu khám phá ra được thì mình hưởng cái đó ngay khi còn sống, không cần chờ chết.
T.Anh
Con hiểu là, khi mình… (không nghe rõ)
Thầy
Hỏi là sao đi xe đạp được? Thì mình phải tập thôi, cũng trượt chân trượt cẳng nhiều lắm mới biết đi. Khó lắm, nhưng rồi cứ tập một tháng, hai tháng thì cũng phải đi được, cứ tập, đến khi được thì đi đến vô hạn luôn.
M.An
Kính thưa Thầy, thưa đại chúng! Con thấy nãy giờ Thầy nói rất là rõ. Quan trọng mình nhận ra được cái bất động đó đó, thì ngay nơi đây mình cũng sẽ tự do dù có những ý tưởng. Hôm bữa con thấy có vị ghi một câu: “Tâm không lay động”, nhưng có vị khác lại ghi “Động cũng chẳng sao”. Đó thì mình nhận ra cái bất động đó hiện diện ngay nơi chính mình lúc này thì mình tự do, dù là loạn tâm hay gì đó thì cũng loạn trong cái bất động đó. Con xin đọc lại bài cầu nguyện về cái Thấy, Con đường và Quả của ngài Mipham Rinpoche: “Hiện diện từ vô thủy, không qua tu tập và không khác ngoài khả năng của con người”. Con thấy, nhận ra được, hay được một vị thầy giới thiệu vào cái đó, rồi mình tin, thực hành thì một thoáng nào đó mình nhận ra cái đó, thông qua việc tu tập mình sẽ sống được với cái hiện diện đã có sẵn đó. Mình tu tập để là mình nhận ra được, sống được với nó, sống được càng sâu thì càng khỏe, hạnh phúc.
P.Thảo
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Con xin Thầy chỉ dạy cho con cách xử lý hai trường hợp cụ thể sau:
Thưa Thầy, hôm qua con nhận được tin có một em đồng nghiệp cũ của con và S.Dương ở T.Hà bị mất. em ấy còn rất trẻ. Khi biết tin con rất đau lòng, con theo dõi tâm của con lúc đấy. Con đã rất xúc động và khóc liên tục trong quãng thời gian ngắn. Con thấy cảm giác bất lực hiện rất rõ. Con đặt ra rất nhiều câu hỏi. Mình phải làm gì, nên sống như thế nào cho có ý nghĩa hơn để trường hợp này có thể giúp được em nhiều hơn. Và lúc đó con chỉ biết gởi đến em những tư tưởng, niệm thiện lành thôi. Đấy là trường hợp thứ nhất.
Trường hợp thứ hai liên quan đến công việc. Con có biết được trên facebook họ bán sách lậu, sách giả. Cuốn sách đó là cuốn sách đầu tiên của bọn con, giá bìa bọn con bán là 119.000đ, trong khi giá họ bán là 199.000đ một quyển. Sau đó con có trao đổi với các bạn trong công ty để xử lý. Lúc đó tâm của con hiện lên sự tức giận. Con không hiểu sao họ lại làm như vậy và con nghĩ là bây giờ mình phải làm thế nào để ứng dụng pháp trong trường hợp như vậy.
Con xin thầy chỉ dạy cho con cách xử lý hai trường hợp trên? Tâm bất định của mình chắc chắn là có rồi, nhưng trong trường hợp như vậy con làm thế nào để có thể ứng dụng một cách nhuần nhuyễn hơn?
Thầy
Theo Thầy, đơn giản lắm. Khi nào mình còn xúc động hay cái này cái nọ nhiều là bởi vì nơi mình cái tình thương yêu chưa đủ. Kinh thánh nói như vậy, “Trong tình yêu không có cái chết”, nếu thấy mình còn thương yêu như vậy là tình thương yêu của mình chưa đủ. Tình thương yêu đầy đủ nó bất chấp sự sanh diệt của thế gian, tình thương yêu của mình không đủ đậm đà, không đủ cái này cái nọ mình mới bị như vậy. Đối với con người, thường là có khóc, có buồn, còn các vị thánh, một ngày các vị thánh nghe biết bao nhiêu tin về người chết nhưng mấy vị vẫn vậy à.
Thầy chưa hiểu được hết, nhưng Thầy tưởng tượng ra lòng đại từ đại bi của Phật, của chúa là nó trùm cả thế gian này, nó không vượt ra ngoài tình thương yêu, cho nên đối với mấy vị đó không có cái chết nên kinh thánh mới nói như vậy, tình thương yêu vượt khỏi cái chết là vậy đó. Bởi vì tình thương yêu của mình chưa đủ trùm lên đối tượng nên đối tượng mất là mình khổ. Trong lịch sử có nhiều cái khổ ghê lắm. Một ví dụ về đức Phật, dòng họ Sakya là dòng họ Thích Ca, hồi trước đánh nước nào đó, sau đó bên kia nó trả thù. Lần đầu tiên đức Phật muốn hòa giải, ngài ngồi giữa đường thì bên kia nó rút quân, lần thứ hai cũng thế, đức Phật ngồi giữa đường, bên kia rút quân. Nhưng đến lần thứ ba khi họ tới, đức Phật thấy không thể tránh được và sau đó cả dòng họ Sakya bị tiêu diệt hết. Có một truyền thuyết là ngài Xá Lợi Phất đem bỏ cả dòng họ Sakya vào cái bình bát hay cái gì đó, nhưng khi mở ra cũng toàn máu không à, không tránh được. Mình thấy một vị đã kinh khủng như thế, lòng đại từ đại bi của ngài thì không thể nghĩ bàn mà cả dòng họ của mình còn bị chết như vậy.
Theo khoa học, toán học, những phần tử chuyển động, chuyển dịch trong cái tổng thể thì so với cái tổng thể nó không có nghĩa lý gì hết. Nếu có tình thương yêu toàn thể, bao trùm thì những gì chuyển dịch trong đó không có nghĩa lý gì đối với toàn thể đó, nên kinh thánh mới nói tình thương yêu vượt khỏi cái chết. Còn mình không vượt khỏi được thì xem lại tình thương yêu của mình, nó đủ chưa, nó còn sống trong cảm xúc bình thường hay không. Còn thấy người nào làm cho mình một điều gì ghê gớm thì mình phải biết rằng tâm mình đang bị giới hạn nhiều lắm, nó chưa trùm hết được.
Không nói gì đến đức Phật, ông trụ trì như Thầy cũng nhiều người đến và ra đi sớm, ông Dũng râu, ông Phước, cô Ngọc này nọ, mỗi người ra đi là mình tan nát lòng thì làm sao đây. Tình thương của mình phải trùm lên số phận của từng cuộc đời nho nhỏ. Nếu như mình là một cái gì toàn thể, không dám nói gì lớn, nhưng ít ra nó phải trùm lên, và những sự xê dịch, chuyển động trong đó sẽ trở thành nhẹ đi, thành một biến cố nhỏ thôi. Trong một nền kinh tế vững mạnh, nếu có một xí nghiệp nào đó sụp đổ sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với toàn bộ nền kinh tế vững mạnh đó hết.
ĐQ.Sỹ
Thưa Thầy thưa đại chúng! Hôm qua lúc con ở Sài Gòn qua con cũng trình bày với Thầy về một số vấn đề, khoan nói đến tôn giáo, qua cơn dịch này con suy ngẫm lại thấy tất cả những gì đã trải qua, rất nhiều khó khăn, nhưng những cái đó không phải do từ bên ngoài mà chính từ bên trong của mình, y như ngài Gampopa dạy, tất cả do chính tự mình, do mình tạo nên chứ không phải ở bên ngoài.
Trường hợp của Thảo, có người bạn mất như vậy, đứng trên quan niệm của mình thì mình cũng xúc động. Nhưng nếu xét ngày hôm qua, không phải chỉ có riêng một người bạn của Thảo mất, rất nhiều người đã mất, rồi mình thử tìm hiểu nguyên nhân xem tại sao mình lại đau khổ rất nhiều như vậy? Tu hành là mình nhìn vào vấn đề đó để xem tâm mình như thế nào. Nếu nói về tình thương như Thầy dạy, tình thương của chư Phật thì nó quá rộng lớn, nhưng thật ra mình cũng có cái đó. Còn vấn đề mình bán 119.000 đ, người ta bán 199.000, tại sao lại có người xem chuyện đó là bình thường, trong khi mình nổi sân giận. Điều đó là mình phải xem lại cái sự bám chấp của mình.
Thầy
Nãy Thầy mới trả lời cho P.Thảo một câu hỏi, câu thứ hai cũng vậy thôi. Nếu có tình thương yêu lớn, át mấy cái đó thì tha thứ dễ dàng. Người ta vì nghèo, ít tiền hơn mình nên mới làm như vậy để có tiền. Tâm mình càng đầy rẫy tình thương bao nhiêu thì các biến cố xảy ra nó nhẹ nhàng đi bấy nhiêu. Tâm mình lớn hơn hoàn cảnh, lớn hơn biến cố bao nhiêu thì hoàn cảnh nó ít ảnh hưởng bấy nhiêu. Nói như Ma trận thần thánh, nếu P.Thảo có tình thương yêu đủ mạnh, thì nghĩ tới người đó thôi là P.Thảo đã gởi cho họ nguồn năng lượng tích cực rồi. Chỉ cần suy nghĩ thôi chứ không cần phải đi đám, không cần phải đích thân tới đó mới mang được năng lượng cho người ấy. Như các vị cao cấp các vị bồ tát nghĩ tới mình thôi là các vị đã ban phước cho mình rồi. Vấn đề là tình thương yêu của mình có nhiều hay ít thôi. Không phải giải quyết trên hiện tượng, mà phải giải quyết theo căn bản của vấn đề. Mình có nhiều năng lượng được bao nhiêu mình sẽ trút được cho họ bấy nhiêu, có càng nhiều càng trút được nhiều, đó là cầu siêu đó.
Cũng như ở đời, nếu P.Thảo có nhiều năng lượng thì nghĩ tới người thân là lập tức người thân của P.Thảo cảm thấy vui vẻ, còn mình buồn bực không vui mà nghĩ tới họ thì gây cho họ thêm khó khăn, đổ vỡ. Thành ra, quan trọng nhất là phải tin vào năng lượng ở tâm mình nó kinh khủng lắm, cái đó nó giải quyết tất cả mọi vấn đề chứ không phải giải quyết theo từng hiện tượng. Thầy nghèo, P.Thảo không thể giúp 100 tỷ cho Thầy để mua đất mua đai được, nhưng P.Thảo có thể giúp Thầy bằng cách suy nghĩ tới Thầy và gởi cho Thầy sự quý mến, thương kính nào đó thì tự nhiên Thầy sẽ mập mạp khỏe mạnh lên. Vấn đề ở tâm mình chứ không phải hoàn cảnh, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh. Nhất là anh phải thực hành làm sao để tâm anh vượt lên hoàn cảnh. Trưa nay Thầy cũng phải lên chùa Tây Tạng, có một cái đám, mẹ của sư cô ở trên chùa Tây Tạng mới mất, mà ông em của sư cô đó cũng là bạn của Thầy nên Thầy phải đi. Hiện tượng xảy ra liên tục, nhưng quan trọng là tâm mình, tình thương yêu của mình có đủ trùm lên cái đó hay không.
Giá bán sách của mình như vậy, nhưng nó đăng, nó làm bậy, vậy mình quán sát xem tâm của mình có đủ sức trùm lên vấn đề đó, có thể tha thứ cho họ được không. Nhiều khi cũng không muốn làm chuyện đó đâu nhưng thấy vợ con đói khổ quá nên mới làm thôi. Tôi đâu muốn ăn trộm, tôi mà giàu tôi có thể mua cho cô ngàn cuốn cũng được, nhưng tôi nghèo, tôi kẹt nên tôi mới làm như vậy. Nhà tôi rách nát, sửa lại cũng tốn một ít tiền nên tôi mới phải làm chuyện này, còn người ta giàu người ta đâu có cần làm vậy. Cho nên, chính tình thương yêu đưa tới sự tha thứ, tình thương yêu của mình là sự ích kỷ, tâm không rộng nên không tha thứ được.
NB.Nguyên
Com xem một phóng sự trên TV, có một anh này, anh ấy là người phát minh ra công cụ giúp đỡ cho người nông dân rất nhiều. Anh ấy không đăng ký bằng sáng chế nên hàng giả, hàng nhái sản phẩm này tràn lan. Người phỏng vấn hỏi anh nghĩ sao về điều này? Anh ấy đã trả lời rất bình thản rằng, “tôi rất vui vì ngoài tôi, còn có nhiều người khác cũng làm được sản phẩm này để giúp người nông dân”. Việc này nó ấn tượng con đến tận bây giờ. Nên trong trường hợp này, P.Thảo có thể nghĩ là mình đang phát tâm làm việc này để nhiều người có thể tiếp cận được quyển sách quý này. Hay nếu có tình thương thì mình cũng có thể nghĩ rằng anh đó đang cần tiền sửa nhà, đây cũng là cách mình giúp anh ta.
Mình nghĩ, giá trị tinh thần thì lớn hơn vật chất, nếu cảm nhận được như vậy sẽ thấy dễ chịu hơn. Làm nhân như thế nào quả sẽ như thế, Thảo gieo nhiều nhân tốt chắc chắn sẽ nhận được quả tốt. Khi tâm mình mở rộng đầu óc mình sẽ tự do. Trước đây con hay áp đặt cho mình những việc này việc kia, nên khi ngồi thiền những tư tưởng cứ ào đến, tràn về rất nhiều. Nhưng từ từ tập không ức chế tư tưởng nữa, thay vì nghĩ tới và bám theo các tư tưởng, phải điều khiển các tư tưởng này như thế nào thì mình nghĩ tới Phật pháp, nghĩ tới hình ảnh của đức Phật, thì những tư tưởng loạn động được thay bằng sự an định và tự do chính trong những tư tưởng đó.
Sh.Nguyên hát bài “Hãy Yêu Nhau Đi”.
N.Hương
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Con thấy những gì Thầy dạy chúng con chỉ cần y như vậy mà làm theo, nhưng vấn đề ở chỗ là nó không dễ dàng. Văn là nghe, bản thân con con nghe cũng nhiều rồi. Tư duy, con thưa Thầy là con tư duy chưa được nhiều, nhưng con thấy mình tư duy được bao nhiêu thì thực hành bấy nhiêu luôn. Nhưng khi thực hành con lại không thực hành được. Thầy dạy không làm được thì làm lại, làm đến khi nào được thì thôi. Nhưng cảm giác của con là khi ra biển hay lên một độ cao nào đó nó quá sự an toàn của mình, về mặt ý thức con vẫn nhận thấy là à chắc do cái tôi, mình cần phải vượt qua, đủ thứ hết. Nhưng để vượt qua cái đó, con phải làm đi làm lại nhiều lắm, không biết bao giờ mới được, mà được cái gì, con cảm thấy rất chơi vơi.
Gần đây con ít tham dự các hoạt động trong chúng vì con muốn mình thực hành trong từng cái nhỏ một, ví dụ việc cụ thể như hai câu hỏi của P.Thảo, và còn những việc nhỏ hơn như thế nữa như trong từng lời nói của con, những âm hưởng, nó hiện ra như vậy, nhưng con không chấp nhận được điều đó. Con thấy mình học, cố gắng nhiều nhưng mình vẫn là mình, rồi nhìn xung quanh các vị theo Thầy theo các vị khác học rất nhiều năm, thì con thấy mỗi người đều có những nghiệp riêng, con thấy có một chút gì đó bi quan. Mình cứ chấp nhận những việc như là mình đi được những bước rất nhỏ và biết rằng kiếp này mình không thay đổi được nhiều lắm đâu, chỉ biết là mình vẫn đi trên con đường này và nhiều kiếp để đi, mong sao là nó không bị ra khỏi con đường đó, không ra khỏi chánh pháp, có chúng có Thầy để cùng đi.
Thầy
Thầy thấy bữa trước hăng hái lắm, sao mới bị bệnh chút mà xuống tinh thần dữ vậy. Thầy thấy đừng có nói nhỏ lớn gì hết, đơn giản thương yêu là một cái kho tàng trùm khắp cả, đừng lấy lý nhỏ lớn gì hết. Khi nào cô Thấy thương yêu tất cả những người ở trong chúng này thì cái tâm cô rộng hơn cả cái chúng này. Mình làm thiệt vậy đó. Chúng là cơ hội là đối tượng để cô thương yêu, thay vì chỉ có gia đình mình, làm sao để tâm cô trùm hết được cái chúng chứ không lớn nhỏ gì hết.
Cô ngồi ở nhà, cô thấy đại chúng, cô tỏa ra tình thương yêu thì nó sẽ trùm lên đại chúng. Mỗi ngày mình chỉ cần thực tập sơ sơ vậy thôi. Mình thấy hóa ra tình thương yêu là một phép lạ và nó đầy rẫy trong vũ trụ này chứ không phải là kiếm ba cái chuyện lặt vặt. Cô P.Thảo đợi cho chuyện xảy ra rồi mới biết là mình không có tình thương yêu. Thầy đã nói với cô P.Thảo mấy năm trước, thực hành đi, cô ra bờ hồ Hoàn Kiếm đi bộ đi, cô tỏa cái tình thương yêu ra cho cỏ cây, hoa lá, cho những những người xung quanh thì lần lần lần lần cô sẽ khám phá ra chìa khóa của tình thương yêu ở đâu. Tại sao người ta hay nói tình thương yêu là do trái tim. Sao nó không nói lỗ mũi thương yêu, cái mắt thương yêu mà nói trái tim thương yêu, bởi vì đó là cái khá bí ẩn. Tình thương yêu mạnh nhất, nó tỏa ra nhiều nhất là ở nơi Chakra – Luân xa trái tim.
Hình ảnh của đức Phật có chữ vạn ở giữa tim. Đấy, mình có cả kho tàng quý đó, mình có muốn xài hay không thôi, chứ mình cứ nói là chỉ làm chút chút thôi rồi kiếp sau, kiếp sau nữa. Cả chúng này là cái kho nho nhỏ để mình tỏa tình thương yêu, thì mình cứ làm đi. Làm khi nào đó nó càn cạn thì đề khởi lại, tôi phải thương yêu chúng. Làm một chập nó ý như nguồn nước, không có thứ gì ngăn cản được hết. Người ta hay nói thiền định là vậy, nó là một dòng nước không bao giờ dừng dứt. Đừng nói nhỏ lớn gì hết, phải sẵn sàng. Dòm từng người thấy có người gây cho mình khó chịu, ông H.Dũng này gây cho Thầy khó chịu, mặc áo đen Thầy không thích thì mình tập, tập tỏa tình thương yêu tới ông xem sao, thì một hồi thấy nó cũng tỏa được, yêu thương ổng được.
Chữ trụ trì không phải là làm chủ cái chùa theo nghĩa hành chánh đâu. Trụ trì là trụ ở cái Như Lai Tạng, trụ trì cái tánh Viên giác, trụ trì cái tình thương yêu. Mình có tình thương yêu là mình trụ trì, chứ không phải cô ở nhà cô không trụ trì được đâu. Các vị hay nói vậy đó, “người lớn nhất ở đây là người có tình thương yêu lớn nhất”, vậy thôi, chứ không phải đợi cao lớn 1,8m như ông Thái này là người lớn nhất đâu. Tình thương yêu tự do lắm, nó không bị ngăn cản bởi cái gì hết, đó là sự tự do. Nó không bị ngăn cản bởi không gian, cô ở nhà cô vẫn thương yêu được, không cần phải lái xe qua đây mới thương yêu, gặp ông Tuấn đông y này mới thương yêu được, tự do là ở chỗ đó. Tôi có thể thương yêu được bất kỳ ai, bất kỳ nhóm nào, chứ đâu cần phải không gian gì đâu, đó là một gia tài, một bữa ăn đã được dọn sẵn cho mình. Mình không ăn, mà nói không con chỉ làm những cái nho nhỏ, chích cái này một miếng, chích cái kia một miếng để ăn, không, phải mạnh dạn lên. Tình thương yêu giúp cho mình có tự do, nó giải quyết tất cả mọi sự, mọi việc. Ông H.Dũng này ghét tôi, nhưng tôi vẫn thương yêu được, đó là tự do.
Có gia tài nào tự do bằng cái đó không? Tình thương yêu chính là sự tự do, bất chấp anh có ghét tôi, kệ anh, tôi vẫn yêu thương anh được, đó là tự do. Thậm chí, những vị cao cấp, tình thương yêu của họ có thể chuyển đổi từ thuốc độc thành thuốc bình thường được. Ví dụ như ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng bị đánh đập mấy lần, ngài Milarepa cũng vậy, tình thương yêu của họ chuyển hóa được, đó là tự do. Bà xã ông H.Dũng, con ông H.Dũng có quyền cấm Thầy thương yêu ông H.Dũng không? Không. Ông H.Dũng phải nuôi tôi, chu cấp cho tôi, Thầy giả bộ thương yêu ổng để lấy tiền tiền của ổng thì sao. Mình phải khôn ngoan, phải thông minh lên, tình thương yêu là một cái rất tự do, không có quyền cấm Thầy thương yêu ông H.Dũng, không cần điều kiện nào hết. Tháo nút, mở nút, vặn cho nó chảy liên tục, tất cả là do mình thôi. Lâu lâu bị ngưng lại do phèn hay cái gì đó, mình gõ gõ một chập nó lại chảy tiếp à, đừng ngồi đó mà nói tự do, tự do không ai ban cho anh hết, chính anh ban cho anh.
Đức Phật nói, con người là sinh vật cao cấp nhất trong vũ trụ, nó tự do làm điều đó, cho tới lúc tình thương của mình càng ngày càng lớn không có điều kiện nào, nó tỏa ra y như mấy vị cao cấp nói, “mặt trời tự tỏa ra ánh sáng”. Chuyện đơn giản lắm nhưng mình hay tự gây rắc rối cho mình, cô N.Hương là hay tự gây cho mình rắc rối chứ mọi sự đơn giản quá mà, ai cấm mình thương yêu đâu.
Cô N.Hương trước đây làm ban Kinh Sách, gồm 2 người, cô N.Hương và H.Lan, nãy giờ Thầy thấy cô H.Lan này cô cứ cười cười, không biết cô cười cái gì đây. Cô là người cùng ban nên cô phải đóng góp ý kiến vô.
H.Lan
Thưa Thầy và đại chúng! Ban Kinh sách có ba người, gồm: con, chị N.Hương và H.Nam… (không nghe rõ).
Cá nhân con, con thấy chị N.Hương về trí tuệ hơn con, chị thực hành cũng nhiều nhưng sao tình yêu thương vẫn không trùm lên được. Bản thân con cũng vậy, không nói đến con người, có những hoàn cảnh con không thể chấp nhận được, Thầy vẫn dạy về Bồ đề tâm nhưng con không thể yêu thương nổi. Giống như bây giờ tạo cho con một việc bảo con nhúng tay vào đó con nhúng không được.
Thầy
Đâu phải yêu thương là cứ phải rờ vào đó mới là yêu thương. Yêu thương là một trạng thái tâm thức, đâu cần cứ phải nhúng tay vào đó, vọc tay vô đó, ai bảo làm chuyện đó. Làm chuyện đó, rồi công an nó bắt Thầy, nó bảo ông này hành hạ chúng, phải không? Cô đưa cho Thầy cái món gì đó để uống mà Thầy không thích, cô bảo Thầy yêu thương thì Thầy phải uống. Đâu phải vậy, tôi không thích, tôi không uống. Cách đây mấy ngày Thầy hỏi một vị nào đó, Thầy hỏi mà không ai trả lời. Thầy nói Thầy phạt người đó thì có phải là Thầy ác tâm không, nhưng không ai trả lời. Thầy nói vậy đó, trừng phạt chính là biểu lộ của lòng yêu thương. Giống như trong gia đình, con cái hư là cha mẹ phải trừng phạt. Quan trọng là chiều sâu của nó, cái nguồn của nó, cái dòng sống của nó. Chứ mình nói yêu thương rồi muốn làm gì thì làm thì cuộc đời này nó ra cái gì, đừng nói là trừng phạt là không yêu thương, chính trừng phạt là tình yêu thương đó.
H.Lan
Nếu cha mẹ yêu thương con là trừng phạt nó, nhưng ví dụ con đẻ một đứa, nó còn nhỏ, nó chỉ nằm một chỗ rồi ị ra tã thôi, vậy…
Thầy
Cô lý luận sai, người ta trừng phạt có giờ giấc, có tuổi có tác chứ, đầu óc cô cứ mộng mị. Ví dụ, cô hai tuổi Thầy có dám trừng phạt cô không? Còn cô từ tuổi trưởng thành trở lên Thầy sẽ trừng phạt nếu cô sai lầm. Đừng tưởng là Thầy oán ghét, mình thấy nó sai mình phải sửa, nói nó không chịu nghe phải trừng phạt cho nó nhớ. Có một lần cách đây mấy năm, có vụ án nó giết năm người trong gia đình. Thầy đang còn nói về tình thương yêu, có người hỏi thằng cha đó phải làm sao? Thì phải xử nó chứ sao. Đó là tình thương yêu, chứ không phải tình thương yêu là nhu nhược, ai làm gì cũng được.
V.Hoàng
Lâu lắm rồi mới gặp lại chị N.Hương, được nghe chị chia sẻ. Qua việc chị chia sẻ vừa rồi, V.Hoàng cũng xin được đóng góp một vài ý kiến của mình. V.Hoàng có cái nhìn khác chị một chút. Thứ nhất, em nghĩ mình nói kiếp trước kiếp sau đó là mình lý luận thôi, thực tiễn thì ngay bây giờ, cũng như lúc nãy Thầy dạy, mình đang có cơ hội rất tốt, việc của chị em mình là khai thác những cơ hội đó một cách tối đa, tốt nhất có thể. Thế còn sau này như thế nào thì mình chưa biết, còn những gì đã qua rồi mình cũng không biết, nên theo em, tiếp cận theo cách như vậy thì nó đơn giản và hiệu quả hơn.
Việc thứ hai chị nói là chị có quan sát thấy có một số anh chị em đang học Thầy hay học một số các vị Thầy khác nhiều năm mà vẫn không thấy có sự thay đổi, tiến bộ, điều này làm chị thấy có vẻ bi quan. Về việc này, em không nhất trí với chị lắm vì như vậy thì có vẻ hơi chủ quan. Có thể chị thường xuyên gặp gỡ mọi người ở trong chúng, gặp nhiều có khi thành quen, nên thấy vậy. Còn em thì khác, mỗi năm em chỉ vào được ít thời gian thôi, như năm nay vào mấy lần như vậy là nhiều đấy, còn hầu như là gặp qua các buổi nói chuyện như thế này, em cảm nhận mọi người đều có sự thay đổi, tiến bộ. Tất nhiên, mỗi người có sự tiến triển khác nhau, người nhanh, người chậm, có người cũng có vẻ như đang đi xuống, như chị bây giờ em thấy như chị đang đi xuống, nhưng cũng có lúc mình đi lên, chuyện đó là chuyện bình thường trong tu tập, không thành vấn đề. Vấn đề em cần chia sẻ với chị là bây giờ chúng ta đang có cơ hội tốt, chúng ta cần vận dụng tốt nhất cái cơ hội này, còn sau này như thế nào thì em cũng chưa biết, nhưng trước mắt là nên như vậy.
Một ý nữa con xin được chia sẻ với P.Thảo liên quan đến Tâm bất động. Trong cuốn sách Bàn Về Sinh Tử, có nói về việc trong lúc mà người ta mất, điều cần nhất là sự an định, mình càng thương yêu, quan tâm đến em đó thì mình càng phải có Tâm an định, Tâm bất động để giống như thông qua Ma Trận Thần Thành, mình hướng tâm đến em đó, gởi tình yêu thương đến em đó những điều, những năng lượng tốt lành.
N.Hương
Cảm ơn cô H.Lan và sh. V.Hoàng đã có những chia sẻ với Hương. Nhân chia sẻ của sh V.Hoàng, Hương xin nói thêm một chút nữa. Hương xin khẳng định lại với đại chúng là Hương chưa bao giờ có suy nghĩ là mình chưa có sự tiến bộ hay chưa có sự thay đổi gì. Cũng như Hương, hay bất kỳ ai đến với Thầy đến với chùa, dù thời gian rất ngắn thì cũng đều có những thay đổi trong tâm của họ, đó là niềm tin vững chắc đối với Hương. Được tiếp xúc với Thầy trên bảy năm rồi, Hương cũng xin chia sẻ hơi dài dòng một tí. Ban đầu, Hương thấy có sự tiến bộ rất nhanh, Hương rất hoan hỷ vì điều này, nên rất nhiệt tình chia sẻ, lôi kéo gia đình, người này người kia đến với Thầy. Dần dần theo thời gian, không phải không có thay đổi, mà nói nôm na giống như cô H.lan nói hồi nãy, khi còn là đứa trẻ ở giai đoạn mẫu giáo đó, thấy nó có sự thay đổi nhanh, bữa nay biết hát, bữa kia biết múa, mình thấy rõ. Nhưng khi ở giai đoạn lớn hơn, biết tư duy, nó tư duy như thế nào, mình không nhìn thấy được, chỉ có vị Thầy và bản thân nó biết.
Ở đây Hương không bỏ qua cơ hội như sh V.Hoàng nói. Mà trong kiếp này mình may mắn có được cơ hội là có Thầy được chúng để tu tập, để được tinh tiến, Hương rất trân quý và không hề bỏ qua điều đó. Hương đã từng nguyện là đời đời kiếp kiếp được gặp Thầy và chúng để đi tiếp con đường này. Ý Hương muốn nói ở đây, không có ai hiểu rõ mình hơn chính mình. Hương vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt với chúng như trước đây, Hương vẫn có thể đến và làm tất cả những gì như trước đây. Nhưng bây giờ mình thấy đó là sự biểu diễn chứ không phải tu tập, Hương nhìn thấy những điểm yếu của mình ở chỗ nào, mình cần dành nhiều thời gian để chỉnh sửa điểm yếu của mình thay vì cứ chạy theo cái guồng, cái nghiệp của mình như vậy thì không sửa được. Ví dụ, bản thân Hương biết Hương tham gia trang CSAV như thế nào, làm nó với thái độ như thế nào Hương biết.
T.Hồng
Cái này Hồng thấy chị chia sẻ với chúng nhiều rồi nên Hồng xin ngắt lời chị. Cái mà Hồng ấn tượng về chị khi chị thực hành với chúng ở chùa như những lần chị nhập thất chẳng hạn, chị đã có chia sẻ là “không nên tin vào những ý tưởng của mình”. Những cái mà chị đang nói đó giống như là mình đang lý luận, biện luận cho hoàn cảnh cho việc của mình. Tại sao mình có Thầy có chúng đây mà mình không nương vào để tu tập, cho dù hoàn cảnh có như thế nào thì cũng nên cố gắng nương vào Thầy chúng để vượt qua. Kiếp sau liệu mình có còn gặp được Thầy và chúng để tu tập nữa không? Nên mình nên trân quý những gì đang có, mình nương theo thôi, chứ đừng chạy theo những ý tưởng của mình quá nhiều sẽ càng thêm khổ.
T.Châu
Bạch Thầy bạch đại chúng! Sáng giờ chúng ta nói đến những tấm gương, những nguyện vọng, nội tâm của mỗi người. Tại sao mỗi người đều có những chia sẻ, ý kiến khác nhau về vấn đề này như vậy, chẳng hạn như ý kiến của P.Thảo, cô Hương hay H.Lan. Đó là những khía cạnh bình thường của tâm thôi. Nếu chúng ta nhìn sâu vào những vấn đề đó thì chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra và dừng lại được. Vì chúng ta thử quán sát xem nó có tồn tại mãi mãi như vậy không. Nhìn lại xem là dù có xúc động, có buồn phiền nhưng chỉ trong một khoảnh khắc nào đó thôi, và đằng sau đó nó là cái gì. Nhìn sâu nữa thì thấy nó xuất phát từ đâu, từ đó ta thấy rằng nó không đâu khác, chính là từ cái an định.
Nếu sống được với cảm xúc như vậy là an định. Có những lúc chúng ta thấy khỏe khoắn, thảnh thơi, đó là gì? Chính là an định, Tâm bất động. Tâm bất động sẽ giải quyết mọi vấn đề khúc mắc, mọi cảm xúc. Chúng ta còn tham sân si, khổ đau vì chúng ta chưa làm quen, chưa thấy được cái bất động. Chúng ta chỉ cần tiến lên, khát khao hơn nữa, chúng ta có Thầy có chúng, chúng ta không thể sống như thế này được. Đó chính là cái cửa mở. Sóng càng lớn thì biển càng sâu càng rộng, bóng càng nhiều bao nhiêu thì tấm gương càng rộng bấy nhiêu. Thầy chỉ là người chỉ đường, chỉ cách cho chúng ta thôi, còn sự thay đổi được bao nhiêu đó phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Tâm bất động luôn luôn sẵn có, đầy đủ, ngay tại đây và bây giờ, chúng ta không cần phải đi tìm kiếm, thực hành quay trở lại với cái chúng ta đã sẵn có thôi, chúng ta phải thiết tha lên, phải nhảy vào đó, ngâm mình trong cái Tâm bất động đó, bởi vì chính Tâm bất động sẽ giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, đưa chúng ta vượt khỏi sanh tử luân hồi, vượt khỏi đau khổ, được hạnh phúc viên mãn.
Thầy
Mình cứ nghĩ Tâm bất động là không hoạt động gì hết, không có nội dung gì hết, đâu phải. Nên nhớ, nội dung của Tâm bất động là từ bi và yêu thương. Tánh không luôn đi kèm với từ bi và yêu thương. Nếu không có từ bi sẽ không có Bồ tát hạnh. Cứ nhấn mạnh vào một cái tánh Không là Tâm bất động thôi, không phải như vậy. Tánh Không là một cái gì đó hoạt động, cái hoạt động đó là do từ bi mà ra. Tánh Không không phải là một không gian trống rỗng, mà là một không gian tràn đầy ơn phước, ơn phước đó do thương yêu mà ra. Phật giáo nhấn mạnh đến trí huệ, dễ dàng đánh mất cái từ bi, nhưng mà thầy viết rất nhiều lần rồi, ít ai để ý lắm. Kinh Đại Bát Nhã nói hoàn toàn về tánh Không, bao giờ khi nói tới đức Phật cũng là mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng và đại từ đại bi, không có đại từ đại bi không thể xác nhận đó là đức Phật. Thành ra, tánh Không không phải là không có gì hết đâu. Nói tánh Không không có gì hết là mình bắt đầu chấp không đó. Bất động, nhưng nội dung của nó chính là từ bi, Bồ tát hoạt động đại từ đại bi trên cái bất động. Nhấn mạnh bất động của trí huệ là chưa đủ, bất động không chỉ có cái một đâu, chính từ bi làm cho cái một biến thành tất cả vũ trụ, vạn vật này, cái bất động này bao gồm tình thương yêu, từ bi. Nhấn mạnh Tâm bất động mới là trí huệ thôi chưa đủ, không có trí huệ nào mà không đi với từ bi hết.
P.Hồng
Kính thưa Thầy, kính thưa đại chúng! Hồi nãy huynh Châu nói em cảm thấy có sự xúc động và cảm hứng. Đầu buổi Thầy có dạy về niềm tin, chính cái niềm tin đó mới thúc đẩy mình hành động và mới có cái thực chứng và mở rộng ra thêm. Quay lại với những chia sẻ của N.Hương lúc nãy. Hồng thấy ở đây mình có cơ hội rất quý là ngay tại đây và bây giờ mình có Thầy có chúng, có rất nhiều công việc nó đang bày ra để cho mình làm. Khi làm việc, thứ nhất mình hòa vào chúng như vậy cái tôi giảm đi. Thứ hai, nó làm cho mình hướng ra ngoài, quan tâm đến người khác nhiều hơn. Thứ ba, làm việc chính là tích tập phước đức, phước đức làm giảm đi chướng ngại. Con tin một điều, thực tại này không che mình, do những lăng xăn lộn xộn của mình mà làm dày thêm các bức tường che chắn. Con thấy việc mình hòa vô làm là điều rất quý.
Thầy
Tại sao mình phải làm phước đức?
P.Hồng
Thưa Thầy, con được nghe dạy và con cũng nghĩ, con xác quyết cái mục đích, cái ý nghĩa sau cùng mình có mặt ở đây, mình thực hành là để làm được cái gì đó có lợi ích cho người khác.
Thầy
Cho nên Thầy nói vậy đó, Thầy nói Nền tảng nhưng mình cứ nghĩ Nền tảng chỉ là Tâm bất động, tánh Không thôi. Cô nói vậy là thiếu một cái rất quan trọng. Phước đức chỉ có thể làm được khi nó có nền tảng là từ bi thôi. Chính từ bi đó làm cho một vị Bồ tát có thể tái sanh được, tánh Không bất động nó là không gian thôi. Không gian nó không có ý nghĩa lắm đâu. Không gian có nội dung là từ bi. Hồi đó Thầy đọc, Thầy thấy chuyện này rất kỳ cục, cả đời mình cứ nhắm vô cái tánh Không, cái không gian thôi. Tất cả những nhà luận sư nổi tiếng đều nói tất cả Pháp thân mới chỉ là tự giải thoát cho mình, phải có từ bi để có được hóa thân và báo thân thì mới làm việc đời được. Cái gì làm cho mình hăng hái làm phước đức, và làm phước đức cho ai, bố thí cho ai, cái đó mới là cái từ bi, thương yêu. Bố thí để làm phước đức thì thành đại gia thôi. Thầy nói những chuyện nho nhỏ như vậy nhưng mình phải suy nghĩ chứ không lướt qua, lướt qua vậy đâu.
Tâm bất động chỉ giải thoát cho riêng mình vì đó chỉ là Pháp thân. Cô muốn làm chuyện đời, làm hạnh Bồ tát đời này sang đời khác thì phải có báo thân và hóa thân. Mà muốn có hóa thân và báo thân thì phải có tâm từ bi. Sơ địa là địa đầu tiên trong mười địa, muốn tiến lên nữa, kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ là “Lấy đại bi làm đầu”. Tại sao cuốn đầu tiên Thầy dịch của đức Dalai Lama từ bản tiếng Pháp, cái đầu đề tiếng Pháp khác, nhưng thầy đổi thành ra là Trí Huệ Và Đại Bi. Bởi vì đạo Phật là Trí Huệ và Từ Bi, không có từ bi không làm được gì hết, cùng lắm làm một vị A La Hán và anh chấm dứt. Mình phải hiểu chứ không thôi mình cứ tu mơ mơ màng màng, giống như có hai chân mà đi một chân à, Tâm bất động thôi.
Thầy nói cái gì là cụ thể. Kỳ trước Thầy nói ông H.Dũng là phải mời mấy anh trẻ của Cần Thơ lên, nếu mấy ông không lên thì nói Thầy mời chứ không phải ông mời, ông phải hạ mình xuống để mời mấy anh trẻ lên. Sau đó mấy ngày, Tuấn gọi điện hỏi Thầy một tháng có mấy kỳ như vậy. Thầy cho anh biết là có hai kỳ một tháng, một kỳ thuyết trình Thầy chỉ tham dự một tiếng, một kỳ của Thầy giảng thì Thầy tham dự suốt ba tiếng, và anh nói sẽ lên vào buổi Thầy giảng. Nhưng Thầy nói, trước khi có buổi này Thầy sẽ cho mấy người gọi điện về nhắc nhở chứ đôi khi không nhớ. Lúc đó Tuấn nói, chuyện này Thầy đã nói Tuấn làm từ lâu rồi nhưng Tuấn làm không được, vì Tuấn nói là Tuấn không nhẫn được. Còn bữa đó Tuấn nói rất rõ ràng với Thầy là vì con đã già, đã có gia đình, con nhẫn được nên con sẽ lên.
Mình coi cái hành động anh lên được đó là vì gì? Vì anh nhẫn được phải không? Mà nhẫn là do đâu, chính là tâm từ bi. Thành ra tất cả những động cơ trong cuộc đời mình đều cần lấy tâm từ bi làm gốc. Thầy nói có đụng chạm tới Tuấn phải không? Có đụng chạm không?
P.Tuấn
Dạ không!
Thầy
Ông nói với Thầy rõ ràng vậy đó. Anh già rồi nên anh nhẫn được. Nhẫn được đó là tâm từ bi, chứ nói Tâm bất động thì anh cứ ngồi một cục thôi. Nên cái gì nó phải cụ thể, chứ cô Hồng cô cứ nói chung chung là làm phước, làm phước phải làm cái gì cụ thể, làm phước là cô dòm ở đời rồi thu vén cho cô nhiều ra à, không phải vậy. Động cơ cô làm phước là gì?
Câu hỏi
Việc tu tập, thực hành trong cuộc sống hàng ngày là ngoài việc giúp mình còn phải giúp những người xung quanh, thưa thầy cho con hỏi là mình làm thế nào để chuyển hóa được những người sử dụng bùa ngải và giúp người bị chơi bùa thì có cách nào không, con xin Thầy chỉ dạy cho con ạ?
Thầy
Mình thấy trong kinh Phổ Môn, kinh của đức Quán Thế Âm, có nói những người nào chơi chú, chơi độc dược hay là bùa chú thì nó sẽ trả lại người đó chứ nó không dính vô mình được. Mình chỉ cần niệm Hồng Danh của đức Quán Thế Âm thôi, mình mạnh mình có thể làm được điều đó, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, những vị cao cấp nhiều khi cũng bị đánh độc như thường, như ngài Bồ Đề Mạt Ma hay ngài Milarepa đó, nhưng cái gì chuyển hóa được? Cái tình thương yêu, sức mạnh của nó có thể chuyển hóa được độc dược. Đời này có nhiều cái lạ lùng lắm. Hồi đó Thầy đọc một câu truyện tiền thân của đức Phật. Đối với đạo Phật, mọi thứ đều có năng lượng hết, do mình không tin thôi. Lời nói cũng có năng lượng, lời nói thật cũng có năng lượng. Ví dụ, hồi đó thầy có kể chuyện, đứa bé con của một cặp vợ chồng bị rắn cắn. Bà vợ nói, tôi nói lời chân thật, tôi mong lời chân thật này ứng lên đứa con của tôi bị rắn cắn sắp chết. Bà nói lời chân thật là, lâu nay tôi sống với ông chồng tôi không có hạnh phúc, tôi khó chịu với ông ấy. Vì lời nói chân thật này tôi mong muốn lời nói của tôi ứng vô đứa con của tôi sẽ thành hiện thực là cái nọc độc nó sẽ ra. Thì sau đó cái nọc độc hết một phần. Tới ông chồng, ông cũng nói lời chân thật, tôi là một vị Bà La Môn, phong tục của người Bà La Môn là khi có khách đến chủ nhà sẽ tiếp đón rất nồng nhiệt, vồn vã, mời ăn uống, nhưng mà khách đến tôi thấy khó chịu lắm, đó là lời chân thật của tôi. Tôi nói lời chân thật với mong muốn con tôi hết nọc độc. Vì lời nói và sự thật đi với nhau. Ông nói mong cho con tôi hết nọc độc, sau đó nọc độc ra hết một nửa nữa. Tiếp tới phiên ông đạo sĩ, cũng nói lời chân thật. Tôi là một đạo sĩ, một tu sĩ nhưng tôi cũng làm biếng lắm, nhưng đó là lời chân thật của tôi, tôi cũng mong muốn lời chân thật của tôi làm cho thằng nhỏ này hết nọc độc. Thì thằng bé hết nọc độc luôn. Thành ra, mình thấy năng lượng của lời nói rất mạnh. Chỉ cần nói lời chân thật thôi mà nọc độc đã ra hết khỏi cơ thể thằng bé. Mà hình như ông đạo sĩ đó là tiền thân kiếp trước của đức Thích Ca. Hóa ra ở đời mình nói dối với nhau nhiều lắm nên mọi thứ không thành sự thật được.
Kinh thánh có nói, lời nói chân thật sẽ trở thành y như thần chú. Khi chúa nói với ông đang nằm chết rằng, ngươi hãy đứng dậy vác băng ca mà đi, thì anh đó đứng dậy và vác băng ca đi liền. Người ta hay nói về chân ngôn, chân ngôn là lời nói chân thật hoàn toàn thôi chứ gì đâu. Thành ra, đối với người biết tu sẽ tìm thấy năng lượng ở mọi thứ, ngay lời nói chân thật cũng tạo cho mình năng lượng. Tu hành chỉ là cần cái chánh, chân thật thôi, Bát chánh đạo là tám cái chánh chứ gì. Thứ nhất là Chánh kiến: quan niệm đúng. Chánh tư duy: suy nghĩ cho đúng. Chánh ngữ: nói đúng, thì cuối cùng dẫn tới chánh định là Niết bàn. Qua đó mình mới thấy cuộc đời mình rất uổng, mình không làm cái gì chánh hết, thành ra không có năng lượng. Chuyện ông đó với bà vợ và ông đạo sĩ nhờ nói lời chánh, chân thật đã chữa khỏi bệnh rắn cắn cho thằng bé. Mình thấy năng lượng của lời nói chân thật nó có ý nghĩa như vậy đó, đẩy luôn được nọc độc của con rắn đi. Hóa ra cuộc đời này cái gì cũng có năng lượng nhưng mình không sử dụng được. Bởi vì sao? Vì mình không chánh, mình cong queo, cong queo. Câu chuyện như vầy có ảnh hưởng đến Thầy chứ không phải chuyện đức Phật hóa phép hay cái gì gì đó.
Mình suy nghĩ ra tại sao mình ít năng lượng như vậy? Là bởi vì mình làm gì cũng thiếu chân thật. Như cô Hồng hồi nãy nói phải tạo phước đức, Thầy hỏi động cơ để tạo phước đức là gì mà cô không trả lời được, cô chỉ tạo phước đức cho chính cô thôi thì cái đó không phải là một cái chánh, khoan nói tới bố thí Ba la mật, cái đó là thuần túy rồi, là đến bờ bên kia rồi. Mình mới thấy cuộc đời mình rất uổng, mình không biết pháp là gì, cái gì nó cũng tạo ra cho mình năng lượng nhưng mình không biết sử dụng và thậm chí còn làm hư nó nữa.
Đời này nó dạy cho mình cong queo, mềm nắn rắn buông, gió chiều nào xoay theo chiều đó, rõ ràng mình không biết sử dụng năng lượng. Đạo Phật hay bất cứ tôn giáo nào cũng dạy cho chúng ta biết sử dụng năng lượng nhưng mình không biết sử dụng bởi vì mình không biết gì về nó, mình sống cuộc đời không chánh. Không chịu nổi cái thằng con ngỗ nghịch, nhưng ai có hỏi thì nói, ôi tốt lắm, đẹp lắm, nó học giỏi lắm, chứ đâu dám nói sự thật, cái tệ của nó. Thành ra, mình tự phá chính mình. Khoa học nói vậy, cái nào cũng có năng lượng. Mấy cái cột này nhìn vậy chứ nó cũng có năng lượng, đốt lên nó có năng lượng rất mạnh về nhiệt nhưng mình không biết sử dụng.
Thầy nghe nói vậy đó, những vị yogi, những vị thành tựu giả họ không ăn, họ rút năng lượng từ trong cây cỏ, trong đá để sống, còn mình rút không được là sao? Cõi đời này là một bài học, nó bình đẳng, không phải học ở Harvard nó khác, học ở Văn Lang nó khác đâu. Bình đẳng vì tất cả ai cũng có mắt tai mũi lưỡi thân ý, đó là bình đẳng. Mình học không được thôi chứ không phải là tôi không có giáo trình, hay giáo trình ở đây dở lắm, không phải vậy, vì mình học không được chứ đâu phải tại giáo trình. Ai cũng có con mắt hết nhưng mình không học được con mắt là cái gì, con mắt nó nhìn cái gì đây, lỗ tai nghe cái gì đây, không học được. Tại sao người ta học được còn mình thì không. Người ta học được thì thành Quán Thế Âm. Quán Thế Âm là nghe được âm thanh của thế gian, còn mình cũng có lỗ tai nhưng không nghe được là mình không biết học chứ đừng có nói tôi không học được, tôi thua mấy ông đó vì tôi không có lỗ tai. Mắt tai mũi lưỡi thân ý ai cũng có, cũng bình đẳng, nhưng cuộc đời mình không học, cố tình không học nên mới trở thành lèng xèng lèng xèng vậy. Chứ đừng đổ thừa tôi không có tài liệu hay tài liệu không tốt, không có tài liệu tài liếc gì hết, phải không? Lỗ tai nghe đủ thứ chuyện, tài liệu đó, tại sao mình không nghe?
Bây giờ hết giờ rồi, mình hẹn kỳ sau tiếp tục!
-----o0o-----